4 chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11
Yến Nhi
Thứ sáu, 01/11/2024 - 12:04
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Từ tháng 11/2024, nhiều chính sách giáo dục nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực bao gồm: Quy định về xếp lương cho viên chức tư vấn học sinh; Bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam...
Quy định về xếp lương cho viên chức tư vấn học sinh
Ngày 18/9/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và cách xếp lương cho viên chức tư vấn học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Theo Thông tư này, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) đối với viên chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định hoặc công chức, viên chức khác đang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định.
Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng III lên hạng II hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định.
Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định.
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Cụ thể như sau: Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 4/11/2024.
Xem chi tiết nội dung Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT tại đây.
Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam
Ngày 2/5/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, người có nhu cầu công nhận văn bằng và cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng sẽ thực hiện thủ tục này theo hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Người đề nghị công nhận văn bằng có thể tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần đến trực tiếp nộp hồ sơ.
Quá trình xử lý hồ sơ, trong đó có thời hạn xử lý hồ sơ, sẽ được cập nhật để người đề nghị công nhận văn bằng theo dõi, tránh tình trạng hồ sơ quá hạn mà không có lý do.
Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người đề nghị công nhận văn bằng thực hiện việc thanh toán lệ phí công nhận văn bằng.
Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến. Nếu người đề nghị công nhận văn bằng có nhu cầu, kết quả sẽ được trả qua đường bưu chính hoặc trực tiếp.
Người có văn bằng có thể đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ sau khi sử dụng và góp ý đối với dịch vụ qua thư điện tử.
Thời gian thực hiện thủ tục công nhận văn bằng sẽ được rút ngắn đáng kể.
Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/11/2024.
Xem chi tiết nội dung Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT tại đây.
Bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
Ngày 5/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 6 về đối tượng liên kết giáo dục. Cụ thể, bên Việt Nam: Cơ sở giáo giáo dục mần non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Bên nước ngoài: Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 5 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động.
Cơ sở có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.
Bên cạnh đó, Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 7 về chương trình giáo dục. Theo đó, chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài;
Không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.
Nghị định 124/2024/NĐ-CP yêu cầu các bên liên kết có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, cha mẹ học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.
Nghị định 124/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo đó, đối tượng liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ gồm:
Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Về chương trình đào tạo, Nghị định 124/2024/NĐ-CP nêu rõ: Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu:
Là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực vào ngày 20/11/2024.
Xem chi tiết nội dung Nghị định 124/2024/NĐ-CP tại đây.
Điều kiện thành lập nhóm trẻ độc lập từ ngày 20/11/2024
Ngày 5/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 125/2024/NĐ-CP có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP.
Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh đối với 8 ngành nghề kinh doanh, gồm: Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non; Hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông; Hoạt động của cơ sở giáo dục thường xuyên; Hoạt động của trường chuyên biệt; Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; Hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Kiểm định chất lượng giáo dục; Dịch vụ tư vấn du học.
Quy định bổ sung rõ trình tự thực hiện 6 thủ tục hành chính còn vướng mắc trong triển khai thực hiện trên thực tế; bổ sung các biểu mẫu trong thành phần hồ sơ của 68/198 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT (đạt 34,3%) và bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến để kịp thời triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Nghị định 125 cũng bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục công nhận đại học vùng, đại học quốc gia.
Cho phép thành lập đối với tổ chức kiểm định trong nước đã được sửa đổi bổ sung phù hợp với quy định của 2 Luật theo hướng quy định cụ thể tường minh các điều kiện, bảo đảm tính khả thi và thực chất phù hợp với mô hình tổ chức công, tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, Nghị định đã chỉnh sửa điều kiện này theo hướng đề án thành lập trường phải “phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương” để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Về điều kiện cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoạt động giáo dục, Nghị định quy định các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể, mang tính chuyên môn, kỹ thuật sẽ được thực hiện theo văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.
Đồng thời, bổ sung quy định: "Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em/học sinh theo quy định".
Đối với trường cao đẳng sư phạm: Nghị định điều chỉnh quy định về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng sư phạm để thống nhất với điều kiện về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đối với trường tư thục, để bảo đảm về nguồn vốn của nhà đầu tư khi đăng ký thành lập trường, bổ sung quy định: "Vốn đầu tư xây dựng trường tư thục phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận"…
Nghị định số 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/11/2024.
Xem chi tiết nội dung Nghị định số 125/2024/NĐ-CP tại đây.
(PLPT) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng.
(PLPT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 149/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
(PLPT) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 80/2024/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ tài chính đối với Đoàn kinh tế - quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 22/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Khu kinh tế - quốc phòng.
(PLPT) - Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 95/2024/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ tiền thưởng (thưởng định kỳ hàng năm và thưởng đột xuất) đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.