Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Việc công nhận những giá trị văn hoá và kinh tế mà các đối tượng tri thức truyền thống mang lại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam là cần xác định công cụ pháp lý tốt nhất để bảo vệ các đối tượng tri thức truyền thống trước tình trạng khai thác thương mại bất hợp pháp tài sản trí tuệ của cộng đồng. Nghiên cứu tiếp cận các chính sách và mô hình pháp lý khác nhau tại các quốc gia trên thế giới về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đối tượng tri thức truyền thống, qua đó đề xuất các cách tiếp cận mới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống tại Việt Nam.
Từ khóa: Tri thức truyền thống; sở hữu trí tuệ; bảo hộ.
Abstract: Recognition of the cultural and economic values that traditional knowledge objects bring plays an important role in the development of legal policies on intellectual property in each country. However, one of the biggest challenges facing the global intellectual property system and Vietnam is determining the best legal instrument to safeguard traditional knowledge objects from unlawful commercial exploitation of community intellectual property. Investigate various legal frameworks and policies in other nations regarding the protection of intellectual property rights for traditional knowledge objects, in order to suggest fresh ideas for enhancing Vietnam's legal framework for doing so.
Keywords: Traditional knowledge; Intellectual Property; protection.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ” và “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ”[1]. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng nhằm thể chế hoá các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2022 với nhiều điểm mới so với hai lần sửa đổi trước đó vào năm 2009 và 2019. Tuy nhiên, Luật SHTT hiện hành vẫn còn thiếu các chính sách bảo hộ tổng thể nhằm phát huy các giá trị tri thức truyền thống của cộng đồng và “sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam” đã được cụ thể hoá trong nhiều nội dung quan trọng tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tầm quan trọng của tri thức truyền thống đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới công nhận, bởi những tiềm năng kinh tế to lớn của loại tài sản này, theo ước tính hơn 70% tài nguyên sinh học của thế giới có nguồn gốc từ tri thức truyền thống[2], và 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào các bài thuốc cổ truyền để chăm sóc sức khỏe cộng đồng[3]. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế và tại Việt Nam việc bảo vệ những đối tượng tri thức truyền thống này đang là chủ đề tranh luận trong lĩnh vực SHTT xoay quanh các câu hỏi chính: liệu hệ thống SHTT ở thời điểm hiện tại có khả năng bảo vệ một cách toàn diện cho đối tượng tri thức truyền thống không? Lựa chọn cơ chế bảo hộ nào phù hợp nhất cho đối tượng tri thức truyền thống? Làm thế nào để đảm bảo cân bằng lợi ích cộng đồng bản địa trong bảo hộ, khai thác quyền SHTT đối với tri thức truyền thống?.
Để làm sáng tỏ những tranh luận nêu trên bài viết tập trung vào việc nghiên cứu bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Peru. Đây là các quốc gia có những tương đồng nhất định với Việt Nam về văn hoá, xã hội, sự phong phú về tri thức truyền thống và đặc biệt các quốc gia này đã xây dựng một hệ thống bảo hộ tổng thể hiệu quả cho đối tượng tri thức truyền thống hiện nay. Qua đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật về bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống tại Việt Nam, tác giả đề xuất những cách tiếp cận mới trong việc hoàn thiện chính sách, mô hình bảo hộ tri thức truyền thống tại Việt Nam từ kinh nghiệm các quốc gia.
Thuật ngữ “tri thức truyền thống” được tiếp cận từ khá sớm kể từ năm 1978, một sáng kiến chung của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thực hiện nỗ lực đầu tiên để bảo hộ tri thức truyền thống dưới góc độ quyền SHTT về văn hoá dân gian, kết quả dẫn đến Luật mẫu WIPO-UNESCO về văn hoá dân gian đã được thông qua vào năm 1981[4]. Tuy nhiên, giai đoạn này khái niệm tri thức truyền thống chỉ giới hạn ở các hình thức“biểu hiện văn hóa dân gian", cách hiểu này còn khá hẹp và chưa toàn diện vì đối tượng tri thức truyền thống có thể được mở rộng ra các kiến thức, kỹ năng, bí quyết truyền thống trong các lĩnh vực. Từ năm 1998-1999 WIPO đã tiếp cận mở rộng khái niệm và các biện pháp bảo hộ về tri thức truyền thống trong Báo cáo các cuộc khảo sát về SHTT và tri thức truyền thống, theo đó tri thức truyền thống “là các sản phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học dựa trên truyền thống; sự biểu diễn; các sáng chế; các phát minh khoa học; các kiểu dáng; các nhãn hiệu, tên và biểu tượng; các thông tin bí mật; và tất cả các sáng kiến hoặc sản phẩm sáng tạo khác là thành quả của hoạt động trí tuệ dựa trên truyền thống trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật” [5]. Cách tiếp cận này theo hướng giải thích khái niệm “tri thức truyền thống” gắn với các đối tượng bảo hộ về SHTT, tuy nhiên đây chưa phải là cách tiếp cận cuối cùng và được thừa nhận chính thức của WIPO.
Hiện tại, khái niệm “tri thức truyền thống” đang được tiếp cận đa dạng trên cơ sở các biểu hiện văn hoá truyền thống và các kiến thức truyền thống trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, kỹ thuật, sinh thái, y học và kiến thức về nguồn gen đa dạng sinh học... Cách tiếp cận của WIPO cũng đã có những thay đổi đáng kể và nhận được sự tiếp nhận của các quốc gia thành viên, theo đó “Tri thức truyền thống là các kiến thức, bí quyết, kỹ năng và thực hành được phát triển, duy trì và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng, tạo thành một phần bản sắc văn hóa hoặc tinh thần của cộng đồng đó”[6]. Thuật ngữ “tri thức truyền thống” hiện nay trong nhiều công trình nghiên cứu và pháp luật các quốc gia được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau như tri thức bản địa (Indigenous Knowledge), tri thức dân gian (Folklore Knowledge), biểu hiện văn hóa truyền thống (Traditional Cultural Expressions), biểu hiện văn hóa dân gian (Expressions of Folklore) … tuy nhiên, những thuật ngữ này được xác định là một bộ phận chỉ đối tượng “tri thức truyền thống” và dùng để hoán đổi cho nhau.
Tri thức truyền thống có một số đặc điểm đặc trưng như: (i) Tính kế thừa, tri thức truyền thống được lưu truyền, phát triển và sáng tạo của nhiều thế hệ; (ii) Được sở hữu tập thể, tri thức truyền thống được xem là tài sản chung của cộng đồng bản địa do tính sáng tạo tập thể, ví dụ tranh dân gian khắc gỗ Đông Hồ, thuộc sở hữu chung làng Đông Hồ, Bắc Ninh; (iii) Được hình thành trên cơ sở quan sát và trải nghiệm trực tiếp gắn với yếu tố văn hoá bản địa, ví dụ tri thức truyền thống của người Harappa cổ (Ấn Độ) bằng việc ứng dụng chiết xuất của cây Neem trong chữa trị kháng viêm, kháng nấm, được sử dụng từ hàng trăm năm trước và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay trong sản xuất dược phẩm[7]; (iv) Tri thức truyền thống được lưu truyền dưới nhiều hình thức khác nhau và không mang tính nguyên gốc. Những đặc điểm này không chỉ tạo nên giá trị về tinh thần, văn hoá của cộng đồng mà còn mang giá trị tài sản rất lớn cho đối tượng khai thác thương mại tri thức truyền thống. Tuy nhiên, các đặc trưng này có thể dẫn đến sự không tương thích với hệ thống SHTT ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và tham khảo các mô hình bảo hộ phù hợp với các đối tượng tri thức truyền thống đặc thù ở mỗi quốc gia.
Ấn Độ được biết đến là một trong những quốc gia có hệ thống tri thức y học cổ truyền đa dạng nhất trên thế giới với hệ thống các dược liệu truyền thống được ứng dụng chữa bệnh theo các phương pháp Ayurveda, Siddha và Unani từ những năm 2500 đến 500 trước Công nguyên[8]. Ngoài ra, với nền văn minh hơn 5000 năm Ấn Độ còn là một trong bốn cái nôi của nền văn minh nhân loại[9]. Vì vậy, Ấn Độ đã có những chính sách tổng thể về bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống từ rất sớm, thông qua hai cơ chế chủ yếu:
Thứ nhất, thông qua cơ chế bảo hộ phòng thủ.
Cơ chế bảo hộ này nhằm thiết lập việc ngăn chặn các bên thứ ba xác lập quyền SHTT trái phép đối với tri thức truyền thống theo hai hướng:
Một là, thiết lập các biện pháp pháp lý về SHTT để công nhận tri thức truyền thống là tình trạng kỹ thuật đã biết nhằm loại bỏ tính mới các sáng chế cấp trái phép. Thông qua Đạo Luật Sáng chế số 39 năm 1970 về sáng chế của Ấn Độ (The Patents Act, No. 39 of 1970) sau này được sửa đổi năm 2002 và 2005 để phù hợp với Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) không cho phép bảo hộ sáng chế tri thức truyền thống theo Mục 3 (p) “Không cấp patent cho những phát minh là những tri thức truyền thống đã được biết đến hoặc là tập hợp những dấu hiệu hay là sự sao chép những thông tin đã được biết đến dựa trên tri thức truyền thống”. Dựa vào những quy định này, Ấn Độ đã từ chối và yêu cầu huỷ các sáng chế được cấp trái phép ngoài lãnh thổ như trường hợp: bằng sáng chế có chiết xuất Azadirachtin trong cây Neem một loại dược liệu truyền thống tại Ấn Độ được cấp tại Hoa Kỳ và Châu Âu; sáng chế cấp tại Hoa Kỳ liên quan đến “ngũ cốc Basmati” vì liên quan đến giống gạo Basmati một loại gạo thơm đã được trồng từ nhiều thế kỷ trước ở Ấn Độ và Pakistan[10]… Lý giải cho những phản đối này, Ấn Độ chỉ rõ “tình trạng kỹ thuật đã biết” liên quan đến các sản phẩm từ tri thức truyền thống, dẫn đến không đảm bảo điều kiện tính mới sáng chế là cơ sở để Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu (EPO) từ chối đơn đăng ký và huỷ các văn bằng sáng chế được cấp không đúng quy trình.
Hai là, tạo cơ sở dữ liệu số về tri thức truyền thống làm cơ sở các cơ quan đăng ký sáng chế trên thế giới tra cứu tính mới. Thư viện số tri thức truyền thống (Traditional Knowledge Digital Library - TKDL), được khởi xướng tại Ấn Độ vào năm 2001. Thư viện số tri thức truyền thống của Ấn Độ chứa hơn 34 triệu trang thông tin định dạng trên 2.260.000 công thức các bài thuốc cổ truyền bằng tiếng Phạn (Sanskrit), tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư (Persian), tiếng Urdu và tiếng Tamil. Đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Thư viện dữ liệu tri thức truyền thống được lưu trữ bằng file điện tử và phân loại như một hệ thống phân loại sáng chế quốc tế với mục đích làm cơ sở đối sánh sáng chế để ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm được phát triển từ tri thức truyền thống của Ấn Độ[11].
Thứ hai, thông qua cơ chế bảo hộ tích cực.
Cơ chế bảo hộ này nhằm mục đích cấp quyền SHTT đối với tri thức truyền thống cho cộng đồng bản địa và cho phép họ thực hiện kiểm soát việc sử dụng kiến thức đó, cũng như hưởng lợi từ việc khai thác thương mại tri thức truyền thống, Ấn Độ tiến hành thông qua các nội dung:
Một là, thiết lập hệ thống SHTT thông qua bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống cho cộng đồng bản địa. Thông qua Đạo luật Chỉ dẫn địa lý hàng hoá năm 1999 của Ấn Độ, đây được xem là một hình thức bảo hộ phù hợp với các cộng đồng bản địa nắm giữ tri thức truyền thống với nguyên tắc không được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm được sản xuất ở ngoài khu vực địa lý. Điều này tạo điều kiện cho các chỉ dẫn địa lý truyền thống tại Ấn Độ được bảo hộ thành công nổi tiếng trên thế giới như: trà Darjeeling, xoài Alphonso, cam Nagpur, dép thủ công tại Kolhapuri Chappal…[12] Ngoài ra, Ấn Độ còn mở rộng bảo hộ tri thức truyền thống ra các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp khác thông qua nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay thậm chí cả bí mật kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện bảo hộ như một đối tượng SHTT thông thường.
Hai là, thiết lập hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) về bảo hộ nguồn gen di truyền có nguồn gốc tri thức truyền thống. Trên cơ sở thực thi quy định tại Điều 27.3 (b) của Hiệp định TRIPS, Ấn Độ đã thiết lập các quy định sui generis thông qua việc ban hành Đạo luật Bảo vệ giống cây trồng và Quyền của nông dân năm 2001 (Đạo luật PPR) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2007[13]. Với mục đích là nông dân và các nhóm bộ lạc duy trì, bảo tồn nhiều loại giống cây trồng bản địa thông qua việc sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông thường, sẽ được chia sẻ lợi ích và ghi nhận sự đóng góp của nông dân vào việc sản xuất một giống mới. Tại Điều 26, Đạo luật PPVFR quy định rằng nhà tạo giống thương mại phải chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc đăng ký giống với nông dân hoặc cộng đồng truyền thống, những người đã đóng góp cho việc phát triển giống cây trồng. Số tiền được xác định trên cơ sở xem xét mức độ và tính chất của việc sử dụng vật liệu di truyền, lợi ích thương mại và nhu cầu thị trường đối với giống mới. Số tiền này sẽ được gửi vào quỹ gen quốc gia và sử dụng để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích bao gồm các biện pháp bảo tồn nguồn gen thực vật có nguồn gốc từ tri thức truyền thống [14].
Ba là, Chính phủ Ấn Độ còn kết hợp tiến hành các sáng kiến cùng với hệ thống pháp lý nhằm bảo hộ tổng thể đối tượng tri thức truyền thống như: khởi xướng các phong trào “Beej Bachao Andolan” nhằm truy tìm sự đa dạng của hạt giống bản địa và các hoạt động bảo tồn của cộng đồng địa phương[15]; xây dựng mạng lưới Honey Bee Network về cơ sở dữ liệu tri thức truyền thống đối với biểu hiện văn hoá dân gian và bài thuốc cổ truyền [16]; thành lập Quỹ Đổi mới Quốc gia (NIF) nhằm cung cấp hỗ trợ về mặt thể chế cho việc tìm kiếm, nhân giống, bảo vệ và nhân rộng các công nghệ cơ sở, cũng như tri thức truyền thống nổi bật[17].
Có thể nói rằng, Ấn Độ đã xây dựng một hệ thống bảo hộ toàn diện và đầy đủ cho tri thức truyền thống với hai chế độ bảo hộ: (i) bảo hộ phòng thủ; (ii) bảo hộ tích cực[18]. Ấn Độ lựa chọn việc tiếp cận bảo hộ quyền SHTT cho các đối tượng tri thức truyền thống theo khía cạnh bảo tồn, phát triển các đối tượng tri thức truyền thống đặt lên trên các khía cạnh lợi ích thương mại. Điểm chung các chính sách này chú trọng đến bảo vệ quyền lợi và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa theo định hướng phát triển bền vững.
Trung Quốc có hệ thống tri thức truyền thống phong phú cả trên phương diện tri thức vật thể và phi vật thể. Vì vậy, để bảo vệ cho nguồn tri thức truyền thống, Trung Quốc cũng thiết lập hệ thống bảo hộ theo hai mô hình bảo hộ tích cực và bảo hộ phòng thủ, cụ thể.
Thứ nhất, theo cơ chế bảo hộ tích cực.
Một là, thông qua hệ thống pháp luật SHTT. Khác với trường hợp Ấn Độ, Trung Quốc cho phép cấp các sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống, cụ thể Luật Sáng chế Trung Quốc trải qua ba giai đoạn phát triển quan trọng liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống, bao gồm: Giai đoạn một (19985 – 1992) giai đoạn này không quy định bảo hộ liên quan đến đối tượng sáng chế y học cổ truyền; Giai đoạn hai (1993 – 2000) với những sửa đổi mở rộng quy định bảo hộ sáng chế các loại dược phẩm truyền thống đối với sản phẩm, phương pháp và cách sử dụng; Giai đoạn ba (2001 – 2020) trải qua bốn lần sửa đổi (gần nhất năm 2020) phạm vi bảo hộ đối tượng sáng chế có nguồn gốc y học cổ truyền được mở rộng cả về hình thức sáng chế và thời gian bảo hộ[19]. Mặc dù vậy, cũng giống như tại Việt Nam những sáng chế có nguồn gốc về tri thức truyền thống tại Trung Quốc thường rất khó vượt qua các rào cản về điều kiện bảo hộ để được cấp bằng độc quyền sáng chế, cụ thể: (i) rào cản thực chất về tính mới, khi nguyên tắc cơ bản của chế độ cấp bằng sáng chế của Trung Quốc là một đổi mới được coi là tính mới nếu nó không được dự đoán trước bằng tình trạng kỹ thuật ngay trước ngày nộp đơn đăng ký bằng sáng chế[20]. Bởi vì, những tri thức truyền thống tại Trung Quốc đã được hệ thống hoá, ghi lại hoặc truyền miệng trong dân gian làm cơ sở dẫn đến loại trừ “tính mới” của sáng chế[21]; (ii) rào cản hành chính về việc cung cấp thông tin tạo ra sáng chế trong quy trình đăng ký khi đơn đăng ký sáng chế phải bao gồm tên và địa chỉ cụ thể của người nộp đơn và tác giả sáng chế (Điều 26 Luật Sáng chế Trung Quốc), nhưng việc xác định tác giả chính xác của tri thức truyền thống không khả thi khi tri thức truyền thống đã tồn tại một thời gian dài và chuyển giao qua nhiều thế hệ.
Vì vậy, nhằm đảm bảo sự tương thích của hệ thống SHTT với tri thức truyền thống, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) tri thức truyền thống trong nước nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, quy trình khác biệt trên nền tảng tri thức truyền thống thoả mãn điều kiện tính mới sáng chế. Ngoài ra, chính sách phân cấp bảo hộ tri thức truyền thống theo các cấp độ khác nhau được triển khai theo ba cấp độ như: tri thức truyền thống bí mật; tri thức truyền thống được cộng đồng và địa phương nắm giữ; tri thức truyền thống ở cấp độ quốc gia, trong đó các tri thức truyền thống bí mật chưa được công bố có khả năng đảm bảo điều kiện tính mới được ưu tiên bảo hộ theo đối tượng bằng độc quyền sáng chế[22]. Bên cạnh đó Trung Quốc còn áp dụng hệ thống pháp luật về SHTT thông thường để bảo hộ tri thức truyền thống bao gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cơ sở dữ liệu và cả bí mật kinh doanh cho các đối tượng tri thức truyền thống không đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế.
Hai là, thông qua cơ chế bảo hộ riêng (sui generis). Trung Quốc đã thiết lập hệ thống bảo hộ riêng độc lập với hệ thống bảo hộ SHTT cho đối tượng y học cổ truyền thông qua ban hành Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992. Quy định này có các nội dung đáng chú ý như:
(1) Về phạm vi bảo hộ. Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thuốc cổ truyền được sản xuất trong nước bao gồm các loại thuốc truyền thống Trung Quốc được chuẩn bị, chiết xuất và các chế phẩm từ dược liệu, cũng như các loại thuốc nhân tạo truyền thống của Trung Quốc (Điều 2). Ngoài ra, quy định này chỉ bảo hộ đối với các loại hình y học cổ truyền mà không thuộc đối tượng cấp bằng sáng chế (theo Luật Bằng sáng chế).
(2) Về cấp độ bảo hộ. Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992 chia làm hai cấp độ bảo vệ đối với y học cổ truyền, cụ thể: (i) Cấp độ một, nếu y học cổ truyền có tác dụng chữa bệnh đặc biệt đối với một căn bệnh nhất định, được sử dụng để phòng ngừa và chữa các bệnh đặc biệt… thời gian bảo hộ lần lượt là ba mươi năm, hai mươi năm và mười năm; (ii) Cấp độ hai, nếu đã từng được liệt kê dưới sự bảo vệ hạng nhất nhưng hiện đang bị hủy bỏ; có tác dụng chữa bệnh vượt trội đối với một căn bệnh nhất định;… thời gian bảo hộ là bảy năm. Thời hạn bảo hộ có thể gia hạn sáu tháng trước ngày hết hạn bảo hộ.
(3) Về nội dung bảo hộ. Trong thời gian bảo hộ, các đơn thuốc và kỹ thuật dược phẩm của các loại y học cổ truyền Trung Quốc sẽ được giữ bí mật và sẽ không được công bố bởi các doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan có thẩm quyền sản xuất và kinh doanh y học cổ truyền Trung Quốc, các bộ phận hành chính y tế công cộng và các đơn vị hoặc cá nhân khác có liên quan.
(4) Về chế tài xử lý vi phạm. Đối với những hành vi tự ý tiết lộ bí mật về thông tin y học cổ truyền được bảo vệ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm. Những hành vi tự ý sản xuất thuốc có nguồn gốc y học cổ truyền không có sự chấp thuận được xử lý như trường hợp thuốc giả bị xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự[23].
Thứ hai, theo cơ chế bảo hộ phòng vệ.
Tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về y học truyền thống làm cơ sở đối chứng tính mới ngăn chặn bên thứ ba xác lập quyền SHTT trái phép liên quan đến tri thức truyền thống. Cơ sở dữ liệu y học truyền thống lớn nhất Trung Quốc được thiết lập bởi Viện Thông tin Y học Cổ truyền Trung Quốc (Cơ sở dữ liệu Y học Cổ truyền Trung Quốc), bao gồm khoảng 48 loại cơ sở dữ liệu, sở hữu 120.000 mục liên quan đến y học cổ truyền của Trung Quốc. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu bằng sáng chế về y học cổ truyền Trung Quốc được Văn phòng SHTT nhà nước quản lý và duy trì, bao gồm hơn 22.000 hồ sơ bằng sáng chế liên quan đến y học cổ truyền của Trung Quốc thông qua tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ chính thức chung[24].
Từ việc phân tích các chính sách bảo hộ tri thức truyền thống, có thể nói Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Ấn Độ trong việc xây dựng hệ thống bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống một cách tổng thể. Tuy nhiên, Trung Quốc tập trung vào các cơ chế bảo hộ tích cực và khai thác các khía cạnh thương mại của tri thức truyền thống (cho phép cấp sáng chế có nguồn gốc tri thức truyền thống) song hành cùng chính sách bảo hộ đặc thù riêng (sui generis).
Peru là một quốc gia nằm ở tây bắc khu vực Nam Mỹ với mức độ đa dạng sinh học cao và là nơi chung sống của 55 nhóm người bản địa đa dạng về sắc tộc và tôn giáo[25]. Vì vậy, Peru đã xây dựng một hệ thống pháp luật cả trong nước và quốc tế để bảo vệ toàn diện đối tượng tri thức truyền thống. Cụ thể:
Trên bình diện quốc tế quốc tế: Peru cùng cộng đồng các nước thành viên của Andean đã thông qua Quyết định 345 năm 1993 về cơ chế chung trong tiếp cận nguồn gen và sau đó được sửa đổi bởi Quyết định 391 năm 1991 bao gồm các điều khoản liên kết các cơ quan SHTT với những người có quyền tiếp cận nguồn gen. Đến năm 2000, Cộng đồng Andean tiếp tục thông qua Quyết định 486 Chế độ sở hữu công nghiệp với mục tiêu gắn kết đa dạng sinh học với sở hữu công nghiệp. Điều 3 của Quyết định 486 đảm bảo rằng quyền sở hữu công nghiệp do các thành viên cấp sẽ được thực hiện theo cách tôn trọng và bảo vệ di sản sinh học và di truyền của cộng đồng bản địa, người Mỹ gốc Phi hoặc địa phương[26].
Trên bình diện quốc gia: Năm 1996, Đạo luật số 832 về Luật Sở hữu công nghiệp của Peru đã ban hành quy định về việc công nhận khả năng xây dựng cơ chế bảo hộ đặc biệt đối với tri thức của người bản địa (Điều 63). Đến năm 1997, Peru lại tiếp tục ban hành Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học, liên quan đến bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học bản địa. Tuy nhiên, thành công nhất trong xây dựng hệ thống pháp luật về bảo hộ tri thức truyền thống tại Peru đó là việc ban hành Luật số 27811 về Cơ chế bảo hộ Tri thức tập thể của người bản địa liên quan đến Đa dạng sinh học năm 2002. Đây được xem là một trong những cơ chế sui generis đầu tiên trên thế giới được ban hành với hai mục đích chính: (i) nhằm bảo đảm sự kiểm soát của cộng đồng người bản địa đối với việc sử dụng tri thức truyền thống và thu lợi từ tri thức; (ii) ngăn chặn tình trạng cấp các sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống [27]. Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học Peru có những nội dung quy định quan trọng về tri thức truyền thống bao gồm:
Thứ nhất, định nghĩa khái niệm tri thức tập thể (collective knowledge) là “tri thức được phát triển, tích lũy và chuyển giao qua nhiều thế hệ bởi các cộng đồng và người bản địa liên quan đến thuộc tính, cách sử dụng và đặc điểm của nguồn tài nguyên đa dạng sinh học” (Điều 2.a) theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng ra cả đối tượng áp dụng đối với các biểu đạt văn hoá liên quan đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.
Thứ hai, xác định chủ sở hữu, tổ chức đại diện và cơ quan bảo vệ cho tri thức truyền thống. Chủ sở hữu các tri thức truyền thống được xác định là các người dân bản địa, theo Điều 2.1 Luật số 26839 xác định “người bản địa” chính là những thổ dân nắm giữ các tri thức truyền thống trước khi thành lập Nhà nước Peru và có nền văn hoá riêng trên một khu vực lãnh thổ cụ thể và thuật ngữ “bản địa” tương đồng với từ “thổ dân”, “truyền thống”, “dân tộc”… Luật số 26839 xác định tổ chức đại diện tri thức truyền thống do chính dân tộc bản địa bầu ra (Điều 14), ngoài ra còn thiết lập một cơ quan bảo vệ tri thức truyền thống cho người dân bản địa dưới tên gọi “Ban bảo vệ tri thức bản địa” gồm 5 người trong đó 3 người được chỉ định bởi người dân bản địa và 2 người do Uỷ ban quốc gia về các dân tộc Andean, Amazon và Afro-Peru chỉ định (Điều 65).
Thứ ba, về công cụ bảo hộ: Luật số 26839 bảo vệ tri thức truyền thống thông qua: (i) hệ thống đăng ký tri thức truyền thống; và (ii) li-xăng (thông qua chuyển giao hợp đồng). Đối với hệ thống đăng ký tri thức truyền thống, theo Điều 15 Luật 27811 quy định theo ba phương thức đăng ký: Đăng ký công khai tại Cơ quan đăng ký quốc gia; Đăng ký qua cơ chế bảo mật thông tin; Đăng ký tại địa phương. Hệ thống đăng ký đa tầng này được xem như là một cơ chế kiểm soát và bảo tồn tri thức truyền thống ngăn chặn tình trạng thất truyền hay “chảy máu” tri thức ra ngoài cộng đồng, quốc gia. Đối với công cụ bảo hộ thông qua li-xăng tri thức truyền thống được đảm bảo dựa trên hai phương thức: (i) sự chấp thuận trước của người bản địa thông qua tổ chức đại diện của người bản địa (Điều 6); (ii) cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua mức phí bản quyền khi đàm phán li-xăng tri thức truyền thống (Điều 7).
Thứ tư, chế tài xử lý xâm phạm tri thức truyền thống. Được quy định các Điều 62 Luật số 27811 đặt ra nhiều biện pháp xử lý, bao gồm (i) biện pháp hành chính với mức phạt tiền tối đa là 150 đơn vị thuế; (ii) biện pháp tạm thời như tịch thu hàng hoá, kiểm soát việc thông quan và nhập khẩu hàng hoá,….; (iii) biện pháp hình sự.
Có thể nói, Chính phủ Peru đã giành một sự quan tâm rất lớn đến bảo hộ tri thức truyền thống thông qua việc phát triển song hành hệ thống bảo hộ trong nước và trong phạm vi khu vực, quốc tế. Khác với mô hình Ấn Độ hay Trung Quốc trong việc bảo hộ tổng thể đối tượng tri thức truyền thống, Peru tập trung thiết lập một hệ thống pháp luật bảo hộ riêng (sui generis) làm cơ sở bảo vệ tri thức truyền thống và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa. Đây là mô hình có giá trị tham khảo cho việc xây dựng các hệ thống sui generis trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Qua việc nghiên cứu thực trạng bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống tại ba quốc gia điển hình là: Ấn Độ; Trung Quốc và Peru có một số nhận xét, đánh giá như sau:
Thứ nhất, các quốc gia đều xây dựng một chính sách bảo hộ tổng thể cho tri thức truyền thống kết hợp giữa nhiều chính sách bảo hộ phòng thủ và tích cực. Tuy nhiên, tùy vào tính đặc thù của tri thức truyền thống bản địa và các chính sách riêng mà mỗi quốc gia có những lựa chọn mô hình riêng, theo đó: Ấn Độ lựa chọn việc tiếp cận bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống theo khía cạnh bảo tồn, chống lại việc thương mại hoá trái phép từ bên thứ ba, nổi tiếng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức truyền thống và hệ thống SHTT để phản đối các sáng chế cấp trái phép có nguồn gốc từ tri thức truyền thống của Ấn Độ; Trung Quốc tập trung vào các cơ chế bảo hộ tích cực thông qua các chính sách bảo hộ đặc thù riêng (sui generis) và sử dụng hệ thống SHTT đối với sáng chế cho việc bảo tồn các bài thuốc cổ truyền; Peru lại tiếp cận bảo hộ tri thức truyền thống không chỉ trong nước mà còn phạm vi khu vực (Quyết định 486) trên cơ sở việc xây dựng sớm hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) trong đạo Luật số 26839 nhằm chia sẻ quyền lợi cho người dân khi sử dụng nguồn nguồn gen đa sạng sinh học của người bản địa.
Thứ hai, hệ thống SHTT hiện nay không thể bảo vệ toàn diện cho các đối tượng tri thức truyền thống nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và khai thác tri thức truyền thống. Sự không toàn diện của pháp luật SHTT xuất phát từ một số đặc điểm không tương thích khi xác lập bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống, ví dụ: các bài thuốc cổ truyền thường khó vượt qua được điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo vì được coi là “tình trạng kỹ thuật đã biết” khi được sử dụng trong cộng đồng bản địa từ lâu (Ấn Độ tận dụng đặc điểm này để từ chối cấp và huỷ sáng chế từ cây Neem, ngũ cốc Basmati); vấn đề về bảo hộ có thời hạn trong SHTT có thể không tương thích với mục đích bảo hộ lâu dài của tri thức truyền thống; cũng như tính nguyên gốc của tri thức truyền thống thường khó đảm bảo trong đăng ký SHTT… Tuy vậy, hệ thống SHTT lại đóng vai trò quan trọng đối với các đối tượng tri thức truyền thống, ví dụ như: bảo hộ thông qua đối tượng sáng chế bài thuốc cổ truyền có khả năng bảo tồn và mang lại giá trị kinh tế lớn (khả năng thương mại hoá); bảo hộ thông qua đối tượng nhãn hiệu, hay chỉ dẫn địa lý có khả năng quảng bá, khai thác và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương (ví dụ như trà Darjeeling, xoài Alphanso của Ấn Độ); bảo hộ và chia sẻ nguồn gen đa dạng sinh học từ tri thức truyền thống phù hợp qua việc bảo vệ giống cây trồng (Peru).
Thứ ba, các cơ chế bảo hộ tri thức truyền thống được xây dựng dựa trên việc đảm bảo lợi ích cho cộng đồng bản địa. Nguyên tắc này được thể hiện rất rõ trong các cơ chế bảo hộ của các quốc gia, cụ thể: Ấn Độ đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng bản địa dựa trên cơ sở thiết lập cơ chế phòng thủ chống lại việc cấp sáng chế trái phép bài thuốc cổ truyền và đồng thời mở rộng đăng ký các đối tượng SHTT (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) cũng như các sáng kiến bảo hộ tổng thể nhằm phát triển, quảng bá khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nắm giữ tri thức. Trung Quốc thiết lập cơ chế bảo hộ riêng trong Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992 và xây dựng cơ sở dữ liệu y học cổ truyền nhằm loại trừ việc đăng ký sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống đảm bảo khả năng sử dụng các bài thuốc cổ truyền cho cộng đồng bản địa. Peru quy định cụ thể quy trình xin phép và cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua mức phí bản quyền khi đàm phán li-xăng tri thức truyền thống nguồn gen sinh học trong Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học.
Từ những đánh giá thực trạng bảo hộ các quốc gia nêu trên, có thể rút ra những kinh nghiệm cụ thể cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống bảo hộ tri thức truyền thống hiện nay: (i) Cần tiếp cận bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống một cách tổng thể từ bảo hộ phòng thủ đến bảo hộ tích cực trong đó hệ thống SHTT đóng vai trò quan trọng; (ii) Các chính sách bảo hộ cần xây dựng dựa trên tính đặc thù của tri thức truyền thống riêng ở mỗi quốc gia và phù hợp các cam kết quốc tế; (iii) Đảm bảo chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng bản địa là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chính sách bảo hộ.
Việt Nam có một hệ thống tri thức truyền thống đa dạng cả về kiến thức truyền thống trong khoa học, kỹ thuật và cả hình thức biểu đạt văn hoá. Vì vậy, trong những năm qua những chính sách bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống trên cơ sở hệ thống pháp luật SHTT tại Việt Nam đã có một số kết quả đáng ghi nhận:
Về tham gia và tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống. Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WIPO (ngày 02/06/1976), vào năm 2000 các thành viên của WIPO trong đó có Việt Nam đã thành lập một Ủy ban liên chính phủ về SHTT và tài nguyên di truyền, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC) và tổ chức họp lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2001 bàn về các công cụ pháp lý quốc tế để bảo vệ tri thức truyền thống, các biểu hiện văn hóa truyền thống và nguồn gen. Sau gần hơn hai thập kỷ với gần 50 phiên họp trên toàn cầu, vào đầu năm 2024, Việt Nam cùng hơn 190 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua “Hiệp ước WIPO về sở hữu trí tuệ, nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan” đòi hỏi các quốc gia có trách nhiệm thi hành [28]. Ngoài ra, trước đó Việt Nam cũng là thành viên và tuân thủ các cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tư cách một Hiệp định FTA thế hệ mới đã có quy định riêng áp dụng đối với bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống gắn với nguồn gen tại Chương 18, Điều 18.6. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam về việc bảo hộ các tri thức truyền thống và chứng minh vai trò quan trọng của hệ thống SHTT trong bảo hộ các đối tượng TTTT địa phương.
Về các quy định tại Việt Nam. Luật SHTT năm 2005 ra đời với các lần sửa đổi 2009, 2019 tiếp cận quy định các đối tượng TTTT được bảo hộ như một loại tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian truyền thống tại Điều 23 ví dụ như: tranh dân gian Làng Sình; tín ngưỡng thờ đạo mẫu, quan họ Bắc Ninh… Tuy nhiên, cách tiếp cận này khả hẹp, phải sang đến lần sửa đổi mới nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022 đã bổ sung các quy định bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp dựa trên nguồn gen và TTTT nhằm tương thích với các cam kết quốc tế (Hiệp định CPTPP và AVFTA)[29]. Ngoài ra, Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (thay Thông tư số 01/2007 TT-BKHCN) đã có những hướng dẫn về nộp đơn đăng ký sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống ký nguồn gen.
Tuy nhiên, những cam kết quốc tế và quy định hiện hành tại Việt Nam chỉ đề cập chủ yếu đến bảo hộ sáng chế đối tượng bảo hộ tri thức truyền thống về nguồn gen tri thức truyền thống, còn những đối tượng tri thức truyền thống khác về các lĩnh vực y học, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, văn hoá… chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể. Nhìn chung, đánh giá thực trạng bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại một số thách thức và khó khăn cần sớm giải quyết trong thời gian tới như:
(i) Hệ thống Luật SHTT đang thiếu quy định hướng dẫn về bảo hộ tri thức truyền thống như: nội hàm khái niệm “tri thức truyền thống”, xác định tổ chức đại diện tập thể bảo vệ quyền lợi cộng đồng bản địa, quy định về chia sẻ lợi nhuận từ khai thác sử dụng tri thức truyền thống.
(ii) Chưa có cơ sở dữ liệu về tri thức truyền thống nhằm mục đích để lưu trữ và làm chứng cứ để phản đối các sáng chế, nhãn hiệu xác lập bất hợp pháp trong nước và tại các quốc gia trên thế giới có nguồn gốc từ tri thức truyền thống của Việt Nam.
(iii) Thiếu các hệ thống bảo hộ đặc thù (sui generis) song hành với hệ thống SHTT. Tác giả đã chứng minh ở mục 3.4, hệ thống SHTT không thể bảo hộ toàn diện đối tượng tri thức truyền thống điều này đòi hỏi phải có những cơ chế bảo hộ đặc thù, liên ngành phù hợp và hỗ trợ cho hệ thống SHTT hiện hành.
Nguyên nhân những thách thức, hạn chế này xuất phát từ tính đặc thù của đối tượng tri thức truyền thống và thiếu các giải pháp tổng thể trong bảo hộ, khai thác đối tượng tri thức truyền thống tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Đòi hỏi trong thời gian tới cần có những cách tiếp cận mới trong việc hoàn thiện hệ thống bảo hộ tri thức truyền thống tại Việt Nam, mà trọng tâm là đảm bảo chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa.
Trên cơ sở nghiên cứu các kinh nghiệm về bảo hộ đối với tri thức truyền thống tại Ấn Độ, Trung Quốc, Peru và đánh giá thực trạng bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống tại Việt Nam, tác giả xin đề xuất một số cách tiếp cận bảo hộ mới tại Việt Nam theo hai cơ chế: (i) bảo hộ phòng thủ (ii) và bảo hộ tích cực.
Thứ nhất, cơ chế bảo hộ phòng thủ.
Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu về tri thức truyền thống tại Việt Nam. Mục đích để lưu trữ và làm chứng cứ để phản đối các sáng chế, nhãn hiệu xác lập bất hợp pháp tại các quốc gia trên thế giới có nguồn gốc từ tri thức truyền thống của Việt Nam. Tiếp thu kinh nghiệm Ấn Độ và Trung Quốc trong việc mở rộng nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu theo từng ngành, từng cấp độ như: thư viện số về tri thức truyền thống; thiết lập mạng lưới Honey Bee Network về cơ sở dữ liệu như Ấn Độ; hay sổ đăng ký đa dạng sinh học. Theo tác giả nên thí điểm cơ sở dữ liệu đối với tri thức truyền thống về y học cổ truyền dưới hai hình thức: (i) xuất bản truyền thống: tạp chí khoa học, học thuật, kỹ thuật và kinh doanh, v.v. (ii) xuất bản hình thức lưu trữ bằng file điện tử qua Internet và phân loại như một hệ thống phân loại sáng chế quốc tế trên cơ sở phối hợp giữa Cục quản lý Y dược học cổ truyền với Cục SHTT;
Hai là, yêu cầu bộc lộ nguồn gốc nguồn gen và tri thức truyền thống trong đơn đăng ký sáng chế và giấy phép tiếp cận nguồn gen thông qua các biện pháp pháp lý, hành chính trong Luật SHTT và Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở kiểm soát tri thức truyền thống và chia sẻ lợi ích cộng đồng như trường hợp Trung Quốc và Peru.
Thứ hai, cơ chế bảo hộ tích cực.
Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về SHTT, cụ thể: (i) cần bổ sung định nghĩa “tri thức truyền thống” và “cộng đồng bản địa”; (ii) xác định rõ chủ thể được bảo hộ và tổ chức đại diện tập thể đối với tri thức truyền thống; (iii) bổ sung đối tượng được hưởng thù lao là cộng đồng nắm giữ, quản lý tri thức truyền thống; (vi) mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ việc chia sẻ lợi ích từ nguồn gen tri thức truyền thống cho cộng đồng bản địa, không chỉ trong khu bảo tồn tại Điều 31 và 61 Luật Đa dạng sinh học 2008; Điều 10, 18, 19 Nghị định 65/2010/NĐ-CP.
Hai là, nghiên cứu thiết lập cơ chế bảo hộ riêng sui generis. Tham khảo kinh nghiệm Peru (Luật số 27811 về Cơ chế bảo hộ Tri thức tập thể của người bản địa liên quan đến Đa dạng sinh học năm 2002) và Trung Quốc (Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền năm 1992). Việc thiết lập cơ chế bảo hộ riêng sui generis có thể tích hợp trong các quy định pháp luật liên ngành hoặc các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể các nội dung về: (i) cơ chế đăng ký tri thức truyền thống; và (ii) li-xăng tri thức truyền thống (thông qua chuyển giao hợp đồng) có thu phí. Ngoài ra, nên phân cấp quản lý và chia sẻ lợi ích theo hướng đa tầng với bốn cấp độ khác nhau: (1) cấp độ bí mật; (2) cấp độ cộng đồng, địa phương; (3) cấp độ quốc gia; (4) cấp độ toàn cầu.
Có thể kết luận rằng, hệ thống SHTT hiện hành trên thế giới và tại Việt Nam không thể bảo hộ một cách đầy đủ cho đối tượng tri thức truyền thống, xuất phát từ sự không tương thích giữa hệ thống SHTT với các đối tượng tri thức truyền thống. Vì vậy, việc tiếp cận theo hướng bảo hộ tổng thể thông qua chiến lược bảo hộ phòng thủ và bảo hộ tích cực (theo quan điểm WIPO và kinh nghiệm từ Ấn Độ, Trung Quốc và Peru) được xem là mô hình phù hợp với Việt Nam hiện nay mà không mâu thuẫn với hệ thống SHTT. Tuy nhiên, trong xây dựng chính sách bảo hộ cần lưu ý đến tính đặc thù của tri thức truyền thống ở mỗi quốc gia là khác nhau và cần đảm bảo việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022).
2. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2021)
3. Adhish Anilkumar Kulkarni, “Intellectual Property Rights vis-à-vis Traditional Knowledge: A Critical Analysis”, 3 (6) IJLSI Page 303 - 311 (2021),
4. Cottier, T., & Panizzon, M, Legal perspectives on traditional knowledge: The case for intellectual property protection, Journal of International Economic Law, 7(2), 371-399, (2004).
5. Dhar, B., & C. Niranjan Rao, Third Amendment to 1970 Patent Act: An Analysis. Economic and Political Weekly, 39(52), 5568–5571, (2004). http://www.jstor.org/stable/4 415969. (hereinafter “B. Dhar”) 18. Id.
6. DWAYNE MAMO, THE INDIGENOUS WORLD 2021 (35TH EDITION), THE INTERNATIONAL WORK GROUP FOR INDIGENOUS AFFAIRS (IWGIA), DENMARK, P.458, (2021).
7. Gupta, Anil K, From sink to source: The Honey Bee Network documents indigenous knowledge and innovations in India, Innovations: Technology, Governance, Globalization 1 (3), 49-66, (2006).
8.Kausik Biswas., Ishita Chattopadhyay., Ranajit K. Banerjee., Uday Bandyopadhyay , Biological Activities and Medicinal Properties of Neem, Current Science, Vol. 82, No. 11, (2002).
9. Kotamraju, Priyanka. Beej Bachao Andolan: The Analysis of a Movement. MS thesis. MICA (Mudra Institute of Communications, Ahmedabad), (2009).
10. Mukherjee, Bhaswati, India’s Intangible Cultural Heritage: A Civilisational Legacy to The World, Government of India: New Delhi, India (2015). http://www.mea.gov.in/infocusarticle.htm?24717/Indias+Intangible+Cultural+Heritage+A+Civilisational+Legacy+To+The+World.
11. Noble, B, Justice, transaction, translation: Blackfoot Tipi transfers and WIPO's search for the facts of traditional knowledge exchange, American Anthropologist, 109(2), 338-349, (2007), https://doi.org/10.1525/aa.2007.109.2.338.
12. Núñez, R. G. A, Intellectual property and the protection of traditional knowledge, genetic resources and folklore: the peruvian experience, Max Planck Yearbook of United Nations Law Online, 12(1), 485-549, (2008).
13. Institute of Information on Traditional Chinese Medicine (IITCM), ‘TCM Database System’,(2014)
14. Pandey, M. M., Rastogi, S., & Rawat, A. K. S, Indian traditional ayurvedic system of medicine and nutritional supplementation, Evidence‐Based Complementary and Alternative Medicine, 376327, (23 June 2013), https://doi.org/10.1155/2013/376327.
15. Peru, Law No. 27811 Introducing the Protection Regime for the Collective Knowledge of Indigenous Peoples derived from Biological Resources, (2002), https://www.wipo.int/tk/en/databases/tklaws/articles/article_0016.html.
16. Xia, N, Intellectual property protection for traditional medical knowledge in China’s context: a round peg in a square hole?, Medical Law Review, 31(3), 358-390, (05 April 2023), https://doi.org/10.1093/medlaw/fwad006.
17. Oguamanam, Chidi, Protecting Indigenous Knowledge in International Law: Solidarity Beyond the Nation-State, Law Text Culture 8 (10), pp. 191-230, (2004).
18. Riya, Rotection of traditional knowledge under intellectual property rights regime, E- Journal of Academic Innovation and Research in Intellectual Property Assets (E-JAIRIPA) Vol. 1 (01), pp. 149-164 2, (Dec 2020).
19. Reid, J, Biopiracy: the struggle for traditional knowledge rights, American Indian Law Review, 34(1), 77–98, (2009). http://www.jstor.org/stable/25684263.
20. Sujith Koonan, India's sui generis system of plant variety protection, International Environmental Law Research Centre, (2014), https://www.ielrc.org/content/f1401.pdf.
21. Sijia Liu, New Law Sparks the Expectation Over the Future of Traditional Chinese Medicine: Can TCM Law EffectivelyPromote the Development of TCM Industry in China?, 37 Medicine and Law 193, (2018).
22. Trivedi, T, Protection of Traditional Knowledge under the Intellectual Property Rights Regime with Special Reference to India, Issue 5 Int'l JL Mgmt. & Human., 5, 575, (2022), DOI:https://doij.org/10.10000/IJLMH.113604.
23. The National People’s Congress Standing Committee of China, Patent Law of the People’s Republic of China, (amended up to October 17, 2020), http://en.npc.gov.cn.cdurl.cn/2020-10/17/c_674693.htm.
24. The state council of the People’s Republic of China, Regulations on Protection of Traditional Chinese Medicines 1992, promulgated by Order No. 106 of October 14, 1992, of the state council of the People’s Republic of China. https://www.wipo.int/wipolex/fr/text/337300.
25. World Health Organization, WHO traditional medicine strategy: 2014-2023. World Health Organization, (2013), https://iris.wpro.who.int/handle/10665.1/11340.
26. WIPO, WIPO Member States Adopt Historic New Treaty on Intellectual Property, Genetic Resources and Associated Traditional Knowledge, (May 24, 2024), https://www.wipo.int/pressroom/en/articles/2024/article_0007.html,
27. WIPO, Intellectual Property Needs and Expectations of Traditional Knowledge Holders: WIPO Report on Fact-finding Missions on Intellectual Property and Traditional Knowledge (1998-1999). Vol. 768.
28. WIPO, About the Traditional Knowledge Digital Library, Information courtesy of the Council of Scientific and Industrial Research, (2011), https://www.wipo.int/meetings/en/2011/wipo_tkdl_del_11/dl.html.
29. WIPO, Traditional Knowledge and Intellectual Property – Background Brief, (2015) https://www.wipo.intriefs/tk_ip.html.
30. Yongzhong, Qiao, and Zhu Xuezhong, Patent Protection of the Traditional Chinese Medicine and Its Impact on the Related Industries in China, 99-108, (2009).
* ThS.NCS. Nguyễn Văn Phúc - Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Duyệt đăng 12/12/2024. Email: nvphuc.dhl23@hueuni.edu.vn.
[1] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, T. I, TR. 201, 230, (2021).
[2] Oguamanam, Chidi, Protecting Indigenous Knowledge in International Law: Solidarity Beyond the Nation-State, Law Text Culture 8 (10), pp. 191-230, (2004).
[3] World Health Organization, WHO traditional medicine strategy: 2014-2023. World Health Organization, (2013), https://iris.wpro.who.int/handle/10665.1/11340.
[4] Trivedi, T, Protection of Traditional Knowledge under the Intellectual Property Rights Regime with Special Reference to India, Issue 5 Int'l JL Mgmt. & Human., 5, 575, (2022), DOI:https://doij.org/10.10000/IJLMH.113604.
[5] WIPO, Intellectual Property Needs and Expectations of Traditional Knowledge Holders: WIPO Report on Fact-finding Missions on Intellectual Property and Traditional Knowledge (1998-1999). Vol. 768. WIPO, (2001), https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/tk/768/wipo_pub_768.pdf.
[6] WIPO, “TraditionalKnowledge” https://www.wipo.int/tk/en/tk/#20 cultural%20or%20s piritual%20identity.
[7] Kausik Biswas., Ishita Chattopadhyay., Ranajit K. Banerjee., Uday Bandyopadhyay , Biological Activities and Medicinal Properties of Neem, Current Science, Vol. 82, No. 11, (2002).
[8] Pandey, M. M., Rastogi, S., & Rawat, A. K. S, Indian traditional ayurvedic system of medicine and nutritional supplementation, Evidence‐Based Complementary and Alternative Medicine, 376327, (23 June 2013), https://doi.org/10.1155/2013/376327.
[9] Mukherjee, Bhaswati, India’s Intangible Cultural Heritage: A Civilisational Legacy to The World, Government of India: New Delhi, India (2015). http://www.mea.gov.in/infocusarticle.htm?24717.
[10] Reid, J, Biopiracy: the struggle for traditional knowledge rights, American Indian Law Review, 34(1), 77–98, (2009). http://www.jstor.org/stable/25684263.
[11] WIPO, About the Traditional Knowledge Digital Library, Information courtesy of the Council of Scientific and Industrial Research, (2011), https://www.wipo.int/meetings/en/2011/wipo_tkdl_del_11/dl.html.
[12] Dhar, B., & C. Niranjan Rao, Third Amendment to 1970 Patent Act: An Analysis. Economic and Political Weekly, 39(52), 5568–5571, (2004). http://www.jstor.org/stable/4 415969.
[13] Sujith Koonan, India's sui generis system of plant variety protection, International Environmental Law Research Centre, (2014), https://www.ielrc.org/content/f1401.pdf.
[14] Article 26. Determination of benefit sharing by Authority. The protection of plant varieties and farmers’ rights act, (2001).
[15] Phong trào bảo vệ hạt giống (Beej Bachao Andolan), phong trào này được khởi xướng vào những năm 1980 tại Uttarakhand, Ấn Độ, bởi nông dân và các nhà hoạt động để bảo vệ hạt giống bản địa khỏi sự tuyệt chủng. Mục tiêu chính là bảo tồn các giống hạt giống truyền thống và thúc đẩy các phương pháp canh tác hữu cơ chống lại việc thương mại hóa và độc quyền hạt giống của các tập đoàn lớn. Xem Kotamraju, Priyanka. Beej Bachao Andolan: The Analysis of a Movement. MS thesis. MICA (Mudra Institute of Communications, Ahmedabad), 2009.
[16] Mạng lưới ong mật (Honey Bee Network) được khởi xướng bởi Chính phủ Ấn Độ vào năm 1988-1989 để xây dựng một mạng lưới cơ sở dữ liệu nhằm tìm kiếm, phát triển và chia sẻ lợi ích từ những sáng kiến, công nghệ, đổi mới có nguồn gốc từ tri thức truyền thống (tập trung vào biểu hiện văn hoá dân gian và bài thuốc cổ truyền) của cộng đồng bản địa tại các vùng nông thôn Ấn Độ. Trong thời gian qua hệ thống đã ghi nhận hơn 100.000 sáng kiến và kiến thức thực hành từ truyền thống, mạng lưới xuất bản cơ sở dữ liệu trực tuyến và xuất bản một bản tin hàng quý bằng tiếng Anh và 7 ngôn ngữ Ấn Độ bản địa. Xem Gupta, Anil K, From sink to source: The Honey Bee Network documents indigenous knowledge and innovations in India, Innovations: Technology, Governance, Globalization 1 (3), 49-66, (2006).
[17] Riya, Rotection of traditional knowledge under intellectual property rights regime, E- Journal of Academic Innovation and Research in Intellectual Property Assets (E-JAIRIPA) Vol. 1 (01), pp. 149-164 2, (Dec 2020).
[18] Adhish Anilkumar Kulkarni, Intellectual Property Rights vis-à-vis Traditional Knowledge: A Critical Analysis, 3 (6) IJLSI Page 303 - 311 (2021), DOI https://doij.org/10.10000/IJLSI.111212.
[19] Yongzhong, Qiao, and Zhu Xuezhong, Patent Protection of the Traditional Chinese Medicine and Its Impact on the Related Industries in China, 99-108, (2009).
[20] Patent Law (n 160); Chinese Patent Examination Guidelines, No 391, Promulgated by State Intellectual Property Office on 11 December 2020 (The Guidelines) 153.
[21] Ví dụ như trường hợp thuốc bắc (thuốc dân tộc Hán (汉族中医), vốn là loại thuốc cổ truyền có ảnh hưởng nhất ở Trung
Quốc và thường được hệ thống hóa dưới dạng văn bản trong các tác phẩm y học kinh điển nổi tiếng, được lưu hành rộng rãi trong người dân Trung Quốc. Vì lý do này, loại thuốc thảo dược này khó đáp ứng được các tiêu chí cấp bằng sáng chế về tính mới theo yêu cầu của luật sáng chế Trung Quốc. Sijia Liu, New Law Sparks the Expectation Over the Future of Traditional Chinese Medicine: Can TCM Law EffectivelyPromote the Development of TCM Industry in China?, 37 Medicine and Law 193, (2018).
[22] Xia, N, Intellectual property protection for traditional medical knowledge in China’s context: a round peg in a square hole?, Medical Law Review, 31(3), 358-390, (05 April 2023), https://doi.org/10.1093/medlaw/fwad006.
[23] The state council of the People’s Republic of China, Regulations on Protection of Traditional Chinese Medicines 1992, promulgated by Order No. 106 of October 14, 1992, of the state council of the People’s Republic of China. https://www.wipo.int/wipolex/fr/text/337300.
[24] Institute of Information on Traditional Chinese Medicine (IITCM), ‘TCM Database System’, (2014)
[25] DWAYNE MAMO, THE INDIGENOUS WORLD 2021 (35TH EDITION), THE INTERNATIONAL WORK GROUP FOR INDIGENOUS AFFAIRS (IWGIA), DENMARK, P.458, (2021).
[26] Núñez, R. G. A, Intellectual property and the protection of traditional knowledge, genetic resources and folklore: the peruvian experience, Max Planck Yearbook of United Nations Law Online, 12(1), 485-549, (2008).
[27] Peru, Law No. 27811 Introducing the Protection Regime for the Collective Knowledge of Indigenous Peoples derived from Biological Resources, (2002), https://www.wipo.int/tk/en/databases/ tklaws/articles/article_0016.html.
[28] WIPO, WIPO Member States Adopt Historic New Treaty on Intellectual Property, Genetic Resources and Associated Traditional Knowledge, (May 24, 2024), https://www.wipo.int/pressroom/en/articles/2024/article_0007.html,
[29] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022 đã bổ sung các quy định về: Cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí hay tổ chức cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen được phép đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (Điều 86); Quy định căn cứ huỷ bỏ văn bằng hay từ chối cấp văn bằng sáng chế nếu “không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó” (Điều 96, Điều 117); Quy định bắt buộc nộp kèm tài liệu thuyết minh về nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế (Điều 100).