Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh: Ngành Tư pháp vững vàng tâm thế bước vào Kỷ nguyên mới
Thứ tư, 29/01/2025 - 20:16
Năm 2024, với ngành Tư pháp, là năm của những sự kiện đặc biệt, nhiều lĩnh vực công tác để lại những dấu ấn đậm nét. Với kết quả đó, năm 2025 toàn ngành sẽ ưu tiên tập trung lĩnh vực trọng tâm nào, các giải pháp thực hiện trong năm công tác mới ra sao?
Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ, Báo PLVN đã phỏng vấn Ủy viên
Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật
- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về công tác
tư pháp năm 2024?
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội
còn không ít khó khăn; nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nặng nề với những
yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tiến độ; Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát
sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, bám sát các đòi hỏi, yêu cầu từ thực tiễn để triển khai công việc.
Với tinh thần chủ động, khẩn trương, Bộ, ngành đã xác
định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện kịp
thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Công tác chỉ đạo, điều
hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn. Năm 2024, các nhiệm vụ Bộ Tư
pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (cả thường xuyên và đột xuất) đều
đã hoàn thành; bảo đảm tiến độ, chất lượng và không để nhiệm vụ nào quá hạn. Kết
quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với
cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tại buổi làm việc ngày 7/11/2024 (Ảnh: Phương Mai).
Công tác xây dựng pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác
định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham
mưu thực hiện có nhiều đổi mới; bám sát theo yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội,
Chính phủ, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy
theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải
phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ
bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực giúp việc
Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
(VBQPPL, nay là Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc
trong hệ thống pháp luật), Bộ Tư pháp đã tham mưu đề xuất nhiều giải pháp nhằm
tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, kịp
thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khơi thông, phát huy mọi nguồn lực
để phát triển.
Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh quochoi.vn
Trong năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp, cùng các Bộ, ngành
đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm.
Riêng Bộ Tư pháp tham mưu thông qua 3 dự án luật, 1 nghị quyết. Đặc biệt, tại Kỳ
họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 18 dự án luật,
dự thảo nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ
các điểm nghẽn trong thực tiễn cuộc sống để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,
như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật trong lĩnh vực kế
hoạch và đầu tư, Luật sửa đổi 9 Luật trong lĩnh vực tài chính. Các Bộ, ngành
cũng đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 VBQPPL.
Các công cụ kiểm soát, nâng cao chất lượng xây dựng
pháp luật như kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống
QPPL tiếp tục được tăng cường và ngày càng thực hiện bài bản, góp phần tích cực
trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp người dân, doanh nghiệp,
tổ chức dễ dàng hơn trong tiếp cận, áp dụng các quy định pháp luật.
Đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Bình Phước về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu.
Công tác thi hành pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp
quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, như: Tham mưu cho Chính
phủ phối hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức các Hội
nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Phát
huy sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật theo phương châm hướng về cơ sở. Theo dõi, hướng dẫn các Bộ,
ngành, địa phương ban hành và thực hiện kế hoạch triển khai thi hành luật, pháp
lệnh, nghị quyết.
Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham gia có
trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đề
ra các giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân,
tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Công tác xây dựng ngành, kiện toàn tổ chức, bộ máy được
triển khai quyết liệt, bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp bộ
máy xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ
cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát
triển, đặc biệt là việc bổ nhiệm đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giữ
chức Phó Thủ tướng Chính phủ…
Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng
vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn
xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Để đạt kết quả này là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ các Bộ,
ngành, địa phương và nhất là sự nỗ lực to lớn của tất cả cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp với tinh thần trách nhiệm cao,
bám sát và thực hiện nghiêm phương châm của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ
động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật
- Thưa Bộ trưởng, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng
Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra nhiều yêu cầu với công tác xây dựng
pháp luật. Bộ, ngành Tư pháp sẽ làm gì để hiện thực hóa những chỉ đạo của Tổng
Bí thư?
Tại buổi làm việc, những kết quả công tác của Bộ,
ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật thời gian qua đã được
Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng
vào sự phát triển đất nước và tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền XHCN Việt Nam.
Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác
hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật được đồng chí Tổng
Bí thư chỉ ra giúp Bộ, ngành Tư pháp soi rọi lại mình, những công việc đã làm
được và chưa được, nhận diện đúng những nguyên nhân về chủ quan và khách quan,
từ đó tìm giải pháp khắc phục.
Sự ghi nhận, biểu dương, đánh giá của đồng chí Tổng Bí
thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp là niềm vinh dự, động viên
to lớn với Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, những chỉ đạo của người đứng đầu Đảng
ta là những định hướng quan trọng, những tư tưởng lớn, những yêu cầu mới với
công tác tư pháp và pháp luật.
Ngay sau khi có Kết luận của Tổng Bí thư, Ban Cán sự Đảng
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Thông báo về kết luận của
Tổng Bí thư; xây dựng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của đồng
chí Tổng Bí thư; trong đó xác định 24 nhiệm vụ trọng tâm, giao trách nhiệm cho
từng đơn vị trong tổ chức thực hiện với kết quả đầu ra và thời hạn hoàn thành
rõ ràng, cụ thể.
Những nhiệm vụ này tiếp tục được trao đổi, thảo luận
và thống nhất cao tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2025 với sự tham
dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Theo đó, để thực hiện
tốt yêu cầu của Tổng Bí thư với công tác xây dựng pháp luật, trong thời gian tới,
Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Chủ động hơn nữa trong việc tham mưu giúp Chính phủ
trong công tác xây dựng pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ và thực hiện
nghiêm, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng và thực tiễn yêu cầu quản lý
nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đổi mới tư
duy và cách thức trong nghiên cứu xây dựng chính sách và soạn thảo VBQPPL. Tiếp
tục nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL. Tăng
cường công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban
Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp
luật.
- Tham mưu xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị
về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất
nước trong kỷ nguyên mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
- Tập trung tối đa nguồn lực, tham mưu với Chính phủ,
Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL. Trong đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp
luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; xây dựng quy trình xây
dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, bảo đảm
dân chủ, minh bạch, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng
cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; chi phí tuân thủ thấp; tăng
cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường cơ chế phản
ứng chính sách; nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật.
- Tập trung nguồn lực nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các
văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị,
gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối
đa thủ tục hành chính; thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc xây dựng
hành lang pháp lý cho những vấn đề mới phù hợp xu thế của thời đại để thúc đẩy
phát triển; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công
tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
- Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham
gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải
quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh
trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc,
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt
Nam.
- Phối hợp Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài
chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho
công tác xây dựng pháp luật và chuyển đổi số trong lĩnh vực này; xây dựng chế độ,
chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp
luật; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao; có cơ chế điều
động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ
sung kinh nghiệm thực tiễn; kiến nghị cấp ủy địa phương quan tâm, cơ cấu Giám đốc
Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.
Tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm trong bối cảnh mới
- Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực
hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới,
sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu
quả, đặt lên vai ngành Tư pháp trách nhiệm hết sức nặng nề do phải tham mưu sửa
đổi, bổ sung khối lượng văn bản pháp luật rất lớn liên quan đến tổ chức bộ máy.
Vậy ngành Tư pháp sẽ ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2025 (Ảnh: Phương Mai).
Triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày
25/10/2017 nêu trên là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng” về
tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo sự thay đổi về chất trong
hoạt động của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động.
Bộ Tư pháp xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải ưu tiên tập trung
nguồn lực để thực hiện với quyết tâm cao nhất.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số
18-NQ/TW, Bộ, ngành Tư pháp cần ưu tiên thực hiện các nhiệm sau:
- Chủ động sắp xếp tổ chức bên trong Bộ Tư pháp, phù hợp
quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng
kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW với tinh thần “không làm không được,
khó mấy cũng phải làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích riêng,
vì lợi ích chung”, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức; bảo đảm khi tinh giản, sáp nhập không bị ngắt quãng, hoạt
động hiệu lực hiệu quả.
- Tham mưu, giúp Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, theo
dõi các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL, kịp thời đề xuất
phương án xử lý, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL, nhất là các luật, nghị quyết của
Quốc hội để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh sau khi sắp xếp, tinh gọn
tổ chức, bộ máy.
Qua tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ của các Bộ, ngành
thì có tổng số 5.026 VBQPPL do các cơ quan Trung ương ban hành chịu sự tác động
trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là con số rất lớn, không thể sửa
đổi, bổ sung theo cách thông thường ngay trong thời gian ngắn được. Do đó, bên
cạnh việc phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành trong việc xây dựng, góp ý,
thẩm định, trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức
chính quyền địa phương (sửa đổi); trình Chính phủ các dự thảo Nghị định quy định
chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ; Bộ Tư pháp đã đang
tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý các vấn đề
phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Quốc hội thông qua tại
kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Nghị quyết này dự kiến sẽ quy định các nguyên tắc, biện
pháp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy để việc sắp xếp
tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị không làm gián đoạn hoạt động
bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ của Bộ,
ngành Tư pháp, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đồng bộ các giải
pháp như: Tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy,
chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút nhân lực có năng lực, trình
độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp; đẩy mạnh việc ứng dụng
công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là trong công tác
xây dựng và thi hành pháp luật...
- Xuân Ất Tỵ đang đến gần, Bộ trưởng có điều gì gửi gắm
đến cán bộ trong ngành?
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm
tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề
ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết
của Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm
2021-2025; là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành
Tư pháp.
Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục
diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức với nước ta; công tác
xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để
thúc đẩy phát triển, yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với Bộ, ngành Tư pháp
ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước
về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư
pháp trong năm 2025, tôi đề nghị toàn ngành bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của
Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để
triển khai công việc một cách khoa học; xác định rõ thứ tự ưu tiên, những khâu
đột phá để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả.
Mỗi công chức, viên chức, người lao động trong ngành
Tư pháp cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, nỗ lực
vượt khó, chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn,
tích cực đổi mới, sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào
sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới,
kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tôi gửi tới các cán bộ đã và đang
công tác trong ngành Tư pháp một năm mới an vui, hạnh phúc, gia đình thịnh vượng.
Chúng ta chuẩn bị đón chào năm mới với những thử thách mới, cơ hội mới, mong rằng
các cán bộ trong toàn ngành vững vàng tâm thế, tiếp tục phát huy năng lực, trí
tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
- Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Năm 2024, kết quả thi hành án dân sự tăng đều trên tất cả các phương diện và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc, hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả, gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và việc triển khai hiệu quả Đề án 06. Kết quả chấm điểm chỉ số Cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong các Bộ, ngành. Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 ở hạng mục chuyển đổi số xuất sắc năm 2024.
Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
(PLPT) - Khai báo gian dối về giấy phép lái xe có thể khiến người vi phạm giao thông chịu mức phạt nặng hơn; nếu quên, có thể xuất trình qua ứng dụng VNeID.
Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, đảm bảo cho hoạt động điều tra vụ án khách quan, minh bạch.
Kinh tế chia sẻ (KTCS) là một mô hình kinh tế mới, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trong bối cảnh công nghệ, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, KTCS đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ và vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển bền vững. Trong đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cần được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển KTCS.
(PLPT) - Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, số đề với số tiền giao dịch lên tới hơn 300 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?
(PLPT) - Một nhóm đối tượng ở Hà Nội đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để môi giới hiến, ghép thận trái phép qua mạng xã hội, thu lợi hàng trăm triệu đồng.