Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Yến Nhi Thứ sáu, 14/03/2025 - 08:50

(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.

Chiêu tro lừa đảo 'cộng tác viên online'.

Người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 5 tỷ đồng khi làm 'cộng tác viên online'

Ngày 13/3, Công an TP Hà Nội cho biết, chiêu lừa tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp buôn bán sản phẩm không phải là mới. Tuy nhiên, với "mồi nhử" đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.[1]

Điển hình nhất, mới đây một người phụ nữ ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã bị lừa gần 5 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online.

Theo đó, vào đầu tháng 3, Công an thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ nhận được tin trình báo của chị H (trú tại Thanh Oai, Hà Nội) bị lừa đảo khi làm cộng tác viên chốt đơn hàng online. Chị H cho biết, trước đây có quen một người đàn ông ở TP.HCM.

Đầu tháng 3 năm 2025, người này rủ chị H tham gia đầu tư qua mạng xã hội dưới hình thức chốt đơn hàng để hưởng hoa hồng. Chị H đồng ý và đăng ký theo đường link để làm nhiệm vụ chốt đơn hàng.

Chị H đã chuyển gần 5 tỷ đồng để làm nhiệm vụ nhưng sau đó không rút được tiền ra. Lúc này chị mới biết mình bị lừa, nên đến công an trình báo.

Từ sự việc trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Các trường hợp quảng cáo được hưởng hoa hồng, lãi suất cao rất có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý những người vi phạm theo quy định của pháp luật.

"Việc nhẹ lương cao" - chiêu trò cũ, nạn nhân mới

"Bẫy" tuyển cộng tác viên online tiếp tục khiến nhiều người mất tiền tỷ

Thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội đã nhiều lần phát cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đang nuôi con nhỏ hoặc thất nghiệp vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng xấu khi muốn kiếm thêm thu nhập dịp cuối năm.[2]

Các đối tượng đưa ra "mồi nhử" hấp dẫn như hoa hồng chênh lệch từ 10-20% cho mỗi đơn hàng. Ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được tiền từ những đơn hàng nhỏ. Tuy nhiên, khi giá trị đơn hàng tăng lên đến hàng triệu đồng, hệ thống sẽ báo lỗi và yêu cầu nạp thêm tiền để rút được hoa hồng. Khi nạn nhân không thể tiếp tục chuyển tiền, tài khoản sẽ bị khóa và toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.

Ngày 4/12/2024, chị M (SN 2006, Ninh Bình) bị lừa 1,1 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online và phải nạp thêm tiền nhiều lần để rút "hoa hồng" nhưng không thành công. Đến ngày 11/12/2024, chị T (SN 2001, Đan Phượng, Hà Nội) trình báo với Công an huyện Đan Phượng về việc bị lừa gần 200 triệu đồng qua app cộng tác viên online.

Một trường hợp khác được ghi nhận vào ngày 16/12/2024, anh H (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị lừa hơn 300 triệu đồng qua hình thức tương tự.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác và tuyên truyền đến bạn bè, người thân về thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. Khi tham gia làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp, cần kiểm tra thông tin kỹ lưỡng, đối chiếu qua nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính xác thực.

Những quảng cáo tuyển cộng tác viên với mức hoa hồng cao bất thường có thể là dấu hiệu của lừa đảo. Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, người dân nên nhanh chóng trình báo cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.

Người đàn ông mất 1,7 tỷ đồng khi 'làm nhiệm vụ' trên sàn thương mại điện tử

Đầu năm 2025, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận đơn trình báo của ông M.V.T. (SN 61 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) về việc ông bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng bằng thủ đoạn dụ dỗ mở gian hàng, làm nhiệm vụ trên sàn thương mại điện tử Lazada.[3]

Theo đơn trình báo, đầu tháng 1/2025, ông T. nhận được lời mời làm cộng tác viên online tại nhà, chỉ cần làm nhiệm vụ tăng tương tác cho sàn thương mại điện tử Lazada sẽ nhận được tiền hoa hồng hàng ngày. Tin tưởng lời mời chào của các đối tượng và thấy công việc đơn giản, lại có thu nhập nên ông T. đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Ông T. chuyển tiền nhiều lần, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng để làm nhiệm vụ mua hàng nhưng sau đó không rút được tiền gốc và tiền hoa hồng. Biết mình bị lừa đảo nên ông T. đã đến trình báo tại Phòng Cảnh sát hình sự.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, thời gian vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành trên toàn quốc liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trực tuyến thông qua hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán các đơn hàng, tăng tương tác cho các sàn thương mại điện tử.

Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo quần chúng nhân dân cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hiện không có chương trình tuyển cộng tác viên cũng như làm nhiệm vụ để tăng tương tác cho sàn. Những lời mời gọi với nội dung tương tự đều là lừa đảo.

Người dân khi muốn mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu thông qua các nguồn thông tin chính thống hoặc liên hệ trực tiếp với số điện thoại hotline của các sàn để được hướng dẫn.

Khi phát hiện bị lừa đảo với phương thức, thủ đoạn trên, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Mất hơn nửa tỷ đồng vì làm cộng tác viên online

Vào hồi cuối tháng 10, Công an TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao là tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp buôn bán sản phẩm.[4]

"Mồi nhử" đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

Đã có nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà không có việc làm hoặc có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã bị các đối tượng dụ dỗ tham gia làm cộng tác viên và chiếm đoạt tài sản.

Dù chiêu trò này đã được cảnh báo nhiều lần nhưng mới đây vẫn có thêm một phụ nữ ở quận Hà Đông (Hà Nội) "sập bẫy" mất gần 600 triệu đồng với thủ đoạn lừa đảo như trên.

Cụ thể, vào ngày 2/10 vừa qua, Công an quận Hà Đông tiếp nhận tin trình báo của chị H. (SN 1977; trú tại La Khê, Hà Đông) về việc chị có làm cộng tác viên làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng trên mạng.

Sau khi được các đối tượng hướng dẫn, chị H. đã chuyển gần 600 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng không rút được tiền. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Để tránh "sập bẫy" lừa đảo, Công an TP Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước những lời quảng cáo việc nhẹ lương cao, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể kiếm tiền; đồng thời, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao của đối tượng xấu. Đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng "sập bẫy" chiêu trò này.

"Trước khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác", Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Chiêu trò "việc nhẹ lương cao" dù không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Các đối tượng đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, dụ dỗ ứng tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.

Các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Khách thể của tội phạm

Là quyền sở hữu tài sản, cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt không nhận ra hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa thông tin giả nhưng người khác tin đó là thật. Thủ đoạn gian dối này phải có biểu hiện ra thực tế và phải có trước hành vi chiếm đoạt, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội.

Hậu quả của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giữa hành vi lừa đảo và hậu quả về vật chất bắt buộc phải có mối quan hệ nhân quả.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi họ ý thức được hậu quả của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội không được xem là dấu hiệu định tội của tội này.[5]

Tội chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt tài sản như sau:

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[6]

Lưu ý:

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.[7]

[1] Hải Nam, Người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 5 tỷ đồng khi làm "cộng tác viên", Báo Dân trí, ngày 13/3/2025, https://dantri.com.vn/phap-luat/nguoi-phu-nu-o-ha-noi-mat-gan-5-ty-dong-khi-lam-cong-tac-vien-20250313102010418.htm

[2] Vũ Linh, "Bẫy" tuyển cộng tác viên online tiếp tục khiến nhiều người mất tiền tỷ, Báo Kinhtedothi, ngày 5/1/2025, https://kinhtedothi.vn/bay-tuyen-cong-tac-vien-online-tiep-tuc-khien-nhieu-nguoi-mat-tien-ty.html

[3] Lê Tân, Mất 1,7 tỷ đồng khi 'làm nhiệm vụ' trên sàn thương mại điện tử, Báo VnExpress, ngày 9/1/2025, https://vnexpress.net/ong-lao-mat-1-7-ty-dong-khi-lam-nhiem-vu-tren-san-thuong-mai-dien-tu-4837499.html

[4] Thành Lộc, “Sập bẫy” lừa đảo việc nhẹ lương cao, mất gần 600 triệu đồng, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngày 14/10/2024, https://tuoitrethudo.vn/sap-bay-lua-dao-viec-nhe-luong-cao-mat-gan-600-trieu-dong-262542.html

[5] Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

[6] Điều 174 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội chiếm đoạt tài sản

[7] Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 ngày 24/11/2015 về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Nội vụ đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm vấn đề.

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhất là việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, việc các nước tăng cường nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ để góp phần giải quyết tình trạng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?

Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe được quy định như thế nào?

Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe được quy định như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe (đăng ký sang tên xe) được quy định tại Quyết định số 1383/QĐ-BCA ngày 28/02/2025 của Bộ Công an.