Giả danh nhà báo cưỡng đoạt tiền của 5 doanh nghiệp: Cảnh giác thủ đoạn giả danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để lừa đảo
Yến Nhi
Thứ ba, 29/10/2024 - 10:42
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Hai người đàn ông ở Nghệ An làm giả thẻ nhà báo để đi quay phim, chụp ảnh tại các doanh nghiệp nhằm đe dọa, tống tiền. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2 nhà báo "dỏm" cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp
Ngày 28/10, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự Hoàng Công Trình (SN 1986, trú tại xã Ea Tóh) và Đặng Hữu Biểu (SN 1973, trú tại xã Phú Lộc, cùng ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk) về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Theo điều tra, từ ngày 22/10 đến 25/10, Trình và Biểu giới thiệu là nhà báo của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, đi ôtô biển kiểm soát 47C-068.71 đến các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An).
Quá trình làm việc, 2 người đàn ông này không xuất trình thẻ nhà báo mà chủ động quay tư liệu về hoạt động của công ty. Sau đó, biên soạn tin, bài có nội dung phản ánh sai phạm để gửi lại doanh nghiệp nhằm mục đích đe dọa, yêu cầu đưa tiền để được bỏ qua.
Sau một thời gian tiến hành điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 25/10, Công an huyện Đô Lương bắt quả tang Trình và Biểu đang nhận 25 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đô Lương.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ số tiền 25 triệu đồng, một xe ô tô, 3 điện thoại di động, một máy ảnh, một máy camera, một laptop, 2 thẻ nhà báo (nghi thẻ nhà báo giả) và nhiều giấy tờ liên quan.
Quá trình điều tra công an xác định, khoảng tháng 5/2024, Biểu và Trình đã làm giả thẻ nhà báo để đi quay phim, chụp ảnh tại các doanh nghiệp nhằm đe dọa, tống tiền.
Đến ngày 9/10, Trình được Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận thử việc ba tháng nên đã lợi dụng xin giấy giới thiệu của tạp chí này để cùng với Biểu đi quay phim, chụp ảnh, dựng "phóng sự" nhằm chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp.
Hai người này đã cưỡng đoạt của 5 doanh nghiệp tại Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn (Nghệ An) số tiền 57,2 triệu đồng và một điện thoại di động trị giá 21 triệu đồng.
Ngoài bị điều tra về về hành vi cưỡng đoạt tài sản, Trình và Biểu cũng đang bị điều tra và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Hiện Cơ quan công an huyện Đô Lương đang tiếp tục điều tra làm rõ.
7 đối tượng giả danh nhà báo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng
Vào hồi đầu tháng 5/2024, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 7 đối tượng để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Các bị can gồm: Phạm Ngọc Hùng là chủ mưu (tên gọi khác là Hùng Cường, SN 1986, trú tại phường Diên Hồng, TP Pleiku), Lê Ngô Vĩnh Phát (tên gọi khác là Gà), Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh.
Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ 4/2022 - 4/2023, Phạm Ngọc Hùng đến địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Prông tìm gặp chủ các bãi khai thác đá nhỏ lẻ, tự phát, trái phép. Hùng tự xưng là nhà báo của Tạp chí Môi trường và Đô thị khu vực Tây Nguyên.
Hùng khoe có nhiều mối quan hệ quen biết với các phóng viên trên địa bàn cũng như các cán bộ huyện, tỉnh để có thể bảo kê cho những bãi khai thác đá trái phép tiếp tục hoạt động.
Nếu các chủ bãi muốn tiếp tục khai thác thì phải bán hết số đá đã làm ra cho Hùng với giá hiện tại. Khi có người đến mua, chủ bãi phải bán với giá do Hùng quy định, cao hơn giá thị trường từ 15% trở lên.
Chủ các bãi đá được hưởng số tiền đã thỏa thuận, tiền chênh lệch phải chuyển cho Hùng. Nếu không đồng ý, Hùng sẽ trực tiếp hoặc cho đồng bọn ghi lại việc khai thác đá trái phép rồi đăng lên mạng xã hội, gửi cho chính quyền địa phương hoặc cung cấp cho báo chí viết bài.
Lo sợ bị bắt, xử lý nên nhiều chủ bãi khai thác đá trái phép tại địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Prông đã đồng ý làm theo yêu cầu của Hùng.
Hàng ngày, Hùng cho các đối tượng: Lê Ngô Vĩnh Phát, Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh trực tiếp đến các bãi đá theo dõi việc khai thác, bán đá để báo về cho Hùng. Kế toán của Hùng là Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Kim Ngân thực hiện thống kê.
Định kỳ hàng tuần, chủ các bãi khai thác đá trái phép phải chuyển, giao tiền cho Hùng. Bằng thủ đoạn trên, Phạm Ngọc Hùng đã chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để lừa đảo
Một vụ việc tương tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Nguyên) đã khởi tố đối với 8 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" với thủ đoạn mượn danh, mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí để đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, các đối tượng đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở đó.
Khi tìm ra các sơ hở, thiếu sót của các cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí.
Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.
Ngoài ra, các đối tượng tổ chức hoạt động theo từng nhóm liên huyện, liên tỉnh, trao đổi thông tin về các cơ sở cho nhau. Khi một đối tượng lấy được tiền ở một cơ sở bất kỳ thì sẽ thông tin lại cho các đối tượng khác biết để tiếp tục đến cơ sở đó, gây sức ép là phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí khác nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp.
Đồng thời, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân trước các đối tượng lừa đảo mạo danh để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Các cơ quan, doanh nghiệp cần nhận biết và tìm hiểu rõ danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất kì một thỏa thuận nào. Nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?