Công ty viễn thông bị xử phạt 70 triệu đồng vì cuộc gọi rác quấy rối, đòi nợ: Mức xử phạt với tin nhắn rác, cuộc gọi rác ra sao?
Yến Nhi
Thứ sáu, 08/11/2024 - 08:44
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thời gian vừa qua, tình trạng các cuộc gọi, tin nhắn rác mời chào hay lừa đảo đang ngày càng phức tạp, khi các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân của người dùng hoặc thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Pháp luật hiện hành quy định về mức xử phạt với tin nhắn rác, cuộc gọi rác ra sao?
Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam bị phạt vì cuộc gọi rác nhằm quấy rối, đòi nợ
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam về hành vi thực hiện cuộc gọi rác.
Ngày 5/11, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam về hành vi thực hiện cuộc gọi rác, theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Cụ thể, vào tháng 7/2024, Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam đã thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với hành vi trên, Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam sẽ bị xử phạt với số tiền là 70 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung đối với công ty này là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Dùng thiết bị "lạ" phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn nhằm chiếm đoạt dữ liệu cá nhân
Trước đó, vào ngày 01/11, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, Cơ quan điều tra Công an quận đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội "Xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông" theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự; ra Quyết định tạm giữ hình sự Trần Văn Út (sinh năm 1990, trú tại xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội) để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo Công an quận Hà Đông, khoảng 22h ngày 30/10, Công an quận nhận được tin của Tổ công tác liên ngành Cục nghiệp vụ Bộ Công an, phòng chức năng Công an thành phố Hà Nội và Cục tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), về việc phát hiện tại khu vực ngã tư Văn Phú, quận Hà Đông, có 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Inova màu bạc, biển kiểm soát 30A-607.48, nghi vấn sử dụng thiết bị trạm BTS giả phát sóng gửi tin nhắn đến các thiết bị di động của người dân.
Lãnh đạo Công an quận đã lập tức chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xác định đối tượng liên quan là Trần Văn Út.
Cơ quan chức năng thu giữ vật chứng là xe ô tô Toyota Inova; thiết bị trạm BTS giả gồm 1 thiết bị màu đen có kích thước khoảng 45x45x18 cm (thiết bị phát tán tin nhắn), 1 máy tính xách tay, 1 khối nguồn kích thước khoảng 40x45x35cm, 1 điện thoại nhãn hiệu Samsung.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận năm 2022, đối tượng theo đường tiểu ngạch sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc làm công nhân gia công đồ điện tử, sau đó về nước.
Giữa tháng 10/2024, Út nhận được tin nhắn qua ứng dụng Telegram của 1 người tự xưng là người Trung Quốc, muốn thuê Út với mức lương 50 triệu đồng/1 tháng. Công việc là mang theo thiết bị chèn được sóng của nhà mạng viễn thông sau đó phát tin nhắn quảng cáo SMS đến nhiều số điện thoại di động không phải trả phí cho các nhà mạng.
Ngày 20/10, Út hẹn gặp người đàn ông này tại khu vực phường Phú Lãm, quận Hà Đông, và được bàn giao thiết bị trạm BTS giả gồm: 1 cục thiết bị phát tán sóng màu đen, 1 máy tính xách tay, 1 khối nguồn, 1 hộp thiết bị ăng ten và 30 triệu đồng. Nghe bùi tai, Út đã nhận lời.
Ngày 20/10, Út hẹn gặp người đàn ông này tại khu vực phường Phú Lãm, quận Hà Đông và được bàn giao thiết bị trạm BTS giả gồm: 1 cục thiết bị phát tán sóng màu đen, 1 máy tính xách tay, 1 khối nguồn, 1 hộp thiết bị ăng ten, và 30 triệu đồng.
Sau đó, Út đi thuê xe ô tô Toyota Inova để làm phương tiện di chuyển cũng như thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Sau khi được người nước ngoài hướng dẫn sử dụng thành thạo các thiết bị, Út đã thuê xe ô tô di chuyển vào các khu vực đông dân trong nội thành Hà Nội để phát tán tin nhắn đến các thuê bao di động mạng Viettel và Mobiphone trong phạm vi phủ sóng của thiết bị với nội dung: "Hệ thống phát hiện tài khoản của bạn bất thường và sẽ khóa tài khoản trong 12 giờ nữa. Vui lòng đăng nhập và liên kết số điện thoại: http://telegram.com.kz" bằng tên Brandname: "telegram".
Khi đang thực hiện hành vi phát tán tin nhắn tại khu vực ngã tư Văn Phú (Hà Đông), Trần Văn Út bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, bắt giữ, thu giữ toàn bộ tang vật.
Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã tổ chức thực nghiệm điều tra, làm việc với nhà mạng viễn thông, kiểm tra thiết bị trạm BTS giả phát sóng xác định trong thời gian từ ngày 20/10 đến khi bị phát hiện, Trần Văn Út đã sử dụng thiết bị xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông Mobiphone và Viettel, phát tán tin nhắn đến 389.494 thiết bị di động nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
2 doanh nghiệp bị phạt 250 triệu đồng do phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác
Vào hồi cuối tháng 9, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (SMBC) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Truyền thông Suntech vì đã thực hiện các hành vi sai phạm như: Phát tán tin nhắn rác; gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.
Trong đó, SMBC bị phạt 160 triệu đồng; còn Suntech bị phạt 90 triệu đồng.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, 2 doanh nghiệp cũng đã bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ thông qua 4 tên định danh trong thời gian 2 tháng và 3 tháng.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Truyền thông Suntech phải áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo thông qua 2 tên định danh SUNTECH CO và SUNTECH SER trong thời gian 2 tháng. Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo thông qua tên định danh FE CREDIT và FECREDIT trong thời gian 3 tháng, từ ngày 20/9 đến 20/12/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thu hồi thêm 5 tên định danh của 2 đơn vị là Công ty TNHH Công nghệ và Truyền thông ITG và Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại ITY. Trong đó, ITG bị thu hồi 1 tên định danh là "FINANCE"; và 4 tên định danh của ITY bị thu hồi gồm: "HUYENTHUONG", "TUAN TRUONG", "DANGNGOCVY" và "NGUYENKHANH".
Sở dĩ ITG và ITY, 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo bị thu hồi 5 tên định danh, là vì đã sử dụng những tên định danh kể trên để gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo vào các số thuê bao nằm trong danh sách không quảng cáo; gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo khi chưa có sự đồng ý trước của người nhận. Đây là những hành vi vi phạm quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Đầu tháng 9/2024, Cục An toàn thông tin đã thu hồi 6 tên định danh DVKH-247, CSKH-247, CSKH.24H, DVKH24H, PMCARD, CTPMC của 2 doanh nghiệp quảng cáo khác là của Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế ITS và Công ty cổ phần Power Membership Card.
Việc chuyển thanh tra Bộ xử phạt cũng như quyết định thu hồi tên định danh thời gian vừa qua là kết quả từ việc Cục An toàn thông tin kiểm tra, đánh giá mức độ sai phạm của các đơn vị quảng cáo.
Trong tháng 8/2024, qua ghi nhận phản ánh của người sử dụng, Cục An toàn thông tin đã làm việc với 40 đơn vị sở hữu tên định danh bị phản ánh, đã có 32 đơn vị phải giải trình và thừa nhận sai phạm, sau đó đã có 25/32 đơn vị thực hiện khắc phục các vi phạm này.
Thế nào là tin nhắn rác, cuộc gọi rác?
Tin nhắn rác là gì?
Các tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của Người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP.
Tin nhắn vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo.
Căn cứ theo Điều 9 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử bao gồm các hành vi sau đây:
+ Có hành vi cản trở việc lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử;
+ Có hành vi cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận thông điệp dữ liệu;
+ Có hành vi tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm phá hoại, rối loạn, thay đổi hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử;
+ Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật;
+ Gian lận, chiếm đoạt, mạo nhận hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác;
+ Thay đổi, huỷ, giả mạo, sao chép, tiết lộ, xoá, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
Thế nào là cuộc gọi rác?
Cuộc gọi rác bao gồm các loại sau:
Gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP hoặc hành vi gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của Người sử dụng.
Gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo.
Quy định về mức xử phạt với tin nhắn rác, cuộc gọi rác như thế nào?
Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 91/2020/NĐ-CP và Khoản 10 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác, cụ thể như sau:
(*) Đối với một trong các hành vi dưới đây phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
- Có hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận;
- Có hành vi gắn nhãn tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định;
- Có hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;
- Có hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;
- Có hành vi gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã không trả lời hoặc từ chối nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.
(*) Đối với một trong các hành vi sau đây thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
- Có hành vi không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo;
- Có hành vi không gắn nhãn tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo theo quy định;
- Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.
(*) Đối với hành vi dưới đây thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Có hành vi không cung cấp miễn phí cho người sử dụng cơ chế tiếp nhận và xử lý các thông báo về thư rác;
- Có hành vi không có biện pháp để tránh mất mát và ngăn chặn sai thư điện tử của người sử dụng dịch vụ;
- Có hành vi không phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn trong và ngoài nước, nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước và quốc tế để hạn chế, ngăn chặn thư rác;
- Có hành vi không gửi ngay hoặc gửi thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối tin nhắn, thư điện tử không bảo đảm các yêu cầu theo quy định;
- Có hành vi không có biện pháp giới hạn số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin;
- Có hành vi không giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi hoặc không ngăn chặn các tin nhắn có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin theo quy định;
- Có hành vi gửi tin nhắn quảng cáo hoặc thư điện tử quảng cáo nhưng không gửi bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Có hành vi che giấu địa chỉ điện tử, tên điện tử của mình khi gửi thư điện tử, tin nhắn;
– Có hành vi không chấm dứt việc gửi đến người nhận tin nhắn quảng cáo hoặc thư điện tử quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận;
- Có hành vi không phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động trong và ngoài nước ngăn chặn tin nhắn rác;
- Có hành vi không thực hiện biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có hành vi không ngừng cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn khi khách hàng yêu cầu;
- Có hành vi không ngăn chặn tin nhắn rác giả mạo nguồn gửi trước khi gửi tới người sử dụng dịch vụ;
- Có hành vi thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác.
- Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng.
- Gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày hoặc gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận với người sử dụng.
- Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, thư điện tử quảng cáo.
- Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối tin nhắn đăng ký quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Không hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống cuộc gọi rác, thư điện tử rác, tin nhắn rác.
(*)Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận tin nhắn quảng cáo hoặc từ chối nhận thư điện tử quảng cáo;
- Gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại, thực hiện cuộc gọi rác
- Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo;
- Có hành vi sử dụng, khai thác các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích;
- Số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao được mở chiều gọi đi hoặc để gửi tin nhắn hoặc nhận tin nhắn.
- Có hành vi Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
(*)Đối với một trong các hành vi sau đây thì phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng:
- Quảng cáo bằng tin nhắn hoặc quảng cáo bằng thư điện tử hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận.
- Có hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
Đồng thời, ngoài biện pháp xử phạt hành chính nêu trên thì các trường hợp có hành vi vi phạm còn áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, nếu tổ chức vi phạm quy định liên quan đến tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 hoặc từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng hoặc từ phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo từng hành vi vi phạm.
Cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức, căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?