Hà Nội: Xử lý nhiều học sinh, phụ huynh vi phạm giao thông trong ngày đầu cao điểm
Yến Nhi
Thứ ba, 01/10/2024 - 12:05
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với nhiều trường hợp học sinh THCS, THPT, phụ huynh học sinh...
Ngày 1/10, cùng với lực lượng CSGT toàn quốc, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội triển khai lực lượng đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền, nhà trường tuyên truyền luật giao thông đến các học sinh các cấp trên địa bàn Thủ đô.
Ghi nhận tại Hà Nội, 10 tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát giao thông làm việc tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến đường gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập.
Hàng loạt trường hợp bị xử lý trong sáng 1/10, chủ yếu là các vi phạm: không có bằng lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển…
Đa phần các phụ huynh thường lấy lý do "buổi sáng vội vã, đưa con đi học gần nên thường quên" đội mũ bảo hiểm hoặc chở quá số người quy định.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) - cho biết, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì lực lượng CSGT còn tuyên truyền, vận động học sinh, phụ huynh... không tái phạm.
"Ngoài việc xử lý nghiêm học sinh, CSGT còn mời phụ huynh, người giám hộ của các em lên trụ sở để xử phạt về hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển" - Trung tá Nguyễn Thanh Hải thông tin.
Lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt.
Ghi nhận tại nút giao Bà Triệu - Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác đặc biệt số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã xử lý nhiều trường hợp học sinh vi phạm. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.
Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh và học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
Trước đó, từ ngày 5/9 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với công an cơ sở, trường học trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho hơn 23.000 học sinh các cấp và hàng nghìn giáo viên.
Qua công tác tuần tra, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 1.534 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 807 phương tiện các loại. Các vi phạm điển hình là không đội mũ bảo hiểm (1.411 trường hợp), chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (186 trường hợp) và giao xe cho người chưa đủ điệu kiện (51 trường hợp).
Thực hiện cao điểm xử lý học sinh vi phạm giao thông từ 01/10
Theo Cục CSGT, thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
Kế hoạch yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt.
Trong quá trình TTKS, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng các chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh. Đối với các trưởng hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác sẽ ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để xử lý theo quy định.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của phụ huynh và các em học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ TNGT xảy ra đối với các em học sinh.
Trên lĩnh vực đường bộ tuần tra kiểm soát tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường huyện, tỉnh, các tuyến quốc lộ; địa bàn gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Tập trung vào các hành vi vi phạm như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạch lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển; các trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh…
Trên lĩnh vực đường sắt tuần tra kiểm soát tại các điểm đường sắt giao nhau với đường bộ, khu vực trường học gần với đường sắt, các điểm vui chơi, giải trí gần với đường sắt. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt, không chấp hành tín hiệu đèn ở đường ngang có lắp đặt đèn cảnh báo…
Trên lĩnh vực đường thuỷ nội địa tuần tra kiểm soát khu vực bến cảng, bến thuỷ, tuyến đường thuỷ thường xuyên chở học sinh đi học… Tập trung vào các hành vi vi phạm: đón trả khách không đúng quy định, chở quá số người, không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn (áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm cho học sinh), đưa phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động đưa đón học sinh, giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên đường thuỷ; thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…
Thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 31/10/2024.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?