Hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng: Cảnh giác thủ đoạn mạo danh thương hiệu lớn để lừa đảo
Yến Nhi
Thứ ba, 05/11/2024 - 08:36
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành một cuộc kiểm tra đột xuất tại hai cơ sở kinh doanh, phát hiện hàng chục nghìn đôi tất giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Puma, Adidas, Tommy Hilfiger...
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu Adidas, Uniqlo, Tommy Hilfiger
Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Hoài Đức tiến hành một cuộc kiểm tra đột xuất tại hai cơ sở kinh doanh nằm trên địa bàn xã La Phù.
Tại địa chỉ số 27 ngõ 23 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, các cán bộ đã phát hiện một lao động đang sử dụng máy gắn nhãn mác ký hiệu Tudor Td-3730. Người này đang thực hiện công việc dập nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Tommy Hilfiger và Uniqlo vào các sản phẩm tất chân. Cạnh đó, một lao động khác đang đóng gói sản phẩm vào túi nylon.
Kiểm tra nhanh chóng đã cho thấy số lượng nhãn mác giả mạo cực lớn: 17.000 chiếc nhãn mác mang thương hiệu Uniqlo và 20.000 chiếc nhãn mác mang thương hiệu Tommy Hilfiger.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 2.000 đôi tất chân mang nhãn hiệu Adidas, 4.900 đôi tất chân mang nhãn hiệu Tommy Hilfiger, và 23.100 đôi tất chân mang nhãn hiệu Uniqlo. Đáng chú ý, toàn bộ số hàng hóa này có chữ và hình mang nhãn hiệu in trực tiếp vào sản phẩm, không thể bóc tách hay tháo rời.
Khi làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không thể xuất trình hóa đơn hay chứng từ nào liên quan đến số hàng hóa trên. Tất cả đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, làm dấy lên lo ngại về tình trạng hàng giả tại thị trường.
Đoàn kiểm tra đã di chuyển đến địa điểm thứ hai, tại số 21 ngõ 204 đường La Phù, nơi cũng phát hiện những hoạt động sản xuất hàng giả. Tại đây, một lao động đang sử dụng máy may ký hiệu Z5003 để may kín đầu sản phẩm tất. Sau đó, sản phẩm được đưa vào thiết bị định hình và bó lại, rồi được chuyển về cơ sở ở số 27 để dập nhãn mác.
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng ghi nhận có 150 đôi tất chân đang trong quá trình sản xuất, cùng 2.400 đôi tất chân mang nhãn hiệu Adidas và 2.900 đôi tất chân mang nhãn hiệu Puma. Toàn bộ hàng hóa này cũng được in trực tiếp các nhãn mác vào sản phẩm, khó có thể tách rời.
Trước tình trạng vi phạm rõ ràng, đoàn kiểm tra đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, máy móc và nhãn mác liên quan để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả qua kênh TikTok, Facebook
Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, trong thời gian qua, lực lượng QLTT TPHCM đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu thông qua các kênh mạng xã hội như TikTok, Facebook.
Cụ thể, cuối tháng 9, Đội Quản lý thị trường số 18 phát hiện hộ kinh doanh thời trang H.T.H. (ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đang giới thiệu, chào bán hàng hóa trên mạng xã hội TikTok nên đã phối hợp với UBND xã Bà Điểm kiểm tra, tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam; tổng trị giá hàng hóa hơn 23,2 triệu đồng.
Nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã tổ chức theo dõi, nắm tình hình tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Cũng trên trang TikTok, Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện hộ kinh doanh cửa hàng thời trang N.H. trên đường Phan Văn Hớn, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn do ông N.N.P. làm chủ, đang giới thiệu, chào bán hàng hóa thời trang có dấu hiệu vi phạm nên phối hợp với UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện chủ cơ sở đang chứa và kinh doanh 32 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 20,1 triệu đồng.
Tiếp tục kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, Đội Quản lý thị trường số 18 phối hợp cùng với Công an xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn phát hiện hộ kinh doanh loa G.H. do ông Đ.B.N.C làm chủ.
Qua kiểm tra, hộ kinh doanh này đang chứa trữ và kinh doanh 82 vỏ thùng loa bằng gỗ đã sơn, phủ, thành phẩm không có nhãn hiệu; không ghi xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ, được quảng cáo và bán trên trang mạng xã hội Facebook với tổng trị giá hàng hóa là 50,6 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 18 đã tạm giữ toàn bộ sản phẩm quần áo thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và vỏ thùng loa nêu trên để làm rõ và xử lý theo quy định.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã phối hợp với các phòng chuyên môn, Công an Q.12 (TP.HCM) tiêu hủy đối với 14.114 đơn vị sản phẩm hàng hóa là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu; có tổng trị giá hơn 653,7 triệu đồng.
Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy này gồm: quần áo, vớ, giày, bóp, ví, nón, mắt kính, đồng hồ, đồ chơi trẻ em, bộ cáp sạc điện thoại, ốp lưng điện thoại, tai nghe điện thoại; mỹ phẩm (dầu gội, sơn móng tay, nhuộm tóc, nước hoa…); thực phẩm (bánh trung thu, bánh Mochi, bánh trứng muối nhân tan chảy…); thiết bị y tế nhập lậu (máy tăm nước, súng massage cơ cầm tay); hàng hóa vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Đây là số tang vật vi phạm hành chính trong đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng của Đội Quản lý thị trường số 12 trên địa bàn phụ trách.
Cảnh giác để không thành nạn nhân của lừa đảo mạo danh thương hiệu lớn
Cảnh báo người dân khi tham gia không gian mạng cần nâng cao cảnh giác, chuyên gia Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò giả mạo nhãn hàng, doanh nghiệp để lừa gạt.
Thủ đoạn chung của những kẻ lừa đảo là gửi link đường dẫn có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người tiêu dùng nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó chúng chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.
Để phòng tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo mạo danh những thương hiệu lớn, Cục An toàn thông tin đưa ra 8 lưu ý với người dùng.
Trước hết, người dùng cần tỉnh táo khi lựa mua các sản phẩm giảm giá của các hãng công nghệ được quảng cáo trên Facebook, bởi các chương trình giảm giá sẽ được thông báo trên website chính thức của hãng.
Khi nghi ngờ về tính xác thực của chương trình khuyến mãi, người dùng cần liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng của thương hiệu để xác minh. "Các chương trình khuyến mãi quá tốt và hấp dẫn thường là dấu hiệu của lừa đảo", Cục An toàn thông tin nhận xét.
Người dùng cũng không nên truy cập vào các liên kết được gửi qua tin nhắn, email, hoặc mạng xã hội khi không chắc chắn về tính xác thực. Việc này sẽ giúp tránh bị các đối tượng xấu chiếm quyền kiểm soát thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính là 1 trong những lưu ý người dùng được khuyến cáo. Bởi lẽ, các thương hiệu uy tín sẽ không yêu cầu người dùng cung cấp những thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng, hoặc mã OTP để được khuyến mãi.
Song song đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.
Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ chống bão lũ, người dân cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng; đồng thời theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức chính thống, các địa chỉ tin cậy tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của thiên tai.
Người dân tuyệt đối không chuyển tiền ủng hộ cho các cá nhân, tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ quyên góp qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín.
"Ngoài ra, khi gặp phải tình huống nghi ngờ là lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc thương hiệu bị giả mạo để họ có thể có biện pháp xử lý kịp thời", Cục An toàn thông tin khuyến nghị.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?