Học sinh tự sản xuất pháo trong phòng ngủ: Vi phạm pháp luật, rước hoạ vào thân
Khánh Huyền
Thứ sáu, 18/10/2024 - 16:21
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Do ham chơi hiếu kỳ, một học sinh lớp 11 ở Nghệ An tự mua các nguyên liệu sau đó học cách làm pháo trên mạng để sản xuất ngay tại phòng ngủ trong gia đình.
Ngày 15/10, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) tiếp nhận thông tin của Bưu điện khu vực 4, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì có 1 bưu phẩm có dấu hiệu nghi vấn bên trong là pháo nổ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cất giấu 5 giàn pháo có khối lượng hơn 7kg. Khẩn trương điều tra xác minh, Công an huyện Thanh Trì xác định người gửi là Phạm Ngọc T. (học sinh lớp 11, Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An).
Qua làm việc, em T. thừa nhận toàn bộ số pháo trên mua của một người không quen biết qua mạng xã hội sau đó thấy có người cần mua thì bán.
Ngoài ra, T. khai nhận tự mua các nguyên liệu, sau đó học cách làm pháo trên mạng để sản xuất ngay tại phòng ngủ trong gia đình. Do sợ người trong gia đình biết, T. thường làm vào lúc vắng người hoặc đêm muộn và cất giấu dưới gầm giường.
Công an huyện Thanh Trì đã thu giữ toàn bộ công cụ làm pháo và tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc.
Liếp tiếp xảy ra tai nạn pháo nổ
Nhiều người vì thiếu hiểu biết và ham lợi nhuận nên vẫn cố tình tàng trữ, tự chế pháo nổ. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là mối hiểm họa khôn lường, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
Hai thiếu niên tự chế pháo nổ người mất mạng, người đi cấp cứu
Ngày 9/2, UBND thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nổ pháo khiến 1 người tử vong, 1 người trọng thương.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 8/2, tại nhà ông T.H.D. (tổ 8, khối Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước), 2 em T.H.T. (SN 2008) và V.V.H. (SN 2009) cùng nhau tự chế pháo nổ. Trong quá trình đó, pháo bất ngờ phát nổ khiến 2 em bị thương nặng.
Gia đình đưa 2 nạn nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Tuy nhiên, em H. không qua khỏi, còn em T. vẫn tiếp tục được cấp cứu trong tình trạng tổn thương rất nặng.
Được biết, H. và T. đang chế tạo pháo nổ trên gác lửng nhà ông T.H.D. thì phát nổ. Ngôi nhà bị bay mái tôn, một số vật dụng trong nhà đổ vỡ. Lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường 1 ống trụ hình tròn và nhiều viên pháo bi nhựa.
Nhà sập, hai người chết do chế tạo pháo
Vụ nổ nghiêm trọng do chế tạo pháo xảy ra tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào ngày 7/12/2023 vẫn là câu chuyện tang thương được nhiều người nhắc đến trong sự bất ngờ và xót xa. Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 2 người phụ nữ tuổi đời còn trẻ, 1 trẻ em bị thương, đồng thời làm hư hại nặng nhà cửa và tài sản xung quanh.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 16/11/2023 ông Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1996, trú tại huyện Kim Sơn, ký hợp đồng thuê lại nhà của ông Trần Văn Chính ở xã Văn Hải với mục đích để ở.
Tuy nhiên, khi xem trên mạng xã hội, Nguyễn Văn Linh biết cách thức chế tạo pháo nổ nên đã đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội, chế tạo pháo để bán. Ngày 7/12/2023, sau khi mua được nguyên liệu trên mạng xã hội, Linh đã thuê 2 người phụ nữ làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo, đóng gói đơn hàng pháo để Linh bán.
Chiều hôm đó, khi Linh đang ở trong phòng ngủ để thực hiện việc giao dịch đơn hàng trên máy tính thì gian bếp nhà ông Chính phát nổ...
Cơ quan CSĐT - Công an huyện Kim Sơn đã khởi tố vụ án hình sự “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ Nguyễn Văn Linh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nam sinh lớp 11 trọng thương vì lên mạng học cách chế pháo nổ
Một vụ nổ do tự chế pháo trái phép cũng xảy ra tại xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vào ngày 3/12/2023. Nạn nhân là Hoàng Long V. (sinh năm 2007).
Người nhà V. cho biết, V. học làm pháo trên mạng rồi mua nguyên liệu về tự chế pháo và dẫn đến tai nạn. Xem clip ghi lại hiện trường sau vụ nổ, ai cũng phải rùng mình. Sức công phá từ thuốc pháo mạnh đến nỗi căn bếp của gia đình V. tan hoang, đồ đạc vỡ ngổn ngang... Sau vụ nổ, V. nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phải huy động một ê-kíp gồm 6 chuyên khoa để cấp cứu cho V. vì đây là trường hợp chấn thương rất nặng, thậm chí ban đầu tiên lượng tử vong. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, V. may mắn giữ được mạng sống nhưng cơ thể chịu rất nhiều tổn thương.
Hầu hết các trường hợp chế tạo pháo nổ trái phép này đều là học sinh. Các em đã lên mạng xã hội xem cách dạy làm pháo nổ và mua nguyên liệu về tự chế thành quả pháo nổ, mục đích để sử dụng và bán.
Nhắc lại những vụ việc trên để một lần nữa cảnh báo về nguy cơ thương vong do tự chế pháo nổ trái phép gây ra. Từ các vụ việc vi phạm liên quan đến pháo thời gian gần đây bị phát hiện cũng cho thấy, nổi lên tình trạng nhiều bạn trẻ đặt mua các tiền chất trên mạng xã hội về để chế tạo pháo nổ.
Xử lý hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép
Theo quy định của pháp luật, với hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ, mức xử phạt sẽ từ 10-20 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Nhan nhản video hướng dẫn tự chế pháo
Chỉ với việc gõ từ khóa "làm pháo nổ", trên mạng xã hội xuất hiện vô vàn video hướng dẫn tự chế tạo pháo, giới thiệu chi tiết cách thức hòa trộn hóa chất để làm thuốc pháo, cách cuốn cuộn vở đến cách nhồi thuốc pháo, gắn ngòi…
Trên Facebook còn có nhóm "Đam mê chế pháo" để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo, hay đăng tải clip chiến tích khoe pháo tự chế nổ to…
Bên cạnh đó là clip hướng dẫn chi tiết cách tìm mua nguyên liệu KClo3, lưu huỳnh, natri… để chế thuốc pháo dưới các tên gọi trá danh "phân bón", "bột đá thạch cao" (KClo3), "bột xua đuổi gián" (lưu huỳnh), "bột chống mốc bảo quản" (natri). Do vậy, các nguyên liệu để làm pháo hiện cũng đều rất dễ dàng mua trên các sàn thương mại điện tử.
TS. BS Nguyễn Viết Ngọc, Phó trưởng khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, để hạn chế việc tự chế tạo pháo, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để nâng cao nhận thức cho trẻ.
Đối với gia đình cần quản lý, kiểm soát, thấy trẻ tích lũy thuốc pháo, có biểu hiện chế tạo pháo thì ngăn chặn ngay. Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền tới học sinh.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để hạn chế tối đa hệ lụy đáng tiếc từ việc trẻ chế tạo pháo trái phép, cũng cần ngăn chặn sự tồn tại của các clip hướng dẫn làm pháo trên các trang mạng xã hội…
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tự chế pháo nổ trong giới trẻ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để thanh, thiếu niên nhận thức rõ về hành vi vi phạm về pháo, không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán pháo trái phép.
(PLPT) - Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các y, bác sĩ, các giáo sư đầu ngành Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai và gia đình hết lòng chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, đồng chí Phạm Quốc Anh đã từ trần hồi 17h05 ngày 18/11/2024 tại nhà riêng.
(PLPT) - Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ công tác.
(PLPT) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư quy định thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng, dự kiến sẽ thay thế Thông tư số 169/2017/TT-BQP ngày 17/7/2017.
(PLPT) - Bị cảnh sát giao thông dừng xe máy khi đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nam thanh niên trình bày, do đi theo chỉ dẫn của phần mềm Google Maps nên đi nhầm vào đường cao tốc.
(PLPT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất 4 chính sách mới để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(PLPT) - Ngày 15/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020 và các ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường.
(PLPT) - Bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.