Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
Thứ sáu, 07/02/2025 - 11:05
Nghe audio
0:00
Nền kinh tế tự chủ là điều kiện tiên quyết để các quốc gia bảo đảm sự phát triển bền vững và khả năng ứng phó, phục hồi trước những biến động không lường trước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tự chủ của một số quốc gia đang phát triển điển hình trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện các giải pháp nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thế giới đang chứng kiến nhiều biến động phức tạp và khó lường, từ khủng hoảng kinh tế, chính trị đến các vấn đề an ninh. Sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia. Mặc dù toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội, song cũng tạo ra những thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng thông qua toàn cầu hóa làm gia tăng sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế của các quốc gia, dẫn đến nguy cơ rủi ro cao khi có biến động từ môi trường bên ngoài. Do đó, những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề cập đến việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tự chủ trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tại cuộc họp thường niên năm 2007 của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, GS Simon Johnson của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - viện nghiên cứu tư thục có trụ sở tại Cambridge, Hoa Kỳ) đã đưa ra một phép ẩn dụ mạnh mẽ để làm nổi bật sự thất bại của các mô hình hiện có trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia(1). GS Simon Johnson nhấn mạnh, nếu không có một mô hình phát triển kinh tế vững chắc, thì những thành công của các nền kinh tế thế giới đang đạt được sẽ không lâu bền; xây dựng nền kinh tế tự chủ đại diện cho một cách suy nghĩ khác về các quá trình và kết quả của phát triển kinh tế. Các quốc gia có khả năng tự chủ kinh tế sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn, nhanh hơn trước những cú sốc kinh tế tiêu cực từ môi trường. Kinh tế tự chủ có thể nhìn nhận như một loại “bảo hiểm” cho các quốc gia chống lại sự gián đoạn trong phát triển kinh tế do những bất lợi từ môi trường bất định gây ra. Quan trọng hơn, nền kinh tế tự chủ có khả năng cung cấp nền tảng vững chắc để mọi người có thể phát triển và đạt được tiềm năng đầy đủ của họ. Khi được bảo đảm điều kiện sống đầy đủ, con người sẽ quan tâm hơn đến phát triển và thể hiện tài năng, kỹ năng, cảm xúc và giá trị ở mức độ đầy đủ nhất.
Nền kinh tế tự chủ là một hệ thống kinh tế có khả năng tự quyết định, tự quản lý các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và phân phối mà không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài(2). Điều này bao gồm việc phát huy tối đa nguồn lực nội tại, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế tự chủ không có nghĩa là nền kinh tế khép kín. Các quốc gia xây dựng nền kinh tế tự chủ vẫn cần chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới để tận dụng cơ hội phát triển, nâng cao nội lực quốc gia để bảo đảm khả năng tự chủ của nền kinh tế.
Nền kinh tế tự chủ được thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, phát huy được nguồn lực nội tại của nền kinh tế: Nền kinh tế tự chủ dựa vào các nguồn lực sẵn có của đất nước, như tài nguyên thiên nhiên, lao động và công nghệ nội địa. Việc phát huy nội lực giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro từ các biến động kinh tế toàn cầu(3).
Hai là, độc lập trong quyết định chính sách phát triển: Nhà nước có quyền tự quyết định các chính sách kinh tế mà không bị ảnh hưởng từ những điều kiện bên ngoài. Nội dung này bao gồm việc xác định chiến lược phát triển, lựa chọn đối tác thương mại và thiết lập các quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia(4).
Ba là, có khả năng chống chịu và thích ứng tốt với các biến động từ môi trường quốc tế. Nền kinh tế tự chủ có khả năng chống chịu tốt trước những cú sốc từ thị trường quốc tế, duy trì hoạt động bình thường trong mọi tình huống. Điều này giúp bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội(5).
Bốn là, nền kinh tế chủ động hội nhập quốc tế: Mặc dù là nền kinh tế tự chủ, nhưng việc hội nhập quốc tế vẫn rất quan trọng. Nền kinh tế tự chủ chủ động tham gia vào các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại để thu hút đầu tư và công nghệ, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia(6).
Như vậy, nền kinh tế tự chủ không phải là nền kinh tế đóng, khép kín hay tự cung, tự cấp, mà là nền kinh tế có khả năng vận hành hiệu quả dựa trên nội lực của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này đòi hỏi một chiến lược phát triển rõ ràng, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp xã hội và sự lãnh đạo hiệu quả từ phía nhà nước để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Thứ nhất, tập trung đầu tư để trở thành cường quốc công nghệ
Từ Đại hội XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định kiên trì theo đuổi chiến lược “tự lực cánh sinh” để làm bệ phóng giải quyết các vấn đề từ bên ngoài(7). Chiến lược này được tái khẳng định mạnh mẽ tại Lễ bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2023, với sự nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: “Trung Quốc nên nỗ lực để đạt được sự tự lực cánh sinh lớn hơn”(8).
Để hiện thực hóa chủ trương này, Trung Quốc tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong suốt 5 thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc thể hiện qua sự gia tăng tỷ trọng đầu tư/GDP ở mức cao, tiêu dùng/GDP ở mức thấp. Trong giai đoạn trước đó, Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất mà không có sự gia tăng tương ứng về nhu cầu trong nước, dẫn đến việc nền kinh tế của nước này trở nên phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, với mức gần 900 tỷ USD. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào xuất khẩu ngày càng gia tăng rõ rệt(9), đồng thời, sản xuất lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do nhiều nguồn nguyên liệu không tự chủ được. Điều này cũng khiến Trung Quốc ngày càng lo ngại sâu sắc hơn về sự phụ thuộc của nền kinh tế với bên ngoài.
Công nhân kiểm tra một tấm bán dẫn tại Công ty HT-Tech (Nam Kinh) ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: THX)
Năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi một cách tiếp cận toàn quốc để giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc nhập khẩu các thành phần công nghệ quan trọng. Chủ trương này dẫn đến sự điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế sang trạng thái đầu tư mạnh mẽ để mở rộng năng lực sản xuất kết hợp với hạn chế tiêu dùng trong nước. Trung Quốc đã và đang chuyển đổi nền kinh tế của mình theo hướng tự lực, được coi là một trong những điều chỉnh chiến lược quan trọng nhất. Về bản chất, Bắc Kinh có ý định giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài và tăng cường năng lực trong các lĩnh vực then chốt, để tăng khả năng phục hồi và bảo đảm hoạt động kinh tế đầy đủ ngay cả khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn gia tăng. Chiến lược này bao gồm: i) Tăng đầu tư của đất nước vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng mang tính chiến lược; ii) Tăng cường bồi dưỡng nhân tài trong nước và “chuyển dịch” chuyên môn để dẫn đầu đổi mới; iii) Giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu(10).
Chìa khóa cho các thiết kế của Trung Quốc để tự lực là đạt sự tự lực trong khoa học và công nghệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung quốc Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc cần “làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi hơn” và không ngừng “mở rộng chuỗi đổi mới sáng tạo và cải thiện chuỗi công nghiệp”. Ngay từ năm 2015, Bắc Kinh đã triển khai chiến dịch Made in China 2025, với mục tiêu tạo động lực phát triển ngành công nghiệp để đạt được 70% sự tự lực trong các ngành công nghệ cao vào năm 2025. Tháng 3-2021, Trung Quốc tiếp tục công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, để thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, gồm robot, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp Trung Quốc củng cố năng lực trong lĩnh vực công nghệ.
Trung Quốc đã tích cực đầu tư nhằm hiện đại hóa cơ sở sản xuất công nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất, phát triển sản xuất thông minh, triển khai 5G trong các cơ sở công nghiệp, tạo ra các cụm sản xuất năng động trong lĩnh vực chất bán dẫn. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển ngành sản xuất ô-tô. Chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các công ty sản xuất xe điện, nhờ đó gia tăng khả năng cạnh tranh của ngành này đối với thị trường nội địa và quốc tế. Chỉ sau một vài năm, cán cân thương mại của Trung Quốc đã có sự thay đổi ấn tượng. Trung Quốc đã chuyển từ nước nhập khẩu ròng sang xuất khẩu ròng xe thành phẩm chỉ trong vài năm, đồng thời tăng đáng kể xuất khẩu ròng phụ tùng ô-tô. Điều này cho thấy Trung Quốc không chỉ giành được thị phần trong xe lắp ráp mà còn đang phát triển theo hướng tự chủ toàn diện. Hơn nữa, khi xem xét dòng chảy gộp có sự thay đổi trong cán cân thương mại, đó là kết quả của sự tăng trưởng trong xuất khẩu nhưng cũng là sự sụt giảm mạnh trong nhập khẩu, đặc biệt là phụ tùng ô-tô trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023(11). Có thể thấy, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo ra một chuỗi cung ứng tự chủ mạnh mẽ hơn để sản xuất các linh kiện và sản phẩm công nghệ cao ngay trong nước, từ đó giảm thiểu rủi ro khi phải nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Thứ hai, tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế
Để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong chiến lược đa dạng hóa, Trung Quốc đã tăng cường tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tăng cường hợp tác thương mại trong khu vực thông qua các sáng kiến, như Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) để tạo ra các mối quan hệ kinh tế vững chắc với các nước láng giềng. Đồng thời, tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế đang nổi, như Ấn Độ và Brazil để tạo ra mối quan hệ thương mại bền vững hơn. Trung Quốc cũng tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các khu vực, tổ chức và quốc gia lớn khác, như Liên minh châu Âu (EU), Nga và các quốc gia ASEAN để tạo ra một mạng lưới hỗ trợ kinh tế đa dạng.
Thứ ba, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài
Trong 60 năm qua, Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói đã vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Đạt được kết quả thần kỳ này, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế, xã hội trọng điểm, trong đó có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài. Trung Quốc luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo, đồng thời tích cực gửi sinh viên đi học ở các nước tiên tiến và có chính sách hấp dẫn để họ trở về nước. Số sinh viên du học trở về rất đông cho thấy mức độ thành công của chiến lược đào tạo nhân tài ở nước ngoài của quốc gia này. Bên cạnh chiến lược thu hút nhân tài người Hoa ở nước ngoài, Trung Quốc cũng triển khai chiến lược thu hút nhân tài của thế giới đến Trung Quốc để nghiên cứu khoa học. Cuối năm 2008, Trung Quốc ban hành Kế hoạch 1.000 nhân tài nhằm thu hút các nhà khoa học, nhà kinh tế, chiến lược gia hàng đầu thế giới đã có thành tích nghiên cứu tại các nước Âu - Mỹ và Nhật với chế độ đãi ngộ tuyệt vời(12). Có thể thấy, với những chiến lược này, mô hình nền kinh tế tự lực của Trung Quốc không phải là nền kinh tế tự cấp, tự túc truyền thống, mà được xây dựng dựa trên chiến lược “lưu thông kép”, nhằm củng cố nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tạo ra sự tăng trưởng ổn định ở thị trường trong nước, kết hợp với sự mở rộng hợp tác với các quốc gia khác, góp phần gia tăng khả năng ảnh hưởng của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới.
Kinh nghiệm của Ấn Độ
Ngày 12-5-2020, Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi kêu gọi toàn quốc khởi động Chiến dịch Ấn Độ tự lực (Atmanirbhar Bharat Abhiyaan), đồng thời công bố gói kinh tế đặc biệt và toàn diện trị giá 20 Lakh Cr INR - tương đương 10% GDP của Ấn Độ để đối phó với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn ra tại quốc gia này. Đây là dấu mốc quan trọng để Ấn Độ xây dựng nền kinh tế tự lực. Chiến dịch trên đề ra 5 năm trụ cột quan trọng, bao gồm: Kinh tế, kết cấu hạ tầng, hệ thống, nhân khẩu học sôi động và cầu. Trong đó, trụ cột Kinh tế được kỳ vọng mang lại bước nhảy vọt chứ không phải thay đổi gia tăng quy mô; trụ cột Kết cấu hạ tầng được xác định phải trở thành bản sắc của Ấn Độ; trụ cột Hệ thống dựa trên các sắp xếp do tác động của khoa học - công nghệ của thế kỷ XXI thúc đẩy; trụ cột Nhân khẩu học sẽ là nguồn năng lượng để thúc đẩy một Ấn Độ tự lực cánh sinh; trụ cột Cầu được xác định là sức mạnh của chuỗi cung ứng và phải được tận dụng hết công suất. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện một số cải cách táo bạo, như cải cách chuỗi cung ứng cho nông nghiệp, hệ thống thuế hợp lý, luật đơn giản và rõ ràng, nguồn nhân lực có năng lực và hệ thống tài chính vững mạnh. Để tạo động lực thực hiện Chiến lược Ấn Độ tự lực, Thủ tướng Ấn Độ công bố gói kinh tế đặc biệt có giá trị lên tới 20 lakh crore rupee, tương đương 10% GDP của Ấn Độ. Gói kinh tế này tập trung vào đất đai, lao động, thanh khoản và luật pháp, phục vụ cho nhiều bộ phận khác nhau... và Ấn Độ xác định đó là những trọng tâm cần thực hiện để đất nước tự chủ một cách toàn diện về mọi mặt.
Nội dung chính trong chiến lược xây dựng Ấn Độ tự lực bao gồm:
Một là, đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Bao gồm việc cải cách chuỗi cung ứng cho nông nghiệp, hệ thống thuế hợp lý, luật đơn giản và rõ ràng, nguồn nhân lực có năng lực và hệ thống tài chính vững mạnh. Những cải cách này sẽ thúc đẩy kinh doanh, thu hút đầu tư và củng cố hơn nữa mục tiêu Make in India, chuẩn bị cho đất nước trước sự cạnh tranh gay gắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và điều quan trọng là giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Các gói hỗ trợ của Ấn Độ tập trung nhiều vào việc trao quyền cho người nghèo, người lao động, người di cư,…; nâng cao vai trò quan trọng của sản xuất tại địa phương, thị trường địa phương và chuỗi cung ứng địa phương.
Hai là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng hiện đại.
Chính phủ Ấn Độ cũng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, thể hiện bước tiến đáng kể về quy mô, công nghệ và tính bền vững, qua đó phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng của đất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng trải dài trên nhiều lĩnh vực, như giao thông, năng lượng, phát triển đô thị và kết nối kỹ thuật số… Để tăng cường hơn nữa phát triển kết cấu hạ tầng, Ấn Độ đã chủ trương xây dựng Dự án Đường ống cơ sở hạ tầng quốc gia (NIP). Đường ống này bao gồm khoản tài trợ ước tính hơn 1.000 tỷ USD trong 5 năm, bao gồm các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tích cực thu hút sự tham gia của các bên tham gia tư nhân.
Ấn Độ đạt được tiến triển trong các kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thông qua Quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng quốc gia (NIIF). NIIF được thành lập để quản lý các khoản đầu tư, đồng thời đóng vai trò nền tảng cho các nhà đầu tư trong nước và toàn cầu cũng như các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) cùng đầu tư. Tháng 10-2023, Ấn Độ đã công bố ra mắt Quỹ Ấn Độ - Nhật Bản thông qua quan hệ đối tác với Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Quỹ đã phê duyệt 600 triệu USD và dành riêng cho các khoản đầu tư vào các nỗ lực thúc đẩy tính bền vững và lượng khí thải carbon thấp. Ngày 20-2-2024, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố việc ký kết các thỏa thuận cho vay lên tới 232.209 triệu yên. Các khoản vay này dành riêng để tài trợ cho một số dự án nhất định, bao gồm các dự án kết nối mạng lưới đường bộ, dự án hành lang vận tải hàng hóa và các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái tại các khu vực cụ thể trong nước Ấn Độ. Thông qua nhiều khoản hợp tác đầu tư và cho vay, hàng loạt các công trình giao thông được xây dựng và hoàn thành, như đường cao tốc nối Thủ đô Delhi với thành phố tài chính Mumbai; cầu đường sắt Chenab cao nhất thế giới,… thể hiện sự nỗ lực của Ấn Độ trong thực hiện chiến lược quốc gia.
Song song đó, Chính phủ Ấn Độ còn hướng tới mục tiêu cân bằng giữa chuyển đổi đô thị và các chương trình thúc đẩy hạ tầng giao thông công cộng phát triển. Chương trình PM-eBus Sewa năm 2023 là một trong những chương trình được khởi động nhằm thúc đẩy hoạt động xe buýt, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng thông qua các cơ chế bảo mật thanh toán. Bên cạnh đó, nguồn lực của nhà nước cũng được sử dụng chi đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, mua sắm máy móc tổng hợp sinh khối…
Ba là, đầu tư phát triển công nghệ thông tin.
Ấn Độ đang ở vị thế đặc biệt thuận lợi cho quá trình chuyển đổi với sự tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin hiện đại. Quá trình chuyển đổi này sẽ tích hợp công nghệ vào mọi khía cạnh của cuộc sống, tạo ra các hệ thống tự động hóa, kết nối giữa các lĩnh vực. Công nghệ thông tin được xác định là động lực giúp Ấn Độ đạt được sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Thực tế hiện nay, công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại các lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, thanh toán, giáo dục, nông nghiệp và chính phủ điện tử. Điều đó giúp Ấn Độ củng cố vị thế là trung tâm đổi mới toàn cầu, được thúc đẩy bởi hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ gồm các công ty khởi nghiệp, viện nghiên cứu và các gã khổng lồ công nghệ. Theo báo cáo của Bộ Truyền thông Ấn Độ, tính đến tháng 4-2024, 95,15% số làng ở Ấn Độ có thể truy cập mạng internet bằng kết nối di động 3G/4G(13). Với gần 2/3 dân số Ấn Độ cư trú ở vùng nông thôn, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại điện tử do sức mua của thị trường nông thôn gia tăng.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tự chủ của các quốc gia đang phát triển, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, gồm: Một là, xác định đầu tư phát triển khoa học - công nghệ tiến tiến, hiện đại là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nội lực kinh tế đất nước. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức rõ vai trò của khoa học - công nghệ tiên tiến đối với việc xây dựng nền kinh tế tự lực. Cả 2 quốc gia này đều đầu tư mạnh cho phát triển khoa học - công nghệ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trên thế giới. Phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống của người dân trở thành đòn bẩy chủ lực nâng cao tiềm lực kinh tế, năng lực sản xuất và năng suất lao động của các quốc gia này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất bản mạch của Công ty TNHH Mektec Manufacturing tại Khu Công nghiệp Thăng Long II thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (Ảnh: TTXVN)
Hai là, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng hiện đại. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, việc áp dụng các mô hình tiên tiến, chính sách hỗ trợ hợp lý và đầu tư vào công nghệ giao thông để xây dựng một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần phát triển bền vững đất nước. Do đó, cần thiết phải xây dựng một quỹ đặc biệt dành cho phát triển giao thông công cộng, tập trung huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển chính sách và vận hành hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Ba là, đầu tư phát triển nông nghiệp và thực hiện chuyển đổi xanh, bảo đảm an ninh lương thực. Kinh nghiệm của cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cho thấy, việc đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững và thực hiện chuyển đổi xanh là những yếu tố quan trọng không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Cần cải thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi và kho bãi để hỗ trợ sản xuất và phân phối nông sản hiệu quả hơn. Khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp như hệ thống tưới tiết kiệm nước, tự động hóa trong chăm sóc cây trồng và chăn nuôi. Phát triển các chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ hiện đại, cải thiện kết cấu hạ tầng và xây dựng chuỗi giá trị bền vững sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bốn là, đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Bằng cách chú trọng đầu tư các chương trình đào tạo chất lượng cao, áp dụng công nghệ trong giáo dục, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, Trung Quốc đã xây dựng, phát triển và thu hút được lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế tự lực dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ hiện đại. Có thể thấy, nguồn nhân lực số là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế trong điều kiện mới và bảo đảm tính tự lực của quốc gia. Vì vậy, Việt Nam nên xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực số, nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và chính sách thuế. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để bảo đảm các chương trình đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; tăng cường đào tạo kỹ năng số cho người lao động, giúp họ làm quen với các công nghệ mới và cải thiện khả năng làm việc trong môi trường số.
Năm là, tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế quốc tế là cần thiết để đạt được 2 mục tiêu đồng thời, đó là giảm sự phụ thuộc vào môi trường bên ngoài và thu hút đầu tư để phát triển nội lực. Đối với Việt Nam, việc đa dạng hóa các đối tác thương mại giúp nước ta mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ và lao động, từ đó giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường lớn. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với các quốc gia có tiềm năng sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ cho nền kinh tế.
Có thể thấy, xây dựng nền kinh tế tự chủ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nền kinh tế tự chủ sẽ giúp Việt Nam có khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn trước những cú sốc từ thị trường quốc tế, duy trì hoạt động bình thường của xã hội trong mọi tình huống. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế để củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực, giúp nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế, bảo đảm cho một nền kinh tế tự chủ toàn diện, mọi mặt.
(1) Godfrey, P.C: What is Economic Self-reliance? Bringham: Brigham Young University, 2008
(2) Godfrey, P. C: Editor's Introduction: Welcome to the new ESR Review, Journal of Microfinance/ESR Review, 8 (1), 2-2006
(3) Phùng Quang Phát & Nguyễn Tú Anh: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới, Tạp chí Quản lý nhà nước, ngày 15-10-2024, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/10/15/xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-va-chu-dong-hoi-nhap-quoc-te-trong-ky-nguyen-moi/
(4), (5) Nguyễn Bích Lâm: Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, Báo điện tử Chính phủ, ngày 31-8-2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-thoi-bung-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-phon-vinh-hanh-phuc-119230302164025544.htm
(6) Phạm Việt Dũng: Định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong bối cảnh mới ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-12-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/850802/dinh-huong-xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap%2C-tu-chu-va-hoi-nhap-quoc-te-toan-dien%2C-sau-rong-trong-boi-canh-moi-o-viet-nam.aspx#
(7) Hoàng Huệ Anh: Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao, Tạp chí Cộng Sản điện tử, ngày 2-12-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1009702/hoi-nghi-trung-uong-3-khoa-xx-dang-cong-san-trung-quoc---chu-trong-duy-tri-on-dinh-va-phat-trien-chat-luong-cao.aspx
(8), (10), (11) De Soyres, F., & Moore, D: Assessing China's Efforts to Increase Self-Reliance, 2024(9) Megan Hogan & Gary Clyde Hufbauer: "Despite disruptions, US-China trade is likely to grow," Policy Briefs PB23-14, Peterson Institute for International Economics, 2023
(12) Nguyễn Bích Lâm: Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 31-8-2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-thoi-bung-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-phon-vinh-hanh-phuc-119230302164025544.htm
(13) Xem trang web của Bộ Truyền thông Ấn Độ: https://pib.gov.in/PressReleaseIframePage.aspx?PRID=2040566
Chiều 22/1 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2025 (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa" do Chủ tịch WEF Borge Brende điều hành.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định cạnh tranh Mỹ - Trung dưới Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục leo thang và định hình lại cục diện toàn cầu, tuy nhiên, Trung Quốc đã lớn mạnh và không dễ bị 'bắt nạt'.
Vào lúc 12h02 ngày 20/1 theo giờ bờ Đông nước Mỹ (0 giờ 2 phút ngày 21/1 theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của "xứ cờ hoa".
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định 4 yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn của Tổng thống Trump và 5 thành tố của ‘học thuyết Trump’ nhằm đặt nước Mỹ ở trung tâm của các thay đổi địa chính trị và đảm bảo tối đa lợi ích.
(PLPT) - Trong những năm gần đây, TikTok - nền tảng mạng xã hội nổi tiếng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) - đã trở thành tâm điểm của các tranh cãi chính trị và pháp lý tại Hoa Kỳ. Một trong những vấn đề nổi bật nhất liên quan đến lệnh cấm TikTok do Chính phủ Mỹ đề xuất chính là lập luận pháp lý dựa trên Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook, vừa qua thông báo chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba (phát hiện tin giả) có từ năm 2016, đối với các nội dung trên các nền tảng thuộc sở hữu của Meta, trước mắt tại Mỹ. Quyết định của Meta đã bị chỉ trích mạnh mẽ.
(PLPT) - Vào cuối tháng 10 năm 2024, quốc hội Israel, Knesset, đã bỏ phiếu ủng hộ luật nhắm vào cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA). Luật này có hiệu lực có thể khiến các hoạt động của cơ quan này trên lãnh thổ Israel phải dừng lại. Luật này chưa có hiệu lực ngay lập tức nhưng có nguy cơ làm sụp đổ tiến trình phân phối viện trợ vốn đã mong manh vào thời điểm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Bộ luật Hình sự Thụy Điển quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu, trong đó, các quyền của chủ nợ được quy định khá chặt chẽ nhằm bảo vệ triệt để quyền của chủ nợ đối với con nợ. Tác giả so sánh quy định của Bộ luật Hình sự Thụy Điển với quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự Việt Nam và đưa ra khuyến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam.