Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Đối mặt với nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng trên toàn cầu, ngăn ngừa chất thải ngay từ đầu đã được xác định là chiến lược quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên của mỗi quốc gia. Sự phát triển của mô hình kinh doanh cho thuê trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần ngăn ngừa lãng phí nguồn tài nguyên, bảo vệ hiệu quả môi trường. Bài viết này làm rõ bản chất của mô hình kinh doanh cho thuê trong nền kinh tế tuần hoàn đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong quá trình áp dụng. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho quá trình thực hiện.
Từ khoá: mô hình kinh doanh, cho thuê, kinh tế tuần hoàn, môi trường, pháp luật
Abstract: Faced with the increasing demand for natural resources globally, waste prevention has been identified as an important strategy to increase the efficiency of resource use in each country. The development of the leasing business model in the circular economy will contribute to preventing waste of resources and effectively protecting the environment. This article clarifies the nature of the leasing business model in the circular economy and analyzes the opportunities and challenges for Vietnam in the application process. On that basis, a number of recommendations are made to create a complete and clear legal corridor for the implementation process.
Keywords: business model, leasing, circular economy, environment, law
Kinh tế thẳng (hay kinh tế tuyến tính) là khái niệm được sử dụng trong các nền kinh tế trước đây, “được vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt các bước tạo thêm giá trị gia tằng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt”[1]. Điều này dẫn đến sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên.
Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy_CE) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990), dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.[2] Nếu như kinh tế tuyến tính phát triển theo mô hình đường thẳng với điểm bắt đầu là khai thác tài nguyên và kết thúc là thải loại ra môi trường, dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường thì kinh tế tuần hoàn lại phát triển theo mô hình vòng tròn. Trong kinh tế tuần hoàn, kết nối điểm cuối của chu trình này với điểm đầu của chu trình khác để trở thành một vòng tuần hoàn vật chất, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Điều này giúp hạn chế chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Có nhiều cách định nghĩa về kinh tế tuần hoàn. Trong Báo cáo nghiên cứu CEPS, nhóm tác giả cho rằng, kinh tế tuần hoàn là “nền kinh tế mà ở đó giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và sự phát thải được giảm thiểu”.[3] Còn theo Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tuy nhiên, định nghĩa về kinh tế tuần hoàn của Quỹ Ellen MacAthur Foundation (Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu) được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kĩ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”[4]. Năm 2020, Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cũng đưa ra định nghĩa tương tự.[5] Nhìn chung, quan niệm về kinh tế tuần hoàn khá thống nhất, gồm các nội hàm sau:
1) Được xây dựng dựa trên triết lí Tái tạo và Khôi phục
2) Không chỉ xử lý chất thải mà hướng tới việc “thiết kế” chất thải
3) Không chỉ là tuần hoàn vật liệu mà còn giảm thiểu việc sử dụng vật liệu khó tuần hoàn
4) Là con đường hướng tới sự phát triển bền vững, nhằm tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Ở mức độ cụ thể hơn, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn được xác định dựa trên các nhóm chiến lược để làm cơ sở cho việc đo lường mức độ thực hiện, bao gồm[6]:
Nhóm 1: Duy trì chức năng của sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp bởi các mô hình kinh doanh tuần hoàn như nền tảng chia sẻ, PPS (định hướng sử dụng và kết quả) và các kế hoạch thúc đẩy tính dư thừa và tính đa chức năng của sản phẩm
Nhóm 2: Bảo quản sản phẩm thông qua việc tăng tuổi thọ bằng cách tăng độ bền, tái sử dụng, khôi phục, tân trang và tái sản xuất
Nhóm 3: Bảo quản các thành phần của sản phẩm thông qua việc tái sử dụng, phục hồi và tái sử dụng các bộ phận
Nhóm 4: Bảo quản vật liệu thông qua tái chế
Nhóm 5: Bảo toàn năng lượng tiêu hao thông qua thu hồi năng lượng khi đốt cơ sở vật chất và bãi chôn lấp
Nhóm 6: Đo lường nền kinh tế tuyến tính để xác định trạng thái tiến triển hoặc thoái lui đối với kinh tế tuần hoàn.
Có thể nói, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống các mô hình kinh doanh nhằm hướng tới mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng và đang là xu hướng của các quốc gia, giúp giải bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường trong điều kiện nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.
Việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn ở cấp độ kinh tế vi mô dựa trên các mô hình kinh doanh tuần hoàn, trong đó có mô hình “xã hội cho thuê”.
Ý tưởng về Xã hội cho thuê có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm “Hệ thống sản phẩm-dịch vụ” (Product-Service Systems) (PSS).
Cuộc thảo luận về PSS được Stahel và Reday khởi xướng vào năm 1976, họ kêu gọi chuyển đổi dần các hoạt động sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ tương ứng, tập trung vào các hoạt động cho thuê dài hạn, bảo trì và phục hồi nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế đồng thời tiết kiệm tài nguyên. Hai tác giả đưa ra quan điểm rằng, sự chuyển đổi theo hướng tái chế và tái sản xuất dịch vụ có thể giúp tạo việc làm đồng thời tiết kiệm tài nguyên và năng lượng vì một nền kinh tế không tập trung vào sản phẩm mà chỉ tập trung vào việc bán tính hữu dụng của sản phẩm sẽ sử dụng nhiều lao động hơn và ít đòi hỏi năng lượng hơn.[7]
Năm 1999, Goedkoop đã đưa ra định nghĩa đầu tiên về PSS. Theo đó, PSS là “tập hợp các sản phẩm và dịch vụ có thể bán được trên thị trường, có khả năng cùng nhau đáp ứng nhu cầu của người dùng”[8]. Kể từ đó, thuật ngữ này đã được phát triển cho đến hiện tại. PSS nhấn mạnh vào “bán dịch vụ” hơn là “bán sản phẩm”, còn được gọi là “dịch vụ hóa sản phẩm” hay “các mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ”. Khách hàng trả tiền cho việc sử dụng tài sản thay vì mua tài sản đó và do đó được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc các rủi ro, trách nhiệm và chi phí truyền thống gắn liền với quyền sở hữu. Chính vì vậy, PSS còn được định nghĩa là “hệ thống các sản phẩm, dịch vụ cũng như mạng lưới đối tác và cơ sở hạ tầng hỗ trợ có tính cạnh tranh, có thể đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng và có tác động đến môi trường thấp hơn so với các mô hình kinh doanh truyền thống”[9].
Tukker (2004) đã xác định ba nhóm mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ của PSS[10] và sau đó đã được Fisher và các cộng sự phát triển[11]. Cụ thể như sau:
- Dịch vụ định hướng sản phẩm: Mô hình kinh doanh vẫn chủ yếu dựa trên việc bán sản phẩm nhưng bao gồm các dịch vụ sau bán hàng cần thiết trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm. Ví dụ như chương trình tài trợ bảo trì, sửa chữa hoặc thỏa thuận thu hồi hoặc đào tạo hoặc tư vấn để tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm. Khách hàng mua sản phẩm và giữ nguyên quyền sở hữu nó.
- Dịch vụ hướng đến mục đích sử dụng: sản phẩm truyền thống vẫn giữ vai trò trung tâm nhưng mô hình này không nhằm mục đích bán sản phẩm vì quyền sở hữu vẫn thuộc về nhà sản xuất và nhà sản xuất chỉ chuyển giao quyền sử dụng. Nói cách khác, mô hình này làm thay đổi cơ cấu sở hữu của hoạt động mua bán truyền thống, sử dụng sản phẩm thay cho bán sản phẩm. Ví dụ như trường hợp cho thuê hoặc nhiều người sử dụng sản phẩm
- Dịch vụ hướng tới kết quả: Mô hình kinh doanh này đáp ứng yêu cầu thực sự của khách hàng theo những cách mới. Thay vì bán sản phẩm hay bán công dụng của sản phẩm, người ta bán kết quả của việc sử dụng sản phẩm. Khách hàng và nhà sản xuất đồng ý về kết quả mong đợi hoặc mức độ thực hiện mà không liên quan đến sản phẩm được xác định trước. Ví dụ việc thuê ngoài dịch vụ vệ sinh, ăn uống, thanh toán đơn vị cho việc photocopy… Nhà sản xuất vẫn là chủ sở hữu của sản phẩm được sử dụng và khách hàng trả tiền cho việc cung cấp kết quả.
Việc chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang chức năng dịch vụ có tiềm năng làm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Đây là cơ sở hình thành nên ý tưởng về Xã hội cho thuê.
Thuật ngữ “Xã hội cho thuê”_“Leasing Society” (hoặc “Lease Society”) còn khá mới, được sử dụng trong các tài liệu về phát triển bền vững. Nó liên quan đến các mô hình kinh doanh phát triển bền vững khác hiện nay như “Service Society” (Xã hội dịch vụ) hoặc “Functional Sociaty” (Xã hội chức năng), the Sharing Economy (Kinh tế chia sẻ), the Circular Economy (Kinh tế tuần hoàn) hoặc “Using instead of Owning” (Sử dụng thay cho Sở hữu). Yếu tố chung của các mô hình này là dựa trên ý tưởng nhu cầu của khách hàng có thể được đáp ứng bằng cách thay đổi theo hướng tăng cường định hướng dịch vụ và thay đổi cơ cấu quyền sở hữu sản phẩm theo hướng tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất. Hàng hoá được sản xuất chủ yếu để bán các dịch vụ phái sinh từ chức năng của chúng mà không phải để bán thực tế.
Khái niệm “xã hội cho thuê” được phát triển từ nghĩa cổ điển của giao dịch cho thuê, bao gồm việc cung cấp quyền sử dụng hàng hóa trong một khoảng thời gian để đổi lấy một khoản thanh toán và trả lại hàng hóa cho nhà cung cấp để tái chế. Theo đó, “xã hội cho thuê” được hiểu “là một cấu trúc xã hội được bao quanh bởi mô hình cho thuê với mô hình phát triển bền vững”[12]. Trong Xã hội cho thuê, “người tiêu dùng mua dịch vụ (thay vì sản phẩm) còn nhà sản xuất trong xã hội cho thuê vẫn giữ quyền sở hữu sản phẩm (thay vì bán nó) và bán dịch vụ sử dụng sản phẩm. Điều này tạo ra động lực cho nhà sản xuất tái sử dụng, tái sản xuất và tái chế các sản phẩm và vật liệu và có thể trở thành nền tảng của kinh tế tuần hoàn, tuỳ thuộc vào cách thức thực hiện xã hội cho thuê”[13] Xã hội cho thuê tập trung vào việc duy trì quyền sở hữu sản phẩm của nhà sản xuất và chỉ bán kết quả của việc sử dụng sản phẩm. Người tiêu dùng thuê sản phẩm về sử dụng thông qua mô hình coi dịch vụ là sản phẩm. Điều này mang lại tiềm năng giảm tác động đến môi trường bằng cách giảm bớt việc khai thác nguyên liệu thô, tiêu thụ tài nguyên, tạo ra chất thải và các tác động môi trường khác. Do vậy, xã hội cho thuê có vai trò tăng cường việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và ngăn ngừa lãng phí.
Theo Fischer và cộng sự (2015), “xã hội cho thuê” dựa trên 2 trụ cột chính:
Thứ nhất, các mô hình kinh doanh theo định hướng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tập trung vào việc cung cấp công dụng sản phẩm và kết quả sử dụng sản phẩm
Thứ hai, Quyền sở hữu sản phẩm thuộc về nhà sản xuất, trong khi khách hàng sử dụng sản phẩm thực tế hoặc tiêu thụ kết quả thực tế của việc sử dụng sản phẩm.
Trong một “xã hội cho thuê”, các giao dịch cho thuê diễn ra giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng (B2C) và là mô hình kinh doanh tuần hoàn khi nhà sản xuất thu hồi tài sản sau khi kết thúc hợp đồng thuê hoặc khi hết thời gian sử dụng và tái tích hợp vào một chu kì kinh tế mới với tác động tối thiểu đến môi trường tự nhiên. Do sản phẩm được trả lại cho chủ sở hữu (nhà sản xuất) sau khi sử dụng xong thay vì thải bỏ, nhà sản xuất có động cơ thiết kế và sản xuất sản phẩm của mình theo tiêu chí thiết kế sinh thái. Ví dụ như làm cho sản phẩm tiết kiệm tài nguyên hơn, tối ưu hóa việc sử dụng chúng, kéo dài tuổi thọ của chúng, cho phép tái sản xuất hoặc tái chế dễ dàng hơn, và do đó tránh lãng phí. Có thể nói, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng thay đổi đã góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng truyền thống, định hướng lại chuỗi giá trị của hàng hóa vật chất theo hướng tuần hoàn hơn, giảm tác động xấu tới môi trường và là một phần quan trọng trong bức tranh tổng thể về kinh tế tuần hoàn.
Trong môi trường kinh doanh, cho thuê không phải là một loại giao dịch mới nhưng tính mới nằm ở việc nhìn nhận cho thuê như một mô hình kinh doanh cụ thể trong nền kinh tế tuần hoàn, dựa trên quan niệm về “xã hội cho thuê” và PSS.
Theo định nghĩa cổ điển, cho thuê là một giao dịch trao quyền sử dụng một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định để đổi lấy một khoản thanh toán. Bên thuê kiểm soát việc sử dụng tài sản cơ sở trong thời hạn thuê và có nghĩa vụ trả lại tài sản thuê cho bên cho thuê khi kết thúc thời hạn thuê[14]. Dưới góc độ kinh doanh, đó là quyền sử dụng tài sản có được (ví dụ như quyền sử dụng thiết bị, nhà xưởng, ô tô, máy bay…) để đổi lấy khoản tiền thuê, với tùy chọn có thể mua tài sản đó với giá trị còn lại có tính đến các khoản thanh toán tiền thuê trước đó. Đây được coi là một giải pháp tài chính thay thế trong trường hợp khách hàng hạn chế về nguồn tài chính từ vốn chủ sở hữu và nợ khác. Một công ty cho thuê mua sản phẩm từ nhà sản xuất, cho khách hàng thuê và chịu trách nhiệm đối với một số hư hỏng hoặc trục trặc của sản phẩm. Cuối cùng, tài sản của hợp đồng cho thuê thường được bán cho khách hàng hoặc thị trường đồ cũ.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, theo Ionascu (2018), cho thuê là một mô hình kinh doanh liên quan đến việc bán dịch vụ và luân chuyển hàng hóa. Người cho thuê (nhà sản xuất) cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào sản phẩm nhưng vẫn là chủ sở hữu của tài sản trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của nó. Đồng thời, người cho thuê cố gắng kiểm soát tài sản cho thuê vào cuối thời gian sử dụng để đổi mới, tân trang, tái sản xuất sản phẩm và tái chế nguyên vật liệu, do đó làm giảm tác động đến môi trường tự nhiên. Ví dụ: trường hợp của Công ty Michelin đã bán lốp xe sử dụng theo dặm kể từ năm 2007 cho các hãng vận tải ô tô. Để tăng tuổi thọ sử dụng của lốp xe, họ đã sử dụng các các xưởng di dộng để sửa chữa và mài lại. Và để khép lại vòng lặp, những chiếc lốp xe đã qua sử dụng sẽ được thu hồi và gửi đến các nhà máy của Michelin để tái sử dụng. Chính vì vậy, giao dịch cho thuê còn được gọi là giao dịch “xanh”[15] bởi ngoài hiệu quả kinh tế, nó còn góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Để cải thiện môi trường, theo quan điểm của Mont và cộng sự[16], giao dịch cho thuê phải đáp ứng các tiêu chí sau:
1) Nhà sản xuất sản phẩm có nhu cầu trực tiếp cho thuê sản phẩm và quan tâm đến việc tăng tuổi thọ của sản phẩm thông qua bảo trì và nâng cấp sản phẩm;
2) Ở cuối vòng đời của sản phẩm, sản phẩm không được bán cho người sử dụng mà thay vào đó nên được trả lại cho nhà sản xuất để tái sản xuất và tái chế;
3) Phải tuân theo hệ thống phân cấp quản lí chất thải hữu cơ (tái chế, tái sử dụng và tái chế).
Một số nghiên cứu điều tra của các nhà khoa học đã cho thấy, giao dịch cho thuê đã được thực hiện trong các lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, xử lý chất thải, thiết bị văn phòng, dệt may, ô tô, máy móc và thiết bị[17]. Trong đó, việc cung cấp Dịch vụ quản lý hóa chất thay vì bán hóa chất của SEFECHEM là một trong những ví dụ kinh điển được thảo luận nhiều nhất về mô hình kinh doanh cho thuê trong nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, trong mô hình kinh doanh thông thường, nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ hóa chất bán hóa chất và các biện pháp khuyên khích giúp khách hàng sử dụng hóa chất hiệu quả thường bị hạn chế. Ngược lại, người mua quan tâm đến việc giảm khối lượng và chi phí hóa chất và họ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hóa chất. Trong mô hình kinh doanh xã hội cho thuê, với thỏa thuận hợp đồng về một kết quả cụ thể (ví dụ như phủ sơn một chiếc ô tô), hoạt động sử dụng hóa chất có thể do nhà cung cấp hóa chất thực hiện. Nhà cung cấp vẫn sở hữu hóa chất và chịu trách nhiệm về hiệu suất đã thỏa thuận đồng thời được thanh toán dựa trên hiệu suất này. Chi phí sử dụng hóa chất sẽ được chuyển sang nhà cung cấp và họ sẽ tìm cách sử dụng hóa chất hiệu quả bằng cách giảm chi phí vòng đời của vật liệu, nhân công và quản lí chất thải.
Vậy cơ sở nào để khẳng định cho thuê có thể trở thành một giải pháp thay thế cho mô hình “mua và sở hữu” truyền thống ? Điều này đã được Hockerts (2008) luận giải dựa trên hai cơ sở.
Thứ nhất, sự ảnh hưởng của ba cơ chế ảnh hưởng tới tính hiệu quả của mô hình “mua và sở hữu” truyền thống
- Cơ chế hành vi cơ hội: nhà sản xuất thường sở hữu thông tin cho phép họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng. Ví dụ như khuyến khích khách hàng mua sản phẩm mới bằng việc ngừng sản xuất phụ tùng thay thế hoặc đưa ra quy trình bảo trì nghiêm ngặt để buộc khách hàng phải thay thế nhiều bộ phận hơn mức cần thiết.
- Cơ chế tính hợp lí có giới hạn: thông thường khách hàng thường mua sản phẩm chủ yếu dựa trên giá tại thời điểm bán mà không xem xét toàn bộ chi phí sở hữu (bao gồm cả chi phí bảo trì, thanh lý và thay thế). Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả thông tin có sẵn, nhiều khách hàng không phải lúc nào cũng xem xét một cách hợp lí. Điều này dẫn đến nhiều nhà sản xuất không muốn tăng hiệu quả sử dụng của sản phẩm vì sẽ đẩy giá bán cao hơn
- Cơ chế thông tin bất cân xứng: nhiều khách hàng không thể phát huy hết tiềm năng của sản phẩm vì thiếu thông tin thích hợp và họ có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm hơn để đạt được mục đích nhất định. Các sản phẩm có tuổi thọ cao như ô tô, máy giặt… vẫn “nhàn rỗi” hầu hết thời gian và hiệu quả sử dụng này có thể được khắc phục một phần nếu nhà sản xuất có động cơ giúp họ.
Thứ hai, việc tập trung vào việc tái phân phối lại quyền sở hữu trong mô hình cho thuê tạo động lực tốt hơn cho nhà sản xuất tăng hiệu quả sử dụng sản phẩm của họ.
- Quyền giữ lại lợi nhuận/nghĩa vụ bù lỗ: theo truyền thống, tất cả quyền liên quan đến việc giữ lại lợi nhuận được chuyển giao cho khách hàng tại thời điểm bán. Tuy nhiên, bằng cách cho phép nhà sản xuất giữa lại một phần quyền này (khi thời hạn cho thuê kết thúc) sẽ tạo động lực khuyến khích nhà sản xuất tăng tuổi thọ của sản phẩm, giúp ngăn cản hành vi cơ hội. Các sản phẩm có tuổi thọ càng cao thì lợi ích của nhà sản xuất càng cao nhưng họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm về những tổn thất trong tương lai.
- Quyền/nghĩa vụ vận hành và bảo trì sản phẩm: trong giao dịch mua bán, quyền vận hành và bảo trì sản phẩm được chuyển giao cho khách hàng nhưng khách hàng có thể không thực hiện hiệu quả, đặc biệt với những sản phẩm có hiệu quả bị ảnh hưởng nhiều bởi thiết kế. Bằng cách giữ lại quyền/nghĩa vụ này, nhà sản xuất có thể được thúc đẩy để tăng hiệu quả sử dụng của sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế hoặc giúp đỡ khách hàng về dịch vụ đào tạo và bảo trì.
- Quyền/nghĩa vụ định đoạt sản phẩm: trong giao dịch mua bán, khách hàng chịu chi phí thanh lý sản phẩm nhưng cũng có thể thu được lợi ích từ việc thải bỏ sản phẩm (ví dụ như bán đồ cũ…). Do đó, nhà sản xuất thường không thiết kế các sản phẩm dễ tái chế. Bằng cách chuyển quyền định đoạt sang cho nhà sản xuất, giao dịch cho thuê sẽ tạo động cơ khuyến khích nhà sản suất thiết kết hiệu quả cũng như đảm bảo rằng nguyên liệu sẽ quay trở lại nhà sản xuất để tái sản xuất và tái chế.
- Quyền ngăn chặn người khác sử dụng sản phẩm: Khi nhà sản xuất giữ được quyền này, họ có thể cung cấp các phương tiện chia sẻ để qua đó các khách hàng khác nhau có thể sử dụng cùng một sản phẩm, do đó làm giảm thời gian nhàn rỗi và tăng hiệu quả sử dụng. Mặt khác, khách hàng có cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của họ thay vì phải sử dụng một sản phẩm đã định trước.
- Quyền sử dụng sản phẩm: quyền sử dụng một sản phẩm theo truyền thống được giao tại điểm bán hàng và thường liên quan đến một lượng đáng kể chi phí cố định (ví dụ như mất một phần giá trí sản phẩm do cũ đi hoặc thuế sở hữu). Bằng việc cung cấp dịch vụ, quyền sử dụng sẽ tách khỏi quyền sở hữu, từ đó làm giảm chi phí cố định mà khách hàng phải chịu.
Có thể nhận thấy, với những ưu thế của mình, mô hình kinh doanh cho thuê có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh việc hỗ trợ sự phát triển bền vững thông qua chu trình tuần hoàn sản phẩm, mô hình kinh doanh này còn thúc đẩy hiệu quả kinh tế của các chủ thể tham gia.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính điều này đã tạo ra những cơ hội cho cho việc áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê tại Việt Nam, thể hiện ở một số điểm sau đây:
Thứ nhất, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của phát triển bền vững cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế đã tham gia kí kết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đồng thời, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2023, Đảng cũng đã nhìn nhận “phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xăng đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”. Từ đó, chỉ rõ một trong những phương hướng phát triển kinh tế xã hội là “quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” với giải pháp “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Đồng thời, ngày 07/06/2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Để thực hiện đồng bộ mục và hiệu quả mục tiêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức luật hóa khái niệm kinh tế tuần hoàn đồng thời quy định cụ thể nghĩa vụ của các chủ thể trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn (Điều 142). Bên cạnh đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường đã xác định cụ thể tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.
Có thể nói, để triển khai thực hiện hiệu quả nền kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh cho thuê nói riêng, các chủ thể trong nền kinh tế cần một hành lang pháp lý đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc xác định định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chủ trương, chính sách của Đảng và việc ghi nhận một số nội dung cơ bản về kinh tế tuần hoàn trong các văn bản pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thứ hai, thực tiễn tại Việt Nam đã tồn tại mô hình kinh doanh cho thuê, tạo tiền đề cho việc triển khai và phát triển
Khái niệm về mô hình kinh doanh cho thuê trong nền kinh tế tuần hoàn còn khá mới ở Việt Nam, song trên thực tế, đã có những nhà sản xuất tiên phong áp dụng.
Minh chứng điển hình là việc hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất của Việt Nam_Vinfast_thành viên của Tập đoàn Vingroup đã triển khai dịch vụ cho thuê xe thông qua vai trò trung gian của Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM)_cũng thuộc Tập đoàn Vingroup từ năm 2023.[18] Không chỉ cho các hãng vận tải thuê ô tô và xe máy điện để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, thông qua GMS, Vinfast còn cung cấp gói dịch vụ “Xanh SM Rentals - Cho thuê xe tự lái” dành cho các cá nhân và doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp di chuyển hiện đại, văn minh, tiện dụng và hiệu quả kinh tế với chi phí tùy thuộc dòng xe và thời gian thuê. Nhằm khắc phục hạn chế về tính linh hoạt và tính độc lập do phụ thuộc vào pin của ô tô điện, Vinfast còn tách quyền sở hữu ô điện (thuộc sở hữu của khách hàng) khỏi pin (thuộc sở hữu của Vinfast) để cung ứng dịch vụ cho thuê pin cho các dòng ô tô điện Vinfast.[19] Trước đó, ngày 18/05/2022, Vinfast cũng đã kí thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng FCA_nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực ô tô tại Châu Âu, nhằm cung cấp các gói hỗ trợ tài chính sáng tạo và linh hoạt cho xe điện Vinfast. Theo nội dung hợp tác, việc hỗ trợ tài chính sẽ dành cho các gói cho thuê xe điện Vinfast tại 3 thị trường trọng điểm là Đức, Pháp và Hà Lan, bao gồm cả gói thuê bao pin cố định.[20] Có thể nói, việc cho thuê xe ô tô điện của Vinfast đã giúp Vinfast mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu của bộ phận người tiêu dùng muốn sử dụng nhưng không có khả năng/không có nhu cầu sở hữu ô tô. Điều quan trọng hơn, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc cho thuê thay vì chỉ tập trung bán sản phẩm sẽ tạo động lực cho chính bản thân Vinfast trong quá trình thiết kế sản phẩm luôn hướng tới mục tiêu kéo dài tuổi thọ, dễ tái chế để giảm thiểu chi phí đầu tư, qua đó gián tiếp góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm tác động xấu tới môi trường. Với tư cách là chủ thể kinh doanh, đây có thể không phải là mục tiêu hàng đầu của Vinfast khi áp dụng mô hình cho thuê này nhưng không thể phủ nhận rằng, mối quan hệ ràng buộc về lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đã thúc đẩy việc thực hiện trên thực tế.
Trong ngành công nghiệp hóa chất_ lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng phát sinh rất nhiều chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và rủi ro môi trường, mô hình cho thuê cũng đã được một số nhà sản xuất áp dụng. Ví dụ: nhà sản xuất sơn Seapa (Công ty cổ phần Seapa) không chỉ bán các loại sơn công nghiệp mà còn cung cấp giải pháp phủ màu xe ô tô với chi phí dựa trên mức độ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không phải trên khối lượng sơn sử dụng. Ở mô hình kinh doanh thông thường, nhà sản xuất bán hóa chất và người mua chịu trách nhiệm về việc sử dụng hóa chất. Nhưng với trường hợp của Seapa, nhà sản xuất vẫn sở hữu hóa chất và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Chi phí sử dụng hóa chất được chuyển sang cho Seapa và họ sẽ tìm cách sử dụng hóa chất hiệu quả bằng việc giảm chi phí vòng đời của vật liệu, nhân công và quản lí chất thải[21].
Trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ chiếu sáng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, được cung cấp bởi Signify_Tên công ty mới của Philips Lighting_thuộc thương hiệu Philips chuyên cung cấp các thiết bị chiếu sáng hàng đầu thế giới. Với dịch vụ chiếu sáng, thay vì khách hàng phải mua thiết bị chiếu sáng về lắp đặt và sử dụng như trước đây, Signify thực hiện dịch vụ chiếu sáng tùy chỉnh, cung cấp chất lượng ánh sáng theo yêu cầu của từng khách hàng. Công ty sẽ tiến hành lắp đặt, vận hành, bảo trì và chịu trách nhiệm về hiệu suất của hệ thống chiếu sáng. Khách hàng trả tiền để thụ hưởng kết quả chiếu sáng mà không sở hữu các thiết bị và không cần quan tâm đến việc bảo trì, bảo dưỡng hay sửa chữa các thiết bị này.[22]
Mặc dù việc chủ động áp dụng mô hình cho thuê trong các trường hợp nêu trên xuất phát phần lớn từ mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hơn là hướng tới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở nền móng để có thể chính thức áp dụng và nhân rộng mô hình này trong các lĩnh vực khác, thực hiện định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm của các nước đi trước
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu, đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Mỹ. Tại Châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia đạt được những thành tựu nổi bật.[23] Do đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển mô hình kinh tế này của các quốc gia, tận dụng cơ hội hợp tác và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo hiện đại.
Áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê chỉ là một phần nội dung của kinh tế tuần hoàn. Mỗi quốc gia xác định cách thức áp dụng riêng tùy thuộc đặc thù kinh tế-xã hội từng nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện tại Việt Nam. Trường hợp của Vinfast là minh chứng rõ nhất cho điều này khi đã học hỏi từ Better Place_một công ty sản xuất xe ô tô điện của Mỹ đưa ra ý tưởng về việc bán xe ô tô điện và cho thuê pin.[24]
Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận dường như luôn nặng hơn mục tiêu bảo vệ môi trường khi được đặt lên cùng bàn cân. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nói chung và áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê nói riêng sẽ gặp phải không ít thách thức.
Thứ nhất, khung chính sách và pháp luật về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện. Các văn kiện của Đảng đề ra chủ trương, định hướng nhưng hành lang pháp lý mới dừng ở những quy định chung chung. Các tiêu chí xác định kinh tế tuần hoàn mới dừng ở mức độ định tính, chưa được định lượng cụ thể. Nội dung các quy định dường như chủ yếu mang tính “khẩu hiệu”, “khuyến khích” trong khi đây là mô hình kinh tế hoàn toàn mới, rất cần sự hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, mô hình kinh doanh cho thuê trong kinh tế tuần hoàn chưa được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý xây dựng chính sách ưu đãi, thúc đẩy việc triển khai áp dụng.
Thứ hai, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Việc áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê đòi hỏi các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm phải có đủ năng lực về tài chính, về nhân sự, năng lực về công nghệ tái chế và mạng lưới hoạt động để có thể vừa sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ cho thuê và thực hiện tái chế khi sản phẩm được thu hồi. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Một số doanh nghiệp lớn nhưng thiếu sự bền vững, chỉ xác định mục tiêu ngắn hạn là lợi nhuận mà chưa tính toán chiến lược đường dài để phát triển bền vững.
Thứ ba, thói quen người tiêu dùng Việt Nam thích sử dụng sản phẩm thuộc sở hữu của mình hoặc sản phẩm mới hơn là đi thuê sản phẩm cũ về sử dụng, đặc biệt trong tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng hướng tới thân thiện với môi trường còn chưa cao. Việc sử dụng sản phẩm chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ thay vì có xem xét đến yếu tố ảnh hưởng đến môi trường để thay đổi cách thức sử dụng phù hợp. Đây là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn cung ứng dịch vụ cho thuê thay vì bán sản phẩm như hiện nay.
Thứ 4, những hạn chế của mô hình cho thuê đòi hỏi phải có phương án xử lí hợp lí. Người tiêu dùng có thể có xu hướng ít quan tâm hơn khi sử dụng sản phẩm đi thuê thay vì sản phẩm mà họ sở hữu dẫn đến việc sử dụng sản phẩm nhiều hơn và bất cẩn hơn. Sản phẩm có nhiều nguy cơ bị rút ra khỏi giai đoạn sử dụng trước khi kết thúc theo kế hoạch ban đầu và việc sản xuất (sử dụng tài nguyên) sản phẩm gia tăng. Mặt khác, về phía nhà sản xuất, việc tối ưu hóa hóa vòng đời sản phẩm cho thuê có thể dẫn đến các nguồn lực sẽ được sử dụng không hiệu quả nếu tất cả các sản phẩm chỉ được thiết kế với mục đích bền nhất có thể. Bên cạnh đó, một số sản phẩm được bán dưới dạng sản phẩm đã qua sử dụng khi kết thúc thời hạn thuê nhưng không phải hiển nhiên việc bán sản phẩm cho thuê như sản phẩm đã qua sử dụng sẽ dẫn đến việc giảm sử dụng tài nguyên (so với việc mua sản phẩm mới). Điều này đặc biệt đúng đối với các sản phẩm mà tác động đến môi trường chủ yếu xảy ra trong giai đoạn sử dụng và ít hơn trong giai đoạn sản xuất sản phẩm (ví dụ như máy giặt…). Chính vì vậy, cần xác định chính xác các lĩnh vực nhất định mà mô hình kinh doanh cho thuê có khả năng phát huy tốt ưu việt của mình.
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn thay vì tình trạng quy định chung chung, tản mát và thiếu thống nhất như hiện nay. Chính phủ nên ban hành riêng một văn bản trong đó quy định tập trung, toàn diện các vấn đề về phát triển kinh tuần hoàn. Đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi, nêu rõ mục tiêu chung và mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn cụ thể, xác định cụ thể vai trò của các bên liên quan và trong mỗi lộ trình gắn với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại Luật thuế tài nguyên để sửa đổi, bổ sung hướng tới việc hạn chế khai thác tài nguyên làm nguyên liệu trong khi xem xét mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường trong Luật thuế bảo vệ môi trường. Đối với Luật bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành, việc quy định cụ thể các quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường về tái chế sản phẩm rất quan trọng, nhằm xác định cụ thể các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Có thể nói, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế tuần hoàn là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng các quy định cụ thể về mô hình kinh doanh cho thuê.
Thứ hai, luật hóa chính thức mô hình kinh doanh cho thuê trong nền kinh tế tuần hoàn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các chủ thể thực hiện thay vì “tự phát” như hiện nay. Đặc biệt, nhà làm luật cầnquy định rõ các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể cần ưu tiên áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê, góp phần định hướng hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu được đề cập đến ở trên dựa trên phân tích tình hình thực tiễn đã chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh XH cho thuê dường như được thực hiện hiệu quả hơn ở một số thị trường nhất định, ví dụ như thị trường hóa chất, máy giặt, máy photocopy, dệt may, ô tô điện, xe đẩy trẻ em… . Do vậy, việc phân tích để hiểu rõ hơn các rào cản và đánh giá tính phù hợp của mô hình kinh doanh cho thuê đối với các thị trường là cần thiết, qua đó xác định được chính sách phù hợp để ưu tiên áp dụng, đảm bảo tính hiệu quả, tránh tình trạng ưu đãi tràn lan, không có trọng điểm.
Thứ ba, có chính sách ưu đãi, tạo động lực tài chính cho các nhà sản xuất áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê. Động lực tài chính bao gồm lợi thế về thuế và khả năng tiếp cận vốn với chi phí thấp. Cụ thể:
- Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hoạt động bảo trì, sửa chữa và tái chế tạo động lực để nhà sản xuất nghiên cứu, thay đổi thiết kế nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm là các thiết bị điện tử và đồ gia dụng. Ngoài ra, mức thuế giá trị gia tăng giảm có thể áp dụng cho các nhà sản xuất cung cấp dịch vụ bảo hành vượt quá khoảng thời gian thông thường. Tính phí chôn lấp và đốt rác để từ đó khuyến khích việc tái sử dụng, tái sản xuất và tái chế.
- Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà sản xuất áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê nhằm khuyến khích họ lựa chọn.
- Quy định thời gian khấu hao dài hơn để góp phần kéo dài thời gian sử dụng trung bình của sản phẩm
- Nhà sản xuất áp dụng mô hình cho thuê được xác định là đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi tường, dự án thực hiện được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Thứ tư, có chính sách khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi hành vi từ mua sản phẩm sang sử dụng dịch vụ song hành với các quy định “hạn chế” sở hữu của người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh cho thuê không thể thành công chỉ thông qua các chính sách, các cam kết hoặc các biện pháp bắt buộc mà phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tương tự như phía nhà sản xuất, động lực tài chính luôn được sử dụng như công cụ hữu hiệu để định hướng hành vi của người tiêu dùng, trong đó thuế vẫn luôn được coi là công cụ ưu tiên sử dụng. Bên thuê nên được ưu đãi hơn về thuế so với trường hợp đóng vai trò là chủ sở hữu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh tế tuần hoàn nói chung và tính ưu việt của việc sử dụng sản phẩm cho thuê nói riêng tới cộng đồng người tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng để nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng.
Có thể khẳng định, kinh tế tuần hoàn là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng mô hình kinh doanh cho thuê sẽ góp phần quan trọng cho quá trình chuyển đổi này. Mục tiêu có đạt được hay không phụ thuộc vào cách thức thực hiện. Chính vì vậy, thách thức đặt ra cho các nhà quản lý là phải hiểu rõ bản chất, vai trò của mô hình kinh doanh cho thuê, các cơ hội và thách thức đặt ta trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Từ đó, thiết lập các điều kiện khung và cơ chế hỗ trợ định hình mô hình này, đặc biệt trong vấn đề pháp lý, để phát huy được những ưu thế vốn có của nó, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arnold Tukker, Eight Types of Product-Service System: Eight Ways to Sustainability? Experiences from SusProNet, Business Strategy and the Environment, Vol.13. Issue.4 (2004)
2. David W.Pearce & R. Kerry Turner, Economics of Natural Resources and the Environment, Johns Hopkins University Press (1990)
3. Ellen MacArthur Foundation, Towards the Circular Economy: Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition, Ellen MacArthur Foundation (2013)
4. Gustavo Moraga et al, Circular Economy Indicators: What do they measure?, Resources, Conservation & Recycling No.146 (2019)
5. Ion Ionascu & Mihaela Ionascu, Business Models for Circular Economy and Sustainbale Development: The Case of Lease Transactions, Amfiteatru Economic Journal, The Bucharest University of Economic Studies, Bucharest, Vol.20, Iusse.48 (2018)
6. Kai Hockerts, Property Rights as a Predictor for the Eco-Efficiency of Product-Service Systems, Working Paper No.02, Copenhagen Business School (2008)
7. Lê Hải Đường & Đỗ Tiến Dũng, Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (2022)
8. Mark Jacob Goedkoop et al, Product Service Systems, Ecological and Economic Basisc, The Report No.1999/36 Submitted to the Dutch ministries of Environment and Economic Affairs (1999)
9. O.K Mont, Clarifying the Concept of Product-Service System, Journal of Cleaner Production, Vol.10, Issue.3 (2022)
10. Oksana Mont, Carl Dalhammar & Nicholas Jacobsson, A New Business Model for Baby Prams based on Leasing and Product Remanufacturing, Journal of Cleaner Production, Vol.14 (2006)
11. Susanne Fisher, Meghan O’Brien, Henning Wilts, Soren Steger, Philipp Schepelmann, Nino David Jordan & Bettina Rademacher, Waste Prevention in a “Leasing Socity”, International Journal of Waste Resources, Vol.5. Issue 1 (2015)
12. Vasileios Rizos, Katja Tuokko & Arno Behrens, The Circular Economy: A Review of Definitions, Processes and Impacts, CEPS Research Report (2017)
13. Vishal V. Agrawal, Mark Ferguson, L. Beril Toktay & Valerie M. Thomas, Is Leasing Greener than Selling?, Management Science, Vol.58, Issue.3 (2012).
* TS. Nguyễn Phương Thảo, Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đặng 24/12/2024. Email: thaonp7891@gmail.com
[1] Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Giới thiệu Kinh tế tuần hoàn, ICED, (09/06/2024), https://iced.org.vn/khai-niem-kinh-te-tuan-hoan/
[2] DAVID W.PEARCE & R. KERRY TURNER, ECONOMICS OF NATURAL RESOURCES AND THE ENVIRONMENT, JOHNS HOPKINS UNIVERSITY PRESS, 39 (1990)
[3] CEPS Energy Climate House, The Circular Economy: A Review of Definitions, Processes and Impacts, 4, (08/2017)
[4] Ellen MacArthur Foundation, Towards the Circular Economy: Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition, Ellen MacArthur Foundation, 5 (01/2013)
[5] UN Environment Programme, Resource Effiency and Climate Change: Material Effiency Strategies for a Low-Carbon Future, www.unep.org, (25/06/2020), https://www.unep.org/resources/report/resource-efficiency-and-climate-change-material-efficiency-strategies-low-carbon
[6] Gustavo Moraga et al, Circular Economy Indicators: What do they measure?, Resources, Conservation & Recycling No.146, 452, 454 (2019)
[7] Kai Hockerts, Property Rights as a Predictor for the Eco-Efficiency of Product-Service Systems, Working Paper No.02, Copenhagen Business School, 1, 3 (2008)
[8] Mark Jacob Goedkoop et al, Product Service Systems, Ecological and Economic Basisc, The Report No.1999/36 Submitted to the Dutch ministries of Environment and Economic Affairs, 17 (1999)
[9] O.K Mont, Clarifying the Concept of Product-Service System, Journal of Cleaner Production, Vol.10, Issue.3, 237, 237 (2002)
[10] Arnold Tukker, Eight Types of Product-Service System: Eight Ways to Sustainability? Experiences from SusProNet, Business Strategy and the Environment, Vol.13. Issue.4, 246, 248 (2004)
[11] Susanne Fisher, Meghan O’Brien, Henning Wilts, Soren Steger, Philipp Schepelmann, Nino David Jordan & Bettina Rademacher, Waste Prevention in a “Leasing Socity”, International Journal of Waste Resources, Vol.5. Issue 1, 1, 2 (2015)
[12] Ion Ionascu & Mihaela Ionascu, Business Models for Circular Economy and Sustainbale Development: The Case of Lease Transactions,Amfiteatru Economic Journal, The Bucharest University of Economic Studies, Bucharest, Vol.20, Iusse.48, 356, 358-359 (2018)
[13] Susanne Fisher, tlđd, 12, 1
[14] Ion Ionascu & Mihaela Ionascu, tlđd, 13, 359
[15] Vishal V. Agrawal, Mark Ferguson, L. Beril Toktay & Valerie M. Thomas, Is Leasing Greener than Selling?, Management Science, Vol.58, Issue.3, 523, 524 (2012)
[16] Oksana Mont, Carl Dalhammar & Nicholas Jacobsson, A New Business Model for Baby Prams based on Leasing and Product Remanufacturing, Journal of Cleaner Production, Vol.14, 1509, 1510 (2006)
[17] Susanne Fisher, tlđd, 12, 4
[18] Công ty cổ phần di chuyển Xanh và thông minh GSM, Về GSM, www.xanhsm.com, (06/03/2023), https://www.xanhsm.com/ve-chung-toi/
[19] Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast, Thông báo chính sách giá bán và thuê pin các dòng ô tô điện Vinfast tại thị trường Việt Nam, www.vinfast.vn, (23/11/2023), https://vinfast.vn/thong-bao-chinh-sach-gia-ban-va-thue-pin-cac-dong-o-to-dien-vinfast-tai-thi-truong-viet-nam/
[20] Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast, Vinfast và FCA công bố giải pháp tài chính cho thuê xe VF8 và VF9 tại Châu Âu,www.vinfastauto.com, (19/05/2022), https://vinfastauto.com/vn_vi/vinfast-va-fca-cong-bo-giai-phap-tai-chinh-cho-thue-xe-vf-8-va-vf-9-tai-chau-au
[21] Công ty cổ phần Seapa, Khai trương trung tâm pha màu sơn ô tô Seapa đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, www.sonseapa.vn, (11/05/2022),https://sonseapa.com.vn/khai-truong-trung-tam-pha-mau-son-o-to-seapa-dau-tien-tai-tp-ho-chi-minh
[22] Công ty TNHH Signify Việt Nam, Dịch vụ chiếu sáng, www.lighting.philips.com.vn, https://www.lighting.philips.com.vn/support/lighting-services
[23] Lê Hải Đường & Đỗ Tiến Dũng, Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11, 48, 54 (2022)
[24] Susanne Fisher, tlđd, 12, 4