Lừa đảo hàng chục nghìn người nhờ 'năng lượng gốc': Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông bị xử phạt thế nào?
Yến Nhi
Thứ ba, 12/11/2024 - 08:58
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Các đối tượng quảng bá công dụng của 'năng lượng gốc', sau đó tổ chức các khóa học chuyên biệt để lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia với mục đích lan truyền các thông tin mê tín dị đoan, xuyên tạc lịch sử, truyền bá tư tưởng phản động... Pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt về tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông ra sao?
Thủ đoạn lừa đảo của tổ chức 'Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam'
Ngày 10/11, Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin về tổ chức "Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam" gọi tắt là NLG hoặc NLG Energy University.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 23/9, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thiện bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố 3 bị can là những đối tượng cốt cán của NLG về tội "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
Trước đó, Phòng An ninh nội địa - Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của tổ chức "Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam" tại Hải Dương.
Theo đó, NLG do Lê Văn Phúc, quốc tịch Mỹ, sinh ngày 15/8/1956, quê huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thành lập tại Mỹ. Với lý thuyết của mình, Phúc cho rằng trong vũ trụ có một nguồn năng lượng gọi là "năng lượng gốc", nếu con người tiếp nhận được sẽ nâng cấp tần suất hoạt động của não bộ, kích thích tế bào gốc hoạt động, giúp cải thiện thể chất, tinh thần và giải quyết được các vấn đề về sức khỏe, lương thực - thực phẩm, nghèo đói, chiến tranh... Người nào muốn nhận được nguồn năng lượng phải tham gia 5 cấp lớp học và các khóa học chuyên biệt do Phúc truyền dạy trực tiếp hoặc trực tuyến.
Để đưa NLG vào Việt Nam, Phúc và đồng bọn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm lôi kéo người tham gia như kết nối, liên hệ một số đơn vị trong nước giới thiệu, nghiên cứu, tổ chức tiếp nhận 5 cấp lớp NLG. Các cấp lớp 1, 2 và 3, người tin theo tiếp nhận trực tuyến bằng cách nhìn vào trán Phúc qua màn hình điện thoại hoặc các phương tiện thu hình khác. Các cấp lớp 4, 5, người tin theo tiếp nhận trực tiếp từ Phúc tại các lớp học ở nước ngoài.
Cùng với đó, Phúc đã lập các công ty bình phong; lập các website, fanpage, nhóm Zalo, Telegram, YouTube... in ấn, phát hành các tài liệu, vật phẩm về NLG để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia; thành lập Ban Đại diện, Ban Phụng sự để điều hành hoạt động tại Việt Nam; tổ chức cho người tin theo xuất cảnh tham gia trực tiếp các lớp.
Trong các video bài giảng trên mạng và tài liệu tuyên truyền, Phúc còn chia sẻ, đề cập đến các thông tin mang tính mê tín dị đoan: có thế giới tâm linh vô hình song hành cùng cuộc sống của mỗi người; thế lực tâm linh có nghiệp lực, nghiệp quả, bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh...
Thậm chí, Phúc còn xuyên tạc trắng trợn về thành quả đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam. Đối tượng cho rằng các cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do lỗi lầm của tổ tiên, ông bà ta trước đây. Hắn còn truyền bá cho người học những tư tưởng phản động như: Xúc phạm Quốc kỳ, cho rằng phải "thay đổi ngôi sao trên Quốc kỳ Việt Nam để đất nước được hưng thịnh"; ngang nhiên xoay ngược ngôi sao năm cánh và in trên logo của NLG...
Với các thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng đã mở rộng hoạt động ở một số tỉnh, thành phố và trên không gian mạng, thu hút được trên 35.000 người tham gia. Tại Hải Dương, NLG xuất hiện từ cuối năm 2020 và các đối tượng lập 8 nhóm Zalo với khoảng 5.000 thành viên, 1 kênh YouTube trên 34.000 người đăng ký kênh và 1 nhóm Facebook có trên 16.000 thành viên để truyền bá thông tin về NLG.
Đồng thời, chúng hướng dẫn, hỗ trợ thu, đóng tiền học phí hộ những người tham gia học, thông báo thời gian xuất cảnh, bố trí phương tiện đưa đón. Dù thông tin nhảm nhí, mê tín dị đoan, không đúng sự thật song NLG vẫn khiến nhiều người hiểu lầm và tin NLG do Lê Văn Phúc truyền sẽ chữa được bệnh, kể cả ung thư.
Nhiều người nộp tiền phục vụ các hoạt động của NLG, xuất cảnh tham gia học trực tiếp tại Thái Lan, Malaysia, Mỹ. Kết quả ban đầu xác định có 96 người tại Hải Dương đã nộp 2,5 tỷ đồng cho các đối tượng.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 3/5, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng cốt cán NLG theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quá trình đấu tranh, ngày 23/9, Cơ quan CSĐT đã kết thúc quá trình điều tra và ra Bản kết luận số 64/KLĐT-VPCQCSĐT đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố 3 bị can trên về tội "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Khoản 2 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ kết quả điều tra của Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số cơ quan chức năng đã kết luận hành vi của Lê Văn Phúc và NLG vi phạm pháp luật. Hiện Công an tỉnh Hải Dương đang củng cố tài liệu chứng cứ xử lý các đối tượng liên quan.
Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với hoạt động của NLG và các tổ chức có dấu hiệu tà đạo khác; kịp thời tố giác khi phát hiện các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng để có những hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông bị xử phạt như thế nào?
Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức xử phạt tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
+ Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
+ Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các hành vi:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
+ Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
+ Dẫn đến biểu tình.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"
Về mặt khách thể của tội phạm
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trực tiếp xâm phạm đến quy định quản lý về môi trường mạng, đến lợi ích của công ty, tổ chức, cá nhân, đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Đối tượng tác động của tội phạm là những thông tin của công ty, tổ chức, cá nhân và nhà nước. Những thông tin này là thông tin cá nhân, riêng tư, mang tính nội bộ, việc công khai những thông tin này trên mạng máy tính, mạng viễn thông sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, tổ chức, cá nhân và nhà nước.
Về mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm gồm 02 hành vi gồm hành vi đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông và hành vi sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
- Đưa trái phép vào mạng máy tính các thông tin là hành vi đưa các thông tin vào trong các dữ liệu của máy tính không được phép của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Nhà nước.
- Sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính là hành vi khai thác các thông tin trong các dữ liệu của máy tính không được phép của cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 liệt kê những hành vi cụ thể gồm 03 hành vi như sau:
1. Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
2. Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
3. Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện tội phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, kênh 'truyền thông' để móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức, thành lập các hội nhóm trong nước để tiến hành hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam. Pháp luật hiện hành quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như thế nào?
Ngày 10/11, Trường Đại học Luật Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi lễ Gặp mặt truyền thống 45 năm Ngày thành lập Trường (10/11/1979 - 10/11/2024). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
(PLPT) - Từ 11/11/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ vận hành thêm trang web có tên miền thithucdientu.gov.vn; vận hành cùng lúc trang evisa.xuatnhapcanh.gov.vn để thuận lợi hơn cho công dân xin cấp e-visa.
(PLPT) - Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh thịt heo bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc để đưa ra thị trường tiêu thụ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy hành vi trên sẽ bị xử lý ra sao?
(PLPT) - Một công ty ở Quảng Ninh đã bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng điện tử, áp dụng thủ đoạn "xăng dầu đi một nơi, hóa đơn đi một nẻo". Hiện nay, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Pháp luật hiện hành quy định mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý thế nào?
(PLPT) - Thời gian vừa qua, tình trạng các cuộc gọi, tin nhắn rác mời chào hay lừa đảo đang ngày càng phức tạp, khi các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân của người dùng hoặc thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Pháp luật hiện hành quy định về mức xử phạt với tin nhắn rác, cuộc gọi rác ra sao?
(PLPT) - Những năm qua, các vụ án khiếu kiện về tranh chấp đất đai, khiếu kiện về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn biến rất phức tạp. Vụ án sau đây là một minh chứng.