Một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Nhật Duy
Thứ tư, 14/08/2024 - 08:15
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Trước khi tiến hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Tham dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ;…
Dự thảo Luật Công chứng chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số vấn đề lớn của dự thảo luật đã cơ bản được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể: Về các loại giao dịch phải công chứng; Về công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành; Về nghĩa vụ của công chức viên (CCV) gia nhập Hội CCV (Điều 16); Về công chứng điện tử (mục 3 Chương V); Về việc giao UBND cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển TCHNCC tại địa phương.
Trong đó, về công chứng điện tử (mục 3 Chương V): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị tiếp thu, giải trình nội dung này như sau:
Chỉnh lý điểm b khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ: công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV. Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của CCV nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.
Đồng thời, do công chứng điện tử là vấn đề mới, để bảo đảm tính ổn định của Luật và tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện, quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử.
Liên quan tới một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ:
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (VPCC) (Điều 20): Nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình VPCC là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình DNTN và công ty hợp danh được áp dụng đối với VPCC thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của CCV khi thành lập VPCC. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép VPCC được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của VPCC theo mô hình DNTN phụ thuộc vào 01 CCV duy nhất.
Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của VPCC chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Về cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 63): Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) công chứng bao gồm 04 CSDL thành phần, giao Chính phủ quy định chi tiết về các CSDL này. Tuy nhiên, Điều 36 của dự thảo Nghị định kèm Hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình không xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành các CSDL này mà chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo chung; CSDL tại điểm d khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật không được xác định rõ nội hàm cũng như chủ thể quản lý, vận hành; CSDL tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật được quy định chi tiết theo hướng phân tán trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành thuộc về UBND cấp tỉnh và Hiệp hội CCV Việt Nam.
Do đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật không tán thành với quy định nêu trên và đề nghị chỉnh lý lại Điều 63 về CSDL công chứng theo hướng giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng CSDL công chứng tập trung, thống nhất, trong đó gồm 02 CSDL thành phần tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 63 với các lý do sau đây:
Thứ nhất, đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật (CSDL khác liên quan đến hoạt động công chứng) vì không rõ trường thông tin của CSDL, không rõ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành; dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng không làm rõ được điều này.
Thứ hai, đề nghị bỏ điểm c khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật vì các thông tin tại điểm này là toàn bộ văn bản công chứng và hồ sơ kèm theo đều liên quan đến bí mật cá nhân, riêng tư, bí mật gia đình phải bảo vệ, bảo mật theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 21); đối với nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã công chứng đã được thu thập trong CSDL tại điểm b khoản 1 Điều 63 để khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong giao dịch; việc giao Hiệp hội CCV là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thu thập và lưu trữ, quản lý CSDL về văn bản công chứng và hồ sơ công chứng toàn quốc là không khả thi, chưa có đánh giá về nguồn lực thực hiện; không thống nhất với các luật có liên quan đã quy định về CSDL cũng như nội dung chính sách của đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu do Chính phủ trình.
Thứ ba, việc dự thảo Luật và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định theo hướng phân tán trách nhiệm xây dựng và quản lý CSDL công chứng là chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về công chứng, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện công chứng điện tử trong hoạt động công chứng.
Chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến cơ bản đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ các ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ, hội trường và ý kiến bằng văn bản; Hồ sơ tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ. Đối với các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết:
Về phạm vi các giao dịch phải công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất như phương án Chính phủ trình, không quy định cụ thể trong Luật này các loại giao dịch phải công chứng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống kê các giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực đang được quy định tại các luật, nghị định, thông tư, xây dựng Danh mục và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp như quy định tại Điều 71 của dự thảo Luật và thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục này để bảo đảm đầy đủ, chính xác.
Về công chứng bản dịch, chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch trong thực tiễn. Đồng thời, cần rà soát, lập luận đảm bảo dễ hiểu, tức là thống nhất văn phòng công chứng chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm.
Về nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên, tán thành việc chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội công chứng viên trong hoạt động tự quản, giám sát công chứng viên thực hiện các nguyên tắc hành nghề, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công chứng viên là hội viên.
Giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hành nghề công chứng, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như nội dung tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, trong trách nhiệm quản lý nhà nước nêu bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ là cơ quan đầu mối, chủ trì xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng.
Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, thuyết minh rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và tiến tới nếu chọn được 1 phương án như Chính phủ trình là hợp lý. Đồng thời, các ý kiến khác cũng cần tập hợp đầy đủ để ĐBQH tiến hành thảo luận, cho ý kiến.
Về cơ sở dữ liệu công chứng, thống nhất với đề xuất của Thường trực Uỷ ban Pháp luật, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng. Cụ thể: Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng thống nhất cơ sở dữ liệu; các thành phần cơ sở dữ liệu nghiên cứu thiết kế thêm. Tuy nhiên, không cần quy định quá chi tiết về thành phần cơ sở dữ liệu, vì trên thực tế thành phần cơ sở dữ liệu có thể thay đổi và cơ sở dữ liệu càng chi tiết càng tốt. Do dó, Luật chỉ nên quy định có tính khái quát và đầu mối là Bộ Tư pháp; đồng thời, Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ kinh phí để Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các vấn đề cụ thể khác được cho ý kiến tại phiên họp, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu để giải trình đầy đủ nội dung liên quan đến chức danh trợ lý, thư ký nghiệp vụ; vấn đề ưu đãi thuế; vấn đề bảo hiểm, giá dịch vụ,… đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định tại dự thảo Luật nội dung liên quan tới: Việc xây dựng định kỳ rà soát, cập nhật và công bố trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp Danh mục các giao dịch phải được công chứng, chứng thực; Bổ sung vào Điều 38 dự thảo Luật quy định về vị trí, tính chất của điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam;…
Đối với mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc nên có cả loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Theo đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 01 công chứng viên duy nhất...
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.