Nam thanh niên trộm xe máy bị phát giác vì 'lạc' vào đường cao tốc: Đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?
Yến Nhi
Thứ hai, 09/12/2024 - 14:29
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Sau khi trộm xe máy tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nam thanh niên di chuyển lên cao tốc thì bị lực lượng CSGT dừng xe và phát hiện. Pháp luật hiện hành quy định hành vi đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?
Tối 8/12, Tổ CSGT số 4 thuộc Đội CSGT đường bộ cao tốc số 2, Phòng Hường dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt - Cục CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát cơ động trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng Hà Nội đi Hải Phòng) đến km50 thuộc địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Vision, biển số 90B3-058.29 đi vào đường cao tốc. Tổ CSGT đã tiến hành dừng phương tiện đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện đang lưu thông trên tuyến.[1]
Quá trình làm việc, lái xe không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện. Nhận thấy thanh niên này có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ CSGT đã tiến hành xác minh nhân thân và nguồn gốc phương tiện.
Qua đấu tranh nhanh xác định, đối tượng Lê Hải Đăng (SN 1998; HKTT: phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An) trộm cắp chiếc xe mô tô biển số 90B3-058.29 của chị Trần Thị T. D. (SN 1999, trú tại Phủ Lý, Hà Nam). Chị D. đã trình báo việc mất xe đến CA Phủ Lý vào ngày 6/12/2024.
Tổ CSGT đã tiến hành lập biên bản vụ việc, đồng thời thông báo đến CA TP Phủ Lý, Hà Nam phối hợp, điều tra giải quyết theo quy định.
Hành vi trộm cắp tài sản bị xử lý như thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản cụ thể như sau:
"Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp."[2]
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với hành vi trộm cắp tài sản, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về khung hình phạt đối với người có hành vi trộm cắp tài sản như sau:[3]
"Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."[4]
Đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?
Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h;
- Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều này;
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Theo đó, người điểu khiển xe máy đi vào đường cao tốc (trừ xe trường hợp để quản lý, bảo trì đường cao tốc) có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, ngoài ra còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.[5]
Trường hợp nào xe máy được đi vào đường cao tốc?
Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau:
"Giao thông trên đường cao tốc
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc."
Như vậy, theo quy định trên thì người có trách nhiệm quản lý, bảo trì đường cao tốc thì có thể sử dụng xe gắn máy đi vào đường cao tốc. Ngoài ra, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế lớn hơn 70km/h cũng có thể được đi vào đường cao tốc.[6]
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
[1] An Huy, Nam thanh niên điều khiển xe trộm cắp chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng,(ngày 9/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/nam-thanh-nien-dieu-khien-xe-trom-cap-chay-tren-cao-toc-ha-noi-hai-phong-post597787.antd
[2] Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt hành
chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội,
phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.
[3] Điều 173 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Trộm cắp tài sản".
[4] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[5] Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông
đường bộ và đường sắt.
[6] Luật giao thông đường bộ số: 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Ninh Bình bị lừa hàng trăm triệu đồng vì tin lời hai đối tượng người nước ngoài giả danh nhà đầu tư nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
(PLPT) - Liên quan tới vụ việc thiếu nữ 14 tuổi bị hiếp dâm, đe dọa bằng clip "nóng", chuyên gia pháp lý đã có những phân tích vấn đề pháp lý về tình huống của vụ việc.
(PLPT) - Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam sở hữu một thị trường mua sắm trực tuyến lớn và giàu tiềm năng khi có tới 80% dân số sử dụng internet để mua sắm, thúc đẩy sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử hứa hẹn sẽ tối ưu hóa doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(PLPT) - Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng rao bán xe máy không giấy tờ với giá rẻ, yêu cầu đặt cọc qua tài khoản "rửa tiền" rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền, khiến nhiều người sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo "giả danh thám tử," "chat sex" để bí mật thu thập thông tin nhạy cảm liên quan đến các nạn nhân. Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện, gửi thư điện tử hoặc nhắn tin để đe dọa nhằm tống tiền.
(PLPT) - Thời gian gần đây, xuất hiện các đối tượng sử dụng thủ đoạn chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm vào ảnh của nạn nhân, sau đó gọi điện đe dọa nhằm đòi nợ hoặc tống tiền các cán bộ lãnh đạo. Pháp luật hiện hành quy định tội tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm bị xử phạt như thế nào?
Cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thay vì làm luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, bởi thực tế cho thấy tính ổn định của Chương trình không cao.
(PLPT) - Cơ quan Công an phát hiện hàng tấn hàng giả mạo nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng. Pháp luật hiện hành quy định về hành vi vận chuyển buôn bán hàng giả xử lý như thế nào?