Nghệ An: Bắt giữ 41 đối tượng liên quan đến mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng
Trà Giang
Thứ sáu, 20/12/2024 - 08:01
(PLPT) - Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án, triệt xóa ổ nhóm đối tượng phạm tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền” xảy ra tại Nghệ An và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Qua công tác quản lý, nắm
tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện nhóm đối tượng người Việt
Nam câu kết với các đối tượng tại Campuchia thực hiện hành vi thu mua tài khoản
ngân hàng để cung cấp cho các băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không
gian mạng.
Quá trình điều tra, xác
minh, Cơ quan Công an xác định đây là ổ nhóm phạm tội với tính chất, thủ đoạn
hoàn toàn mới, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa thành viên, do
các đối tượng Vũ Trung Kiên (SN 1994, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Phạm
Hoàng Hiệp (SN 1992, trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An), Vũ Hoàng Nhã (SN
1984) và Hoàng Xuân Trường (SN 1988, cùng trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh
Bình) cầm đầu.
Cơ quan chức năng lấy lời khai đối tượng cầm đầu Vũ Trung Kiên. (Ảnh: Hồ Hưng - Báo Nghệ An).
Theo đó, để phục vụ cho
hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua thủ đoạn giả
danh tài khoản Facebook, mạng xã hội của người thân để lừa chuyển tiền, lừa đầu
tư tài chính..., các đối tượng đã tạo dựng hệ thống “chân rết” ở nhiều tỉnh,
thành phố trên cả nước để thu mua tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng tiếp cận
nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau trong xã hội, đặc biệt là người
cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật
hoặc học sinh, sinh viên… nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với
giá dao động từ 500.000-4.000.000 đồng/1 tài khoản.
Việc thu mua tài khoản ngân hàng để cung cấp cho các đối tượng bên kia biên giới được Kiên, Hiệp, Nhã,
Trường giao cho các đối tượng Đào Văn Khánh (SN 2001, trú tại huyện Yên Châu,
tỉnh Sơn La), Bùi Thị Thương (SN 1984, trú tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) và Tạ Thị Lan Anh (SN 1973, trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) làm
các “đại lý” cấp 1 trực tiếp thực hiện.
Các đối tượng trong chuyên án bị triệu tập, bắt giữ. (Ảnh: Văn Hậu - Báo Nghệ An)
Để thu mua được nhiều tài
khoản ngân hàng, các đối tượng “đại lý” cấp 1 tiếp tục tạo dựng và giao các “đại
lý” cấp dưới, gồm: Đặng Quý Dương (SN 2004, trú tại thành phố Phổ Yên, tỉnh
Thái Nguyên), Hà Thị Lan (SN 1986, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và Trần
Thị Lệ Giang (SN 1984, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Sau khi thuê mở thành
công tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin tài khoản, sim
điện thoại, email, quay lại video khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu
khác của các đối tượng. Thông tin cá nhân, video của chủ tài khoản sẽ được các
đối tượng sử dụng phục vụ cho việc hack sinh trắc học tài khoản ngân hàng rồi
chuyển lại cho các đối tượng tại Campuchia nhằm nhận tiền lừa đảo và rửa tiền
do các hoạt động phạm tội mà có.
Sau thời gian thu thập đầy
đủ tài liệu chứng cứ, ngày 15/12, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp Cục Cảnh
sát hình sự Bộ Công an, Cục Nghiệp vụ Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội,
Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Bắc Giang và các
cục, phòng nghiệp vụ có liên quan, phá thành công chuyên án, bắt giữ 41 đối tượng
liên quan về hành vi “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái
phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền”
xảy ra tại tỉnh Nghệ An và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cơ quan công an làm rõ,
chỉ trong thời gian ngắn các đối tượng phạm tội đã thuê, mua hơn 500 tài khoản
tại nhiều ngân hàng khác nhau (bao gồm cả tài khoản cá nhân và tài khoản doanh
nghiệp) nhằm mục đích hoạt động lừa đảo, rửa tiền.
Tiền các đối tượng lừa đảo
được chuyển vào các số tài khoản thu mua từ người dân sẽ tiếp tục được các đối
tượng cầm đầu chỉ đạo chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau rồi dùng để mua tiền
điện tử USDT nhằm xóa dấu vết tội phạm, tránh sự phát hiện của cơ quan chức
năng.
Hiện, Cơ quan điều tra
Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố và tạm giữ 10 đối tượng về các tội: Thu thập,
tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản
ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền; đồng thời, tiếp tục xác minh,
điều tra làm rõ đấu tranh mở rộng vụ án và xử lý các đối tượng còn lại theo
đúng quy định pháp luật.
Bước đầu, Phòng Cảnh sát
hình sự - Công an tỉnh làm rõ ổ nhóm đối tượng trên đã rửa tiền và lừa đảo chiếm
đoạt hơn 50 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. Tại Nghệ An, có bị hại đã bị
các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 700 triệu đồng.
Tang vật chuyên án Cơ quan Công an thu giữ. (Ảnh: Văn Hậu - Báo Nghệ An)
Để tránh nguy cơ rơi vào
“bẫy” của các đối tượng xấu, Công an Nghệ An khuyến cáo, người dân cần nâng cao
ý thức trong việc mở, sử dụng, quản lý tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy
tờ tùy thân, tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng,
cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Hạn
chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước công dân, số
điện thoại, số tài khoản thanh toán... trên môi trường mạng để tránh bị các đối
tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện bị mất giấy
tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để
làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Trong trường hợp phát hiện
đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân
hàng, đề nghị người dân tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công
an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.
Các ngân hàng cần tăng cường
kiểm soát công tác hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, phòng ngừa và
ngăn chặn các hành vi sử dụng thẻ ngân hàng (đặc biệt là thẻ tín dụng) không
đúng quy định pháp luật và kiểm soát các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn trong
hoạt động thẻ ngân hàng.
Quy định của pháp luật về hành vi mua bán tài khoản ngân hàng
Xử phạt hành chính hành vi mua bán tài khoản ngân hàng
Khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định
88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và
ngân hàng quy định:
“5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối
với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh
toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản
thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách
nhiệm hình sự;
b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch
vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối
với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán,
mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán
trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp
có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5,
khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;
Như vậy, hành vi liên quan đến giao dịch tài khoản
ngân hàng như cho thuê, mượn, mua, bán,… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm
hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, đồng thời nộp lại vào ngân sách nhà
nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.
Mua bán tài khoản ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi trao đổi, mua bán với số lượng từ 20 tài khoản
đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới
50.000.000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 291 Bộ luật
Hình sự 2015 quy định:
“Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công
khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng
từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng
đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Dấu hiệu cấu thành tội phạm
- Khách thể: xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cơ
quan, tổ chức, cá nhân; trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông
tin, mạng viễn thông và lĩnh vực tài chính ngân hàng.
- Chủ thể: người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực
chịu trách nhiệm hình sự
- Mặt khách quan: có hành vi thu thập, tàng trữ, trao
đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người
khác. Mua bán, trao đổi với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc
thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
- Mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý
trực tiếp, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm
cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Khung hình phạt
- Khung cơ bản: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Khung 2: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với một trong các trường
hợp:
+ Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa
trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50
tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường
hợp:
+ Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa
trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài
khoản trở lên;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
- Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, người
nào mua bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
với mức phạt tiền đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
(PLPT) - Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho ô tô mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 từ 64% xuống 32%, mã HS 8703.24.51 từ 45% xuống 32%. Dự kiến, ngân sách sẽ hụt thu hơn 220 tỷ đồng.
(PLPT) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng cho chữ ký số, chứng thư chữ ký số và dịch vụ tin cậy.
(PLPT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư bãi bỏ một phần, toàn bộ một số Thông tư trong lĩnh vực tài chính đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
(PLPT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư bãi bỏ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
(PLPT) - Tối ngày 15/03/2025, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô , vở Nhạc kịch "Lửa từ Đất" đã có buổi công diễn đầu tiên đầy thành công, để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Không chỉ được công chúng đón nhận nồng nhiệt, vở diễn còn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn, trở thành một cột mốc quan trọng trong nghệ thuật nhạc kịch Việt Nam.
(PLPT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2025/NĐ-CP quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, trong đó bãi bỏ 11 Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng.
(PLPT) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
(PLPT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.