Tóm tắt:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là một trong những quy định thể
hiện được cả quyền của người để lại di chúc và người thừa kế của họ. Tuy nhiên,
có một sự khác biệt đáng được lưu ý giữa Bộ luật dân sự Trung Quốc năm 2020 và
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 về đối tượng và điều kiện để trở thành người
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Bài viết này lần lượt phân
tích quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo
pháp luật Trung Quốc cũng như thực tiễn xét xử tại nước này, sau đó bóc tách
các quy định của pháp luật Việt Nam về cùng nội dung để đưa ra những kiến nghị
hoàn thiện pháp luật.
Từ khoá: Người thừa kế, di chúc, Bộ luật dân sự
Trung Quốc, Bộ luật dân sự Việt Nam.
Abstract:
Heirs notwithstanding contents of wills is one of the
provisions showing the rights of the testator and their heirs. However, there
is a notable difference between the China Civil Code 2020 and the Vietnam Civil
Code 2015 regarding the subjects and conditions of heirs notwithstanding
contents of wills. This article analyzes the regulations on heirs
notwithstanding contents of wills according to the law as well as the practice
in China in comparison with that of Vietnam. Eventually, this article offers
recommendations for improving the law of Vietnam.
Keywords: Heirs, wills, Chinese
Civil Code, Vietnam Civil Code.
I. Người
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định của pháp luật
dân sự Trung Quốc
Chế định thừa kế là chế định cơ sở
về truyền thừa tài sản sau khi tự nhiên nhân chết[1]. Bộ
luật dân sự (BLDS) Trung Quốc năm 2020 quy định hai hình thức thừa kế, đó là
thừa kế theo pháp luật[2] và thừa
kế theo di chúc[3].
Trong đó, đối với hình thức thừa kế theo di chúc, BLDS Trung Quốc năm 2020 đã
“giới hạn” quyền định đoạt di sản của người để lại di sản thừa kế, cụ thể tại
Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 quy định: “Di chúc phải dành phần thừa kế cần
thiết cho những người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn sinh kế[4]”.
Trước hết, phải khẳng định rằng đây
không phải là một quy định mới, bởi lẽ trước khi BLDS Trung Quốc năm 2020 được
xây dựng và có hiệu lực thì Luật thừa kế Trung Quốc năm 1985 cũng đã ghi nhận
nội dung này. Điều 19 Luật thừa kế Trung Quốc năm 1985 từng quy định: “Di
chúc phải dành phần thừa kế cần thiết cho những người thừa kế thiếu khả năng
lao động và không có nguồn sinh kế[5]”.
Để áp dụng một cách thống nhất Điều 19 Luật thừa kế Trung Quốc năm 1985 trong
hoạt động xét xử, Điều 37 “Ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề
liên quan đến việc thực hiện Luật thừa kế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ngày
11/09/1985 đã hướng dẫn như sau:
Nếu người lập di chúc không giữ lại phần di sản của
người thừa kế thiếu khả năng lao động, không có nguồn sinh kế thì khi giải quyết
thừa kế phải để lại phần di sản cần thiết cho người thừa kế, phần còn lại được
chia theo di chúc. Việc người thừa kế thiếu khả năng
lao động, không có nguồn sinh kế được xác định căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của
người thừa kế khi di chúc có hiệu lực.[6]
Có thể
thấy, các quy định trên đều không thực sự cụ thể, đặc biệt là việc xác định thế
nào là “thiếu khả năng lao động” và “không có nguồn sinh kế”, từ đó dẫn đến
thực tiễn xét xử cũng có sự khác nhau khi nhận định về người thừa kế thiếu khả
năng lao động và không có nguồn sinh kế. Một trong những quy định đã góp phần
“gỡ rối” cho thực tiễn tư pháp tại Trung Quốc đó là quy định tại khoản 2 Điều
21 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001: “Khi cha, mẹ không thực hiện
nghĩa vụ cấp dưỡng thì con chưa thành niên hoặc chưa thể sống tự lập có quyền
yêu cầu cha, mẹ cấp dưỡng”. Và Điều 20 Giải thích số 30/2001 ngày
25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp
dụng Luật Hôn nhân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1) (Giải thích tư pháp số
30/2001):
“Con không thể tự lập” quy định tại Điều 21 Luật Hôn nhân là con còn đang
học trung học phổ thông trở xuống hoặc con đã thành niên bị mất một phần hoặc
mất hoàn toàn khả năng lao động, không thể duy trì cuộc sống bình thường do
nguyên nhân không chủ quan.[7]
Hai điều khoản này đã xuất hiện khá nhiều trong các bản án của các Toà án
tại Trung Quốc, góp phần xác định việc hiểu thế nào về điều kiện “thiếu khả năng lao động” và “không có nguồn sinh kế” mà
nhóm tác giả sẽ phân tích ở phần dưới đây.
Điều
1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 giữ nguyên quy định về người thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung di chúc tại Điều 19 Luật thừa kế
Trung Quốc năm 1985, theo đó: “Di chúc phải dành phần thừa kế cần thiết cho những
người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn sinh kế”. Hướng dẫn
cho điều này, Điều
25 Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về
việc áp dụng phần thừa kế của BLDS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1) ngày
30/12/2020 (Giải thích tư pháp số 1) quy định:
Người
lập di chúc chưa giữ lại phần di sản của người thừa kế thiếu khả năng lao động,
không có nguồn sinh kế thì khi định đoạt di sản thừa kế cần để lại phần cần thiết
cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, phần còn lại có thể
xử lý theo nguyên tắc phân chia được xác định trong di chúc. Việc người thừa kế thiếu khả năng lao động, không có nguồn
sinh kế được xác định tùy theo hoàn cảnh cụ thể của người thừa kế khi di chúc
có hiệu lực.[8]
Căn cứ vào quy định của Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm
2020 và Điều 25 Giải
thích tư pháp số 1, có thể nhận diện các
điều kiện để người thừa kế được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của
di chúc:
1.1. Chủ thể yêu cầu hưởng thừa kế phải là người thừa kế hợp
pháp
Điều
1127 BLDS Trung Quốc năm 2020 quy định phạm vi và thứ tự người thừa kế theo
pháp luật như sau:
Di sản được thừa kế theo thứ tự thừa kế sau đây:
(1) Hàng thừa kế thứ nhất: vợ/chồng, con, cha mẹ;
(2) Hàng thừa kế thứ hai: anh chị em, ông bà nội,
ông bà ngoại;
Sau khi mở thừa kế, những người ở hàng thừa kế thứ
nhất hưởng thừa kế; nếu không có người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất thì những
người ở hàng thừa kế thứ hai hưởng thừa kế.
Con ở Quyển này bao gồm con trong giá thú, con
ngoài giá thú, con nuôi và con riêng có quan hệ phù dưỡng.
Cha mẹ ở Quyển này bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi
và cha mẹ kế có quan hệ phù dưỡng.
Anh chị em ở Quyển này bao gồm anh chị em cùng cha
mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, anh chị em nuôi, anh chị
em kế có quan hệ phù dưỡng.
Như vậy, có thể thấy người thừa kế hợp
pháp phải là những người thừa kế thuộc các hàng thừa kế theo quy định tại Điều
1127 BLDS Trung Quốc năm 2020. Nhìn chung, chủ thể yêu cầu hưởng thừa kế không
phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của BLDS Trung Quốc năm 2020 khá rộng,
bao gồm người thừa kế của tất cả các hàng thừa kế. Tuy nhiên, những người thừa
kế này không mặc nhiên được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
mà cần đáp ứng điều kiện kép là “thiếu khả năng lao động” và “không có nguồn
sinh kế”.
1.2. Điều kiện thiếu khả năng lao động
(缺乏劳动能力)[9]
Điều 25 Giải
thích tư pháp số 1 hướng dẫn như sau: “[...] Việc người thừa kế thiếu
khả năng lao động, không có nguồn sinh kế được xác định tùy theo hoàn cảnh cụ
thể của người thừa kế khi di chúc có hiệu lực”. Rõ ràng rằng, đã không
có bất kỳ một hướng dẫn nào cụ thể hơn để xác định người thừa kế thiếu khả năng
lao động là như thế nào, mà Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc chỉ hướng dẫn “tuỳ
theo hoàn cảnh cụ thể”, tức là tuỳ vào từng vụ án mà Thẩm phán sẽ có những
quyết định phù hợp. Khách quan mà nói, hướng
dẫn này tương đối trừu tượng, nếu không thống nhất và cụ thể thì sẽ khó áp dụng
trên thực tế. “Thiếu khả năng lao động” không có nghĩa là “mất khả năng lao động”
hoàn toàn mà là tình trạng không có khả năng lao động do chưa trưởng thành hoặc
mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động do những nguyên nhân nhất định,
trong đó phần lớn là do khuyết tật hoặc già, ốm yếu,... Tuy nhiên, những
người mất một phần sức lao động thường vẫn còn một phần sức lao động và họ vẫn có thể có được một số thu nhập lao động nhất định thông qua một phần sức
lao động của mình, nhưng khoản
thu nhập này có đảm bảo được cuộc sống bình thường
của họ hay không lại là vấn đề khác. Vì vậy, “thiếu khả năng lao động” bao gồm hai trường
hợp: Một là, không còn khả năng lao động do thương tật, tuổi già và
các lý do khác; Hai là, mất một phần khả năng lao động do
tàn tật hoặc tuổi già[10].
Trong nghiên cứu của mình, Chensu
và Xie Hongfei (2020) cũng có quan điểm rằng:
Cái gọi là “thiếu khả năng
lao động” là việc một người trên hoặc dưới độ tuổi lao động hợp pháp hoặc bị mất
một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động do khuyết tật, bệnh tật hoặc vì lý do
khác.[11]
1.3. Không có nguồn sinh
kế (没有生活来源)
Điều
25 Giải thích tư pháp số 1 hướng
dẫn như sau: “[...] Việc người thừa kế thiếu khả năng lao động, không
có nguồn sinh kế được xác định tùy theo hoàn cảnh cụ thể của người thừa kế khi
di chúc có hiệu lực”. Cũng tương tự như điều
kiện “thiếu khả năng lao động”, hướng dẫn dành cho điều kiện “không có nguồn
sinh kế” cũng rất trừu tượng. Phải hiểu thế nào là “không có nguồn sinh kế”
trong trường hợp này? “Không
có nguồn sinh kế” là điều kiện kinh tế không có mức sống vật
chất tối thiểu để độc lập duy trì cuộc sống
cá nhân bình thường, tức là không có đủ thu nhập trang trải sinh hoạt
phí. Những người có thu nhập hoặc nguồn thu nhập nhất định nhưng không thể duy
trì mức sống chung của địa phương sẽ thuộc nhóm này. Vì
vậy, “không có nguồn sinh kế” cũng bao gồm hai tình huống: Một là, không có thu nhập hoặc nguồn thu nhập; Hai là, có một số thu nhập hoặc nguồn thu nhập nhưng không đủ để duy trì mức sống chung
của địa phương[12].
Trong nghiên cứu của mình, Chensu
và Xie Hongfei (2020) cũng có quan điểm rằng:
Cái gọi là “không có nguồn sinh kế” có nghĩa là bản thân
người thừa kế hợp pháp không có điều kiện kinh tế để độc lập duy trì mức sống vật
chất tối thiểu của cá nhân mà phải dựa vào sự hỗ trợ của người khác.[13]
Bằng
cách hành văn của Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 và Điều 25 Giải thích tư pháp số 1 có thể
thấy điều kiện “thiếu khả năng lao động” và “không có nguồn sinh kế” phải đồng
thời xảy ra. Nghĩa là, người thừa kế muốn được hưởng thừa kế không phụ thuộc
vào nội dung di chúc vừa phải “thiếu khả năng lao động”, vừa “không có nguồn
sinh kế”. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì không thể đòi quyền hưởng
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Nhóm tác giả cho rằng, “điều kiện
kép” này đã “giới hạn” rất nhiều trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc
vào nội dung của di chúc trên thực tế, bởi lẽ khó có người thừa kế nào có thể
đáp ứng song song hai điều kiện trên, đặc biệt là điều kiện “không có nguồn
sinh kế” mà nhóm tác giả sẽ phân tích rõ ở phần thực tiễn xét xử. Trong quá
trình biên soạn BLDS Trung Quốc năm 2020, một số học giả tại quốc gia này cho rằng
quy định về điều kiện “không có nguồn sinh kế” và “thiếu khả năng lao động” như
hiện nay là quá khắt khe. Bởi vì những người thừa kế “không có
khả năng lao động”, “không có nguồn sinh kế” quy định trong pháp luật về thừa kế
chỉ là một số rất nhỏ họ hàng thân thiết của người lập di chúc, và sau khi người
để lại di sản chết thì phần lớn con cái của họ đều đã trưởng thành và có khả
năng lao động nên trên thực tế những người thừa kế thuộc diện này rất ít khi có
thể cùng lúc đáp ứng được cả hai điều kiện[14].
Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đã từng bước thiết lập hệ thống an sinh xã
hội tương đối hoàn chỉnh, những người không có việc làm ở thành thị và những
người thiếu khả năng lao động được đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu, hệ thống
an sinh xã hội tương ứng cũng từng bước được hình thành ở khu vực nông thôn. Vì
vậy, một số học giả cho rằng “cần mở rộng phạm vi của những người được hưởng
quyền thừa kế để tránh việc người lập di chúc được hưởng quyền tự do quá mức mà
có thể gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, con hoặc họ hàng
ruột thịt của họ. Ví dụ, đối tượng áp dụng sẽ được mở rộng sang thai nhi, trẻ vị
thành niên, cha mẹ trên 70 tuổi, cũng như con cái đã trưởng thành, cha mẹ và vợ
chồng không có năng lực hành vi. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được BLDS thông
qua[15]”.
1.4.
Xác định tỷ lệ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 quy định việc người lập
di chúc phải để lại “phần thừa kế cần thiết” cho những người thừa kế thiếu khả
năng lao động và không có nguồn thu nhập nhưng điều này không làm rõ thế nào là
“cần thiết” và tiêu chuẩn nào cần được đáp ứng để đáp ứng yêu cầu “cần thiết”.
Do đó, việc xác định “phần thừa kế cần thiết” hoàn toàn dựa vào quyền tự quyết
định của Thẩm phán, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những hiện tượng khác nhau
trong hoạt động xét xử. Điều này theo chúng tôi, có thể sẽ không gây ra khó
khăn cho thẩm phán trong quá trình xét xử trong từng vụ án cụ thể nhưng sẽ gây
khó khăn cho người lập di chúc trong việc xác định phần di sản để lại là bao
nhiêu mới phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thực tiễn xét xử, tiêu chuẩn
xét xử cơ bản về chia thừa kế một mặt phải xem xét nhu cầu của những người thừa
kế hợp pháp thiếu khả năng lao động và không có nguồn thu nhập để duy trì điều
kiện sống, đồng thời đặt ra mục tiêu tối thiểu là tài sản có thể đáp ứng mức sống
tối thiểu tại nơi ở của người thừa kế, mặt khác cần được xem xét toàn diện kết
hợp với khối tài sản mà người chết để lại và hoàn cảnh của những người thừa kế
khác. Nói chung, “phần dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của
di chúc nhìn chung không ít hơn phần mà họ có thể thừa kế theo thừa kế theo
pháp luật[16]”.
1.5. Thời
điểm xác định người thừa kế có đáp ứng điều kiện không là thời điểm di chúc có
hiệu lực
Điều
1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 quy định rõ, khi những người hưởng thừa kế không
phụ thuộc vào nội dung di chúc yêu cầu hưởng di sản thừa kế thì phải đáp ứng đồng
thời hai điều kiện “thiếu khả năng lao động” và “không có nguồn sinh kế”. Tuy
nhiên, Điều luật này không quy định rõ thời điểm đáp ứng hai điều kiện nêu
trên. Về vấn đề này, Điều 25 Giải
thích tư pháp số 1 quy định: “[...] Việc người thừa kế
thiếu khả năng lao động, không có nguồn sinh kế được xác định tùy theo hoàn cảnh
cụ thể của người thừa kế khi di chúc có hiệu lực”. Tương tự như pháp luật Việt Nam, thừa kế xảy ra khi người để lại di sản chết (Điều 1121
BLDS Trung Quốc năm 2020) và việc xác định hiệu lực của di chúc sẽ dựa theo di
chúc (Điều 1123 BLDS Trung Quốc năm 2020). Như vậy, thời điểm để xác định người
yêu cầu hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc có đáp ứng các điều
kiện luật định hay không chính là thời điểm di chúc có hiệu lực.
II. Thực tiễn xét xử tại
Trung Quốc
Nhằm làm rõ các quy định về người thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Trung Quốc, nhóm tác giả sẽ lược
thuật lại nội dung của một số bản án trong thực tiễn xét xử tại các Toà án của
Trung Quốc có liên quan đến quy định này và chỉ những thông tin
liên quan trực tiếp đến Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm 2020 (hoặc Điều 19 Luật
thừa kế Trung Quốc năm 1985) sẽ được lược thuật lại[17].
2.1. Bản án tái thẩm dân
sự số 919 ngày 15/6/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông
- Tóm tắt nội dung vụ án: Liang 2 và Cui có con là Liang 3. Liang 3 và Yan Shijian là vợ chồng,
có đăng ký kết hôn, có con chung là Liang 1. Liang 3 chết vì bệnh vào ngày
17/12/2009, khi Liang 3 chết thì Liang 1 vừa tròn 18 tuổi và đang học cấp ba. Bản
án dân sự số 117 (2014) của Toà án nhân dân Trung cấp Thanh Đảo đã tiến hành
phân chia di sản thừa kế của Liang 3, trong đó xác định Liang 1 không phải là
người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 19 Luật thừa kế Trung Quốc năm 1985. Bản án này bị Viện
kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn Đông kháng nghị.
- Quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn Đông:
Việc cấp sơ thẩm xác định Liang 1 không thuộc trường hợp người thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung di chúc của Liang 3 là vi phạm Điều 19 Luật Thừa kế
Trung Quốc, Điều 37 Ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên
quan đến việc thi hành Luật thừa kế của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Về việc Liang 1 có thiếu khả năng lao động hay không. Từ việc phân
tích ý nghĩa của từ “khả năng”, đó là liệu rằng Liang 1 có thể lao động và liệu
rằng có thể có được thu nhập thông qua lao động hay không. Trong trường hợp
bình thường, nếu người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ không có khiếm khuyết
về thể chất đến mức không thể tham gia lao động thì được coi là có khả năng lao
động. Về việc Liang 1 có thực sự tham gia lao động hay không, điều đó
không liên quan. Tuy nhiên, đối với học sinh đang học phổ thông, khả năng
lao động của họ không thể chỉ đánh giá trên quan điểm tâm sinh lý, bởi vì đối với
học sinh được giáo dục khoa bảng ở trường phổ thông, trước những nhiệm vụ học tập
nặng nề, không thể bắt buộc họ phải lao động chăm chỉ sau giờ học để có thu nhập,
duy trì sự tồn tại không chỉ là quá trình bảo vệ quyền được học tập của công
dân mà còn xuất phát từ thực tiễn cho thấy quyền được học tập là một yêu cầu
khách quan để thực hiện quyền tồn tại và phát triển của công dân. Vì vậy,
nên coi Liang 1 đang học cấp 3 không có khả năng kiếm thu nhập đủ sống nhờ lao
động, tức là không có khả năng lao động theo quy định của luật thừa kế.
Về câu hỏi Liang 1 có nguồn sinh kế hay không. Căn cứ khoản 2 Điều 21
Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001, Điều 20 Giải thích tư pháp số 30/2001 cho thấy những người con đã thành niên vẫn đang học cấp
3 trở xuống thuộc diện không thể duy trì cuộc sống bình thường. Theo Điều 37 Ý
kiến của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành
Luật thừa kế của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì việc bảo lưu một phần di
sản thừa kế cho người thừa kế là vấn đề cần thiết. Phán quyết được lập từ hoàn
cảnh cụ thể của người thừa kế khi di chúc có hiệu lực. Vì Liang 1 không có
khả năng kiếm thu nhập thông qua lao động do học cấp ba, nên xét từ hoàn cảnh của
bản thân, Liang 1 đương nhiên không thể duy trì cuộc sống bình thường, và cần
phải dành một phần cho Liang 1 trong di chúc. Tóm lại, cần xác định rằng
Liang 1 là người thừa kế không có khả năng lao động và không có nguồn sinh kế,
và phần thừa kế cần thiết nên được dành cho anh ta khi phân chia tài sản thừa kế.
- Quan
điểm của Toà án nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông: Phiên tòa tái thẩm lần này cho rằng
trọng tâm của vụ án này là liệu Liang 1 có phải là người thừa kế không có khả
năng lao động và không có nguồn sinh kế theo quy định tại Điều 19 của Luật thừa
kế hay không và việc chia di sản thừa kế có cần thiết phải dành một phần cho
Liang 1 theo quy định hay không. Điều 19 Luật thừa kế và Điều 37 Ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề
liên quan đến việc thi hành Luật thừa kế của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,
mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo hộ quyền tự do lập di chúc nhưng cũng quy định
những hạn chế nhất định đối với quyền tự do lập di chúc, đó là khi định đoạt di
sản thì người lập di chúc phải dành một phần nhất định cho những người thừa kế
cụ thể, để bảo vệ những người thiếu khả năng lao động, không có nguồn sinh kế.
Quy định nêu trên không chỉ thể hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người chết đối với
người thừa kế mà còn là sự cần thiết để duy trì mối quan hệ giữa các thành viên
trong gia đình. Quyền thừa kế của người thừa kế có quan hệ mật thiết với
quan hệ hỗ trợ giữa người thừa kế và người chết, quyền phát sinh quyền thừa kế
là tiền đề xuất phát từ quan hệ họ hàng giữa các thành viên trong gia đình, chức
năng hỗ trợ là chức năng cơ bản của gia đình, thừa kế là phần mở rộng về quyền
và nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau giữa những người thân thích. Khoản 2 Điều 21 Luật
Hôn nhân quy định: “Khi cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ
cấp dưỡng thì con chưa thành niên hoặc chưa thể sống tự lập có quyền yêu cầu
cha, mẹ cấp dưỡng. Diễn
giải Luật Hôn nhân, Điều 20 quy định: “Con không thể tự lập” quy định tại Điều 21 Luật Hôn nhân
là con còn đang học trung học phổ thông trở xuống hoặc con đã thành niên bị mất
một phần hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động, không thể duy trì cuộc sống bình
thường do nguyên nhân không chủ quan”. Theo quy định trên, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng
con chưa thể tự lập được. Trong trường hợp này, Liang 1 là con của người
quá cố Liang 3, và là người thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất của người quá cố,
mặc dù Liang 1 đã 18 tuổi khi Liang 3 chết nhưng vẫn đang học cấp ba. Những đứa
trẻ vẫn duy trì cuộc sống bình thường và cần được cha mẹ nuôi dưỡng và không thể
sống độc lập và bản thân họ không có nguồn thu nhập như thu nhập cố định. Theo
các quy định pháp luật nêu trên, Tòa án này cho rằng họ nên được xác định là
người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn sinh kế theo quy định của
pháp luật nên phần thừa kế cần thiết phải được dành cho họ để bảo đảm nhu cầu học
tập và sinh hoạt bình thường của họ. Tóm lại, tòa án này cho rằng các tình tiết
được xác định trong bản án ban đầu về cơ bản là rõ ràng, nhưng việc xác định rằng
Liang 1 không phải là người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn
sinh kế là không phù hợp, và tòa án này sẽ sửa chữa nó.
2.2. Bản án dân sự sơ thẩm
số 9567 ngày 22/12/2021 của Toà án nhân dân trung cấp số 1 Bắc Kinh
Điều 19 của “Luật thừa kế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” quy định rằng di
chúc phải dành phần thừa kế cần thiết cho những người thừa kế thiếu khả năng
lao động và không có nguồn sinh kế. Khoản 2 Điều 37 của “Ý kiến của Tòa
án Nhân dân Tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành Luật Thừa kế của
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” quy định rằng người thừa kế thiếu khả năng
lao động và không có nguồn sinh kế sẽ được xác định theo hoàn cảnh cụ thể của
người thừa kế khi di chúc có hiệu lực. Trong trường hợp này, mặc dù Zhang
và Wang đã nộp bằng chứng cho tòa án để chứng minh rằng họ đang trong tình trạng
sức khỏe kém và cần được điều trị lâu dài và chăm sóc chuyên nghiệp “nhưng cả
hai đều là nhân viên đã nghỉ hưu, nhận lương hưu hàng tháng và có một tỷ lệ nhất
định bồi hoàn y tế. Có một người con trai và một người con gái khác là người hỗ
trợ”, do đó không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về “thiếu khả năng lao
động và không có nguồn thu nhập”, và các quy định pháp luật có liên quan không
thể được áp dụng để bảo lưu phần thừa kế cần thiết cho họ.
2.3. Bản án tái thẩm dân sự số
1351 ngày 03/01/2021 của Toà án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây
Sau
khi xem xét, tòa án này cho rằng trọng tâm của việc xem xét tái thẩm vụ án này
là liệu Tang A có phải là người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn
sinh kế theo quy định trong Luật thừa kế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay
không. Rà soát ban đầu cho thấy vào năm 2017, Tang A đã bán thuốc lá trong
một cửa hàng do em trai mình làm chủ, sau đó tham gia kinh doanh bán nguyên liệu
làm thuốc, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2018, Tang A nhận được khoản thù lao
hơn 8.000 nhân dân tệ cho mỗi lần bán thuốc. Từ tháng 1 đến tháng 7, Tang A làm
việc trong hai tháng tại Phòng kinh doanh của Công ty Viễn thông Phúc Châu, và
nhận được mức thù lao là 2.140 nhân dân tệ.
Phiên
tòa ban đầu cũng phát hiện ra rằng khi mẹ của Tang A, Ma Moumou ly hôn với Tang
Shuifa, tài sản được chia bao gồm nhà cửa, mặt tiền cửa hàng, nhà bếp, đất
đai,... và Tang A đã sống với mẹ của anh ta. Do đó, mặc dù Tang A được chẩn
đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt vào năm 2009, sau đó có nhiều lần điều trị và
kê đơn thuốc, nhưng phiên tòa ban đầu, dựa trên các sự kiện đã xác định rằng
Tang A không thuộc trường hợp cần phải lưu lại một phần tài sản thừa kế theo
quy định tại Điều 19 Luật thừa kế.
2.4. Bản án tái thẩm dân
sự số 4138 ngày 03/06/2020 của Toà án nhân dân cấp cao Hồ Nam
Liu
Zizhai và Jiang Fengzai là vợ chồng, có các con gồm Liu Xiangyun, Liu 3 và Liu
4. Liu Xiangyun có vợ là Xie, có con là Liu 1. Liu Xiangyun chết trước Liu
Zizhai. Trước khi chết, Liu Zizhai đã lập di chúc để lại tài sản cho Liu 2
(cháu trai), Liu 3 và Liu 4.
Đối với
trường hợp này, Xie và Liu 1 cho rằng Xie và Liu 1 không có khả năng lao động
và không có nguồn thu nhập nên cần giữ lại phần di sản cần thiết. Sau khi
xem xét, theo Điều 37 Ý kiến của Tòa án Nhân dân
Tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành Luật Thừa kế của Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa thì để người lập di chúc dành phần di sản thừa kế cần
thiết cho những người thừa kế không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập
thì phải có đủ 3 điều kiện:
Thứ nhất,
cần có tư cách thừa kế: Trong trường hợp này, vì cha của Liu Xiangyun, Liu
Xiangyun, đã chết trước khi Liu Zizhai chết, Liu 1 với tư cách là con của Liu
Xiangyun, có quyền thừa kế phần thừa kế của cha mình thông qua thế quyền (thừa
kế thế vị). Vì Liu Zizhai và Jiang Fengzai đã đến Văn phòng công chứng để
giải quyết việc công chứng di chúc, nội dung di chúc là vợ chồng Liu Zizhai và
Jiang Fengzai sẽ chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất dưới tên của họ cho
cháu trai Liu 2 và con gái Liu 3, Liu 4 được thừa kế. Theo quy định của Luật
thừa kế, nếu có di chúc thì sẽ được thừa kế theo di chúc, do đó, di sản của người
chết Liu Zizhai nên được thừa kế bởi cháu trai Liu 2 và các con gái Liu 3 và
Liu 4, và Liu 1 không có tư cách thừa kế. Do đó, bản án sơ thẩm ban đầu cho rằng
Xie và Liu 1 không có tư cách thừa kế trong trường hợp này và cần được giữ
nguyên.
Thứ
hai, khi di chúc có hiệu lực, tức là khi Liu Zizhai chết, những người thừa kế
rơi vào tình trạng thiếu khả năng lao động và không có nguồn sinh kế. Bằng
chứng bảo lãnh thấp mà Xie và Liu 1 đệ trình để xét xử lại chỉ có thể chứng
minh rằng cuộc sống của họ hiện tại tương đối khó khăn, ngược lại, nó chứng
minh rằng cả hai đã nhận được trợ cấp của nhà nước và được đảm bảo cuộc sống cơ
bản. Không thể chứng minh rằng khi Liu Zizhai chết, tức là vào năm
2015, hai người họ đang ở trong tình trạng không còn khả năng lao động và không
có nguồn thu nhập.
Cuối
cùng, có tài sản để thừa kế. Trong trường hợp này, vào ngày 27 tháng 8 năm
2007, vợ chồng Liu Zizhai và Jiang Fengzai đã làm giấy tặng cho quyền sử dụng đất,
chia mảnh đất liên quan đến ngôi nhà thành hai phần, một phần cho Liu 2 và phần
còn lại cho Liu 3 và Liu 4. Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc sở
hữu nhà nước của ngôi nhà liên quan đến vụ án đã được giải quyết. Tóm lại, những
người quá cố Liu Zizhai và Jiang Fengzai không cần phải dành phần di sản cần
thiết cho Xie và Liu 1.
Yêu cầu
tái thẩm của những người nộp đơn tái thẩm Xie và Liu 1 không có cơ sở thực tế
và cơ sở pháp lý, và tòa án này không ủng hộ yêu cầu đó. Bản án sơ thẩm đã
đưa ra sự thật rõ ràng và cần được giữ nguyên.
2.5. Bản
án dân sự sơ thẩm số 3582 ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân trung cấp thứ hai Bắc Kinh
[...] về việc có nên dành phần thừa kế cần thiết cho Song 2 hay
không. Theo quy định của pháp luật, di chúc phải giữ lại phần thừa kế cần
thiết cho những người thừa kế thiếu khả năng lao động và không có nguồn sinh kế. Đánh
giá từ các bằng chứng hiện có, mặc dù Song 2 đã ly hôn và không có con, do tuổi
tác và tình trạng tinh thần, anh ta không có khả năng lao động, nhưng anh ta được
hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng, và chi phí y tế có thể được hoàn trả
theo quy định đối với phần tương ứng của bảo hiểm y tế, về cơ bản đáp ứng yêu cầu
nhập viện và chi phí sinh hoạt cơ bản của anh ấy, vì vậy tòa án này không ủng hộ
yêu cầu của Song 2.
Từ các bản án trên, chúng tôi đưa ra một vài nhận xét như sau:
Thứ nhất, thực tiễn xét xử tại Trung Quốc đã luôn đi làm rõ điều kiện “thiếu khả
năng lao động” và “không có nguồn sinh kế” một cách chi tiết nhất có thể, vì lẽ
đó mà thực tiễn xét xử đã góp phần làm rõ các chứng cứ cần thiết để chứng minh
cho các điều kiện mà đương sự cần cung cấp cho toà án nếu muốn được hưởng thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Thứ hai, Luật hôn nhân Trung Quốc đã góp phần làm rõ điều kiện “thiếu khả năng lao
động” và thực tiễn cho thấy, học sinh cấp ba trở xuống, dưới 18 tuổi, được xác
định là thiếu khả năng lao động, chúng tôi cho rằng quan điểm này tương đồng với
người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là “con chưa thành niên”
trong pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, điều kiện “không có nguồn sinh kế” được áp dụng trong thực tiễn theo chúng
tôi là khá gay gắt, việc người thừa kế đang được nuôi dưỡng bởi một người khác
hoặc cấp dưỡng bởi một người hoặc đang được hưởng trợ cấp,... mà đủ để người thừa
kế có thể sinh sống theo mức sống cơ bản của địa phương đều không được xác định
là “thiếu nguồn sinh kế”. Do đó, việc yêu cầu hưởng thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc là không được chấp nhận. Điều kiện này, như chúng tôi đã
nhận định, đã giới hạn tối đa việc được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội
dung của di chúc.
Thứ tư, không có một “định lượng” nào cho tất cả các trường hợp thừa kế không phụ
thuộc vào nội dung của di chúc, tất cả mang tính định tính của thẩm phán trong
từng vụ án cụ thể, có tham khảo đến mức sống cơ bản của địa phương.
III. Pháp luật Việt Nam về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của
di chúc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
3.1. Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
trong BLDS Việt Nam năm 2015
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định
về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 644 BLDS Việt
Nam năm 2015, quy định này một mặt tôn trọng ý chí của người để lại di sản, mặt
khác bảo vệ được quyền hưởng thừa kế của những người thừa kế có liên hệ mật thiết
với người để lại di sản.
3.1.1. Chủ thể được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm
2015 quy định các trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di
chúc như sau: (i) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
(ii) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Thứ nhất, trường hợp con là người thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
Khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm
2015 quy định “con chưa thành niên” hoặc “con đã thành niên mà không
có khả năng lao động” là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di
chúc. Vậy “con” trong Điều này nên được hiểu như thế nào?
Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS Việt
Nam năm 2015 xác định người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm:
“[...] con đẻ, con nuôi của người chết”. Do đó, theo nhóm tác giả, “con”
được đề cập tại khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015 trước hết nên được hiểu
đương nhiên bao gồm con đẻ (trong giá thú, ngoài giá thú) và con nuôi của người
chết[18].
Về con đẻ, đây là mối quan hệ dựa trên huyết thống, nên việc con đẻ (trong giá
thú, ngoài giá thú) của người chết thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc không có gì đáng để bàn luận thêm. Về con nuôi, con nuôi
được nói đến ở đây là con nuôi hợp pháp, khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm
2010 quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc
nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký” và mục đích của
việc nuôi con nuôi là “nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững,
vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình[19]”. Nên suy cho cùng, con đẻ và con nuôi trong trường hợp
này không có gì khác nhau, khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định:
“Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các
quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; Giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các
quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia
đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Do đó, việc con nuôi hợp pháp là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất
và là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là điều hợp lý.
Ngoài ra, Điều 653 BLDS Việt Nam năm 2015 còn quy định về quan
hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con
nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản
theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này” nhằm củng cố việc
hưởng thừa kế của con nuôi.
Bên cạnh con đẻ và con nuôi, nhóm
tác giả muốn đề cập sâu hơn đến đối tượng “con riêng”. Điều 654 BLDS Việt Nam
năm 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế như sau:
“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như
cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản
theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Như vậy, đây là
quy định ngoại lệ của Điều 651 BLDS Việt Nam năm 2015 nên đã được các nhà lập
pháp tách thành một điều luật riêng biệt, có nghĩa là, về mặt nguyên tắc con
riêng với bố dượng, mẹ kế không được hưởng di sản của nhau, trừ khi con riêng
có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế và trong trường hợp này, con
riêng sẽ được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất (theo Điều 651
BLDS Việt Nam năm 2015) và được xem là người thừa thừa kế không phụ thuộc vào nội
dung của di chúc theo Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015.
Thứ hai, trường hợp cha, mẹ là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của
di chúc:
Tương tự như đối tượng “con” ở phần trên, căn cứ khoản 1 Điều 651, Điều
653, Điều 654 BLDS Việt Nam năm 2015 thì chúng ta có thể xác định “cha, mẹ” thuộc
diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được nêu tại khoản
1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015 bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế có
quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Thứ ba, trường hợp vợ, chồng là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung
của di chúc:
Theo khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015 thì vợ, chồng là người thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung di chúc của nhau. Quan hệ thừa kế này dựa trên
quan hệ hôn nhân, khi một bên vợ hoặc chồng chết thì bên còn lại được hưởng di
sản thừa kế. So với quy định của BLDS Trung Quốc năm 2020 thì đối tượng này là
giống nhau, Điều 1127 BLDS Trung Quốc năm 2020 cũng xác định “phối ngẫu” là người
thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng di sản không phụ thuộc
vào nội dung của di chúc theo Điều 1141 BLDS Trung Quốc năm 2020.
Xét tổng thể thì đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung
của di chúc theo pháp luật dân sự Việt Nam có phạm vi hẹp hơn so với quy định của
BLDS Trung Quốc năm 2020. Cụ thể, BLDS Trung Quốc năm 2020 quy định vợ, chồng,
con (con trong giá thú, con ngoài giá thú, con nuôi và con riêng có quan hệ phù
dưỡng), cha mẹ (cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và cha mẹ kế có quan hệ phù dưỡng), anh
chị em (anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác
cha, anh chị em nuôi, anh chị em kế có quan hệ phù dưỡng), ông bà nội, ông bà
ngoại được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, trong khi
BLDS Việt Nam năm 2015 chỉ cho phép cha mẹ, vợ chồng và con được hưởng thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
3.1.2. Về điều kiện được
hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 quy định điều kiện để được hưởng thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
Thứ nhất, đối với con:
Khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 quy định “con chưa thành niên” đương nhiên
được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà không đi kèm
thêm điều kiện nào. Khoản 1 Điều 21 BLDS Việt Nam năm 2015 quy định “người
chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”. Do đó, con chưa thành niên
theo khoản 1 Điều 651 BLDS Việt Nam năm 2015 là con đẻ, con nuôi và con riêng
(có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế) chưa đủ mười tám tuổi.
Đối với “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”, khoản 1 Điều 20
BLDS Việt Nam năm 2015 quy định “người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi
trở lên”, nên con thành niên theo khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015
là con đẻ, con nuôi và con riêng (có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ
kế) từ đủ mười tám tuổi trở lên. Khác với “con chưa thành niên”, nếu là “con đã
thành niên” thì để được xếp vào diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung
của di chúc thì con thành niên phải đáp ứng thêm điều kiện “không có khả năng
lao động”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn
“không có khả năng lao động” được hiểu và xác định như thế nào. Trước đây, Nghị
quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng (“Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP”), có quy định về bồi thường
thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động” như sau: “Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có
người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do
bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp
khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động
vĩnh viễn từ 81% trở lên…”. Khi xác định điều kiện “không có khả năng lao động” trong trường hợp người
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc cũng có thể vận dụng hướng dẫn
này để tránh trường hợp áp dụng pháp luật không thống nhất. Ngoài Nghị quyết
03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,
còn có một văn bản khác cũng điều chỉnh tương tự, đó chính là Thông tư số
84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính có quy định về khái niệm “người
tàn tật không có khả năng lao động”, tuy nhiên, khái niệm này chỉ nhằm phân
biệt về người tàn tật không có khả năng lao động với người tàn tật nhưng vẫn có
khả năng lao động[20]. Ngoài các trường hợp được nêu trên
thì trường hợp “bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm chất độc màu da cam” mặc
dù không được liệt kê tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP nhưng trên thực tế, Tòa
án vẫn xem xét và đưa vào trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội
dung di chúc[21], nên chúng tôi cho rằng hướng dẫn tại
Nghị quyết số 03/2006 được liệt kê mang tính mở, và không bị giới hạn ở các trường
hợp được liệt kê cụ thể mà sẽ còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể tại thời
điểm giải quyết vụ việc, thực tế còn một số quan điểm thể hiện các điều kiện nhằm
xác định “người đã thành niên mà không có khả năng lao động”[22]. Về thời điểm xác định điều kiện
“không có khả năng lao động” của con đã thành niên chính là thời điểm di chúc
có hiệu lực theo khoản 1 Điều 643 BLDS Việt Nam năm 2015.
Như vậy, so với quy định của BLDS Trung Quốc năm 2020 thì BLDS Việt Nam năm
2015 chỉ đặt ra điều kiện “không có khả năng lao động” đối với “con chưa thành
niên”.
3.1.3. Xác định tỷ lệ được
hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
BLDS Trung Quốc năm 2020 đã không đưa ra bất kỳ định lượng nào cho việc hưởng
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong khi BLDS Việt Nam năm
2015 đã ấn định mức hưởng bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật, chúng tôi
đánh giá đây cũng là một điểm sáng của BLDS Việt Nam năm 2015.
Từ giai đoạn pháp
điển hóa BLDS tại Việt Nam, các nhà lập pháp đều ấn định tỷ lệ được hưởng thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của chủ thể là “hai phần ba một suất thừa
kế theo pháp luật”[23]. Thực tế, đối với những vấn đề định lượng trong các quy
phạm, khó có thể xác định thông qua các học thuyết pháp lý, mà thay vào đó sẽ dựa
trên quan điểm về tính hợp lý có thể là kinh nghiệm, đánh giá vụ việc của cơ
quan xét xử. Và tỷ lệ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
cũng không ngoại lệ, Pháp lệnh về thừa kế ngày 30 tháng 8 năm 1990 đã ấn định tỷ
lệ này, để lý giải cho mức ấn định trên, có quan điểm cho rằng “khi xem xét
đến các giải pháp bảo vệ quyền lợi của người thừa kế (trong đó có thừa kế không
phụ thuộc vào nội dung di chúc) nhằm chống lại sự lạm quyền về tự do ý chí và
quyền tự do cá nhân trong việc di chuyển di sản cần phải xem xét đến quá trình
hình thành các quy định đó[24]”.
3.1.4. Về trật tự ưu
tiên
Khi tiến
hành phân chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà không thuộc
trường hợp di tặng (Điều
646 BLDS Việt Nam năm 2015), cần tiến hành lần lượt
theo các bước sau đây[25]:
Bước 1: Thực hiện
nội dung theo di chúc, theo đó ưu tiên chia thừa kế cho những người được di chúc
chỉ định hưởng di sản theo ý chí của người để lại di sản (Điều 659 BLDS Việt
Nam năm 2015);
Bước 2: Chia thừa
kế phần di sản còn lại, phần di sản không định đoạt trong di chúc hoặc liên
quan đến phần di chúc bị vô hiệu hoặc di chúc bị vô hiệu được chia theo pháp luật
cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, nếu họ đủ điều
kiện để hưởng thừa kế (nếu có) (Điều 660 BLDS Việt Nam năm 2015);
Bước 3: Chia thừa
kế cho những chủ thể không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm (i) xác định
giá trị hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật; (ii) Xác định
những người thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; Và (iii)
trích phần di sản của những người thừa kế khác để bù cho những người thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015).
Ngoài ra, khi tiến
hành phân chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà có trường
hợp di tặng (Điều 646 BLDS Việt Nam năm
2015), hầu hết các trường hợp thực tế, phần di tặng có đối tượng là một vật đặc
định, một vật cùng loại hay, đúng hơn là một số tiền[26]. Trong trường hợp này, về nguyên tắc, phải thực hiện
theo trình tự các bước đã được thể hiện ở trên, tuy nhiên nếu xảy ra trường hợp
người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc hưởng ít hơn 2/3 một suất thừa
kế theo pháp luật thì chủ thể này có quyền yêu cầu người được di tặng “bù” phần
giá trị còn thiếu và yêu cầu này phải được chấp nhận.
3.2. Một vài kiến nghị
hoàn thiện pháp luật
BLDS Trung Quốc năm 2020 cấp quyền
hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc cho tất cả những người
thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, chỉ cần đáp ứng điều kiện “thiếu
khả năng lao động” và “không có nguồn sinh kế” chứ không giới hạn ở hàng thừa kế
thứ nhất như BLDS Việt Nam năm 2015, điều này cũng đồng nghĩa với việc người để
lại di chúc bị giới hạn về quyền định đoạt di sản nhiều hơn và chúng tôi không
đánh giá cao điều này. Di chúc thể hiện ý chí của người để lại di sản, trên hết
cần phải được tôn trọng, pháp luật có thể giới hạn quyền này nhưng chỉ nên
trong một chừng mực cho phép. Do đó, chúng tôi không ủng hộ việc mở rộng tối đa
đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như Điều
1141 (và Điều 1127) BLDS Trung Quốc năm 2020.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một
số điểm của BLDS Trung Quốc năm 2020 mà Việt Nam cần cân nhắc nghiên cứu thêm
trong tương lai, đặc biệt là điều kiện kép: (i) Thiếu khả năng lao động; và (ii) Không có nguồn sinh kế. Như đã nhận định từ đầu, việc đạt được điều kiện kép
này dường như là rất khó để đáp ứng trên thực tế, nên Điều 1141 BLDS Trung Quốc
năm 2020 thoạt nhìn có vẻ sẽ giới hạn quyền của người để lại di chúc nhưng thực
tế chúng tôi cho rằng “điều kiện kép” nêu trên đã kéo lại thế cân bằng cho điều
luật này.
Theo Chensu và Xie Hongfei (2020)
thì:
Một hệ thống thừa kế tốt không chỉ phản ánh nguyên
tắc tự chủ về luật tư mà còn có lợi cho việc duy trì sự hoà thuận của gia đình,
dòng tộc và xã hội. Sở dĩ gia đình được coi là “xã hội tự nhiên lâu đời nhất và
duy nhất trong mọi xã hội” chủ yếu là do sự hỗ trợ, thừa kế lẫn nhau giữa các
thành viên trong gia đình dựa trên sự yêu thương, tình cảm mà không hề có sự
cân nhắc.[27]
Vì vậy, để góp phần xây dựng quy định
về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, trong giới hạn
nghiên cứu của nhóm tác giả, chúng tôi đưa ra một vài kiến nghị sau để các nhà
nghiên cứu, học giả nghiên cứu, trao đổi thêm, cũng như có thể cân nhắc trong
tương lai khi sửa đổi quy định này:
Thứ nhất, sửa đổi điểm a khoản 1 Điều
651 BLDS Việt Nam năm 2015: Để xác định được cụ thể
từng đối tượng như đã phân tích tại tiểu mục 3.1.1 thì chúng tôi cho rằng việc
dẫn chiếu đến điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS Việt Nam năm 2015 là hoàn toàn cần
thiết, do đó cần sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 theo hướng hợp
nhất với Điều 654 BLDS Việt Nam năm 2015 bằng kỹ thuật lập pháp như Điều 1127
BLDS Trung Quốc năm 2020. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS Việt Nam năm
2015 sửa thành:
“a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ,
chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng và mẹ kế có quan hệ chăm
sóc, nuôi dưỡng, con đẻ, con nuôi, con riêng có có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.”
Thứ hai, kiến nghị bỏ Điều 653 BLDS
Việt Nam năm 2015: Điều 653 BLDS Việt Nam năm 2015 quy
định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ dường
như là không cần thiết. Bởi lẽ, Điều 644 và điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS Việt
Nam năm 2015 đã làm rõ các đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội
dung của di chúc nên quy định riêng lẻ như Điều 653 BLDS Việt Nam hiện nay là
trùng lặp.
Thứ ba, kiến nghị sửa đổi Điều 654
BLDS Việt Nam năm 2015: Theo chúng tôi, Điều 654
BLDS Việt Nam hiện nay dẫn chiếu đến Điều 652 và 653 BLDS Việt Nam năm 2015 là
không phù hợp[28] mà cần phải
dẫn chiếu đến Điều 651 và Điều 652 vì chính Điều 653 cũng dẫn chiếu đến Điều
651 và 652.
Thứ tư, kiến nghị bổ sung quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015: Việc xác định điều kiện “không có khả năng lao động” của con đã thành niên
cần được xem xét tại thời điểm di chúc có hiệu lực, tức là tại thời điểm mở thừa
kế (khoản 1 Điều 643 BLDS Việt Nam năm 2015). Do đó, chúng tôi kiến nghị bổ
sung thêm một đoạn tại điểm b khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm 2015 như sau:
“Việc con đã thành niên
mà không có khả năng lao động được xác định tùy theo hoàn cảnh cụ thể của người
thừa kế khi di chúc có hiệu lực”.
Thứ tư, về điều kiện được hưởng thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Dựa trên các phân tích về đối tượng và điều kiện để được hưởng thừa kế không
phụ thuộc vào nội dung của di chúc của BLDS Trung Quốc năm 2020 và BLDS Việt
Nam năm 2015, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 644 BLDS Việt Nam năm
2015 như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng
phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản
được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho
hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ,
chồng không có nguồn sinh kế;
b) Con thành niên mà không có khả
năng lao động hoặc có khả năng lao động nhưng nguồn thu nhập không đáp ứng
được mức sống cơ bản tại địa phương”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Luật
1.
Bộ luật Dân sự Việt Nam
năm 2015;
2.
Bộ luật Dân sự Trung
Quốc năm 2020;
3.
Luật Nuôi con nuôi năm
2010;
4.
Luật Hôn nhân Trung Quốc
sửa đổi năm 2001;
5.
Luật Thừa kế Trung Quốc
năm 1985;
* Văn bản dưới luật
6.
Nghị quyết số
03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng;
7.
Ý kiến của Tòa án nhân
dân tối cao Cộng hoà Nhân dân
Trung Hoa ngày 11/9/2985 về một số vấn đề liên
quan đến việc thực hiện Luật thừa kế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
8.
Giải
thích của Tòa án nhân dân tối cao Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ngày 30/12/2020 về
việc áp dụng phần thừa kế của BLDS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1);
* Các bản án (Judgements)
9.
Bản án số 04/2023/DS-PT
ngày 06/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, Việt Nam.
10.Bản án
dân sự sơ thẩm số 3582 ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân trung cấp thứ hai Bắc Kinh, Trung Quốc.
11.Bản án tái thẩm dân sự số 919 ngày 15/6/2020 của Toà án
nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
12.Bản án dân sự sơ thẩm số 9567 ngày 22/12/2021 của Toà án
nhân dân trung cấp số 1 Bắc Kinh, Trung Quốc.
13.Bản án tái thẩm dân sự số
1351 ngày 03/01/2021 của Toà án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
14.Bản án tái thẩm dân sự số
4138 ngày 03/06/2020 của Toà án nhân dân cấp cao Hồ Nam, Trung Quốc.
* Các tài liệu khác (Other documents)
15.Chensu và
Xie Hongfei, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Trung Quốc - Quyển Thừa kế (民法典 评 注 (继 承 编),China Legal Publishing
House, 2020.
16.Lê Khánh Linh, Trương Huỳnh Nga, Nguyễn