Cuộc tranh luận này không chỉ xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia mà còn liên quan sâu sắc đến các quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin. Quá trình cấm TikTok tại Mỹ đã kéo dài nhiều năm, phản ánh các lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư, đồng thời cho thấy sự căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
1. Một số mốc thời gian tiêu biểu xung quanh vụ việc
Tháng 8/2020: Lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump
Ngày 6/8/2020: Tổng thống Donald Trump ký hai lệnh hành pháp, cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với công ty mẹ của TikTok, ByteDance, viện lý do an ninh quốc gia. Lệnh có hiệu lực sau 45 ngày, yêu cầu ByteDance bán TikTok cho một công ty Mỹ.[1]
Ngày 14/8/2020: Tổng thống Trump ra một lệnh hành pháp khác yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày[2].
Tháng 9/2020: Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố lệnh cấm
Ngày 18/9/2020: Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo lệnh cấm tải xuống TikTok từ các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 20/9/2020[3].
Ngày 19/9/2020: TikTok đạt được thỏa thuận tạm thời với Oracle và Walmart để thành lập công ty mới có tên TikTok Global nhằm tránh lệnh cấm[4].
Tháng 9-12/2020: Các lệnh cấm bị trì hoãn
Ngày 27/9/2020: Một thẩm phán liên bang ở Washington D.C. chặn tạm thời lệnh cấm tải xuống TikTok của Bộ Thương mại[5].
Tháng 12/2020: Bộ Thương mại tạm ngừng lệnh cấm TikTok theo quyết định của tòa án liên bang.
Tháng 6/2021: Tổng thống Joe Biden hủy bỏ lệnh cấm của Trump
Ngày 9/6/2021: Tổng thống Joe Biden ký lệnh hành pháp hủy bỏ lệnh cấm TikTok của Donald Trump nhưng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét chặt chẽ các ứng dụng do nước ngoài kiểm soát, bao gồm TikTok[6].
Tháng 12/2022: Lệnh cấm TikTok trên thiết bị chính phủ
Ngày 29/12/2022: Tổng thống Joe Biden ký thông qua "Đạo luật Không TikTok trên Thiết bị Chính phủ", cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ liên bang[7]. Nhiều bang cũng áp dụng lệnh cấm tương tự.
Tháng 3/2023: TikTok bị chất vấn tại Quốc hội
Ngày 23/3/2023: Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew, điều trần trước Quốc hội Mỹ[8]. Các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về việc TikTok có thể chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc.
Tháng 8/2023: Đạo luật RESTRICT
Tháng 8/2023: Chính phủ Mỹ thảo luận về Đạo luật RESTRICT, cho phép Bộ Thương mại cấm các ứng dụng và công nghệ nước ngoài có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm TikTok[9].
Năm 2024: Nỗ lực tiếp tục cấm TikTok
Tháng 4/2024: Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật thoái vốn hoặc cấm TikTok. Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật[10].
Nhiều tòa án liên bang tại Hoa Kỳ đã tạm thời ngăn chặn việc thi hành lệnh cấm TikTok với lý do chính phủ Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh mối đe dọa an ninh quốc gia. Các tòa án cũng đồng ý rằng TikTok có cơ sở pháp lý để lập luận rằng lệnh cấm vi phạm Tu chính án thứ nhất, bởi nó hạn chế quyền tự do biểu đạt của hàng triệu công dân Mỹ.
Ngày 07/12/2024: Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ duy trì luật yêu cầu ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok tại Hoa Kỳ vào đầu năm tới (thời hạn 19/01/2025) hoặc phải đối mặt với lệnh cấm.
Ngày 18/12/2024: Toà án tối cao Hoa Kỳ đã ra quyết định về việc thụ lý đơn kháng cáo của TikTok và công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance[11], nhằm ngăn chặn một đạo luật có ý định buộc phải bán ứng dụng video ngắn này vào ngày 19 tháng 1 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm trên tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia. Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Tối cao, TikTok và ByteDance cho biết "nếu người Mỹ, được thông báo đầy đủ về những rủi ro bị cáo buộc của việc thao túng nội dung 'ngầm', chọn tiếp tục xem nội dung trên TikTok với nhận thức đầy đủ, thì Tu chính án thứ nhất trao cho họ quyền lựa chọn đó, không bị chính phủ kiểm duyệt".
Ngày 17/01/2025: Tòa án Tối cao phán quyết luật cấm TikTok không vi phạm quyền của ứng dụng và người dùng theo Tu chính án thứ nhất, duy trì lập luận về an ninh quốc gia của chính phủ liên bang và để TikTok có thể bị cấm vào ngày 19 tháng 1 trừ khi được bán cho một công ty Mỹ.
2. Lập luận của hai bên xoay quanh Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (First Amendment) là một trong những nền tảng quan trọng nhất của nền dân chủ Mỹ. Được thông qua năm 1791, Tu chính án thứ nhất bảo vệ các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo, và quyền kiến nghị chính phủ. Cụ thể, nội dung của Tu chính án này như sau:
"Quốc hội không được ban hành bất kỳ luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản việc tự do thực hành tôn giáo; hạn chế quyền tự do ngôn luận, hoặc báo chí; hoặc quyền của người dân được hội họp một cách hòa bình và kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình."[12]
Trong bối cảnh hiện đại, Tu chính án thứ nhất không chỉ bảo vệ các hình thức ngôn luận trực tiếp mà còn mở rộng tới các nền tảng công nghệ, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối. Các giới hạn được đặt ra khi quyền này đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc các lợi ích chính đáng của quốc gia. Nói cách khác, quy định này được xem là nền tảng của nền dân chủ Mỹ, bảo đảm rằng các công dân và tổ chức được tự do phát biểu quan điểm và tiếp cận thông tin, ngoại trừ những trường hợp bị hạn chế vì lý do đặc biệt (như an ninh quốc gia hoặc các hành vi nguy hiểm).
2.1. Nguy cơ thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và việc không cung cấp đủ những bằng chứng thuyết phục
Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân từ hàng triệu người dùng Mỹ, bao gồm thông tin vị trí, lịch sử duyệt web và hành vi trực tuyến. Điều đáng lo ngại là những dữ liệu này có thể bị chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc, vốn bị xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
· International Emergency Economic Powers Act (IEEPA)[13]
Được viện dẫn trong sắc lệnh hành pháp 13942 của Tổng thống Donald Trump năm 2020 liên quan đến TikTok. IEEPA (50 U.S.C. §§ 1701-1708) cho phép Tổng thống Hoa Kỳ ban hành các biện pháp hạn chế thương mại và kinh tế khi có tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Luật này trao quyền để kiểm soát giao dịch, phong tỏa tài sản và áp đặt các biện pháp cấm đối với các thực thể bị coi là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Chính quyền Trump đã viện dẫn IEEPA để ban hành Sắc lệnh Hành pháp (Executive Order) nhằm cấm TikTok với cáo buộc rằng dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị ByteDance (công ty mẹ của TikTok) chia sẻ với chính phủ Trung Quốc, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
TikTok lập luận rằng chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào chứng minh việc TikTok chuyển giao dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc. Theo đó, lệnh cấm dựa trên các giả định không có cơ sở thay vì bằng chứng thực tế.
· Administrative Procedure Act (APA)[14] – Luật Thủ tục hành chính
APA yêu cầu các cơ quan liên bang phải tuân thủ quy trình hợp pháp khi ban hành các quy định mới.TikTok cáo buộc rằng việc cấm ứng dụng của họ vi phạm APA vì thiếu cơ sở pháp lý minh bạch và không có quy trình công bằng.
· Freedom of Information Act (FOIA)[15] – Đạo luật Tự do thông tin
FOIA cho phép công khai thông tin từ các cơ quan liên bang để đảm bảo tính minh bạch. Các tổ chức yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp bằng chứng cụ thể chứng minh nguy cơ từ TikTok, nhưng chính phủ từ chối với lý do liên quan đến an ninh quốc gia.
· Fifth Amendment - Tu chính án thứ năm
Hiến pháp Hoa Kỳ tại Tu chính thứ năm quy định: “Không ai bị tước bỏ cuộc sống, tự do hoặc tài sản không dựa trên trình tự pháp luật đúng đắn”[16]
TikTok cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền "due process" (quyền được xét xử công bằng) khi không cung cấp đủ cơ sở chứng minh nguy cơ mà TikTok gây ra.
2.2. Sự vi phạm quyền tự do và bảo mật dữ liệu của công dân Hoa Kỳ
Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định rằng việc TikTok hoạt động mà không có sự kiểm soát chặt chẽ đặt ra nguy cơ lớn đối với quyền riêng tư và bảo mật của công dân Mỹ. Điều này là cơ sở để chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế, bao gồm cấm TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ nếu không đáp ứng các yêu cầu về bảo mật dữ liệu.
· Federal Acquisition Regulation (FAR) – Quy định Mua sắm Liên bang Hoa Kỳ
Theo Mục 889 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019[17], chính phủ Mỹ cấm sử dụng hoặc mua sắm các sản phẩm và dịch vụ từ các công ty bị cáo buộc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Quy định này áp dụng cho cả TikTok trong bối cảnh các mối lo ngại về an ninh. FAR được áp dụng để ngăn chặn các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng TikTok, đặc biệt trên các thiết bị công.
TikTok khẳng định rằng nền tảng này không chỉ là công cụ giải trí mà còn là một không gian quan trọng cho người dân Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, thể hiện quan điểm, sáng tạo nội dung và kết nối cộng đồng. Bất kỳ hành động cấm TikTok nào đều đồng nghĩa với việc hạn chế hàng triệu công dân Mỹ sử dụng nền tảng này để giao tiếp và sáng tạo.
Theo TikTok: "Lệnh cấm TikTok trực tiếp cản trở khả năng của người Mỹ trong việc tiếp cận và sử dụng một nền tảng để thể hiện quan điểm của mình."
2.3. Tu Chính án thứ nhất: Lợi ích an ninh quốc gia hay bảo vệ quyền tiếp cận thông tin
Chính phủ lập luận rằng Tu chính án thứ nhất không bảo vệ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận nếu quyền này đe dọa lợi ích quốc gia. Việc cấm TikTok được xem là một biện pháp hợp pháp nhằm ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bảo mật và an ninh. Theo quan điểm này, các hành động hạn chế TikTok không phải là "kiểm duyệt tự do ngôn luận" mà là một biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.
· USA PATRIOT Act (2001)
Đạo luật PATRIOT USA (thường được gọi là Đạo luật Patriot) là được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ký thành luật vào ngày 26 tháng 10 năm 2001. USA PATRIOT là từ viết tắt của Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism. Patriot Act (H.R. 3162) tăng cường quyền lực của chính phủ trong việc thu thập thông tin, giám sát, và hành động chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia, đặc biệt là khủng bố. TikTok bị cáo buộc là nền tảng có khả năng thu thập dữ liệu quy mô lớn, bao gồm cả thông tin nhạy cảm, điều này làm dấy lên các lo ngại về việc thông tin này có thể bị chia sẻ với chính phủ nước ngoài, đe dọa an ninh Mỹ.
· National Security Act of 1947[18] - Đạo luật an ninh quốc gia
Luật này thành lập cơ quan an ninh quốc gia (NSA) và cho phép các biện pháp bảo vệ quốc gia chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài. Chính phủ Mỹ viện dẫn luật này để nhấn mạnh quyền hạn trong việc kiểm soát các hoạt động có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đặc biệt khi dữ liệu cá nhân được coi là một tài sản chiến lược.
TikTok nhấn mạnh rằng việc cấm nền tảng này không chỉ ảnh hưởng đến tự do biểu đạt mà còn ngăn cản người dùng Mỹ tiếp cận thông tin và nội dung trên TikTok, điều này vi phạm quyền tự do tiếp cận thông tin được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.
3. Những vấn đề pháp lý mâu thuẫn trong vụ việc
3.1. Sự cân bằng giữa tự do ngôn luận và an ninh quốc gia
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền này không phải là tuyệt đối. Trong các trường hợp đặc biệt, quyền này có thể bị hạn chế khi sự an toàn của công dân hoặc lợi ích quốc gia bị đe dọa. Tuy nhiên, việc xác định rõ ranh giới giữa tự do ngôn luận và an ninh quốc gia là một bài toán pháp lý phức tạp, đòi hỏi các quyết định dựa trên các tiền lệ pháp lý rõ ràng và bằng chứng thuyết phục[19].Chính phủ Hoa Kỳ lập luận rằng TikTok – một nền tảng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance – có nguy cơ thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Mỹ và chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc, vi phạm an ninh quốc gia. Theo chính quyền Mỹ, Tu chính án thứ nhất không bảo vệ các hành vi hay nền tảng đe dọa an ninh quốc gia.
Ví dụ điển hình là vụ Schneck v. United States (1919), nơi Tòa án Tối cao phán quyết rằng quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế nếu nó gây ra “mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” (clear and present danger)[20]. Chính phủ Mỹ đã sử dụng án lệ này để lý giải rằng nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ TikTok cũng là một dạng nguy hiểm đe dọa đến sự ổn định quốc gia. TikTok lập luận rằng các cáo buộc của chính phủ Mỹ không có bằng chứng cụ thể, làm suy giảm quyền tự do ngôn luận và tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc hạn chế các nền tảng công nghệ khác. Hai câu hỏi lớn được đặt ra là: “Chính phủ cần đưa ra bằng chứng thuyết phục như thế nào để chứng minh TikTok đe dọa an ninh quốc gia?” và “Ranh giới nào để một nền tảng công nghệ được coi là mối đe dọa chính đáng?”
3.2. Tiền lệ nguy hiểm về kiểm duyệt công nghệ
Nhiều chuyên gia pháp lý lo ngại rằng nếu chính phủ Mỹ thành công trong việc cấm TikTok, điều này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, cho phép chính phủ kiểm duyệt các nền tảng công nghệ khác dựa trên các lý do chưa được kiểm chứng. Việc cấm TikTok có thể tạo ra một tiền lệ pháp lý, cho phép chính phủ Mỹ kiểm duyệt các nền tảng công nghệ nước ngoài hoặc trong nước dựa trên lý do an ninh quốc gia. Điều này có thể mở đường cho việc lạm dụng quyền lực, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng khác. Các chuyên gia lo ngại rằng một khi TikTok bị cấm, các công ty công nghệ khác – ngay cả các công ty Mỹ – cũng có thể trở thành mục tiêu tương tự nếu chính phủ thấy rằng họ có nguy cơ tiềm ẩn. Một ví dụ tương tự là vụ việc của Huawei, nơi Chính quyền Biden đã cấm phê duyệt thiết bị viễn thông mới từ Huawei Technologies và ZTE của Trung Quốc[21] với lý do tương tự, gây ra tranh cãi về tính minh bạch và sự công bằng trong thương mại quốc tế.
Tiền lệ kiểm duyệt TikTok không chỉ ảnh hưởng tới các công ty công nghệ nước ngoài mà còn tạo ra áp lực đối với các công ty công nghệ trong nước như Meta hay Twitter. Các công ty này lo ngại rằng chính phủ Mỹ có thể mở rộng các hạn chế tương tự nếu không có sự minh bạch trong quy trình ra quyết định.
3.3. Tác động quốc tế
Câu chuyện TikTok không chỉ giới hạn trong biên giới Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến chính sách công nghệ và quyền tự do ngôn luận trên toàn cầu. Quyết định của Mỹ có thể tạo ra tiền lệ cho các quốc gia khác áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát các nền tảng công nghệ nước ngoài. Ví dụ, Ấn Độ đã cấm TikTok vào năm 2020, lấy lý do tương tự về an ninh quốc gia[22]. Từ góc nhìn quốc tế, các biện pháp này có thể gây ra "cuộc chiến công nghệ" giữa các quốc gia, nơi mỗi quốc gia áp dụng các hạn chế dựa trên lợi ích quốc gia thay vì quyền tự do cá nhân.
Các quốc gia theo dõi sát sao quyết định của Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm duyệt các nền tảng không phù hợp với chính sách nội địa. Điều này có thể dẫn đến một thế giới kỹ thuật số bị chia cắt (fragmented digital world), nơi các nền tảng công nghệ không thể vận hành tự do trên toàn cầu.
4. Kết luận
Cuộc đối đầu giữa TikTok và Chính phủ Hoa Kỳ không chỉ phản ánh sự mâu thuẫn về lợi ích giữa tự do ngôn luận và an ninh quốc gia mà còn mở ra những câu hỏi pháp lý quan trọng về kiểm duyệt công nghệ và tác động toàn cầu. Kết quả của vụ việc này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của TikTok mà còn định hình cách các quốc gia quản lý và bảo vệ quyền tự do trên các nền tảng công nghệ trong kỷ nguyên số. Các điều luật và lập luận pháp lý nêu trên phản ánh sự đối đầu giữa quyền tự do ngôn luận, quyền tư hữu của doanh nghiệp và các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia. Trong khi chính phủ Mỹ ưu tiên bảo vệ lợi ích an ninh, TikTok dựa trên các nguyên tắc hiến pháp để bảo vệ quyền hoạt động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Donald J.Trump, Executive Order on Addressing the Threat Posed by TikTok, Trump White House (August 6, 2020) https://trumpwhitehouse.archives.gov/presidential-actions/executive-order-addressing-threat-posed-tiktok/
2. Nicole Sperling, Trump Officially Orders TikTok’s Chinese Owner to Divest, The New York Times (August 18, 2020) https://www.nytimes.com/2020/08/14/business/tiktok-trump-bytedance-order.html
3. U.S Department of Commerce, Commerce Department Prohibits WeChat and TikTok Transactions to Protect the National Security of the United States (September 18, 2020) https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/09/commerce-department-prohibits-wechat-and-tiktok-transactions-protect.html
4. Thông tấn xã Việt Nam, Công ty mẹ của TikTok đạt thỏa thuận với Oracle và Walmart (20/09/2020, 11:53) https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/cong-ty-me-cua-tiktok-dat-thoa-thuan-voi-oracle-va-walmart-5025461.html
5. Tiktok Inc. v. Trump, 507 F. Supp. 3d 92 (D.D.C. 2020) https://casetext.com/case/tiktok-inc-v-trump-1
6. P.L, Tổng thống Biden hủy bỏ lệnh cấm đối với TikTok và WeChat, VTV (10/6/2021, 06:17) https://vtv.vn/cong-nghe/tong-thong-biden-huy-bo-lenh-cam-doi-voi-tiktok-va-wechat-20210610061203897.htm
7. Thuý Liên, Tổng thống Biden ký sắc lệnh cấm TikTok, Thông tấn xã Việt Nam (31/12/2022, 22:35) https://vov.vn/cong-nghe/tong-thong-biden-ky-sac-lenh-cam-tiktok-post993924.vov
8. Aditi Sangal, Brian Fung and Catherine Thorbecke, March 23, 2023 - TikTok CEO Shou Chew testifies before Congress, CNN (24/3/2023, 12:07 AM) https://edition.cnn.com/business/live-news/tiktok-ceo-congressional-hearing-shou-chew-03-23-23/index.html
9. S.686 - 118th Congress (2023-2024): RESTRICT Act, S.686, 118th Cong. (2023), https://www.congress.gov/bill/118th-congress/senate-bill/686.
10. David Shepardson, US Senate passes TikTok divestment-or-ban bill, Biden set to make it law, Reuters (April 24, 2024 11:34 PM) https://www.reuters.com/world/us/senators-hope-tiktok-will-remain-business-us-under-new-owner-2024-04-23/
11. Andrew Chung, David Shepardson, US Supreme Court to consider TikTok bid to halt ban, Reuters (December 19, 20241:14 PM) https://www.reuters.com/legal/us-supreme-court-consider-tiktok-bid-halt-ban-2024-12-18/
12. Constitution of the United States, First Amendment (1791) https://constitution.congress.gov/constitution/amendment-1/
13. Jack M. Balkin, Free Speech Versus the First Amendment, U.C.L.A Law Review, 70,1206(2023)https://openyls.law.yale.edu/bitstream/handle/20.500.13051/18364/Free%20Speech%20Versus%20the%20First%20Amendment.pdf?sequence=1&isAllowed=y
14. Schneck v. United States, 249 U.S. 47 (1919)
15. Diane Bartz, Alexandra Alper, U.S. bans new Huawei, ZTE equipment sales, citing national security risk, Reuters (December 1 2022; 11:13 AM) https://www.reuters.com/business/media-telecom/us-fcc-bans-equipment-sales-imports-zte-huawei-over-national-security-risk-2022-11-25/
16. Anilesh Kumar and Daya Thussu, Media, digital sovereignty and geopolitics: the case of the TikTok ban in India, Media, Culture & Society, 1-17 (2023) https://www.researchgate.net/profile/Anilesh-Kumar/publication/370939029_Media_digital_sovereignty_and_geopolitics_the_case_of_the_TikTok_ban_in_India/links/65478c3ab1398a779d6250c9/Media-digital-sovereignty-and-geopolitics-the-case-of-the-TikTok-ban-in-India.pdf
17. International Emergency Economic Powers Act (IEEPA), 50 U.S.C. §§ 1701-1708https://uscode.house.gov/view.xhtml?path=/prelim@title50/chapter35&edition=prelim
18. Administrative Procedure Act, 5 U.S.C. §§ 551–559, https://www.law.cornell.edu/uscode/text/5/part-I/chapter-5/subchapter-II
19. U.S Department of Justice, The Freedom of Information Act, 5 U.S.C. § 552, https://www.justice.gov/oip/freedom-information-act-5-usc-552
20. Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu chính án thứ năm
21. NDAA Section 889 Telecommunications Prohibition: Prohibition on Certain Chinese-origin Telecommunications Equipment or Services, Columbia Research, Columbia University, https://research.columbia.edu/ndaa-section-889-telecommunications-prohibition
* ThS. Lê Đình Minh Đức - Biên tập viên Tạp chí Pháp luật và Phát triển
[1] Vào ngày 6 tháng 8 năm 2020, Tổng thống Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp (Executive Orders - E.O.) 13942, Xử lý mối đe dọa do TikTok gây ra và E.O. 13943, Xử lý mối đe dọa do WeChat gây ra. Trong các E.O., Tổng thống đã xác định rằng các ứng dụng này thu thập lượng lớn thông tin từ người dùng Hoa Kỳ, khiến dữ liệu trở nên nguy hiểm đối với quyền truy cập của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho các mục đích bất chính. Theo Chỉ thị của Tổng thống, Bộ Thương mại được yêu cầu xác định các giao dịch trong vòng 45 ngày để bảo vệ an ninh quốc gia và dữ liệu riêng tư của hàng triệu người trên khắp cả nước.
Xem: Donald J.Trump, Executive Order on Addressing the Threat Posed by TikTok, Trump White House (August 6, 2020) https://trumpwhitehouse.archives.gov/presidential-actions/executive-order-addressing-threat-posed-tiktok/
[2] Nicole Sperling, Trump Officially Orders TikTok’s Chinese Owner to Divest, The New York Times (August 18, 2020) https://www.nytimes.com/2020/08/14/business/tiktok-trump-bytedance-order.html
[3] U.S Department of Commerce, Commerce Department Prohibits WeChat and TikTok Transactions to Protect the National Security of the United States (September 18, 2020) https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/09/commerce-department-prohibits-wechat-and-tiktok-transactions-protect.html
[4] Thông tấn xã Việt Nam, Công ty mẹ của TikTok đạt thỏa thuận với Oracle và Walmart (20/09/2020, 11:53) https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/cong-ty-me-cua-tiktok-dat-thoa-thuan-voi-oracle-va-walmart-5025461.html
[5] Tiktok Inc. v. Trump, 507 F. Supp. 3d 92 (D.D.C. 2020) https://casetext.com/case/tiktok-inc-v-trump-1
[6] P.L, Tổng thống Biden hủy bỏ lệnh cấm đối với TikTok và WeChat, VTV (10/6/2021, 06:17) https://vtv.vn/cong-nghe/tong-thong-biden-huy-bo-lenh-cam-doi-voi-tiktok-va-wechat-20210610061203897.htm
[7] Thuý Liên, Tổng thống Biden ký sắc lệnh cấm TikTok, Thông tấn xã Việt Nam (31/12/2022, 22:35) https://vov.vn/cong-nghe/tong-thong-biden-ky-sac-lenh-cam-tiktok-post993924.vov
[8] Aditi Sangal, Brian Fung and Catherine Thorbecke, March 23, 2023 - TikTok CEO Shou Chew testifies before Congress, CNN (24/3/2023, 12:07 AM) https://edition.cnn.com/business/live-news/tiktok-ceo-congressional-hearing-shou-chew-03-23-23/index.html
[9] S.686 - 118th Congress (2023-2024): RESTRICT Act, S.686, 118th Cong. (2023), https://www.congress.gov/bill/118th-congress/senate-bill/686.
[10] David Shepardson, US Senate passes TikTok divestment-or-ban bill, Biden set to make it law, Reuters (April 24, 2024 11:34 PM) https://www.reuters.com/world/us/senators-hope-tiktok-will-remain-business-us-under-new-owner-2024-04-23/
[11] Andrew Chung, David Shepardson, US Supreme Court to consider TikTok bid to halt ban, Reuters (December 19, 20241:14 PM) https://www.reuters.com/legal/us-supreme-court-consider-tiktok-bid-halt-ban-2024-12-18/
[12] Constitution of the United States, First Amendment (1791) https://constitution.congress.gov/constitution/amendment-1/
Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.
[13] 50 U.S.C. §§ 1701-1708 https://uscode.house.gov/view.xhtml?path=/prelim@title50/chapter35&edition=prelim
[14] APA, 5 U.S.C. §§ 551–559, https://www.law.cornell.edu/uscode/text/5/part-I/chapter-5/subchapter-II
[15] U.S Department of Justice, The Freedom of Information Act, 5 U.S.C. § 552, https://www.justice.gov/oip/freedom-information-act-5-usc-552
[16] Nguyên bản tiếng Anh. “No person shall... be deprived of life, liberty, or property, without due process of law...”
[17] NDAA Section 889 Telecommunications Prohibition: Prohibition on Certain Chinese-origin Telecommunications Equipment or Services, Columbia Research, Columbia University, https://research.columbia.edu/ndaa-section-889-telecommunications-prohibition
[18] 50 U.S.C. § 402 https://law.justia.com/codes/us/1994/title50/chap15/subchapi/sec402
[19] Jack M. Balkin, Free Speech Versus the First Amendment, U.C.L.A Law Review, 70, 1206 (2023)https://openyls.law.yale.edu/bitstream/handle/20.500.13051/18364/Free%20Speech%20Versus%20the%20First%20Amendment.pdf?sequence=1&isAllowed=y
[20] Schneck v. United States, 249 U.S. 47 (1919)
[21] Diane Bartz, Alexandra Alper, U.S. bans new Huawei, ZTE equipment sales, citing national security risk, Reuters (December 1 2022; 11:13 AM) https://www.reuters.com/business/media-telecom/us-fcc-bans-equipment-sales-imports-zte-huawei-over-national-security-risk-2022-11-25/
[22] Vào năm 2020, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vì lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Các công ty trên đã có cơ hội trả lời các câu hỏi về yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật nhưng lệnh cấm đã được ban hành vĩnh viễn vào tháng 1 năm 2021.
Xem thêm: Anilesh Kumar and Daya Thussu, Media, digital sovereignty and geopolitics: the case of the TikTok ban in India, Media, Culture & Society, 1-17 (2023) https://www.researchgate.net/profile/Anilesh-Kumar/publication/370939029_Media_digital_sovereignty_and_geopolitics_the_case_of_the_TikTok_ban_in_India/links/65478c3ab1398a779d6250c9/Media-digital-sovereignty-and-geopolitics-the-case-of-the-TikTok-ban-in-India.pdf