Nghiên cứu lý luận

Pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số và một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Nguyễn Thành Luân Chủ nhật, 28/07/2024 - 00:42
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số của Hoa Kỳ hiện nay.

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số của Hoa Kỳ hiện nay gồm: quyền của người tiêu dùng và trách nhiệm của tổ chức, kinh doanh trong kinh tế số; quy định về hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số. Trên cơ sở phân tích, so sánh tương đồng và khác biệt với quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam, bài viết sẽ rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Từ khoá: Hoa Kỳ, kinh doanh, kinh tế số, người tiêu dùng, Việt Nam.

Abtract: The article focuses on analyzing regulations on consumer protection in the United States digital economy, including: consumer rights and responsibilities of organizations, businesses in the digital economy; regulations on systems of agencies, organizations that protect consumer rights in the digital economy. Based on analysis and comparison of similarities and differences with Vietnam's regulations on consumer protection, the article draws some experiences for Vietnam in improving regulations in this field.

Keywords: United States, business, digital economy, consumers, Vietnam.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, kinh tế số đang dẫn dắt xu hướng phát triển cả nền kinh tế toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội mới cho các quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Tại Hoa Kỳ, theo số liệu thống kê năm 2021, kinh tế số của Hoa Kỳ chiếm tổng sản lượng 3,70 nghìn tỷ USD, 2,41 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng (tương ứng với 10,3% GDP của Hoa Kỳ, 1,24 nghìn tỷ USD tiền thù lao và 8 triệu việc làm[1]). Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích startup,.. một trong những yếu tố được đánh giá đã tạo động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số của nước này phát triển mạnh mẽ đó là có khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hoàn thiện và triển khai thực thi hiệu quả.[2] Đã tạo sự an toàn và tin cậy, tiện lợi cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp qua các nền tảng số. Điều này là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ trong bất cứ nền kinh tế chăng nữa thì người tiêu dùng luôn ở vị trí cán cân “cầu”, hành vi tiêu dùng của họ là mang yếu tố quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là cán cân “cung” của toàn bộ nền kinh tế.

Ở nước ta, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng internet thời gian qua cũng đã và đang thay đổi mọi mặt cuộc sống của người dân. Sự biến đổi cả cách thức kinh doanh, tiêu dùng truyền thống sang mô hình kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng thông qua các nền tảng số là tất yếu và thực tế hiện nay kinh tế số nước ta có quy mô khoảng 23 tỷ USD[3]. Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP và định hướng đến 2030 đạt tối thiểu 30%.[4] Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh tế số,... thì các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số của nước ta đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hơn.[5]

Tuy nhiên, trên thực tế quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được đảm bảo, thậm chí còn bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều trường hợp các hành vi không tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng đã không bị xử lý triệt để, nghiêm minh. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: quy định pháp luật còn bất cập, hạn chế nhất định; tâm lý của người tiêu dùng ngại rắc rối, không tin tưởng vào khả năng thắng kiện,… Điều này sẽ ảnh hưởng rất đến việc hiện thực hoá các mục tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, bài viết sẽ trình bày các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số của Hoa Kỳ hiện nay, từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam về hoàn thiện pháp luật và hiệu quả áp dụng pháp luật trong bối cảnh kinh tế số của mình.

2. Khái quát chung về kinh tế số và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số

Hiện nay, có nhiều khái niệm về nền kinh tế số được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế, cụ thể: theo Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), nền kinh tế số có thể được gắn với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), và in ba chiều (3D)[6]; theo cách tiếp cận của WTO, kinh tế số bao gồm thương mại điện tử và thương mại dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trong đó bao gồm cả việc bao gồm việc sử dụng internet để tìm kiếm, mua bán, bán hàng và giao hàng qua biên giới đối với hàng hoá và dịch vụ[7]; theo nghiên cứu “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045”[8] do nhóm chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) thực hiện đã định nghĩa “nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ”. Mặc dù cách tiếp cận nêu trên có thể khác nhau nhưng theo tác giả về tổng thể kinh tế số các các đặc điểm chính:

Một là, sử dụng internet làm công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data, điện toán đám mây, machine learning,.. là công cụ chính để tạo ra, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Hai là, việc cung cấp, trao đổi, mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa bên kinh doanh và người tiêu dùng được thực hiện trên các nền tảng số, thanh toán trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Ba là, kinh tế số phát triển nhanh chóng theo xu hướng công nghệ mới, không bị giới hạn bởi không gian địa lý và có sự lan tỏa trên nhiều lĩnh vực như ăn uống, thời trang, tài chính, giáo dục, y tế, logistics,...

Trong kinh tế số, cả hai bên kinh doanh và người tiêu dùng đều có lợi ích và cũng như đối mặt với những khó khăn hơn so với kinh tế truyền thống, cụ thể:

Về phía bên kinh doanh, nhờ việc ứng dụng công nghệ số giúp cải thiện hiệu suất sản xuất và quản lý doanh nghiệp thông qua tự động hóa quy trình, tăng cường tính sáng tạo, linh hoạt, kết nối giữa doanh nghiệp và khác hàng, tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp nhưng cũng đòi hỏi bên kinh doanh luôn phải luôn năng động đổi mới công nghệ, sáng tạo, cải tiến chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cũng như thái độ phục vụ chuyên nghiệp để có thể tồn tại và phát triển.

Về phía người tiêu dùng, họ dễ dàng được tiếp cận thông tin, so sánh sản phẩm, dịch vụ hàng hoá của bên kinh doanh và được cung cấp các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ một cách nhanh chóng, đơn giản bất kỳ ở đâu và thời gian nào thông qua các nền tảng giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, trong kinh tế số, người tiêu dùng trở lên quyền lực hơn khi những ý kiến, đánh giá của họ về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do bên kinh doanh cung cấp hay về thái độ phục vụ của bên kinh doanh có thể giúp bên kinh doanh tăng doanh số nếu đánh giá đó là tích cực hoặc sẽ khiến cho bên kinh doanh lâm vào khó khăn, thậm chí là còn dẫn đến phá sản[9].

Tuy nhiên, nhưng do quá trình giao dịch các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số việc bảo vệ người tiêu dùng trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Người tiêu dùng vẫn là là bên yếu thế hơn so với bên kinh doanhvdo không có đầy đủ thông tin về hàng hóa, khả năng đàm phán cũng hạn chế và là bên phải chịu nhiều rủi ro hơn trong quá trình tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; trong khi bên bán hoạt động trên môi trường số, khó quản lý và truy vết thông tin. Trên thực tế, người tiêu dùng có nguy cơ bị thiệt hại bởi các nguyên nhân cơ bản sau đây:

Một là, vấn đề bảo mật và an toàn về thông tin cá nhân, các thông tin của cá nhân cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà ở... có thể bị lộ, rò rỉ khi giao dịch trực tuyến. Điều này dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp danh tính, lừa đảo.

Hai là, vấn đề an ninh mạng và sự cố kỹ thuật, các giao dịch trực tuyến tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng như virus, tin tặc... hoặc sự cố kỹ thuật như mất kết nối, lỗi hệ thống gây mất an toàn thông tin, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ba là, vấn đề gian lận của bên kinh doanh, người tiêu dùng dễ bị các hành vi gian lận, lừa đảo tinh vi qua như bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo gian dối,...

Vì vậy, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số sẽ tập trung vào nhóm các quy định về quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của bên kinh doanh và các cơ quan, tổ chức quản lý đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng

3. Pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số

Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số tại Hoa Kỳ không thống nhất trong một văn bản luật mà được quy định trong nhiều văn bản luậtcả cấp liên bang và tiểu bang. Trong đó, các quy định cấp liên bang tương đối phân mảnh và rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, ví dụ như:

- Đạo luật về sự toàn vẹn, cơ chế thông báo và công bằng trong thị trường bán lẻ trực tuyến dành cho người tiêu dùng (Đạo luật INFORM): Đạo luật này được thông qua vào năm 2022 nhằm đưa ra các quy định về yêu cầu thẩm định đối với người bán của các nhà điều hành thị trường; cũng như quản lý thông tin của người tiêu dùng,…

- Luật Ủy ban Thương mại liên bang (Federal Trade Commission Act – Luật FTC): Luật này được ban hành năm 1914 và sửa đổi thường xuyên suốt thời gian qua nhằm thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế. Ngoài việc đây là cơ sở thành lập nên Uỷ ban Thương mại liên bang (FTC) thì luật này có nhiều nhóm quy định bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng trong môi trường số nói riêng.

- Đạo luật Chuyển tiền Điện tử (Electronic Fund Transfer Act - EFTA): Đạo luật liên bang này quy định về việc chuyển tiền điện tử, bao gồm giao dịch qua ATM, giao dịch tại điểm bán hàng (POS) và các giao dịch ngân hàng điện tử khác. Luật này nêu rõ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng khi sử dụng hệ thống thanh toán điện tử và đưa ra các biện pháp bảo vệ họ khỏi các giao dịch không được ủy quyền.

Còn ở cấp tiểu bang, mỗi bang ở Hoa Kỳ đều có luật riêng về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các cơ quan giám sát riêng để giải quyết các vấn đề cụ thể của người tiêu dùng trong tiểu bang đó, bao gồm cả các giao dịch trực tuyến và dịch vụ kỹ thuật số. Đặc biệt, các bang đều quan tâm và có quy định tương đối chi tiết về việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

3.1. Quy định về quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ bên kinh doanh trong kinh tế số

Hiện nay, quyền của người tiêu dùng trong kinh tế số được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Các quy định pháp luật về quyền của người tiêu dùng thì đó chính là nghĩa vụ của bên kinh doanh phải tuân thủ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng:

Một là, quyền được thông tin của người tiêu dùng và nghĩa vụ phải thông tin của người bán về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Mua bán qua mạng nên người tiêu dùng không thể trực tiếp cầm nắm, thử hay nhìn sản phẩm; do đó việc được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết là yêu cầu tối thiểu. Các thông tin ở đây bao gồm hai loại thông tin chính là thông tin về người bán và thông tin về sản phẩm. Thông tin về người bán được quy định tại mục 45f Đạo luật INFORM. Theo đó, các thị trường trực tuyến (online marketplaces) phải thực hiện các biện pháp để thu thập, xác minh và tiết lộ thông tin về các người bán trên nền tảng của họ, nhất là những người bán hàng thường xuyên và có số lượng giao dịch lớn (doanh thu hàng năm từ trên 20,000 đô la Mỹ). Thông tin cần được thu thập, xác minh và tiết lộ bao gồm: tên pháp lý của người bán; địa chỉ kinh doanh; địa chỉ email; số điện thoại; mã số thuế (nếu có); thông tin khác theo quy định. Thông tin này phải được tiết lộ cho người tiêu dùng một cách rõ ràng và dễ nhận thấy trên trang danh sách sản phẩm hoặc trong thông báo xác nhận đơn hàng. Đồng thời, các thị trường trực tuyến cũng phải xác minh thông tin được cung cấp trong vòng 10 ngày sau khi thu thập và người bán phải cung cấp định kỳ ít nhất hàng năm nhằm đảm bảo thông tin luôn chính xác và cập nhật.

Thông tin về sản phẩm quảng cáo trên không gian mạng được điều chỉnh bởi Luật FTC, và theo đó cũng phải tuân thủ các quy định về quảng cáo trên truyền hình hay ấn phẩm in, là phải đảm bảo không gây hiểu lầm, trung thực; có bằng chứng chứng minh về các tuyên bố trong quảng cáo là đúng và công bằng. Hướng dẫn của FTC đưa ra yêu cầu chi tiết về việc quảng cáo trực tuyến. Theo đó, thông tin đưa ra phải rõ ràng, dễ thấy và phải được đặt càng gần với quy định về quyền khiếu nại càng tốt. Khi trang bị giới hạn về không gian thì việc đưa thông tin có thể được thực hiện trên trang liên kết với quảng cáo đó. Tuy nhiên, các liên kết này phải rõ ràng, được gắn nhãn phù hợp để chỉ ra bản chất và tầm quan trọng của thông tin được liên kết. Bên quảng cáo cũng cần phải theo dõi tỷ lệ nhấp chuột để đánh giá tính hiệu quả của liên kết. Các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp, hàng giả và sản phẩm thuốc lá không được phép quảng cáo. Các sản phẩm như rượu hay quảng cáo liên quan đến chính trị mặc dù không cấm nhưng cũng có các hạn chế về việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ này[10]. Các quy định về thông tin sản phẩm này nhằm đảm bảo tối đa rằng người mua có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sản phẩm; từ đó có cơ sở để khiếu nại nếu sản phẩm, dịch vụ nhận được không đúng với mô tả.

Hai là, quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng và nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của bên kinh doanh

Như đã nêu ở trên, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong nền kinh tế số chủ yếu được quy định ở luật pháp bang. Các bang hiện nay hầu như đều có quy định về việc doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ trên môi trường số phải cung cấp thông tin về các dữ liệu cá nhân được thu thập và mục đích sử dụng chúng. Đồng thời, luật một số bang như California (Luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng – CCPA); Virginia (Luật bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng – CVDPA); Colorado (Luật quyền riêng tư – CPA); Utah (Luật quyền riêng tư của người tiêu dùng – UCPA);…còn quy định về việc doanh nghiệp phải thành lập, vận hành và duy trì các biện pháp, quy trình hợp lý nhằm bảo vệ các thông tin này. Không bang nào đưa ra khái niệm thế nào là “hợp lý”; nhưng các bang đều đưa ra một số hướng dẫn có liên quan như phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27000, Quản lý CIS, Khung bảo mật không gian mạng NIST và PCI DSS,…[11] Các doanh nghiệp phải ký kết thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ để thay mặt họ xử lý thông tin cá nhân. CCPA, UCPA yêu cầu các hợp đồng với nhà cung cấp phải đặt ra loại dữ liệu cá nhân cần xử lý cũng như tính chất, mục đích và thời gian xử lý; đồng thời yêu cầu bộ phận xử lý chuyển giao các nghĩa vụ của mình cho nhà thầu phụ nếu có theo quy định pháp luật.

Đồng thời, về phía người tiêu dùng, người này thực thi quyền của mình liên quan tới thông tin cá nhân bằng cách yêu cầu bên thu thập thông tin thông báo cho mình về các thông tin được thu thập và việc xử lý chúng. CCPA yêu cầu cung cấp các phương pháp cụ thể cho người tiêu dùng để gửi yêu cầu trong khi VCDPA, CPA và UCPA không mang tính quy định bắt buộc. CCPA yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng hai hoặc nhiều phương thức được chỉ định để gửi yêu cầu, bao gồm tối thiểu một số điện thoại miễn phí. Nếu doanh nghiệp có trang web thì trang web đó cũng phải có sẵn để người tiêu dùng gửi yêu cầu thực hiện quyền của mình.

Ba là, quyền xác lập hợp đồng trực tuyến của người tiêu dùng

Theo Luật Chữ ký điện tử toàn cầu và quốc gia (E-Sign Act), việc xác lập giao dịch giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến thay vì phải gửi giấy tờ qua thư. Theo đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp thực hiện giao dịch trực tuyến có thể lựa chọn công nghệ để xác minh các giao dịch của họ. Người tiêu dùng có quyền quyết định cách họ muốn hoàn thành giao dịch kinh doanh điện tử của mình và cách họ muốn lưu trữ hồ sơ của giao dịch đó. E-Sign Act yêu cầu rằng: (1) Người tiêu dùng được thông báo về lựa chọn của họ để có bản ghi giao dịch điện tử hoặc phi điện tử; (2) Người tiêu dùng có quyền thay đổi ý kiến về việc có bản ghi điện tử; (3) Người tiêu dùng phải được thông báo về việc xem xét của họ về bản ghi điện tử liệu có áp dụng chỉ cho giao dịch hiện tại hay cả các giao dịch sau này; (4) Người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin về yêu cầu về phần cứng và phần mềm để truy cập và lưu trữ bản ghi điện tử. Nếu doanh nghiệp trực tuyến thay đổi cách truy cập bản ghi điện tử, doanh nghiệp phải thông báo cho khách hàng về những thay đổi này và bất kỳ yêu cầu về phần cứng và/hoặc phần mềm mới nào. Người tiêu dùng sau đó xác nhận khả năng tiếp tục giao dịch điện tử hoặc yêu cầu chuyển sang phiên bản giấy[12].

Bốn là, quyền được đưa ra đánh giá, nhận xét về sản phẩm, dịch vụ

Trong môi trường trực tuyến, người tiêu dùng muốn đánh giá chất lượng của sản phẩm, dịch vụ có thể trò chuyện trực tiếp với nhân viên bán hàng và những người khác. Tuy nhiên, trong môi trường trực tuyến, người này chỉ có thể đưa ra các đánh giá, xếp hạng; và đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp người mua khác xem xét về chất lượng của sản phẩm. Do đó, để đảm bảo người tiêu dùng được quyền đưa ra các đánh giá khách quan, Hoa Kỳ ban hành Luật Đánh giá khách quan của người tiêu dùng (Consumer review fairness Act). Luật bảo vệ một loạt các đánh giá trung thực từ người tiêu dùng, bao gồm cả những đánh giá trực tuyến, bài đăng trên mạng xã hội, ảnh, video được tải lên, v.v. Nó không chỉ áp dụng cho đánh giá sản phẩm mà còn áp dụng cho đánh giá của người tiêu dùng về dịch vụ khách hàng của một công ty. Theo đó, luật này yêu cầu các doanh nghiệp không được đưa ra các quy định trong hợp đồng nhằm cấm hoặc hạn chế khả năng đánh giá sản phẩm, dịch vụ hoặc hành vi của công ty mình; hay áp đặt một khoản phạt hay phí đối với người viết bài đánh giá; và yêu cầu người viết bài đánh giá từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung của bài đánh giá.

3.2. Hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số

Cơ quan chịu trách nhiệm chính ở cấp liên bang Hoa Kỳ về bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số là FTC. FTC thường thực hiện điều tra và kiện tụng chống lại các công ty và tổ chức vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, do người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và ở các quốc gia khác có thể bị xâm hại quyền lợi từ các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nên theo Luật US Safe Web 2006, FTC còn có thẩm quyền chia sẻ bí mật về các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng với các đối tác nước ngoài; hoặc tiến hành cuộc điều tra và thu thập thông tin để hỗ trợ các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia khác. FTC cũng có quyền để đưa tất cả các biện pháp khắc phục có sẵn, bao gồm việc bồi thường tiền bạc cho các nạn nhân là người tiêu dùng trong nước hoặc nước ngoài[13].

Ngoài FTC, ở cấp liên bang còn một số cơ quan khác chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung như Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (Consumer Financial Protection Bureau – CFPB). CFPB là cơ quan liên bang chịu trách nhiệm giám sát và thực thi các luật bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính và các sản phẩm tài chính trực tuyến, bao gồm thẻ tín dụng, khoản vay và dịch vụ tài chính. Hay như Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission - FCC). FCC thực hiện quản lý các quy định về quảng cáo và quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền thông điện tử, bao gồm dịch vụ điện thoại di động, Internet và truyền hình cáp.

Ngoài các cơ quan liên bang, từng bang ở Hoa Kỳ cũng có các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng riêng, chịu trách nhiệm thực thi luật và quy định bảo vệ người tiêu dùng trong phạm vi bang đó. Các cơ quan này đều có trang web riêng cho phép người tiêu dùng khiếu nại về mọi vấn đề có liên quan tới giao dịch, bao gồm cả các giao dịch điện tử và nhiều lĩnh vực khác nhau. Các cơ quan này không chỉ đảm bảo việc thực thi pháp luật mà còn tổ chức các sự kiện tiếp cận cộng đồng và giáo dục người tiêu dùng, từ đó đóng góp tích cực vào việc đưa ra các sáng kiến bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trong nền kinh tế số hiện nay. Đồng thời, các tổ chức phi chính phủ như Better Business Bureau (BBB) hay Electronic Frontier Foundation (EFF) cũng góp phần vào việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp cũng như thực hiện giáo dục người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng Hoa Kỳ hiện còn hạn chế do chưa có một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm về vấn đề bảo vệ thông tin, bao gồm cả thông tin người tiêu dùng trong bối cảnh mạng internet và kinh tế số đang chi phối cuộc sống hiện nay. Việc FTC tự ban hành quy định về bảo vệ thông tin và tự thực thi các quy định đó cho thấy sự kém hiệu quả. Ví dụ như FTC đã không thực thi đầy đủ quyết định phạt của mình với các tập đoàn công nghệ lớn như Google hay Facebook mặc dù việc vi phạm đã được biết đến và cảnh báo về nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Cơ quan này cũng đã không xử lý hàng loạt khiếu nại về quyền riêng tư của người tiêu dùng, bao gồm các lo ngại liên quan đến việc thu thập dữ liệu, tiếp thị đối với trẻ em, theo dõi qua nhiều thiết bị, việc tạo hồ sơ người tiêu dùng, theo dõi người dùng, các thực tiễn kinh doanh có phần phân biệt và chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba. Vì vậy việc thành lập một cơ quan chuyên trách đảm bảo thực thi là cần thiết[14].

4. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số

Việt Nam đã và đang làm tốt trong việc xây dựng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số.Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 nhằm điều chỉnh trực tiếp hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trực tuyến, từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch này. Đặc biệt, Điều 37 của Luật này đã liệt kê các trách nhiệm, nghĩa vụ của người bán trong giao dịch từ xa như nghĩa vụ phải thông tin về mình và sản phẩm cho người mua, nghĩa vụ tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng,… Đồng thời, nhiều văn bản khác trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử hay dữ liệu cá nhân cũng được ban hành; tiêu biểu có thể kể tới Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân,… Các quy định mới này nhìn chung đều khá tương đồng với pháp luật Hoa Kỳ và được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn nữa các quyền cơ bản của người tiêu dùng khi tham gia vào các giao dịch trong nền kinh tế số.

Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ tại thời điểm hiện tại có thể sẽ không nhiều do đặc điểm của mỗi nước là không giống nhau và các văn bản mới ban hành ở nước ta ta thời gian qua cần có cần thêm thời gian thi hành để đánh giá về mức độ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trên cơ sở một số nghiên cứu về pháp luật Hoa Kỳ nêu tại mục 3 trên đây, tác giả vẫn rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Một là, chi tiết hóa quy định về quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ bên kinh doanh trong kinh tế số.

Đối với thông tin về bên kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là Điều 37 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định đầy đủ các thông tin mà bên kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng khi bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, so với các quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì quy định của pháp luật Việt Nam chưa đủ chi tiết để triển khai dễ dàng trong thực tiễn. Do đó, ở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Việt Nam có thể tham khảo quy định pháp luật của Hoa Kỳ.

Theo đó, các thông tin cần được quy định cụ thể về vị trí hiển thị sao cho các thông tin quan trọng cần được đặt ở các vị trí dễ thấy. Đồng thời, các thị trường trực tuyến như sàn thương mại điện tử thì người kinh doanh trực tuyến cũng phải có thêm các nghĩa vụ về việc xác minh, cập nhật thông tin thường xuyên. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này cũng phải theo dõi tỷ lệ nhấp chuột, tỷ lệ đọc các thông tin quan trọng về hàng hóa, dịch vụ để có những sửa đổi cần thiết nhằm nâng cao số lượng bên tiêu dùng đọc các thông tin này.

Đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của bên kinh doanh, đây đều là dữ liệu cá nhân được bảo vệ theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, với riêng lĩnh vực thương mại trong nền kinh tế số, Việt Nam có thể tham khảo Hoa Kỳ để đưa ra quy định và cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp thông qua các tiêu chuẩn tự nguyện.

Như đã nêu ở trên, trong việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng, các bang tại Hoa Kỳ yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước như ISO/IEC 27000, Quản lý CIS, Khung bảo mật không gian mạng NIST và PCI DSS,… Các tiêu chuẩn này góp phần phát triển và hoàn thiện pháp luật quốc gia, đồng thời cũng giúp Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn chung của Hoa Kỳ hay các quốc gia phát triển khác. Mặt khác, do kinh tế số tồn tại được là nhờ hệ thống mạng internet và các thiết bị kỹ thuật phức tạp khác nhau nên việc dựa hoàn toàn vào quy định pháp luật là không phù hợp. Các quy định mang tính kỹ thuật nên được đưa ra bởi các tổ chức chuyên ngành.

Mặt khác, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định chủ sở hữu dữ liệu cá nhân có quyền rút lại sự đồng ý, quyền hạn chế sử dụng dữ liệu, quyền phản đối xử lý dữ liệu,…nhưng chưa có quy định cụ thể nêu trình tự, thủ tục sàn thương mại hay người bán hàng trực tuyến có trách nhiệm thực hiện như thế nào; và người mua thực hiện quyền này trên các nền tảng trực tuyến như thế nào. Do đó, Việt Nam có thể tham khảo các quy định của CCPA, VCDPA, CPA và UCPA của Hoa Kỳ về các phương pháp thực thi cụ thể. Trong đó dễ dàng nhất là cung cấp số điện thoại miễn phí để người mua có thể gọi điện tới yêu cầu hoặc đưa vào trang web của mình các tác vụ để người mua thao tác và yêu cầu thực thi các quyền này.

Ngoài hai nội dung trên, các nhà làm luật Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc phân định và cấu trúc rõ ràng văn bản pháp luật áp dụng chung cho bảo vệ người tiêu dùng nói chung và bảo vệ người tiêu dùng trong kinh tế số nói riêng.

Đây không chỉ là định hướng chung của Hoa Kỳ mà còn là của các quốc gia khác trên thế giới, phù hợp với Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng 2015. Theo đó, mức độ bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số không được kém hơn so với các hình thức thương mại khác. Việt Nam cũng đã và đang tuân theo nguyên tắc này trong việc xây dựng pháp luật của mình. Tuy nhiên cần lưu ý rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc phân định và cấu trúc rõ ràng đâu là các nhóm quy định và văn bản pháp luật áp dụng chung cho bảo vệ người tiêu dùng trong mọi phương thức và đâu là những nội dung cần đi sâu vào và ban hành riêng cho phù hợp với giao dịch trên nền tảng số. Bởi như hiện nay ở Hoa Kỳ có thể thấy các văn bản cấp liên bang thường có xu hướng áp dụng chung còn mỗi bang sẽ đi vào chi tiết quy định bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số. Điều này giúp các quy định vừa mang tính khái quát cao nhưng vẫn đủ chi tiết để áp dụng, thực thi.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số.

Tại Việt Nam, đầu mối chính chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương. Tuy nhiên, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan này nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt là khi so sánh với FTC của Hoa Kỳ. Do đó, cần tham khảo quyền hạn, trách nhiệm của FTC để mở rộng hơn nữa quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số.

Đồng thời, đối với việc khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, đây là nội dung mà Việt Nam có thể học hỏi Hoa Kỳ trong việc có cơ quan thuộc bang trực tiếp giải quyết các khiếu nại liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay nước ta đã có một cơ quan chính chịu trách nhiệm là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; ở các địa phương thì nhiệm vụ này thuộc về Sở Công thương các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo tra cứu, chỉ có Cục Cạnh tranh cho phép người tiêu dùng phản ánh trực tiếp và trực tuyến; còn các sở thì chưa tích hợp chức năng này trên website của mình. Điều này đã hạn chế việc khiếu nại của người tiêu dùng và tốc độ xử lý của cơ quan nhà nước. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, các cơ quan cấp bang đều có kênh trực tuyến để người dùng khiếu nại.

Ngoài ra, có thể thấy tại Hoa Kỳ, vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ là tương đối lớn và hoạt động của các tổ chức này nhìn chung cũng hiệu quả và có tác động tích cực tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ. Trong khi đó tại Việt Nam mặc dù đã tồn tại một số tổ chức như vậy nhưng hiệu quả lại chưa đáng kể. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này, nhà nước có thể nghiên cứu để bổ sung các quy định làm rõ vai trò và quyền hạn của tổ chức này. Các biện pháp khác cũng có thể được thực thi song song hoặc độc lập như hỗ trợ tài chính, tổ chức các chương trình có sự tham gia của cả người tiêu dùng, người cung cấp và tổ chức này,…

5. Kết luận

Pháp luật Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số. Lý do là bởi kinh tế số có sự phát triển quá nhanh, và các quốc gia, kể cả Việt Nam và Hoa Kỳ thì đều đang phải cố gắng bắt kịp tốc độ phát triển của nó. Đây cũng là lĩnh vực pháp luật tương đối mới, phát triển trong khoảng 20 năm trở lại đây nên các quốc gia cũng đang học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện. Điều rõ ràng có thể thấy nước ta nước đang phát triển và đi sau về công nghệ có thể học hỏi được một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế số gồm: phân định và cấu trúc rõ ràng văn bản pháp luật áp dụng chung cho bảo vệ người tiêu dùng nói chung và bảo vệ người tiêu dùng trong kinh tế số nói riêng; chi tiết hóa các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm, nghĩa vụ của bên kinh doanh trong kinh tế số;

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bureau of Economic Analysis, New and Revised Statistics of the US Digital Economy, 2005-2021 (17h50 21/11/2022), https://www.bea.gov/system/ files/2022-11/new-and-revised-statistics-of-the-us-digital-economy-2005-2021.pdf

2. S.K. Singh, Consumer Protection in the Digital Age: An Analysis of the Legal Framework in the United States, Journal of Consumer Policy, 42, 1 (2019).

3. Quang Minh, Năm 2022: Kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (11h45 14/12/2022), https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM258728.

4. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mục III, tiểu mục 1

5. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 của Quốc hội, Chương 2, Điều 15

6. United Nations Conference on Trade and Development, Digital Economy Report 2021, United Nations Conference on Trade and Development website, https://unctad.org/system/files/official-document/der2021_en.pdf

7. World Trade Organization, Digital Trade: opportunities than challenges, World Trade Organization website, (00h00 23/2/2023) https://www.wto.org/english/tratop_e/devel_e/digital_trade2022_e.pdf

8. Cameron et al., Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045, 28-32 (2019).

9. Khắc Vinh, Khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu nhìn từ vụ việc Bách Hóa Xanh, Pháp luật & Bản Quyền, (16h48 22/7/2021), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/khung-hoang-truyen-thong-anh-huong-nhu-the-nao-den-thuong-hieu-nhin-tu-vu-viec-bach-hoa-xanh-a432.html/.

10. Samuel G. Kramer, In brief: e-Commerce in USA, Lexology (00h00 13/8/2021), https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=385c70d8-0dc5-40aa-8eb0-d3f52b55bbd4

11. Government of Canada, United States - Comprehensive State Privacy Laws, Government of Canada website, 21/6/2022), https://www.tradecommissioner. gc.ca/guides/state_privacy_laws_lois_ confidentialite.aspx?lang=eng

12. New Hampshire Department of Justice, Consumer Sourcebook – E-Commerce, New Hampshire Department of Justice website, (18h51 23/5/2011), https://www.doj.nh.gov/consumer/sourcebook/e-commerce.htm#:~:text=Consumers%20have%20the%20right%20to,electronic%20record%20of%20the%20transaction

13. OECD, Consumer Protection Enforcement in a Global Digital Marketplace, Government of Japan website (14h36 01/7/2019), https://www.caa.go.jp/policies/policy/consumer_policy/international_affairs/pdf/international_affairs_190611_0002.pdf

14. Electronic Privacy Information Center, The U.S. Urgently Needs a Data Protection Agency, EPIC website, (20h12 04/11/2021), https://epic.org/campaigns/dpa/

*TS. Nguyễn Thành Lân, Biên tập viên Tạp chí Pháp luật và Phát triển. Duyệt đăng 22/12/2023. Email: thanhluanbdbp@gmail.com. Orcid: 0000-0002-5095-3251

[1] Bureau of Economic Analysis, New and Revised Statistics of the US Digital Economy, 2005-2021 (17h50 21/11/2022), https://www.bea.gov/system/files/2022-11/new-and-revised-statistics-of-the-us-digital-economy-2005-2021.pdf

[2] S.K. Singh, Consumer Protection in the Digital Age: An Analysis of the Legal Framework in the United States, Journal of Consumer Policy, 42, 1 (2019).

[3] Quang Minh, Năm 2022: Kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (11h45 14/12/2022), https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM258728

[4] Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mục III, tiểu mục 1.

[5] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 của Quốc hội, Chương 2, Điều 15

[6] United Nations Conference on Trade and Development, Digital Economy Report 2021, United Nations Conference on Trade and Development website, https://unctad.org/system/files/official-document/der2021_en.pdf

[7] World Trade Organization, Digital Trade: opportunities than challenges, World Trade Organization website, (00h00 23/2/2023) https://www.wto.org/english/tratop_e/devel_e/digital_trade2022_e.pdf

[8] Cameron et al., Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045, 28-32 (2019).

[9] Khắc Vinh, Khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu nhìn từ vụ việc Bách Hóa Xanh, Pháp luật & Bản Quyền, (16h48 22/7/2021), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/khung-hoang-truyen-thong-anh-huong-nhu-the-nao-den-thuong-hieu-nhin-tu-vu-viec-bach-hoa-xanh-a432.html/.

[10] Samuel G. Kramer, In brief: e-Commerce in USA, Lexology (00h00 13/8/2021), https://www.lexology.com/ library/detail.aspx?g=385c70d8-0dc5-40aa-8eb0-d3f52b55bbd4

[11] Government of Canada, United States - Comprehensive State Privacy Laws, Government of Canada website, (00h00 21/6/2022), https://www.tradecommissioner.gc.ca/guides/state_privacy_laws _lois_confidentialite. aspx?lang=eng

[12] New Hampshire Department of Justice, Consumer Sourcebook – E-Commerce, New Hampshire Department of Justice website, (18h51 23/5/2011), https://www.doj.nh.gov/consumer/sourcebook/e-commerce.htm#:~:text= Consumers%20have%20the%20right%20to,electronic%20record%20of%20the%20transaction

[13] OECD, Consumer Protection Enforcement in a Global Digital Marketplace, Government of Japan website (14h36 01/7/2019), https://www.caa.go.jp/policies/policy/consumer_policy/international_affairs/pdf/ international_affairs_190611_0002.pdf

[14] Electronic Privacy Information Center, The U.S. Urgently Needs a Data Protection Agency, EPIC, https://epic. org/campaigns/dpa/ (accessed Sept. 18, 2023).

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước

Đọc nhiều