Liên tiếp phát hiện cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu bị xử lý ra sao?
Khánh Huyền
Thứ tư, 21/08/2024 - 08:51
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Lực lượng chức năng toàn quốc liên tiếp phát hiện, thu giữ lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Pháp luật quy định như thế nào về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa nhập lậu?
Phát hiện loạt cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), ngày 15/8/2024, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra cửa hàng kinh doanh bánh kẹo các loại tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện Hộ kinh doanh N.L. đang kinh doanh gần 1.800 cái bánh Trung thu các loại, gồm: bánh Trung thu phomai Bibizan, bánh Trung thu hồng trứng muối Bibizan, bánh Trung thu trứng chảy Bibizan, bánh Trung thu Chaosan Snack có xuất xứ Trung Quốc, được nhập khẩu và đang lưu thông tại thị trường Việt Nam nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Trước đó, ngày 13/8/2024, Đội QLTT số 24, Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại địa chỉ số 161 La Phù, thôn Chùa Tổng (xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh 240 cái bánh Trung thu (Bánh nướng, loại 500g/cái), 72 gói Bánh kem xốp loại 200g/gói, do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Cũng trên địa bàn Hà Nội, Đội QLTT số 3 phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Theo đó, ngày 7/8, kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa (địa chỉ tại số 4 Đặng Dung, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh Trung thu (bánh nướng), loại 50gr/chiếc, do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Trước đó, ngày 6/8, đoàn kiểm tra liên ngành cũng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại địa chỉ số 115, Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm của các vụ việc trên đều đã được cơ quan chức năng tạm giữ để xử lý theo quy định.
Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp Tết Trung thu
Trước đợt cao điểm kinh doanh hàng hóa dịp Tết Trung thu, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) vừa ban hành Văn bản số 2257/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Theo nội dung Công văn, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Đối với mặt hàng bánh Trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Trong dịp Tết Trung thu, lực lượng QLTT tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Công văn nêu rõ, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Cùng với đó, kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Lực lượng QLTT cũng kết hợp tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa các quy định về chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công bố công khai tên trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 1964/ATTP-NĐTT về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Văn phòng UBND, Sở Y tế các tỉnh/TP, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, các đơn vị, địa phương tập trung ưu tiên thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Cùng với đó, các đơn vị kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu các cơ sở có dấu hiệu vi phạm hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định. Mặt khác, các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Nội dung tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, thời gian triển khai từ ngày 5/8 đến 20/9/2024 tại 30 quận, huyện, thị xã. UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.
Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 2, Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010, một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc thì ngoài việc bị xử phạt tiền với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng (theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP); sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo khoản 4, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức nếu vi phạm thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cách lựa chọn bánh Trung thu bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng
Trên thị trường có rất nhiều loại bánh Trung thu khác nhau, vì vậy để lựa chọn được bánh Trung thu ngon, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm thì không phải người tiêu dùng nào cũng biết cách lựa chọn.
Một số gợi ý cho người tiêu dùng khi chọn bánh Trung thu như sau:
Quan sát các thành phần của nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm bánh làm nhái thương hiệu nổi tiếng, bánh giả thì thường các chữ trên bao bì như logo, tên thương hiệu dễ bị phai màu, bị nhòe mực, lủng lỗ do việc gia công thủ công.
Quan sát trạng thái sản phẩm: Thông thường bánh Trung thu thường được trưng bày trước các của hiệu, điều này để người mua tiện quan sát và lựa chọn, tuy nhiên sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc mới ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể ảnh hưởng để quá trình sinh hóa bên trong của nhân bánh, như chuyển hóa các chất béo, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật,… Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Nơi bày bán: Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Đặc biệt hạn chế mua bánh trung thu trôi nổi trên các vĩa hè, lề đường, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Thời hạn mua bánh: Bánh Trung thu thường được sản xuất khá sớm trước ngày rằm tháng 8, vì thế đối với các thương hiệu uy tín, họ sẽ thu hồi các sản phẩm thừa sau đợt này. Mặc dù nhu cầu sử dụng bánh Trung thu sau dịp Rằm vẫn cao nhưng người tiêu dùng vẫn nên cảnh giác khi mua loại bánh này, vì thường thì nó có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, có thể bị hết hạn sử dụng hoặc hạn sử dung in không rõ rang (in lại), dễ bị hỏng, nhiễm mốc.
Bảo quản bánh Trung thu đúng cách
Ngoài chú trọng vào lựa chọn, thì việc bảo quản bánh Trung thu đúng cách cũng giúp người tiêu dùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi thưởng thức. Người tiêu dùng khi bánh mua về cần bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Theo khuyến cáo của chuyên gia Cục An toàn thực phẩm, đối với bánh mua sẵn, nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế) thì các loại bánh Trung thu thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng. Thông tin này cũng được in trên bao bì sản phẩm.
Đối với bánh trung thu tự làm (handmade), vì không sử dụng chất bảo quản nên bánh trung thu tự làm (handmade) thường chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa 7 ngày. Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo chỉ là 4 ngày.
Cũng theo chuyên gia Cục An toàn thực phẩm, cách bảo quản các loại bánh Trung thu được lâu nhất đối với các loại bánh như sau: Đối với bảo quản bánh trung thu nướng, cần để bánh nguội hoàn toàn rồi tiến hành đóng gói kín bánh trung thu vào hộp hoặc túi. Trang bị kèm gói hạt chống ẩm để đảm bảo độ ẩm không khí không thể tiếp xúc với bánh. Lưu ý, bánh trung thu nướng chỉ có thể sử dụng tối đa trong vòng 7 ngày kể từ ngày sản xuất. Để đảm bảo hương vị bánh trung thu nướng đạt độ thơm ngon nhất, hãy sử dụng trong vòng từ 3 - 5 ngày.
Bên cạnh đó, đối với bảo quản bánh trung thu dẻo: Có thể tiến hành đóng túi, hộp kín bảo quản bánh trung thu dẻo ngay sau khi bánh ra lò, trang bị thêm cho bánh túi hạt chống ẩm để kéo dài thời gian bảo quản. Tương tự, bánh trung thu dẻo thường sẽ hết hạn sau 4 ngày kể từ ngày sản xuất, vì vậy muốn kéo dài thời gian bảo quản, hãy lưu trữ bánh trong tủ lạnh, tuy nhiên với nhiệt độ thấp trong môi trường tủ lạnh, hãy đảm bảo bánh được bọc kín, kèm túi hút ẩm để vỏ bánh hạn chế bị khô, cứng. Trước khi thưởng thức bánh hãy đem hâm nóng bánh bằng lò vi sóng.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?