Phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo nhập lậu trị giá gần 170 triệu đồng tại Đà Nẵng
Phương Thúy
Thứ ba, 14/01/2025 - 16:45
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn, phát hiện và tạm giữ 2.250 sản phẩm là áo quần nhập lậu, có trị giá gần 170 triệu đồng. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử phạt như thế nào?
Kiểm tra, tạm giữ 2.250 sản phẩm là quần áo nhập lậu
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và Chương trình công tác năm 2025 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng; ngày 10/01/2025, Đội trưởng Đội QLTT số 2 - Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.[1]
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.250 đơn vị sản phẩm là áo, quần may mặc sẵn các loại (được chứa đựng trong 23 bao hàng hóa), do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; có tổng giá trị hàng hóa vi phạm là: 165.500.000 đồng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa đạt hiệu quả cao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đội QLTT số 2 tiếp tục xây dựng phương án, kế hoạch tăng cường hoạt động đấu tranh chống buôn bán hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn thành phố. Nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tạm giữ lượng lớn quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trước đó, ngày 03/01/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Đức Hòa, tạm giữ trên 2.000 sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.[2]
Qua theo dõi các nhóm trên nền tảng Facebook, kết hợp công tác quản lý địa bàn. Ngày 03/01/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh quần áo thời trang các loại tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện 2.255 sản phẩm quần áo thời trang các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 126 triệu đồng.
Lực lượng kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ, niêm phong toàn bộ số lượng sản phẩm quần áo vi phạm đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 1 để xử lý theo quy định pháp luật. Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Kết hợp công tác kiểm tra với tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của Pháp luật, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.
Xử phạt gần 50 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Vào tháng 11/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh quần áo, giày dép về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền 48,75 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.[3]
Trước đó, nhận được nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, vào ngày 11/11/2024, Đội QLTT số 4 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh quần áo, giày dép, địa chỉ: Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do bà Nguyễn Thị Hoàng Yến làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 65 đôi giày thể thao mang nhãn hiệu adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá hàng hóa trên 29 triệu đồng và 320 sản phẩm quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 42 triệu đồng.
Đội QLTT số 4 đã gửi Công văn đề nghị Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh, địa chỉ: Số 8 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Công ty Adidas AG, địa chỉ: Adi-Dassler-Strasse 1, 91074 Herzogenaurach, Germany và Công ty Adidas International Marketing B.V, địa chỉ: Hoogoorddreef 9a, NL-1101 BA Amsterdam Zuidoost, Netherlands xác định 65 đôi giày trên có giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” được bảo hộ tại Việt Nam không. Kết quả: 65 sản phẩm giày thể thao nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá tang vật trên 29 triệu đồng.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về các hành vi vi phạm hành chính là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền là 48,75 triệu đồng, tịch thu 320 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 65 đôi giày adidas giả mạo nhãn hiệu theo quy định.
Trước thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động thương mại diễn biến phức tạp, dự báo hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ,… sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ cao ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về về nguồn gốc sản phẩm cũng như hiểu thế nào là hàng hóa nhập lậu và người kinh doanh cũng cần biết những quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu để không vi phạm.
Thế nào là hàng hóa nhập lậu?
Hàng hóa nhập lậu được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.[4] Cụ thể:
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt như thế nào?
Xử phạt hành chính
Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt hành chính hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.[5] Cụ thể:
(1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
(2) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại (1) mục này trong các trường hợp sau đây:
- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
(3) Các mức phạt tiền quy định tại (1) và (2) mục này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
- Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
- Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;
- Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
(4) Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP), trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP;
- Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên.
(5) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP);
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. (Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP)
Xử lý hình sự về hành vi nhập lậu hàng hóa
Cá nhân, pháp nhân kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017).[6] Cụ thể:
"Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."
[4] Nghị định số: 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[5] Nghị định số: 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, Điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
[6] Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội buôn lậu
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.