Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Bài viết đề cập khái quát những vấn đề lý luận về lao động di cư – nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương – và quyền của lao động di cư trong các văn kiện quốc tế. Bên cạnh việc làm rõ các vấn đề lý luận, bài viết cũng phân tích nội dung về quyền của lao động di cư trong pháp luật quốc tế; phân tích việc đảm bảo các quyền của lao động di cư trong pháp luật quốc tế, pháp luật và thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền của lao động di cư tại một số quốc gia từ đó đề xuất một số kiến nghị trong việc đảm bảo quyền của lao động di cư trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay.
Từ khóa: pháp luật, chính sách, lao động di cư, bảo đảm quyền của lao động di cư.
Abstract: The article covers theoretical issues on labor migration – disadvantaged and vulnerable groups – and the rights of migrant workers in international instruments. In addition to clarifying theoretical matters, the paper also analyzes the content of migrant workers' rights in international law; analyses the guarantee of migrant workers' rights in international law, national law and that relation in order to assess the implementation of guarantees for the rights of migrant workers in a number of countries; Thereby, proposing a number of recommendations in ensuring the rights of migrant workers in the current trend of integration and development.
Keywords: policy, law, migrant worker, ensuring the rights of migrant workers.
1. Khái quát về lao động di cư
Dưới góc độ ngôn ngữ, theo nghĩa hẹp, di cư là sự dịch chuyển của dân cư từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Theo nghĩa rộng, di cư là hiện tượng di chuyển của một hay nhiều cá nhân từ quốc gia này sang quốc gia khác để sinh sống và làm việc. Trong phạm vi bài viết này, các vấn đề về di cư sẽ được tiếp cận và làm rõ theo nghĩa rộng: là hiện tượng di chuyển của một hay nhiều cá nhân từ quốc gia này sang quốc gia khác để sinh sống và làm việc.
Vấn đề người lao động di cư không phải vấn đề mới và đã được đề cập trên các diễn đàn quốc tế từ giữa thế kỷ XX. Thuật ngữ “lao động di cư” có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau. Lao động di cư có thể được hiểu là một người di trú từ một nước này sang một nước khác nhằm làm thuê cho người khác[1]. Lao động di cư cũng có thể được định nghĩa là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân[2]… Nhìn chung, lao động di cư được hiểu là người lao động tạm thời di chuyển từ vùng này sang vùng khác để tìm việc. Có thể là di chuyển từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia hoặc là di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác[3]. Dưới góc nhìn của pháp luật quốc tế, lao động di cư là đối tượng có tính chất lưu động, dịch chuyển từ lãnh thổ của quốc gia này sang lãnh thổ của các quốc gia khác dựa trên cơ sở của quan hệ việc làm.
Lao động di cư là một đối tượng đặc biệt, vừa mang những đặc điểm của lao động nội địa, vừa mang những đặc điểm riêng biệt của lao động di cư. Thứ nhất, lao động di cư được hình thành trên cơ sở của quan hệ lao động hợp pháp. Trong mối quan hệ này, phần lớn lao động di cư sẽ được xác định là người lao động, trong khi đó đơn vị tuyển dụng lao động di cư sẽ được xác định là người sử dụng lao động. Lao động di cư sẽ phải tự mình thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động và chịu sự giám sát, quản lý, điều hành của người sử dụng lao động[4]. Thứ hai, lao động di cư sẽ di chuyển từ các quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển sang các quốc gia có nền tảng kinh tế, xã hội phát triển và thịnh vượng hơn. Đặc điểm này của lao động di cư xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân, sự ưu đãi về phúc lợi xã hội của quốc gia đến, mức lương, môi trường làm việc… Thứ ba, lao động di cư đóng góp vào sự phát triển của quốc gia nước sở tại trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thứ tư, lao động di cư bất hợp pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Lao động di cư bất hợp pháp đặt ra nhiều vấn đề, đe dọa tới tình hình chính trị, ổn định khu vực, quản lý dân cư tại quốc gia đi và quốc gia đến. Điều này cũng đặt lao động di cư vào tình trạng thiếu an toàn, không nhận được sự bảo vệ đầy đủ và trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động.
Lao động di cư là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế khi mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của thế giới, của từng quốc gia và của chính người lao động cũng như gia đình họ. Tuy nhiên, lao động di cư cũng tiềm ẩn những khó khăn, thách thức có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động di cư. Thực tế, quyền bình đẳng giữa lao động di cư và lao động bản địa không được phản ánh một cách chính xác và toàn diện. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như chính trị, kinh tế, xã hội mà quốc gia tiếp nhận lao động có xu hướng bảo hộ cho lao động bản địa hơn. Bởi vậy, lao động di cư được coi là một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương và cần nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều này cũng đòi hỏi cần phải có các biện pháp bảo đảm quyền của lao động di cư.
2. Quy định về quyền của lao động di cư trong pháp luật quốc tế
Quyền của lao động di cư là một nhánh quyền trong hệ thống quyền của con người trong lĩnh vực lao động nói chung. Điều này sẽ giúp cho tất cả các đối tượng lao động ra nước ngoài được bảo vệ, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng các thiết chế pháp luật về vấn đề này. Đây là quyền bất khả xâm phạm, được trao cho lao động di cư nhằm giúp họ rút ngắn khoảng cách với lao động nội địa tại quốc gia sở tại. Quy định về quyền của lao động di cư được quy định trong hệ thống văn bản quốc tế với những nội dung cụ thể.
Thứ nhất, văn kiện quốc tế về quyền của lao động di cư được thể hiện dưới hình thức của các công ước, điều ước, cam kết quốc tế, cam kết khu vực, hiệp định song phương, đa phương, thỏa thuận hợp tác, tuyên bố chung của các quốc gia, khu vực… Trong đó, công ước quốc tế là văn kiện quốc tế có giá trị cao nhất trong các văn kiện quốc tế. Các công ước được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và thống nhất ý chí của các quốc gia thành viên. Về bản chất Công ước phải được các quốc gia phê chuẩn, có giá trị về pháp lý. Các quốc gia đã phê chuẩn hay gia nhập công ước phải cam kết thực hiện; mang đến các ràng buộc pháp lý, thể hiện tính bắt buộc chung.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được biết đến là chủ thể đi đầu trong việc đề cập đến lao động di cư thông qua các văn kiện quốc tế. Văn bản đầu tiên mà ILO thông qua về người lao động di cư đó là Công ước về lao động di trú năm 1949 (Công ước số 97) với tiền thân là Công ước di trú vì việc làm năm 1939. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải đối xử bình đẳng giữa người lao động di trú và người lao động là công dân của quốc gia mình. Đến năm 1975, Công ước về di trú trong những điều kiện bị lạm dụng và về xúc tiến bình đẳng cơ may và đối xử với người lao động di trú (Công ước số 143) được ILO thông qua với các yêu cầu đối với quốc gia thanh viên về việc tôn trọng và bảo vệ tất cả các quyền con người của người lao động di trú. So với Công ước số 97, Công ước số 143 tiến thêm một bước nữa bằng việc yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo vệ tất cả các quyền con người của người lao động di trú[5]. Bên cạnh đó, ILO cũng lần lượt thông qua các văn kiện có liên quan đến vấn đề này, bao gồm: Khuyến nghị số 51 năm 1975 về người lao động di trú; Công ước số 29 năm 1930 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc; Công ước số 105 năm 1975 về xóa bỏ lao động cưỡng bức...
Ngoài ILO, Liên hợp quốc từ cuối những năm 1970 cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến việc bảo vệ người lao động di cư. Theo đó Nghị quyết số 1706 (LIII) được Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) thông qua năm 1972 đã bày tỏ và lên án việc tuyển dụng trái pháp luật, đưa lậu người lao động vào một số nước châu Âu và tình trạng phân biệt đối xử với người lao động di trú, đồng thời, yêu cầu các quốc gia có liên quan phải thi hành những biện pháp để trừng phạt những kẻ vi phạm và ngăn chặn tình trạng này. Cũng tại Nghị quyết này, ECOSOC yêu cầu Ủy ban Quyền con người Liên Hợp nghiên cứu và đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo vệ người lao động di trú của Liên Hợp Quốc. Kế tiếp, Nghị quyết số 2920 (XXVII) thông qua ngày năm 1972 đã kêu gọi các Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ các nước châu Âu, thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt sự phân biệt đối xử và cải thiện điều kiện sống của người lao động di trú trên lãnh thổ nước mình. Đồng thời Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chưa là thành viên Công ước số 97 năm 1949 của ILO phê chuẩn điều ước này nhằm tạo tiền đề để xóa bỏ tình trạng buôn lậu người lao động di trú trên thế giới.
Bên cạnh những công ước nêu trên, nội dung về người lao động di trú còn được đề cập trong các văn kiện như Nghị quyết số 1789 (LIV) năm 1973, trong đó hối thúc các quốc gia thành viên phê chuẩn các công ước có liên quan của ILO và ký kết các hiệp ước song phương để điều chỉnh vấn đề lao động di trú và bảo vệ người lao động di trú; Nghị quyết số 31/127 về “Các biện pháp cải thiện tình hình và bảo đảm nhân phẩm và các quyền con người của người lao động di trú” năm 1976; Nghị quyết số 33/163 năm 1978 kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước về người lao động di trú (các điều khoản bổ sung) của ILO (Công ước số 143 năm 1975); Nghị định thư về về Chống đưa người người di cư bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không (Nghị định thư về đưa người di cư trái phép), bổ sung cho Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú… Đến nay, văn kiện quốc tế quan trọng điều chỉnh trực tiếp và toàn diện các nội dung về lao động di cư đó là Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ (ICRMW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1990 theo Nghị quyết 45/158.
Có thể thấy, văn kiện quốc tế quy định về lao động di cư khá đầy đủ và tương đối đồ sộ so với các nhóm đối tượng điều chỉnh khác. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra trên toàn thế giới, việc dịch chuyển lao động từ quốc gia này sang quốc gia khác ngày càng phổ biến. Tại khu vực Đông Nam Á, lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động. Di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới một phần ba trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022[6]. Di cư nội khối khu vực ASEAN đã tăng đều đặn – tăng từ 1,3 triệu vào năm 1990 lên 7,1 triệu vào năm 2020 – với 7,1 triệu người di cư trong khu vực này chiếm 2/3 tổng số người di cư trong khu vực ASEAN tổng lượng người di cư quốc tế, và phụ nữ chiếm tỷ trọng lớn trong nội khối ASEAN người di cư[7]. Lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia đến và quốc gia đi, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động... Điều này đồng thời tạo sức ép nhất định đối với các nguồn luật, giữa các quốc gia ngày càng tăng để điều chỉnh quan hệ lao động di cư cũng như tăng cường các quy định về quyền và các biện pháp bảo đảm cho lao động di cư. Trong xu hướng hiện nay, bên cạnh các công ước quốc tế, nghị quyết quốc tế, nội dung về quyền của lao động di cư cũng được đưa ra trao đổi và đưa vào nội dung của các bản cam kết, các tuyên bố khu vực.
Thứ hai, nội dung các quyền lao động di cư trong pháp luật quốc tế. Dưới góc độ pháp lý, quyền là việc một người được thực hiện mà không bị ngăn cản, hạn chế. Quyền có thể được phân loại thành: quyền đương nhiên; quyền do pháp luật cho phép hoặc pháp luật không cấm thực hiện; quyền do các tổ chức cho phép hội viên được thực hiện và được quy định tỏng điều lệ và quyền do được ủy quyền thực hiện. Theo đó, quyền của người lao động di cư được hiểu là những việc mà pháp luật cho phép hoặc không cấm người lao động di cư thực hiện. Dưới góc độ quyền con người, quyền của người lao động di cư cũng mang những tính chất chung của quyền con người, bao gồm: tính phổ biến, tính không thể tước bỏ, tính khổng thể phân chia, tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau[8].
Quyền của người lao động di cư là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của người lao động di trú được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các văn kiện pháp lý quốc tế. Quyền con người nói chung và quyền của người lao động di trú nói riêng được ghi nhận trong hệ thống các văn kiện quốc tế như Hiến chương Liên Hợp Quốc; Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966… Các quyền cơ bản đó bao gồm quyền sống, tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được xét xử công bằng, quyền được bảo vệ đời tư, quyền được giáo dục, quyền được hưởng các tiêu chuẩn sống thích đáng… Riêng với lao động di cư, bên cạnh các quyền con người cơ bản, lao động di cư cũng được hưởng những quyền riêng, mang những đặc điểm đặc thù của nhóm. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến quyền lao động của lao động di cư. Đây cũng là một trong những quyền đặc thù của đối tượng di cư.
Quyền của người lao động di cư được đề cập trước hết tại Công ước số 97 và Công ước số 143 của ILO. Tại Công ước số 97, lao động di cư được trao các quyền đặc thù gắn liền với hoàn cảnh cá nhân, mục đích di cư, mong muốn an sinh của họ như quyền được cung cấp miễn phí thông tin và sự trợ giúp (Điều 2); quyền được thụ hưởng dịch vụ y tế đầy đủ (Điều 5), quyền được đối xử công bằng giữa các quốc gia trong điều kiện làm việc, trong việc tham gia vào liên đoàn lao động, ích lợi từ việc mua bán chung và phúc lợi xã hội (Điều 6), Quyền chuyển tiền và tiết kiệm phải được bảo đảm (Điều 9),… Như vậy, Công ước số 97 (đã sửa đổi) năm 1949 về người lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã quy định các quyền cơ bản, nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa lao động di cư và lao động nước sở tại, thiết lập một cơ chế sơ bộ để bảo đảm các quyền của đối tượng lao động này khi gặp khó khăn trong các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường làm việc,… tại nước ngoài. Kế thừa Công ước số 97, Công ước số 143 đã quy định quốc gia thành viên phải bảo đảm bằng luật pháp trong lãnh thổ của họ sự bình đẳng giữa những người lao động di cư hợp pháp và các người lao động bản địa, để cho người lao động di cư hợp pháp được bình đẳng về cơ hội và về cách đối xử trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, tuy không đề cập trực tiếp tới quyền của lao động di cư bất hợp pháp nhưng Công ước này đã khẳng định các quyền cơ bản của mọi đối tượng lao động di cư, đồng thời thiết lập các chế định để bảo vệ đối tượng này, phòng chống việc di cư bất hợp pháp. Với phạm vi áp dụng là lao động di cư hợp pháp, hai công ước này đều khẳng định người lao động di cư được đối xử bình đẳng với người lao động bản địa, không bị phân biệt đối xử và được hưởng các điều kiện lao động cũng như các chế độ an sinh xã hội, giáo dục.
Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa hiện nay đem lại sự rộng mở trong kinh tế hàng hóa, lao động kéo theo số lượng lao động di cư ngày càng tăng và không phải toàn bộ họ đều là lao động di cư hợp pháp. Bên cạnh đó, việc di cư như vậy không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người lao động mà còn ảnh hưởng tới các thành viên trong gia đình của người lao động di cư. Vì vậy, Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và thành viên gia đình họ (ICRMW) ra đời năm 1990 là một bước tiến, mở rộng và hoàn thiện đối tượng điều chỉnh, không chỉ là người lao động di trú mà còn là thành viên gia đình họ. Quyền lao động của lao động di cư trong ICRMW được thể hiện thông qua các quy định về quyền được hưởng chế độ lao động bình đẳng như những người lao động tại nước sở tại: giờ làm việc, thời gian nghỉ, an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với các quy định của luật lệ nước bản địa (Điều 25); người lao động di trú được tự do lập hội theo quy định của pháp luật để tăng cường và bảo vệ lợi ích kinh tế cũng như văn hóa, xã hội và các lợi ích khác của mình (Điều 26); người lao động di trú có quyền được hưởng các thành quả lao động (Điều 32); có quyền được bảo đảm về an sinh xã hội (Điều 27)… Ngoài những quyền áp chung, người lao động di trú và thành viên gia đình họ mà có giấy tờ hợp pháp còn được hưởng các quyền khác được áp dụng riêng, bao gồm: quyền không bị tịch thu các giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ thông hành của người lao động di trú; quyền yêu cầu sự bảo vệ và trợ giúp của cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan ngoại giao của nước mình tại nước sở tại để đảm bảo các quyền lợi của mình; Dựa trên kết quả lao động tại nước sở tại, người lao động di trú và các thành viên của gia đình họ có quyền chuyển số tiền họ kiếm được cũng như họ tiết kiệm được, tài sản cá nhân và đồ dùng cá nhân phù hợp với luật áp dụng của quốc gia có liên quan… Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ an nình quốc gia, trật tự công cộng hay các quyền tự do của những nhóm đối tượng khác, không phải tất cả quyền của người lao động di trú quy định trong ICRMW đều được áp dụng một cách tuyệt đối.
ICRMW có thể được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền tương đối toàn diện dành cho lao động di cư và các thành viên trong gia đình họ. Công ước đã đề cập tới sự công bằng giữa về mức lương, môi trường làm việc, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ giữa lao động di cư bất hợp pháp – không đáp ứng được các điều kiện của pháp luật nước sở tại về cư trú và giấy phép lao động và lao động nội địa. Ngoài ra, Công ước còn đặt nội dung quyền của thành viên trong gia đình của người lao động di cư thành một vấn đề trọng tâm, được ưu tiên lên hàng đầu. Đây là một bước tiến và phần nào thể hiện tinh thần tôn trọng con người, tôn trọng sức lao động, sự đóng góp của lao động di cư nói chung cũng như lao động di cư bất hợp pháp nói riêng.
Ngoài các công ước quốc tế nêu trên, quyền của người lao động di cư còn được đề cập tới trong các văn kiện mang tính cam kết châu lục, khu vực và các hiệp định song phương. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di cư năm 2007. Tuyên bố quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên đối với việc bảo vệ quyền của người di trú trong đó bao gồm cả người lao động di trú hợp pháp và người lao động di trú không có giấy tờ. Tuyên bố không quy định trực tiếp nội dung dung các quyền của người lao động di trú nhưng cũng đã gián tiếp quy định thông qua trách nhiệm của các quốc gia tiếp nhận và xuất khẩu lao động trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người lao động di trú: tăng cường nỗ lực bảo vệ các quyền con người cơ bản; thúc đẩy các cơ hội việc làm; tôn trọng nhân phẩm của người lao động di trú; hỗ trợ người lao động di trú là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử, thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn; chấm dứt tình trạng buôn bán, đưa lậu người; xây dựng các chính sách và thủ tục nhằm hỗ trợ các vấn đề về di trú lao động. Tuyên bố cũng yêu cầu các nước thành viên làm hài hòa pháp luật quốc gia với các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO. Tuy không có tính rằng buộc pháp lý mà chỉ là văn bản thể hiện ý chí của các quốc gia ASEAN nhưng Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú đã phần nào thúc đẩy và bảo về quyền của người lao động di trú trong khu vực, đồng thời đặt ra một lộ trình cho một thỏa thuận khung trong khu vực về người lao động di trú.
Ngoài những quyền áp chung, người lao động di trú và thành viên gia đình họ mà có giấy tờ hợp pháp còn được hưởng các quyền khác được áp dụng riêng, bao gồm: quyền không bị tịch thu các giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ thông hành của người lao động di trú; quyền yêu cầu sự bảo vệ và trợ giúp của cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan ngoại giao của nước mình tại nước sở tại để đảm bảo các quyền lợi của mình; Dựa trên kết quả lao động tại nước sở tại, người lao động di trú và các thành viên của gia đình họ có quyền chuyển số tiền họ kiếm được cũng như họ tiết kiệm được, tài sản cá nhân và đồ dùng cá nhân phù hợp với luật áp dụng của quốc gia có liên quan… Đối với người di trú có chỗ ở hợp pháp tại nước sở tại: Được hưởng quyền về nhà ở, kể cả nhà ở xã hội và được bảo vệ trong việc khai thác nhà để cho thuê; được hưởng các dịch vụ về xã hội và sức khỏe, với điều kiện phải tham gia vào các hệ thống tương ứng; các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các biện pháp để đảm bảo việc tụ họp của gia đình người lao động di trú phù hợp với luật áp dụng.
Nhìn chung, các văn kiện quốc tế về quyền của lao động di cư tập trung vào đối tượng di cư hợp pháp. Đối với lao động di cư bất hợp pháp, trong nhiều các văn kiện quốc tế đều không được đề cập cụ thể hoặc được đề cập ở một mức độ nhất định dưới góc độ nhân quyền và được điều chỉnh ở những văn bản khác đối với người di cư/di trú. Có thể thấy, quyền của người lao động di cư đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý của các tổ chức quốc tế và khu vực. Điều này đã phần nào khẳng định sự quan tâm của các tổ chức, hiệp hội cũng như toàn thế giới đối với lao động di cư. Đối với các quốc gia đã phê chuẩn và là thành viên của các công ước quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc và các nghĩa vụ mang tính chất khuyến nghị. Quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế; đồng thời xây dựng cơ chế quốc gia nhằm phát triển, bảo vê các quyền, tự do cơ bản của lao động di cư và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đối với các quốc gia chưa phê chuẩn công ước, các văn kiện quốc tế kêu gọi các quốc gia sớm phê chuẩn và hướng tới đảm bảo thực thi.
3. Các biện pháp đảm bảo quyền của lao động di cư trong pháp luật quốc tế và một số quốc gia
* Các biện pháp bảo đảm quyền của lao động di cư theo pháp luật quốc tế
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính số lượng người di cư quốc tế là khoảng 281 triệu người trên toàn cầu vào năm 2020, tương đương với 3.6% dân số toàn cầu[9]. Trong đó gần hai phần ba là người lao động di cư[10]. Con số 3.6% không phải là một con số lớn tuy nhiên nếu nhìn vào con số 272 triệu người di cư (chiếm 3.5% dân số toàn cầu) của năm 2019, trong đó có 169 triệu lao động di cư trong năm 2019 đã phát triển thành 281 triệu người vào năm 2020, có thể thấy sự gia tăng đáng kể của số lượng lao động di cư trong những năm vừa qua[11].
Theo Báo cáo di cư thế giới năm 2022, sự tập trung lao động di cư quốc tế ở các nước có thu nhập trung bình và cao vẫn ổn định ở mức 86,4% năm 2013, 86,5% năm 2017 và 86,9% năm 2019. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi đáng chú ý: từ năm 2013 đến năm 2019, các nước thu nhập cao đã giảm 7,3 điểm phần trăm lao động di cư (từ 74,7% xuống 67,4%), trong khi các nước có thu nhập trung bình cao ghi nhận mức tăng 7,8 điểm phần trăm (từ 11,7% lên 19,5%). Sự thay đổi rõ ràng này có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế ở các nước thu nhập trung bình và/hoặc những thay đổi đối với các quy định nhập cư lao động ở các nước thu nhập cao. Tỷ lệ lao động di cư trong tổng số lực lượng lao động trên các nhóm thu nhập quốc gia khá nhỏ ở các nước có thu nhập thấp (2,3%) và ở các nước có thu nhập trung bình thấp và trên (lần lượt là 1,4% và 2,2%), nhưng lớn hơn nhiều đối với các nước thu nhập cao (18,2%).
Thông qua các số lượng thống kê, có thể thấy lao động di cư đóng một vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có những cơ chế, các biện pháp bảo đảm quyền của lao động di cư. Quyền của lao động di cư là một phần của quyền con người. Kể từ khi Liên hợp quốc ra đời, hệ thống các văn bản về quyền con người đã được ghi nhận bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền là chưa đủ mà còn đòi hỏi phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế.
Thứ nhất, biện pháp bảo đảm quyền cho lao động di cư thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế. Kể từ năm 1930, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và thông qua các văn kiện pháp lý nhằm đảm bảo quyền của lao động di cư cũng như hạn chế những tác động tiêu cực. Vấn đề bảo vệ quyền của lao động di cư được đề cập chủ yếu trong văn kiện mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN) và ILO phê chuẩn. Các công ước của UN và ILO đều hướng tới mục tiêu tạo môi trường làm việc bền vững, bình đẳng nhằm đảm đảm bảo quyền cho nhóm đối tượng đặc biệt - lao động di cư.
Thứ hai, bảo đảm thông qua các cơ chế và biện pháp bảo đảm quyền. Trước hết, các quốc gia thực hiện đảm bảo thông qua cơ chế tham gia các văn kiện quốc tế. Là văn kiện quốc tế tiêu biểu trong vấn đề lao động di cư, tính đến 15/11/2022, ICRMW đã có 58 quốc gia thành viên và 11 quốc gia đã ký kết và đang chờ phê chuẩn[12]. Tính đến tháng 11/2022, Công ước 97 về di cư vì việc làm của ILO đã có 53 quốc gia phê chuẩn; con số này đối với Công ước 143 về lao động di cư, là 28 quốc gia. Như vậy tính đến 15/11/2022, có gần 100 quốc gia đã phê chuẩn, ghia nhập hoặ ký kết ít nhất một trong ba công ước quốc tế về lao động di cư. 95 quốc gia đã chính thức phê chuẩn hoặc gia nhập một hoặc nhiều hơn ba văn kiện nêu trên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những quốc gia này sẽ thực hiện các cam kết quốc tế ràng buộc để đưa ra chính sách bảo vệ lao động di cư rõ ràng theo quy định của pháp luật và chính sách quốc gia.
Nhằm đảm bảo cơ chế tham gia, các quốc gia sẽ áp dụng cơ chế nội luật hóa pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia (cơ chế pháp lý). Việc phê chuẩn sau khi ký kết Công ước thiết lập cam kết đầy đủ của Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Công ước; để nội luật hóa những điều này trong luật pháp quốc gia, thực hiện và thực thi chúng; cũng như gửi báo cáo định kỳ cho Ủy ban giám sát hiệp ước về lao động di cư. Các quốc gia cũng có thể chính thức hóa việc tuân thủ Công ước trực tiếp bằng cách gia nhập một bước. Trong khi các quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn ICRMW không chịu trách nhiệm giám sát và báo cáo quốc tế, chữ ký biểu thị sự ủng hộ của Quốc gia đối với các nguyên tắc trong Công ước và ý định phê chuẩn; nó thiết lập sự đồng ý bị ràng buộc bởi (các) hiệp ước được thể hiện bằng chữ ký, một nghĩa vụ được quy định trong Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế năm 1969.
Với việc thực hiện cơ chế bảo đảm bằng pháp luật quốc gia thông qua việc ghi nhận các nội dung của văn kiện quốc tế vào pháp luật quốc gia, cơ chế bảo đảm thực hiện bằng hệ thống cơ quan quốc tế và quốc gia và các chế tài bảo đảm thực hiện. Hiện nay, việc bảo đảm quyền của lao động di cư được thực hiện thông qua cơ chế quốc tế, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia. Bảo đảm quyền của lao động thông qua cơ chế quốc tế với nòng cốt là cơ chế của Liên Hợp Quốc, thể hiện ở bộ máy các cơ quan, các quy tắc trong hệ thống Liên Hợp Quốc.
Đối với cơ chế bảo đảm quyền của lao động thông qua cơ chế khu vực. Bên cạnh các cơ chế có tính chất toàn cầu của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ khác, một số khu vực, tổ chức cũng đã ban hành các văn kiện nhằm đảm bảo quyền lao động di cư trong phạm vi khu vực đó. Tại Châu Âu, hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Âu với nòng cốt là Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản năm 1950 với đặc điểm nổi bật là chú trọng tới bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, với những tiêu chuẩn cao, cụ thể và chi tiết, cùng với những biện pháp đảm bảo thực thi hiệu quả. Tại Châu Mỹ, cơ chế bảo vệ quyền con người đã được các nước Mỹ Latinh thông qua bằng Tuyên bố châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người trong khuôn khổ Hội nghị của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) năm 1948. Tiếp theo đó, năm 1959, Ủy ban quyền con người châu Mỹ được thành lập. Đến năm 1969, các nguyên tắc nền tảng trong Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và trách nhiệm của con người được tái khẳng định trong Công ước châu Mỹ về quyền con người bằng việc xác định các quyền con người mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ và bảo đảm, đồng thời, quy định việc thiết lập Tòa án quyền con người châu Mỹ. Tại Châu Phi, nền tảng của hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi là Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc, được thông qua bởi Tổ chức Thống nhất châu Phi. Một số điểm nổi bật của cơ chế quyền con người ở châu Phi bao gồm: nhấn mạnh quyền của các dân tộc đồng thời với việc thừa nhận các quyền cá nhân; gắn các quyền cá nhân với các quyền của cộng đồng; ghi nhận và cổ vũ quyền phát triển. Tại Châu Á, liên quan đến vấn đề quyền con người, năm 1997, một tổ chức phi chính phủ có tên là Ủy ban quyền con người châu Á đã vận động các tổ chức phi chính phủ trong khu vực thông qua Hiến chương quyền con người châu Á, tuy nhiên văn kiện này không mang tính pháp lý và ảnh hưởng của nó trên thực tế rất hạn chế[13]. Dù vậy, ở một số phần của châu Á hiện đã tồn tại những văn kiện và thiết chế chung, cho thấy những triển vọng nhất định về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở châu lục.
Đối với cơ chế quốc gia, cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xuất phát từ và nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Nòng cốt của cơ chế là các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền (NHRIs) có hình thức tổ chức đa dạng.
Quyền của lao động di cư có phạm vi ảnh hưởng và tác động rộng khắp, không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người lao động di cư mà còn ảnh hưởng tới gia đình, tới các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, tới quốc gia xuất khẩu lao động và nước tiếp nhận lao động… Xuất phát từ thực tế quyền của lao động di cư vẫn chưa được đảm bảo thực hiện trên thực tế đòi hỏi phải có các chế tài đủ mạnh để bảo đảm quyền cho nhóm đối tượng yếu thế đồng thời ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với nhóm người này. Theo ICRMW, nếu người lao động di trú khiếu nại rằng các điều kiện trong hợp đồng lao động của họ bị người sử dụng lao động vi phạm, họ có quyền đưa vụ việc lên các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có việc làm theo những quy định[14]. Quyền của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ được quy định trong Công ước này là không thể bị tước bỏ. Những hành động gây sức ép đối với người lao động di trú và các thành viên gia đình họ để buộc những người này phải từ bỏ hay bỏ qua các quyền nói trên là không chấp nhận được. Không được vi phạm các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng hợp đồng. Các Quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng những nguyên tắc này được tôn trọng. Tương tự như vậy, tại phần một Công ước 143, Các chính quyền được kêu gọi trấn áp những tổ chức bí mật thuê và buôn người di cư bất hợp pháp. Luật pháp quốc gia phải bao gồm những khoản trừng phạt dành cho những người chủ thuê người di cư bất hợp pháp cũng như những kẻ môi giới ngầm trong việc buôn bán lao động. Đối với pháp luật quốc gia, các quốc gia các những quy định về chế tài đối với các hành vi xâm phạm quyền lao động di cư, từ chế tài hành chính cho tới chế tài hình sự. Theo đó, không được phép phân biệt đối xử liên quan đến việc làm, tiếp cận tư vấn việc làm, đào tạo thêm, tham gia liên đoàn lao động, bảo trợ xã hội, phúc lợi xã hội, đào tạo và giáo dục và tiếp cận hàng hóa và dịch vụ công. Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự phân biệt đối xử, nếu vi phạm các quy định về phân biệt đối xử thì sẽ phải chịu chế tài tương ứng. Tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm xâm phạm tới các quan hệ xã hội của hành vi vi phạm mà các đối tượng trên sẽ bị áp dụng chế tài thích đáng và tương thích, từ xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí hình phạt hình sự.
Di cư quốc tế đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của từng cá nhân hay tổ chức mà còn của các quốc gia, từng khu vực và toàn thế giới. Các tổ chức, quốc gia, khu vực.. đã triển khai thoả thuận đã ký về hợp tác lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời không ngừng thúc đẩy đàm phán và ký kết các thoả thuận với các nước khác. Cơ chế hợp tác không chỉ dừng ở việc bảo đảm quyền cho lao động di cư mà còn thiết lập hợp tác giữa các quốc gia đến và quốc gia đi, tăng cường và đảm bảo các lựa chọn di cư hợp pháp nhằm đảm bảo nhu cầu việc làm đầy đủ, đồng thời hướng tới hạn chế người di cư trái phép và tội phạm xuất phát từ di cư trái phép như buôn bán người, lạm dụng, bóc lột, bạo lực… Bên cạnh các văn kiện quốc tế được đề cập phía trên, vấn đề bảo đảm quyền lao động di cư qua cơ chế hợp tác còn được thể hiện thông qua các các hiệp định quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực lao động và ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định, bản ghi nhớ và bản thỏa thuận.
* Các biện pháp bảo đảm quyền của lao động di cư theo pháp luật một số quốc gia
Tại mỗi quốc gia, mỗi châu lục các yếu tố về điều kiện kinh tế, dân cư, xã hội… cũng phần nào ảnh hưởng tới yếu tố di cư lao động. Thông thường di cư lao động thường phổ biển khi dịch chuyển từ nước có nền kinh tế kém phát triển sang các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển hoặc phát triển; yếu tố di cư lao động nhằm tìm kiếm môi trường sống tốt hơn hoặc tìm kiếm môi trường sống cho thế hệ thứ hai… Ở một mức độ nào đó, việc bảo đảm quyền của lao động di cư theo khu vực còn tỏ ra chặt chẽ và đôi khi có phần hiệu quả hơn so với việc thực hiện cơ chế ở cấp độ quốc tế. Đối với các khu vực, việc bảo đảm quyền của lao động di cư dễ đạt được đồng thuận hơn do các quốc gia trong khu vực thường có nhiều điểm chung về kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử. Thêm vào đó, các cơ chế khu vực, do phạm vi hẹp hơn về địa lý, tỏ ra dễ tiếp cận hơn với công chúng so với cơ chế toàn cầu.
Thứ nhất, đối với khu vực Châu Âu. Phòng Dân số của Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc nhận định Châu Âu là khu vực tiếp nhận lượng di cư lớn nhất với khoảng 82 triệu lao động vào năm 2019[15]. Nhìn chung, do nhu cầu lao động, tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ dân số già tăng cao, cơ chế đối với lao động di cư tại khu vực tương đối thoáng, cùng với đó là những quy định với nhóm đối tượng này trong các văn bản luật chung của khu vực. Châu Âu là khu vực đi đầu trên thế giới trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ quyền con người, đặc biệt cụ thể chi tiết về những đạo luật, quy định cho từng vấn đề về bảo đảm quyền con người. Trên bình diện quốc gia, trên cơ sở cơ chế chung của khu vực, các quốc gia Châu Âu đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề nhân quyền. Đây là tiền đề pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời là cơ sở, căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía Nhà nước và các thành viên trong xã hội. Như vậy, pháp luật không chỉ là công cụ, phương tiện của Nhà nước mà còn là công cụ, vũ khí của mọi công dân để thực hiện, bảo vệ quyền con người[16], trong đó có bảo đảm quyền cho lao động di cư. Lấy ví dụ với Cộng hòa liên bang Đức, do nhu cầu lao động cũng như tỷ lệ sinh thấp cùng tỷ lệ già hóa dân số cao, Đức trở thành quốc gia nhập cư hiện đại, tiếp nhận người di cư nhiều nhất trên thế giới, với hàng triệu người nhập cư mỗi năm. Tới cuối năm 2020, có thể 10,6 triệu người nước ngoài sinh sống ở Đức. Chính sách hỗ trợ và bảo vệ lao động di cư của Đức tập trung vào việc hòa nhập cộng đồng cho người di cư. Đức đẩy mạnh các quy trình giải quyết thủ tục cho người tị nạn, thủ tục phân luồng - yêu cầu người di cư phải đáp ứng các yêu cầu cần thiết để có thể đăng ký cư trú dài hạn. Với những người di cư không thể quay trở về đất nước của mình, họ có thể ở lại trong 6 tháng, sau đó được tiếp tục đánh giá khả năng tiếp nhận. Bên cạnh đó là việc giảm thời gian nhận cấp phép làm việc cho người di cư từ 12 tháng xuống 3 tháng. Bên cạnh đó để phát triển và thúc đẩy khung pháp lý bền vững cho lao động di cư, Đức quy định những chính sách liên quan đến giáo dục như các khóa học ngoại ngữ, khóa học cơ bản về pháp luật, thực hiện chính sách về nhà ở, sức khỏe, đào tạo nghề…cho lao động di cư.
Thứ hai, cơ chế tại Châu Mỹ. Không giống với cơ chế quyền con người châu Âu, cơ chế quyền con người châu Mỹ khá phức tạp, có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Tuy nhiên, xét về tính bảo vệ quyền của lao động di cư, thông qua sự phối hợp của OAS và ILO, cùng với các tuyên ngôn và công ước mang tính chất khu vực, vượt qua những thách thức, các quốc gia Châu Mỹ cũng đã có những biện pháp pháp lý để bảo vệ nhóm đối tượng này. Làn sóng di cư tại Châu Mỹ chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những cuộc di cư đó không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn tác động tới nhiều quốc gia khác[17]. Ví dụ với Hoa Kỳ, mặc dù quốc gia này chưa ký ICMW nhưng đã phê chuẩn các điều ước nhân quyền quan trọng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc… Với tư cách là thành viên của OAS và ILO, Hoa Kỳ cũng nỗ lực thực hiện các cam kết trong khuôn khổ của các tổ chức này về bảo vệ quyền của những người lao động di cư và thành viên trong gia đình họ. Theo Tuyên bố Châu Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Santiago năm 1998, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Bán cầu khác khẳng định cam kết “nỗ lực đặc biệt để đảm bảo quyền con người của tất cả những người di cư, bao gồm cả người lao động di cư và gia đình của họ”[18]. Là một phần của Kế hoạch Hành động được thiết kế để đạt được mục tiêu đó, Hoa Kỳ cam kết “Khẳng định lại quyền chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc xây dựng và áp dụng khuôn khổ pháp lý và chính sách của mình về di cư, bao gồm cả việc cấp phép cho người di cư nhập cảnh, ở lại hoặc hoạt động kinh tế ...” và “Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và gia đình của họ, phù hợp với khuôn khổ pháp lý nội bộ của mỗi nước…”.[19]
Thứ ba, cơ chế bảo đảm tại các quốc gia khu vực Châu Phi. Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc là văn kiện nền tảng trong hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi. Tiếp sau Hiến chương Châu Phi về quyền con người, lần lượt các văn kiện cơ bản về quyền con người của Châu Phi cũng ra đời như Công ước OAU về các lĩnh vực đặc biệt của vấn đề tị nạn ở châu Phi năm 1969; Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc năm 1981; Nghị định thư bổ sung Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc về việc thành lập Tòa án quyền con người châu Phi năm 1998… Tuy rằng trên thực tế cơ chế bảo đảm thực thi ở châu Phi nếu so sáng với các châu lục khác sẽ còn bộc lộ những hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận Châu Phi đã có hệ thống văn bản nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của lao động di cư nói riêng với nhiều điểm tiến bộ và độc đáo. Tại Châu Phi, Nam Phi được biết đến là một quốc gia đa văn hoá và đa sắc tộc, vì thế cùng với sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, vấn đề di cư ở Nam Phi cũng trở nên phổ biến, trong đó phần lớn người di cư đến Nam Phi theo dạng lao động di cư. Nam Phi đã phê chuẩn các văn kiện quốc tế có liên quan đến di cư lao động và bảo vệ người lao động nhập cư. Tuy nhiên Nam Phi chưa phê chuẩn ba công ước nổi bật về lao động di cư bao gồm Công ước 97, Công ước 143 và ICRMW. Với pháp luật quốc gia, Hiến pháp Nam Phi có các quy định về quyền đối với người di cư nói chung và lao động nhập cư, thiết lập nguyên tắc cơ bản và tối quan trọng cho việc bảo vệ lao động di cư: không được phép đối xử bất bình đẳng đối với lao động di cư. Điều này có nghĩa là mọi quy định về quyền trong Luật Lao động đều áp dụng cho lao động di cư. Do đó, người lao động nhập cư được bảo vệ bởi tất cả các luật lao động của Nam Phi.
Thứ tư, đối với khu vực Châu Á và Châu Đại Dương. Trong khi khu vực Châu Phi trải qua một lịch sử di cư đầy biến động với những cuộc xâm lược từ Anh và Châu Âu thì Khu vực Đông Nam Á/ Châu Á có sự ổn định về mặt chính trị hơn dù cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh[20]. Ở một số phần của châu Á hiện đã tồn tại những văn kiện và thiết chế chung, cho thấy những triển vọng nhất định về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở châu lục. Với Trung Quốc, lao động di cư là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng. Ngay từ kỳ họp thứ ba Nhân Đại đã nêu rõ những chủ trương, chính sách cơ bản liên quan đến lao động di cư cụ thể là sắp xếp lao động di cư, tăng cường đảm bảo xã hội cho lao động di cư, tiến hành quản lý chung lao động thành thị và lao động di cư. Đến nay, Trung Quốc đang chứng kiến hiện tượng “di cư ngược” từ thành thị về nông thôn. Các chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng thúc đẩy lao động ở lại nông thôn làm việc. Cụ thể như việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút lao động có trình độ; đô thị hóa nông thôn, tạo sức hút cho các thành phố, thị trấn nhỏ; đồng thời giữ chân người lao động ở lại làm việc ở địa phương. Mặc dù có xu hướng di cư ngược từ thành thị về nông thôn, đa phần người di cư Trung Quốc vẫn tập trung ở các thành phố lớn[21]. Lao động nhập cư là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Với nỗ lực hỗ trợ lao động di cư, Trung Quốc đã thực hiện các giải pháp như thúc đẩy cơ hội giáo dục và đào tạo kỹ năng cho lao động di cư trở về, thúc đẩy cơ hội tiếp cận vốn vay; cung cấp hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật; tăng cường chia sẻ thông tin; thúc đẩy tiếp cận các dịch vụ xã hội; thúc đẩy cả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết lập cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động trở về địa phương Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của người di cư trở về trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị nếu như tăng cường tập huấn cho họ.
Đối với Châu Đại dương, đây được coi là miền đất hứa, một thị trường lao động tiềm năng dành cho lao động di cư. Lao động di cư tới nơi có điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Lao động di cư góp phần không nhỏ trong sự gia tăng lực lượng lao động, phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia tại châu lục này tại châu lục này. Di cư trong nước khá phổ biến ở New Zealand. Thay đổi dân cư ở New Zealand được chia làm 3 nhóm lớn: gia tăng tự nhiên, di cư thuần trong nước và di cư quốc tế. New Zealand là xã hội đa văn hóa. Chiến lược hòa nhập và định cư của New Zealand hỗ trợ người di cư từ nước ngoài để họ xem New Zealand như nhà của mình, tham gia và đóng góp đầy đủ cho mọi mặt của đời sống xã hội của đất nước này. Chiến lược được Chính phủ New Zealand phê duyệt năm 2014, hưởng tới 5 trọng tâm ưu tiên lái việc làm, giáo dục và đào tạo, tiếng Anh, hòa nhập và sức khỏe, và phúc lợi. Những hỗ trợ toàn diện này giúp người di cư có thể thành công ở New Zealand. Theo thông báo của Bộ Nhập cư New Zealand, các quy định được điều chỉnh bao gồm cơ chế làm việc kết hợp du lịch; nới lỏng các quy định về tiền lương đối với những người nhập cư có tay nghề cao trong các lĩnh vực như chăm sóc người cao tuổi, xây dựng, cơ sở hạ tầng, chế biến thịt, hải sản và du lịch - khách sạn. Ngoài ra, thị thực của một số lao động theo diện chương trình thị thực làm việc kết hợp du lịch sẽ được gia hạn 6 tháng nhằm giữ chân các lao động hiện nay ở nước này[22].
Có thể nói, lao động di cư là xu hướng đã có từ lâu và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, xu hương dịch chuyển của lao động là việc các lao động có chất lượng cao và lao động phổ thông đi đến làm việc tại một quốc gia khác hoặc là sự di chuyển giữa các khu vực với nhau. Điều này đòi hỏi phải có một hàng rào pháp lý đủ mạnh để bảo vệ lao động di cư, đồng thời đẩy lùi các hành vi vi phạm núp bóng lao động di cư. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nguồn lực lao động dồi dào, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của đối tượng người quốc tịch nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh việc ký kết và phê chuẩn các văn kiện quốc tế có liên quan đến việc bảo vệ quyền của lao động di cư, pháp luật Việt Nam đã có những văn bản quy định quyền cho nhóm đối tượng này như Hiến pháp năm 2013 – văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật Lao động 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020… Tuy nhiên, một mảng nội dung vẫn còn đang bỏ ngỏ như lao động di cư nước ngoài vào Việt Nam chưa có văn bản điều chỉnh riêng mà chỉ là một nội dung thuộc Bộ luật Lao động 2019. Điều này đòi hỏi cần phải có một văn bản riêng đối với lao động di cư là người nước ngoài vào Việt Nam thay vì chỉ chỉ quy định một mục trong Bộ luật Lao động 2019.
4. Kết luận
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã và đang không ngừng hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo quyền của lao động di cư. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của văn bản luật trước đây, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và đã có hiệu lực đầu năm 2022 đã có những quy định được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong nội dung về quyền của lao động di cư. Bên cạnh nhóm lao động di cư chất lượng cao và lao động di cư phổ thông, một lượng lao động di cư có trình độ thấp và di cư bất hợp pháp ra nước ngoài vẫn còn cao. Điều này đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện các quy định riêng để bảo vệ nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới có hiệu lực và áp dụng trên thực tế, điều này đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất, đồng bộ hệ thống văn bản, đồng thời có các chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền của lao động di cư. Không chỉ dừng ở hoàn thiện pháp luật quốc gia, để đảm bảo quyền của lao động di cư đòi hỏi sự đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện nhằm tương thích với pháp luật quốc tế. Là thành viên của WTO, ASEAN, ILO thì Việt Nam cần từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, loại bỏ những quy định còn là rào cản cho việc tiếp cận thị trường lao động quốc tế; cần nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của các Công ước quốc tế về lao động đi trú đối với pháp luật quốc gia, để từ đó làm cơ sở để tham gia các công ước quốc tế. Các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện các quan hệ hợp tác quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực lao động và ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định, bản ghi nhớ và bản thỏa thuận.
Lao động di cư đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Với những dự báo của IOM về sự gia tăng số lượng lao động di cư trong những năm tiếp theo, việc tiếp tục duy trì thực hiện các văn kiện quốc tế về lao động di cư cũng như tiếp tục tìm hiểu và xây dựng những văn kiện mới trong bối cảnh thế giới mới là đặc biệt cần thiết. Lao động di cư nếu được quản lý tốt sẽ mang tới những tiềm năng cho các quốc gia xuất khẩu lao động cũng như quốc gia nhận lao động, mang đến những lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và các bên liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, lao động di cư vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và sự phân biệt đối xử từ nước sở tại và với người lao động của nước sở tại, điều này dẫn đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm hại. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, khu vực hay các cộng đồng, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, hướng tới hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền của lao động di cư để từ đó phát huy những điểm tích của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này và để không một ai bị bỏ lại phía sau./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ILO (1949), Công ước về lao động di trú (Công ước số 97).
2. ILO (1975), Công ước về di trú trong những điều kiện bị lạm dụng và về xúc tiến bình đẳng cơ may và đối xử với người lao động di trú (Công ước số 143).
3. IOM (2021), World Migration Report 2022.
4. ASEAN (2007), Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩ