Nghiên cứu lý luận

Tài sản trong Luật Dân sự La Mã và Bộ Luật Dân sự 2015 – Những giá trị được kế thừa và phát triển

Lê Hồng Thái Chủ nhật, 28/07/2024 - 17:56
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết phân tích các khái niệm tài sản, vật quyền trong Luật dân sự La Mã, từ đó đánh giá nội hàm khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, tính kế thừa và phát triển của nó từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện khái niệm Tài sản.

Tóm tắt. Luật dân sự La Mã dưới thời Hoàng đế Justinian là một phần quan trọng trong nền tảng của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, có sự xuất hiện nhiều loại tài sản mới, quy định pháp luật về tài sản chưa đáp ứng tốt việc điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ chúng. Việc tiếp tục vận dụng triệt để khái niệm Vật (things) sẽ là một trong những giải pháp giúp góp phần giải quyết vấn đề nêu trên. Bài viết phân tích các khái niệm tài sản, vật quyền trong Luật dân sự La Mã, từ đó đánh giá nội hàm khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, tính kế thừa và phát triển của nó từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện khái niệm Tài sản.

Từ khóa: Tài sản, vật quyền, trái quyền, Luật dân sự La Mã

Abstract. The Roman Civil law under Emperor Justinian’s dynasty is an important part of the foundation of many legal systems around the world, including Vietnam. In modern society, with the emergence of many new types of property, the legal provisions on property have not yet responded well to regulating the relationships arising therefrom. Continuing to make full use of the contents of thing will be one of the solutions to help solving of the above problem. This article analyzes the concepts of property in Roman Civil Law, thereby assessing the content of the concept of Property in the Civil Code 2015, the extent of its introduction and development, thereby making recommendations to improve the provisions on Property.

1. Tổng quan và đặt vấn đề

Tài sản là một khái niệm phức tạp[1], khó định hình, một khái niệm động, có thể thay đổi theo thời gian và được coi là một khái niệm của đời sống kinh tế.[2] Quan niệm này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến bất kỳ lý thuyết pháp lý nào về tài sản cho tới ngày nay. Với trường phái về kinh tế học pháp luật (law and economics), phần lớn khái niệm tài sản xuất phát từ góc nhìn kinh tế - nhìn nhận tất cả những gì trị giá được bằng tiền đều là tài sản[3], tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích công cộng, những thứ không được hệ thống pháp luật công nhận thì không được coi là tài sản.[4] Tài sản có thể được hiểu là những gì cụ thể hoàn toàn thuộc về một chủ thể và hiểu rộng hơn về mặt pháp lý là toàn bộ những “quyền” trị giá được bằng tiền của chủ thể đó. Khái niệm tài sản được dùng đối với bất kỳ loại lợi ích hay “quyền” có giá trị nào.[5] Đối với Luật dân sự La Mã cũng vậy, khái niệm tài sản được sử dụng với nghĩa đơn giản nhất nhưng là khái niệm rộng nhất và khó nắm bắt nhất.

Luật dân sự La Mã quy định về “vật” (things hoặc res) hay theo thuật ngữ đương thời gọi là “tài sản” có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với phạm vi pháp lý của tài sản hiện đại[6]. Một trong những lý do giải thích cho thực tế này là các luật gia La Mã đã liên kết vật với bất kỳ lợi ích kinh tế nào được bảo đảm bằng pháp luật, bất kỳ quyền hoặc nhóm quyền nào định giá được bằng tiền mà một người có thể “nắm giữ”[7]. Luật dân sự La Mã phân loại vật theo nhiều cách khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau, bao gồm: vật hữu hình và vật vô hình; vật cho người và vật cho thần linh; vật lưu thông được và vật không lưu thông được; tiêu hao và không tiêu hao; cùng loại và đặc định; chính và phụ… Và cùng với đó là các nội dung liên quan đến quyền đối vật (iura in rem) hay vật quyền và quyền đối nhân (iura in personam) hay trái quyền.

Được tạo ra bởi Justinian[8], Luật dân sự La Mã kế thừa những sáng tạo của Gaius[9] không chỉ ở phần lớn việc xây dựng các nội dung như trên mà còn ở sự sắp xếp các chế định của Bộ luật, đó là việc phân chia thành ba phần chính, liên quan đến Người (Persons), Vật (Things) và Tố tụng (Actions). Justinian tuyên bố rằng “toàn bộ luật của chúng tôi liên quan đến Người (Persons) hoặc Vật (Things) hoặc Tố tụng (Actions)”, sự phân chia này, đã trở thành căn cốt cho tất cả các tư duy pháp lý sau này. Các nhà lập pháp hiện đại, những người coi các “yếu tố” cấu thành nên pháp luật là quyền và nghĩa vụ, nhìn nhận sự phân loại này từ các chế định đó. Theo quan điểm này, Người (Persons) là những thực thể, dù là con người hay pháp nhân[10] đều có khả năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ; Vật (Things) là quyền và nghĩa vụ; và Tố tụng (Actions) là các biện pháp khắc phục theo đó các quyền và nghĩa vụ được thực thi. Nói cách khác, mọi quy định của pháp luật đều có ba khía cạnh - những người bị ảnh hưởng, đối tượng liên quan và các biện pháp khắc phục.[11]

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đi sâu vào pháp luật về Vật (Law of things) với những phân tích cụ thể hơn về cách tiếp cận tài sản của người La Mã cổ đại và bản chất của việc sử dụng quyền đối vật và quyền đối nhân trong thực tế đời sống. Bên cạnh đó, bài viết sẽ làm rõ hơn giá trị đương đại của chế định này tới hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là khái niệm tài sản cũng như việc áp dụng nền tảng pháp luật luật dân sự La Mã.

2. Tài sản, quyền đối vật và quyền đối nhân trong luật La Mã

Đi vào cụ thể, trong phân loại các chế định luật dân sự La Mã, pháp luật về Vật (Law of things) là phần thứ hai, cho đến nay là phần lớn nhất, liên quan đến mọi thứ “nằm bên ngoài” con người (Persons). “Res” cũng như “things” là một từ khó nắm bắt và những nhà lập pháp của La Mã, như một thói quen, họ để ý nghĩa của chúng xuất phát từ chính bản chất mà chúng được sử dụng[12]. Theo nghĩa đơn giản nhất, nó chỉ đơn thuần biểu thị một đối tượng vật chất như cái bàn, ngồi nhà, một mảnh đất nhưng đối với những nhà lập pháp cũng có những thứ trừu tượng, những thứ chỉ tồn tại trong “con mắt” của nhà làm luật, chẳng hạn như một khoản nợ, một quyền đi lại và nhiều quyền tương tự khác. Và theo nghĩa rộng này, Gaius và Justinian đã nói về pháp luật của “things”. Đó là pháp luật chi phối việc tạo ra, chuyển nhượng và sử dụng các tiềm năng kinh tế - là tài sản theo nghĩa rộng nhất.

Để sử dụng ngôn ngữ của các quyền, luật về Vật (things) bao gồm tất cả các “quyền” có khả năng được định giá bằng tiền. Do đó, nó loại trừ những quyền xuất phát từ pháp luật về con người (Law of persons), chẳng hạn như quyền của người cha đối với con cái của mình hoặc là quyền tự do, vì những quyền này thường không có khả năng định giá bằng tiền. Tuy nhiên, theo nghĩa này, pháp luật về Vật bao trùm một phần lớn luật tư đến mức không thể tránh khỏi sự phân chia thêm. Sự phân chia có thể thấy rõ trong những sản phẩm của Gaius là ba phần, gồm Chế định tài sản (Property), Chế định thừa kế (Succession) và Chế định nghĩa vụ (Obligations). Sự phân chia này được Justinian kế thừa, là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Civil Law, nhưng nó đã gây ra một số khó khăn trong việc áp dụng và được sửa đổi bởi các cách thức khác nhau trong các bộ luật hiện đại. Nhìn bề ngoài, cơ bản đây là sự phân chia thành những thứ khó có thể so sánh được. Theo đó, tài sản (Property)[13] và nghĩa vụ (Obligations)[14] là hai loại tài sản (assets), trong khi thừa kế không phải là loại thứ ba[15] mà là một phương pháp để có được hai loại còn lại, chẳng hạn như khi người thừa kế được kế thừa tài sản của một người đàn ông đã chết sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản để lại[16]. Điều này cung cấp một lý do để từ bỏ ít nhất là cách sắp xếp các chế định và sau đó là giải quyết các quy tắc đối với pháp luật về tài sản và nghĩa vụ trước khi tiếp tục đến thừa kế trong pháp luật hiện đại[17].

2.1. Tài sản (property) và vật (res)

Trước hết, để hiểu được phạm vi của vật (res), chúng ta phải xét đến tiêu chí phân loại vật (res) gồm vật hữu hình (res corporales) và vật vô hình (res incorporales) trong luật dân sự La Mã, vật hữu hình bao gồm những thứ có sự tồn tại vật chất (là >res theo nghĩa đơn giản nhất) và vật vô hình là những thứ không có sự tồn tại vật chất, nói cách khác là các quyền (chẳng hạn như quyền đòi nợ hoặc quyền hưởng dụng…)[18]. Sự phân loại này được người La Mã cho là quan trọng chỉ vì một lý do, không thể chiếm hữu những thứ vô hình, vì quyền sở hữu về cơ bản đòi hỏi phải có sự nắm giữ vật chất[19], và do đó, chúng không thể có được hoặc chuyển giao bằng bất kỳ phương pháp nào mà liên quan đến việc chiếm hữu. Điểm chung của tất cả những thứ này là chúng đều là tài sản (assets), là tất cả các hạng mục của tài sản (theo nghĩa rộng)[20].

Bên cạnh đó, tài sản của một người là vật (res) có tính vật chất nhưng đó chỉ là cách gọi “ưa thích[21]” của người La Mã về quyền sở hữu phát sinh trên vật đó. Người La Mã thích nghĩ về tài sản hơn là quyền, và ví dụ như đối với đất đai, họ sẽ coi đất đai và quyền đi lại trên đất là tài sản bình đẳng. Sẽ không cần phải phân biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và đối tượng của nó, vì đối với họ chỉ những vật chất hữu hình mới có thể được chiếm hữu, và vật hữu hình (res corporales) do đó mà ý nghĩa của nó thay đổi tùy theo ngữ cảnh. Khi người La Mã nói rằng họ có quyền chiếm hữu[22] một vật nghĩa là đang đề cập đến chính vật hữu hình đó, nhưng khi người đó nói về việc mua lại một vật, có nghĩa là mua lại quyền sở hữu[23] vật hữu hình đó. Và do đó, quyền sở hữu được đồng hóa với chính đối tượng của nó (là một vật cụ thể). Như vậy, vật (res) dù là vật chất hay không, dưới con mắt của những nhà làm luật La Mã, nó vẫn là một thứ vô hình, mang giá trị và được coi là các quyền.

Ngoài ra, khác với vật (res), khái niệm tài sản (property) trong luật dân sự La Mã được hiểu theo nghĩa hẹp của tài sản, không bao gồm tất cả các quyền sở hữu tuyệt đối (proprietary rights) mà chỉ gồm quyền sở hữu tuyệt đối có đặc điểm đối vật nghĩa là tài sản (property) chỉ là vật (res) theo nghĩa đơn giản nhất là vật chất. Chế định tài sản (property) là chế định về quyền sở hữu tuyệt đối đối vật (proprietary rights in rem), chế định về quyền sở hữu tuyệt đối đối nhân (proprietary rights in personam) được phân biệt với chế định tài sản gọi là chế định nghĩa vụ. Theo cách sử dụng này, so với tài sản ngày nay, bất động sản trên đất thuộc sở hữu hoặc cho thuê, hoặc bằng sáng chế hoặc bản quyền, là tài sản; nhưng một khoản nợ hoặc lợi ích của một hợp đồng thì không...[24]. Điều này, cùng với việc người La Mã coi quyền đi lại, quyền chiếm hữu…có địa vị pháp lý giống như quyền sở hữu vật, có thể thấy rõ ràng những quyền đó đều là các hạng mục của tài sản và là vật (res) theo nghĩa rộng là các quyền. Do đó, vật (res) vừa là đối tượng của các quyền cũng vừa là các quyền mang giá trị đó.

Bởi vậy, so với khái niệm tài sản (property) hiện nay, khái niệm về vật (things) sẽ gần như là tương đồng[25] hay nói một cách dễ hiểu rằng khái niệm này được dùng với bất cứ quyền nào có giá trị và được coi là tài sản theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tài sải (property) ngày nay cũng sẽ như vật (things) bao gồm hai nghĩa là (i) đối tượng của quyền hoặc là (ii) các quyền có giá trị và định giá được bằng tiền đó. Ngoài ra, điểm khác biệt giữa chúng thể hiện ở đối tượng của quyền với nghĩa sở hữu tuyệt đối như trong luật La Mã, sẽ không bao hàm tài sản như cổ tức, trái phiếu, chứng khoán… hay ở những quyền năng mang giá trị mới phát sinh (quyền tương lai, quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp…), những thứ tài sản sau này không tồn tại trong đời sống kinh tế của La Mã cổ đại. Tuy vậy, cấu trúc tài sản ngày nay bị cho là hẹp hơn khái niệm Vật (things) bởi lợi ích chỉ là tài sản khi được pháp luật công nhận.

2.2. Quyền đối vật và quyền đối nhân (vật quyền và trái quyền)

Sự khác biệt giữa tài sản (property) và nghĩa vụ (obligations) được nhà làm luật La Mã thể hiện trong sự khác biệt giữa hành động khởi kiện đối vật (action in rem) và khởi kiện đối nhân (action in personam). Bất kỳ vụ kiện nào, đối tượng cũng có thể là vật hoặc người, và sự phân chia này không hề liên quan đến nhau. Khởi kiện đối vật khẳng định mối quan hệ giữa một người và một vật, khởi kiện đối nhân là một mối quan hệ giữa người với người. Do đó, hành động điển hình của khởi kiện đối vật (rei vindicatio) khẳng định rằng một vật chất thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn, và hành động đơn giản nhất của khởi kiện đối nhân (condictio) khẳng định rằng bị đơn nợ nguyên đơn một số tiền hoặc một vật chất thuộc sở hữu của nguyên đơn. Người La Mã sử dụng các thuật ngữ này trong việc khởi kiện chứ không thuần túy là quyền, mà về bản chất, một hành động khẳng định quyền đối với một vật, hành động kia khẳng định quyền chống lại một người, và do đó dẫn đến sự phân đôi hiện đại giữa quyền đối vật và quyền đối nhân[26].

Rõ ràng là không thể có tranh chấp giữa một người và một vật, và do đó, trong một vụ kiện kể cả là đối vật phải có nguyên đơn và bị đơn, nhưng bị đơn ở đó không phải vì anh ta bị cho là có bất kỳ trách nhiệm nào đối với nguyên đơn mà vì bằng một hành động nào đó anh ta ở đó để phủ nhận quyền được cáo buộc của nguyên đơn. Trong rei vindicatio, anh ta phủ nhận quyền sở hữu của nguyên đơn bằng cách chiếm hữu đối tượng tranh chấp. Và do đó, với ví dụ rằng, một người chủ cửa hàng có thể khẳng định quyền sở hữu đối với hàng hóa mua bán của mình bằng cách khởi kiện bất kỳ người nào đã lấy hàng hóa của anh ta. Giả dụ, nếu nó bị đánh cắp bởi một tên trộm hoặc bất kỳ ai sau đó lấy được hàng hóa đó, cho dù người đã lấy có ngay tình hay không, anh ta có thể đòi nó bằng cách thực hiện một vụ kiện (khởi kiện đối vật hoặc khởi kiện đối nhân). Có thể thấy, nguyên đơn dù khởi kiện bằng hình thức nào thì đều hướng đến một mục đích là khẳng định quyền với hàng hóa của anh ta. Do đó, việc phân chia “đối vật” và “đối nhân” sẽ không thật sự cần thiết nếu chỉ phân tích đến đây.

Vậy tầm quan trọng của việc sử dụng khởi kiện đối vật và khởi kiện đối nhân trong thực tế là gì? Phải bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng một hành động khởi kiện đối vật, về mặt hình thức, không phải là một hành động buộc bị đơn phải trả lại tài sản. Vì quy trình của La Mã về cơ bản là một sự cầu cứu tự nguyện đến trọng tài (tòa án), và vì không có bộ máy thực thi phán quyết, nên kết quả của một vụ kiện thành công, dù đối vật hay đối nhân, chỉ đơn giản là lệnh buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn một khoản tiền, và nếu cần, nguyên đơn phải là người thi hành phán quyết này bằng cách áp dụng hình thức thi hành án đối với người hoặc tài sản của bị đơn. Trong một hệ thống như vậy, không có các quy định cụ thể về bồi thường hoặc các hình thức thực thi. Trong hầu hết các vụ kiện đối vật, trên thực tế, bị đơn sẽ bị thúc đẩy để khôi phục lại vật bị khởi kiện.[27] Trong trường hợp này, nếu bị đơn không trả lại tài sản cho nguyên đơn, phán quyết của tòa án sẽ ra lệnh cho bị đơn thanh toán giá trị đồ vật. Điều này, trong nhiều trường hợp, sẽ giúp đơn giản cho cả hai bên thay vì phải tiếp tục giải quyết tại các phiên xét xử khác. Do đó, cách giải quyết này cũng sẽ không giúp phân biệt được khởi kiện đối vật (quyền đối vật) với các khởi kiện đối nhân (quyền đối nhân), vì nó được tìm thấy ở cả hai.

Câu trả lời cho câu hỏi ở trên có lẽ tốt nhất có thể được tìm thấy bằng cách phân tích ví dụ sau: Nếu A đồng ý mua hàng hóa của B với một mức giá nhất định, luật La Mã trao cho A quyền đối nhân trong việc vận chuyển hàng hóa (và B đồng thời có quyền đối nhân trong việc thanh toán hàng hóa), nhưng A không có quyền đối vật cho đến khi cuốn sách được vận chuyển đến cho A. Tuy nhiên, một số hệ thống pháp luật khác trao cho A cả quyền đối nhân và quyền đối vật ngay khi thỏa thuận được thực hiện. Sự khác biệt giữa hai cấu trúc này nằm ở tác động của chúng đối với bên thứ ba. Có hai tình huống điển hình:

(i) A đã thanh toán tiền nhưng B vẫn giữ hàng hóa và từ chối chuyển giao nó. Ở đây, thường sẽ không có gì khác biệt cho dù A thực hiện quyền đối vật hay quyền đối nhân. Trong cả hai trường hợp, A sẽ nhận được giá trị bằng tiền của sự vật. Nhưng với trường hợp B vỡ nợ, và khi đó sự khác biệt này sẽ rất quan trọng. Nếu yêu cầu của A chỉ có tính chất đối nhân thì yêu cầu đó sẽ có một vị trí giống như yêu cầu của tất cả các chủ nợ khác đối với tài sản không đủ của B, trong khi nếu đó là đối vật thì A sẽ có thể lấy hàng hóa đó ra khỏi kho tài sản của B và do đó có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mình. Vì khi đó anh ta không phải là chủ nợ mà là chủ sở hữu của hàng hóa đã mua.

(ii) Hàng hóa đã được chuyển từ B sang C. Chẳng hạn, B đã thuyết phục A trả tiền trước và sau đó đã bán và giao cuốn sách cho C (điều này, hoặc một biến thể nào đó của nó, là một trong những trò gian lận phổ biến), hoặc C đã đánh cắp hoặc mua được từ một tên trộm. Trong những trường hợp như vậy, cách xây dựng luật của người La Mã đưa ra cho A một biện pháp khắc phục là chỉ được phép chống lại B[28], trong khi cách xây dựng luật khác cho phép anh ta tiếp tục chống lại B hoặc C. Tất nhiên, một lần nữa, sự khác biệt giữa “đối vật” và “đối nhân” sẽ có ý nghĩa thực tế và chỉ quan trọng nếu B mất khả năng thanh toán hoặc đã biến mất, nhưng tình huống này hay tình huống khác không phải là không thể xảy ra. Ví dụ, người mà vi phạm hợp đồng với A hoặc trộm tài sản từ B đã chết, hoặc không có khả năng thanh toán được hoặc đã bị bắt vì một tội danh khác. Vấn đề mà luật pháp phải giải quyết là phiên bản pháp lý của tam giác vĩnh cửu. Ai trong các bên vô tội sẽ phải chịu thiệt hại vì hành động của người không ngay tình? Không thể có giải pháp nào vừa có khả năng ứng dụng thực tế vừa đạt được lý tưởng trong việc đảm bảo lợi ích các bên. Và do đó, luật pháp phải lựa chọn giải pháp có lợi nhất cho cộng đồng nói chung.

Từ ví dụ trên có thể thấy tầm quan trọng và sự khác nhau cơ bản của hành động khởi kiện đối vật và khởi kiện đối nhân. Quyền đối vật có thể cho phép người có quyền khả năng chống lại con người nói chung, ngược lại, quyền đối nhân là chống lại một người hoặc nhiều người cụ thể. Quyền đối vật là đối tượng điều chỉnh của chế định tài sản và quyền đối nhân là đối tượng điều chỉnh của chế định nghĩa vụ. Và với việc đối tượng của tài sản là vật chất như đã nói, về cơ bản khái niệm vật quyền (quyền đối vật) sẽ không còn phù hợp khi sử dụng với khái niệm tài sản ngày nay. Vật quyền (bao gồm quyền sở hữu và quyền khác[29]) là quyền được thực hiện đối với vật chất, trong khi phạm vi của tài sản ngày nay là những loại tài sản vô hình như đối tượng sở hữu trí tuệ, chứng khoán... và các quyền mang lợi ích khác như quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp, quyền tương lai…như đã nói ở phần trên, do đó mà hiện nay khái niệm này cần được thay thế bằng việc sử dụng khái niệm quyền đối với tài sản, như vậy sẽ đầy đủ và chính xác hơn khái niệm vật quyền[30]. Tóm lại, học thuyết và pháp luật các nước đều coi tài sản là các quyền đối với tài sản. Bất cứ thứ gì mà cá nhân, con người cụ thể có quyền được pháp luật bảo vệ là tài sản của người đó. Ngày nay, các hệ thống pháp luật Civil Law đều phân chia, sắp xếp và xây dựng lại nội dung của các quy định trong luật dân sự, tuy vậy, với tính cần thiết của nền tảng pháp luật này trong thực tế, việc vận dụng những mô hình tương tự là không thể tránh khỏi.

3. Những kế thừa và phát triển khái niệm tài sản trong Bộ luật dân sự 2015 và đề xuất hoàn thiện

3.1. Những giá trị được kế thừa và phát triển

Nền tảng Res (Things) trong pháp luật dân sự La Mã mang những giá trị phổ quát và đương đại cao, không chỉ đối với pháp luật Việt Nam mà còn nhiều quốc gia theo truyền thống pháp luật Civil Law khác.

Ở Pháp, trong BLDS, tài sản được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, tài sản chỉ đến các vật mà con người sử dụng để đáp ứng nhu cầu của mình. Nghĩa thứ hai, tài sản chỉ đến các quyền tồn tại vì lợi ích của cá nhân, pháp nhân, có thể tồn tại dưới dạng vật quyền hoặc trái quyền. Tiêu chí phân loại tài sản cơ bản nhất, đó là phân chia tài sản thành động sản và bất động sản; bên cạnh đó, tài sản còn được phân loại thành tài sản hữu hình – tài sản vô hình[31]. Bên cạnh đó, theo điều 544 Bộ luật dân sự Pháp quy định “Sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản (things) theo phương thức tuyệt đối nhất với điều kiện là không được dùng chúng theo cách trái pháp luật và các quy chế pháp lý”.[32]

Ở Nga, BLDS không đưa ra khái niệm cụ thể về tài sản mà tiếp cận dưới góc độ là đối tượng của các quyền dân sự. Điều 128 BLDS Nga quy định “Thuộc về đối tượng của các quyền dân sự phải được nhắc đến là vật, trong số đó bao gồm tiền và giấy tờ có giá và cũng bao gồm các loại tài sản khác, như các quyền tài sản; công việc và dịch vụ; thông tin; kết quả của hoạt động trí tuệ, bao gồm quyền loại trừ đối với chúng (quyền SHTT); những giá trị phi vật chất”. Thêm vào đó, BLDS Nga quy định quyền sở hữu gồm có ba quyền năng chính như sau “Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình” (khoản 1 Điều 209).[33]

BLDS Trung Quốc quy định quyền sở hữu gồm có 4 quyền năng chính là "Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, hưởng lợi và định đoạt của riêng mình bất động sản hoặc động sản theo quy định của luật” (Điều 240)[34]. BLDS của Hà Lan đưa ra khái niệm về tài sản mà theo đó, “Tài sản là tất cả vật (things) và mọi quyền tài sản khác”; đồng thời, “vật (things)” được xác định là tất cả các đối tượng hữu hình có thể chịu sự kiểm soát của con người; “quyền tài sản” là các quyền, riêng rẽ hoặc cùng với các quyền khác, có thể chuyển giao; các quyền được dự định để thu được một lợi ích vật chất cho chủ sở hữu của chúng, hoặc các quyền đã có được để đổi lấy lợi ích vật chất thực tế hoặc dự kiến.[35]

Từ các ví dụ trên có thể thấy, các quốc gia theo truyền thống Civil Law đều kế thừa hoàn toàn cấu trúc nền tảng Res (Things), tài sản được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm không chỉ vật chất mà còn là các quyền tài sản (quyền hưởng dụng, quyền chiếm hữu…) hay bất cứ quyền và lợi ích nào được pháp luật công nhận.

Trong pháp luật dân sự Việt Nam, cấu trúc pháp luật về tài sản cũng tương tự như vậy. BLDS năm 1995, 2005 đặt tên chương II là >Tài sản và quyền sở hữu cùng với khái niệm tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản đã thể hiện điều đó. Có thể thấy, lại một lần nữa tài sản gồm vật chất (vật, tiền, giấy tờ có giá) và quyền tài sản hay nói cách khác tài sản là đối tượng của quyền (quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản) hoặc chính là các quyền đó như đã phân tích. Kế thừa nội dung đó, BLDS năm 2015, tên của Phần II đã được đổi thành “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” mang tính hoàn chỉnh hơn cũng như thể hiện chính xác hơn nội hàm của chế định này. Bên cạnh đó, tài sản được quy định cụ thể tại Điều 105 BLDS 2015 mà theo đó “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Cụ thể như sau[36]:

Thứ nhất, vật là những bộ phận hữu hình của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả vật vô cơ, hay hữu cơ, động vật hay thực vật. Khái niệm vật trong pháp luật dân sự rộng hơn khái niệm vật trong cách hiểu đời sống thực tế, bao hàm không những các vật dụng sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất bình thường, mà còn bao gồm cả các tập hợp vật chất phức tạp như nhà máy, công xưởng, tuyến giao thông đường sắt, sân bay, giàn khoan dầu, hệ thống công trình xây dựng...

Thứ hai, tài sản là tiền. Điểm khác biệt quan trọng giữa tiền với vật là ở chỗ tiền là công cụ trao đổi đa năng, trong đại đa số các quan hệ tài sản có thể thay thế cho bất kỳ tài sản có giá trị tương đương nào khác. Hay nói cách khác, tiền có thể sử dụng để thực hiện đa số các nghĩa vụ có liên quan đến tài sản. Tiền do Nhà nước trực tiếp phát hành và bảo đảm giá trị lưu thông của nó. Việc phát hành và tiêu huỷ tiền là độc quyền của Nhà nước, thể hiện chủ quyền kinh tế của mỗi quốc gia độc lập. Chủ sở hữu tiền chỉ có quyền định đoạt số phận pháp lý của tiền chứ không được định đoạt số phận thực tế của nó.

Thứ ba, giấy tờ có giá là các loại giấy tờ được lập nên và phát hành theo những thể thức luật định nhất định và có nội dung khẳng định quyền tài sản của một người (người nắm giữ giấy tờ có giá) đối với chủ thể khác (chủ thể phát hành giấy tờ có giá). Giấy tờ có giá bao gồm: các loại séc, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái, giấy uỷ nhiệm chi. Lưu ý: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay Sổ tiết kiểm không được coi là giấy tờ có giá. Nhìn chung, để được coi là một loại tài sản độc lập thì các giấy tờ có giá phải có khả năng trao đổi qua lại giữa các chủ thể (để trở thành đối tượng của quan hệ tài sản).

Thứ tư, tài sản là quyền tài sản, theo Điều 115 BLDS năm 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Bộ luật quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền mà không cần có điều kiện có thể được chuyển giao[37]. Liên quan đến quyền tài sản trong sở hữu trí tuệ, Bộ luật quy định quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ thay cho mặc định quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản. Cách quy định này vừa để phù hợp với bản chất pháp lý của quyền sở hữu vừa để bảo đảm bao quát, không tạo rào cản pháp lý cho việc nghiên cứu, xem xét công nhận tài sản ảo trên internet, game online hoặc tài sản ảo khác...

Đồng thời, Điều 115 đã chính thức ghi nhận quyền sử dụng đất là một quyền tài sản. Quyền sử dụng đất là một quyền tài sản mới, thừa hưởng cấu trúc về vật (things) trong pháp luật dân sự La Mã, có phạm vi nhỏ hơn quyền sở hữu đất mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quy định nội dung của quyền sử dụng đất theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ một số chủ thể đặc biệt, phạm vi quyền sử dụng đất được Nhà nước trao có thể đạt được những quyền năng gần như là chủ sở hữu với mục đích kinh tế. Như vậy, căn cứ vào quy định của BLDS năm 2015, Luật đất đai năm 2013, Luật kinh doanh bất động sản thì quyền sử dụng đất là tài sản theo chế độ pháp lý về bất động sản (tài sản gắn liền với đất). Mặt khác, cùng với việc Bộ luật bổ sung quyền bề mặt (quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác) thì trong quan hệ với đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tổ chức, cá nhân sử dụng đất được xác định như là chủ thể có quyền bề mặt theo mục đích, thời hạn và hạn điền được quy định trong Luật đất đai.

3.2. Một số đề xuất hoàn thiện khái niệm Tài sản trong Bộ luật dân sự 2015

Dựa trên các phân tích trên, điều tác giả muốn nhấn mạnh không chỉ ở giá trị đương đại đối với Bộ luật Dân sự Việt Nam mà còn ở lối tư duy lập pháp vượt thời đại của các nhà làm Luật La Mã. Tài sản hay Vật (things) trong luật dân sự La Mã là đối tượng hướng đến trong quan hệ pháp lý và suy cho cùng là một biểu hiện hình thức của chính quan hệ đó, mà ở đây nó được coi là một “nhãn dán” cho chính mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ tài sản. Song khái niệm tài sản phải là một mắt xích không thể thiếu cho toàn bộ các chế định trong pháp luật dân sự. Và với việc coi tất cả các quyền và lợi ích định giá được bằng tiền đều là tài sản và đặt trong các mối quan hệ pháp lý tương tự như đối vật và đối nhân, thì dù tài sản là vật chất hay không, hữu hình hay vô hình, chỉ cần là một lợi ích định giá được bằng tiền và có giá trị, sẽ là đối tượng của các quan hệ dân sự và là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về tài sản.

Và do đó, khi mà xã hội liên tục thay đổi như hiện nay, với sự cẩn trọng trong việc công nhận tài sản cũng như khái niệm về tài sản còn mang tính liệt kê và chưa thể hiện được bản chất của nó, thì quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 sẽ không đủ khả năng thích nghi một cách linh hoạt. Mặc dù pháp luật dân sự đã có quy định mở về “các quyền tài sản khác” nhằm bao quát các trường hợp chưa dự liệu được ngay tại thời điểm ban hành, cũng như tạo điều kiện linh hoạt hơn cho pháp luật chuyên ngành có thể quy định cụ thể về các quyền tài sản mới phát sinh trong tương lai nhưng quy trình để công nhận là tài sản hay quyền tài sản khiến cho nhiều giao dịch dân sự cũng như các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong thực tiễn.

Có thể thấy, những thay đổi không chỉ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các thành tựu đột phá tác động lớn đến các quan hệ truyền thống, mà còn bởi sự tự do giao kết hợp đồng, rất nhiều thỏa thuận dân sự được ký kết để đạt được mục đích của các bên, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hay suy cho cùng là việc bảo vệ quyền và lợi ích. Điều này dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại tài sản mới vô hình và nhiều lợi ích có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong thực tế. Do vậy, pháp luật cần một cơ chế linh hoạt để tiếp nhận những loại tài sản mới và trong đó, việc áp dụng và phát triển tư duy pháp lý của người La Mã trong hệ thống pháp luật Civil Law là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, một khái niệm chung mang tính khái quát về bản chất tài sản (là các quyền) trước mắt là cần thiết. Vấn đề này sẽ không phải là dễ dàng mà cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật dân sự.

4. Kết luận

1. Vật (things) và tài sản (property) ngày này gần như là tương đồng. Tuy rằng, đối tượng của quyền sở hữu tuyệt đối như trong luật La Mã, sẽ không bao hàm tài sản như cổ tức, trái phiếu, chứng khoán… và những quyền năng mang giá trị mới phát sinh (quyền tương lai, quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp…), những thứ tài sản sau này không tồn tại trong đời sống kinh tế của La Mã cổ đại. Nhưng cấu trúc tài sản (property) ngày nay giống như vật (things) bao gồm hai nghĩa là (i) đối tượng của quyền hoặc là (ii) các quyền có giá trị và định giá được bằng tiền. Tuy vậy, phải rõ ràng rằng, tài sản về bản chất là các quyền đối với tài sản được pháp luật bảo vệ.

2. Vật quyền và trái quyền suy cho cùng là quyền năng của người có quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình khỏi người xâm phạm. Quyền đối vật có thể cho phép người có quyền khả năng chống lại con người nói chung, ngược lại, quyền đối nhân là chống lại một người hoặc nhiều người cụ thể. Khái niệm vật quyền (quyền đối vật) sẽ không còn phù hợp khi sử dụng với khái niệm tài sản ngày nay, vật quyền đã được thay thế bằng việc sử dụng khái niệm quyền đối với tài sản, như vậy sẽ đầy đủ và chính xác hơn.

3. Pháp luật dân sự Việt Nam đã kế thừa hoàn toàn cấu trúc của nền tảng pháp luật Res (things), bên cạnh đó là sự phát triển pháp luật để phù hợp và đáp ứng các vấn đề của xã hội ngày nay. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam với những thay đổi không ngừng của đời sống vẫn cần được nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện, và một điều không thể thiếu là tiếp tục vận dụng những tinh hoa của pháp luật dân sự La Mã. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nền tảng Res (things) là cơ chế pháp luật hiệu quả đáng để được áp dụng.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Stephen R. Munzer, A Theory of property, Cambridge University Press, New York, (1990).

2. TÒA ÁN HOÀNG GIA, TUYỂN TẬP CÁC BẢN ÁN HÌNH SỰ CỦA TÒA ÁN HOÀNG GIA, RGST 44, 230, 233.

3. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Đề tài khoa học cấp Bộ: Hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, Nguyễn Thanh Tú (Chủ nhiệm), Bộ Tư pháp, (2020).

4. Rohan Hardcastle, Law and the Human Body: Property Rights, Ownership and Control, Hart Publishing, (2007).

5. Muireann Quigley, Self-Ownership, Property Rights, and the Human Body: A Legal and Philosophical Analysis, Cambridge University press, (2018).

6. Alison Clarke, Principles of Property Law, Cambridge University Press, (2020).

7. Craig Anderson, Roman law Essentials, Edinburgh Law Essentials, Edinburgh University Press, (2018).

8. George Mousourakis, Fundamentals of Roman Private Law, Springer, (2012).

9. Barry Nicholas, Ernest Metzger, An introduction to Roman law, Oxpord University Press, (2008).

10. Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, Ninth Edition, West Pub. Co, (2009).

11. Lê Hồng Hạnh, Sử dụng khái niệm quyền tài sản thay cho vật quyền trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (Sửa đổi), Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (4/2015).

12. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài Khoa học cấp Bộ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, TS. Đinh Trung Tụng (Chủ nhiệm), (2017).

13. Bộ luật Dân sự Nga, https://www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/ rus_e/wtaccrus58_leg_360.pdf.

14. Bộ luật Dân sự CH Pháp, https://www.fd.ulisboa.pt/wp-content/ uploads/2014/12/Codigo-Civil-Frances-French-Civil-Code-english-version.pdf.

15. Bộ luật Dân sự CHND Trung Hoa, http://www.npc.gov.cn/englishnpc/c23934/ 202012/f627aa3a4651475db936899d69419d1e/files/47c16489e186437eab3244495cb47d66.pdf

16. Bộ luật Dân sự Hà Lan, http://www.dutchcivillaw.com/ legislation/ dcctitle3301.htm.

* ThS Lê Hồng Thái, NCV Viện KHPL, Bộ Tư pháp. Duyệt đăng 15/8/2023. Email: thai.hlu.96@gmail.com>

[1]* ThS Lê Anh Thái, NCV Viện KHPL, Bộ T ư pháp. Duyệt đăng 15/8/2023. Email: thai.hlu.96@gmail.com

Stephen R. Munzer, A Theory of property, Cambridge University Press, New York, 6, (1990).

[2] Ở Đức, ngay từ năm 1910 Tòa án Hoàng gia (Reichsgericht) đã công nhận rằng, khái niệm pháp lý về tài sản “chủ yếu là một khái niệm của đời sống kinh tế”. Reichsgericht, RGSt RGSt 44, 230, 233 (trans: Tòa án Hoàng gia, Tuyển tập các bản án hình sự của Tòa án Hoàng gia, RGSt 44, 230, 233).

[3] Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Đề tài khoa học cấp Bộ: Hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, Nguyễn Thanh Tú (Chủ nhiệm), Bộ Tư pháp, (2020).

[4] Ví dụ, bộ phận cơ thể người có phải là “tài sản” hay không cũng đã, đang và sẽ có nhiều tranh luận. Tuy nhiên, quan niệm về tài sản còn phụ thuộc vào văn hóa, lịch sử, đạo đức, chính trị và quy định của pháp luật. Hiện nay, một số quốc gia cấm việc thương mại hóa bộ phận cơ thể con người, tức không coi bộ phận con người là tài sản, mà chỉ cho phép hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một số phán quyết của một số tòa án đang có xu hướng coi bộ phận cơ thể người trong một số trường hợp đặc biệt là tài sản. Xem Rohan Hardcastle, Law and the Human Body: Property Rights, Ownership and Control, Hart Publishing, (2007) (theo quan điểm không coi bộ phận người là tài sản); Muireann Quigley, Self-Ownership, Property Rights, and the Human Body: A Legal and Philosophical Analysis, Cambridge University press, (2018) (theo quan điểm coi bộ phận người là tài sản).

[5] Alison Clarke, “Property is about the rights we have in things”, Principles of Property Law, Cambridge University Press, 1, (2020).

[6] Craig Anderson, Roman law Essentials, Edinburgh Law Essentials, Edinburgh University Press, 37, (2018).

[7] George Mousourakis, Fundamentals of Roman Private Law, Springer, 119, (2012).

[8] Justinian kế vị ngai vàng trở thành vị vua kế tiếp của La Mã cổ đại vào năm 527. Justinian là một người có tầm nhìn đã khôi phục vinh quang của Đế chế La Mã. Ông bắt đầu với các lãnh thổ đã mất, đồng thời khôi phục và duy trì thành tựu trí tuệ vĩ đại nhất của nó, là luật La Mã. Xem Barry Nicholas, Ernest Metzger, An introduction to Roman law, Oxpord University Press, 14, (2008).

[9] Danh tính của Gaius vẫn còn là một bí ẩn. Uy tín của ông rất lớn trong thời kỳ hậu cổ điển; các sáng tạo của ông nằm trong một cuốn sách giáo trình tại các trường luật của Đế chế phương Đông; và các đoạn trích từ mười tám tác phẩm của ông xuất hiện trong Digest (The Digest, còn được gọi là Pandects, là tên được đặt cho bản tóm tắt các bài viết pháp lý về luật La Mã được biên soạn theo lệnh của hoàng đế Justinian vào năm 530–533 và nó được chia thành 50 cuốn sách). Tuy nhiên, chúng tôi không biết gì về ông ngoại trừ những gì xuất hiện từ các bài viết của ông. Xem Barry Nicholas, tlđd, 8, 36.

[10] Tập hợp người có tư cách pháp lý chẳng hạn như các công ty, tập đoàn hiện nay.

[11] Barry Nicholas, tlđd, 8, 98.

[12] Barry Nicholas, tlđd, 8, 98.

[13] Khái niệm tài sản (property) trong Luật dân sự La Mã có phạm vi hẹp hơn khái niệm Vật (things).

[14] Nghĩa vụ là một khoản “nợ”.

[15] Sự phân chia thành tài sản và nghĩa vụ trên thực tế là đầy đủ.

[16] Barry Nicholas, tlđd, 8, 102.

[17] Barry Nicholas, tlđd, 8, 102.

[18] Craig Anderson, tlđd, 6, 37.

[19] Trong nhiều trường hợp người có quyền sở hữu tuyệt đối không có sự nắm giữ vật chất trên thực tế.

[20] Craig Anderson, tlđd, 6, 37.

[21] Người La Mã rất thích sự tiện lợi mà không để ý nhiều về mặt logic.

[22] Quyền chiếm hữu được người La Mã đặt ngang hàng với quyền sở hữu. Xem: Barry Nicholas, tlđd, 8, 115.

[23] Quyền sở hữu đối với người La Mã chủ yếu hiểu theo nghĩa sự hưởng thụ (enjoyment) hoàn toàn.

[24] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, Ninth Edition, West Pub. Co, 1336, (2009).

[25] Lê Hồng Hạnh, Sử dụng khái niệm quyền tài sản thay cho vật quyền trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (Sửa đổi), Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 7, (4/2015).

[26] Barry Nicholas, tlđd, 8, 100.

[27] Barry Nicholas, tlđd, 8, 102.

[28] Barry Nicholas, tlđd, 8, 104.

[29] Trừ một số ngoại lệ, người được phép nắm giữ vật trên hợp đồng nhưng không được chiếm hữu vật (người vận chuyển, hoặc lau dọn, người nhận ký gửi…) sẽ không có quyền đối vật.

[30] Lê Hồng Hạnh, tlđd, 25, 8.

[31] Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, tlđd, 3.

[32] Bộ luật Dân sự cộng hòa Pháp, https://www.fd.ulisboa.pt/wp-content/uploads/2014/12/Codigo-Civil-Frances-French-Civil-Code-english-version.pdf.

[33] Bộ luật Dân sự Liên bang Nga, https://www.wto.org/english/thewto_e/ acc_e/ rus_e/ wtaccrus58_leg_360.pdf.

[34]Bộ luật Dân sự CHND Trung Hoa, http://www.npc.gov.cn/englishnpc/c23934/202012/ f627aa3a4651475db936899d69419d1e/files/47c16489e186437eab3244495cb47d66.pdf.

[35] Quyển 3 (Điều 1, Điều 3 và Điều 6) Bộ luật Dân sự cộng hòa Hà Lan, http://www.dutchcivillaw. com/legislation/dcctitle3301.htm.

[36] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài Khoa học cấp Bộ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, TS. Đinh Trung Tụng (Chủ nhiệm), 169, (2017).

[37] Quy định về tài sản bảo đảm, trong đó có quyền tài sản cũng không còn điều kiện “được phép giao dịch”.

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều