Tăng cường trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Phương Thúy
Thứ tư, 25/09/2024 - 10:13
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Phó Trưởng ban Dân nguyện đề nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, một số ý kiến đại biểu đề nghị, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tiếp tục kế thừa, phát huy những mặt tích cực, kết quả đạt được của năm 2023 và trước đó, khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và các cơ quan thông tấn, báo chí, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân
Đánh giá cao những kết quả Chính phủ đạt được, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong đó có việc thực hiện trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Trần Thị Kim Nhung cho biết, theo số liệu Báo cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013; tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều, trong đó Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số ngày theo quy định.
Đối với Tòa án nhân dân các cấp, số lượng công dân trực tiếp đến để khiếu nại, tố cáo về hành chính, kiến nghị, phản ánh tăng nhiều so với năm 2023 (trong cả kỳ báo cáo có 430 lượt người, tăng 33,8% so với năm 2023; về 380 vụ việc, tăng 50,2% so với năm 2023) và không có đoàn đông người.
Người đứng đầu các đơn vị của Tòa án trực tiếp tiếp công dân định kỳ giảm so với năm 2023 (74 lượt, so với năm 2023 có 97 lượt); việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ tăng nhiều hơn so với năm 2023 (41 lượt, so với năm 2023 có 18 lượt).
Phân tích sự phù hợp của quy định với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi
Đồng tình với đánh giá nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh đề nghị, cần phân tích rõ nguyên nhân, từ đó có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện để có đề xuất phù hợp đối với quy định về thực hiện trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Theo đại biểu, thực trạng này cũng là tồn tại từ những năm trước, tuy nhiên vẫn chưa được khắc phục triệt để, vì vậy cần có đánh giá kỹ lưỡng, đồng thời phân tích sự phù hợp của quy định với thực tiễn một số ngành, đảm bảo tính khả thi.
“Đánh giá, xem xét lại thực hiện của quy định, nếu hiệu quả phù hợp và cần thiết phải có giải pháp để thực hiện đầy đủ, nghiêm minh; nếu thấy có bất cập, cần có kiến nghị sửa đổi quy định cho phù hợp, khả thi với thực tiễn…”, đại biểu Cao Mạnh Linh lưu ý.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo chưa đưa ra địa chỉ cụ thể đối với Bộ, ngành, địa phương nào, người đứng đầu cơ quan, địa phương nào chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân; chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc… theo yêu cầu của Đề cương xây dựng Báo cáo để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục tình hình thực tiễn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung, cập nhật số liệu của 18/63 địa phương còn lại và trên cơ sở theo dõi, cập nhật, thống kê đầy đủ số liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong Báo cáo cũng cần cung cấp đầy đủ hơn thông tin về các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt, chưa tốt công tác này để phát huy, nêu gương đối với những điển hình và yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lò Việt Phương cho biết, thời gian qua khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, thương mại, lao động và việc làm.
Ghi nhận những chuyển biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Phó Trưởng ban Dân nguyện đề nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, bảo đảm giải quyết đơn kịp thời, không để quá hạn luật định, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
“Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành địa phương có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, đánh giá lại về các vụ việc kéo dài còn tồn đọng để có phương án giải quyết dứt điểm, có giám sát lại việc giải quyết…”, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lò Việt Phương nêu đề xuất.
Ngoài ra, để hỗ trợ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thuận lợi, các đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục hiệu chỉnh và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có sự kết nối, liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan nhà nước khác để tăng cường công tác phân tích, đánh giá, chỉ đạo, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.