Tầm nhìn - Chính sách

Chính sách thuế cần đặt trong tổng thể thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và ổn định kinh tế - xã hội

Thứ tư, 23/04/2025 - 07:56
Nghe audio
0:00

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế Tiêu thu đặc biệt (sửa đổi), các ĐBQH, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV tới đây. Mục tiêu quan trọng của sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ và môi trường. Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất… những nội dung sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, dịch vụ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong bối cảnh nguy cơ Việt Nam bị Hoa Kỳ áp mức thuế cao vẫn hiệu hữu; chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy do căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu này cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Chiều 22/4, tại Hà Nội, Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp cân bằng giữa chính sách thuế và giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững; góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB theo hướng khoa học, bảo đảm hài hoà giữa các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp

Tại hội thảo, đại diện cho Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ khi ban hành chính sách thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế của ngành; cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, với ngành bia, rượu, ông Nguyễn Văn Việt đề xuất lùi hiệu lực tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tới năm 2028; tăng thuế 5%/năm trong 5 năm. Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiệp hội đề xuất các chính sách thuế được ban hành phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước cũng như của người dân. Mong muốn của Hiệp hội là được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Đề cập về doanh nghiệp Việt Nam trong vòng xoáy tăng trưởng và ổn định, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong một vài năm trở lại đây, mức lạm phát tại Việt Nam tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức ổn định này thực chất lại không đầy đủ và vững chắc. Chỉ số này chủ yếu gắn liền với vấn đề doanh nghiệp đang thiếu và khát vốn.

Tiếp tục dẫn chứng các chỉ số bao gồm: Cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế, vốn đầu tư theo thời điểm ký kết FTA..., PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều vấn đề và chưa có thực lực tương xứng với khối doanh nghiệp FDI. Thực trạng này thể hiện ở nghịch lý mặc dù xét về vốn đầu tư theo thời điểm ký kết FTA, khu vực tư nhân Việt Nam có chỉ số cao hơn rất nhiều so với khu vực FDI, nhưng thực tế "thực lực vốn vẫn chưa được phát huy tốt".

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tính theo cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân chỉ tạo ra đóng góp chưa tới 10% GDP; trong khi đó, tỷ lệ này của khối FDI lên tới 20%. Như vậy, rõ ràng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với tư cách động lực quan trọng nhất của tăng trưởng đang cần nghiên cứu xem xét lại. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu ra một số nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam, điển hình như hiện tượng GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, lãi suất lại quá cao; nền kinh tế dồi dào tiền nhưng doanh nghiệp lại “khát” vốn...

Bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép do biến động kinh tế toàn cầu, việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng như rượu, bia cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng. Đối với mặt hàng bia, VCCI đề xuất tăng thuế từ năm 2028, theo hướng mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nêu rõ, cần lưu ý rằng việc tăng thuế chưa chắc đạt được mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng nếu thiếu các bằng chứng khoa học xác đáng. Thậm chí, điều này có thể làm gia tăng tiêu thụ hàng lậu, hàng không chính thống, gây rủi ro cho sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài. Do đó, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng thu thuế

Chia sẻ tại Hội thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tăng thuế TTĐB cần được trong bối cảnh Chính phủ đang kiên định với mục tiêu tăng trưởng trên 8% để tạo tiền đề để tăng trưởng hai con số vào giai đoạn tiếp theo và Việt Nam đang phải ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Các khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp, nguồn động lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và đảm bảo tiếp tục đóng góp cho nguồn thu ngân sách lại càng tăng thêm bội phần. Mặc dù việc sửa đổi Luật thuế TTĐB là hết sức cần thiết nhưng cần xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng thu thuế như trường hợp nước giải khát có đường trong bối cảnh mới hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tại kỳ họp thứ 8 và tại nhiều hội thảo, tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá toàn diện vì ngành cũng đã chia sẻ rất nhiều các nghiên cứu, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì và không đảm bảo tính công bằng, hợp lý. Vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phí. Đặc biệt, nước giải khát có đường không phải là yếu tố chính gây ra tác hại tăng trọng, béo phì cho trẻ em. Rõ ràng, trẻ em béo phì bị tác động bởi nhiều khía cạnh khác nhau như ăn uống thực phẩm chế biến sẵn, trà sữa… Không phải nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây tăng trọng, béo phì cho trẻ em, mà có nhiều yếu tố tác động khác nhau. Hơn nữa, cũng có nghiên cứu cho thấy, 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang thức uống đường phố, có chứa đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ ngành đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, trong đó có mặt hàng nước giải khát có đường, giảm giãn một số loại thuế phí. Trong khi đó, dự thảo thuế TTĐB lại áp thuế với mặt hàng này khi mà cơ sở chưa được rõ ràng, thuyết phục và ảnh hưởng tới động lực kích cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, chúng ta cần phải lưu ý đảm bảo niềm tin của các nhà đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, minh bạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ nêu quan điểm tại Hội thảo.

Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cho rằng, quyết định tăng thuế là một vấn đề quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường.

Theo báo cáo của Ủy ban, dự báo đến năm 2030, có 2 triệu trẻ em Việt Nam sẽ bị tình trạng béo phì. Do đó, chúng ta cần hài hòa lợi ích chung, nhưng cần chú trọng bảo vệ quyền trẻ em và cao hơn là quyền con người. Thậm chí cần nghĩ tới việc đánh thuế vào nước có đường hay đường, liên quan đến các loại kẹo cũng chứa hàm lượng đường rất cao. Tuy nhiên, câu chuyện này cần nhìn từ mọi góc độ, cần tìm kiếm phương pháp hài hòa với doanh nghiệp, tìm kiếm lộ trình, thời điểm phù hợp.

Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế TTĐB với các mặt hàng

Trước những ý kiến của các ĐBQH, doanh nghiệp, chuyên gia, ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo dự án Luật này và phải bám sát vào chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg.

Ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính.

Vừa qua, Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, tác động mạnh đến kinh doanh cũng như tâm lý của các doanh nghiệp và của cả Việt Nam, các nước trên thế giới. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Chính phủ đã lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án Luật Thuế TTĐB. Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội một số nội dung điều chỉnh, cụ thể:

Một là, giãn lộ trình tăng thuế TTĐB với các mặt hàng trong dự thảo Luật, trong đó có mặt hàng bia, rượu. Trước đây, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng thuế là phương án 2, thì hiện nay, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án 1 đã trình trước đây.

Hai là, có thể giãn lộ trình. Cụ thể, lùi thời gian thực hiện từ năm 2026 sang năm 2027.

Ông Lưu Đức Huy cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phương án để đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 9.

Theo: quochoi.vn

Cùng chuyên mục

Thống nhất quản lý hành chính với quân sự và kinh tế - xã hội theo vùng lãnh thổ

Thống nhất quản lý hành chính với quân sự và kinh tế - xã hội theo vùng lãnh thổ

Tầm nhìn - Chính sách -  22 giờ trước

(PLPT) - Mô hình quản lý theo vùng thống nhất về hành chính, quân sự, kinh tế - xã hội kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một giải pháp cải cách ít phức tạp, mang lại một hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản và hiệu quả; vừa đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, vừa không gây xáo trộn lớn đến cơ cấu hành chính hiện tại cũng như ảnh hưởng đến những giá trị tinh thần khác của người dân.

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh không phải ‘2 cộng 2 bằng 4’ mà ‘2 cộng 2 lớn hơn 4’

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh không phải ‘2 cộng 2 bằng 4’ mà ‘2 cộng 2 lớn hơn 4’

Tầm nhìn - Chính sách -  1 ngày trước

Tổng Bí thư chỉ rõ việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển; không đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”.

Thủ tướng: Kỳ họp sắp tới của Quốc hội 'quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này'

Thủ tướng: Kỳ họp sắp tới của Quốc hội 'quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này'

Tầm nhìn - Chính sách -  1 ngày trước

Sáng 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri là đại diện doanh nghiệp trên địa bàn trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Tầm nhìn - Chính sách -  1 ngày trước

Chiều 14/4/2025, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền

Trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

(PLPT) - Theo Nghị quyết, sau sắp xếp đơn vị hành chính, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ cho ý kiến về 6 dự án luật, nghị quyết

Chính phủ cho ý kiến về 6 dự án luật, nghị quyết

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

(PLPT) - Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Chi tiết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Chi tiết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.