1. Nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thăm
chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 27 - 29/4/2025, Thủ
tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 28/4/2025 tại
Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
2. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh
mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật
Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới sau hơn 01 năm nâng
cấp, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song
phương Việt Nam - Nhật Bản hướng tới kỷ nguyên mới của Việt Nam. Các nội dung
liên quan đến thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể quan trọng, bao gồm an ninh -
quốc phòng - ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, văn
hóa – giáo dục, hợp tác trong các cơ chế đa phương và kế hoạch trong thời gian
tới được đề cập tại các điểm 3,4,5,6 như dưới đây.
3. Về hợp tác chính trị - an ninh - quốc phòng - ngoại giao
(1) Hai Thủ tướng khẳng định duy trì giao lưu, tiếp
xúc cấp cao hàng năm, tăng cường giao lưu trên tất cả các kênh, các cấp, qua đó
góp phần củng cố tin cậy chính trị - nền tảng quan trọng của quan hệ hợp tác
song phương Việt Nam - Nhật Bản.
(2) Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển và nhất
trí tiếp tục giao các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại
song phương, bao gồm các cơ chế như Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Ủy ban
hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp, Ủy ban hỗn hợp về khoa học và
công nghệ Việt Nam - Nhật Bản, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ
nguyên mới, Đối thoại Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại an
ninh cấp Thứ trưởng Việt - Nhật, Đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt - Nhật,
Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại biển Việt Nam - Nhật Bản...
Hai Thủ tướng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ hướng tới tái khởi động cơ chế Ủy
ban hỗn hợp về khoa học và công nghệ vào năm 2026. Ngoài ra, hai bên nhất trí
thúc đẩy hơn nữa cơ chế Đối thoại biển.
(3) Hai Thủ tướng đánh giá cao tiến triển thực chất
trong hợp tác, giao lưu quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước, nhất trí tăng
cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bao gồm phối hợp hơn nữa hướng
tới xây dựng các dự án hợp tác trang thiết bị, công nghệ quốc phòng. Nhằm tăng
cường đối thoại chiến lược giữa hai nước, hai Thủ tướng nhất trí thiết lập cơ
chế Đối thoại 2+2 cấp Thứ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng và tổ chức cuộc họp lần
đầu tiên tại Nhật Bản trong năm 2025. Về Chương trình Viện trợ an ninh chính thức
(OSA) của Nhật Bản, phía Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu và phản hồi lại nếu có
nhu cầu cụ thể.
(4) Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển trong hợp
tác giữa hai bên trong lĩnh vực bảo đảm an toàn, an ninh trên biển; nhất trí
thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh trên biển của
Việt Nam.
(5) Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục tăng cường hợp
tác trên các lĩnh vực an ninh, tình báo và cảnh sát; nhất trí mở rộng hợp tác
trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho công dân nước này sinh sống tại nước
kia về pháp luật và quy định của nước sở tại, cũng như trong ứng phó, giải quyết
các thách thức trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an
ninh kinh tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức quốc tế bao gồm lừa đảo trực tuyến
và qua điện thoại từ nước ngoài, tội phạm mạng và buôn bán người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
4. Về tăng cường quan hệ kinh tế
(1) Hai Thủ tướng nhất trí việc cải thiện môi trường đầu
tư một cách rõ ràng, bao gồm cải cách thủ tục hành chính trong kỷ nguyên mới của
Việt Nam là cần thiết và không thế thiếu đối với sự phát triển hơn nữa của quan
hệ kinh tế Việt – Nhật. Hai bên nhất trí nghiên cứu khả năng hợp tác trong các
lĩnh vực cùng quan tâm như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử, DX/GX,
năng lượng, cơ sở hạ tầng chiến lược, phòng chống thiên tai, đào tạo nguồn nhân
lực, chuỗi cung ứng.
(2) Trên cơ sở rà soát tiến độ các dự án trong Danh mục
các dự án hợp tác kinh tế Việt - Nhật (fact - sheet) đã được hai bên xác định
ưu tiên thúc đẩy tại hội đàm cấp cao Việt - Nhật vào tháng 12/2023, hai Thủ tướng
đánh giá cao những tiến triển tích cực, đặc biệt là các tiến triển rõ rệt như
việc khánh thành Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Thành phố Hồ Chí Minh - dự
án có thể coi là biểu tượng của hợp tác kinh tế Việt - Nhật, hoàn thành mở rộng
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, triển
khai Dự án đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh viêm gan virus tại Việt Nam,
Chính phủ Việt Nam có đề nghị chính thức đối với Dự án xây dựng Trường Đại học
Việt - Nhật sử dụng vốn vay ODA...
(3) Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ
nhằm giải quyết các khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án hợp tác ODA, FDI đang
triển khai, tạo cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục xây dựng, triển khai các dự
án hợp tác mới trong thời gian tới. Hai Thủ tướng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy
các nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước thông qua tận dụng
nguồn vốn tư nhân và công nghệ tiên tiến, đồng thời cân nhắc đến các yêu cầu của
phía Việt Nam, hướng tới làm sôi động hóa nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong kỷ
nguyên mới, thúc đẩy ký kết văn bản cam kết giữa hai nước hướng tới tạo thuận lợi
cho việc thực hiện các dự án viện trợ không hoàn lại trong năm 2025, cũng như
cân nhắc khả năng hợp tác tại các dự án liên quan tới đường sắt đô thị, ứng phó
với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường đô thị, nâng cao năng lực chấp pháp,
trên cơ sở những tiến triển của các nỗ lực trên.
(4) Hai Thủ tướng hoan nghênh đề xuất Danh mục fact -
sheet kèm theo về các Dự án hợp tác Việt - Nhật (giai đoạn 1) với tổng quy mô
khoảng 20 tỷ USD và những tiến triển về hợp tác công - tư giữa JBIC và các
doanh nghiệp Nhật Bản trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và nhất trí thúc đẩy
hợp tác nhằm hiện thực hóa các dự án này, cũng như các nỗ lực hơn nữa về các dự
án phát điện sinh khối, trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc của Cộng đồng phát thải
ròng bằng 0 châu Á (AZEC) về bảo đảm cân bằng giữa giảm phát thải, tăng trưởng
kinh tế, an ninh năng lượng, cũng như thực hiện trung hòa các-bon thông qua nhiều
hình thức đa dạng phù hợp với tình hình của mỗi nước. Hướng tới xây dựng các
nhà máy nhiệt điện LNG tại Việt Nam trong thời gian tới, hai Thủ tướng khẳng định
hai bên sẽ nỗ lực bảo đảm môi trường kinh doanh cần thiết, trong đó có mặt cơ
chế, pháp lý và triển khai, với tiền đề là sự tuân thủ quy định pháp luật Việt
Nam và trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho cả Việt Nam và Nhật Bản. Hai Thủ tướng
cũng khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
(5) Hai Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan, tổ chức
kinh tế của Nhật Bản, trong đó có JBIC phát triển các dự án hỗ trợ cho các
doanh nghiệp tầm trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản nhằm mục đích đầu
tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, cũng như để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp
tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam. Phía Nhật Bản ghi
nhận tích cực đối với đề xuất về 29 Dự án mà phía Việt Nam mong muốn thực hiện
hướng tới giảm phát thải.
(6) Để giảm chênh lệch giữa địa phương và các thành phố,
tăng cường khả năng phục hồi ứng phó với thiên tai, hai Thủ tướng nhất trí thúc
đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nhất là các biện pháp ứng phó
với biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt, sạt lở… ở khu vực nông thôn miền Bắc
Việt Nam.
(7) Trên cơ sở mục tiêu Việt Nam sẽ đào tạo được
50.000 chuyên gia ngành bán dẫn đến năm 2030, hai Thủ tướng nhất trí sẽ thúc đẩy
phát triển nguồn nhân lực về bán dẫn thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục đại
học trong đó bao gồm Trường Đại học Việt - Nhật, các trường cao đẳng kỹ thuật
và các viện nghiên cứu. Cụ thể, hai Thủ tướng nhất trí về việc Nhật Bản sẽ tiếp
nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, hướng
tới mục tiêu đào tạo 500 tiến sĩ ngành bán dẫn của Việt Nam, thông qua chương
trình nghiên cứu chung quốc tế của Dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo Nhật Bản - ASEAN (NEXUS), cũng như thúc đẩy Chương trình nghiên cứu
khoa học Sakura về giao lưu nhân lực thế hệ mới trong lĩnh vực khoa học - công
nghệ tiên tiến, trong đó có lĩnh vực bán dẫn.
(8) Để tăng cường hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực
- lực lượng gánh vác tương lai của hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản và giữ vai
trò công dân toàn cầu, hai Thủ tướng khẳng định sẽ phát triển Trường Đại học Việt
- Nhật, một dự án mang tính biểu tượng trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực
giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh quyết định của
phía Nhật Bản về gói hỗ trợ kỹ thuật lần thứ 3 đối với Dự án. Hai Thủ tướng ghi
nhận mong muốn của phía Việt Nam về việc khởi công xây dựng Trường Đại học Việt
- Nhật trong năm tài chính 2026, nhất trí đẩy nhanh các thủ tục cần thiết.
(9) Hai Thủ tướng nhất trí đưa hợp tác trong lĩnh vực
khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành trụ cột mới
trong quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản, bao gồm việc phía Nhật Bản sẽ hỗ
trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn
thông qua đồng tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu chung về bán dẫn trong
khuôn khổ Chương trình NEXUS, cũng như nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực
trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử...
(10) Hai Thủ tướng nhất trí Dự án phóng và vận hành vệ
tinh quan sát trái đất sẽ mở rộng không gian hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam
lên tầm cao mới và hai nước sẽ tiếp tục phối hợp, bao gồm thúc đẩy hợp tác đào
tạo nguồn nhân lực…, nhằm thực hiện thành công Dự án này, trong đó có việc
phóng vệ tinh LOTUSat - 1 sớm nhất có thể.
(11) Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển trong
hợp tác y tế giữa hai nước, nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác y tế giữa hai
nước trong các lĩnh vực phòng chống các bềnh truyền nhiễm, ung thư, các bệnh
không lây nhiễm (NCDs), già hóa dân số, y tế cho người cao tuổi, y dược phẩm,
trang thiết bị y tế. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các biện
pháp cần thiết của mỗi bên nhằm hướng tới khởi công Dự án Xây dựng Bệnh viện Hữu
nghị Việt - Nhật Chợ Rẫy cơ sở 2 trước cuối năm tài chính 2026. Bên cạnh đó,
hai Thủ tướng hoan nghênh việc tiếp nhận, đào tạo nhân lực Việt Nam trong lĩnh
vực y tế, sức khỏe vào khoa y của các trường đại học của Nhật Bản, nhất trí phối
hợp giữa hai nước để triển khai thuận lợi chương trình này.
(12) Hai Thủ tướng nhất trí hoàn thiện Tầm nhìn trung
và dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2025, đồng thời
thúc đẩy hợp tác về số hóa, phi các-bon hóa… nhằm xây dựng và củng cố hệ thống
nông nghiệp và thực phẩm bền vững, có khả năng phục hồi để đảm bảo an ninh
lương thực ở cả hai nước.
(13) Hai Thủ tướng nhất trí đẩy nhanh hơn nữa các cuộc
tham vấn chuyên gia liên Chính phủ để thống nhất các biện pháp kiểm dịch thực vật,
hướng tới hoàn thành thủ tục mở cửa thị trường đối với quả nho Nhật Bản và quả
bưởi Việt Nam sớm nhất có thể.
(14) Hai Thủ tướng nhất trí trong mùa hè năm nay sẽ bắt
đầu triển khai tham vấn liên Chính phủ về Hiệp định Bảo hiểm Việt Nam - Nhật Bản.
(15) Về đối phó với hành vi vi phạm bản quyền trên
không gian mạng, hai Thủ tướng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan
liên quan, cùng phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ, cũng như các bên liên quan
khác như các cơ quan, đoàn thể, đơn vị cảnh sát…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru gặp gỡ báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
5. Về giao lưu nhân dân - hợp tác địa phương:
(1) Hai Thủ tướng đánh giá cao việc số lượng người Việt
Nam tại Nhật Bản năm 2024 đạt hơn 600.000 người, tập trung chủ yếu là thực tập
sinh, lao động kỹ năng đặc định và số lượng khách du lịch, thăm lại Nhật Bản
cũng đạt tới mức 620.000 người; nhất trí cần tạo môi trường thuận lợi cho công
dân hai nước đi lại nhằm thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân, hướng tới mục
tiêu về lượng khách du lịch qua lại đạt mức 2 triệu lượt khách mỗi năm. Chính
phủ Nhật Bản ghi nhận tích cực mong muốn của Chính phủ Việt Nam về việc Nhật Bản
đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, mở rộng diện cấp thị thực điện tử và cấp thị
thực ra vào nhiều lần cho công dân Việt Nam, khẳng định sẽ tuyên truyền, phổ biến
cho công dân nước này sinh sống tại nước kia về pháp luật và quy định của nước
sở tại.
(2) Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy xây dựng Biên bản
ghi nhớ hợp tác về chương trình lao động mới "việc làm để phát triển kỹ
năng" trong năm 2025. Chính phủ Nhật Bản tái khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực
cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống và an sinh xã hội
của người Việt Nam tại Nhật Bản.
(3) Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về cách thức
nhằm dẫn độ người phạm tội một cách thuận lợi.
(4) Hai Thủ tướng đánh giá cao tiến triển mới trong hợp
tác giữa các địa phương hai nước trong thời gian qua và nhất trí thảo luận về
tăng cường hơn nữa sự qua lại giữa người dân hai nước, phối hợp tích cực hướng
tới tổ chức Diễn đàn hợp tác địa phương Việt – Nhật do phía Việt Nam chủ trì dự
kiến vào cuối năm 2025.
(5) Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ hướng tới
thành công của sự kiện Triển lãm Kansai - Osaka trong năm 2025, bao gồm tổ chức
thành công Ngày Việt Nam (9/9) trong khuôn khổ sự kiện. Hai Thủ tướng nhất trí
tiếp tục trao đổi tích cực về khả năng tham gia của Việt Nam tại sự kiện GREEN
x EXPO 2027 do Nhật Bản chủ trì.
(5) Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác
văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua việc tận dụng Đối tác Đồng sáng tạo
Thế hệ Mới - Văn hóa WA 2.0, trên cơ sở kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tổ
chức thành công các liên hoan nghệ thuật tại địa phương, bao gồm Liên hoan nghệ
thuật quốc tế Setouchi, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển khu vực, quốc tế
hóa cũng như nâng cao giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
(6) Hai Thủ tướng khẳng định thúc đẩy đào tạo tiếng Nhật,
tăng cường du học sinh sang Nhật Bản trên cơ ở Thỏa thuận về đào tạo tiếng Nhật
vừa được ký kết.
6. Về hợp tác tại trường quốc tế
(1) Hai Thủ tướng một lần nữa khẳng định nhận thức và
cam kết đã được nêu tại "Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật
Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và
trên thế giới" vào tháng 11/2023, đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác toàn
diện về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như hợp tác tại các
diễn đàn đa phương, trong đó có ASEAN. Hai Thủ tướng nhất trí việc thông qua
thúc đẩy hợp tác toàn diện để đóng góp vào duy trì, củng cố trật tự quốc tế tự
do và rộng mở dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế và thể chế thương mại tự do
đa phương, cũng như đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc duy trì hoà bình, ổn
định, thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục phát huy
vai trò quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển ở khu vực và trên thế giới.
(2) Thủ tướng Ishiba đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức
thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 và Hội nghị Thượng đỉnh P4G vừa
qua; tái khẳng định ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2027.
Hai Thủ tướng nhất trí giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ tổ chức
thành công Hội nghị Bộ trưởng Mê Công - Nhật lần thứ 16 và nỗ lực sớm nối lại Hội
nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản.
Danh mục các dự án “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản dự án thí điểm lần 1”
1. Dự án quản lý năng lượng trong các khu công nghiệp
kết hợp năng lượng tái tạo, DR, pin lưu trữ… tại khu công nghiệp DEEP C Hải
Phòng
2. Dự án điện khí LNG Vân Phong 2
3. Chuỗi dự án khí - điện lô B
4. Dự án đồng đốt ammoniac tại nhà máy nhiệt điện của
EVN
5. Dự án giảm phát thải các-bon và quản lý năng lượng
tại thành phố thông minh Smart city Bắc Hà Nội và khu công nghiệp Thăng Long (tại
chỗ)
6. Dự án DPPA triển khai chung trong Tập đoàn Toyota
Tsusho tại Việt Nam
7. Dự án điện gió V1 - 2 mở rộng tại tỉnh Trà Vinh
8. Dự án điện khí LNG Quảng Ninh
9. Dự án cho vay hai bước dành cho các ngân hàng sở tại
nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng mạng lưới truyền tải điện của JBIC (02 dự án)
10. Dự án thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh
Long Đức
11. Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn
12. Dự án phát triển điện gió ngoài khơi
13. Dự án giảm phát thải CO2 và thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn tại tỉnh Đồng Nai
(PLPT) - Chính phủ quyết nghị về các dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
(PLPT) - Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm ngăn chặn, chống lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế Tiêu thu đặc biệt (sửa đổi), các ĐBQH, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.
(PLPT) - Mô hình quản lý theo vùng thống nhất về hành chính, quân sự, kinh tế - xã hội kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một giải pháp cải cách ít phức tạp, mang lại một hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản và hiệu quả; vừa đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, vừa không gây xáo trộn lớn đến cơ cấu hành chính hiện tại cũng như ảnh hưởng đến những giá trị tinh thần khác của người dân.
Tổng Bí thư chỉ rõ việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển; không đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”.
Sáng 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri là đại diện doanh nghiệp trên địa bàn trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chiều 14/4/2025, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền.