Tầm nhìn - Chính sách

Thống nhất quản lý hành chính với quân sự và kinh tế - xã hội theo vùng lãnh thổ

Lê Viết Hải Thứ ba, 22/04/2025 - 09:08
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Mô hình quản lý theo vùng thống nhất về hành chính, quân sự, kinh tế - xã hội kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một giải pháp cải cách ít phức tạp, mang lại một hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản và hiệu quả; vừa đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, vừa không gây xáo trộn lớn đến cơ cấu hành chính hiện tại cũng như ảnh hưởng đến những giá trị tinh thần khác của người dân.

Tóm tắt: Công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra mạnh mẽ. Mục tiêu "tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu suất làm việc của các cơ quan nhà nước" đã được đưa ra, đúng với nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là xác định được giải pháp tối ưu có thể thỏa mãn yêu cầu cải cách một cách toàn diện, để mọi hoạt động của xã hội - từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, ngoại giao đến an ninh, quốc phòng; từ trung ương đến từng địa phương đều diễn ra thuận lợi, phát triển mạnh mẽ và ổn định, bền vững.

Từ khóa: thống nhất, quản lý hành chính, tinh gọn bộ máy, quản lý đa ngành

Những yếu tố cần phải quan tâm khi sắp xếp lại bộ máy

Để đạt mục tiêu đề ra một cách toàn diện, cần thực hiện hoạt động này với sự nghiên cứu, phân tích một cách khoa học, tất cả các điều kiện, tiêu chí có ảnh hưởng đến sự hình thành các đơn vị hành chính. Trong số đó, cần chú trọng đánh giá công tác quy hoạch theo vùng được xây dựng trên 03 lĩnh vực trọng yếu: hành chính, quân sự và kinh tế - xã hội. Đây là một trong những điều kiện quyết định sự thành công trong quản lý điều hành một nước lớn có quy mô dân số lên đến 100 triệu dân, gấp hàng chục lần một nước có dân số ở mức trung bình của châu Âu. Quy hoạch chứa đựng nhiều giá trị đặc thù cho mỗi vùng ở mỗi khía cạnh cụ thể. Vấn đề đặt ra là tìm được mẫu số chung, tức phương án phân vùng phù hợp cho tất cả các lĩnh vực bao gồm hành chính, quân sự và kinh tế - xã hội. Các quy hoạch về hành chính, quân sự và kinh tế - xã hội đều hướng tới giá trị nhất định trong sự hình thành vùng. Ví dụ, quy hoạch về an ninh, quốc phòng dẫn tới sự hình thành các quân khu với chức năng cơ bản là đảm bảo sự thuận lợi trong tổ chức quản lý quân đội, phối hợp tác chiến hiệu quả nhằm bảo vệ lãnh thổ trong phạm vi quân khu và toàn lãnh thổ, xây dựng và củng cố hiệu quả nền quốc phòng toàn dân ở từng địa phương. Tuy nhiên, dù mục đích chính là tác chiến, sự phân chia quân khu không thể không gắn với các yếu tố như quản lý hành chính, kinh tế, xã hội, dân cư và điều kiện địa lý, nhu cầu sử dụng đất, khai thác tài nguyên cũng như nguồn nhân lực.

Tương tự, quy hoạch kinh tế - xã hội gắn với việc hình thành các vùng kinh tế. Vùng kinh tế là bộ phận kinh tế đặc thù của nền kinh tế quốc dân, có xét đến sự chuyên môn hóa sản xuất của vùng kết hợp chặt chẽ và cân đối với phát triển tổng hợp nền kinh tế quốc gia. Vùng kinh tế là thực thể kết quả của các đòi hỏi khác nhau của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ, vốn được coi là động lực của sự hình thành vùng kinh tế. Thông thường, quy hoạch vùng thành các quân khu (về giá trị tác chiến) và vùng kinh tế (về giá trị chuyên môn hóa sản xuất) cần phải có sự ổn định lâu dài và cùng với nó là sự ổn định của địa giới hành chính - lãnh thổ.

Trong việc triển khai chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, vấn đề được đặt ra là sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện. Đây quả là những thách thức vô cùng lớn đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam trên phương diện pháp quyền cùng với những thách thức về chính trị và xã hội. Thực tế việc Bộ Nội vụ thông báo tạm dừng việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho thấy sự cẩn trọng và trách nhiệm của Chính phủ trong quá trình cải cách và mới đây đã có thông báo của Quốc hội khuyến khích người dân góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp về vấn đề cải cách hành chính quốc gia. Điều này mở ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các phương án với việc cân đong đo đếm một cách khoa học các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Việc đánh giá tác động của mỗi phương án sắp xếp lại hệ thống quản lý hành chính cần được thực hiện toàn diện, xem xét từ nhiều góc độ. Hơn nữa, những thay đổi cơ bản trong tổ chức bộ máy nhà nước cần được thực hiện sau khi có sự thay đổi Hiến pháp - đây là một thách thức không nhỏ.

Thành lập khu kết hợp các mục tiêu kinh tế, quốc phòng và quản lý hành chính

Rõ ràng việc tinh giản bộ máy hành chính nhà nước được triển khai thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức phức tạp cần sự cân nhắc hết sức thận trọng đặc biệt trong việc sáp nhập các tỉnh bởi:

Thứ nhất, việc sáp nhập tỉnh đòi hỏi phải có những nguồn lực tài chính mạnh mẽ để xử lý những chi phí phát sinh mà theo dự tính của nhiều chuyên gia không hề nhỏ.

Thứ hai, với việc sáp nhập 2 hoặc 3 tỉnh với nhau sẽ tăng gánh nặng thêm cho tỉnh không chỉ gấp đôi gấp 3 mà tăng lên hàng chục lần bởi sau khi xoá bỏ huyện tỉnh còn phải gánh chức năng nhiệm vụ của các huyện. Số đơn vị hành chính mà tỉnh phải quản lý sẽ rất lớn (trung bình là 300 xã). Cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết những khó khăn khi cấp tỉnh quản lý trực tiếp cấp xã: sự quá tải có thể dẫn đến mất kiểm soát và có thể gây ra sự trì trệ của bộ máy nhà nước. Chỉ riêng việc theo dõi, đánh giá, đề bạt và bổ nhiệm lãnh đạo cấp xã cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn và có thể việc bổ nhiệm hàng trăm lãnh đạo cấp xã đều sẽ làm qua loa cho đúng theo qui trình để có sự hợp lệ chứ không bảo đảm chất lượng trong việc chọn đúng người tài đức được vì rất khó cho một lãnh đạo cấp tỉnh thấu hiểu, sâu sát để đánh giá hàng ngàn cán bộ cấp xã được (mỗi tỉnh quản lý khoảng 300 xã nên số cán bộ lãnh đạo xã do tỉnh bổ nhiệm sẽ lên đến hàng ngàn và số ứng viên sẽ lên đến vài ngàn). Cần tìm giải pháp hỗ trợ bằng công nghệ và quy chế hoạt động hiệu quả để giải quyết những vấn đề phát sinh có thể rất phức tạp.

Thứ ba, đất nước đã có không ít lần việc sáp nhập tỉnh nhưng không mang lại kết quả tốt đẹp và cuối cùng sau một thời gian khá dài đã phải tách ra. Sự ổn định địa giới hành chính, lãnh thổ cấp tỉnh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế vùng, quốc phòng là rất quan trọng. Do vậy, việc sáp nhập tỉnh cần được thực hiện với những đánh giá sâu, toàn diện và cẩn trọng để tránh lặp lại những việc chia tách trong tương lai.

Nếu việc việc sáp nhập tỉnh là chủ trương không thể thay đổi của Đảng và Nhà nước thì khi nhập tỉnh vẫn cần có sự thống nhất quản lý vùng hành chính với khu quân sự, vùng kinh tế - xã hội vì đây là ba lĩnh vực có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh thành, 6 vùng kinh tế, 7 quân khu. Việc phân vùng không đồng bộ sẽ nảy sinh nhiều rắc rối trong điều hành. Ví dụ, khi có một dự án ở vùng hành chính A nhưng thuộc vùng kinh tế - xã hội B và vùng quân sự C, lúc đó nếu có sự không thống nhất giữa các vùng sẽ rất khó đưa ra quyết định và dự án có thể bị đình trệ thậm chí không thực hiện được. Việc chưa có sự thống nhất có thể do lịch sử để lại hoặc/và vì lý do chính trị. Dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta cũng cần tìm cách khắc phục những mặt hạn chế khi đi đến sự thống nhất quản lý hành chính với kinh tế - xã hội và quân sự theo vùng lãnh thổ, bởi sự hợp lý và những ích lợi rõ ràng mà phương án này mang lại.

Tổ chức các đơn vị hành chính theo hướng tập trung quản lý thống nhất cả về kinh tế - xã hội, hành chính và quân sự theo vùng sẽ đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện. Mô hình này sẽ giúp thống nhất chỉ đạo, tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý, hơn nữa, sẽ tinh gọn bộ máy vì một vùng chỉ cần một bộ máy chịu trách nhiệm quản lý chung cả ba mặt: hành chính, kinh tế - xã hội và quân sự.

Chúng ta có thể phân chia thành 9 vùng chính bao gồm: Vùng Đông Bắc Bộ, Vùng Tây Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội, Vùng Bắc Trung Bộ, Vùng Nam Trung Bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Tây Nam Bộ. Gọi một cách ngắn gọn: Vùng Đông Bắc, Vùng Tây Bắc, Hà Nội, Vùng Bắc Trung, Vùng Nam Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Tây Nam. Việc sáp nhập tỉnh cần gắn với các khu như vậy. Các thực thể quản lý chức năng sẽ được thành lập theo khu như tòa án, kiểm sát, quân đội. Khu không phải là một đơn vị hành chính lãnh thổ mà mà là vùng địa chính trị - kinh tế của đất nước. Khi đó, cấu trúc quản lý hành chính quốc gia sẽ có Chính phủ Trung ương, UBND tỉnh, UBND xã song một số hoạt động quản lý chức năng được thực hiện dựa trên các khu vực địa chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước.

Theo mô hình này, mỗi vùng sẽ quản lý số lượng tỉnh trung bình là 61 chia cho 7 (trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) tức gần bằng 9 tỉnh và dân số trung bình là 100 triệu chia cho 9, tức là gần 11 triệu dân. Một số hoạt động quản lý, tài phán được thực hiện bởi các cơ quan đóng tại các vùng và có phạm vi hoạt động trong vùng đó. Riêng chi phí đi lại để thực hiện hoạt động chức năng sẽ giảm được rất nhiều, từ đó nâng cao hiệu quả theo công thức chi phí/ lợi ích (Cost/benefit).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình cải cách hành chính

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt trong quá trình cải cách hành chính. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống giám sát hiện đại bằng camera thông minh, việc quản lý hành chính sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023. Một số địa phương đã đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình rất cao như TP. Đà Nẵng (95,56%), Cà Mau (91,99%), và Tây Ninh (91,98%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ thấp dưới 5%, với trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.

Tiếp nhận hồ sơ trực tuyến là một bước khởi đầu rất quan trọng trong ứng dụng AI. Để đảm bảo hiệu quả của cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, giảm sự nhũng nhiễu và tiêu cực, cần xây dựng nền tảng về quản lý hành chính công dựa trên các ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence). AI đảm bảo tuyệt đại đa số dịch vụ hành chính công đều được xử lý tự động bằng những công cụ hiện đại nhất. Hệ thống camera thông minh và công nghệ tương tác qua mạng với người dân cần được trang bị đầy đủ để giám sát an ninh và người dân có thể làm việc như trực tiếp với quan chức, với nhà nước mà không cần đến tận cơ quan hành chính.

Với nền tảng này, người dân trong xã dù ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể thực hiện các thủ tục hành chính với sự trợ giúp của những nhân viên hành chính ở xa các khu dân cư. Các điểm giao dịch có thể được đặt tại nhiều vị trí thuận tiện. Tiến xa hơn người dân có thể làm các thủ tục hành chính tại nhà. Các giấy đăng ký kêt hôn, khai sinh, khai tử... đều có thể truy xuất và in ra trên cổng thông tin của Chính phủ. Điều này giúp người dân và Nhà nước tiết kiệm rất nhiêu thời gian và chi phí. Camera thông minh cần nhận biết nhân dạng và xác định được nhân thân của từng người. Cần đảm bảo hệ thống này thay thế hiệu quả cho lực lượng công an, giữ gìn tốt an ninh trên mọi miền đất nước.

Bảo tồn địa danh và bản sắc văn hóa địa phương

Một điểm quan trọng khác cần lưu ý trong quá trình tái cấu trúc là việc bảo tồn địa danh và bản sắc văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương. Mỗi tỉnh, thậm chí mỗi xã đều có những đặc trưng văn hóa, lịch sử, truyền thống riêng cần được tôn trọng và gìn giữ. Việc duy trì ranh giới hành chính tỉnh, xã hiện tại và chỉ thêm cấp vùng sẽ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương đã được hình thành qua nhiều thế hệ, với những địa danh quen thuộc, thiết thân và cũng là niềm tự hào của bao thế hệ qua hàng trăm, hàng ngàn năm hình thành. Các tỉnh, thành phố tại Việt Nam không chỉ là đơn vị hành chính thuần túy mà còn là những thực thể văn hóa với bề dày lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và ngôn ngữ địa phương đặc trưng.

Tóm lại, mô hình bổ sung 9 đơn vị hành chính cấp vùng, giảm đi hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện hoặc hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, trong khi vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Thay vì xóa bỏ hay hòa trộn các nét văn hóa đặc trưng khác nhau khi sáp nhập hai hoặc ba tỉnh thành một tỉnh, mô hình vùng tạo điều kiện để các nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi tỉnh cùng tồn tại, bổ sung cho nhau và cùng phát triển. Bằng cách này, chúng ta vừa đảm bảo được hiệu quả quản lý hành chính, vừa bảo tồn được đa dạng văn hóa - một tài sản vô giá của đất nước. Mô hình quản lý theo vùng thống nhất về hành chính, quân sự, kinh tế - xã hội kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một giải pháp cải cách ít phức tạp, mang lại một hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản và hiệu quả; vừa đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, vừa không gây xáo trộn lớn đến cơ cấu hành chính hiện tại cũng như ảnh hưởng đến những giá trị tinh thần khác của người dân.

Với mục tiêu tăng trưởng cao đã được đặt ra, việc cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà là điều kiện tiên quyết. Như Tổng Bí thư đã yêu cầu, cần cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh, giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, đưa Việt Nam vào nhóm ba nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ASEAN. Với chủ trương, chính sách đúng đắn của một Nhà nước luôn biết lắng nghe ý kiến của người dân, với sự quyết tâm cải cách của chính quyền và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo nên những bước tiến vượt bậc về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong khi vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc trưng, phong phú của từng địa phương, vùng miền.

* Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh không phải ‘2 cộng 2 bằng 4’ mà ‘2 cộng 2 lớn hơn 4’

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh không phải ‘2 cộng 2 bằng 4’ mà ‘2 cộng 2 lớn hơn 4’

Tầm nhìn - Chính sách -  17 giờ trước

Tổng Bí thư chỉ rõ việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển; không đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”.

Thủ tướng: Kỳ họp sắp tới của Quốc hội 'quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này'

Thủ tướng: Kỳ họp sắp tới của Quốc hội 'quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này'

Tầm nhìn - Chính sách -  17 giờ trước

Sáng 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri là đại diện doanh nghiệp trên địa bàn trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Tầm nhìn - Chính sách -  23 giờ trước

Chiều 14/4/2025, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền

Trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

(PLPT) - Theo Nghị quyết, sau sắp xếp đơn vị hành chính, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ cho ý kiến về 6 dự án luật, nghị quyết

Chính phủ cho ý kiến về 6 dự án luật, nghị quyết

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

(PLPT) - Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Chi tiết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Chi tiết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

Chiều 14/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiến hành hội đàm với đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.