Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài là vấn đề nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế và các quốc gia. Thực tiễn thu hồi tài sản cho thấy, với cách tiếp cận đúng và đầy đủ trong việc đưa ra các biện pháp cần thiết cũng như tăng cường hợp tác để thu hồi tài sản tham nhũng, cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia, khu vực đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bài viết nghiên cứu các quy định pháp luật quốc tế, kinh nghiệm lập pháp một số quốc gia từ đó đưa ra một số hàm ý cần thiết cho việc hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Từ khoá: Hợp tác quốc tế, pháp luật, thu hồi tài sản, tham nhũng.
Abstract: Recovery of corrupt assets involving foreign elements is an issue receiving attention from both the international community and countries. Asset recovery practice shows that, with the correct and complete approach in taking necessary measures as well as enhanced cooperation in corrupt asset recovey, the international community and many countries and regions have achieved positive results. The article studies international legal regulations and legislative experiences of some countries, thereby providing some necessary implications for improvement of Vietnamese legal regulations on international cooperation on corrupt asset recovery with foreign elements.
Keywords: International cooperation, law, asset recovery, corruption
Thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự là một quá trình phức tạp, vì những người phạm tội tham nhũng thường tìm cách tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài và “trú ẩn” tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới[1]. Hay một phần của một tội phạm có thể được thực hiện ở nước ngoài, như: người đưa hối lộ là pháp nhân đặt trụ sở chính ở nước ngoài hay người tham nhũng chuyển tiền tham nhũng ra nước ngoài thông qua nhiều định chế tài chính như ngân hàng, công ty tài chính của nhiều quốc gia khác nhau… để rửa tiền bất hợp pháp nhằm cản trở công tác tìm kiếm tài sản tham nhũng. Vì thế cho nên, để truy vết được tài sản tham nhũng, đòi hỏi các cơ quan thu hồi tài sản tham nhũng của các quốc gia cần hợp tác với nhau để thu thập chứng cứ. Do đó, hợp tác quốc tế đóng vai trò thiết yếu cho sự thành công của công tác thu hồi tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài[2]. Với nhận định tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng nên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong việc phòng và chống tham nhũng, trong đó bao gồm cả việc thu hồi tài sản. Tại Chương V, UNCAC đã ghi nhận và khuyến nghị các quốc gia thành viên quy định cụ thể về các biện pháp, thủ tục nhằm đảm bảo việc các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau sự hợp tác và trợ giúp tối đa trong vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Thực hiện theo khuyến nghị của UNCAC, pháp luật của Liên bang Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông, đều quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hồi tài sản tham nhũng.
Để đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp như sau:
Khi một quốc gia nhận được yêu cầu từ một quốc gia khác, quốc gia được yêu cầu sẽ thực hiện các thủ tục để xin cấp lệnh tịch thu và nếu lệnh tịch thu đó được cấp thì thi hành nó; hoặc thực hiện trong phạm vi được yêu cầu, một lệnh tịch thu do một toà án của quốc gia yêu cầu ban hành liên quan đến tài sản do phạm tội mà có, tài sản, thiết bị hoặc công cụ khác đang có trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu. Ngoài ra, quốc gia được yêu cầu sẽ áp dụng các biện pháp để nhận dạng, truy tìm và phong toả hay tạm giữ tài sản do phạm tội mà có, tài sản, thiết bị hoặc công cụ với mục đích cuối cùng là tịch thu theo lệnh của quốc gia yêu cầu hoặc của quốc gia được yêu cầu (Điều 55 UNCAC).
Để đảm bảo thực hiện yêu cầu tại Điều 55 nêu trên, UNCAC yêu cầu quốc gia công nhận hiệu lực thi hành đối với lệnh tịch thu được đưa ra bởi quốc gia khác; ra lệnh tịch thu tài sản có nguồn gốc nước ngoài theo phán quyết của tòa án; xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì lý do người này đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc trong các trường hợp thích hợp khác (Điều 54.1 UNCAC).
Bên cạnh đó, UNCAC còn yêu cầu quốc gia phong toả hoặc tạm giữ tài sản dựa trên một lệnh phong toả hoặc tạm giữ được ban hành bởi một toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu; phong toả hoặc tạm giữ tài sản dựa trên một đề nghị trong đó đưa ra những căn cứ hợp lý để quốc gia được yêu cầu tin rằng đã có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp này, và rằng tài sản đó sẽ chịu lệnh tịch thu; xem xét tiến hành các biện pháp bổ sung để cho phép các cơ quan có thẩm quyền bảo quản tài sản để tịch thu, chẳng hạn dựa trên cơ sở việc bắt giữ hoặc buộc tội hình sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến việc tịch thu những tài sản này (Điều 54.2 UNCAC).
Ngoài ra, UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước; cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó; cho phép toà án hay các cơ quan chức năng của mình khi ra quyết định tịch thu công nhận quốc gia có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội được quy định trong Công ước (Điều 53 UNCAC).
Liên bang Úc được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý và chính sách toàn diện, gồm: Bộ luật Hình sự năm 1995, Đạo luật Thu nhập từ hành vi phạm pháp năm 2002 (POCA), Đạo luật Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự năm 1987 (MACMA) và Đạo luật Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố năm 2006 (AML/CTF). Các văn bản trên đã cung cấp cơ sở pháp lý để xác định, thu giữ, tịch thu và trả lại tài sản có được từ việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong khuôn khổ G20, Úc đã xuất bản Hướng dẫn từng bước về thu hồi tài sản[3]. Đạo luật về Thu nhập từ hành vi phạm pháp năm 2002 dành Chương 2 quy định cụ thể, chi tiết về thủ tục thu hồi tài sản, bao gồm các thủ tục về đóng băng tài sản, cấm chuyển dịch, các trường hợp tịch thu tài sản, quản lý tài sản.
Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng ở Úc được điều chỉnh bởi chỉnh bởi Đạo luật tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự năm 1987 (MACMA). Theo đó, Úc có thể cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào cho dù có tồn tại hay không tồn tại hiệp định song phương với Úc[4], từ các biện pháp tạm thời để xác định, định vị, truy vết tài sản tham nhũng đang tọa lạc tại Úc, như: lệnh giám sát, lệnh khám xét, lệnh cấm chuyển dịch tài sản trong nước có thời hạn trong khi chờ đợi lệnh cấm chuyển dịch của nước ngoài, đến thi hành tịch thu tài sản, thực thi lệnh phạt tiền[5]. Mục 34 MACMA cung cấp cơ sở cho việc thi hành các lệnh cấm chuyển dịch và lệnh tịch thu của nước ngoài tại Úc. MACMA cũng quy định một loạt các biện pháp hợp tác quốc tế, bao gồm thu thập bằng chứng và cung cấp tài liệu (Phần II), cũng như quyền điều tra liên quan đến tiền thu được từ tội phạm (Phần VIIA, phân mục CF)[6].
Liên bang Úc cung cấp đa dạng các hình thức tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến thu hồi tài sản, bao gồm:
- Yêu cầu được thực hiện theo hiệp ước: Úc là thành viên của hơn 25 hiệp định tương trợ song phương, như: Canada, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Vương Quốc Anh, Mỹ[7]. Các yêu cầu được đưa ra theo một hiệp ước/công ước song phương hoặc đa phương được thực hiện theo và phù hợp với Đạo luật Hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự của Úc (MACMA), tuân theo các quy định của hiệp ước/công ước liên quan. Chính quyền Úc có thể thi hành lệnh khám xét, thu thập bằng chứng từ một nhân chứng ở Úc, sắp xếp việc cung cấp tài liệu hoặc các vật phẩm khác, sắp xếp để các nhân chứng tù nhân đi ra nước ngoài, với sự đồng ý của họ, để đưa ra bằng chứng, và thực hiện hành động để đăng ký và thực thi các lệnh nước ngoài nhằm ngăn chặn và tịch thu số tiền thu được từ tội phạm. Úc cũng có thể cung cấp những hỗ trợ khác như lời khai của nhân chứng tự nguyện hoặc tống đạt tài liệu.[8]
- Các yêu cầu được đưa ra khi không có Hiệp ước: Úc có thể xem xét yêu cầu hỗ trợ từ bất kỳ quốc gia nước ngoài nào trong trường hợp không có hiệp ước/công ước theo nguyên tắc có đi có lại và tùy theo từng trường hợp cụ thể[9].
- Hỗ trợ giữa cảnh sát và cảnh sát: là một hình thức hợp tác giữa cảnh sát ở một quốc gia và cảnh sát ở một quốc gia khác nhằm trao đổi thông tin tình báo hoặc điều tra sơ bộ để xác định xem bằng chứng về hành vi phạm tội có ở nước ngoài hay không. Sự hỗ trợ giữa cảnh sát với cảnh sát thường được sử dụng ở giai đoạn đầu điều tra hoặc để thu thập bằng chứng mà không cần sử dụng quyền lực cưỡng chế[10].
Cơ quan Trung ương Hợp tác Tội phạm Quốc tế (ICCCA) trong AGD chịu trách nhiệm về tất cả các công việc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau. ICCCA có thể nhận được yêu cầu hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trực tiếp hoặc thông qua kênh ngoại giao. Khi nhận được yêu cầu tương trợ pháp lý từ nước ngoài yêu cầu đăng ký hoặc thi hành lệnh tịch thu nước ngoài, ICCCA sẽ xem xét yêu cầu đó để đảm bảo yêu cầu đó bao gồm đầy đủ thông tin, để đề nghị chính quyền Úc xem xét và tiến hành yêu cầu[11]. Theo báo cáo của Úc, từ năm 2019 đến 2021, Ủy ban Tham nhũng và Tội phạm Úc (CCC) đã nhận được 69 báo cáo về tài sản tiềm ẩn không giải thích được. Vào cuối năm 2021, 10 trường hợp đã bị Tòa án ra lệnh phong tỏa tài sản với trị giá 6 triệu đô la Úc và 02 trường hợp thì Tòa án Tối cao đã ra quyết định tịch thu tài sản trị giá 11,7 triệu đô la Úc[12]. Điển hình như vụ việc ông Paul Ronald Whyte là Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Nhà ở khi cơ quan này được sáp nhập vào Bộ Cộng đồng, khoảng tháng 8/2018 ACC nhận được thông tin cho thấy hành vi liên quan đến thói quen hành vi và lối sống đáng nghi ngờ với mức sống cao hơn mức thu nhập, nên đã mở một cuộc điều tra sơ bộ, kết quả điều tra thể hiện ông Whyte có được lợi ích từ 87 con ngựa đua, trong giai đoạn 2012 – 2019 ông Whyte đã chi tiêu cho gia đình ở mức cao khoảng 160.000 USD/năm và ông ta còn có tài sản là nhà tại 62 Johnston Street và 116 Palmerston Street, Mosman Park, đây là tài sản cao hơn so với mức thu nhập của ông ta nên, Úc đã mở cuộc điều tra đầy đủ mang tên Taurus. Tháng 10/2019, các cơ quan thực thi luật pháp đã tiến hành khám xét và bắt giữ ông Whyte và nộp đơn lên Tòa tối cao để xin lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của ông ta. Tháng 10/2020, Tòa án đã ra tuyên bố về lợi ích mà ông ta có được liên quan đến hành vi tham nhũng hình sự và ra lệnh tịch thu đối với tài sản của ông Whyte do cáo buộc có hành vi tham nhũng, kết quả Úc đã tịch thu các tài sản tại 62 Johnston Street và 116 Palmerston Street, Mosman Park, 1,4 triệu USD từ quỹ hưu bổng chính phủ phúc lợi xác định của ông Whyte và các khoản tiền phát sinh từ việc bán ngựa đua của ông ta[13].
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự tại Thụy Sĩ được thực hiện theo các đạo luật như: Bộ luật Hình sự (SCC - Luật số 311.0); Bộ luật Tố tụng hình sự (SCCrP – Luật số 312.0); Đạo luật Liên bang về phong tỏa và hoàn trả tài sản bất hợp pháp bị nắm giữ bởi người nước ngoài có liên quan đến chính trị (hay còn gọi là Đạo luật về tài sản bất hợp pháp của nước ngoài) (FIAA - Luật số 196.1). Các đạo luật trên của Thụy Sĩ xác định rõ mục tiêu thu hồi tài sản và quy định cụ thể, chi tiết về thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự, bao gồm: các tài sản có thể bị thu hồi, các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, trình tự thủ tục thực hiện, biện pháp đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng. Đặc biệt Đạo luật về tài sản bất hợp pháp của nước ngoài (FIAA) quy định các thủ tục về thu hồi tài sản, từ đóng băng, tịch thu và bồi thường tài sản do những người tiếp xúc chính trị nước ngoài hoặc các cộng sự thân cận của họ nắm giữ, nếu có lý do để cho rằng những tài sản đó có được thông qua các hành vi tham nhũng, quản lý hình sự yếu kém hoặc bởi các trọng tội khác.
Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đều được thực hiện dựa trên Đạo luật Liên bang về Tương trợ Quốc tế trong các Vấn đề Hình sự (IMAC). Bên cạnh đó, Thụy Sĩ đã tham gia vào các hiệp ước MLA song phương và đa phương với một số lượng lớn các quốc gia và đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế bao gồm các điều khoản MLA (bao gồm cả UNCAC). Đặc biệt, với việc ban hành Đạo luật Tài sản Bất hợp pháp nước ngoài (FIAA) ngày 18/12/2015, áp dụng đối với "những người tiếp xúc chính trị nước ngoài" và "cộng sự thân thiết". Mục đích là "để giải quyết các tình huống mà các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong mọi khả năng, đã làm giàu cho mình bằng cách chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc bằng các trọng tội khác và bằng cách chuyển chúng sang các nước khác.
- Về phạm vi hỗ trợ: Thụy Sĩ hỗ trợ các quốc gia từ truy vết tài sản (Điều 63 IMAC) đến đóng băng tài sản để hỗ trợ hợp tác trong tương lai trong khuôn khổ của thủ tục tương trợ pháp lý (Điều 18 IMAC); tịch thu tài sản (Điều 74a IMAC). Trong trường hợp các nỗ lực tương trợ pháp lý liên quan đến tịch thu tài sản bị thất bại thì Thụy Sĩ sẽ áp dụng quy định của FIAA, theo đó, chức năng tịch thu trong phần 4 của đạo luật tương tự như các hệ thống về tài sản không giải thích được nguồn gốc, trong đó nó không yêu cầu kết án hình sự và áp dụng "giả định về nguồn gốc bất hợp pháp" của tài sản trong một số điều kiện nhất định, đặt trách nhiệm lên PEP nước ngoài hoặc các cộng sự của họ. Các hình thức mà Thụy Sĩ hỗ trợ các quốc gia bao gồm: Tống đạt tài liệu hoặc giấy triệu tập bằng cách giao hàng cá nhân cho người nhận hoặc qua đường bưu điện (Điều 68 của IMAC); thu thập chứng cứ, đặc biệt là khám xét người và phòng, thu giữ, trình tự đưa ra, ý kiến chuyên gia, xét xử và đối chất với người (Điều 18 của IMAC); Cung cấp tài liệu, giấy tờ; giao nộp đồ vật, tài sản bị thu giữ nhằm tịch thu hoặc bồi thường cho người có quyền (Điều 74, 74a của IMAC); giám sát tạm thời các dịch vụ thư tín và viễn thông (Điều 18a của IMAC); Biện pháp cưỡng chế, như: khám xét nhà, nghe lén, khám xét tài liệu, đóng băng tài khoản (Điều 64 của IMAC). Ngoài ra, Thụy sĩ cung cấp các hỗ trợ không chính thức, như: Hỗ trợ có thể được cung cấp bởi Cơ quan Báo cáo Rửa tiền Thụy Sĩ (FIU); Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ và các cơ quan thực thi pháp luật Thụy Sĩ.
Văn phòng tư pháp liên bang Thụy Sĩ (FOJ) là đơn vị đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng và là đơn vị đầu mối hợp tác về tương trợ tư pháp hình sự, theo đó, các yêu cầu về tương trợ tư pháp của nước ngoài sẽ được gửi trực tiếp đến FOJ (Điều 27(2) của IMAC), FOJ sẽ tiếp nhận các yêu cầu từ nước ngoài và gửi các yêu cầu về tương trợ tư pháp của Thụy Sĩ cho nước ngoài. Sau khi tiếp nhận, FOJ sẽ xử lý các yêu cầu như: dẫn độ, khám xét, thu giữ đồ vật, giao đồ vật, tài sản nhằm mục đích tịch thu, truy tìm đối tượng, bắt giữ, chuyển giao thủ tục tố tụng và thi hành án hình sự để các cơ quan có thẩm quyền tiểu bang hoặc liên bang thích hợp xem xét nếu việc thi hành án của họ không rõ ràng là không thể chấp nhận được (Điều 17 (2) IMAC). Theo kết quả thống kê của Tổ chức CiFAR, trong giai đoạn từ tháng 01//2010 – 3/2022, Thụy Sĩ đã thu hồi và chuyển trả lại cho các quốc gia bị thất thoát với tổng số tiền là 1,47 tỷ USD[14]. Điển hình như: vào năm 2005, trong một tình huống liên quan đến cựu độc tài người Nigeria Sani Abacha, gia đình và cộng sự của ông ta đang nắm giữ có nguồn gốc bất hợp pháp. Trong vụ việc này, Công tố viên liên bang Thụy Sĩ đã giả định rằng tài sản mà cựu độc tài Sani Abacha, gia đình và cộng sự của ông ta đang nắm giữ có nguồn gốc bất hợp pháp, do đó, Công tố viên đã gửi đơn cho Tòa án để khởi xướng vụ việc nhằm tịch thu tài sản của cựu độc tài Sani Abacha, gia đình và cộng sự của ông ta đang nắm giữ. Theo đơn yêu cầu của Công tố viên, Tòa án đã mở phiên điều trần và yêu cầu Sani Abacha, gia đình và các cộng sự của ông ta chứng minh nguồn gốc của tài sản mà họ đang nắm giữ. Kết quả Sani Abacha, gia đình và các cộng sự của ông ta đã thất bại trong việc đưa ra bằng chứng để bác bỏ giả định, do đó, Tòa án Tối cao Liên bang Thụy Sĩ phán quyết rằng cựu độc tài Sani Abacha, gia đình và các cộng sự của ông tạo thành một tổ chức tội phạm và ra lệnh tịch thu và trả lại 458 triệu đô la Mỹ tài sản liên quan đến Abacha cho Nigeria[15].
Hồng Kông được đánh giá là thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, với những chiến lược hữu hiệu trong cuộc chiến chống tham nhũng[16]. Theo đó, Hồng Kông đã thay đổi từ một thành phố rất tham nhũng trong thời kỳ là thuộc địa của Anh thành một trong những khu vực tương đối không có tham nhũng trên thế giới[17]. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng của Hồng Kông được thực hiện theo các quy định, gồm: Pháp lệnh Phòng chống hối lộ (PBO); Pháp lệnh về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng (OSCO); Pháp lệnh Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng (Cap. 204). Trong đó, tại Phần 2 của Pháp lệnh về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng (OSCO) quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền điều tra, Phần 3 quy định về xác định tài sản bị thu hồi, trình tự thủ tục ban hành lệnh thu hồi tài sản, Phần 4 quy định về thủ tục yêu cầu thu hồi, thu giữ, cấm chuyển dịch tài sản.
Hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế về các vấn đề hình sự của Hồng Kông được quy định tại Pháp lệnh Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự năm 1997 (MLAO). Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự giữa Hồng Kông và các quốc gia được thực hiện theo Hiệp định song phương (MLA); Hiệp định đa phương (như: UNCAC, UNTOC); Nguyên tắc có đi có lại và sự hỗ trợ giữa cơ quan thuộc Hồng Kông với cơ quan của quốc gia khác. Để thuận tiện cho hoạt động tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự, Hồng Kông đã ban hành Hướng dẫn cho việc yêu cầu tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
- Về phạm vi hỗ trợ: Hồng Kông có thể hỗ trợ cho các quốc gia khác trong việc thực hiện các hoạt động gồm: Các mục đích mà hỗ trợ có thể được cung cấp được đề cập trong các Hướng dẫn này là "điều tra và tố tụng hình sự", bao gồm: (1) điều tra hình sự, trước khi tiến hành tố tụng tại Tòa án chống lại người bị buộc tội; (2) truy tố tại tòa án; và (3) các vấn đề hình sự phụ trợ, liên quan đến tiền thu được từ tội phạm, chẳng hạn như hành động thực thi lệnh tịch thu được thực hiện bên ngoài Đặc khu hành chính Hồng Kông, hoặc hạn chế giao dịch tài sản ở Đặc khu hành chính Hồng Kông có nguồn gốc từ hành vi phạm tội ở nước ngoài hoặc tịch thu tài sản.[18]
- Các hình thức hỗ trợ bao gồm: (1) lấy lời khai và cung cấp các tài liệu cho Thẩm phán (Điều 10 MLAO); (2) khám xét và thu giữ tài liệu theo lệnh khám xét (Điều 12 MLAO); (3) thu được tài liệu theo lệnh yêu cầu (Điều 15 MLAO); (4) sắp xếp việc đưa người đến một nơi khác để hỗ trợ điều tra hoặc tố tụng hình sự (Điều 23 MLAO); (5) thi hành lệnh tịch thu bên ngoài và cấm chuyển dịch tài sản có thể phải tuân theo lệnh tịch thu bên ngoài (Điều 28, 29 MLAO) và (6) dịch vụ xử lý liên quan đến một vấn đề hình sự ở nơi được yêu cầu (Điều 31 MLAO).
Bộ Tư pháp Hồng Kông vừa là Cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng và là đơn vị đầu mối hợp tác về tương trợ tư pháp hình sự (Điều 8.1 MLAO). Theo đó, tất cả các yêu cầu đối với Đặc khu hành chính Hồng Kông để được hỗ trợ pháp lý theo MLAO phải được gửi đến Bộ trưởng Tư pháp, người đứng đầu Bộ Tư pháp. Không cần thiết phải gửi yêu cầu qua các kênh ngoại giao hoặc lãnh sự[19].
Với những quy định nêu trên, Hồng Kông đã đạt được nhiều kết quả về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Điển hình như vụ án về cựu công tố viên, Charles Warwick Reid, Reid bị cáo buộc đã nhận tổng số tiền hối lộ là hơn $NZ 2,5 triệu, Reid đã mua các bất động sản tại New Zealand, trong đó 02 tài sản đã được giao cho Reid và vợ, và một tài sản đã được giao cho luật sư của anh ta đứng tên. Trong vụ án này, ICAC đã tìm cách tịch thu 03 tài sản được mua ở New Zealand bởi Charles Warwick Reid với cáo buộc Reid đã dùng tiền hối lộ để mua, kết quả Tòa án đã ra lệnh tịch thu đối với 03 tài sản được tìm thấy ở New Zealand và đã được mua với giá khoảng $NZ 500.000.[20] Với những kết quả tích cực như trên, ICAC được đánh giá là một mô hình thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng[21] và là tiêu chuẩn vàng cho các cơ quan chống tham nhũng độc lập[22].
- Điểm tương đồng giữa pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam, Liên bang Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông:
Pháp luật Việt Nam, Liên bang Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông đều đã thực hiện yêu cầu của pháp luật quốc tế về hoạt động tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự nói riêng. Theo đó, hợp tác quốc tế về các vấn đề hình sự nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự nói riêng được điều chỉnh bởi đạo luật về tương trợ tư pháp. Các yêu cầu được đưa ra theo hiệp định song phương hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế pháp luật Liên bang Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông:
Một là, pháp luật về tương trợ tư pháp của cả Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông đều ghi nhận cụ thể và đa dạng các biện pháp giúp truy vết tài sản, tiến hành các lệnh khám xét, thu giữ, cấm chuyển dịch và tịch thu tài sản. Các yêu cầu được đưa ra theo hiệp định song phương hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tương trợ tư pháp chỉ ghi nhận 04 hình thức tương trợ tư pháp như: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu; thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch, mà không ghi nhận cụ thể các hình thức hỗ trợ liên quan đến thu hồi tài sản như: nhận dạng, truy tìm, tạm giữ, phong tỏa, yêu cầu thực thi lệnh tịch thu tài sản do phạm tội mà có hay yêu cầu thực thi lệnh phạt tiền, hay cơ chế chia sẽ thông tin tình báo.
Hai là, pháp luật tương trợ tư pháp của cả Úc, Thụy Sĩ và Hồng Kông quy định Cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng cũng là đơn vị đầu mối hợp tác về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao tù nhân quốc tế, như: Văn phòng Tổng chưởng lý (AGD) của Úc; Văn phòng tư pháp liên bang Thụy Sĩ (FOJ); Bộ Tư pháp Hồng Kông. Trong khi đó, Luật tương trợ tư pháp Việt Nam quy định hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia khác được thực hiện thông qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao, còn Cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng là Bộ Tư pháp, trong khi theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự thì hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện như đối với điều tra các vụ án hình sự khác.
Nhìn chung trong những năm qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng được nâng lên rõ rệt[23]. Trong 9 tháng từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024, Tổng cục thi hành án dân sự đã thu hồi đạt trên 11.387 tỷ đồng/95.041 tỷ đồng[24]. Đặc biệt, năm 2024 đã thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng[25].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên thì hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:
Một là, hiện nay các vụ án tham nhũng, các đối tượng có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, mua săm, nhằm tẩu tán tài sản, như: Vụ án Giang Kim Đạt phạm tội “Tham ô tài sản”, xảy ra tạiphòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines; vụ án Phạm Thị Bích Lương phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội; vụ án Phan Văn Anh Vũ... Tuy nhiên quá trình điều tra, các Cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh dòng tiền tham nhũng đã bị tẩu tán ra nước ngoài hay gửi tại các ngân hàng nước ngoài[26].
Hai là, việc tổ chức thi hành án đối với tài sản phải thi hành án tại nước ngoài gặp nhiều khó khăn do pháp luật Thi hành án dân sự hiện hành chưa quy định về trình tự thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nước ngoài. Điển hình như trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát là 6,7 triệu USD, trong đó có 4,3 triệu USD được xác định là chuyển cho Công ty Global Success tại Liên bang Nga, nhưng quá trình tổ chức thi hành án đến nay vẫn chưa thể thu hồi[27].
Ba là, khoảng thời gian mà nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp Việt Nam kéo dài, chưa đảm tính kịp thời của quá trình giải quyết vụ án, một số yêu cầu tương trợ tư pháp còn chậm, thậm chí là không nhận được kết quả tương trợ tư pháp[28].
Bốn là, việc lập hồ sơ tương trợ tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn chậm, chất lượng hồ sơ còn hạn chế, thiếu thông tin và tài liệu cần thiết, dẫn đến kết quả đạt được chưa cao[29].
Năm là, hiện nay hầu hết các trường hợp hợp tác quốc tế về hình sự giữa Việt Nam với các nước đều được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thông qua con đường chính thức là yêu cầu tương trợ tư pháp, nên thời gian kéo dài, thiếu tính kịp thời của hoạt động xác minh, điều tra vụ án.
Một là, Luật tương trợ tư pháp quy định hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia khác được thực hiện thông qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao[30], còn tại Quy chế phối hợp thực hiện Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng ghi nhận Cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng là Bộ Tư pháp[31]. Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự gắn liền với quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc chia thành 02 cơ quan khác nhau làm đầu mối như trên sẽ dẫn đến khó khăn và thiếu thống nhất trong thực tiễn hoạt động.
Hai là, hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu được thực hiện thông qua ủy thác tư pháp; trong khi đó, Việt Nam chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, như: Anh, Mỹ, Newzeland hoặc nhiều nước châu Âu,... dẫn đến việc khó khăn trong việc phối hợp điều tra làm rõ các vụ án tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Ba là, Việt Nam chưa tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế phi Chính phủ rất hiệu quả đối với hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, như: Nhóm hợp tác chống rửa tiền, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APG); Mạng lưới liên cơ quan về thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARIN-AP); hay các kênh hợp tác quốc tế khác như: Lực lượng đặc nhiệm tài chính rửa tiền (FATF); Chương trình chống rửa tiền toàn cầu của Liên hợp quốc (GPML).
Một là, Nghiên cứu nội luật hóa các quy định pháp luật quốc tế, cụ thể là quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chống tham nhũng và làm cho pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam ngày càng gần hơn với chuẩn mực chung của quốc tế, qua đó, làm cơ sở cho việc công nhận và thực thi các lệnh, phán quyết của Tòa án, Cơ quan tố tụng nước ngoài. Đặc biệt, cần tội phạm hoá các hành vi làm giàu bất chính, nhận quà biếu có giá trị lớn...
Hai là, Chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bằng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục về gửi yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến việc xác định, truy vết, thu giữ, bảo quản và tịch thu tài sản, thẩm quyền của từng cơ quan có liên quan.
Ba là, Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt nam và các nước, đặc biệt là các quy định về phát hiện, xác minh, thu giữ, bảo quản tài sản tham nhũng, cũng như việc cung cấp thông tin tình báo về rửa tiền, tài sản tham nhũng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác với các quốc gia về phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản.
Bốn là, Chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp hợp tác quốc tế không chính thức kết hợp với tương trợ tư pháp chính thức giữa cơ quan tiền tố tụng Việt nam và Cơ quan tố tụng nước ngoài trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Vì, hoạt động hợp tác quốc tế thông qua yêu cầu tương trợ tư pháp thường cần trải qua nhiều bước, nên thời gian thường bị kéo dài, nhưng kết quả lại có giá trị sử dụng làm chứng cứ vì đây là con đường hợp tác chính thống, trong khi đó, hợp tác thông qua các kênh không chính thống như cung cấp thông tin tình báo tài chính, thì thường thủ tục nhanh hơn, không yêu cầu thủ tục phức tạp, nhưng kết quả hợp tác không được sử dụng làm chứng cứ mà chỉ nhằm mục đích theo dõi hành vi, tài sản, nên việc kết hợp cả hai hình thức sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc hợp tác về thu hồi tài sản tham nhũng.
Năm là, Chủ động, tích cực hợp tác điều tra thu hồi tài sản bằng việc tham gia các nhóm chung về thu hồi tài sản, chống rửa tiền, như: Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARIN – AP); Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (Asia Pacific Group on Money Laundering - APG); Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL); Mạng lưới liên ngành Camden về thu hồi tài sản (CARIN); Mạng lưới cơ quan tình báo tài chính (EGMONT Group); Lực lượng đặc nhiệm chống hối lộ nước ngoài quốc tế (IFBTF).
Sáu là, Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác về hợp tác quốc tế liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, cử đi đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài, qua đó giúp các cán bộ, công chức phát huy được tính chủ động, năng lực chuyên môn phục vụ công tác.
Tham nhũng là vấn đề toàn cầu, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động bình thường, uy tín của nhà nước, lòng tin của nhân dân, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của nhà nước, của người khác. Trong xử lý tội phạm tham nhũng, ngoài việc xử lý, kết tội và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng ở trong phạm vi quốc gia và ở nước ngoài cũng là nhiệm vụ quan trọng mà cộng đồng quốc tế, các quốc gia quan tâm thực hiện.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế, nhất là Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) và pháp luật một số quốc gia và vùng lãnh thổ được thực hiện khá hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị một số vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng. Hy vọng bài viết góp tiếng nói khoa học của chúng tôi vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng được thực hiện tích cực ở Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anti-Corruption Working Group “Responses to the 2023 Accountability Report” India, Pg. 4 (2023)
2. CCC, Exposing corruption in Deparrtment of Communities, 16 November 2021, https://www.ccc.wa.gov.au/sites/default/files/2021-11/Exposing%20Corruption%20in%20Department%20of%20Communities.pdf, ngày truy cập 03/4/2024)
3. Clancy Moore, “A fish rots from the head first: Getting anti-corruption agencies right”, Transparency (20 March 2020) https://transparency.org.au/a-fish-rots-from-the-head-first-getting-anti-corruption-agencies-right/
4. CiFAR, “Tracking Switzerland’s Return of Illicit Assets”, Pg. 49
5. Daniel Kadar, Laetitia Gaillard và Stéphanie Abdesselam, “Asset recovery 2022”, Australia, Pg.11(2022)
6. Department of Justice, Hong Kong, “Guidelines for Making Applications under the Mutual Legal Assistance in Criminal Matters Ordinance (Chapter 525, Laws of Hong Kong SAR)”. Pg. 5
7. GERRY FERGUSON, “GLOBAL CORRUPTION: LAW, THEORY & PRACTICE”, THIRD EDITION. PG. 591 (2018)
8. Jacqui-Lyn McIntyre and Duane Aslett, Nico Buitendag, “Implementing unexplained wealth orders in South Africa – what are the options?”, Journal of Money Laundering Control, Vol. 26 No. 7, Pg. 85-98 (2023)
9. Jean-Pierre Brun, Jeanne Hauch, Rita Julien, Jeffrey Owens, Yoonhee Hur, “Unexplained Wealth Orders: Toward a New Frontier in Asset Recovery”, StAR, Pg. 16, Pg. 66 (2023)
10. Jean-Pierre Brun, Larissa Gray, Clive Scott, Kevin M. Stephenson, “Cẩm nang về Thu hồi tài sản - Hướng dẫn dành cho người thực hiện”, Vụ Hợp tác Quốc tế - Thanh tra Chính phủ (dịch). Tr.8 (2011)
11. Hiền Hòa, “Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”, Đảng Cộng sản Việt Nam (28/01/2021; 20:07) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/hoan-thien-the-che-de-bao-dam-khong-the-khong-dam-khong-muon-khong-can-tham-nhung-573739.html
12. KEVIN M. STEPHENSON, ASSET RECOVERY HANDBOOK – A GUIDE FOR PRACTITIONERS, SECOND EDITION”, P.277 – 278 (2021)
13. Nam Kiên, Thái Dương, Từ những vụ tài sản “ khủng” bị chiếm đoạt rồi tẩu tán ra nước ngoài: Kiến nghị một số giải pháp để ngăn chặn, thu hồi hiệu quả, Pháp lý (18/02/2022; 10:45) https://phaply.net.vn/tu-nhung-vu-tai-san-khung-bi-chiem-doat-roi-tau-tan-ra-nuoc-ngoai-kien-nghi-mot-so-giai-phap-de-ngan-chan-thu-hoi-hieu-qua-a253375.html
14. Song Hà, “Năm 2024, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt hơn 22.000 tỷ đồng”, Đại biểu nhân dân (07/10/2024; 11:20) https://daibieunhandan.vn/nam-2024-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-hinh-su-ve-tham-nhung-kinh-te-dat-hon-22000-ty-dong-post392508.html#:~:text=N%C4%83m%202024%2C%20K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20thi,b%C3%A1o%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20k%E1%BB%B3%20qu%C3%BD%20III
15. Thái Hải, “9 tháng thu hồi hơn 11.387 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”, Thanh tra (10/07/2024; 14:11) https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/9-thang-thu-hoi-hon-11-387-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-227421.html
16. UNODC, “Draft Country Review Report of Australia - Review by Iceland and Pakistan of the implementation by Australia of articles 5-14 and 51-59 of the United Nations Convention against Corruption for the review cycle 2016-2021”, Pg. 8.
17. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022), Báo cáo 123/BC-VKS ngày 26/9/2022.
18. https://www.ag.gov.au/international-relations/international-crime-cooperation-arrangements/mutual-assistance, Truy cập ngày 31/3/2024.
* Lê Tiến Sinh, Cục điều tra, VKSNDTC. Duyệt đăng 22/12/2024. Email: letiensinh.cqdt@gmail.com
** PGS. TS. Trần Văn Độ, Nguyên Phó chánh án TANDTC. Email: tranduc44@gmail.com
[1] Jean-Pierre Brun, Larissa Gray, Clive Scott, Kevin M. Stephenson, “Cẩm nang về Thu hồi tài sản - Hướng dẫn dành cho người thực hiện”, Vụ Hợp tác Quốc tế - Thanh tra Chính phủ (dịch). Tr.8 (2011)
[2] Jean-Pierre Brun, tlđd,1, Tr.134
[3] UNODC, “Draft Country Review Report of Australia - Review by Iceland and Pakistan of the implementation by Australia of articles 5-14 and 51-59 of the United Nations Convention against Corruption for the review cycle 2016-2021”, Pg.8
[4] Part I.7 Mutual Assistance in Criminal Matters Act 1987 of Australia (MACMA)
[5] Daniel Kadar, Laetitia Gaillard và Stéphanie Abdesselam, “Asset recovery 2022”, Australia, Pg.11 (2022)
[6] Mutual Assistance in Criminal Matters Act 1987 of Australia (MACMA)
[7] Kevin M. Stephenson, Larissa Gray, Ric Power, Jean-Pierre Brun, Gabriele Dunker, Melissa Panjer, “Barriers to Asset Recovery: An analysis of the key barriers and recommendations for action”, World Bank & UNODC, Pg.113 – 175 (2011)
[8]Anti-Corruption Working Group, “Responses to the 2023 Accountability Report”, India, Pg. 4 (2023)
[9] Anti-Corruption Working Group, tlđd, 8, Pg. 4.
[10] Xem tại: https://www.ag.gov.au/international-relations/international-crime-cooperation-arrangements/mutual-assistance, truy cập ngày 31/3/2024.
[11] UNODC, tlđd, 7, Pg.144
[12] Jacqui-Lyn McIntyre and Duane Aslett, Nico Buitendag, “Implementing unexplained wealth orders in South Africa – what are the options?”, Journal of Money Laundering Control, Vol. 26 No. 7, Pg. 85-98 (2023)
[13] CCC “Exposing corruption in Deparrtment of Communities, 16 November 2021”.
[14] CiFAR, Tracking Switzerland’s Return of Illicit Assets, Pg. 49, https://cifar.eu/projects-and-campaigns/research/tracking-swiss-asset-returns/
[15] Jean-Pierre Brun, Jeanne Hauch, Rita Julien, Jeffrey Owens, Yoonhee Hur, Unexplained Wealth Orders: Toward a New Frontier in Asset Recovery, StAR, Pg. 16, Pg. 66 (2023)
[16] GERRY FERGUSON, “GLOBAL CORRUPTION: LAW, THEORY & PRACTICE”, THIRD EDITION. PG. 591 (2018)
[17] GERRY FERGUSON, TLĐD, 16, PG. 591 (2018)
[18] Department of Justice, Hong Kong, Guidelines for Making Applications under the Mutual Legal Assistance in Criminal Matters Ordinance (Chapter 525, Laws of Hong Kong SAR). Pg. 5
[19] Department of Justice, Hong Kong, tlđd, 18, Pg. 5
[20] JEAN-PIERRE BRUN, ANASTASIA SOTIROPOULOU, LARISSA GRAY, RIC POWER, CLIVE SCOTT, KEVIN M. STEPHENSON,ASSET RECOVERY HANDBOOK – A GUIDE FOR PRACTITIONERS, SECOND EDITION”, P.277 – 278 (2021)
[21]GERRY FERGUSON, TLĐD, 16, PG. 591 (2018)
[22] Clancy Moore, “A fish rots from the head first: Getting anti-corruption agencies right”, Transparency (20 March 2020) https://transparency.org.au/a-fish-rots-from-the-head-first-getting-anti-corruption-agencies-right/
[23] Hiền Hòa, “Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”, Đảng Cộng sản Việt Nam (28/01/2021; 20:07) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/hoan-thien-the-che-de-bao-dam-khong-the-khong-dam-khong-muon-khong-can-tham-nhung-573739.html
[24] Thái Hải, “9 tháng thu hồi hơn 11.387 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”, Thanh tra (10/07/2024; 14:11)https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/9-thang-thu-hoi-hon-11-387-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-227421.html
[25] Song Hà, “Năm 2024, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt hơn 22.000 tỷ đồng”, Đại biểu nhân dân (07/10/2024; 11:20) https://daibieunhandan.vn/nam-2024-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-hinh-su-ve-tham-nhung-kinh-te-dat-hon-22000-ty-dong-post392508.html#:~:text=N%C4%83m%202024%2C%20K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20thi,b%C3%A1o%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20k%E1%BB%B3%20qu%C3%BD%20III
[26] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo 123/BC-VKS ngày 26/9/2022.
[27] Nam Kiên, Thái Dương, Từ những vụ tài sản “ khủng” bị chiếm đoạt rồi tẩu tán ra nước ngoài: Kiến nghị một số giải pháp để ngăn chặn, thu hồi hiệu quả, Pháp lý (18/02/2022; 10:45) https://phaply.net.vn/tu-nhung-vu-tai-san-khung-bi-chiem-doat-roi-tau-tan-ra-nuoc-ngoai-kien-nghi-mot-so-giai-phap-de-ngan-chan-thu-hoi-hieu-qua-a253375.html
[28] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tlđd, 26 (2022)
[29] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tlđd, 26 (2022)
[30] Điều 22 Luật tương trợ tư pháp; Điều 7 Quy chế phối hợp thực hiện Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ngày 26/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ)
[31] Điều 7 Quy chế phối hợp thực hiện Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ngày 26/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ)