Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Đối với công tác phòng chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, các cơ quan nhà nước tại Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Trong đó, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) đã tạo dựng một khung pháp lý vững chắc, trở thành một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh với tội phạm mua bán người. Sau nhiều năm áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015, tội phạm buôn bán người đã có sự biến đổi trong tình hình mới khiến các quy định pháp luật bộc lộ những bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Nhằm góp sức vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự về loại tội phạm này. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh, nhóm tác giả đã chỉ ra những điểm bất cập trong pháp luật hình sự Việt Nam và nêu ra kinh nghiệm một số quốc gia về việc quy định tội mua bán người trong pháp luật hình sự. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự về loại tội phạm này.
Từ khóa: Tội mua bán người, tội mua bán trẻ em, Bộ luật hình sự, quy định.
Abstract: For the prevention of human trafficking and child trafficking, state agencies in Vietnam have issued legal documents to adjust. In particular, the 2015 Penal Code, amended and supplemented in 2017 (referred to as the 2015 Penal Code) has created a solid legal framework, becoming an effective tool in fighting crime human trafficking. After many years of applying the Penal Code in 2015, the crime of human trafficking has changed in a new situation, causing legal provisions to reveal shortcomings, making it difficult to apply the law. In order to contribute to the fight against human trafficking crimes in Vietnam, the authors researched the provisions of the Penal Code on this type of crime. By the method of synthesis, analysis and comparison, the authors have pointed out the inadequacies in the criminal law of Vietnam and pointed out the experience of some countries on the regulation of the crime of human trafficking in the criminal law. From there, the authors propose specific groups of solutions to overcome the shortcomings in the provisions of the Penal Code on this type of crime.
Keywords: Crime of human trafficking, crime of trafficking in children, Criminal Code, regulations.
Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm, nhờ vậy, vấn đề phòng, chống mua bán người luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Dù được triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhưng tình hình tội phạm mua bán người tại nước ta vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Từ năm 2016 - 2021, kết quả xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về tội mua bán người của Tòa án nhân dân các cấp là 450 vụ/506 vụ án đã thụ lý; tội mua bán người dưới 16 tuổi đã giải quyết là 190 vụ/225 vụ án thụ lý[1]. Riêng trong năm 2022, số vụ án được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý là 77 vụ/202 bị cáo phạm các tội về mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và các tội danh liên quan. Trong đó, tòa án đã đưa ra xét xử 58 vụ/128 bị cáo, tăng 02 vụ, 22 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021[2].
Với tính thần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán người, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mua bán người mang ý nghĩa tiên quyết. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật về tội mua bán người tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:
- Phương pháp lịch sử được sử dụng để nghiên cứu, làm rõ quá trình hình thành, phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, pháp luật quốc tế về tội mua bán người, mua bán trẻ em.
- Phương pháp phân tích, so sánh được sử dụng nhằm trình bày, làm sáng tỏ các quan điểm, quan niệm về tội mua bán người và tội mua bán trẻ em trong pháp luật Việt Nam, pháp luật của một số quốc gia khác và pháp luật quốc tế.
- Phương pháp tổng hợp để xác định bản chất, đặc điểm của hành vi mua bán người, mua bán trẻ em, sự phù hợp và bất cập của các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em; từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
- Phương pháp hệ thống hóa được sử dụng nhằm trình bày các vấn đề, các nội dung trong nghiên cứu theo một trình tự, bố cục hợp lý, chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dung.
Bài viết hướng tới mục tiêu chỉ ra những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong các quy định này thông qua việc xem xét tính hiệu quả của pháp luật trong thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm từ một số hệ thống pháp luật trên thế giới. Từ đó, bài viết đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện, củng cố pháp luật, góp phần vào công cuộc đẩy lùi tội phạm mua bán người tại Việt Nam.
Trong hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, mua bán người xuất hiện và tồn tại kéo dài cho đến ngày nay. Mua bán người đã và đang bị lên án gay gắt, trở thành một loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội. Trong nhưng năm đầu thế kỷ XX, các Công ước quốc tế về phòng chống mua bán người ra đời như: Công ước bãi bỏ buôn bán nô lệ da trắng năm 1904, Công ước ngăn chặn tệ buôn bán phụ nữ năm 1910, Công ước về chống buôn bán nô lệ năm 1926… Sau khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế ra đời nhằm thay thế, bổ sung, giải quyết các vấn đề mới như: Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948; Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966; Công ước về xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em năm 2000…
Pháp luật quốc tế hiện nay không ghi nhận khái niệm “mua bán người” mà quy định chung về khái niệm “buôn bán người”. Buôn bán người chính là hình thức mua bán, chiếm hữu nô lệ, coi con người là một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật và vô đạo đức. Do có những đặc điểm riêng về truyền thống lịch sử, văn hóa xã hội, điều kiện kinh tế mà pháp luật mỗi quốc gia quy định về khái niệm buôn bán người khác nhau.
Tại Việt Nam, khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi được ghi nhận tại Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, tội mua bán người xâm phạm đến quyền tự do thân thể, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ.
Thứ hai, mặt khách quan của tội mua bán người thể hiện ở 03 nhóm hành vi sau: (i) Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; (ii) Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; (iii) Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi nêu trên.
Hậu quả của hành vi khách quan là con người được xem như một món hàng hóa để trao đổi, mua bán, nhân phẩm của con người bị chà đạp, sự tự do của con người bị hạn chế.
Trường hợp khi người phạm tội thực hiện các hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi mua bán, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận… nhưng vì lý do khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội không thực hiện được hành vi mua bán người thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự là chủ thể của tội này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ thể chưa thành niên thường phạm tội này với vai trò là đồng phạm.
Thứ tư, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Tuy người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và họ cũng thấy trước hậu quả nhưng người phạm tội vẫn mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn ý thức để mặc hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi mua bán người.
So với Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định về về tội mua bán người trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm thay đổi. Lê Văn Thanh cho rằng:
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả cụ thể các hành vi khách quan của tội “Mua bán người” còn Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định “người nào mua bán người” là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay. Trong điều luật nhà làm luật quy định một số dấu hiệu còn chung chung, cần phải giải thích như “thủ đoạn khác”, “để bóc lột tình dục”, “để cưỡng bức lao động”, “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, “vì mục đích vô nhân đạo khác”; tuy nhiên, ngày 11/01/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội “Mua bán người” và Điều 151 về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” của Bộ luật Hình sự, đã giải thích rõ những thuật ngữ nêu trên tạo tiền đề, cơ sở để áp dụng pháp luật một cách đúng đắn.[3]
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi về hình phạt so với Bộ luật hình sự năm 1999. Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội mua bán người được quy định bao gồm 03 khung hình phạt. Trong đó, khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Bên cạnh hình phạt chính, Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng ghi nhận hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bao gồm 03 khung hình phạt. Đặc biệt, tại khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt được ghi nhận là tù chung thân. Ngoài ra, mức phạt tiền được quy định từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cao hơn so với Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Qua khảo sát 100 người thường xuyên sử dụng, nghiên cứu và tiếp xúc với những quy định của pháp luật hình sự về tội mua bán người đã cho kết quả như sau: 96% số người được khảo sát cho rằng quy định về tội mua bán người trong pháp luật hình sự hiện nay chưa phù hợp. Trong đó, những người được khảo sát cho rằng quy định về tội mua bán người hiện nay có những mặt hạn chế sau: dấu hiệu định tội (38,1%), dấu hiệu định khung hình phạt (33%), kỹ thuật lập pháp (28,9%)[4]. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh, nhóm tác giả nhận thấy quy định về tội mua bán người trong Bộ luật Hình sự năm 2015 xuất hiện những bất cập, vướng mắc sau:
Qua phân tích các dấu hiệu pháp lý tội của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhóm tác giả nhận thấy: hành vi khách quan của 02 tội phạm này có điểm giống nhau với một số tội phạm khác được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (gồm Điều 154 về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người; Điều 297 về Tội cưỡng bức lao động; Điều 327 về Tội chứa mại dâm; Điều 328 về Tội môi giới mại dâm; Điều 348 về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Điều 349 về Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép) gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng pháp luật. Các tội danh này có sự giống nhau về hành vi khách quan nhưng khác nhau mục đích phạm tội khi thực hiện hành vi đó và sự đồng thuận của nạn nhân.
Các tình tiết như: bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, hành vi với mục đích vô nhân đạo khác chỉ dừng lại ở ý định thì bị truy cứu về tội mua bán người hoặc tội mua bán người dưới 16 tuổi. Còn nếu đã thực hiện hành vi trên thực tế sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội như: tội cưỡng bức lao động, tội mua bán hoặc chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người, tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm… được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, việc phân biệt còn căn cứ vào sự đồng thuận của nạn nhân và bị hại. Nếu nạn nhân đồng ý, tự nguyện về việc đưa bản thân xuất, nhập cảnh hoặc trốn đi nước ngoài, thậm chí chi trả một khoản tiền để được xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu theo tội danh tại Điều 348, Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu nạn nhân không đồng ý về việc bị mua bán, bị cưỡng ép, lừa gạt, dụ dỗ thì bị truy cứu về tội mua bán người.
Tuy nhiên, trên thực tế để phân định rõ ràng giữa các tội danh này không phải là một điều dễ dàng. Điển hình như việc phân biệt tội mua bán người, tôi mua bán người dưới 16 tuổi với tội chứa mại dâm gặp khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Mục đích hành vi chứa chấp người của tội chứa mại dâm là để thực hiện hành vi mua bán dâm, trong khi đó, mục đích tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi là để chuyển giao người đó cho một người hoặc nhóm người khác và người chứa chấp biết được mục đích của người tiếp nhận nạn nhân là để bóc lột tình dục nhưng hành vi bóc lột tình dục chưa xảy ra trên thực tế mà mới chỉ ở mục đích, ý định của người tiếp nhận người. Do đó, vấn đề bóc lột tình dục đều nằm trong ý định, mục đích của người phạm tội. Nhưng điểm khác biệt giữa hai tội danh này chính là tính chất trực tiếp hay gián tiếp của mục đích bóc lột tình dục. Ở tội chứa mại dâm, bóc lột tình dục là mục đích trực tiếp của người thực hiện hành vi chứa chấp người. Còn với tội mua bán người, bóc lột tình dục chỉ là mục đích gián tiếp, bởi người thực hiện hành vi chứa chấp người là để nhằm mục đích trực tiếp là chuyển giao người và sau đó mới là để bóc lột tình dục. Mặc dù vậy, để phân định rạch ròi giữa hai tội danh này cũng là vấn đề khó khăn trong thực tiễn bởi sự tương đồng trong hành vi khách quan và vấn đề bóc lột tình dục nằm trong mục đích phạm tội.
Quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành đang có “khoảng cách” so với Nghị định thư TIP (Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc). Theo điểm d Điều 3 Nghị định thư TIP thì trẻ em là bất kì người nào dưới 18 tuổi. Trong khi Luật trẻ em năm 2016 của Việt Nam nêu rằng trẻ em là người 16 tuổi. Do đó, nếu nạn nhân dưới 16 tuổi thì tội phạm mới bị xử lý theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015. Giai đoạn từ 16 - dưới 18 tuổi là giai đoạn phát triển nhạy cảm, hậu quả của tội mua bán người có thể để lại di chứng về sức khỏe, tâm lý cho nạn nhân nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm nhẹ hơn vì tội mua bán người không có hình phạt tù chung thân như tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn xem nhẹ hành vi đưa người di cư trái phép, trong khi đây là một trong những nội dung có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với tội phạm mua bán người. Tội mua bán người theo điều 150 bao gồm trường hợp nạn nhân bị mua bán trong phạm vi quốc gia và bị mua bán qua biên giới. Còn đưa người di cư trái phép là việc giao dịch để đạt được trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích về tài chính hoặc lợi ích vật chất khác từ việc một người nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thành viên, mà người này không phải là công dân của quốc gia đó hoặc thường trú tại quốc gia đó. Hành vi này thường được tội phạm lợi dụng nhằm thực hiện thành công hành vi mua bán người. Người di cư trái phép chỉ nhận ra mình là nạn nhân của mua bán người khi bị bóc lột để thu lợi cho đối tượng phạm tội, lúc này tội phạm mua bán người cũng đã hoàn thành. Tại Việt Nam xuất hiện nhiều tuyến trọng điểm của tội phạm mua bán người qua biên giới như tuyến đường bộ giáp biên giới Trung Quốc, Campuchia. Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam chưa có tội danh đưa người di cư trái phép mà chỉ có tội danh tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349). Điều này là chưa đúng với tinh thần của của Công ước TOC (Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) và Nghị định thư TIP.
Hiện nay xuất hiện hành vi mới là tình trạng mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Đây là hành vi vô nhân tính cần xử lý nghiêm. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi mà đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng của hành vi phạm tội, cho nên cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi. Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chưa có quy định nào về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ để làm cơ sở, căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.
Sự phát triển của tội phạm mua bán người dẫn tới việc hình thành các tổ chức, đường dây quy mô lớn, xuyên biên giới quốc gia, tinh vi, nguy hiểm và số lượng nạn nhân lớn. Các tổ chức phạm tội núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân đã được đăng ký kinh doanh. Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam đang thiếu quy định nhằm xử lý chủ thể này. Do đó, việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống loại tội phạm này gặp khó khăn do xung đột pháp luật.
Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng là chưa tương thích. Theo tác giả hình phạt bổ sung này hiện nay đang ở mức thấp vì “lợi nhuận” thu được từ hành vi mua bán người là rất lớn, cơ quan tiến hành tố tụng rất khó có thể chứng minh và tịch thu được.
Về tình tiết định khung tăng nặng là hậu quả của việc thực hiện hành vi mua bán người đối với nạn nhân “gây rối loạn tâm thần và hành vi” tại điểm c khoản 2, 3 Điều 150, hiện nay việc vận dụng vào thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, tình tiết “gây rối loạn tâm thần và hành vi” vẫn chưa được Nghị quyết này giải thích một cách cụ thể.
Tại điểm b khoản 3 Điều 150 quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” nhưng trong điều luật lại không thấy quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động”. Điều này là không thống nhất.
Về tính tiết “thủ đoạn khác” tại điều 150 cũng dẫn nhiều cách hiểu chưa rõ ràng, đầy đủ và thống nhất, dẫn đến việc định tội danh gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc đẩy mạnh học hỏi kinh nghiệm, đa dạng hóa nguồn nghiên cứu các nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau là cần thiết. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Canada và Philippines trong việc quy định về tội mua bán người.
Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ thể hiện ở hai cấp độ liên bang và tiểu bang. Bộ Tổng luật Hoa Kỳ (Code of Laws of the United States of America) được xem là văn bản pháp luật hình sự điều chỉnh quan hệ pháp luật ở cấp độ rộng nhất, cấp độ liên bang. Tội mua bán người được quy định trong Bộ Tổng luật Hoa Kỳ tại Tiêu đề 1, Chương 77, Điều 1590 và Điều 1591. Bên cạnh đó, Đạo luật bảo vệ nạn nhân buôn người được ban hành năm 2000 cũng đã góp phần hoàn thiện quy định về tội mua bán người trong Bộ Tổng luật Hoa Kỳ.
Theo quy định tại Điều 1590, Điều 1591 thì tội buôn bán người có hành vi khách quan là tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp hoặc tiếp nhận cho mục đích lao động cưỡng bức, và các hành vi mà tuyển mộ, dụ dỗ, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp, tiếp nhận, quảng cáo, giữ, hay lui tới hoặc mua dâm hoặc thu lợi tài chính bằng những vật có giá trị, từ việc tham gia vào nhóm/tổ chức có những hành vi nêu trên trên với mục đích bóc lột tình dục.
Pháp luật hình sự Hoa Kỳ không quy định mục đích “để lấy bộ phận cơ thể người” vào điều luật về tội mua bán người mà có quy định riêng biệt tại khoản a Điều 274e Tiêu đề 42 Nghiêm cấm mua bán nội tạng. Tuy nhiên, hướng quy định này khiến những nạn nhân của hành vi lấy bộ phận cơ thể đồng thời là nạn nhân mua bán người không nhân được sự bảo vệ tương thích của pháp luật như những nạn nhân của tội mua bán người khác.
Pháp luật Hoa Kỳ cho rằng tính trái ý muốn của nạn nhân không phải là yếu tố quyết định trong việc định tội đối với người thực hiện các hành vi trong mặt khách quan của tội mua bán người. Án lệ giữa Tòa án tối cao bang Indiana và bị đơn là ông Stanton Cephus năm 2013 đã chứng minh rằng trong trường hợp buôn bán người để bóc lột tình dục, việc nạn nhân có tiền án liên quan tới mại dâm không phải là yếu tố quyết định nạn nhân có đồng ý tham gia mại dâm hay không.
Theo pháp luật liên bang, hình phạt của tội mua bán người bao gồm: phạt tiền, ngồi tù không quá 20 năm, tù chung thân. Một số tiểu bang của Hoa Kỳ thiết lập hệ thống hình phạt riêng nghiêm khắc hơn và có quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức đối với tội danh này. Luật hình sự bang Massachusetts quy định hình phạt lên đến 01 triệu đô la đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi mua bán người nhằm mục đích lao động cưỡng bức. Pháp luật Hoa Kỳ đã ghi nhận hình phạt tù chung thân và quy định phạt pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán người. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.
Trung Quốc là quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam. Chế độ chính trị, văn hóa - xã hội của hai nước có sự tương đồng nhất định. Do đó, đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm pháp luật của Trung Quốc về tội mua bán người.
Pháp luật hình sự Trung Quốc quy định nghiêm khắc đối với tội mua bán người. Bộ luật Hình sự Trung quốc năm 2015 quy định cụ thể tại các Điều 240, 241, 242 và Điều 416.
Bộ luật Hình sự năm 2015 của Trung Quốc quy định mặt khách quan của tội mua bán người chỉ bao gồm hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy nội tạng. Hành vi giao người, nhận tiền thông qua việc kết hôn không được Bộ luật Hình sự ghi nhận là hành vi khách quan của tội mua bán người. Việc này gây khó khăn trong cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh vấn nạn “mua vợ” ngày càng nhiều do mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc. Bộ luật Hình sự cũng chỉ quy định hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em mà không áp dụng đối với trường hợp mua bán nam giới.
Trước khi Tu chính án thứ chín ra đời, người mua phụ nữ hoặc trẻ em bị bắt cóc có thể được miễn hình phạt nếu người mua không cản trở người phụ nữ trở về nhà theo ý mình hoặc ngược đãi trẻ em hoặc cản trở đứa trẻ được giải cứu. Tu chính án thứ chín đã bãi bỏ quyền miễn trừ này.
Mức tối thiểu của hình phạt là 05 năm tù, tối đa là tù chung thân hoặc tử hình. Song song với việc bị áp dụng hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản. Mức độ nghiêm khắc của hình phạt tại Trung Quốc cao hơn pháp luật hình sự của Việt Nam. Tương tự như kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ, Việt Nam có thể tham khảo việc quy định mức hình phạt đối với tội mua bán người của Trung Quốc để sửa đổi Bộ luật luật Hình sự năm 2015.
Bộ luật Hình sự Australia năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) ghi nhận các tội danh liên quan về mua bán người tại 06 điều luật, bao gồm: Điều 271.2 về tội mua bán người; Điều 271.3 về tội mua bán người có tình tiết tăng nặng; Điều 271.5 về tội buôn bán người trong nước; Điều 271.6 về tội buôn bán người trong nước có tình tiết tăng nặng; Điều 271.4 về tội mua bán trẻ em và Điều 271.7 về tội buôn bán trẻ em trong nước.
Bộ luật Hình sự Australia ghi nhận các hành vi khách quan của loại tội phạm này được như sau:
(i) dùng thủ đoạn đe dọa, lừa dối, ép buộc, cưỡng bức người khác hoặc tổ chức để người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia;
(ii) tổ chức hoặc tạo điều kiện cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia mà không quan tâm tới việc người đó có bị bóc lột, lạm dụng sau khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh hay không;
(iii) tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia và lừa dối họ để họ tham gia vào dịch vụ tình dục hoặc bóc lột họ hoặc tịch thu giấy tờ tùy thân của họ sau khi nhập cảnh vào hoặc xuất cảnh khỏi Australia;
(iv) tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia và sắp xếp, bố trí cho người đó tham gia vào việc cung cấp dịch vụ tình dục với thủ đoạn lừa dối về bản chất thật của việc cung cấp dịch vụ tình dục, về việc họ được tự do trong hoạt động cung cấp dịch vụ tình dục hoặc họ được tự do lựa chọn không tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ tình dục. Người thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bị phạt với mức cao nhất là 12 năm tù. Người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam nếu thuộc trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng sau: (i) ngay từ ban đầu đã có mục đích bóc lột nạn nhân; (ii) nạn nhân bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; (iii) nạn nhân bị gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc có nguy cơ tử vong.
So với pháp luật quốc tế, Pháp luật hình sự Australia về tội buôn bán người có phần rộng hơn khi quy định tội buôn bán người, bao gồm cả những hành vi có tính chất đưa người di cư trái phép.
BLHS Canada quy định tội danh về buôn người trong một điều luật (Điều 279.01). Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn người đối với người phạm tội khi người đó thực hiện hành vi vì mục đích bóc lột hoặc tạo thuận lợi cho việc bóc lột nạn nhân mà thực hiện một trong hai hành vi sau: (i) tuyển mộ, vận chuyển, tiếp nhận, giam giữ, che giấu hoặc chứa chấp một người; (ii) thực hiện việc kiểm soát, chỉ đạo hoặc tạo ảnh hưởng đối với hành vi của một người. Người phạm tội có thể bị phạt tù tới 14 năm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự không bị ảnh hưởng vào sự đồng thuận của nạn nhân. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự Canada (được sửa đổi năm 2004) nổi bật với quy định Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong đó có tội mua bán người. Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm pháp luật của Canada trong việc ghi nhận pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán người.
Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) ghi nhận tội buôn bán người và hình phạt đối với tội phạm này tại Điều 4. Theo đó, hành vi khách quan của tội buôn bán người bao gồm:
(i) tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao hoặc chứa chấp, cung cấp hoặc nhận người bằng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả với lý do tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo nghề trong hoặc ngoài nước nhằm mục đích mại dâm, khiêu dâm, khai thác tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ, trừ nợ;
(ii) giới thiệu hoặc tác thành để kết hôn vì tiền, lợi nhuận hoặc lợi ích vật chất, kinh tế đối với bất kỳ một người nào cho một người nước ngoài với mục đích mua, bán hoặc buộc người đó tham gia hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ;
(iii) mời hoặc ký hợp đồng kết hôn thật hoặc giả nhằm mục đích mua, bán hoặc buộc họ tham gia vào hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ;
(iv) nhận làm con nuôi hoặc tạo điều kiện cho việc nhận làm con nuôi bằng bất cứ hình thức nào với mục đích bóc lột hoặc để tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ;
(v) đảm nhận hoặc tổ chức các chuyến du lịch và kế hoạch du lịch nhằm các mục đích sử dụng và cung cấp người cho hoạt động mại dâm, khiêu dâm hoặc bóc lột tình dục;
(vi) giữ hoặc thuê một người để thực hiện mại dâm hoặc khiêu dâm;
(vii) tuyển mộ, thuê, nhận làm con nuôi, vận chuyển hoặc bắt cóc một người, bằng cách đe doạ hoặc dùng vũ lực, gian lận, lừa dối, bạo lực, áp bức hoặc đe dọa nhằm mục đích lấy đi hoặc bán các bộ phận cơ thể của người đó; (viii) tuyển mộ, vận chuyển hoặc nhận làm con nuôi một đứa trẻ để đứa trẻ đó tham gia vào các hoạt động vũ trang tại Philippines hoặc nước ngoài;
(ix) tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận một đứa trẻ (dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng không có khả năng chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân do bị khuyết tật hoặc tâm thần) nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ khổ sai, sản xuất, buôn bán ma túy, thực hiện các hoạt động phạm pháp hoặc bán họ mà không cần bất cứ thủ đoạn nào.[5]
Hình phạt của tội buôn bán người là phạt tù 20 năm và phạt tiền từ 01 triệu Peso đến 02 triệu Peso. Trường hợp thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với trẻ em (người dưới 18 tuổi hoặc người dù trên 18 tuổi nhưng không thể tự bảo vệ bản thân do bị khuyết tật hoặc tâm thần) thì bị phạt tù chung thân và phạt tiền từ 02 triệu Peso đến 05 triệu Peso. Hình phạt này cũng áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội buôn bán có tình tiết tăng nặng, như tội phạm được thực hiện bởi một tổ chức hoặc có quy mô lớn hoặc khi người phạm tội là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, người giám hộ hoặc một người có quyền lực với người bị buôn bán, thành viên của quân đội hoặc cơ quan thi hành pháp luật.
Cùng với trách nhiệm hình sự của cá nhân, Luật Phòng, chống buôn bán người Philippines năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), từ Điều 3 đến Điều 12 của Philippines còn quy định trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với pháp nhân.
Pháp luật của Philippines đã liệt kê một loạt các hành vi được coi là phạm tội buôn bán người tại Điều 4 Luật Phòng, chống buôn bán người Philippines năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) một cách cụ thể, rõ ràng và bao quát, bao gồm cả các trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định hình phạt áp dụng cho từng hành vi phạm tội tại một điều luật khác. Theo quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines thì cấu thành cơ bản của tội buôn bán người được quy định xuất phát từ định nghĩa về buôn bán người tại Điều 3 của Luật này, gồm ba dấu hiệu pháp lý, đó là hành vi, thủ đoạn và mục đích, riêng đối với hành vi buôn bán trẻ em thì không cần dấu hiệu thủ đoạn. Việt Nam có thể nghiên cứu cách thức quy định chi tiết của Philippines để chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội buôn bán người là một điểm nổi bật để Việt Nam có thể chỉnh sửa quy định và áp dụng.
Theo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (2021):
“…hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.”
Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để thực hiện vai trò quyền lực của mình. Hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật. Trong hệ thống pháp luật thì pháp luật hình sự, mà cụ thể là Bộ luật Hình sự được coi là một trong những bộ luật “rường cột” để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chính vì thế, sự minh bạch, rõ ràng trong mỗi quy định của Bộ luật Hình sự cũng như tính đồng bộ, thống nhất của Bộ luật Hình sự với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, trong đó có quy định về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em.
Quán triệt tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn mới, việc hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự cần đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Cần đảm bảo sự rõ ràng trong các quy định của Bộ luật Hình sự và sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế; (ii) Yêu cầu đảm bảo quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại chương II; (iii) Đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam; (iv) Yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm tại Việt Nam.
Từ những khó khăn, vướng mắc tại mục 2 và kinh nghiệm một số quốc gia tại mục 3, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội mua bán người với một số nội dung:
Một là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội “Mua bán người” nhằm đáp ứng được thực tiễn tình hình phạm tội có tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia hiện nay. Tham khảo kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ, Canada…, nhóm tác giả đề xuất sửa đổi “Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” như sau: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây: 1. Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi)...”
Hai là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động” để đảm bảo thống nhất trong điều luật.
Ba là, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng về nạn nhân của Tội mua bán người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi sao cho đúng với tinh thần của Nghị định thư TIP
Bốn là, cần sửa khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nâng mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng thành từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với lợi ích bất chính từ hành vi mua bán người mang lại cho người phạm tội.
Nhóm tác giả đề xuất sửa đổi Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 150. Tội mua bán người
1. (Giữ nguyên)
2. (Giữ nguyên)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Đã bóc lột tình dục;
d) Đã cưỡng bức lao động;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
g) Đối với 06 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. (Giữ nguyên)
2. (Giữ nguyên)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Đã bóc lột tình dục;
d) Đã cưỡng bức lao động;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
g) Đối với 06 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Năm là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung loại tội mới về hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ để làm cơ sở cho việc xử lý trách nhiệm hình sự trước tình hình mua bán diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hiện nay.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia và đảm bảo sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế:
Một là, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu việc gia nhập Nghị định thư Chống đưa người di cư bất hợp pháp bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, góp phần triệt phá đường dây tội phạm xuyên biên giới - “cánh tay phải” của tội phạm mua bán người tại Việt Nam.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người đặc biệt tại khu vực biên giới.
Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách thống nhất, chính xác, tương thích trong thực tế với một số nội dung:
Một là, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn tình tiết “gây rối loạn tâm thần và hành vi” để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong việc xử lý.
Hai là, cần sửa đổi các văn bản hướng dẫn theo xu hướng cụ thể, phân biệt rạch ròi giữa tội mua bán người với các tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có sự tương đồng nhất định trong cấu thành tội phạm. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội hay nhiều tội khi người phạm tội thực hiện nhiều hành vi có trong cấu thành cơ bản của các tội khác nhau.
Ba là, bổ sung, thống nhất cách hiểu về các “thủ đoạn khác” được quy định tại điều 150 nhằm định tội danh một cách chính xác và hạn chế việc bỏ lọt tội phạm.
Việc hoàn thiện quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam về Tội mua bán người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm. Trong bài viết, nhóm tác giả đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi trong thời gian gần đây. Qua đó, các tác giả đã chỉ ra một số bất cập trong quy định. Trên các bất cập đã phân tích kết hợp với kinh nghiệm pháp luật hình sự của các nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Canada và Philippines, các tác giả đã đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm hoàn thiện quy định của của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Bài viết góp phần cung cấp thêm thông tin pháp lý về tội phạm mua bán người, đóng góp vào nguồn tư liệu để các nhà làm luật có thể tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản pháp luật
[1]. Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015, Điều 150-151.
[2]. Bộ Tổng luật Hoa Kỳ, Tiêu đề 1, Chương 77, Điều 1590 - 1591.
[3]. Bộ luật Hình sự Trung quốc năm 2015, Điều 240-242, 416.
[4]. Bộ luật Hình sự Australia năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) Điều 271.2, 271.3, 271.5, 271.6, 271.4, 271.7.
[5] Bộ luật Hình sự Canada, Điều 279.01.
[6]. Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
[7]. Đạo luật bảo vệ nạn nhân buôn người Hoa Kỳ được ban hành năm 2000.
[8]. Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Điều 3-12.
[9]. Nghị định thư về ngăn ngừa, trừng trị và trấn áp việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày 15 tháng 11 năm 2000.
[10]. Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật hình sự số 01/2019/NQ-HĐTP, ngày 11 tháng 01 năm 2019.
Các công trình nghiên cứu
[1]. Cao Văn Mạnh, Quy định của pháp luật hình sự về tội mua bán người và những vướng mắc, kiến nghị, Tạp chí Tòa án, (13h30 26/4/2022), tapchitoaan.vn
[2]. Hà Minh Quang, Tội mua bán người trong Bộ luật hình sự năm 2015, (Luận văn thạc sĩ Luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội (2021).
[3]. Lê Khánh Hòa, Tội mua bán người trong pháp luật hình sự Việt Nam, (Luận văn thạc sĩ Luật Học), trường đại học luật Hà Nội (2018).
[4]. Lê Thị Vân Anh, Tội mua bán người và tội mua bán trẻ em theo pháp luật hình sự Việt Nam, (Luận án tiến sĩ Luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội (2022).
[5]. Lê Thị Vân Anh 2021, Đánh giá tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Tạp chí Nghề luật số 03/2021, 53, 53-59, 71 (2021).
[6]. Lê Văn Thanh, Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định về tội ‘Mua bán người’, Tạp chí Luật sư Việt Nam, (22h01 04/06/2022), lsvn.vn
[7]. Ngô Thị Bích Thu, Tăng cường thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (30/7/2021), www.lapphap.vn
[8]. Nguyễn Thị Hà, Đậu Đình Nam, Hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội mua bán người, Kỷ yếu cuộc thi Nghiên cứu khoa học Euréka năm 2020 (2020).
[9]. Nguyễn Tuấn Anh, Những khó khăn, vướng mắc, nhận thức và áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, (10h35 27/10/2022), vienkiemsatlangson.gov.vn
[10]. Phạm Minh Tuyên, (2018) Kỹ năng xét xử các vụ án hình sự, NXB Thanh niên, Hà Nội (2018).
[11]. Phạm Minh Tuyên, Thực trạng các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em – Một số vướng mắc và kiến nghị, Tạp chí Tòa án, (09h05 26/02/2018), tapchitoaan.vn
[12]. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam phần các tội phạm Quyển 1, NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2018).
[13]. Võ Thị Bích Hà, Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” trên địa bàn TP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, (15h55 19/5/2022), vkshanoi.gov.vn
Website
[1]. Bộ Công an, Kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2022, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, (01/02/2023), bocongan.gov.vn
[2]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ, (10h03 26/02/2021), baochinhphu.vn
[3]. Đại Thắng, Những đánh giá sai lệch về công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, Công an nhân dân online, (07h12 01/8/2022), cand.com.vn
[4]. Lê Anh, Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (08/7/2022), quochoi.vn