Triệt phá nhóm đối tượng cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để đòi nợ: Tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm có bị xử lý hình sự?
Yến Nhi
Thứ bảy, 07/12/2024 - 08:55
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thời gian gần đây, xuất hiện các đối tượng sử dụng thủ đoạn chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm vào ảnh của nạn nhân, sau đó gọi điện đe dọa nhằm đòi nợ hoặc tống tiền các cán bộ lãnh đạo. Pháp luật hiện hành quy định tội tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm bị xử phạt như thế nào?
Triệt phá nhóm đối tượng chuyên cắt ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ thuê
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 13 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" do trước đó có hành vi cắt ghép hình ảnh nhạy cảm vào hình ảnh của nạn nhân, gọi điện liên lạc đe dọa, xúc phạm người thân, lãnh đạo cơ quan, tổ chức nơi các khách hàng vay nợ ngân hàng để thúc ép trả nợ và cưỡng đoạt tài sản.[1]
Trước đó, ngày 25/11, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra hành chính (tại một văn phòng ở tầng 4, số nhà 265, đường Nguyễn Công Phương, tổ 8, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và phát hiện Lê Văn Triều (sinh năm 1992, trú tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi) chủ mưu, cầm đầu cùng 17 đối tượng khác đều là nữ giới trú tại tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu phạm tội "Vu khống" và "Cưỡng đoạt tài sản."
Cụ thể, đối tượng Lê Văn Triều (sinh năm 1992) lập hai nhóm nhân viên để lấy thông tin của khách hàng; liên lạc, nhắn tin đe dọa, vu khống, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm của họ để đòi nợ trái quy định.
Tiến hành khám xét khẩn cấp tại nơi làm việc của Lê Văn Triều và đồng bọn, lực lượng phá án đã thu giữ 44 điện thoại di động, 22 bộ máy vi tính và nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan.
Với sự hỗ trợ tích cực của Công an tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng phá án của Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập, áp giải Lê Văn Triều và 17 đối tượng liên quan từ Quảng Ngãi về Bắc Giang.
Lê Văn Triều thuê Nguyễn Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1998) và Lê Thị Thúy (sinh năm 1990), đều trú tại tỉnh Quảng Ngãi làm quản lý, điều hành các nhân viên. Lê Văn Triều là người thuê địa điểm, mua máy vi tính, điện thoại di động, sim "rác," sim “mạo danh,” tìm kiếm thông tin người vay nợ, người liên quan như lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, người thân...
Sau đó, các đối tượng sử dụng sim "rác", sim "mạo danh," tạo lập tài khoản Zalo, Telegram, Facebook nặc danh để gọi điện liên lạc đe dọa, xúc phạm, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm đăng lên mạng xã hội, gây áp lực, thúc ép khách hàng phải trả nợ. Trường hợp khách hàng không thanh toán khoản nợ, các đối tượng trên tìm đến, gây áp lực lên đồng nghiệp, lãnh đạo hay người thân của khách hàng để ép người vay thanh toán nợ.
Các đối tượng đã thúc ép người thân của khách hàng và khách hàng trả nợ khoảng 300-400 triệu đồng. Khi đó, nhóm này được hưởng 21% tổng số tiền.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Bắc Giang đã khởi tố 13 bị can trong vụ án này về tội Cưỡng đoạt tài sản để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Đe dọa tung clip 'nhạy cảm' để tống tiền các cán bộ lãnh đạo
Ngày 6/12, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có văn bản cho biết thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới của một số đối tượng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.[2]
Các đối tượng sử dụng hình thức gửi tin nhắn đến một số cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đe dọa sẽ phát tán hình ảnh, clip nhạy cảm, bất lợi, ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân.
Các đối tượng này yêu cầu cán bộ nếu không muốn bị tiết lộ phải chuyển tiền cho bọn chúng.
Trước việc này, Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc chấp hành các chuẩn mực đạo đức, lối sống.
Cán bộ, đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng, sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Khi phát hiện sự việc, cán bộ, đảng viên liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý; tuyệt đối không tự ý liên hệ, tương tác hoặc làm theo yêu cầu của đối tượng", theo Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng giao cơ quan công an phối hợp khẩn trương điều tra, xác minh hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, dư luận xôn xao thông tin ông Dương Đình San - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bị sử dụng hình ảnh và đoạn nội dung tin nhắn nhạy cảm để tống tiền.[3]
Theo thông tin được chia sẻ, có một đối tượng tự xưng là nữ đã chủ động kết bạn, nhắn tin với ông San. Sau đó, 2 người đã tương tác với nhau bằng những hình ảnh, nội dung tin nhắn nhạy cảm.
Tiếp đó, đối tượng sử dụng các hình ảnh, nội dung trên nhằm tống tiền vị lãnh đạo xã Xuân Long. Ban đầu, số tiền được đối tượng đưa ra chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Sau đó, con số này được tăng lên đến 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi ông San không đồng ý đưa số tiền nói trên, tất cả những nội dung tin nhắn, hình ảnh nhạy cảm đã được đối tượng gửi cho rất nhiều người tại một số cơ quan công quyền huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?
Khoản 1 và 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ/CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:[4]
"Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này."
Như vậy, người có hành vi chia sẻ hình ảnh nhạy cảm với nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng xã hội mà không tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, đồng thời bắt buộc phải gỡ bỏ thông tin, nội dung đã chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sau:[5]
"Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;
c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;
d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;
d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;
đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;
e) Đối với người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;
c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Như vậy, người tung hình ảnh, clip nóng lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với các khung hình phạt ứng được quy định tại Điều 326 nêu trên.
Tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm có thể bị truy cứu hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản", cụ thể như sau:[6]
"Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Theo quy định trên, người tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm của người khác có thể bị phạt tù từ 01-05 năm với Tội cưỡng đoạt tài sản, mức phạt cao nhất của tội này có thể ngồi tù đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
[1] Minh Thúy, Triệt phá nhóm 13 đối tượng cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gọi điện đe dọa nạn nhân để đòi nợ, Báo An ninh Thủ đô, (16h18 ngày 05/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/triet-pha-nhom-13-doi-tuong-cat-ghep-hinh-anh-nhay-cam-goi-dien-de-doa-nan-nhan-de-doi-no-post597529.antd
[2] Huỳnh Hải, Cảnh báo thủ đoạn đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm tống tiền cán bộ lãnh đạo, Báo Dân trí, (11h23 ngày 06/12/2024), https://dantri.com.vn/xa-hoi/canh-bao-thu-doan-de-doa-tung-hinh-anh-nhay-cam-tong-tien-can-bo-lanh-dao-20241206105242201.htm
[3] Khánh Linh, Nhiều lãnh đạo đối mặt nguy cơ bị uy hiếp bằng ảnh nhạy cảm, Báo Lao động, (20h49 ngày 05/12/2024), https://laodong.vn/phap-luat/nhieu-lanh-dao-doi-mat-nguy-co-bi-uy-hiep-bang-anh-nhay-cam-1431078.ldo
[4] Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính,
viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
[5] Điều 326 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy".
[6] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
(PLPT) - Một người đàn ông ở Ninh Bình bị lừa hàng trăm triệu đồng vì tin lời hai đối tượng người nước ngoài giả danh nhà đầu tư nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
(PLPT) - Liên quan tới vụ việc thiếu nữ 14 tuổi bị hiếp dâm, đe dọa bằng clip "nóng", chuyên gia pháp lý đã có những phân tích vấn đề pháp lý về tình huống của vụ việc.
(PLPT) - Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam sở hữu một thị trường mua sắm trực tuyến lớn và giàu tiềm năng khi có tới 80% dân số sử dụng internet để mua sắm, thúc đẩy sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử hứa hẹn sẽ tối ưu hóa doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(PLPT) - Sau khi trộm xe máy tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nam thanh niên di chuyển lên cao tốc thì bị lực lượng CSGT dừng xe và phát hiện. Pháp luật hiện hành quy định hành vi đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?
(PLPT) - Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng rao bán xe máy không giấy tờ với giá rẻ, yêu cầu đặt cọc qua tài khoản "rửa tiền" rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền, khiến nhiều người sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo "giả danh thám tử," "chat sex" để bí mật thu thập thông tin nhạy cảm liên quan đến các nạn nhân. Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện, gửi thư điện tử hoặc nhắn tin để đe dọa nhằm tống tiền.
Cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thay vì làm luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, bởi thực tế cho thấy tính ổn định của Chương trình không cao.
(PLPT) - Cơ quan Công an phát hiện hàng tấn hàng giả mạo nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng. Pháp luật hiện hành quy định về hành vi vận chuyển buôn bán hàng giả xử lý như thế nào?