Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông
Gia Bảo
Thứ năm, 18/07/2024 - 11:19
Nghe audio
0:00
Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông sẽ không ảnh hưởng tới công tác phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.
Sáng 17/7 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên.
Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS. Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.
Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.
Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong quá trình Việt Nam nộp các Đệ trình của mình theo đúng các quy định có liên quan của UNCLOS và CLCS.
Cùng ngày, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc để bày tỏ lập trường của Việt Nam về việc Philippines nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông vào ngày 14/6/2024.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy, khối BRICS chưa có cơ chế pháp lý đầu tư chung, tuy nhiên hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của mỗi nước lại có nhiều điểm đặc sắc. Kỳ này chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu về Ấn Độ.
Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.
Việc Liên minh châu Âu và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) họp thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ có thể muộn, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.