Lợi dụng bán hàng qua mạng để chiếm đoạt tiền đặt cọc: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
Yến Nhi
Thứ năm, 14/11/2024 - 16:06
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Gần đây, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức đăng tải hình ảnh, bài viết bán các mặt hàng xe, điện thoại di động qua sử dụng lên mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của hàng trăm người trên cả nước. Pháp luật hiện hành quy định xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra sao?
Chiếm đoạt gần 500 triệu đồng tiền đặt cọc của hàng trăm người
Vừa qua, Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã triệt phá 2 nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn đăng hình ảnh, bài viết bán các mặt hàng xe, điện thoại di động qua sử dụng lên mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nhiều bị hại trong cả nước tiếp tục là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.
Mới đây, Trần Văn Lộc (SN 2003), trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông tạm giam để điều tra, với hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 1 năm 2024 đến khi bị bắt vào ngày 28/10/2024, Lộc đã lừa đảo và chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng của hàng trăm người dân trên cả nước với số tiền từ 1 đến 50 triệu đồng. Trong đó, có anh Nguyễn Tiến T ở huyện Đắk R'lấp bị Lộc lừa đảo và chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng tiền cọc để mua xe ô tô cũ.
Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã thu giữ các tang vật gồm: 4 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay cùng một số đồ vật có liên quan.
Thủ đoạn của Trần Văn Lộc là sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội rồi tham gia vào hội nhóm trên mạng Facebook để lấy thông tin, hình ảnh của người đang có nhu cầu bán xe ô tô cũ, xe máy múc, bán điện thoại di động qua sử dụng… và tải về đăng lên Facebook cá nhân rồi rao bán với giá rất thấp.
Khi có khách hỏi mua, Lộc hướng dẫn người mua kết bạn qua tài khoản Zalo để trao đổi thống nhất. Khách đồng ý mua, Lộc yêu cầu họ chuyển tiền cọc qua tài khoản ngân hàng. Nhận tiền cọc, Lộc tiếp tục gian dối, đưa ra nhiều lý do khác để tạo lòng tin khiến khách gửi thêm tiền cọc và chiếm đoạt...
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R'lấp cũng đã đấu tranh, triệt phá 1 nhóm 2 đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng. Qua đó khởi tố, tạm giam 2 đối tượng Phạm Thanh Quân (SN 2006) và Lê Thành Trung (SN 2007), cùng trú tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2024, Quân và Trung đã lên mạng xã hội tìm kiếm và tải các hình ảnh xe môtô cần bán, hình ảnh xe môtô được bọc bìa carton đang chuẩn bị gửi xe, hình ảnh tin nhắn đặt cọc rồi đăng lên trang Facebook cá nhân để rao bán với giá rẻ và chiếm đoạt tiền đặt cọc sau đó chặn mọi liên lạc với các nạn nhân. Qua đó đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 12 triệu đồng của 2 người dân trên địa bàn huyện Đắk R'lấp và Đắk Mil. Đơn cử vào tháng 3 năm 2023, anh H ở huyện Đắk R'lấp bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 7 triệu đồng đặt cọc để mua xe môtô.
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá nhiều vụ, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, cẩn trọng khi mua hàng qua mạng xã hội, tránh sập bẫy lừa đảo của các đối tượng với thủ đoạn tương tự như trên.
Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
Cấu thành tội phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chủ thể
Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự
Khách thể
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Mặt chủ quan
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Mặt khách quan
-Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:
1. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
2. Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.
3. Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
- Về giá trị tài sản: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên.
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Các khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ pháp lý: Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015
Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong các trường hợp:
- Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
- Tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung hai: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:
-Có tổ chức;
-Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung ba: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung bốn: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo đó, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng kèm các hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Như vậy, người nào có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau:
- Hình phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?