Tóm tắt: Chính sách hỗ trợ việc làm đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng cần thiết để giúp đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động. Hiện nay, các vấn đề về chính sách hỗ trợ việc làm đã được quy định trong Luật Việc làm năm 2013, điều này đã tạo được khung hành lang pháp lý cần thiết để thúc đẩy, triển khai hiệu quả các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu việc làm của người lao động trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì các quy định điều chỉnh về chính sách hỗ trợ việc làm vẫn còn tồn tại những vấn đề hạn chế nhất định cần tiếp tục hoàn thiện. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định về hỗ trợ việc làm và từ đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện.
Từ khóa: Chính sách, người lao động, hỗ trợ việc làm, góp ý, hoàn thiện.
Abstract: Employment support policies play a very important role, a necessary foundation to help meet the employment needs of workers. Currently, the issues of policies to support job creation have been stipulated in the Law on Employment 2013, which has created the necessary legal framework to promote and effectively implement policies on support for job creation to promptly meet the employment needs of employees in the current context. However, besides the positive aspects achieved, the regulations governing employment support policies still have certain limitations that need to be improved. From there, the article focuses on analyzing and evaluating to clarify the limitations and inadequacies in the regulations on employment support and thereby making a number of recommendations to contribute to completion.
Keywords: Policies, employees, employment support, suggestions, completion.
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc có được việc làm là không dễ dàng nếu như chỉ người lao động (NLĐ) “tự thân vận động” mà không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách, pháp luật. Mặc dù, Nhà nước đã có sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ việc làm (CSHTVL) cho NLĐ thông qua hàng loạt những quy định tại Luật Việc làm (LVL) 2013 nhưng nhìn chung, những quy định củapháp luật hiện hành vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định, điều này làm cho CSHTVL cho NLĐ chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Trước thực tế đó, hiện nay LVL 2013, trong đó có các quy định về CSHTVL đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024) và trình thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2025). Chính vì vậy, để góp phần hoàn thiện LVL trong đó có việc hoàn thiện các quy định về CSHTVL nhằm đáp ứng phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì vấn đề đặt ra là cần phải chỉ ra được những vấn đề hạn chế, bất cập trong quy định về CSHTVL để từ đó đưa ra các đề xuất kiến nghị hoàn thiện là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ việc làm
CSHTVL là tập hợp các biện pháp, quy định và chương trình do nhà nước hoặc các tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm, bảo đảm quyền làm việc của người lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động. Những chính sách này tập trung vào việc giải quyết thất nghiệp, tạo việc làm mới, hỗ trợ tái hòa nhập thị trường lao động và đảm bảo sự cân bằng cung - cầu lao động. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và phát triển toàn cầu, CSHTVL được xem là một trong những yếu tố quan trọng đối với mọi quốc gia. Chính sách này không chỉ đóng góp vào việc phát triển kinh tế mà còn đảm bảo các quyền cơ bản của NLĐ, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng và bền vững[1]. CSHTVL tạo điều kiện để các cá nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận cơ hội việc làm công bằng, ổn định thu nhập, và cải thiện đời sống. Tầm quan trọng của CSHTVL được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, về góc độ pháp lý. CSHTVL có cơ sở pháp lý vững chắc và là một phần quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Đây là công cụ thể hiện cam kết của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lao động - một trong các quyền con người cơ bản được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc và Công ước Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việc ban hành và thực hiện CSHTVL là nghĩa vụ của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, cũng như điều chỉnh mối quan hệ lao động theo hướng công bằng, bền vững. Từ đó, các quy định về chính sách này cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và dễ thực thi, nhằm đạt được sự hiệu quả trong việc điều tiết thị trường lao động và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Hai là, về kinh tế xã hội. CSHTVL góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống xã hội[2]. Việc tạo điều kiện cho người dân có việc làm giúp tăng cường lực lượng lao động, từ đó nâng cao sản lượng và năng suất lao động. NLĐ có thu nhập ổn định sẽ tham gia vào thị trường tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Cùng với đó, CSHTVL cũng giúp hạn chế tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng nghèo đói trong xã hội. Đặc biệt, chính sách này có thể tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người nghèo, phụ nữ, người dân tộc thiểu số có cơ hội việc làm phù hợp, từ đó góp phần nâng cao mức sống và hạn chế các vấn đề xã hội phát sinh từ thất nghiệp. Hơn nữa, chính sách tạo việc làm còn góp phần vào việc giảm thiểu chênh lệch thu nhập và bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là giữa các nhóm đối tượng lao động. Khi cơ hội việc làm được đảm bảo công bằng, mọi người đều có khả năng tự do phát triển kinh tế, giảm thiểu sự phân biệt xã hội.
Ba là, về an sinh xã hội. Chính sách tạo việc làm không chỉ là một chính sách kinh tế, mà còn là một chính sách nhân quyền. Quyền làm việc được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người. Các công cụ quốc tế như Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và các hiệp định lao động quốc tế của ILO đã quy định rõ về quyền được làm việc và có thu nhập chính đáng. Ngoài ra, CSHTVL còn đóng góp vào sự ổn định và an toàn xã hội. Khi có việc làm và thu nhập ổn định, người dân sẽ ít bị cuốn vào các vấn đề tiêu cực như tệ nạn xã hội, trộm cắp, và bạo lực. Việc làm ổn định giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn xã hội và gia tăng sự gắn kết cộng đồng.
Như vậy, từ các phân tích trên, có thể thấy chính sách hỗ tạo việc làm có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở cả khía cạnh pháp lý và xã hội. Chính sách này thể hiện cam kết của nhà nước trong việc thực thi các quyền lao động cơ bản và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả của chính sách, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội việc làm cho mọi đối tượng trong xã hội[3].
2. Bất cập, hạn chế trong quy định về chính sách hỗ trợ việc làm
Hiện nay các quy định về CSHTVL đã được quy định trong LVL 2013, điều này đã tạo được hành lang pháp lý cần thiết để phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện các CSHTVL cho NLĐ trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì các quy định điều chỉnh về CSHTVL vẫn còn tồn tại những vấn đề còn hạn chế, bất cập nhất định, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, quy định về tín dụng chính sách giải quyết việc làm tại Điều 10 LVL 2013 còn chưa thật sự rõ ràng, không thể áp dụng trực tiếp, hiệu quả để hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ. Lý giải cho sự không rõ ràng về mặt quy định, có thể thấy, hướng quy định của Luật là “Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác”. Câu hỏi được đặt ra là các nguồn tín dụng khác là nguồn nào? Điều này là một bất cập bởi lẽ, khi không chỉ rõ nguồn tín dụng mà Nhà nước sử dụng để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm sẽ dẫn đến trường hợp khi NLĐ cần được áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi thì lại không biết phải tiến hành làm thủ tục đến cơ quan nào có nguồn tín dụng để thụ hưởng CSHTVL của Nhà nước. Mặt khác, quy định về “các nguồn tín dụng khác” là biểu hiện của sự không rõ ràng, mang tính hình thức và khó có thể áp dụng hỗ trợ NLĐ trên thực tế. Hơn nữa, khi nói về Quỹ Quốc gia về việc làm có thể thấy, sau 28 năm đi vào hoạt động, Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng giải quyết, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng chục triệu lượt lao động[4]. Trong đó, nhóm hưởng lợi nhiều nhất là lao động nông thôn và người yếu thế, khuyết tật, đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn khi được vay vốn, đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập[5]. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ còn hạn chế, đặc biệt là nguồn quỹ đã được bố trí không ít, nhưng còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế, có thể coi như “tấm áo đã chật”[6]. Như vậy, về mặt quy định của pháp luật về việc làm đối với tín dụng chính sách còn chưa thật sự cởi mở và đáp ứng tốt nhu cầu của NLĐ trên thực tế. Với tình hình “đất chật người đông”, dân số trong độ tuổi lao động tại Việt Nam theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 thì ước tính có đến 2/3 dân số của thị trường 100 triệu dân đang vào độ tuổi lao động (từ 15- 64 tuổi).[7] Vậy thì, khi dân số đã đạt mức xấp xỉ 100,99 triệu người ở Việt Nam hiện nay[8], cơ hội cho NLĐ nói chung và NLĐ lớn tuổi, khuyết tật hay không có tay nghề liệu có khả quan không khi các quy định về mặt chính sách và pháp luật còn chưa tiếp cận đúng tính chất, mức độ và điều chỉnh đúng nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể “tấm áo đã chật” của Quỹ quốc gia về việc làm là sự khiên cưỡng của việc thực hiện chính sách, pháp luật khi nhu cầu của NLĐ thì rất lớn nhưng nguồn vốn có thể cung ứng thì quá khiêm tốn khi nhiều lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Hai là, đối với quy định về đối tượng vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tại Điều 12 LVL 2013, Điều 23 Nghị định 61/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2019/NĐ-CP). Có thể thấy, các quy định nói trên đã điều chỉnh một cách tổng quát các đối tượng có nhu cầu vay vốn trên thực tế như: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, NLĐ. Đặc biệt hơn, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này còn liệt kê các đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn như: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.[9] Tuy nhiên, các quy định trên có vẻ như đã “bỏ quên” mất một chủ thể mà lẽ ra phải được liệt kê tại các đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn, đó chính là NLĐ thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với chủ thể là NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng các quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP[10] thì rõ ràng, quy định của pháp luật cần phải điều chỉnh cho các chủ thể này có được sự tiếp cận tốt nhất với nguồn vốn vay của Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua việc giảm lãi suất. Hiện nay, qua số liệu thống kê thực tế, các huyện nghèo hay xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa nước ta còn rất phổ biến, đồng nghĩa với việc số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất đáng kể[11]. Tuy nhiên quy định của pháp LVL hiện hành lại chưa chú tâm đến nhóm chủ thể này, làm cho hiệu quả điều chỉnh của tín dụng chính sách chưa thật sự có độ phổ quát tốt, những chủ thể có nhu cầu vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xứng đáng với thực trạng khó khăn trong cuộc sống của họ. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta còn rất cao, đây cũng là thực tế phản ánh sự bất cập của quy định về việc làm, bởi khi ta chú tâm vào điều chỉnh mức ưu đãi về lãi suất cho nhóm chủ thể như doanh nghiệp nhỏ, vừa cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác thì vô hình trung quy định của luật đã tỏ ra không theo sát thực tiễn. Vì không phải cứ là chủ thể thuộc diện nghèo, cận nghèo là có khả năng ứng tuyển vào các doanh nghiệp nhỏ, vừa hay hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Các chủ thể kinh doanh này luôn có những tiêu chí riêng để “lựa chọn” NLĐ phù hợp với yêu cầu của mình, cho nên sẽ có rất nhiều NLĐ bị loại ra trong quá trình chọn lọc nhân lực làm việc, hơn nữa, điều kiện để được hưởng ưu đãi về lãi suất là “sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số”. Vậy, nếu NLĐ bị loại ra khỏi quá trình chọn lọc nhân lực của các chủ thể kinh doanh đồng thời là NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì khả năng có việc làm của họ sẽ giảm đáng kể, cộng với việc quy định về đối tượng vay vốn được vay với mức lãi suất thấp hơn lại không liệt kê chủ thể này thì rõ ràng là chưa thật sự làm tốt vai trò của CSHTVL, chưa hướng đúng trọng tâm vào chủ thể cần sự hỗ trợ. Hơn nữa, thực tế đã chỉ ra một số chủ thể có sự khó khăn mang tính chất đột xuất, không lường trước được nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo vì chưa được xét cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, thiết nghĩ cũng nên có cơ chế để giảm mức lãi suất cho vay vốn qua Quỹ Quốc gia về việc làm đối với nhóm chủ thể này, để đảm bảo kịp thời hỗ trợ đúng thời điểm cho họ có khả năng vượt qua khó khăn.
Ba là, về điều kiện vay vốn đối với cá nhân NLĐ thì theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 LVL 2013, điều kiện vay vốn đối với NLĐ là “cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án”. Tuy nhiên trên mẫu giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mẫu số 1a) ban hành kèm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP quy định phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi khách hàng hiện đang cư trú hợp pháp tại địa phương. Như vậy, căn cứ quy định trên thì nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của NLĐ phải thuộc trên cùng một địa bàn cấp xã (xã, phường, thị trấn). Điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác thì việc vay vốn từ chương trình này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện.[12] Nếu không đáp ứng một trong các điều kiện là “Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án” thì sẽ không đáp ứng được điều kiện vay vốn mặc dù thật sự có nhu cầu vay vốn. Hơn nữa, đơn vị hành chính cấp xã là quá hẹp để có thể xét điều kiện nói trên, bởi lẽ có những địa bàn mà các xã chỉ cách nhau không quá xa, dẫn đến việc NLĐ cư trú ở địa bàn xã này nhưng không có điều kiện để thực hiện dự án đầu tư tại xã nơi mình cư trú (như điều kiện về quyền sử dụng đất, năng lực tài chính hay nguồn nhân lực…) và buộc phải thực hiện dự án đầu tư ở địa bàn xã khác. Nếu trong trường hợp này và bị xem là không đủ điều kiện vay vốn thì hiệu quả của CSHTVL thông qua tín dụng chính sách là chưa hợp lý trên thực tế. Hơn nữa, nhìn chung quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 13 LVL 2013 được đánh giá là “khắt khe”, đòi hỏi về thủ tục quá nhiều so với mục đích, ý nghĩa của việc quy định tín dụng chính sách. Chẳng hạn như việc quy định điều kiện tại điểm b khoản 1 Điều 13: “Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án”, liệu có phải là một điều kiện cần thiết không khi xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi thực hiện dự án chỉ mang tính chất thủ tục, rườm rà và gây mất thời gian cho chủ thể. Bởi, khi họ đã thuộc diện được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thì đã chứng minh họ đang là chủ thể có nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động liên quan đến việc làm, việc quy định thêm điều kiện nói trên tại điểm b khoản 1 Điều 13 LVL 2013 là không cần thiết. Điều này cũng tương tự với điều kiện tại điểm c khoản 2 Điều 13 LVL 2013: “Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.”. Đây là một trong số các bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách- một trong những “trụ cột” của CSHTVL cho NLĐ hiện nay.
Bốn là, khi xem xét tổng quát quy định của LVL 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 61/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 74/2019/NĐ-CP) thì vẫn chưa tìm thấy quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc vay vốn qua Quỹ Quốc gia về việc làm cũng như các nguồn tín dụng khác. Đây là một trong các bất cập của Luật khi trình tự, thủ tục, hồ sơ là những vấn đề rất quan trọng, là tiền đề để giải quyết nhu cầu vay vốn của các chủ thể thuộc đối tượng được vay vốn. Bởi lẽ, đâu phải cứ có nhu cầu là sẽ được duyệt vay vốn thông qua tín dụng chính sách, nếu như vậy thì sẽ gây ra sự thiếu đồng bộ, hỗn loạn trong quá trình xét duyệt vay vốn. Hơn nữa, khi LVL 2013 không có quy định thì sẽ dẫn đến việc áp dụng trình tự, thủ tục, hồ sơ vay vốn không thống nhất từ phía cơ quan có thẩm quyền. Dẫn đến một số tiêu cực như cho vay không đúng đối tượng có nhu cầu thật sự chỉ vì chủ thể này không thực hiện đúng trình tự, thủ tục và tài liệu hồ sơ cần có. Hơn nữa, điều này cũng gây ra sự bất cập trên thực tế về phương thức cho vay khi hội, đoàn thể được uỷ thác cho vay dưới hình thức tổ vay vốn vẫn còn thiếu chuyên môn về thủ tục, quy trình tín dụng, cộng với việc phải trình duyệt từ cấp cơ sở lên mới đến được ngân hàng để phê duyệt, quyết định giải ngân nên vốn đến tay người vay chậm[13], bất cập này cũng phản ánh việc pháp luật việc làm đang điều chỉnh chưa thật sự hiệu quả về trình tự, thủ tục, hồ sơ – tức phương thức vay vốn.
Năm là, về chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ ở khu vực nông thôn quy định tại mục 2 chương 2 LVL 2013 từ Điều 15 đến Điều 17, bất cập thể hiện ở chỗ nguồn tài chính để thực hiện chính sách này bị bó hẹp ở phạm vi “Vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm” mà không có quy định về nguồn tài chính từ các nguồn tín dụng khác. Sở dĩ xác định đây là điểm thiếu sót trong quy định của luật là vì, như đã phân tích ở phần bất cập liên quan đến các nguồn vốn tín dụng để thực hiện tín dụng chính sách thì Quỹ Quốc gia về việc làm đang được đánh giá là “Tấm áo đã chật”. Khi nhu cầu về hỗ trợ tạo việc làm là quá nhiều ở những khía cạnh, lĩnh vực khác nhau nhưng nguồn tài chính – vốn là điều kiện quan trọng nhất để một chính sách được đánh giá là thực hiện có hiệu quả lại không đáp ứng được đòi hỏi đó. Mặc dù thực tế đã phản ánh điều này nhưng quy định của LVL 2013 về CSHTVL luôn theo hướng chỉ tập trung xoay quanh Quỹ Quốc gia về việc làm như “trung tâm” của nguồn tài chính thực hiện CSHTVL. Điều này một mặt làm giảm vai trò của các nguồn tín dụng khác, mặt khác tăng trách nhiệm cho Quỹ Quốc gia về việc làm, khiến cho quỹ này bị quá tải về yêu cầu hỗ trợ nhưng không đủ tiềm lực, khả năng để đáp ứng nhu cầu vay vốn. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này một cách kịp thời để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cho các chủ thể thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ ở khu vực nông thôn[14].
Sáu là, về CSHTVL cho thanh niên, đây được xem là một trong những chính sách rất quan trọng, phản ánh sự nhìn nhận của Nhà nước đối với đối tượng rất đặc thù là thanh niên – tương lai của nguồn nhân lực lao động của quốc gia. Tuy nhiên, xem xét quy định tại Điều 21 LVL 2013 có thể thấy quy định còn mang nặng tính hình thức. Bởi lẽ hàng loạt vấn đề như điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; nội dung và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề vẫn chưa được quy định trong LVL 2013. Một vấn đề quan trọng và phổ biến hiện nay với nhóm đối tượng thanh niên là việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên vẫn chưa được điều chỉnh đúng mức. Do vậy, trước tiên phải nhìn nhận đúng đắn về vấn đề hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên trước, sau đó xây dựng quy định theo hướng cụ thể, rõ ràng và điều chỉnh chuẩn xác hơn nữa để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện CSHTVL nói chung và CSHTVL cho thanh niên nói riêng.
3. Một số kiến nghị góp ý hoàn thiện
Để khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về CSHTVL như đã phân tích nêu trên thì đòi hỏi cần phải:
Một là, đối với quy định tại Điều 10 LVL 2013, cần thiết phải sửa đổi theo hướng bổ sung cụ thể những nguồn tín dụng khác bên cạnh Quỹ Quốc gia về việc làm cũng như bổ sung mục đích sử dụng tín dụng chính sách giải quyết việc làm. Có thể quy định như sau: Điều 10: Tín dụng chính sách và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm “1.Nhà nước thực hiện tín dụng chính sách để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và các nguồn tín dụng khác”, sau đó bổ sung thêm khoản 2 tại Điều 10 về cụ thể hóa các nguồn tín dụng khác bằng phương pháp liệt kê những loại nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định theo hướng “2. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm: a) Quỹ Quốc gia về việc làm; b) Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; c) Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công: d) Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội”. Việc sửa đổi, bổ sung như vậy sẽ có thể khắc phục được tình trạng “Tấm áo đã chật” của Quỹ Quốc gia về việc làm, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng vay vốn. Hơn nữa, việc quy định cụ thể nguồn tín dụng khác ngoài Quỹ Quốc gia về việc làm sẽ tạo sự linh hoạt, xoay vòng nhanh nguồn vốn vay để giải ngân nhanh hơn, kịp thời hơn cho chủ thể có nhu cầu vay vốn thông qua CSHTVL của Nhà nước. Thêm vào đó, việc quy định tín dụng chính sách còn được sử dụng cho mục đích hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng tạo điều kiện tốt hơn trong việc hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động đặc thù, có khả năng và định hướng xuất khẩu lao động trong bối cảnh giao lưu kinh tế giữa các quốc gia đang phát triển mạnh như hiện nay.
Hai là, đối với quy định tại Điều 23 LVL 2013, cần thiết phải sửa đổi theo hướng bổ sung nhóm chủ thể thuộc diện nghèo, cận nghèo vào quy định tại khoản 2 Điều này, có thể quy định như sau: “NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo”. Sau đó sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành, tức các Nghị định theo hướng quy định rõ việc xác định “NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo” là NLĐ đáp ứng các tiêu chí nào để có thể áp dụng quy định điều chỉnh một cách toàn diện nhất, hợp lý và hiệu quả nhất, để nguồn vốn vay theo CSHTVL có thể đến đúng đến đối tượng thật sự có nhu cầu và khắc phục được tình trạng thất nghiệp vốn rất phổ biến hiện nay. Đối với nhóm chủ thể gặp khó khăn đột xuất, bất ngờ nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì cần bổ sung quy định tại Điều 23 LVL 2013 như sau: “3. Đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn ngoài các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này”. Bằng cách trao quyền cho Hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề sẽ có thể được giải quyết tốt, bởi lẽ Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, là cơ quan đại diện cho quyền lợi, ý chí của nhân dân địa phương nên sẽ là cơ quan nắm bắt tốt nhất tình hình của địa phương, sau đó đưa ra quyết định hỗ trợ kịp thời để khắc phục khó khăn và tạo được việc làm cho các chủ thể có nhu cầu cần được hỗ trợ bởi chính sách này. Thêm vào đó, nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cũng chính là nguồn vốn phù hợp nhất để hỗ trợ trong trường hợp này. Sở dĩ nói như vậy là vì, đây là nguồn ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, mà việc làm là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển được một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng vì “dân giàu thì nước mạnh”. Do đó, sửa đổi bổ sung theo hướng trên sẽ tăng cường tối đa khả năng điều chỉnh của luật.
Ba là, đối với quy định tại Điều 13 LVL 2013 về điều kiện vay vốn, cần thiết phải sửa đổi theo hướng bỏ các điều kiện không cần thiết như điều kiện tại điểm b khoản 1 “Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án” và điểm c khoản 2 “Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án”. Sau đó sửa đổi nguồn tín dụng có thể sử dụng để cho vay không chỉ giới hạn ở Quỹ Quốc gia về việc làm mà còn là các nguồn tín dụng khác như đã sửa đổi ở Điều 10 LVL 2013, có thể quy định như sau: “1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm hoặc các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại Điều 10 Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây”. Việc bỏ các điều kiện không cần thiết như đã nêu sẽ giúp cho việc thực hiện chính sách này được dễ dàng hơn, giúp cho các chủ thể tiếp cận được nguồn vốn kịp thời để nắm bắt tốt thời gian, để các quyết định đầu tư vào việc làm được thuận lợi hơn, khai thác tối đa lợi thế về thời gian bởi không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện rườm rà nhưng không cần thiết. Hơn nữa, việc bổ sung các nguồn tín dụng khác ngoài Quỹ Quốc gia về việc làm cũng sẽ làm tăng khả năng hỗ trợ cho các chủ thể kể trên mà không bị giới hạn về nguồn vốn.
Bốn là, đối với trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc vay vốn theo CSHTVL thì cần thiết phải bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ để thực hiện tốt hơn quyền được hỗ trợ của các chủ thể. Có thể quy định thành các Điều luật tương ứng với từng nội dung, trong đó chỉ rõ các loại hồ sơ phải nộp theo từng loại chủ thể được liệt kê tại đối tượng vay vốn, trình tự, thủ tục thực hiện việc vay vốn cũng phải được quy định thống nhất, chi tiết và rõ ràng. Có thể bổ sung theo hướng quy định như sau:
“Điều 15: Hồ sơ vay vốn.
1. Hồ sơ vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh gồm:
a) Phương án sử dụng vốn vay;
b) Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật này (nếu có);
d) Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).
2. Hồ sơ vay vốn đối với NLĐ gồm:
a) Phương án sử dụng vốn vay;
b) Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều 13 Luật này (nếu có).
3. Chính phủ quy định hồ sơ vay vốn theo quy định tại Điều này.”
“Điều 16: Trình tự, thủ tục vay vốn.
1. Đối tượng vay theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật này có nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội nơi thực hiện dự án.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho NLĐ bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục vay vốn theo quy định tại Điều này.”
Bằng việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, ta đã có thể đạt được mục đích điều chỉnh một cách thống nhất, chặt chẽ và phù hợp đối với trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện việc vay vốn. Tuy nhiên, việc LVL quy định như trên đã là phù hợp với yêu cầu điều chỉnh. Khi sửa đổi bằng cách bổ sung các Điều luật cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục như trên sẽ giúp cho việc thực hiện vay vốn của các chủ thể trở nên minh bạch, dễ dàng và việc tuân thủ một trình tự thống nhất cũng tạo tiền đề vững chắc cho việc kiểm tra, giám sát và quản lý sau này, phòng tránh các tiêu cực phát sinh trong quá trình xử lý hồ sơ vay vốn theo CSHTVL. Do đó, việc bổ sung quy định như trên là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Năm là, về quy định đối với chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ ở khu vực nông thôn thì cần thiết sửa đổi theo hướng bổ sung thêm nguồn tín dụng khác vào nguồn tài chính để thực hiện chính sách, không chỉ dừng lại ở Quỹ Quốc gia về việc làm như cách LVL 2013 đang quy định. Có thể sửa đổi như sau tại các Điều luật cụ thể của mục 2 Chương 2 LVL 2013: “Điều 15. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn: “Vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Mục 1 Chương này.”; “Điều 17. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn: “Vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Mục 1 Chương này”. Việc sửa đổi như vậy sẽ nâng cao khả năng cung cấp được nguồn tài chính tốt cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ ở khu vực nông thôn, từ đó tạo điều kiện để thực hiện xóa đói, giảm nghèo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội[15].
Sáu là, về CSHTVL cho thanh niên quy định tại Điều 21 LVL 2013 thì cần sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết về các vấn đề liên quan đến CSHTVL; điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; nội dung và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Trong đó, quan trọng nhất là bổ sung quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nội dung và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Có thể quy định các Điều luật thành một mục cụ thể tại chương 2 LVL. Chẳng hạn như, quy định cụ thể hơn về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên để có sự thống nhất với các quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan, có thể quy định như sau:
“Việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên
1. Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật này được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
2. Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
3. Học sinh, sinh viên tham gia việc làm bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với NLĐ; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
4. Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.”
Có như vậy thì CSHTVL đối với thanh niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên mới có thể phát huy tốt vai trò của mình, điều chỉnh chính xác và đúng đắn, tạo tiền đề phát triển để có thể trở thành nguồn nhân lực cốt cán trong tương lai.
Kết luận
Vấn đề việc làm và nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động là vấn đề rất quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế nói riêng và an sinh xã hội nói chung. Để nguồn nhân lực được khai thác một cách hiệu quả, triệt để nhất thì CSHTVL cũng phải được quy định một cách chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, như đã phân tích có thể thấy rằng hiện nay các quy định về CSHTVL vẫn còn tồn tại những vấn đề còn hạn chế, bất cập nhất định, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hỗ trợ việc làm cho NLĐ. Vì vậy, việc sửa đổi LVL 2013 trong vấn đề quy định về CSHTVL là vô cùng cần thiết và cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Khi CSHTVL được quy định một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sẽ tạo được tiền đề để phát triển kinh tế, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nguồn nhân lực lao động dồi dào và có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, Chương 1, Điều 3.
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tư pháp, https://htpldn.moj.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/PrintTL.aspx?idb=2&ItemID=1870&l=/noidung/tintuc/Lists/Nghiencuutraodoi.
3. Hà Dung, 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, Nhân dân, (13:50 16/03/2022), https://nhandan.vn/74-huyen-ngheo-va-54-xa-dac-biet-kho-khan-giai-doan-2021-2025-post689399.html.
4. Đỗ Thị Hường, Chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, 36, 71, 78 (2023)
5. Hoàng Long, Hai vấn đề bất cập của vốn vay và giải quyết việc làm, Nam Định điện tử, (08:05 06/05/2011), https://baonamdinh.vn/channel/5085/201105/Hai-van-de-bat-cap-cua-von-vay-va-giai-quyet-viec-lam-2048470/.
6. Bùi Sỹ Lợi, Luật Việc làm hướng tới cơ hội việc làm bền vững, Tạp chí Lao động và Xã hội, 454, 8, 8 (2013).
7. Dương Liễu, Khi dân số vượt 100 triệu người: Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi?, Tuổi trẻ, (10:26 18/01/2024), https://tuoitre.vn/khi-dan-so-vuot-100-trieu-nguoi-co-hoi-nao-cho-lao-dong-lon-tuoi-20240118093332554.htm.
8. Phan Tấn Lực, Pháp luật về việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, (Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế), Viện Đại học Mở Hà Nội (2017).
9. Nguyễn Bá Ngọc, Cần sớm xây dựng Luật việc làm và chống thất nghiệp, Tạp chí Lao động và xã hội, 318, 21, 34 (2007).
10. Nguyễn Văn Quang, Cho vay từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm-thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, 5, 6, 8 (2022).
11. Minh Tuấn, Quỹ Quốc gia về việc làm: “Tấm áo chật” so với nhu cầu thực tiễn, Nhân dân, (10:58 14/11/2020) https://nhandan.vn/quy-quoc-gia-ve-viec-lam-tam-ao-chat-so-voi-nhu-cau-thuc-tien-post624452.html.
12. Phạm Hương Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn khu vực Tây Bắc, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 529, 58, 60 (2018).
13. Nguyễn Khánh Vân, Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả pháp luật việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, 21, 86, 87 (2018).
* ThS. Trần Linh Huân, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, ĐHL TP HCM. Duyệt đăng 24/12/2024. Email: tlhuan@hcmulaw.edu.vn
** Bùi Thị Ngọc Lan, Trường ĐHL TP HCM.
[1] Nguyễn Khánh Vân, Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả pháp luật việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, 21, 86, 87 (2018).
[2] Bùi Sỹ Lợi, Luật Việc làm hướng tới cơ hội việc làm bền vững, Tạp chí Lao động và Xã hội, 454, 8, 8 (2013).
[3] Nguyễn Bá Ngọc, Cần sớm xây dựng Luật việc làm và chống thất nghiệp, Tạp chí Lao động và xã hội, 318, 21, 34 (2007).
[4] Minh Tuấn, Quỹ Quốc gia về việc làm: “Tấm áo chật” so với nhu cầu thực tiễn, Nhân dân, (10:58 14/11/2020) https://nhandan.vn/quy-quoc-gia-ve-viec-lam-tam-ao-chat-so-voi-nhu-cau-thuc-tien-post624452.html.
[5] Nguyễn Văn Quang, Cho vay từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm-thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, 5, 6, 8 (2022).
[6] Minh Tuấn, Quỹ Quốc gia về việc làm: “Tấm áo chật” so với nhu cầu thực tiễn, Nhân dân, (10:58 14/11/2020) https://nhandan.vn/quy-quoc-gia-ve-viec-lam-tam-ao-chat-so-voi-nhu-cau-thuc-tien-post624452.html.
[7] Dương Liễu, Khi dân số vượt 100 triệu người: Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi?, Tuổi trẻ, (10:26 18/01/2024), https://tuoitre.vn/khi-dan-so-vuot-100-trieu-nguoi-co-hoi-nao-cho-lao-dong-lon-tuoi-20240118093332554.htm.
[8] Thông tin Dân số, Tổng quan về dân số Việt Nam, (22/12/2024), https://danso.info/dan-so-viet-nam/.
[9] Phan Tấn Lực, Pháp luật về việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, (Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế), Viện Đại học Mở Hà Nội (2017).
[10] Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, Chương 1, Điều 3.
[11] Hà Dung, 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, Nhân dân, (13:50 16/03/2022), https://nhandan.vn/74-huyen-ngheo-va-54-xa-dac-biet-kho-khan-giai-doan-2021-2025-post689399.html.
[12] Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tư pháp, https://htpldn.moj.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/PrintTL.aspx?idb=2&ItemID=1870&l=/noidung/tintuc/Lists/Nghiencuutraodoi.
[13] Hoàng Long, Hai vấn đề bất cập của vốn vay và giải quyết việc làm, Nam Định điện tử, (08:05 06/05/2011), https://baonamdinh.vn/channel/5085/201105/Hai-van-de-bat-cap-cua-von-vay-va-giai-quyet-viec-lam-2048470/.
[14] Phạm Hương Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn khu vực Tây Bắc, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 529, 58, 60 (2018).
[15] Đỗ Thị Hường, Chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, 36, 71, 78 (2023)