Nghiên cứu lý luận

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều theo pháp luật Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) - Một số gợi mở cho Việt Nam

Đỗ Thị Diện Thứ tư, 11/12/2024 - 09:44

Tóm tắt: Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam mặc dù ghi nhận dấu hiệu hình ba chiều là một trong các loại nhãn hiệu được bảo hộ nhưng không có định nghĩa riêng về nhãn hiệu ba chiều. Khi đánh giá điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều được áp dụng giống như đối với nhãn hiệu thông thường trên hai tiêu chí là khả năng phân biệt và không thuộc các trường hợp loại trừ không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu. Do vậy, việc xem xét, đánh giá về khả năng phân biệt của dấu hiệu hình ba chiều trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu pháp luật và thực tiễn đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu ba chiều tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) để làm cơ sở đề xuất những gợi mở cho Việt Nam trong việc xác định điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều.

Từ khóa: Pháp luật, điều kiện bảo hộ, nhãn hiệu ba chiều, Việt Nam

Abstract: Although Vietnam's Intellectual Property Law recognizes holographic signs as one of the types of protected trademarks, it does not have a separate definition of holographic trademarks. When evaluating the conditions for three-dimensional trademark protection, the same applies as for regular trademarks on two criteria: distinctiveness and not falling into the exclusion cases that cannot be protected as a trademark. Therefore, considering and evaluating the distinguishing ability of three-dimensional signs in reality faces many difficulties and obstacles. The article is based on legal research and practice evaluating the distinctiveness of three-dimensional trademarks in the United States and the European Union (EU) to serve as a basis for proposing suggestions for Vietnam in determining Three-dimensional trademark protection conditions.

Keywords: Laws, protection conditions, three-dimensional trademarks, Vietnam

1. Đặt vấn đề

Nhãn hiệu ba chiều (three dimentional mark) hay còn gọi là nhãn hiệu tập thể, là hình dạng thể hiện trong không gian ba chiều: dài, rộng và cao. Theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định: “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa; Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”.

Như vậy, pháp luật SHTT Việt Nam cho phép dấu hiệu hình ba chiều có thể đăng ký nhãn hiệu, vớiđiều kiện là “có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không giải thích hoặc hướng dẫn về những dấu hiệu ba chiều có khả năng đăng ký làm nhãn hiệu.

Khi đánh giá điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều vẫn xem xét đánh giá dựa trên hai tiêu chí chung là: khả năng phân biệt và không thuộc các trường hợp loại trừ không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu. Do vậy, bài viết phân tích, đánh giá những khó khăn, bất cập trong quá trình xác định điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều như: khái niệm, phân loại nhãn hiệu ba chiều; Điều kiện về khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu ba chiều; Các dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không được bảo hộ. Trong nghiên cứu tương quan so sánh với pháp luật Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), những quốc gia có nền pháp lý quy định rõ về các dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều. Làm cơ sở đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam trong xác định dấu hiệu ba chiều đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, trước nhu cầu cấp thiết của quá trình hội nhập quốc tế và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

I. Khái niệm và phân loại nhãn hiệu ba chiều theo pháp luật Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam

1.1. Theo pháp luật Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, dấu hiệu hình ba chiều được coi là một loại nhãn hiệu đặc biệt thuộc nhóm “bài trí thương mại” (trade dress[1]) có nghĩa rộng được quy định ở Đạo Luật Lanham Act (§43 Lanham Act, 15 U.S.C. §1052). Theo giáo sư Mark A. Lemley thuộc Đại học luật Stanford, bài trí thương mại là các đặc điểm của hình thức bên ngoài của sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm (hoặc thậm chí là thiết kế của một tòa nhà) biểu thị nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng[2]. Mặc dù lúc đầu, “trade dress” chỉ liên quan đến hình thức thể hiện bao bì hay nhãn mác sản phẩm (packaging and labeling), ngày nay, “trade dress” còn bao gồm cả hình dạng và thiết kế sản phẩm (shape and design of products). Bài trí thương mại nằm trong khái niệm “biểu tượng” (symbol) hoặc “hình” (device) thuộc §2 Lanham Act với xuất phát điểm ban đầu là bài trí thương mại chỉ gồm “bao bì” (packaging) hoặc “bài trí” của sản phẩm nhưng gần đây bài trí thương mại đã mở rộng bao gồm cả thiết kế/kiểu dáng của sản phẩm (design of a product). Bài trí thương mại được định nghĩa là “hình ảnh và diện mạo tổng thể” của sản phẩm hoặc tổng thể các yếu tố, và “có thể bao gồm yếu tố đặc trưng như kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc sự kết hợp màu sắc, kết cấu, đồ họa”[3].

Như vậy, Hoa Kỳ chỉ coi nhãn hiệu ba chiều là tập hợp con của khái niệm “bài trí thương mại” và “bài trí thương mại” được giải thích là nằm trong trong khái niệm “biểu tượng” (symbol) hoặc “hình” (device) theo §2 Lanham Act. Bài trí thương mại theo pháp luật Hoa Kỳ có phạm vi rất rộng, nó có thể bao gồm kiểu dáng của sản phẩm (ví dụ như hình dạng sản phẩm hoặc hình thức bên ngoài sản phẩm), màu sắc của bao bì hoặc bao bì của sản phẩm được bán, và hương vị của sản phẩm[4]. Điều này cho thấy, nhãn hiệu ba chiều không phải là một dạng nhãn hiệu đặc biệt, chỉ gồm yếu tố hình, từ/ngữ ở dạng cách điệu và từ/ngữ kết hợp với yếu tố hình.

Để được bảo hộ dưới danh nghĩa “trade dress”, một dấu hiệu hình ba chiều phải không có tính chức năng (functionality) và tính phân biệt (distinctiveness)[5]. Pháp luật Hoa Kỳ không có bất kỳ quy định nào hạn chế về loại nhãn hiệu ba chiều có thể đăng ký. Mà bất kỳ nhãn hiệu ba chiều nào cũng có thể đăng ký làm nhãn hiệu chừng nào nó có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc.

1.2. Theo pháp luật Liên minh châu Âu (EU)

Theo Điều 3 Chỉ thị (EU) 2015/2463 về Luật nhãn hiệu quy định[6]: Nhãn hiệu có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào, đặc biệt là từ ngữ, bao gồm tên cá nhân, hoặc thiết kế, chữ cái, chữ số, màu sắc, hình dạng của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, hoặc âm thanh, miễn là các dấu hiệu đó (a) có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một cơ sở này với hàng hóa, dịch vụ của cơ sở khác; và (b) được thể hiện trên đăng bạ theo cách cho phép cơ quan có thẩm quyền và công chúng xác định được chính xác và rõ ràng đối tượng bảo hộ được cấp cho chủ sở hữu của chúng. Theo quy định này thì pháp luật Liên minh châu Âu (EU) không có bất kỳ hạn chế nào về loại dấu hiệu ba chiều có thể đăng ký là nhãn hiệu ba chiều vì mở rộng tới, hình dạng ba chiều gồm đồ chứa đựng, bao bì hoặc chính bản thân sản phẩm. Điều này cũng cho thấy, pháp luật châu Âu (EU) không có định nghĩa về nhãn hiệu hình ba chiều mà chỉ coi nó là một dạng nhãn hiệu có thể được bảo hộ nếu có chức năng phân biệt nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ.

Ở Châu Âu, nhãn hiệu hình ba chiều được phân thành 03 loại: (1) kiểu dáng (design) là hình dáng không liên quan đến sản phẩm; (2) hình dạng (shape of the goods) là hình dáng mà gồm hình dạng của chính sản phẩm hoặc một phần của sản phẩm; (3) bao bì của sản phẩm (packaging of the goods) là hình dáng của bao bì hoặc đồ chứa đựng. Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) cho rằng nhãn hiệu thuộc loại thứ 1) tức là hình dáng không liên quan đến bản thân sản phẩm thường được xem là có tính phân biệt, trong khi đối với hai loại còn lại thì EUIPO sử dụng phép phân tích 3 bước để xác định khả năng phân biệt: i) Nhãn hiệu có thuộc các trường hợp bị từ chối bảo hộ không (kể cả trường hợp chủ đơn có bằng chứng khả năng phân biệt của nhãn hiệu đạt được thông qua quá trình sử dụng); ii) Cấu thành nhãn hiệu có chứa các yếu tố khác như từ/ngữ, hình ảnh… mà có thể làm cho nhãn hiệu hình ba chiều có khả năng phân biệt; iii) Dấu hiệu hình dạng có phải là hình dạng cơ bản, thông thường hoặc mong muốn, cho phép người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chỉ bằng hình dáng đó và mua lại sản phẩm đó lần nữa nếu anh ta đã có trải nghiệm tích cực với sản phẩm[7].

Có thể nhận thấy ở Châu Âu, việc phân loại nhãn hiệu hình ba chiều thuộc loại nào có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định khả năng phân biệt của nó. Những nhãn hiệu là hình ba chiều không liên quan đến sản phẩm thường được xem là có khả năng phân biệt tự thân và đáp ứng được yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu. Những nhãn hiệu là hình dạng của chính sản phẩm hoặc một phần sản phẩm, hình dạng của bao bì hay đồ đựng sản phẩm thì sẽ có phép thử riêng và tiêu chí đánh giá khả năng phân biệt sẽ khắt khe hơn[8].

1.3. Theo pháp luật Việt Nam

Như đã đề cập ở phần mở đầu, Luật SHTT Việt Nam có bảo hộ dấu hiệu hình ba chiều là nhãn hiệu. Đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu ba chiều được áp dụng theo quy định về đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu thông thường tại Điều 73 và 74 của Luật SHTT, theo hướng liệt kê các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu và các dấu hiệu được coi là không có khả năng phân biệt.

Theo khoản 6 Điều 73 Luật SHTT Việt Nam quy định: Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa, hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có; và điểm b khoản 2 Điều 74: “Hình dạng thông thường của hàng hoá hoặc một phần của hàng hoá, hình dạng thông thường của bao bì hay vật chứa hàng hoá đã được sử dụng thường xuyên và rộng rãi trước ngày nộp đơn”. Theo đó, Luật SHTT Việt Nam đã phân loại nhãn hiệu ba chiều thành: (1) Dấu hiệu hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa/bao bì hay vật chứa hàng hóa; (2) Dấu hiệu hình dạng vốn có do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có. Khả năng phân biệt của dấu hiệu hình ba chiều theo hai hướng tiếp cận: Một là: khả năng phân biệt của dấu hiệu hình dạng; Hai là: dấu hiệu kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (gọi là dấu hiệu kết hợp).

Tóm lại, dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều được ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, châu Âu (EU), Việt Nam. Về mặt thuật ngữ, dấu hiệu ba chiều đăng ký làm nhãn hiệu được gọi tên đầy đủ là dấu hiệu có hình dạng ba chiều (three-dimensional shape mark). Theo thời gian gọi tắt nó là nhãn hiệu/dấu hiệu hình dạng (shape mark) như cách gọi của IPO, Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) trong báo cáo điều tra của APEC về nhãn hiệu phi truyền thống, hoặc Mạng lưới quyền SHTT Liên Minh Châu ÂU (EUIPN)[9]. Theo cách gọi của Hoa Kỳ, nhãn hiệu ba chiều với tư cách là một tập hợp con của khái niệm “bài trí thương mại”, có thể được gọi tên là hình dáng/thiết kế ba chiều của sản phẩm (three dimensional product design) hoặc bao bì sản phẩm ba chiều (three-dimensional product packaging)[10]. Theo cách gọi của pháp Luật SHTT Việt Nam đối với nhãn hiệu ba chiều là dấu hiệu hình (hình vẽ, chụp, 3D) và dấu hiệu kết hợp.

II. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều trong pháp luật Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam

2.1. Theo pháp luật Hoa Kỳ

Thứ nhất: Điều kiện về khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu ba chiều

Pháp luật Hoa Kỳ về đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu ba chiều dựa trên hai vấn đề chính là tính chức năng (functionality) và tính phân biệt (distinctiveness). Trong nhiều trường hợp, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) từ chối đăng ký nhãn hiệu ba chiều dựa trên cả 2 căn cứ này. Cũng có trường hợp kiểu dáng sản phẩm (product design) bị từ chối vì mang tính chức năng cho nên đăng ký không thể được cấp vì kiểu dáng sản phẩm chưa bao giờ có tính phân biệt tự thân (inherent distinctivenss). Tuy nhiên, vì bao bì sản phẩm (product packaging) lại có thể có tính phân biệt tự thân cho nên trường hợp bao bì sản phẩm bị từ chối vì mang tính chức năng thì đăng ký cũng bị từ chối trên cơ sở nhãn hiệu xin đăng ký không có khả năng phân biệt. Ngay cả khi cuối cùng đã xác định được bao bì sản phẩm không mang tính chức năng thì căn cứ từ chối còn lại vẫn có thể được áp dụng[11].

“Tính chức năng” (functionality), Tòa án thường dựa trên phép thử Abercrombie (Abercrombie Test), tuy nhiên, đối với nhãn hiệu hình ba chiều, các Thẩm phán Tòa án Hoa Kỳ đã phải áp dụng một phép thử riêng thay cho phép thử truyền thống. Một số câu hỏi thường được đặt ra khi áp dụng phép thử riêng biệt này là: i) thiết kế hay hình dạng ba chiều đó có phải là một hình dạng hoặc thiết kế thông thường, đơn giản không?; ii) nó có mang tính duy nhất và không phổ biến trong một lĩnh vực cụ thể?; iii) liệu nó có đơn thuần chỉ là sự cải tiến của một hình thức trang trí cho một nhóm hàng hóa cụ thể đã được sử dụng và biết đến rộng rãi, mà người tiêu dùng chỉ coi đó đơn giản là vật trang trí; iv) liệu nó có tạo ra một ấn tượng thương mại tách biệt khỏi những từ ngữ đi kèm nó không[12].

“Tính phân biệt tự thân” (inherently distinctive) được nhiều Tòa án của Hoa kỳ làm rõ, chẳng hạn như “kiểu dáng sản phẩm có khả năng thực hiện chức năng chỉ dẫn một nguồn gốc của sản phẩm”, hoặc “có thể được hiểu là một chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm”, hoặc “có thể đóng vai trò chính là chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm”, hoặc “hầu như tự động nói với người tiêu dùng rằng nó đề cập đến một thương hiệu”, hoặc “người mua ngay lập tức dựa vào .... để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh”[13]. Hiểu theo quy định này, thì pháp luật Hoa Kỳ không có cách thức cụ thể để chỉ một yêu cầu đặc biệt cho nhãn hiệu ba chiều. Chủ đơn đăng ký chỉ cần chỉ định rằng đơn đăng ký cho một “dấu hiệu đặc biệt” gồm yếu tố tượng hình, từ/ngữ ở dạng cách điệu và từ/ngữ kết hợp với yếu tố hình.

Dấu hiệu ba chiều “mang tính chức năng” (functional) sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu, hiểu theo nghĩa là nhãn hiệu ba chiều không có đặc trưng bởi yếu tố chữ. Cơ sở cho quy định này chính là việc hình dạng của một sản phẩm thường hàm chứa một chức năng kỹ thuật hay công dụng nhất định. Cơ chế bảo hộ nhãn hiệu trao cho chủ sở hữu thời hạn độc quyền dài và có thể kéo dài mãi mãi. Nếu hình dạng sản phẩm mang đặc tính kỹ thuật và là một phần thiết yếu và không thể tách biệt khỏi chức năng của sản phẩm được bảo hộ là nhãn hiệu sẽ tạo ra sự độc quyền đối với các hình dạng đó, cản trở những chủ thể sản xuất, kinh doanh khác sử dụng hình dạng sản phẩm giống hoặc tương tự để phục vụ chức năng mà họ mong muốn cho hàng hóa. Vì vậy, các đặc điểm mang tính kỹ thuật hay chức năng của một sản phẩm thường được bảo hộ theo Luật sáng chế với thời hạn bảo hộ ngắn để không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của chủ thể cạnh tranh khác[14].

Thứ hai, dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không được bảo hộ

Pháp luật Hoa Kỳ không có bất kỳ hạn chế nào quy định về việc dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không được bảo hộ được chứng minh qua ví dụ sau:

USPTO từ chối đăng ký nhãn hiệu ba chiều cho hình dạng chiếc máy làm bắp rang bơ chạy điện vì nó vừa mang tính chức năng vừa không có khả năng phân biệt, bất luận chủ đơn đồng ý sửa đổi phần cốc đo/bộ làm tan bơ thành nét đứt và tuyên bố chúng không phải là một phần của nhãn hiệu. Về lý do từ chối do tính chức năng, căn cứ bằng chứng có liên quan và viện dẫn đến các án lệ liên quan khẳng định một đặc điểm mang tính chức năng nếu nó “thiết yếu đối với việc sử dụng hoặc mục đích của sản phẩm” hoặc nó “ảnh hưởng tới chi phí hoặc chất lượng của sản phẩm”, USPTO cho rằng nhãn hiệu ba chiều xin đăng ký đem lại lợi ích hữu dụng cho người sử dụng, nghĩa là sản phẩm hoặc đồ chứa đựng có hình dạng cụ thể vì nó hoạt động tốt hơn ở hình dạng đó.

Về lý do từ chối do nhãn hiệu ba chiều không có tính phân biệt, USPTO lập luận nhãn hiệu ba chiều là hình dạng sản phẩm không có tính phân biệt trừ khi có đủ bằng chứng cho thấy nhãn hiệu bachiều này đã giành được khả năng phân biệt nhờ sử dụng. USPTO nhận định thêm rằng hình dạng sản phẩm có thể không bao giờ có khả năng tự phân biệt theo luật định vì người tiêu dùng hiểu rằng hình dạng đó chỉ có ý định làm cho sản phẩm hữu dụng hoặc hấp dẫn hơn là giúp nhận biết nguồn gốc của chúng.

Chủ đơn khiếu nại lên Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu (TTAB)[15] sau khi USPTO tiếp tục bảo lưu quan điểm từ chối với lý do bằng độc quyền kiểu dáng và sáng chế (đã hết hạn) thuộc sở hữu của chính chủ đơn là bằng chứng về tính chức năng. Xem xét lại về việc có hay không có tính chức năng, TTAB cho rằng nhãn hiệu của chủ đơn về tổng thể có đặc tính hữu dụng bằng minh chứng là bằng sáng chế của chủ đơn và các bằng chứng quảng cáo của chủ đơn. Vậy nên, nhãn hiệu của chủ đơn mang tính chức năng theo quy định tại §2(e) (5) Lanham Act.

Về khiếu nại của chủ đơn trên cơ sở nhãn hiệu giành được chức năng phân biệt qua sử dụng (chủ đơn cung cấp chứng cứ liên tục sử dụng ở Mỹ trên 10 năm từ năm 2002 với doanh thu trên 77 triệu đô và chi phí quảng cáo bỏ ra hơn 6 triệu đô), TTAB cho rằng khoảng thời gian trên 13 năm sử dụng nhãn hiệu là chưa đủ thuyết phục rằng nhãn hiệu ba chiều này đã giành được tính phân biệt trong trí nhớ của công chúng. Thực tế theo các vụ việc khác có liên quan, bằng chứng sử dụng đến 16 năm hoặc thậm chí là 66 năm như đối với nhãn hiệu hình dáng đàn ghi ta chẳng hạn, vẫn chưa đủ làm cho hình dạng sản phẩm của chúng trở thành nguồn gốc thương mại. Vì chính bản chất hình dạng của sản phẩm làm cho công chúng quan niệm rằng hình dạng sản phẩm đó về thực chất chỉ mang tính hữu ích hơn là chỉ dẫn nguồn gốc. Cuối cùng, TTAB quyết định đồng ý toàn bộ với quan điểm từ chối của USPTO rằng nhãn hiệu ba chiều của hình dạng máy làm bắp rang bơ của chủ đơn không được cấp bảo hộ dựa trên cả haicăn cứ pháp lý là nó mang tính chức năng và cũng không có khả năng phân biệt[16].

2.2. Theo pháp luật Liên minh châu Âu (EU)

Thứ nhất: Điều kiện về khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu ba chiều

Điều 7(1) (b) EUTMIR (Nhãn hiệu Liên minh châu Âu) (tương tự Điều 3 Chỉ thị (EU) 2015/2463 về Luật nhãn hiệu) không phân biệt các loại nhãn hiệu khác nhau khi xác định liệu nhãn hiệu có khả năng phân biệt hay không. Tính phân biệt phải được xác định theo nhận thức của người tiêu dùng và các điều kiện thị trường. Theo Quy chế xét nghiệm nhãn hiệu của EUIPO[17], nhãn hiệu ba chiều được phân thành 03 loại và áp dụng phép phân tích ba bước nêu tại mục 1.2 trên để đánh giá điều kiện về khả năng phân biệt của nhãn hiệu ba chiều, cụ thể phân tích ba bước như sau:

Bước 1: Phân tích theo Điều 7(1) (e) EMTMIR. Thẩm định viên đầu tiên sẽ thẩm định liệu một trong các căn cứ từ chối theo Điều 7(1)(e) EMTMIR có được áp dụng làm căn cứ từ chối và căn cứ này vượt qua được bằng chứng chứng minh nhãn hiệu ba chiều giành chức năng của nhãn hiệu nhờ quá trình sử dụng.

Bước 2: Xác định các yếu tố cấu thành nhãn hiệu ba chiều. Công việc ở bước này là thẩm định viên sẽ xác định liệu mẫu nhãn hiệu ba chiều có chứa các yếu tố khác chẳng hạn như từ/ngữ mà có thể làm cho nhãn hiệu ba chiều có khả năng phân biệt. Các từ, ngữ và hình xuất hiện bên trên nhãn hiệu hình dạng nếu có khả năng nhìn thấy rõ nếu được xem là có khả năng phân biệt thì nhãn hiệu ba chiều được bảo hộ ngay cả khi hình dạng đó chỉ là hình dạng thông thường.

Bước 3: Tiêu chuẩn đánh giá tính phân biệt của bản thân dấu hiệu hình dạng. Bước này sẽ thẩm định liệu hình dạng có khác biệt rõ ràng với hình dạng cơ bản, thông thường hoặc mong muốn mà cho phép người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chỉ bằng hình dáng đó và mua lại sản phẩm đó lần nữa nếu anh ta đã có trải nghiệm tích cực với sản phẩm. Dưới đây chúng ta cùng xem cách phân tích tính phân biệt của nhãn hiệu hình dạng của EUIPO và các tòa án thông qua ví dụ sau:

Theo án lệ R 1354/2007-1, tuy hình cái chai này theo Hình 1 là thông thường nhưng vì từ “BEN BRACKEN” ở đáy chai có thể dễ dàng đọc được nên đủ truyền đạt tính phân biệt của nhãn hiệu về tổng thể. Tuy nhiên, trong vụ T-323/11, các yếu tố không phân biệt hoặc các yếu tố mô tả được kết hợp với hình dạng cơ bản sẽ không tạo ra tính phân biệt cho hình dạng đó. Do đó, nhãn hiệu ba chiều theo Hình 2 bị từ chối bảo hộ

Hình ba chiều của chiếc đèn pin ở Hình 3 này chỉ là biến thể của hình thông thường của một loại đèn pin (flashlight) do đó nó không có đủ chức năng phân biệt theo điều 7(1) EUTMIR theo phán quyết 07/10/2004, C-136/02 P, Torches, EU:C:2004:592. Nhưng nhãn hiệu hình cái chai ở Hình 4 thì lại được xem là có chức năng nhãn hiệu bất kỷ việc sử dụng màu ít tương phản thể hiện hình con khỉ đang đu dây vì tổng thể vẫn có thể nhận biết được rõ ràng khả năng phân biệt.

Thứ hai: Các dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không được bảo hộ

Pháp luật EU không có bất kỳ hạn chế nào quy định về loại dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không thể đăng ký là nhãn hiệu ba chiều, vì theo Điều 3 Chỉ thị (EU) 2015/2463 nêu trên thì nhãn hiệu ba chiều là nhãn hiệu gồm, hoặc mở rộng tới, hình dạng ba chiều gồm đồ chứa đựng, bao bì hoặc chính bản thân sản phẩm.

Như vậy, đối với dấu hiệu hình ba chiều có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hóa, dịch nhưng phải tuân thủ các quy định của Chỉ thị (EU) 2015/2463 về Luật nhãn hiệu, ngoài ra pháp luật vẫn cho phép quyền được chứng minh nếu dấu hiệu hình ba chiều thuần túy không đạt được khả năng phân biệt tự thân, trên cơ sở cung cấp các bằng chứng chứng mình về việc đã được sử dụng rộng rãi và đạt được khả năng phân biệt, thông qua các ví dụ được nêu ở trên.

2.3. Theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

Thứ nhất: Điều kiện về khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu ba chiều

Một là: khả năng phân biệt của dấu hiệu hình (bao gồm dấu hiệu hình ảnh, hình vẽ, hình dạng). Đối với dấu hiệu hình như hình vẽ, hình ảnh, hình dạng được quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật không có khả năng phân biệt như:

- Dấu hiệu hình chỉ làm nền hoặc đường nét trang trí của sản phẩm, bao bì sản phẩm;

- Dấu hiệu hình rắc rối, phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điẻm của hình như quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau;

- Hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sửu dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi.

Đối với những dấu hiệu hình nêu trên đây, nếu đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng thừa nhận một cách rộng rãi về việc dấu hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan trước ngày nộp đơn. Người nộp đơn được quyền cung cấp bằng chứng chứng minh về việc sử dụng một cách rộng rãi dấu hiệu đó với chức năng nhãn hiệu như: Số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến, thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng trước ngày nộp đơn, doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ... và do đó dấu hiệu có khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan của người nộp đơn. Trong trường hợp này, dấu hiệu phải được sử dụng liên tục và phổ biến trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị hợp pháp ở dạng như thể hiện trong đơn đăng ký[18]. Với quy định này, pháp luật SHTT Việt Nam cho phép áp dụng trường hợp ngoại lệ chứng minh dấu hiệu hình đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trong kinh doanh, thương mại.

Hai là: dấu hiệu kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (gọi là dấu hiệu kết hợp). Một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể:

- Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;

- Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;

- Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;

- Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng.

Thứ hai: Các dấu hiệu ba chiều bị loại trừ không được bảo hộ

Bên cạnh đó, pháp luật SHTT cũng quy định hai trường hợp dấu hiệu hình ba chiều không được bảo hộ: (i) Dấu hiệu hình mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu như làm tăng giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc dấu hiệu làm tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa; (ii) Dấu hiệu hình mang tính mô tả về nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, nếu dấu hiệu hình thuộc hai trường hợp này được coi là không có khả năng phân biệt theo điểm c khoản 2 Điều 73 và thuộc trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ theo khoản 5 Điều 73 Luật SHTT. Hai trường hợp này cũng không thuộc trường hợp ngoại lệ được quyền cung cấp bằng chứng chứng minh người tiêu dùng thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa nhãn hiệu ba chiều.

Tóm lại, pháp Luật SHTT Việt Nam chỉ quy định trường hợp ngoại lệ khi đánh giá nhãn hiệu ba chiều đạt được chức năng của nhãn hiệu trong trường hợp dấu hiệu hình ba chiều kết hợp dấu hiệu chữ. Pháp luật Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn trường hợp yếu tố hình thuần túy, mặc dù đã được sử dụng thường xuyên và được thừa nhận rộng rãi, cũng không có quy định mở cho phép chứng minh khả năng phân biệt thông qua sử dụng. Trong khi như đã phân tích ở trên, pháp luật Hoa Kỳ và EU chấp nhận dấu hiệu hình ba chiều thuần túy có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều nếu (i) có khả năng phân biệt hoặc đã giành được chức năng của nhãn hiệu thông qua quá trình sử dụng và (ii) không mang tính chức năng.

III. Những khó khăn, vướng mắc và một số gợi mở cho Việt Nam

3.1. Những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, pháp luật SHTT Việt Nam chưa có quy định thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ là: “nhãn hiệu ba chiều”, hay là “nhãn hiệu hình ba chiều”. Cụ thể dẫn chứng qua hai căn cứ pháp lý sau:

- Điều 72 Luật SHTT Việt Nam sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu hình ba chiều”: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều...”

- Nghị định 65/2023/NĐ-CP tại Phục lục I. Mẫu số 08 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu quy định về Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký: “Nhãn hiệu ba chiều”.

Phụ lục I -Mẫu số 08

 Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký:— Nhãn hiệu tập thể       —  Nhãn hiệu chứng nhận    — Nhãn hiệu âm thanh  — Nhãn hiệu ba chiềuMô tả nhãn hiệu:Màu sắc: Mô tả: 

Vì chưa quy định thống nhất trong thuật ngữ nhãn hiệu ba chiều/nhãn hiệu hình ba chiều. Do vậy, khi nộp đơn đăng nhãn hiệu ba chiều theo Mẫu số 08 nêu trên, dẫn đến hai hệ quả chủ quan sau: (1).Nếu dấu hiệu hình ba chiều kèm chữ (gọi là dấu hiệu kết hợp), khả năng được bảo hộ sẽ rất cao, vì thực tế yếu tố chính chi phối là nhãn hiệu dạng chữ, hình chỉ là kết hợp đi kèm yếu tố chữ; (2). Dấu hiệu hình (không kết hợp chữ), khả năng bị từ chối đăng ký bảo hộ với lý do không có khả năng phân biệt hàng hóa dịch vụ, và rất ít trường hợp được đăng ký bảo hộ, thì chủ sở hữu phải trãi qua quá trình chứng minh khắt khe, phức tạp. Đôi khi thay vì chứng minh dấu hiệu hình ba chiều đạt được khả năng phân biệt, chủ thể làm đơn đăng ký nhãn hiệu từ ngữ bổ sung, vô hình chung làm triệt tiêu ý chí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hình ba chiều thuần túy.

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại, pháp luật SHTT Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ quy định nào hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, cách xác định dấu hiệu hình ba chiều được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều. Hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các thẩm định viên trong việc xem xét đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT Việt Nam. Thẩm định viên Cục SHTT sẽ áp dụng Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu để xem xét dấu hiệu hình ba chiều. Đối với nhãn hiệu là hình ba chiều thì mẫu nhãn hiệu phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu. Do vậy, việc hiện nay Cục SHTT đang áp dụng Quy chế cũ này là thiếu cả về nội dung quy định cụ thể về dấu hiệu ba chiều được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều, cũng như quy định rõ về mẫu nhãn hiệu ba chiều như một hình chiếu, hai hình chiếu hay là ba chiều chiếu ba chiều.

Thứ ba, chính vì chưa có quy định riêng về các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều, dẫn đến việc hiểu và đánh giá chủ quan theo hướng “không có khả năng phân biệt” vì “dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ” (Điều 74.2.b Luật Sở hữu trí tuệ) để từ chối bảo hộ các nhãn hiệu đăng ký dưới dạng hình ba chiều thuần túy của sản phẩm, hình chai chứa đựng, bao gói hoặc các đăng ký dưới dạng trang trí thương mại cho dịch vụ. Vì không có khả năng phân biệt và vẫn có khả năng bị từ chối theo quy định của Thông tư 23/2023/TT- BKHCN nêu trên. Trong chỉ một số trường hợp sau khi có đơn khiếu nại đến Cục SHTT và có khối lượng bằng chứng đủ lớn liên quan tới việc sử dụng thường xuyên và liên tục nhãn hiệu ba chiều (như số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến, thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng trước ngày nộp đơn, doanh số từ việc bán hàng...), mới có khả năng được xem xét bảo hộ dựa trên chức năng phân biệt đạt được thông qua quá trình sử dụng (secondary meaning).

3.2. Một số gợi mở cho Việt Nam

Trong điều kiện kinh tế, xã hội và nền lập pháp của Việt Nam chưa có quy định pháp lý riêng như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ ban hành Luật Nhãn hiệu điều chỉnh về nhãn hiệu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu pháp luật Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ về bảo hộ nhãn hiệu ba chiều, tác giả đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xác định các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều như sau:

Thứ nhất, về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

- Đối với Luật SHTT, thì giữ nguyên quy định về dấu hiệu hình ba chiều hoặc hình ba chiều kết hợp có khả năng đăng ký làm nhãn hiệu được quy định tại Điều 72 Luật SHTT Việt Nam.

- Thống nhất thuật ngữ nhãn hiệu ba chiều (gồm cả dấu hiệu hình ba chiều và hình ba chiều kết hợp), hoặc có thể mở rộng các dấu hiệu ba chiều khác như dạng bài trí thương mại theo cách tiếp cận của pháp luật Hoa Kỳ vào Quy chế thẩm định nhãn hiệu[19].

Thứ hai, về các điều kiện cụ thể xác định dấu hiệu ba chiều được bảo hộ

Một là: Dấu hiệu hình ba chiều kết hợp. Chấp nhận bảo hộ tổng thể đối với nhãn hiệu ba chiều(nhãn hiệu ba chiều kết hợp chữ cái, từ ngữ) đăng ký là các hình dáng thông thường nếu bên trên có chứa các dấu hiệu có khả năng phân biệt (như dấu hiệu chữ, dấu hiệu hình, dấu hiệu kết hợp…), tuy nhiên loại trừ bảo hộ đối với phần hình dáng. Bản chất ở đây chỉ bảo hộ cho phần dấu hiệu có khả năng phân biệt trên hình khối chứ không phải bảo hộ cho chính hình dạng hình khối đăng ký, tham khảo qua ví dụ sau:

Đơn 4-2003-01663 đăng ký “Nhãn hiệu hình khối” cho sản phẩm “dầu gió, dầu nóng xoa bóp” nhóm 05, mẫu nhãn hiệu là hình ảnh chai dầu được chụp theo 4 góc nhìn khác nhau. Nhãn hiệu này được bảo hộ tổng thể vì có phần chứ “TRƯỜNG SƠN” có khả năng phân biệt trên thân chai, tuy nhiên phần hình dáng của chai dầu bị loại trừ vì là hình chai đựng thông thường không có khả năng phân biệt.

Hai là: Dấu hiệu hình ba chiều: Xác định dấu hiệu hình ba chiều nên được coi là một đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu ba chiều ngay từ thời điểm nộp đơn. Kể cả khi người nộp đơn chỉ nộp 01 ảnh/hình vẽ duy nhất nếu người nộp đơn nêu rõ được nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình, có thể tham khảo ví dụ sau:

Đơn 4-2002-04650 đăng ký “Nhãn hiệu hình khối” cho sản phẩm “đồ uống có cồn”, mẫu nhãn hiệu là hình ảnh một chiếc chai được chụp theo 6 góc nhìn khác nhau (mặt trước – mặt sau - bên phải – bên trái – từ trên xuống – từ dưới lên). Nhãn hiệu này được chấp nhận bảo hộ vì mẫu nhãn đăng ký tuy là chai đựng của sản phẩm nhưng hình dáng, màu sắc và họa tiết trang trí trên thân chai, nắp chai có khả năng gây ra ấn tượng nhận biết cho người tiêu dùng (GCN số 50165).

Tham khảo, vận dụng linh hoạt quy định của Liên minh châu Âu (EU) cho phép cung cấp bằng chứng chứng minh khả năng phân biệt đạt được thông qua quá trình sử dụng dấu hiệu hình ba chiều thuần túy từ người tiêu dùng, cũng như thực tiễn đăng ký nhãn hiệu hình ba chiều thuần túy nêu trên. Các tiêu chí chứng minh theo khoản 5 Điều 26 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN cần được điều chỉnh linh hoạt hơn, dễ chứng minh cho người nộp đơn đăng ký.

Ba là: Dấu hiệu hình mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu như làm tăng giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc dấu hiệu làm tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa; Dấu hiệu hình mang tính mô tả về nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ. Đạt được điều kiện bảo hộ về khả năng phân biệt nếu chứng minh được qua sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị và đạt được mức độ phổ biến của nhãn hiệu hình ba chiều trên thị trường.

IV. Kết luận

Dấu hiệu ba chiều về bản chất là hình dạng ba chiều của sản phẩm, đồ đựng, bao gói, bao bì, bài trí thương mại (trade dress) có thể nhìn thấy được nên phải được coi là dấu hiệu có chức năng nhãn hiệu với điều kiện nó hoàn thành chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của hàng hóa hoặc dịch vụ. Trước khi có Luật SHTT, Việt Nam đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu ba chiều duới dạng nhãn hiệu hình khối. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam ban hành Luật SHTT sửa đổi, bổ sung qua các năm đến thời điểm hiện tại thì theo hướng từ chối dấu hiệu hình ba chiều thuần túy như hình vẽ, hình dạng, hình ảnh vì không có khả năng phân biệt. Do vậy, việc cấp thiết là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, quy định rõ việc xác định các dấu hiệu là điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều. Phù hợp với cam kết quốc tế cũng như xu thế chung của các nước trên thế giới vẫn đang bảo hộ cho nhãn hiệu ba chiều nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và đưa vào thị trường sản phẩm mới hấp dẫn, ấn tượng và có năng lực cạnh tranh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2005), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022

2. Bộ KH&CN (2023) Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

3. Chỉ thị (EU) 2015/2436 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, bản hợp nhất ngày 23tháng 12 năm 2015 nhằm điều chỉnh luật của các quốc gia thành viên liên quan đến nhãn hiệu. Truy cập tại:

https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32015L2436,

4. Asia-Pacific Economic Cooperation, “Report for APEC Survey on Non-Traditional Trade Marks”, April 2008, pages 45, https://www.apec.org/publications/2008/04/report-for-apec-survey-on-non-traditional-trade-marks,

5. Lê Quang Vinh, Bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Liên minh Châu Âu, Bross & Partners, (28/2/2022) http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Bao-ho-nhan-hieu-ba-chieu-o-Lien-minh-Chau-Au.

6. T. Cook, Three Dimensional Trade Marks in the European Union, Journal of Intellectual Property Rights Vol 19, November, pp November (2014) http://nopr.niscair.res.in/bitstream/123456789/30055/1/JIPR%2019(6)%20423-427.pdf.

7. TMEP 1202.02(b)(ii) Distinctiveness and Product Packaging Trade Dress, và TMEP 1202.02(b)(i) Distinctiveness and Product Design Trade Dress, https://www.bitlaw.com/source/tmep/1202_02_b_ii.html.

8. Chỉ thị 98/71/EC của Nghị viện Châu Âu và hội đồng ngày 13/10/1998 về bảo hộ pháp lý đối với kiểu dáng, https://eur-lex.europa.eu/eli/dir/1998/71/oj.

9. Quy định của Hội đồng (EC) số 6/2002 ngày 12/12/2001 về Thiết kế cộng đồng, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:32002R0006.

10. William T.Fryer III, Trademark Product Appearance Features, United States and Foreign Protection Evolution: A Need for Clarification and Harrmonizatio, UIC Law Review, 34 J. Marshall L. Rev. 947 (2001), https://repository.law.uic.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1546&context=lawreview.

11. M. Lasky, Three Dimensional Trademarks: Understanding United States Law and Practice,http://www.alteralaw.com/docs/3d-trademarks.pdf,

12. Merges, Robert P; Menell, Peter S; Lemley, Mark A. (2007), Intellectual Property in the New Technological Age (4th rev. ed.). New York: Wolters Kluwer, tr29.

13. EUIPO, “Guidelines for examination of european union trade marks”, Part B Examination section 4 absolute grounds for rerefus, https://guidelines.euipo.europa.eu/1922895/1787752/trade-mark-guidelines/section-4-absolute-grounds-for-refuref,

14. Lê Quang Vinh, Thực tiễn thẩm định về hình thức đối với đơn đăng ký nhãn hiệu ba chiều ở Hoa Kỳ, Bross & Partners, (28/2/2022), http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Thuc-tien-tham-dinh-ve-hinh-thuc-doi-voi-don-dang-ky-nhan-hieu-3-chieu-o-Hoa-Ky.

15. Lê Quang Vinh, Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Hoa Kỳ thông qua thủ tục phản đối nhãn hiệu tại TTAB (USPTO), Bross & Partners, (5/10/2020), http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Giai-quyet-tranh-chap-nhan-hieu-thuong-hieu-o-Hoa-Ky--thong-qua-thu-tuc-phan-doi-nhan-hieu-tai-TTAB-USPTO

15. USPTO, Case law: Ashley Furniture, Inc. v. SanGiacomo N.A. Ltd., 187 F.3d 363, 366 (4th Cir. 1999), is capable of functioning as a designator of an individual source of the produch,

16. https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/current#/result/TMEP1200d1e835.html?q=%201202.02&ccb=on&ncb=off&icb=off&fcb=off&ver=current&syn=adj&results=compact&sort=relevance&cnt=10.

17. Vũ Thị Hải Yến, Hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu hình ba chiều và nhãn hiệu âm thanh, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 38, No. 3, 17-29 (2022)

* ThS.NCS. Đỗ Thị Diện - Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Duyệt đăng 20/11/2024. Email tác giả: dtdien.dhl22@hueuni.edu.vn

[1] Trong tiếng Anh thuật ngữ “Trade dress” còn có tên gọi khác là “getup” hoặc “get-up”. Theo từ điển trực tuyến Collins Dictionary, “getup” có nghĩa là trang phục hoặc sự sắp xếp, định dạng hoặc phong cách. Tương đối khó dịch từ “Trade dress” hoặc “getup” sang tiếng Việt một cách đủ Việt hóa nhưng nhìn chung thuật ngữ “Bài trí thương mại” được dịch sang tiếng Việt từ thuật ngữ “Trade dress” có vẻ hay được dùng nhiều nhất.

[2] Merges, Robert P; Menell, Peter S; Lemley, Mark A., Intellectual Property in the New Technological Age (4th rev. ed.). New York: Wolters Kluwer, 29 (2007)

[3] William T.Fryer III, Trademark Product Appearance Features, United States and Foreign Protection Evolution: A Need for Clarification and Harrmonizatio, UIC Law Review, 34 J. Marshall L. Rev. 947 (2001), https://repository.law.uic.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1546&context=lawreview, truy cập ngày 2/6/2024

[4] Theo các án lệ trong vụ Wal-Mart, 529 U.S. at 205, 54 USPQ2d at 1065 (kiểu dáng trang phục trẻ em chứa kiểu dáng sản phẩm); Two Pesos, 505 U.S. at 763, 23 USPQ2d at 1081 (nội thất nhà hàng giống như bao bì sản phẩm); Qualitex Co. v. Jacobson Prods. Co., 514 U.S. 159, 34 USPQ2d 1161 (1995) (chỉ một màu cũng có thể được bảo hộ); In re N.V. Organon, 79 USPQ2d 1639 (TTAB 2006) (hương vị tương tự như kiểu dáng sản phẩm và có thể được bảo hộ trừ khi nó mang tính chức năng)

[5] M. Lasky, Three Dimensional Trademarks: Understanding United States Law and Practice,

http://www.alteralaw.com/docs/3d-trademarks.pdf

[6] Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, Chỉ thị (EU) 2015/2463, Điều 3 Chỉ thị (EU) 2015/2436, bản hợp nhất ngày 23tháng 12 năm 2015 nhằm điều chỉnh luật của các quốc gia thành viên liên quan đến nhãn hiệu. (Gọi là: Luật nhãn hiệu Liên minh châu Âu, EUTMR), Truy cập tại: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32015L2436, ngày truy cập 2/5/2024

[7] Lê Quang Vinh, “Bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Liên minh Châu Âu, Bross & Partners, (28/2/2022) http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Bao-ho-nhan-hieu-ba-chieu-o-Lien-minh-Chau-Au

[8] Vũ Thị Hải Yến, Hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu hình ba chiều và nhãn hiệu âm thanh, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 38, No. 3, 17-29 (2022)

[9] Asia-Pacific Economic Cooperation, Report for APEC Survey on Non-Traditional Trade Marks”, (April 2008), pages 45, https://www.apec.org/publications/2008/04/report-for-apec-survey-on-non-traditional-trade-marks

[10] Xem TMEP 1202.02(b)(ii) Distinctiveness and Product Packaging Trade Dress, và TMEP 1202.02(b)(i) Distinctiveness and Product Design Trade Dress, https://www.bitlaw.com/source/tmep/1202_02_b_ii.html

[11] Xem chi tiết quy tắc thẩm định tính chức năng được quy định ở TMEP §§1202.02(a)–1202.02(a)(viii) và thẩm định tính phân biệt được quy định ở TMEP 1202.02(b)–1202.02(b)(ii) and 1212–1212.10

[12] M. Lasky, tlđt, 6, 3

[13] USPTO, Case law: Ashley Furniture, Inc. v. SanGiacomo N.A. Ltd., 187 F.3d 363, 366 (4th Cir. 1999), is capable of functioning as a designator of an individual source of the produch,

https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/current#/result/TMEP-1200d1e835.html?q=%201202.02&ccb=on&ncb=off&icb=off&fcb=off&ver=current&syn=adj&results=compact&sort=relevance&cnt=10

[14] Vũ Thị Hải Yến, Hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu hình ba chiều và nhãn hiệu âm thanh, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 38, No. 3, 17-29 (2022)

[15] TTAB là từ viết tắt của “The Trademark Trial and Appeal Board” được tạm dịch là Ban khiếu nại và xét xử Nhãn hiệu. TTAB là một cơ quan chuyên môn trực thuộc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) gồm 1 chánh án, 18 thẩm phán hành chính, 14 luật sư ad-hoc cùng với đội ngũ các nhân viên hỗ trợ, giúp việc. TTAB có chức năng giải quyết tranh chấp nhãn hiệu gồm phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu và giải quyết khiếu nại chống từ chối bảo hộ nhãn hiệu bởi USPTO.

[16] Lê Quang Vinh, Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Hoa Kỳ thông qua thủ tục phản đối nhãn hiệu tại TTAB (USPTO), Bross & Partners, (5/10/2020), http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Giai-quyet-tranh-chap-nhan-hieu-thuong-hieu-o-Hoa-Ky--thong-qua-thu-tuc-phan-doi-nhan-hieu-tai-TTAB-USPTO

[17] EUIPO, “Guidelines for examination of european union trade marks”, Part B Examination section 4 absolute grounds for rerefus, https://guidelines.euipo.europa.eu/1922895/1787752/trade-mark-guidelines/section-4-absolute-grounds-for-refuref

[18] Theo Thông tư 23/2023/TT-BKHCN tại Điều 26 khoản 5 điểm a

[19] Bài viết tác giả đề cập đến chỉnh sửa, bổ sung Quy chế thẩm định nhãn hiệu. Bởi vì hiện nay Cục SHTT đang áp dụng Quy chế quy định về thẩm định nhãn hiệu cũ, trong khi Luật Sở hữu trí tuệ, Nghi định, Thông tư đã được sửa đổi, bổ sung thay thế mới.

Cùng chuyên mục

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 ngày trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích khung pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; từ đó, nhận diện những hạn chế trong quy định của pháp luật thực định và thực tiễn thi hành để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và những biện pháp nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam.

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ ý nghĩa của việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước cũng như thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này và từ đó đưa ra một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp của đối tượng này.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

Thực trạng pháp luật Việt Nam về thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động là một trong các chế tài đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chế tài này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động và rút lui khỏi thị trường.

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước