Theo Chỉ thị, thời gian qua, thực hiện Nghị định số
87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào
doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai
thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;
công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính,
đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả.
Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã
quy định rõ chủ thể, nội dung, phương thức tổ chức giám sát đầu tư vốn nhà nước
vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại
doanh nghiệp. Các quy trình, thủ tục, công tác giám sát đầu tư vốn, giám sát
tài chính đã được các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc, cơ bản đáp ứng được
yêu cầu về nội dung, thời hạn, thẩm quyền. Báo cáo đánh giá định kỳ sáu tháng
và hàng năm của doanh nghiệp, của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu và báo cáo tổng
hợp của Bộ Tài chính đã xây dựng được bức tranh tổng quan, đưa ra những giải
pháp, kiến nghị thiết thực để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác
giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công tác giám sát tài chính đối
với doanh nghiệp được giao quản lý đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác giám sát đầu
tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả
hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh
nghiệp có vốn nhà nước vẫn tồn tại các hạn chế, như: một số Cơ quan đại diện chủ
sở hữu chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng thời hạn, nội dung quy định; thực
hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đảm bảo phạm vi, trình tự, thủ
tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giao chậm, đánh giá chậm, chưa thực
hiện phân loại doanh nghiệp trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh
hàng năm để thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp; chưa thực hiện công khai
thông tin tài chính theo quy định.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do một số Cơ
quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn,
trách nhiệm trong công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám
sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính
theo quy định; việc tổ chức thực hiện công tác giám sát, công khai thông tin
tài chính chưa đáp ứng đúng yêu cầu; chưa có chế tài thực hiện đảm bảo hiệu lực,
hiệu quả.
Để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu
tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động
và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn
nhà nước theo quy định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn
nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính doanh nghiệp của các Cơ quan đại
diện chủ sở hữu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; chủ động đôn đốc các Cơ quan đại
diện chủ sở hữu thực hiện việc lập và gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước
vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả giám sát tài chính về Bộ Tài chính đảm bảo đầy
đủ nội dung, đúng thời hạn.
Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ Báo cáo giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả
giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, tình
hình doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích được giao của các Cơ quan đại diện
chủ sở hữu theo đúng thời hạn.
Đánh giá việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình,
thủ tục, thẩm quyền, việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động đầu tư
vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật trường hợp phát hiện vi phạm.
Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ xử lý theo quy định pháp luật đối với người có trách nhiệm của Cơ quan đại
diện chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo;
không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ
Tài chính.
Chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc, vấn đề phát
sinh trong thực tiễn, kịp thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ các giải pháp phù hợp, hiệu quả, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy
định pháp luật hiện hành liên quan trong trường hợp cần thiết để nâng cao hiệu
lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh
doanh tại doanh nghiệp và công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp;
giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài
chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đánh giá, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an
toàn tài chính, trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát phạm vi, trình tự,
thủ tục quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp đảm bảo đúng
quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đầu tư vốn nhà nước
vào doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ quyền và trách nhiệm của
Cơ quan đại diện chủ sở hữu về giám sát đầu tư vốn, giám sát tài chính, đánh
giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp được giao
quản lý; thực hiện giao chỉ tiêu đúng thời hạn, đủ nội dung theo quy định làm
cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại cho doanh nghiệp và công khai
thông tin.
Nghiêm túc thực hiện việc lập và ban hành kế hoạch
giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp được giao quản lý; chủ động tổ chức
triển khai kế hoạch đã ban hành; nghiêm túc thực hiện chế độ lập và báo cáo
tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; báo cáo kết quả giám sát tài
chính kỳ sáu (06) tháng và hằng năm gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn, đầy
đủ nội dung quy định. Trường hợp không chấp hành đúng, Cơ quan đại diện chủ sở
hữu chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường giám sát hoạt động đầu tư bổ sung vốn nhà
nước vào doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý vốn
nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (bao gồm cả vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh
nghiệp các năm trước); kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp với Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hiệu quả sử dụng vốn thực tế thấp hơn so với
Đề án hoặc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sai mục đích.
Tăng cường giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt
động của doanh nghiệp; kịp thời cảnh báo, chỉ đạo doanh nghiệp có giải pháp
ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử
lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, xem xét trách nhiệm, quyết định việc kỷ luật
đối với cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nội
dung về giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ của Cơ quan đại diện chủ
sở hữu...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước và
doanh nghiệp có vốn nhà nước nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc
chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà
nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thực hiện lập và gửi các báo cáo phục vụ công tác giám
sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp của Cơ quan đại diện
chủ sở hữu và Bộ Tài chính theo quy định; nghiêm túc thực hiện công khai thông
tin, minh bạch tình hình tài chính của doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ, kịp thời
các chỉ đạo, khuyến nghị của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính.