Pháp luật quốc tế

Góc nhìn chuyên gia - Dự báo chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ: Tác động và một số vấn đề đặt ra

Thứ năm, 03/04/2025 - 12:37
Nghe audio
0:00

Diễn biến đầy kịch tính của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Việc ông Donald Trump giành thắng lợi áp đảo về phiếu đại cử tri và chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2025 được giới chuyên gia nhận định sẽ dẫn đến sự điều chỉnh sâu rộng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, tác động đa chiều tới quan hệ quốc tế.

Các nhân tố cơ bản tác động đến chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ

Chiến thắng mang tính lịch sử của ông D. Trump (ứng viên thứ hai trong vòng 130 năm trên chính trường Mỹ thắng cử Tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ không liên tiếp) và việc Đảng Cộng hòa nắm quyền cả ở Thượng viện Mỹ và Hạ viện Mỹ sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump hiện nay một lần nữa thực thi chính sách “nước Mỹ trên hết”, “hòa bình thông qua sức mạnh”. Tuy nhiên, so với nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông D. Trump (2017 - 2021), bối cảnh trong nước và quốc tế của Mỹ đã có nhiều nhân tố thay đổi sâu sắc, tác động không nhỏ đến không gian hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Điều này thể hiện ở một số phương diện chính sau:

Về đối nội, một mặt, kết quả bầu cử phản ánh cơ bản những vấn đề cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhập cư và tâm lý muốn “phục hưng giá trị dân chủ của nước Mỹ” - yếu tố then chốt giúp ông D. Trump giành được sự ủng hộ của bộ phận cử tri độc lập, trung dung trong bối cảnh kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn; mặt khác, diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cho thấy nhiều vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt, tác động đến tâm lý của một bộ phận cử tri Mỹ.

Về đối ngoại, Mỹ vẫn là siêu cường toàn cầu, nền kinh tế số 1 thế giới (GDP năm 2023 của Mỹ là 105 nghìn tỷ USD, lớn hơn tổng cộng GDP của 174 nền kinh tế tính từ Indonesia - nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, đến các nước kém phát triển nhất). Mỹ dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự(1), đầu tư cho đổi mới sáng tạo(2), có mạng lưới quan hệ đồng minh, đối tác rộng khắp các châu lục(3), cùng “sức mạnh mềm”, như Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, văn hóa Hollywood...

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 7-2-2025_Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, môi trường địa chính trị - an ninh, địa kinh tế - xã hội thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất lường, khiến Mỹ phải phân bố nguồn lực để bảo đảm duy trì sự hiện diện và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện nay, Mỹ có mức chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, nhưng một số biến chuyển của tình hình thế giới đã buộc Mỹ tiến hành nhiều cải cách quân sự để chuyển ưu tiên từ chống khủng bố trong hai thập niên qua, sang hướng kiềm chế các đối thủ. Tương quan so sánh lực lượng, nhất là sự thu hẹp về khoảng cách sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng đang có sự thay đổi nhanh chóng(4). Các nước lớn vừa cạnh tranh quyết liệt cả về “điểm” và “diện”, vừa nỗ lực quản lý quan hệ để tránh rơi vào thế đối đầu trực diện, đổ vỡ tổng thể quan hệ, dẫn đến cục diện tập hợp lực lượng ngày càng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc(5). Ở nhiều khu vực vốn từng là địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh, nhiều nước lớn, như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang vươn lên cạnh tranh ảnh hưởng(6). Cùng với sự gia tăng cạnh tranh nước lớn, vai trò của các quốc gia tầm trung, các nước phương Nam ngày càng gia tăng, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, đẩy cao xu hướng dân chủ hóa đời sống quốc tế và làm phân tán sức mạnh tập hợp lực lượng của các nước lớn. Trong năm 2023, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Nhóm G-20(7) đều kết nạp thành viên mới. Tổng GDP của BRICS mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện nay vào khoảng 65.000 tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu tăng từ 31,5% hiện nay lên 37%, vượt mức 29,9% của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7).

Dự báo chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền của chính quyền mới ở Mỹ

Từ bối cảnh trên, có thể dự báo chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Mỹ sẽ diễn ra theo một số chiều hướng chính sau:

Về tổng thể, mục tiêu đối ngoại bao trùm là duy trì và củng cố địa vị siêu cường số 1 của Mỹ; bảo vệ lợi ích “nước Mỹ trên hết”; bảo vệ và phổ biến các giá trị dân chủ của Mỹ trên thế giới. Theo đó, yêu cầu chính sách đối ngoại phải chú trọng hơn, hướng nhiều tới các lợi ích và mục tiêu đối nội, trong đó lấy lợi ích của tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp và người lao động Mỹ làm trung tâm, tạo sự gắn kết hơn giữa các mục tiêu về đối ngoại, an ninh và kinh tế. Trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20-1-2025, Tổng thống Mỹ D. Trump cam kết sẽ thực thi trách nhiệm được cử tri giao phó, nước Mỹ sẽ bước vào “kỷ nguyên vàng” giàu mạnh hơn, tái thiết bên trong, vươn ra bên ngoài. Nhiều khả năng Mỹ sẽ ưu tiên củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhất là “sức mạnh cứng” (quân sự, kinh tế, khoa học - công nghệ) bên cạnh việc thúc đẩy sức mạnh của hệ giá trị Mỹ về dân chủ, quyền con người, pháp quyền; tận dụng công cụ kinh tế, ngoại giao để gây sức ép với đối thủ và tập hợp lực lượng, tạo thế trong quan hệ quốc tế; có khả năng giảm can dự, trách nhiệm hoặc tham gia một cách chọn lọc thể chế, sáng kiến hợp tác đa phương gắn với lợi ích cụ thể(8), trong xử lý “điểm nóng” liên quan đến lợi ích của Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký sắc lệnh tạm dừng các khoản viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày để đánh giá lại hiệu quả; rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; tiếp tục đình chỉ tài trợ đối với Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Việc quyết định rút khỏi các thỏa thuận quốc tế được Tổng thống Mỹ D. Trump khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ hai trước toàn thể lưỡng viện Quốc hội (ngày 5-3-2025), nhằm hướng tới “thời điểm cho những giấc mơ lớn và hành động táo bạo” để bảo đảm mang lại một tương lai tươi sáng cho nước Mỹ.

Với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, Mỹ nhiều khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận thực dụng theo hướng bảo đảm lợi ích “nước Mỹ trên hết”, giảm gánh nặng tài chính, thúc đẩy đồng minh và đối tác chia sẻ trách nhiệm, bảo vệ trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ và phương Tây. Trong đó, Mỹ có thể yêu cầu các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, tăng gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2% (đến cuối năm 2024, mới chỉ có 23/32 thành viên của NATO đạt mục tiêu 2% GDP). Mỹ tiếp tục có chính sách cứng rắn đối với các nước được Mỹ coi là đối thủ hoặc không thân thiện. Đồng thời, Mỹ tiếp tục ưu tiên xử lý các thách thức an ninh quốc tế, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về một số lĩnh vực liên quan đến đối ngoại, theo các chuyên gia, Mỹ tiếp tục xác định sức mạnh quân sự là cơ sở bảo đảm khả năng răn đe của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, song hạn chế can thiệp quân sự trực tiếp ở nước ngoài ngoại trừ trường hợp lợi ích quốc gia - dân tộc của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng; tăng cường tập hợp lực lượng và can dự ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông; tăng cường sử dụng công cụ kinh tế và công nghệ để làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của đối thủ và tranh thủ đồng minh, đối tác.

Đối với kinh tế - thương mại, Mỹ dành ưu tiên cao cho phát triển kinh tế, bảo đảm phục hồi bền vững và vượt qua nguy cơ suy thoái; thúc đẩy một số ngành sản xuất truyền thống, bao gồm cả khai thác năng lượng hóa thạch, dầu mỏ, khí hóa lỏng (LNG), giảm ưu tiên đối với các ngành kinh tế xanh, sản xuất xe điện(9); tăng cường bảo hộ sản xuất, đặc biệt coi trọng công cụ thuế quan, tiền tệ nhằm cân bằng cán cân xuất, nhập khẩu đối với các đối tác thương mại và gây sức ép mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ(10). Đồng thời, kế thừa phần nào di sản của chính quyền tiền nhiệm, Mỹ có thể tăng cường chính sách khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đầu tư trở lại trong nước (hay còn gọi là chính sách “reshoring”, “onshoring”).

Mỹ sẽ siết chặt chính sách nhập cư, thực thi các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ(11); tiếp tục phối hợp với các nước, kể cả đối thủ, để ngăn chặn tận gốc sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, như Al-Quaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); đề cao vấn đề dân chủ, quyền con người, tôn giáo với tính chất là phương tiện lan tỏa “sức mạnh mềm” và công cụ gây sức ép khi cần thiết. 

Đối với Trung Quốc, Mỹ nhiều khả năng sẽ kế thừa, tiếp nối chính sách của hai nhiệm kỳ gần đây, mở rộng phạm vi cạnh tranh, kiềm chế; tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn và biện pháp hạn chế đối với các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc. Mặt khác, tùy thuộc vào phản ứng đáp trả của Trung Quốc, Mỹ có thể tiếp tục duy trì đối thoại, giảm nguy cơ đối đầu vượt tầm kiểm soát. 

Đối với Nga, Mỹ sẽ đối thoại nhiều hơn để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, coi việc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Nga và Ukraine là ưu tiên quốc tế hàng đầu. Trong khi chưa có giải pháp đột phá khả thi, chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump có thể phải tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận, trừng phạt đơn phương đối với Nga để gây sức ép. Động thái mới đây nhất là việc Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 30-3-2025 tuyên bố sẽ áp thuế thứ cấp đối với toàn bộ dầu mỏ xuất khẩu của Nga nếu không đạt được thỏa thuận giữa Mỹ - Nga về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. 

Đối với châu Âu, một mặt, Mỹ tiếp tục xác định các đồng minh châu Âu là các đối tác quan trọng nhất nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc và duy trì trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ; mặt khác, tương tự nhiệm kỳ trước đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO chia sẻ nguồn lực, trách nhiệm nhiều hơn. Bởi, Tổng thống Mỹ D. Trump nhiều lần khẳng định, mức chi tiêu quốc phòng hiện tại của NATO, ở mức tối thiểu 2% GDP, là quá thấp và nên tăng lên 5%. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố không thể tiếp tục tài trợ cho NATO sau khi đưa ra thời hạn để các nước NATO đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, dự kiến vào tháng 6-2025. 

Về khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ dành nhiều cam kết và nguồn lực để sớm chấm dứt cuộc xung đột Israel - Palestine, không để leo thang thành khủng hoảng khu vực. Về dài hạn, Mỹ sẽ cố gắng định hình lại cục diện Trung Đông theo hướng bảo đảm vai trò chi phối của Mỹ thông qua liên minh giữa Mỹ, Israel và các nước Arab nòng cốt và khi có điều kiện sẽ thúc đẩy trở lại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab, đồng thời duy trì chính sách cứng rắn đối với Iran.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ tiếp tục xác định đây là địa bàn trọng điểm hàng đầu; đầu tư nguồn lực, khởi xướng, dẫn dắt các sáng kiến tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các nước lớn khác; đẩy mạnh hoạt động của các cơ chế do Mỹ dẫn dắt, như Nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD), Hợp tác an ninh ba bên giữa Anh, Australia và Mỹ (AUKUS), các thỏa thuận hợp tác an ninh nhiều bên ở khu vực. 

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ duy trì ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ; ưu tiên thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm gia tăng khả năng tiếp cận thị trường khu vực cho hàng hóa, dịch vụ Mỹ và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật trên biển. Trong nhiều năm qua, ASEAN và Mỹ không chỉ là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau, mà còn có sự kết nối mạnh mẽ về thương mại và đầu tư. Năm 2023, giá trị thương mại hàng hóa ASEAN - Mỹ đạt 395,9 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng giá trị thương mại của ASEAN, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở các nước thành viên ASEAN đạt khoảng 74,4 tỷ USD, chiếm 32,4% giá trị FDI tại ASEAN trong năm 2023(12).

Lắp ráp ô tô Ford  tại nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Ford Hải Dương_Ảnh: Tư liệu

Tác động và một số vấn đề đặt ra về phương diện chính sách

Kể từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995) đến nay, với sự thúc đẩy từ cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được nhiều bước tiến quan trọng với dấu mốc lịch sử nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Mỹ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ sáu của Mỹ trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng bình quân khoảng 16%/năm. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng trên 125 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 10 tỷ USD, tăng gần 30%(13). Các chính quyền Mỹ gần đây đều nhận định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cá nhân Tổng thống Mỹ D. Trump là Tổng thống Mỹ duy nhất từng thăm Việt Nam hai lần trong cùng một nhiệm kỳ. Đây là nhân tố thuận lợi để hai nước duy trì đà phát triển quan hệ trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, với vị thế và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, chính sách của chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump được dự đoán có tác động đa chiều đến quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ giữa các nước lớn nói riêng. 

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, nhiều khả năng tiếp tục diễn ra quyết liệt, toàn diện, song các nước lớn sẽ duy trì hợp tác, thỏa hiệp trên một số vấn đề có cùng lợi ích để giảm thiểu rủi ro, tránh gây đổ vỡ quan hệ. Các quốc gia tầm trung, các nước vừa và nhỏ sẽ đẩy mạnh tự chủ chiến lược, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và là những chủ thể quan trọng ngày càng được các nước lớn quan tâm tranh thủ. Cục diện quan hệ quốc tế vì vậy tiếp tục chuyển động theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc hơn, xuất hiện nhiều cơ chế tập hợp lực lượng đa phương, nhiều bên mới vận hành song song, tương tác đan xen với các cơ chế hợp tác đa phương truyền thống. Sự can dự, điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế, khu vực được quan tâm cao hiện nay, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Palestine, tình hình Biển Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, hợp tác tiểu vùng sông Mekong…, sẽ là nhân tố quan trọng, không loại trừ mang lại yếu tố đột biến mới cho triển vọng giải quyết tranh chấp, bất ổn, xung đột.

Thứ hai, trong bối cảnh Mỹ tiến hành tăng áp thuế toàn diện đối với tất cả đối tác thương mại lớn của Mỹ, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng sâu rộng. Các đối tác thương mại của Mỹ có thể tiến hành đáp trả ở mức độ khác nhau, gây hiệu ứng phân tách, phân tuyến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là về công nghệ cao, tài nguyên hiếm, khoáng sản chiến lược, làm bất ổn môi trường thương mại… Việc Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, khuyến khích đầu tư vào sản xuất quay trở lại Mỹ (“reshoring”), chuyển trọng tâm sang đầu tư vào năng lượng hóa thạch có thể khiến giá của đồng USD tăng lên, làm suy giảm đầu tư vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Quốc gia có quan hệ thương mại - đầu tư lớn với Mỹ sẽ phải điều chỉnh linh hoạt hơn chính sách tài chính, tiền tệ, lãi suất để bảo đảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, hợp tác đa phương toàn cầu có thể gặp phải khó khăn hơn nếu Mỹ giảm cam kết, rút khỏi một số thỏa thuận hợp tác đa phương, nhất là về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng phức tạp, vai trò của chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế tiếp tục đứng trước thách thức của các hành động chính trị cường quyền, chạy đua vũ trang, can thiệp, áp đặt trái với luật pháp quốc tế.

Từ phân tích trên, có thể rút ra một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo.

Một là, tiếp tục tận dụng tối đa, tối ưu đà nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng thời gian qua và sáng kiến, chiến lược hợp tác của các nước lớn phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, để mở rộng cục diện đối ngoại thuận lợi, gia tăng đan xen lợi ích, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, đa đạng hóa chuỗi cung ứng, giảm nguy cơ quá phụ thuộc vào quan hệ kinh tế - thương mại với các đối tác nhất định. Thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác, chuỗi cung ứng về hàng hóa thiết yếu, tài nguyên hiếm, đổi mới sáng tạo để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ. Đẩy mạnh nghiên cứu kinh nghiệm, chính sách của các nước phát triển ở khu vực châu Á, ASEAN trong thu hút FDI chất lượng cao, viện trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới, tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, phát triển đột phá khoa học - công nghệ. Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện một cách hiệu quả, thực chất, qua đó gia tăng tin cậy chính trị, hợp tác toàn diện trên lĩnh vực các bên cùng quan tâm, nhất là quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, đồng thời tháo gỡ vướng mắc, khác biệt.

Hai là, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn biến phức tạp và gia tăng phân tuyến, phân tách giữa các nước lớn, cần tăng cường tìm hiểu quy định, thủ tục, chuẩn mực pháp lý quốc tế liên quan đến vấn đề kiểm soát thương mại chiến lược để tháo gỡ rào cản trong tiếp cận công nghệ, từ đó hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý trong nước một cách phù hợp. Theo dõi sát chiều hướng hoạch định, điều chỉnh và triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ ngay từ đầu năm 2025, trong đó các điều chỉnh về quan hệ với các nước lớn là đối tác chủ chốt, quan trọng của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, EU…, chính sách thương mại và phòng vệ thương mại, kiểm soát xuất khẩu, kiểm soát thao túng tiền tệ, nhập cư, đa phương. Từ đó, chủ động chủ trương, đối sách nhằm tranh thủ mặt cơ hội, thuận lợi và hóa giải mặt thách thức, khó khăn, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Ba là, tiếp tục tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm tại các tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế mà Việt Nam có mức độ tham gia cao, như ASEAN, Liên hợp quốc, WTO, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hợp tác tiểu vùng sông Mekong…; nỗ lực chia sẻ quan điểm chung, như bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, trong đó có vấn đề Biển Đông, bảo đảm an ninh nguồn nước, vai trò trung tâm của ASEAN; phối hợp với các đối tác duy trì nhận thức chung về nhu cầu tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tự do hóa thương mại, cải tổ hệ thống thương mại đa phương.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp trong nước, nhất là công nghiệp phụ trợ để bảo đảm độc lập, tự chủ hơn, giảm sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ bên ngoài; hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ, chống mọi hành vi xâm phạm bản quyền, gian lận thương mại.

1) Chi tiêu quân sự của Mỹ dự kiến đạt 842 tỷ USD năm 2024, tương đương 2,3% GDP và chiếm khoảng 30% chi tiêu quân sự toàn cầu

(2) Tất cả 7 tập đoàn công nghệ lớn có giá trị nghìn tỷ USD trên toàn cầu đều là doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla

(3) Mỹ có khoảng 750 căn cứ quân sự ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

(4) Năm 1946, Mỹ chiếm 50% GDP thế giới, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 15% vào năm 2023. Năm 1990, GDP của Trung Quốc chỉ tương đương 7% GDP của Mỹ, năm 2023 đã tăng lên 70%

(5) Theo tổ chức nghiên cứu Henry Jackson Society (Anh), Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand phụ thuộc chiến lược vào Mỹ trong 17 ngành, 184 lĩnh vực và 831 danh mục hàng hóa, trong đó Mỹ là 6 ngành, 102 lĩnh vực và 414 danh mục

(6) Đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với khoảng 270 tỷ USD, gấp 4 lần thương mại Mỹ - châu Phi. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất - gấp 2 lần đầu tư của Mỹ. Năm 2023, tổng mức đầu tư theo cam kết của Trung Quốc vào châu Phi đạt 21,7 tỷ USD, khiến nước này trở thành quốc gia cung cấp ODA lớn nhất trong khu vực. Tại Mỹ Latinh, Nga đang phát triển mạnh quan hệ với Cuba, Venezuela, Nicaragua, Bolivia,…; các nước Mỹ Latinh nhận tín dụng từ các thành viên BRICS nhiều hơn tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng xuất, nhập khẩu của Mỹ - các tổ chức tài chính cung cấp vốn truyền thống cho khu vực Mỹ La-tinh. Tại khu vực Trung Đông, Ấn Độ khởi xướng sáng kiến Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu

(7) G-20 thường được biết đến với tên gọi: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, bao gồm 19 quốc gia và EU. Gần đây, Liên minh châu Phi (AU) đã trở thành thành viên mới nhất của G-20

(8) Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump, Mỹ liên tiếp rút khỏi các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran (JCPOA) và xúc tiến cả khả năng rút khỏi WHO

(9) Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump, hơn 125 quy định và chính sách môi trường của Mỹ đã bị hủy bỏ nhằm “thúc đẩy độc lập năng lượng và tăng trưởng kinh tế”. Khi đó, Mỹ đã đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên

(10) Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố, kể từ ngày 1-2-2025 sẽ tăng thuế quan bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada, đề nghị đàm phán lại Hiệp định Tự do Mỹ - Canada - Mexico (USMCA)

(11) Sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố trục xuất 15 - 20 triệu người đang sống bất hợp pháp tại Mỹ. Theo Hội đồng Di trú Mỹ, kế hoạch này có thể ảnh hưởng đến 20 triệu gia đình và tiêu tốn hơn 960 tỷ USD trong một thập niên

(12) Xuân Tú - Bá Thành: “Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN-Mỹ”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 21-9-2024, https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-giua-asean-my-post978222.vnp#google_vignette

(13) Tiến Thành: “Hợp tác thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, Tạp chí Công thương, Bộ Công Thương, ngày 25-12-2024, https://tapchicongthuong.vn/hop-tac-thuong-mai--dau-tu-la-diem-sang-trong-quan-he-viet-nam-hoa-ky-131608.htm


Cùng chuyên mục

Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Stermer: Những thách thức cần giải quyết

Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Stermer: Những thách thức cần giải quyết

Pháp luật quốc tế -  4 tuần trước

Bên cạnh những thuận lợi, Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Stermer sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc khắc phục tình trạng bất ổn về kinh tế - xã hội của đất nước, khủng hoảng di cư...

Mỹ dọa áp thuế 150% với Nhóm BRICS

Mỹ dọa áp thuế 150% với Nhóm BRICS

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Theo Hãng tin Tass, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo các thành viên tổ chức liên chính phủ BRICS (gồm 10 nước là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) rằng, Mỹ sẽ áp mức thuế quan lên tới 150% để đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra đồng tiền thay thế đồng USD.

Nhìn lại ba năm cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa hồi kết

Nhìn lại ba năm cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa hồi kết

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kể từ khi xảy ra đến nay đã kéo dài 3 năm mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, gây ra không ít hậu quả nặng nề cho cả Nga và Ukraine. Cuộc xung đột không chỉ mang đến những tác động sâu rộng đối với quan hệ giữa các nước lớn, an ninh châu Âu, mà còn trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột phải mất nhiều thập niên mới có thể khắc phục.

Việt Nam luôn coi phòng chống tội phạm mạng là một trong những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia

Việt Nam luôn coi phòng chống tội phạm mạng là một trong những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Ngày 6/2, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Vienna, Văn phòng LHQ về Các vấn đề ma túy và tội phạm (UNODC) đã tổ chức buổi tham vấn thông tin tới các phái đoàn các nước thành viên về Công ước LHQ về chống tội phạm mạng

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Nền kinh tế tự chủ là điều kiện tiên quyết để các quốc gia bảo đảm sự phát triển bền vững và khả năng ứng phó, phục hồi trước những biến động không lường trước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tự chủ của một số quốc gia đang phát triển điển hình trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện các giải pháp nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

6 yếu tố để ASEAN thành công trong kỷ nguyên thông minh

6 yếu tố để ASEAN thành công trong kỷ nguyên thông minh

Pháp luật quốc tế -  2 tháng trước

Chiều 22/1 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2025 (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa" do Chủ tịch WEF Borge Brende điều hành.

 Dự báo chính sách của Tổng thống Trump (kỳ cuối): Tâm điểm châu Á - Thái Bình Dương và ‘biến số’ cạnh tranh Mỹ - Trung

Dự báo chính sách của Tổng thống Trump (kỳ cuối): Tâm điểm châu Á - Thái Bình Dương và ‘biến số’ cạnh tranh Mỹ - Trung

Pháp luật quốc tế -  2 tháng trước

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định cạnh tranh Mỹ - Trung dưới Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục leo thang và định hình lại cục diện toàn cầu, tuy nhiên, Trung Quốc đã lớn mạnh và không dễ bị 'bắt nạt'.

Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ

Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ

Pháp luật quốc tế -  2 tháng trước

Vào lúc 12h02 ngày 20/1 theo giờ bờ Đông nước Mỹ (0 giờ 2 phút ngày 21/1 theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của "xứ cờ hoa".