Nghiên cứu lý luận

Hạn chế của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và giải pháp hoàn thiện

Nguyễn Như Sơn, Hồ Thị Duyên Thứ bảy, 27/07/2024 - 13:57
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết phân tích những hạn chế của pháp luật bảo hiểm thất nghiệp hiện hành dựa trên các tiêu chí về tính toàn diện, tính thống nhất, tính phù hợp và tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế.


Tóm tắt: Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp là việc làm cần thiết nhằm kịp thời phòng ngừa và khắc phục tình trạng thất nghiệp từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng tờ trình, dự thảo và lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Việc làm số 38/2013/QH13. Bài viết phân tích những hạn chế của pháp luật bảo hiểm thất nghiệp hiện hành dựa trên các tiêu chí về tính toàn diện, tính thống nhất, tính phù hợp và tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay theo đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Từ khoá: hoàn thiện pháp luật, bảo hiểm thất nghiệp, đại dịch Covid-19.

Summary: Completing the law on unemployment insurance is necessary to promptly prevent and overcome unemployment from the negative impact of the Covid-19 pandemic, especially in the context that the Government is developing a report, draft and collect comments on the amendment of the Employment Law 2013. The article analyzes the limitations of the current unemployment insurance law based on the of comprehensiveness, consistency, relevance and compatibility with international standards and hence proposes solutions to improve the current law on unemployment insurance of Vietnam by types and subjects participating in unemployment insurance and unemployment insurance regime.

Keywords: perfecting the law, unemployment insurance, Covid-19 pandemic.

Đặt vấn đề

Việt Nam đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch covi-19, đặc biệt là trong vấn đề việc làm, thất nghiệp. Theo Báo cáo Tình hình thị trường lao động việc làm Việt Nam quý IV năm 2022 của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 là hơn 1,08 triệu người, tuy đã giảm 520.000 người so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng 24,9 nghìn người so với quý trước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự báo trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm, dẫn đến nhiều người lao động (NLĐ) bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.[1]

Đứng trước bối cảnh đó, việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là việc làm cần thiết, nhằm kịp thời tạo ra công cụ pháp lý phù hợp để phòng ngừa và khắc phục tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về BHTN càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai việc xây dựng tờ trình, dự thảo và lấy ý kiến sửa đổi Luật Việc làm số 38/2013/QH13 (chế định pháp luật về BHTN được ghi nhận trong luật này). Thông qua việc nghiên cứu hạn chế của pháp luật BHTN hiện hành, các giải pháp được đề xuất sẽ bám sát và khắc phục triệt để những hạn chế đã được chỉ ra.

I. Hạn chế của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay

Pháp luật về BHTN tại Việt Nam hiện nay được quy định tại Luật Việc làm số 38/2013/QH13 (sau đây gọi là Luật Việc làm) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Bên cạnh những ưu điểm so với chế định BHTN trước đây trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 71/2006/QH11 (sau đây gọi là Luật Bảo hiểm xã hội), pháp luật BHTN hiện hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Những hạn chế của pháp luật BHTN hiện hành được đánh giá dựa trên các tiêu chí về tính toàn diện, tính thống nhất, tình phù hợp và tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế, cụ thể như sau:

1.2. Pháp luật bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng cần được bảo vệ, nhất là lao động khu vực phi chính thức

Hiện nay, BHTN mới chỉ áp dụng đối với NLĐ là công dân Việt Nam có hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 03 tháng trở lên (trước đây theo Luật BHXH năm 2006 là từ đủ 12 tháng trở lên). Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thấy rằng, đối tượng tham gia BHTN ở nước ta còn hạn chế, chưa đảm bảo được quyền lợi của số đông người lao động. Điều này được thể hiện qua Biểu đồ 1 – Số người tham gia BHTN trong tương quan với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (giai đoạn 2015 – 2020). Có thể thấy rằng, phần trăm số người tham gia BHTN trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ (chưa đến 30%). Phần đông những người chưa được pháp luật BHTN bảo vệ là những lao động ở khu vực phi chính thức như: nông dân tự trồng trọt, chăn nuôi, ngư dân, diêm dân, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, lao động chân tay theo công việc được thuê khoán, lao động làm việc trong các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ nhưng không được ký kết hợp đồng lao động… Ở một đất nước mà sản xuất ở lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế như nước ta, công nghiệp và dịch vụ còn non trẻ thì lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn trên thực tế là điều hợp lý, dễ hiểu.

Ngay trong bộ phận lao động khu vực chính thức, những NLĐ có giao kết HĐLĐ từ 01 tháng trở lên đến dưới 03 tháng cũng là một bộ phận không nhỏ, nguy cơ bị mất việc làm rất lớn và cần được bảo vệ. Họ thường là những sinh viên mới ra trường, mới bước chân vào thị trường lao động, còn thiếu cả về kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm tìm kiếm việc làm. Một bộ phận lớn trong số họ cũng có thể là những NLĐ chân tay từ vùng mới được đô thị hoá không có đất canh tác, hoặc lao động di cư từ các vùng nông thôn, miền núi tới thành phố tìm việc làm ngắn hạn. Thậm chí, họ có thể là những lao động đặc thù như trẻ em dưới 18 tuổi, NLĐ cao tuổi, lao động khuyết tật… được thuê làm những công việc đơn giản trong các hộ kinh doanh, sản xuất. Đặc điểm chung của tất cả những đối tượng này là thường được thuê làm những công việc có tính thời vụ, nguy cơ mất việc lớn. Họ cũng rất dễ bị NSDLĐ chèn ép, sử dụng những mánh khoé để buộc họ ký kết HĐLĐ dưới 03 tháng với những công việc có tính chất thường xuyên nhằm trốn đóng BHTN. Việc bỏ sót những NLĐ là công dân Việt Nam có HDLĐ từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN bắt buộc là một thiếu sót lớn của pháp luật BHTN, chưa thể hiện đúng bản chất công bằng xã hội.

Bên cạnh đối tượng NLĐ là công dân Việt Nam có HĐLĐ từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, pháp luật BHTN cũng cần quan tâm đến đối tượng NLĐ là công dân nước ngoài, đang làm việc tại Việt Nam theo HĐLĐ. Cần biết rằng, cả hai đối tượng này hiện nay đều được quyền tham gia BHXH bắt buộc, nhưng lại không được tham gia BHTN bắt buộc. Việc này phần nào đó thể hiện tính không thống nhất của pháp luật BHTN với pháp luật BHXH trong cùng hệ thống pháp luật an sinh xã hội của Việt Nam. Không chỉ vậy, việc bảo vệ việc làm cho đối tượng NLĐ làm việc tại Việt Nam theo HĐLĐ cũng hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người trong lĩnh vực an sinh xã hội và góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đã ban hành riêng một chính sách về vấn đề này. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Cải cách chính sách BHXH” (trong đó có BHTN) đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trườn lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương)”. Trong khi đó, lực lượng lao động khu vực phi chính thức (những người lao động tự do không giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc) mới là lực lượng lao động đông đảo trong xã hội, đem lại những giá trị to lớn đối với nền kinh tế. Hạn chế này của pháp luật BHTN hiện hành cũng sẽ đem lại hệ quả rất khó để đạt được mục tiêu bao phủ BHTN là 35% đến năm 2025 và 45% đến năm 2030 mà Đảng đã đề ra.[2]

1.2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp chưa thể hiện rõ mục tiêu phòng ngừa thất nghiệp của chính sách bảo hiểm thất nghiệp và chưa có quy định dành cho các đối tượng lao động đặc thù

Thứ nhất, các chế độ BHTN hiện nay chưa thể hiện rõ mục tiêu phòng ngừa thất nghiệp của chính sách BHTN. Mục tiêu cao nhất của chính sách BHTN là phòng ngừa thất nghiệp và giúp NLĐ nhanh chóng trở lại thị trường lao động sau khi bị thất nghiệp, còn việc hỗ trợ thu nhập trong thời gian thất nghiệp chỉ là mục tiêu phụ có tính tình thế. Pháp luật về BHTN hiện nay chưa thể hiện rõ mục tiêu phòng ngừa thất nghiệp, biểu hiện ở các khía cạnh sau:

Các quy định của BHTN hiện nay chủ yếu thiên về chi trả chế độ Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho người thất nghiệp nhằm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho NLĐ sau khi đã bị thất nghiệp. Điều này thể hiện ở số lượng áp đảo của các quy định về TCTN trong chế định BHTN của Luật Việc làm năm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết cho Luật Việc làm về BHTN. So với các nội dung khác trong chế định BHTN, nội dung về TCTN được quy định tương đối chi tiết về điều kiện hưởng TCTN (Điều 49 Luật Việc làm); thành phần hồ sơ đề nghị hưởng TCTN (Điều 16 nghị định hướng dẫn); thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN (Điều 17 nghị định hướng dẫn); thủ tục giải quyết hưởng TCTN (Điều 18 nghị định hướng dẫn); mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng (Điều 50 Luật Việc làm); các trường hợp tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng TCTN (Điều 53 Luật Việc làm và Điều 19 – Điều 21 của nghị định hướng dẫn); xử lý khi chuyển nơi hưởng TCTN (Điều 22 nghị định hướng dẫn)… Kết quả triển khai thực chi trả các chế độ BHTN tại bảng số liệu 2.4 có thể thấy, mức chi trả cho TCTN luôn chiếm trên 90% tổng mức chi trả BHTN. Mức chi trả cho Hỗ trợ học nghề cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so trên tổng chi BHTN (dưới 2%). Tuy pháp luật có quy định về chế độ Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nhưng chưa có trường hợp nào được nhận hỗ trợ trong thực tiễn giai đoạn này.

Bảng 2. Chi trả các chế độ BHTN giai đoạn 2010 – 2020 [3]

NămNội dung chi trả BHTN (tỷ đồng)
Trợ cấp thất nghiệpHỗ trợ học nghềĐóng BHYTTư vấn giới thiệu việc làmHỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghềTổng
2010439,4400,20017,40000457,040
20111.075,3000,63055,810001.131,740
20122.314,6000,216111,440002.426,256
20133.361,6203,960155,430003.521,010
20144.177,30012,600197,720004.387,620
20154.539,67033,510206,740004.779,920
20164.814,00043,000314,000005.171,000
20177.514,00068,000353,000007.935,000
20189.593,00082,000426,0000010.101,000
201911.503,000162,000511,0000012.176,000
202015.272,000213,000672,0000016.157,000
Tổng64.603,930619,1163.202,5400068.243,586

Đối với các quy định về chế độ Hỗ trợ học nghề, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ chi phí ăn ở, đi lại, dụng cụ học nghề…). Bên cạnh đó, pháp luật BHTN hiện hành quy định thời gian hỗ trợ học nghề cho NLĐ là 06 tháng như hiện nay là không phù hợp với thực tế đào tạo và nhu cầu nghề nghiệp của NLĐ. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để NLĐ học được một nghề mới một cách thành thục, nhất là đối với những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao trong thời kỳ công nghệ số và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, chế độ hỗ trợ học nghề hiện nay mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho NLĐ đang có việc làm nhưng mong muốn được phát triển kỹ năng nghề hoặc học một ngành nghề mới phù hợp hơn, có triển vọng hơn (theo quy định hiện hành thì NLĐ chỉ được hưởng hỗ trợ học nghề sau khi đã bị chấm dứt HĐLĐ, HĐLV). Những hạn chế trên của pháp luật BHTN dẫn đến NLĐ bị thất nghiệp không mặn mà tham gia đăng ký học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với chế độ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, theo Nguyễn Minh Tuấn, pháp luật BHTN hiện nay chưa có quy định về một số chi phí cần thiết phục vụ cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm như thu thập thông tin thị trường lao động, thông tin người tìm việc - việc tìm người…. Thiếu sót này gây khó khăn về tài chính đối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) trong tổ chức thực hiện pháp luật, khiến hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong khi đó, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm để NLĐ sớm trở lại thị trường lao động là công cụ hữu hiệu nhất giúp phát huy mục tiêu của chính sách BHTN và phát triển kinh tế địa phương.[4] Bên cạnh đó, Luật Việc làm quy định chế độ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm chỉ áp dụng đối với NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ/HĐLV và có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều NLĐ đang tham gia BHTN, tuy chưa chấm dứt HĐLĐ/HĐLV nhưng vẫn có nhu cầu được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp hơn với khả năng, nguyện vọng của mình. Cần biết rằng, một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa thất nghiệp là khả năng linh hoạt nghề nghiệp của NLĐ trước những biến đổi của xã hội. Một số đối tượng đặc biệt như người vừa chấp hành xong hình phạt tù, tuy không tham gia BHTN nhưng cũng rất cần được hưởng hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm để tái hoà nhập cộng đồng, tránh bị lôi kéo trở lại vào các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, pháp luật BHTN hiện nay chưa quy định họ là đối tượng được hưởng hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo pháp luật BHTN hiện hành, một trong những điều kiện để NSDLĐ được hưởng Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ đó là “NSDLĐ gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng dưới 200 lao động, từ 50 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động, từ 100 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 tháng”. Những trường hợp được coi là bất khả kháng bao gồm: “Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại; Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh” (Theo khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, Điều 3 Nghị định 68/2015/NĐ-CP, khoản 1 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP). Mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mứcc hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng. Có thể thấy rằng, các điều kiện để NLSDLĐ được hưởng hỗ trợ này hết sức chặt chẽ và hiếm khi xảy ra, trong khi mức hỗ trợ lại thấp, dẫn đến việc NSDLĐ khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Theo báo cáo của các địa phương, tính tới hết tháng 6/2021, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã hạ thấp điều kiện hưởng nhưng đến nay chỉ có có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN để đào tạo duy trì việc làm cho 8.230 người lao động.[5] Tuy nhiên, chính sách này chỉ được áp dụng từ 01/7/2021 đến 30/6/2022 để tạm thời ứng phó với cao điểm dịch Covid-19 tại nước ta. Nhìn chung, NSDLĐ vẫn rất khó khăn và không mặn mà trong việc tiếp cận với chế độ Hỗ trợ đào, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Tóm lại, trong các chế độ BHTN hiện hành, TCTN đang giữ vị trí trung tâm của chính sách BHTN, chưa phát huy được vai trò của các chế độ trợ cấp khác, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Trong khi đó, TCTN chỉ là giải pháp tạm thời, còn Hỗ trợ học nghề và Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề mới là cái gốc của chính sách BHTN, hỗ trợ lâu dài cho người lao động, giúp họ giảm thiểu rủi ro bị tai nạn thất nghiệp trong tương lai. Pháp luật BHTN hiện nay chưa xây dựng được chính sách BHTN thành chính sách BHTN chủ động như: các chương trình bảo đảm việc làm, hỗ trợ chuyển đổi việc làm và các hỗ trợ đột xuất khác.

Thứ hai, pháp luật BHTN hiện hành chưa có quy định dành cho các đối tượng đặc thù.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thành lập từ năm 1919 và trở thành cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực lao động của Liên hợp quốc từ năm 1945. Vấn đề thất nghiệp và BHTN đã được ghi nhận trong nhiều khuyến nghị và công ước của ILO, trong đó có thể kể đến như: Công ước số 44 (1934) về thất nghiệp (hiện không còn hiệu lực), Công ước 102 (1952) về tiêu chuẩn ASXH tối thiểu (phần IV quy định về chế độ thất nghiệp), Công ước 168 (1988) về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp, Khuyến nghị 176 (1988) về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp, Khuyến nghị 202 (2012) về sàn ASXH quốc gia, Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật... Năm 2019, Việt Nam đã công bố việc gia nhập hai công ước có liên quan trực tiếp đến pháp luật BHTN là >Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và >Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, Công ước số 159 của ILO đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện các thiết chế và thể thế của thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo quyền của người khuyết tật trong thị trường lao động.

Pháp luật BHTN ở Việt Nam hiện nay chưa có những quy định đặc thù cho đối tượng người khuyết tật để phù hợp với Công ước số 159 mà nước ta đã gia nhập. Đây là thiếu sót lớn của pháp luật BHTN Việt Nam hiện hành và cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm tính tương thích của pháp luật BHTN với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới tại các hiệp ước song phương, đa phương. Quan trọng hơn cả, việc bổ sung các quy định đặc thù cho NLĐ khuyết tật sẽ đảm bảo quyền được hưởng ASXH của mọi công dân Việt Nam mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.

Không chỉ thiếu vắng các quy định đặc thù đối với NLĐ khuyết tật, pháp luật BHTN hiện hành cũng thiếu sự quan tâm đặc biệt đối với NLĐ cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá. Yêu cầu này đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Đảng: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội… Đẩy mạnh hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá” (mục IV, tiểu mục 7).[6] Do đó, việc thiếu các quy định đặc thù dành cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thi hoá là một hạn chế của pháp luật BHTN, chưa đảm bảo yêu cầu về chính trị mà Đảng cầm quyền đã đề ra.

II. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay

2.1. Hoàn thiện các quy định về đối tượng, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm mở rộng đối tượng được bảo vệ

Thứ nhất, sửa đổi quy định về đối tượng tham gia BHTN (Điều 43 Luật Việc làm) theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHTN bắt buộc, cụ thể như sau:

Hiện nay, BHTN mới chỉ áp dụng đối với NLĐ là công dân Việt Nam có Hợp đồng làm việc hoặc HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên. Trong thời gian tới, cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN bắt buộc đối với NLĐ là công dân Việt Nam có HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên, bởi lẽ, đối tượng này rất dễ bị mất việc làm (do HĐLĐ có thời hạn ngắn, công việc chủ yếu mang tính chất mùa vụ trong những đợt cao điểm), họ cũng rất cần được bảo đảm về thu nhập khi bị mất việc làm. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng tham gia BHTN bắt buộc với đối tượng NLĐ có HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên sẽ khắc phục được tình trạng NSDLĐ cố ý ký HĐLĐ dưới 03 tháng với NLĐ để trốn đóng BHTN. Ngoài ra, số lượng NLĐ được pháp luật BHTN bảo vệ sẽ tăng lên đáng kể, mở rộng diện bao phủ BHTN theo yêu cầu của Đảng đã đề ra và bổ sung nguồn tài chính cho quỹ BHTN, đảm bảo bình ổn quỹ BHTN. Đồng tình với quan điểm trên, Tạ Thị Ánh Tuyết cho rằng, quy định sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với Luật BHXH (đối tượng này hiện cũng đang là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc), đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật BHTN với pháp luật BHXH.[7]

Cùng với đó, cần bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (nếu không hưởng lương hưu hàng tháng) cũng là đối tượng được tham gia BHTN bắt buộc. Đối tượng này chiếm chiếm số lượng không nhỏ, vì có ở tất cả các đơn vị hành chính cấp xã, có thể kể đến như: cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh); tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản; bí thư chi bộ và trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố; một số chức danh khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Hiện nay, một số chức danh thường do những người đã nghỉ hưu, có uy tín trong cộng đồng đảm nhiệm (như tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản), họ đang được hưởng lương hưu hàng tháng nên không cần thiết tham gia BHTN bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có những chức danh như Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cấp xã…thường được đảm nhiệm bởi những người lao động tự do tại địa phương, đa phần không thuộc diện hưởng lương hưu hàng tháng. Những đối tượng này cũng không phải là cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong biên chế nhà nước, nguy cơ mất việc làm rất cao. Những người hoạt động không chuyên trách không có bảng lương riêng, mà chỉ được trả phụ cấp hàng được khoán cho từng địa phương.[8] Qua thực tiễn tại các địa phương cấp xã cho thấy, những đối tượng này gặp nhiều khó khăn về kinh tế và việc làm. Do đó, nếu những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không thuộc diện hưởng lương lưu hàng tháng thì cần được bổ sung vào đối tượng tham gia BHTN bắt buộc với mức đóng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm quy định: “NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN”. Đối với người đang hưởng lương hưu, không cần thiết phải tham gia BHTN bắt buộc, vì họ đang được hỗ trợ về thu nhập và nhu cầu tìm việc làm mới không lớn. Tuy nhiên, đối với người giúp việc gia đình hiện nay có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là người giúp việc trực tiếp ký kết HĐLĐ với người cần tuyển dụng. Những đối tượng này không phù hợp để tham gia BHTN bắt buộc vì còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý việc ký kết HĐLĐ, đóng BHTN của người giúp việc gia đình và người thuê giúp việc gia đình. Nhóm thứ hai là họ ký kết HĐLĐ với một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, sau đó được doanh nghiệp phân công đến làm việc tại một chủ hộ gia đình. Những đối tượng này tuy không trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình nhưng vấn chịu sự phân công quản lý và trả lương từ doanh nghiệp này. Do đó, đối tượng giúp việc gia đình này về bản chất cũng không khác những NLĐ làm việc ở các ngành nghề khác, họ cần được bảo vệ bởi chính sách BHTN. Chính vì vậy, cần sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm như sau: “NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN, trừ giúp việc gia đình có ký kết HĐLĐ với doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình”.

Thứ hai, bổ sung chế định về BHTN tự nguyện, thí điểm đối tượng tham gia là lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và xã viên hợp tác xã.

Bên cạnh hình thức BHTN bắt buộc, cần tiến tới xây dựng hình thức BHTN tự nguyện như chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang thực hiện. Đối tượng tham gia BHTN tự nguyện có thể hướng đến đầu tiên là những người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo hình thức hợp đồng lao động. Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép tham gia BHTN đối với NLĐ là công dân Việt Nam, chưa chấp nhận với đối tượng người lao động người nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận quyền được bảo đảm an sinh xã hội dưới góc độ quyền con người, thì việc cho phép người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động là việc cần thiết, nhằm đảm bảo quyền con người của công dân nước ngoài đang cống hiến sức lao động tại Việt Nam, thể hiện sự thiện chí của Nhà nước Việt Nam khi gia nhập các hiệp ước kinh tế quốc tế. Đa phần người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động cũng đều là những người có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề chuyên nghiệp, có lý lịch rõ ràng, dễ dàng nắm bắt tình trạng việc làm chặt chẽ thông qua hợp đồng lao động… nên cho phép họ tham gia BHTN tự nguyện cũng hoàn toàn có cơ sở trên phương diện quản lý.

Sở dĩ không quy định người lao động nước ngoài là đối tượng tham gia BHTN bắt buộc vì đa phần trong số họ đều là những người định cư, làm việc có thời hạn ở Việt Nam theo nhu cầu công việc, khi chấm dứt hợp đồng lao động họ có thể sẽ về nước mà không tiếp tục định cư tại Việt Nam, do đó không thể xác định tình trạng việc làm của họ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thay vào đó, pháp luật BHTN nên cho phép họ tham gia BHTN như một quyền được lựa chọn khi họ thấy rằng việc tham gia BHTN là cần thiết.

Do những khó khăn trước mắt trong xác định tình trạng thất nghiệp thực sự của người lao động ở khu vực phi chính thức để làm căn cứ hưởng trợ cấp BHTN, nên trước mắt có thể thí điểm cho phép xã viên hợp tác xã là đối tượng được phép tham gia BHTN tự nguyện. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện góp vốn thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13). Theo tiêu chí sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được chia thành ba loại: Hợp tác xã phục vụ sản xuất, hợp tác xã phục vụ tiêu dùng và hợp tác xã tạo việc làm. Đồng tình với quan điểm cho phép xã viên hợp tác xã được quyền tham gia BHTN tự nguyện, Đoàn Xuân Trường cho rằng, xã viên của hợp tác xã tạo việc làm lá những cá nhân được hợp tác xã cung cấp việc làm để có thu nhập, các cơ quan quản lý có cơ sở để xác định tình trạng thất nghiệp thất nghiệp thực tế của những cá nhân này dựa trên tình trạng hoạt động thực tế của hợp tác xã và xác nhận của hợp tác xã. Mức đóng, mức hưởng của đối tượng này được xác định dựa trên thu nhập thực tế mà hợp tác xã chi trả từng tháng cho xã viên.[9]

2.2. Hoàn thiện quy định về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường khả năng phòng ngừa thất nghiệp và bảo vệ các đối tượng lao động đặc thù

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, cụ thể như sau:

Sửa đổi quy định tại Điều 54 Luật Việc làm về điều điện hưởng hỗ trợ theo hướng tất cả những NLĐ đang tham gia BHTN đều được hưởng Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc khi có nhu cầu, kể cả những người chưa chấm dứt HĐLĐ, bởi lẽ, có rất nhiều NLĐ cần được tư vấn để lựa chọn công việc phù hợp hơn với năng lực, sở thích cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Trường Thị Thu Hiền cũng cho rằng, việc cho phép tất cả những NLĐ đang đóng quỹ BHTN, kể cả khi họ chưa thất nghiệp, đều được hưởng Hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm là quy định cần thiết, giúp NLĐ có khả năng linh hoạt trong chuyển đổi nghề, phòng ngừa thất nghiệp từ xa.[10] Ngoài ra, đối tượng được nhận Hộ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cần bổ sung cả đối tượng người vừa chấp hành xong hình phạt tù trong khoảng thời hạn 01 năm. Những đối tượng này tuy có thể không tham gia BHTN trước đó, nhưng là đối tượng đặc biệt, rất cần được hỗ trợ tìm kiếm việc làm để tái hoà nhập cộng đồng, tránh bị lôi kéo trở lại vào các tệ nạn xã hội. Bổ sung đối tượng người vừa chấp hành xong hình phạt tù được hưởng Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chính sách BHTN, thể hiện tính nhân văn của pháp luật BHTN.

Theo Bùi Thị Nhung, cần bổ sung quy định kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được xác định trên cơ sở số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá. Các chi phí này là các chi phí cần thiết phục vụ cho hoạt đọng hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm (chi phí tìm kiếm thông tin, chi phí đăng tải thông tin, chi phí liên lạc…).[11] Quy định này nhằm nâng cao khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm trên thực tế của các TTDVVL và các tư vấn viên, giúp họ có động lực để hoạt động tư vấn đi đến kết quả cuối cùng là người tư vấn đều có việc làm phù hợp sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Thứ hai, sửa đổi quy định về chế độ Hỗ trợ học nghề (Điều 55, Điều 56 Luật Việc làm), cụ thể như sau:

Sửa đổi tên chế độ “Hỗ trợ học nghề” thành “Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”, bổ sung quy định về phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Quy định này nhằm nâng cao khả năng thích ứng, chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt trước những thay đổi của nền kinh tế.

Pháp luật BHTN quy định thời gian hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ là 06 tháng như hiện nay là không phù hợp với thực tế đào tạo và nhu cầu nghề nghiệp của NLĐ. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để NLĐ học được một nghề mới có chuyên môn cao, tay nghề giỏi để phù hợp với sự biến đổi của thời kỳ công nghệ số và mở rộng hội nhập quốc tế. Cần thiết sửa đổi thời gian hưởng hỗ trợ căn cứ vào ngành nghề, môi trường làm việc và thời gian tối đa là 12 tháng.[12]

Bổ sung các chi phí mà NLĐ được hỗ trợ ngoài học phí như: chi phí đi lại, sinh hoạt phí, chi phí hỗ trợ mua dụng cụ học tập. Mức hỗ trợ này cần được giao cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng ngành học, từng vùng sinh hoạt. Đây là giải pháp quan trọng để thu hút người thất nghiệp tham gia học nghề mới và bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Quy định như trên nhằm thu hút NLĐ đăng ký tham gia học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để sớm trở lại thị trường lao động.

Thứ ba, sửa đổi quy định về chế độ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ (Điều 47 Luật Việc làm), cụ thể như sau:

Sửa đổi điều kiện hỗ trợ theo hướng bỏ nội dung “gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”, quy định rõ NSDLĐ được hỗ trợ “khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động”. Theo Nguyễn Anh Thơ, quy định như trên sẽ cụ thể hoá điều kiện để NSDLĐ được nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ. Việc xác định tiêu chuẩn của những điều kiện này đã được quy định trong pháp luật lao động, cơ quan nhà nước có thể dẫn chiếu để áp dụng khi xảy ra trên thực tế.[13] Quy định như trên nhằm tạo điều để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với chế độ hỗ trợ này, có thêm kinh phí để nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi công việc, từ đó kịp thời và linh hoạt ứng phó với các tác động xấu từ nền kinh tế.

Kế thừa các nội dung khác về chế độ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ hiện đang được quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về BHTN, ghi nhận trực tiếp tại Luật Việc làm, vì đây là những vấn đề cơ bản của chính sách BHTN, ít có sự thay đổi. Quy định như vậy sẽ đảm bảo hiệu lực trực tiếp của các đạo luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Sự thay đổi này cũng phù hợp với giải pháp bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật BHTN nói riêng mà Nguyễn Văn Cương đã chỉ ra: “Cần làm sâu sắc hơn quan niệm cho rằng, hệ thống pháp luật được kết cấu gồm nhiều vòng, lõi, theo đó, Hiến pháp và các đạo luật nằm ở lõi, ghi nhận những giá trị, những chính sách có tính nền tảng nhất, ổn định nhất của quốc gia, quy định những đầu mối quan trọng nhất trong xã hội; nghị định và thông tư, văn bản của chính quyền địa phương được quy định để xử lý những vấn đề mang tính chất tạm thời, thường xuyên thay đổi, những nội dung về khía cạnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên sâu, các thủ tục hành chính để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân”.[14]

Thứ tư, sửa đổi các quy định về chế độ Trợ cấp thất nghiệp, cụ thể như sau:

Sửa đổi điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật Việc làm theo hướng bổ sung một số trường hợp không được hưởng TCTN như: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Trong luận án của mình, Phạm Minh Thăng cho rằng, trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ nghĩa là họ đã tự từ chối quyền được làm việc của mình, không phải do không tìm được việc làm, do đó, không nên quy định cho họ được hưởng TCTN, tránh hiện tượng NLĐ cố ý nghỉ việc để được hưởng TCTN. Đối tượng NLĐ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc cũng không được hưởng TCTN vì do lỗi chủ quan từ phía NLĐ. Những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là những người vẫn đang có thu nhập nên không cần thiết cho họ hưởng TCTN.[15]

Sửa đổi Điều 50 Luật Việc làm quy định về mức hưởng TCTN tối đa đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cũng cần nhận thấy rằng, quy định về mức hưởng BHTN hiện nay mới chú trọng đến mức trần mà bỏ sót quy định về mức sàn BHTN. Do đó, cần bổ sung quy định về mức sàn của TCTN không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, nhằm đảm bảo khoản trợ cấp này thực sự phát huy được ý nghĩa hỗ trợ người thất nghiệp trang trải các chi phí, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu. Mặt khác, Lê Thị Hoài Thu cho rằng, việc quy định mức hưởng đồng đều 60% cho mỗi tháng làm giảm đi khả năng khuyến khích người thấ nghiệp sớm tìm kiếm cơ hội quay lại thị trường lao động. Mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có quy định về nghĩa vụ thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, cũng như việc chấm dứt TCTN nếu từ chối công việc được giới thiệu quá 02 lần. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp người thất nghiệp có xu hướng chờ đến khi gần hết thời hạn hưởng TCTN mới thực sự tích cực tìm kiếm việc làm. Vì vậy, pháp luật BHTN cũng cần quy định mức hưởng TCTN theo hướng giảm dần. Chẳng hạn 03 tháng đầu tỷ lệ hưởng là 60%, nhưng 03 tháng tiếp theo tỷ lệ hưởng là 55%, cứ như vậy cho các tháng tiếp theo. Quy định như vậy sẽ là động lực giúp người thất nghiệp tích cực hơn trong tìm kiếm việc làm mới.[16]

Theo Trương Thị Thu Hiền, cần sửa đổi Điều 53 Luật Việc làm, bổ sung quy định NLĐ không được hưởng tiền TCTN và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng TCTN.[17] Theo Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm hiện hành, người đang hưởng TCTN bị tạm dừng hưởng TCTN khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này. Bổ sung quy định NLĐ không được hưởng tiền TCTN và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng TCTN như một chế tài cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng hưởng TCTN, tránh gây thất thoát quỹ BHTN khi chi trả không đúng mục đích của chính BHTN.

Bên cạnh đó, cần bổ sung trợ cấp mai táng phí đối với các trường hợp NLĐ đang hưởng TCTN khi tham gia BHTN tự nguyện và bị chết, thì thâm nhân của NLĐ sẽ được nhận trợ cấp mai táng phí. Sở dĩ chỉ NLĐ tham gia BHTN tự nguyện mới được nhận hỗ trợ này vì những NLĐ thuộc diện tham BHTN bắt buộc cũng đương nhiên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, khi họ chết thì thân nhân đã được nhận trợ cấp tử tuất. Chỉ có đối tượng tham gia BHTN tự nguyện mới thực sự cần đến hỗ trợ này. Theo Nguyễn Mai Phương, đây là kinh nghiệm hay mà pháp luật BHTN Việt Nam có thể học hỏi từ chính sách BHTN của Trung Quốc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật BHTN.[18]

Thứ năm, bổ sung thêm chế độ Hỗ trợ NSDLĐ tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người cao tuổi. Đây là quy định nhằm hướng tới bảo đảm việc làm tốt hơn cho các đối tượng lao động đặc thù trong xã hội.

Về điều kiện hỗ trợ: NSDLĐ được nhận Hỗ tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau: Đang tham gia BHTN; Có phương án tuyển dụng, trợ giúp cần thiết và đảm bảo việc làm cho người lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi được cơ quan quản lý nhà nước về lao động chấp thuận.

Nội dung hỗ trợ: NSDLĐ được hỗ trợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN khi sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi.

Mức hỗ trợ: NSDLĐ được miễn trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN khi sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi.

Phương thức, thủ tục hỗ trợ: NSDLĐ có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau và được hỗ trợ 01 lần/đợt để thu hút, sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi.

Thứ sáu, bổ sung chế độ Hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, cụ thể như sau:

Pháp luật BHTN Việt Nam hiện hành chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, cụ thể, nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017. Đến hết năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm 11,86% dân số. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%.[19] Phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già và trẻ em ... Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số. Muốn vậy, pháp luật BHTN cần xây dựng quy định về Hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi.

Đối tượng mà chính sách này hướng đến là những người lớn tuổi theo Bộ luật Lao động hiện hành (trên 62 tuổi đối với nam và trên 60 tuổi đối với nữ), chưa tham gia BHTN để đủ điều kiện hưởng Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng có mong muốn được đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm.

Các loại hỗ trợ có thể được quy định như: Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi để họ tìm được việc làm phù hợp với sức khả năng, sức khoẻ của mình. Cùng với đó, cũng cần quy định các chính sách ưu tiên đối với NSDLĐ khi sử dụng lao động cao tuổi, lồng ghép trong các quy định về vay vốn, chính sách việc làm công …. Một điểm cần nhấn mạnh rằng, các hỗ trợ được đưa ra đối với NLĐ cao tuổi không phải là những ưu đãi về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, mà là những hỗ trợ để họ kịp thời chuyển đổi việc làm trước khi bước vào giai đoạn người cao tuổi.[20]

Kết luận

Bên cạnh những ưu điểm tiến bộ so với chế định BHTN trong Luật BHXH năm 2006, pháp luật hiện hành về BHTN vẫn còn tồn tại một số hạn chế do chưa thực sự bảo đảm tính toàn diện, tính thống nhất, tình phù hợp và tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Để hoàn thiện pháp luật BHTN tại Việt Nam trong thời gian tới, cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN bắt buộc, tiến tới xây dựng hình thức BHTN tự nguyện cho một số đối tượng như xã viên hợp tác xã và NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về các chế độ BHTN theo hướng khuyến khích NLĐ tham gia các chế độ có tính phòng ngừa thất nghiệp và tái tham gia thị trường lao động như hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm; bổ sung các chế độ cho NLĐ là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người cao tuổi. Cùng với đó, cần sửa đổi các quy định về quản lý quỹ BHTN để tránh thất thoát quỹ và sửa đổi các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm về BHTN để đảm bảo pháp luật về BHTN được triển khai hiệu quả.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, 26 (30/12/2022).

2. Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và tình hình thực hiện” (Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Giang), 08 (23/4/2021).

3. Nguyễn Văn Cương, Bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật - yêu cầu quan trọng trong xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (370), 17, 19 (2018).

4. Trương Thị Thu Hiền, Những hạn chế và kiến nghị hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 21(349), 36, 38 (2017).

5. Trương Thị Thu Hiền, Hoàn thiện quy định về thu, chi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Quản lý nhà nước, Số 264, 80, 81 – 84 (2018).

6. TRƯƠNG THỊ THU HIỀN, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM, NXB. ĐÀ NẴNG, ĐÀ NẴNG, 189(2021).

7. Bùi Thị Nhung, Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Những hạn chế và gợi ý hướng khắc phục, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 11, 13, 16 (2020).

8. Nguyễn Mai Phương, Chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc, (Luận án Tiến sĩ Trung Quốc học), Đại học Quốc gia Hà Nội, 137 (2015).

9. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm quý IV năm 2022, 02 (05/01/2023).

10. Phạm Minh Thắng, Quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam, (Luận án Tiến sĩ Kinh tế), Đại học Kinh tế quốc dân, 114 (2018).

11. LÊ THỊ HOÀI THU, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – ĐIỀU CHỈNH ĐỂ THÍCH ỨNG, KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LUẬT HỌC TRƯỚC BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI (INTERNATIONAL CONFERENCE LAW IN A CHANING WORLD), NXB. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 97 (2019).

12. Đoàn Xuân Trường, Quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp: Thực trạng và một số kiến nghị sửa đổi, Tạp chí công thương, Số 7/2019, 7, 8-12 (2019).

13. Nguyễn Minh Tuấn, Bảo hiểm thất nghiệp trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Trường Đại học Sao Đỏ, Số 1(72), 24, 26 (2021).

14. Nguyễn Thị Anh Thơ, Nghiên cứu tác động của cú sốc đại dịch Covid-19 đến người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang thất nghiệp, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Số 589, 19, 21(2021).

15. Tạ Thị Ánh Tuyết, Giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công đoàn, Số 14, 17, 20 (2018).

[1] Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm quý IV năm 2022, 02 (05/01/2023).

[2] Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

[3] Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và tình hình thực hiện” (Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Giang), 08 (23/4/2021).

[4][4] Nguyễn Minh Tuấn, Bảo hiểm thất nghiệp trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Trường Đại học Sao Đỏ, Số 1(72), 24, 26 (2021).

[5] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, 26 (30/12/2022).

[6] Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi

[7] Tạ Thị Ánh Tuyết, Giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công đoàn, Số 14, 17, 20 (2018)

[8] Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

[9] Đoàn Xuân Trường, Quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp: Thực trạng và một số kiến nghị sửa đổi, Tạp chí công thương, Số 7/2019, 7, 8-12 (2019).

[10] TRƯƠNG THỊ THU HIỀN, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM, NXB. ĐÀ NẴNG, ĐÀ NẴNG, 189 (2021).

[11] Bùi Thị Nhung, Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Những hạn chế và gợi ý hướng khắc phục, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 11, 13, 16 (2020).

[12] LÊ THỊ HOÀI THU, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – ĐIỀU CHỈNH ĐỂ THÍCH ỨNG, KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LUẬT HỌC TRƯỚC BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI (INTERNATIONAL CONFERENCE LAW IN A CHANING WORLD), NXB. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 97 (2019).

[13] Nguyễn Thị Anh Thơ, Nghiên cứu tác động của cú sốc đại dịch Covid-19 đến người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang thất nghiệp, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Số 589, 19, 21 (2021).

[14] Nguyễn Văn Cương, Bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật - yêu cầu quan trọng trong xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (370), 17, 19 (2018).

[15] Phạm Minh Thắng, Quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam, (Luận án Tiến sĩ Kinh tế), Đại học Kinh tế quốc dân, 114 (2018).

[16] LÊ THỊ HOÀI THU, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – ĐIỀU CHỈNH ĐỂ THÍCH ỨNG, KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LUẬT HỌC TRƯỚC BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI (INTERNATIONAL CONFERENCE LAW IN A CHANING WORLD), NXB. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 97 (2019).

[17] Trương Thị Thu Hiền, Hoàn thiện quy định về thu, chi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Quản lý nhà nước, Số 264, 80, 81 – 84(2018).

[18] Nguyễn Mai Phương, Chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc, (Luận án Tiến sĩ Trung Quốc học), Đại học Quốc gia Hà Nội, 137 (2015).

[19] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều