Tầm nhìn - Chính sách

Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp”

Nhóm PV Thứ bảy, 05/04/2025 - 07:30
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp” diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

16:21

Bế mạc Hội thảo.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển - phát biểu bế mạc Hội thảo.

15:31

Hội thảo bước vào phần thảo luận.

Luật sư Lê Nết - Công ty Luật LNT & Partner.
PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM.
Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hoàng Anh, tham gia thảo luận.
Ông Nguyễn Nam Trung - Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) - đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội.

15:22

ThS. Nguyễn Hưng Quang trình bày tham luận: Hòa giải thương mại trong hoạt động đầu tư - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

ThS. Nguyễn Hưng Quang cho rằng, tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng tới các bên tranh chấp ở nhiều khía cạnh. Giải quyết tranh chấp đầu tư bằng thương lượng, hoà giải là các phương thức phòng ngừa tranh chấp đầu tư hiệu quả. Định hướng “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” dường như là kim chỉ nam cho các phương thức này.

Trong phần chia sẻ của mình, ông Quang đề cập đến biện pháp về xây dựng cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư theo kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới phù hợp với phương thức thương lượng và hoà giải, khả năng áp dụng cơ chế này tại Việt Nam.

“Để phòng ngừa và hòa giải tranh chấp đầu tư từ sớm là phù hợp với định hướng ‘hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro’. Do đó, cần thiết phải xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, bao gồm cơ chế hoà giải và cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư” - ThS. Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.

15:10

TS. Trịnh Hải Yến trình bày tham luận “Giải quyết tranh chấp đầu tư bằng phương thức trọng tài - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trong tham luận, TS. Trịnh Hải Yến cho rằng, trọng tài là một thiết chế xét xử tư và “phán quyết trọng tài là một trong những công cụ pháp lý mạnh nhất mà thế giới từng biết đến”, nhìn chung không bị xem xét lại về nội dung và có thể được cho thi hành trên khắp thế giới.

Nhu cầu giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại bằng Trọng tài ngày càng tăng. Việc hoàn thiện quy định của Luật Trọng tài thương mại về các nguyên tắc cốt lõi của Trọng tài cần được chú trọng. Nguyên tắc tôn trọng thoả thuận của các bên, nguyên tắc đảm bảo sự độc lập, vô tư của Trọng tài viên và nguyên tắc đảm bảo tố tụng trọng tài công bằng cho các bên tranh chấp cần được ghi nhận rõ ràng, đầy đủ, là kim chỉ nam, soi sáng cho hoạt động của Trọng tài viên, sự giám sát, hỗ trợ của Toà án, cơ quan thi hành án dân sự, các trung tâm trọng tài và các bên liên quan khác. Có những điều khoản về các nguyên tắc này hoàn toàn chưa đưa vào Luật Trọng tài thương mại nhưng trong thực tiễn các nước khác đã được ghi nhận, giải thích và áp dụng.

Vì thế, theo TS. Trịnh Hải Yến, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc cơ bản của trọng tài là bước quan trọng đầu tiên trong hoàn thiện thể chế về phương thức trọng tài, góp phần tăng sự hấp dẫn của môi trường pháp lý, hiện thực hoá nguyên tắc Nhà nước và nhà đầu tư “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

14:56

Luật sư Lê Nết - Công ty Luật LNT & Partner - trình bày tham luận: Giải quyết tranh chấp trong hợp tác công - tư PPP dưới góc độ nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Luật sư Lê Nết cho rằng, trong bối cảnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ngày càng đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam. Việc giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP trở thành một vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của mô hình hợp tác này. Nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” được xem là nền tảng quan trọng trong khuôn khổ pháp lý và thực tiễn triển khai PPP, tuy nhiên, việc thực thi còn gặp nhiều thách thức.

“Việt Nam cần phát triển hệ thống án lệ về tranh chấp PPP để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp định hướng cho các bên khi ký kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Việc thực hiện các cải cách này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của các dự án PPP trong tương lai. Nhìn chung, cơ chế chia sẻ rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả là điều kiện then chốt để nâng cao niềm tin, thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng Việt Nam. Việc thực hiện các cải cách trên không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo dựng môi trường đầu tư ổn định, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của các dự án PPP trong tương lai” - Luật sư Lê Nết chia sẻ.

14:45

Bà Trương Thị Ny - Ủy viên đặc biệt Hội đồng phát triển kinh tế châu Âu (EEDC) - trình bày tham luận “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”.

Theo bà Trương Thị Ny, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với một số hạn chế trong việc khai thác các nguồn lực tài chính. Vì vậy, có cơ chế cởi mở và đột phá để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là việc rất cấp bách. Nhờ đó, Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng về hiệu quả huy động, quản lý và khai thác các nguồn lực tài chính trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh mới.

“Xây dựng trung tâm tài chính là việc khó. Nhưng Thủ tướng đã nói: ‘Khó mấy cũng phải làm’. Bởi vì phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính luôn luôn là một vấn đề then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển. Hơn nữa, tình hình hiện nay ở Việt Nam cũng như quan hệ của Việt Nam với các nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc này” - bà Ny chia sẻ.

Trong phần tham luận của mình, bà Trương Thị Ny đã đưa ra 4 điểm chính cần cải thiện để nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính: Thứ nhất, cơ chế thu hút nguồn lực tài chính tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư PPP; Thứ hai, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp nhận vốn từ thị trường quốc tế; Thứ ba, là mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại; Thứ tư, thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng để huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam.

14:33

ThS. Nguyễn Thái Hưng trình bày tham luận “Vai trò của quản lý nhà nước trong hài hòa lợi ích và kiểm soát rủi ro khi triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Theo ThS Nguyễn Thái Hưng, Nghị quyết 57- NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đặt ra định hướng lớn, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách để đưa khoa học, công nghệ trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để Nghị quyết 57 được triển khai hiệu quả, cần một kiến trúc tổng thể để hoạch định tổng thể tiến trình tổ chức triển khai, đi cùng với đó là một cơ chế phối hợp đồng bộ để triển khai trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu và ban hành một cách đồng bộ.

Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra một lộ trình rõ ràng cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Nghị quyết đã đưa ra những định hướng, yêu cầu quan trọng, tạo động lực để các ngành, các cấp thúc đẩy nhanh hơn quá trình số hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi tinh thần Nghị quyết được hiện thực hóa, Việt Nam sẽ vươn mình trên bản đồ công nghệ thế giới. Đây không phải nhiệm vụ của riêng Chính phủ, mà đòi hỏi sự chung tay của doanh nghiệp, giới nghiên cứu và toàn xã hội.

14:30

Hội thảo bước vào phiên thứ 3: Quản lý Nhà nước và giải quyết tranh chấp nhìn từ "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo chiều 5/4.

14:20

ThS. Nguyễn Văn Cường trình bày tham luận “Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích trong hoạt động đầu tư nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”.

Theo ThS. Nguyễn Văn Cường, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng dân số không ngừng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội to lớn là hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp vào việc đảm bảo cung ứng đủ lương thực và dinh dưỡng cho nhân loại. Để Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp và xây dựng nông thôn Việt Nam giàu có thịnh vượng, cần phải thu hút được các Nhà đầu tư trong nước và quốc tế mạnh dạn đầu tư nhiều hơn, chất lượng hơn vào nông nghiệp, nông thôn thì việc áp dụng nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là vấn đề cần được làm rõ và vận dụng triệt để nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong bài tham luận của mình, ông Cường đề cập tới hai vấn đề chính: Thứ nhất, đánh giá thực trạng vấn đề đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thứ hai, giới thiệu về Sáng kiến kinh tế: “Khu nông thị Lạc Nghiệp An Cư” - mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để thu hút nguồn vốn lớn đầu tư nhằm phát triển các Khu nông thị tại Việt Nam góp phần vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới.

14:06

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh trình bày tham luận “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản” do ông và Luật sư Trần Thị Ngân nghiên cứu.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh.

Tham luận của luật sư Nguyễn Đức Mạnh và luật sư Trần Thị Ngân đưa ra quan điểm về nguyên tắc lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ trong hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư kinh doanh bất động sản nói riêng nhằm hướng đến việc cân bằng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp triển khai dự án và xã hội - người dân. Nguyên tắc này đã được Nhà nước thể hiện thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị cũng như các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một nguyên tắc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo hai luật sư, các quy định pháp luật hiện hành, cũng như thực tiễn thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhà đầu tư, mà còn tác động tới Nhà nước, xã hội và thị trường bất động sản, chưa đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư mà còn góp phần tạo lập một thị trường bất động sản phát triển bền vững. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Việc áp dụng các cơ chế linh hoạt, minh bạch và ổn định sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo động lực cho đầu tư và góp phần vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.

11:52

Luật sư Vũ Lê Bằng - Luật sư Điều hành Công ty Luật Nishimura & Asahi Law Firm - trình bày tham luận “Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản qua một số dự án cụ thể của doanh nghiệp nước ngoài”.

Luật sư Vũ Lê Bằng trình bày tại Hội thảo.

Tại tham luận, Luật sư Vũ Lê Bằng cho rằng, hoạt động đầu tư vào các dự án bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vẫn đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý chưa được giải quyết thỏa đáng, mặc dù đã có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Thực tế này cho thấy nguyên tắc “chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích” giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được đảm bảo thực hiện đầy đủ.

“Để nguyên tắc ‘chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích’ thực sự đi vào thực tiễn, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả hai phía. Trước hết, nhà đầu tư nước ngoài cần chủ động trong công tác thẩm định pháp lý, sử dụng cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tăng cường đối thoại với cơ quan quản lý. Trong khi đó, cơ quan nhà nước cần nâng cao tính minh bạch, xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư trong các trường hợp lỗi xuất phát từ phía Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn để đảm bảo tính ổn định, công bằng trong môi trường đầu tư bất động sản. Việc triển khai các cải cách pháp lý và thực tiễn nêu trên sẽ không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn” - Luật sư Vũ Lê Bằng chia sẻ.

11:40

ThS. Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) trình bày tham luận: “Luật Đầu tư PPP năm 2020 (sửa đổi năm 2024): Nhìn từ góc độ lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ”.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính).

Tại tham luận, ThS. Vũ Quỳnh Lê cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án công. Báo cáo này đã phân tích và làm rõ bản chất của PPP nhìn từ góc độ lợi ích và rủi ro. Mặc dù luật PPP mang lại nhiều lợi ích như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

“Việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân là yếu tố quyết định đến sự thành công của các dự án PPP. Nếu thiếu vắng những quy định rõ ràng và minh bạch về cách thức chia sẻ lợi ích và rủi ro, có thể dẫn đến xung đột lợi ích, làm giảm tính khả thi của dự án và ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai phương thức đầu tư này.

Luật PPP hứa hẹn tạo lập khung pháp lý hoàn thiện hơn, giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Điều này không chỉ góp phần nâng cao sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững trong lĩnh vực hạ tầng. Trong tương lai, việc tiếp tục nghiên cứu và cải thiện chính sách liên quan đến PPP là rất cần thiết, nhằm đảm bảo rằng các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ.” - ThS. Vũ Quỳnh Lê chia sẻ.

11:28

Hội thảo nghe tham luận “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 (sửa đổi năm 2024): Nhìn từ góc độ lợi ích hòa lợi và rủi ro chia sẻ” do Luật sư Vũ Lê Bằng và cộng sự nghiên cứu.

Theo tham luận này, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã đưa ra các quy định thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể là các khó khăn trong việc thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, và quy định chưa hợp lý về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng dịch vụ công, mô hình PPP tiếp tục được xem là một công cụ quan trọng để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Việc hoàn thiện chính sách và cơ chế tài chính trong các dự án PPP là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến tính minh bạch, khả năng thu hồi vốn và cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước.

Để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho đầu tư theo phương thức PPP, nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đồng thời quan sát và điều chỉnh linh hoạt theo đặc thù của thị trường Việt Nam. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật PPP ổn định, minh bạch và có cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn của mô hình PPP, tạo động lực thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam.

11:15

Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh - Luật sư Điều hành Công ty Luật AN Legal - trình bày tham luận “Luật Đất đai năm 2024 - Những quy định về giao đất cho dự án đầu tư nhìn từ việc đảm bảo nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ - Kỳ vọng và thách thức trong lĩnh vực thi hành”.

Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh trình bày tại Hội thảo.

Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 vừa được ban hành mang theo những kỳ vọng lớn về việc hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giao đất cho các dự án đầu tư. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” được đề cập là một trong những vấn đề nổi bật để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư, và quyền lợi của người sử dụng đất hiện hữu.

“Việc giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án luôn được cơ quan có thẩm quyền và các nhà đầu tư quan tâm sâu sắc. Luật Đất đai 2024 đã có nhiều quy định thiết thực, bám sát thực tế nhằm giải quyết những khó khăn trên thị trường những năm gần đây liên quan việc tiếp cận đất của nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cả người dân. Với nhiều quy định mới, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng có thể giải quyết nhiều vấn đề đang tắc nghẽn hiện nay. Tuy nhiên, việc thi hành những quy định mới này cũng đặt ra nhiều thách thức và cần thời gian để phát huy hiệu quả cũng như tìm ra những giải pháp để tháo gỡ” - Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh trình bày.

11:02

Luật sư Nguyễn Tuấn Phát trình bày tham luận: “Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích trong hoạt động đầu tư từ góc nhìn của nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Luật sư Nguyễn Tuấn Phát.

Trong tham luận của mình, Luật sư Nguyễn Tuấn Phát cho hay, Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo (2019-2021) sau khi Chính phủ ban hành biểu giá cố định mà bên mua điện phải trả cho bên bán điện - Feed-in-tariff (FiT) cho dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau giai đoạn bùng nổ, tranh chấp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty thành viên của EVN (Bên mua điện) và chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời/điện gió (Bên bán điện) liên quan đến hợp đồng mua bán điện (Hợp đồng mua bán điện) có thể sẽ phát sinh, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán điện.

“Hiện tại các tranh chấp này có khả năng trở thành tranh chấp nhà đầu tư và nhà nước khi các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc việc khởi kiện Chính phủ Việt Nam theo các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương hoặc đa phương ví dụ như Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Chính vì vậy, cả Chính phủ Việt Nam, Bên mua điện và Bên bán điện đều cần có những chiến lược phù hợp để giải quyết tranh chấp, trong đó cần cân nhắc đến việc sử dụng hòa giải thương mại” - Luật sư Nguyễn Tuấn Phát chia sẻ.

Trong nghiên cứu của mình, ông Phát đề cập đến hai vấn đề chính: Thứ nhất, tổng quan về rủi ro tranh chấp năng lượng tái tạo tại Việt Nam và cơ hội giải quyết tranh thông qua hòa giải thương mại; Thứ hai, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp năng lượng tái tạo tại Tây Ban Nha. Từ đó, đề xuất giải pháp để giải quyết tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện thông qua phương thức hòa giải.

10:48

Luật sư Trần Anh Đức trình bày tham luận “Phân bổ rủi ro và ngành điện lực tại Việt Nam”.

Theo Luật sư Trần Anh Đức, ngành điện lực của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là trong các năm gần đây, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Sự phát triển của ngành điện lực được đánh dấu bằng các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, hoàn thiện khung pháp lý và việc giới thiệu cơ chế thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, hành trình này không phải không có thách thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài trợ dự án và phân bổ rủi ro. Lấy ví dụ cụ thể là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2, luật sư Đức đã phân tích về phân bổ rủi ro trong ngành điện lực Việt Nam, tổng quan về tài trợ dự án, các vấn đề về khả năng tài trợ vốn và các cấu trúc hợp đồng để thực hiện dự án điện tại Việt Nam.

Luật sư Trần Anh Đức trình bày tham luận.

Tham luận của luật sư Đức cho rằng, ngành điện lực tại Việt Nam cho thấy một bức tranh phức tạp của các cơ hội và thách thức. Việc tài trợ vốn và triển khai thành công các dự án điện phụ thuộc vào việc phân bổ rủi ro cẩn trọng và tạo ra các cấu trúc dự án để có thể nhận được tài trợ tín dụng từ các ngân hàng quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển thị trường điện cạnh tranh và thu hút đầu tư, vẫn còn nhiều vấn đề về khả năng tài trợ dự án theo thông lệ quốc tế. Việc giải quyết những vấn đề này sẽ rất quan trọng cho sự phát triển và bền vững của ngành điện lực Việt Nam. Khi đất nước tiến lên, các bên liên quan phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng rủi ro được phân bổ tối ưu và các cấu trúc dự án có thể nhận được vốn quốc tế thông qua phương thức tài trợ dự án.

10:33

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận: "Hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro từ góc nhìn thực tiễn ở tỉnh Quảng Ninh".

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh - trình bày tham luận.

Trình bày tham luận, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh - cho hay, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều ưu thế cả về cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và những giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định lấy doanh nghiệp là chủ thể. Trong năm 2025, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “cùng chung tay, cùng thắng, cùng phát triển”.

“Điểm then chốt khi nhắc đến hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp đó chính là yếu tố môi trường. Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm ‘không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng’, phát triển gắn liền giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

‘Chia sẻ rủi ro’ được thể hiện rõ nét qua hình thức ‘đối tác công - tư’ là một ví dụ điển hình cho việc phân bổ rủi ro, tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện dự án. Với phương châm ‘lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư’, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đầu tư theo hình thức này đã trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, điển hình là các công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phát triển bền vững trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

10:30

Hội thảo bước vào phiên thứ 2: Đảm bảo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong các lĩnh vực đầu tư cụ thể.

9:40

TS Chu Thị Hoa trình bày tham luận “Khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) nhìn từ nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của bà bà ThS Tào Nam Khánh nghiên cứu.

Theo nội dung tham luận, khung pháp lý thử nghiệm là một cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới trong một môi trường được kiểm soát và giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu của khung này là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời đảm bảo quản lý rủi ro và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan. Việc áp dụng nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong khung pháp lý thử nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các bên.

“Nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ là nền tảng quan trọng trong pháp luật đầu tư và kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng cơ chế hử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Nguyên tắc này đảm bảo rằng các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư đều có lợi ích hợp lý trong hoạt động đầu tư đồng thời cùng chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh. Điều này giúp cân bằng lợi ích giữa các bên và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh” - TS Chu Thị Hoa chia sẻ.

Nghiên cứu của TS Chu Thị Hoa và ThS Tào Nam Khánh cho rằng, Sandbox là một phương pháp để hỗ trợ hệ thống pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dựa trên nguyên lý “vừa học, vừa làm”. Vì vậy, cần phải thiết lập các quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt cho phép nhanh chóng điều chỉnh.

Sandbox đem lại nhiều lợi ích, lợi ích trực tiếp cho các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách; lợi ích gián tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo tham gia sandbox; giúp công chúng, người tiêu dùng có nhiều chọn lựa và được phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, Sandbox cũng đặt ra nhiều thách thức về năng lực lập pháp, năng lực quản lý; quản lý rủi ro mới phát sinh từ đổi mới sáng tạo và xây dựng mối quan hệ hợp tác liên cơ quan. Do đó, khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát là công cụ quan trọng để thúc đẩy đổi mới, nhưng cần được thiết kế cẩn trọng để thực hiện nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

9:26

TS Nguyễn Thị Lan Hương trình bày tham luận “Bảo đảm thực thi nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ đối với đầu tư nước ngoài: Góc nhìn từ các thỏa thuận hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU” do bà và PGS.TS Trần Việt Dũng cùng nghiên cứu.

TS Nguyễn Thị Lan Hương trình bày tham luận.

Nghiên cứu của PGS.TS Trần Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Lan Hương cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã từng bước định hình cách tiếp cận cân bằng hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể hiện qua việc khẳng định nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” nhằm đảm bảo đồng thời quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư với quyền điều chỉnh chính sách công của Nhà nước.

Tham luận đã phân tích cơ sở pháp lý - thể chế thực thi của nguyên tắc trên trong bối cảnh luật đầu tư quốc tế hiện đại và các cam kết của Việt Nam trong hai hiệp định thương mại - đầu tư quan trọng mới được ký kết vơi EU là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Trọng tâm nghiên cứu là các công cụ pháp lý như quyền điều chỉnh (right to regulate), ngoại lệ chung (general exceptions), và các quy định về phát triển bền vững - vốn cho phép Nhà nước áp dụng các chính sách bảo vệ môi trường, xã hội và quyền con người mà không vi phạm nghĩa vụ quốc tế.

PGS.TS Trần Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng EVFTA-EVIPA không chỉ là hình mẫu cho các hiệp định đầu tư thế hệ mới, mà còn là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế trong quản trị đầu tư nước ngoài và bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

9:12

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam - trình bày tham luận: “Chính sách thí điểm để tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhìn từ nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’”.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ trình bày tại Hội thảo.

Trong tham luận của mình, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia là cơ hội cũng là yếu tố quyết định phát triển đất nước. Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và sau đó, ngày 19/2/2025 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Những chính sách thí điểm của Nghị quyết số 193 vừa tháo gỡ những điểm nghẽn, những rào cản của cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, vừa tạo dựng những cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN; Nghị quyết cũng thể hiện rất rõ quan điểm ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển đổi số cả trong khu vực công lẫn khu vực tư” - PGS.TS Đinh Dũng Sỹ chia sẻ.

8:57

Luật sư Trần Tuấn Phong trình bày tham luận “Làm thế nào để Việt Nam vượt qua những rào cản lớn nhất trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045?”

Luật sư Trần Tuấn Phong.

Trong tham luận, Luật sư Trần Tuấn Phong cho rằng, Việt Nam đang thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử để bước vào một giai đoạn phát triển mới được định danh là Kỷ nguyên bứt phá. Những mục tiêu đặt ra rất lớn trong đó có mục tiêu rất đáng chú ý là Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Những mục tiêu của chiến lược phát triển, chiến lược cải cách dù được xác định rõ ràng, có căn cứ khoa học và thực tiễn cũng khó trở thành hiện thực nếu không đi kèm những phải thực hiện hiệu quả.

“Trong các văn kiện chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam và các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội đều nhấn mạnh việc hoàn thiện thể tương ứng để thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển. Cách hiểu và cách tiếp cận của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang hướng tới những giải pháp tổng thể. Việc hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện và hoàn thiện thể chế đầu tư cũng là một thành tố phản ánh cách tiếp cận tổng thể, không coi tăng trưởng kinh tế là một thành tố riêng biệt.

Tương tự, trong thể chế đầu tư thì việc cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư với chính quyền, chia sẻ rủi ro cũng thể hiện cách tiếp cận toàn diện này và sẽ mang lại động lực cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu chiến lược đã xác định” - Luật sư Trần Tuấn Phong chia sẻ.

8:43

Hội thảo bắt đầu phiên thứ nhất: Các chuyên đề tổng quan về thể chế và nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Mở đầu, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển - trình bày tham luận “Tổng quan thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp từ góc nhìn lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển - trình bày tham luận.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, đầu tư có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nền kinh tế, đầu tư trực tiếp giúp tạo ra năng lực sản xuất, phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, nước, giao thông… Đối với nhà đầu tư, nhà thầu, đầu tư trực tiếp mang lại nhiều lợi thế do lợi nhuận lớn, an toàn trước những biến động của nền kinh tế. Chính vì vậy, quốc gia nào cũng hết sức chú trọng hoạt động thu hút đầu tư. Điều này đúng với Việt Nam là nước đang phát triển và có khát vọng vươn lên, bứt phá trong bối cảnh hiện tại. Thu hút đầu tư đang là chiến lược phát triển cốt lõi của Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua với những thành tựu đáng mừng.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, Việt Nam cần phải thu hút mạnh hơn nữa FDI cũng như các nguồn vốn trong nước bằng việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn đang cản trở tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Một trong những giải pháp cần được thực hiện ngay và hiệu quả là hoàn thiện thể chế để đảm bảo thực hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

8:37

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, TS Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo - cho hay, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi các vấn đề xoay quanh việc xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.

“Qua những phiên thảo luận và báo cáo tham luận ngày hôm nay, Hội thảo sẽ mang lại những giá trị thiết thực, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhà nước là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giảm áp lực cho một bên mà còn khuyến khích tinh thần hợp tác, cùng phát triển” - TS Vũ Hoài Nam chia sẻ.

8:25

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, Quảng Ninh là điểm đến rất đáng tin cậy của các nhà đầu tư. Theo ông Ấn, Hội thảo lần này là một kênh tiếp cận và kết nối rất sáng tạo, giúp các bên liên quan cùng trao đổi, chia sẻ và tiếp cận sâu hơn với thể chế liên quan đến vấn đề “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ông Ấn nêu quan điểm: “Làm thế nào để xây dựng cơ chế hài hòa lợi ích từ doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư cho đến lợi ích Nhà nước? Chỉ khi các bên cùng chung lợi ích và có trách nhiệm trong chia sẻ rủi ro thì mới tạo ra được nền tảng phát triển lâu dài, ổn định”.

8:12

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, buổi Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu trực tiếp” là một chủ đề thú vị, có tính thời sự cao, mang ý nghĩa thiết thực.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện pháp luật, lĩnh vực pháp luật được thay đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều nhất có lẽ là đầu tư kinh tế, đầu tư kinh doanh. Điều này cũng đã đem lại những thay đổi của môi trường đầu tư kinh doanh với những số liệu đã được nói đến trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy còn có những vấn đề tồn tại hạn chế mà Việt Nam cần phải khắc phục.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam kỳ vọng kết quả Hội thảo này sẽ góp phần hoàn thiện thể thế chế hiện hành, hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’.

8:05

Hội thảo chính thức bắt đầu.

Đến tham dự Hội thảo có ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Về phía đại biểu khách mời có TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV; TS Đồng Ngọc Ba - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Về phía ban tổ chức hội thảo có TS Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Phó Trưởng Ban tổ chức và Nhà báo Trần Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức.

Đến tham dự Hội thảo còn có đại diện UBND các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đại diện các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế...

Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách thể chế mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp. Trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm: Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi năm 2024), Luật Đầu tư công năm 2024, Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 (sửa đổi năm 2024), Luật Đấu thầu 2023…; những đổi mới này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng cũng đặt ra những thách thức về điều chỉnh chính sách và hệ thống pháp luật để phù hợp với thực tiễn.

Để làm rõ những hạn chế hiện tại và đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hoàn thiện thể chế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của đất nước, chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp".

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà quản lý trong và ngoài nước phân tích, đánh giá những bất cập trong thể chế hiện hành, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi để thực thi nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Đây không chỉ là mục tiêu của riêng một nhóm lợi ích mà còn là chiến lược quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó có thêm nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Với hơn 30 tham luận, hội thảo tập trung vào ba nhóm chuyên đề chính: Tổng quan về thể chế và nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Ứng dụng nguyên tắc này trong các lĩnh vực cụ thể; Vai trò của quản lý nhà nước và cơ chế giải quyết tranh chấp. Những thảo luận xoay quanh cách thức hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quản lý đầu tư.

Nhiệm vụ của Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy nguyên tắc này trở thành động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, gắn với việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan.

Hội thảo có các nhiệm vụ cụ thể:

1. Xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm.

2. Xác định những yêu cầu phổ quát quốc tế và yêu cầu đặc thù do bối cảnh Việt Nam mà nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đặt ra gắn với thể chế hiện hành và việc hoàn thiện trong tương lai.

3. Xác định các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu… có khả năng thúc đẩy thi hành cũng như những hạn chế, vướng mắc trong đó hiện đang và có nguy cơ sẽ cản trở nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển của đất nước (những giá trị thúc đẩy cũng như những hạn chế trong thể chế hiện hành được nhận diện và phân tích từ góc độ xây dựng chính sách, pháp luật lẫn thực tiễn thi hành).

4. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ những hạn chế trong thể chế hiện hành, hoàn thiện thể chế và năng lực thể chế để thúc đẩy hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, biến nguyên tắc này thành động lực thu hút đầu tư phát triển của đất nước trong bối cảnh của những biến động trong nước và quốc tế.

Cùng chuyên mục

Bộ Ngoại giao lên tiếng trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng

Bộ Ngoại giao lên tiếng trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng

Tầm nhìn - Chính sách -  2 ngày trước

Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Cảng Lạch Huyện chắp cánh cho Logistics Việt Nam - Minh chứng cho sự đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân

Cảng Lạch Huyện chắp cánh cho Logistics Việt Nam - Minh chứng cho sự đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân

Tầm nhìn - Chính sách -  2 ngày trước

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tầm nhìn - Chính sách -  3 ngày trước

(PLPT) - Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Tạp chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ mười ba, nhiệm kỳ 2020-2025

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ mười ba, nhiệm kỳ 2020-2025

Tầm nhìn - Chính sách -  3 ngày trước

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2025

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2025

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

(PLPT) - Nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã có hiệu lực trong tháng 4/2025, trong đó nổi bật là thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, phân bổ vốn đầu tư công, quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững...

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

(PLPT) - Tạp chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo”

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo”

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tháng trước

(PLPT) - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, bảo vệ dữ liệu cá nhân cần bám sát quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo” để vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.

Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tháng trước

(PLPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, phải bám sát tình hình để đề ra các giải pháp phù hợp tình hình mới, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.