Nghiên cứu lý luận

Một số vấn đề lý luận về người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu

Nguyễn Thị Linh Thứ hai, 29/07/2024 - 21:15
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Trong phạm vi bài viết của tác giả đưa ra cơ sở lý luận về người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu ở một số nội dung là các quan niệm, dấu hiệu nhận diện người thứ ba tình khi giao dịch vô hiệu để từ đó đúc rút ra được khái niệm và dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết của tác giả đưa ra cơ sở lý luận về người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu ở một số nội dung là các quan niệm, dấu hiệu nhận diện người thứ ba tình khi giao dịch vô hiệu để từ đó đúc rút ra được khái niệm và dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu. Đồng thời, tác giả phân tích mối quan hệ giữa giao dịch dân sự vô hiệu và giao dịch có người thứ ba tham gia và sự ảnh hưởng của giao dịch vô hiệu tới quyền lợi người thứ ba ngay tình từ đó đưa ra kết luận kiến nghị đối với pháp luật dân sự hiện hành.

Từ khoá: người thứ ba, người thứ ba ngay tình, giao dịch dân sự vô hiệu

Abstract: Within the scope of the article, the author provides a theoretical basis for a bona fide third party when a transaction is void. In some contents, there are concepts and signs to identify a bona fide third party when a transaction is void in order to refuse. That draws out the concept and signs of identifying a bona fide third party when the transaction is invalid. At the same time, the author analyzes the relationship between invalid civil transactions and transactions involving a third person and the impact of invalid transactions on the rights of bona fide third parties, thereby drawing conclusions. recommendations for current civil law.

Keywords: third party, bona fide third party, invalid civil transaction

Đặt vấn đề

Thuật ngữ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu xuất hiện lần đầu tiên tại Bộ luật dân sự năm 1995 của nước ta tại Điều 147 và được nhắc tới ba lần trong Bộ luật dân sự năm 2005 tại điều 138 và bốn lần tại Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 133. Nhưng các nhà làm luật vẫn không đưa ra khái niệm người thứ ba ngay tình mà mới chỉ nêu những trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ khi giao dịch dân sự vô hiệu. Do đó, để có cơ sở bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu cần phải làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về người thứ ba ngay tình.

I. Quan niệm về người thứ ba ngay tìnhkhi giao dịch dân sự vô hiệu

Do Bộ luật dân sự Việt Nam chưa có quy định nào định nghĩa về nội hàm của người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu, do vậy còn nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khoa học pháp lý Việt Nam hiện đại, đã có nhiều Luật gia tiếp cận và đưa ra quan niệm “người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” ở nhiều góc độ khác nhau, cụ thể như sau:

Tiếp cận dưới góc độ giải thích thuật ngữ luật học, người thứ ba ngay tình được hiểu là: “Người được chuyển giao tài sản thông qua giao dịch dân sự mà họ không biết, không buộc phải biết là tài sản đó do người chuyển giao cho họ thu được từ giao dịch vô hiệu[1], hay quan điểm của tác giả Hoàng Thế Liên:“Người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết và không thể biết rằng mình tham gia giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó”[2]. Ở cách tiếp cận này, các tác giả đã xác định người thứ ba ngay tình dựa trên tiêu chí “không biết và không buộc phải biết”. Như vậy, điều này hoàn toàn chỉ đề cập tới khía cạnh “ngay tình” của người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, hiện nay, tiêu chí đánh giá tính “ngay tình” của người thứ ba đã có sự thay đổi, là không còn phụ thuộc việc người thứ ba phải chứng minh rằng mình “không biết và không buộc phải biết”. Đồng thời, trong Bộ luật dân sự và khoa học pháp lý hiện đại, cũng chưa đưa ra cách hiểu về “không biết và không buộc phải biết” là như thế nào, nên rất khó để xác định.

Tiếp cận dưới góc độ chủ thể, các tác giả đã đưa ra quan niệm: “Người thứ ba ngay tình là một người tham gia giao dịch dân sự không có lỗi nhưng liên quan đến tài sản giao dịch của một giao dịch trước đó bị vô hiệu. Người thứ ba không chỉ là một người mà có thể là nhiều người tham dự vào một hoặc nhiều giao dịch có tài sản giao dịch liên quan giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu”[3] hay “Người thứ ba tham gia giao dịch dân sự ngay tình là khi tham gia giao dịch trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tuân theo quy định của pháp luật mà không biết đối tượng giao dịch là tài sản bất minh, do chủ sở hữu được xác lập trước đó bởi một giao dịch dân sự vô hiệu[4]. Mặc dù cách tiếp cận của các tác giả là hợp lý, nhưng chưa có tính khái quát, toàn diện và đầy đủ, vẫn còn mang tính chất nêu dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu.

Tiếp cận dưới góc độ người chiếm hữu ngay tình, do trong pháp luật dân sự không đưa ra khái niệm “người thứ ba ngay tình” mà chỉ đưa ra khái niệm “người chiếm hữu có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình” tại Điều 189 Bộ luật dân sự 2005[5] và “chiếm hữu ngay tình” tại Điều 180 Bộ luật dân sự 2015[6]. Theo đó, các tác giả đã quan niệm người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu là: “Người chiếm hữu tài sản nhưng không biết hoặc không thể biết rằng việc chiếm hữu tài sản của mình là không có căn cứ pháp luật. Họ không biết rằng họ đang thực hiện giao dịch với một người không có quyền định đoạt đối với tài sản đang được giao dịch”[7] hay: “[K]hi tham gia giao dịch họ có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết và không buộc phải biết rằng người đã thực hiện giao dịch với mình không có quyền chuyển giao đối với tài sản giao dịch”[8]. Ở cách tiếp cận này, các tác giả đều quan niệm người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu tài sản một cách ngay tình. Hay nói cách khác, cách tiếp cận này đã đồng nhất khái niệm “người thứ ba ngay tình” với “người chiếm hữu ngay tình”.

Tuy nhiên, có nhiều tác giả khác, đã đưa ra ý kiến trái chiều đó là: “…và chúng tôi không chắc chắn là hai khái niệm này có nội hàm ngay tình là giống nhau[9] hay: [Đ]iều đáng tiếc cho đến nay trong cả BLDS 2015 và các văn bản pháp luật liên quan chưa có bất cứ điều khoản nào giải thích về nội hàm của cụm từ “ngay tình” mặc dù đã có nhiều ý kiến góp ý trong lần sửa đổi gần đây nhất. …. Bộ luật dân sự 2015 không cho biết tính ngay tình của người thứ ba có đồng nghĩa với tính ngay tình của người chiếm hữu hay không”[10] hoặc: “Một người ngay tình theo Điều 133 thì chắc chắn sẽ được coi là người chiếm hữu ngay tình theo Điều 180, nhưng ngược lại, không phải trong mọi trường hợp người chiếm hữu ngay tình nào cũng là người thứ ba ngay tình tại Điều 133”[11].

Do chủ thể “người chiếm hữu ngay tình” là chủ thể thực tế nắm giữ và coi tài sản đó là của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của người khác[12]. Theo đó, chủ thể này phải thiết lập dựa trên hai thành tố cấu thành là: Xác lập thực tế chiếm hữu thông qua việc xác lập, kiểm soát vật trên thực tế - đây là thành tố quyền năng bề ngoài[13] và xác lập ý chí chiếm hữu thông qua mục đích chiếm hữu trên cơ sở xác định căn cứ pháp lý dẫn đến việc chiếm hữu với tài sản đó gồm: Tự nhiên như chiếm hữu vật vô chủ, vật bị bỏ quên, đánh rơi và ý chí của con người như thoả thuận của hai bên hoặc giao dịch của một bên[14]; Còn chủ thể người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu lại chỉ có xác lập ý chí chiếm hữu thông qua mục đích chiếm hữu trên cơ sở xác định căn cứ pháp lý dẫn đến việc chiếm hữu đối tài sản là giao dịch, nhận tài sản từ một chủ thể khác và hẹp hơn nữa là chủ thể đó không có quyền định đoạt là do giao dịch nhận tài sản từ chủ sở hữu ban đầu bị vô hiệu. Theo đó, điểm khác nhau giữa hai chủ thể này là: Người chiếm hữu ngay tình có thể là người thứ hai (chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu đích thực một cách trực tiếp không thông qua trung gian), hoặc là người thứ ba (chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu một cách gián tiếp thông qua việc nhận tài sản này từ người không phải chủ sở hữu). Do đó, chủ thể “người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu” có nội hàm hẹp hơn chủ thể “người chiếm hữu ngay tình”. Hay nói cách khác, chủ thể “người chiếm hữu ngay tình” là bao gồm cả chủ thể “người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu”. Vì vậy, việc đồng nhất hai khái niệm này với nhau là không phù hợp.

Tóm lại, trong khoa học pháp lý, có rất nhiều quan niệm khác nhau xung quanh thuật ngữ “người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”, mỗi quan niệm có những điểm hợp lý nhất định. Song chưa có một quan niệm nào, đưa ra được ra bản chất pháp lý chính xác của chủ thể người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu.

Trước đây, “người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” được gọi với tên gọi là “người đệ tam ngay tình (thành ý)” hay “người ngoài cuộc ngay tình” đối với khế ước[15]. Các thuật ngữ “người ngoài cuộc”, “người đệ tam” và “đệ tam nhân” có nghĩa là: “Những người không liên quan gì đến các người lập khế ước, không thể bị chi phối bởi các nghĩa vụ của những người ấy”[16]. Trong khoa học pháp lý hiện đại, người thứ ba được hiểu là: “Người thứ ba là người không tham gia và không đại diện tham gia vào trong giao lưu dân sự, không phải là một trong hai bên ký kết hợp đồng, nhưng có lợi ích liên quan. Người thứ ba có thể có trong một số giao lưu dân sự vô hiệu hay một số hợp đồng”[17] hay Trong quan hệ dân sự, ngoài các chủ thể hoặc người đại diện, người được ủy quyền tham gia giao dịch, một số trường hợp khác có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đó là người thứ ba trong quan hệ dân sự”[18]. Một số luật gia khác cho rằng: “Không phải là một bên trong quan hệ dân sự, người thứ ba được hiểu là người không thể hiện ý chí tham gia thành lập giao dịch”[19]. Trên cơ sở các quan điểm trên, có thể rút ra được khái niệm về “người thứ ba trong quan hệ dân sự” đó là: “những chủ thể không thể hiện ý chí tham gia và không đồng thời là các bên tham gia thành lập quan hệ dân sự nhưng lại có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc bị ảnh hưởng bởi quan hệ dân sự đó”.

Theo đó, vì “người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” là một trong những chủ thể “người thứ ba trong quan hệ pháp luật dân sự” nên chủ thể “người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” cũng có đặc trưng của chủ thể này, đó là: Họ không phải là một trong các bên tham gia quan hệ pháp lý và họ cũng không thể hiện ý chí tham gia thiết lập quan hệ pháp lý. Nói một cách rõ ràng hơn, họ không có bất kỳ mối liên quan nào tới quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu ban đầu với người thứ hai (người trung gian), nhưng lại bị ảnh hưởng bởi quan hệ pháp lý giữa hai người đó.

Quan hệ pháp lý cụ thể được nêu trong thuật ngữ trên là giao dịch dân sự. Thông thường, các giao dịch dân sự chỉ ràng buộc các bên tham gia giao dịch đó, nhưng khi có người thứ ba ngay tình xuất hiện khi họ nhận tài sản từ chủ thể bị mất quyền do giao dịch dân sự xác lập quyền cho người này bị vô hiệu. Do đó, để có thể hiểu rõ nội hàm của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì trước tiên cần hiểu rõ về giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu.

Đã có nhiều quan niệm về giao dịch dân sự vô hiệu như: “Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không được pháp luật thừa nhận do không thoả mãn một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự do pháp luật quy định. Khi một giao dịch dân sự bị tuyên bố là vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch không được đảm bảo thực hiện, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận”[20] hay có quan điểm cho rằng: “Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự mà các chủ thể tham gia giao dịch không tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định cho giao dịch có hiệu lực pháp luật, hậu quả là không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch”[21] hay: “Giao dịch dân sự vô hiệu là loại giao dịch dân sự khi xác lập các bên (hoặc các chủ thể có hành vi pháp lý đơn phương) đã có vi phạm ít nhất một trong các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định, dẫn tới hậu quả pháp lý là không làm phát sinh bất cứ một quyền hay nghĩa vụ dân sự nào”[22]. Trên cơ sở các quan điểm trên có thể nhận thấy, giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không thoả mãn một trong các điều kiện được pháp luật quy định như về chủ thể tham gia, mục đích và nội dung giao dịch, sự tự nguyện trong giao dịch, hình thức giao dịch thì quyền và nghĩa vụ không được pháp luật bảo vệ và dẫn đến hậu quả pháp lý nhất định. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các chủ thể tham gia giao dịch sẽ gánh chịu những tổn thất khác nhau trong việc không đạt được mục đích khi xác lập giao dịch. Đồng thời, giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến việc giải quyết hậu quả pháp lý vô cùng phức tạp, đặc biệt với trường hợp có sự xuất hiện của thứ ba ngay tình.

Hiện nay, chưa có một khái niệm khoa học nào chính xác về hậu quả pháp lý mà chỉ tiếp cận thông qua nội dung. Theo từ điển tiếng việt [h]ậu quả là những kết quả không hay xảy ra trong một quá trình, một việc làm trước đó[23]. Trong khoa học pháp lý, hậu quả pháp lý là chỉ những sự kiện, hành vi gây ra những bất lợi cho cá nhân, tổ chức, xã hội được pháp luật quy định hoặc dự liệu và những sự kiện, hành vi này là kết quả của các hành vi trước đó của các chủ thể. Hậu quả pháp lý phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử và chế độ chính trị xã hội nhất định. Theo đó, thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, có thể được hiểu là những phát sinh theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự vô hiệu. Vì vậy, hậu quả này chỉ phát sinh khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc một quyết định, bản án của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật. Cơ sở để xác định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu có thể do pháp luật quy định trước hoặc do các chủ thể thoả thuận[24]. Mặc dù được tiếp cận ở góc độ nào thì giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến hậu quả pháp lý đó là: Hoàn trả tài sản, vấn đề bồi thường thiệt hại, vấn đề thoả thuận của các bên và vấn đề bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình.

Mặt khác, chủ thể “người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu” có phải là “chủ thể thiện chí trong quan hệ dân sự” không. Có thể nhận thấy, “người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu” trước tiên phải là chủ thể thiện chí trong quan hệ dân sự nói chung, bởi nguyên tắc thiện chí là nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia giao dịch dân sự, đây cũng là điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật. Điều này được thể hiện qua việc BLDS 2015 sử dụng thuật ngữ “ngay tình” bên cạnh thuật ngữ “thiện chí, trung thực” để nhấn mạnh nghĩa chủ quan của khái niệm này[25].

Thuật ngữ “ngay tình” cũng được quan niệm khác nhau ở các hệ thống pháp luật trên thế giới. Cụ thể, theo hệ thống pháp luật Civilaw, mà điển hình là Cộng hòa Pháp, ngay tình thường được sử dụng theo hai nghĩa: Thứ nhất,“Ngay tình là sự trung thực khi giao kết và thực hiện các hành vi pháp lý”; Thứ hai “Ngay tình chỉ sự tin tưởng một cách nhầm lẫn và vô tình, không có lỗi, về sự tồn tại hay không tồn tại một sự kiện, một quyền hay một quy định pháp luật nào đó[26]; Nhật Bản thì quan niệm: “Sự ngay tình hay gian dối được xác định trên cơ sở một người có biết được một việc cụ thể nào đó hay không. Các thuật ngữ này không liên quan đến ý nghĩa đạo đức tốt hay xấu, và do đó trong trường hợp này, thuật ngữ chỉ có ý nghĩa là yếu tố lừa dối có tồn tại hay không”.[27]

Theo hệ thống pháp luật Commonlaw mà điển hình là Mỹ thì tại mục 1-201 của Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ quy định: “Ngay tình, ngoại trừ trường hợp khác quy định tại Điều 5, có nghĩa là sự trung thực trên thực tế và việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại hợp lý về giao dịch công bằng”[28]. Hay trong Bộ luật dân sự Thổ Nhĩ Kỳ cũng quy định: “Trong trường hợp pháp luật đưa ra một kết luận hợp pháp với ngay tình, yếu tố quan trọng là sự tồn tại của lòng tốt. Tuy nhiên, bất cứ ai không thể hiện sự siêng năng mong đợi theo yêu cầu của hoàn cảnh thì không thể tuyên bố ngay tình”[29].

Đối với các nước thuộc hệ thống pháp luật Soviettique Law, có Trung Quốc, trong Bộ luật dân sự năm 2020, “ngay tình” được sử dụng bằng từ “thiện ý” có nghĩa là: “có ý định tốt lành trong quan hệ với người khác”. Còn đối với Việt Nam, trước đây, với sự ảnh hưởng của “pháp luật theo mô hình Pháp tràn ngập lãnh thổ Việt Nam”[30] vào cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX; đã mô phỏng theo và quy định: “Những thỏa thuận hợp pháp... phải được thực hiện một cách thiện chí”[31] và “Phàm hiệp ước phải lấy lòng ngay thẳng mà thi hành”[32]. Hiện nay, ngay tình cũng được hiểu là: “là lòng ngay thẳng, thực thà, tình thế rõ ràng”[33]. Theo đó, “Lòng ngay thẳng” hay “ngay tình”[34] là một cách gọi khác của “thiện chí”; hay nói cách khác, nguyên tắc thiện chí còn được biết đến là nguyên tắc ngay tình.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy “thiện chí” và “ngay tình” có nội hàm giống nhau và có thể hiểu rằng “người thứ ba ngay tình” cũng đồng thời là “chủ thể tham gia giao dịch thiện chí”. Theo đó, khái niệm “ngay tình” là một khái niệm đa nghĩa, có ranh giới không xác định[35], khó nắm bắt[36] cực kỳ linh hoạt[37], mềm dẻo, một chuẩn mực mở[38] mà nội dung được xác định tùy thuộc vào hoàn cảnh và tranh chấp cụ thể [39] và “[v]iệc xác định nội hàm của ngay tình tốt nhất để các luật sư và thẩm phán thực hiện tùy thuộc vào từng thời kỳ và từng hoàn cảnh”[40] hay nội dung của ngay tình “…không thể được xác định một cách trừu tượng mà chỉ có thể xác định dựa trên cách mà nguyên tắc này được áp dụng”[41] hay “….nghĩa của ngay tình phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể”[42].

Tuy nhiên, đối với chủ thể “người thứ ba” khi giao dịch vô hiệu thì tính “thiện chí” còn phải thể hiện ở cấp độ cao hơn khi họ còn có sự xung đột lợi ích với với chủ sở hữu ban đầu. Do đó, cùng với việc họ tham gia giao dịch không nhằm mục đích xâm phạm quyền lợi ích của chủ thể giao dịch với mình thì họ cũng phải có ý chí tốt đẹp là không nhằm xâm phạm lợi ích của chủ sở hữu ban đầu hoặc các chủ thể khác. Người thứ ba phải ở trong một tình thế rõ ràng đó là họ có căn cứ để tin rằng mình là người có quyền với tài sản do được nhận quyền từ chủ thể khác tự nhận mình là người có quyền, mặc dù chủ thể này thực sự không có quyền. Vì vậy, thuật ngữ “thiện chí” là mang hàm ý chung, tổng quát dành cho tất cả các chủ thể trong quan hệ dân sự và việc sử dụng thuật ngữ “ngay tình” sẽ phù hợp và chính xác hơn “thiện chí” cho chủ thể này. Do đó, có thể rút ra “chủ thể ngay tình là chủ thể căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản”.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra khái niệm đó là: “Người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu là chủ thể nhận quyền đối với tài sản dựa trên căn cứ chính đáng tin rằng chủ thể chuyển giao tài sản cho mình có quyền với tài sản này, dẫn đến họ sẽ là người bị ảnh hưởng quyền lợi khi giao dịch xác lập quyền với tài sản cho người này bị vô hiệu”.

II. Những dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

Để xác định chủ thể nào sẽ thuộc người thứ ba ngay tình để được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu thì cần phải đưa ra những dấu hiệu nhận diện cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tác giả đưa ra quan điểm cho rằng người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu được nhận diện qua 08 (tám) dấu hiệu sau[43]: Một là, trước khi người thứ ba tham gia giao dịch, đối tượng của giao dịch này được xác lập bởi một giao dịch vô hiệu; Hai là, nếu ở một điều kiện thông thường, người tham gia giao dịch biết hoặc buộc phải biết tài sản đưa vào giao dịch được xác lập bởi một giao dịch dân sự vô hiệu trước đó thì không phải là người thứ ba ngay tình. Nếu họ không biết và không buộc phải biết khi tham gia giao dịch họ chiếm giữ tài sản không có biểu hiện của người tiêu thụ tài sản bất minh thì họ mới là người thứ ba ngay tình; Ba, người thứ ba tham gia giao dịch dân sự phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nếu họ không có đầy đủ năng lực hành vi thì phải có người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp; Bốn, họ đã thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập hay họ đã nhận được tài sản từ giao dịch và mục đích của giao dịch đã đạt được; Năm, mục đích và nội dung của giao dịch không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội; Sáu là, đối tượng của giao dịch là những tài sản không thuộc loại tài sản mà pháp luật cấm giao dịch; Bảy, trình tự xác lập giao dịch tuân thủ theo trình tự mà pháp luật cho phép; Tám, khi có tranh chấp xảy ra thì người thứ ba ngay tình phải có yêu cầu độc lập được hưởng tài sản hay có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản đã bị trả cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công quỹ.

Các tác giả đã đưa ra những dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình tương đối chi tiết và rõ ràng. Tuy nhiên, việc đưa ra nhiều dấu hiệu dẫn đến việc khó xác định được chủ thể nào là người thứ ba ngay tình. Đồng thời, có những dấu hiệu chưa thực sự chính xác và không còn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

Trên cơ sở kế thừa các quan điểm của các tác giả và định nghĩa về người thứ ba ngay tình đã đưa ra ở mục 1, có thể đúc rút ra dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu như sau:

Thứ nhất, về chủ thể: Người thứ ba ngay tình trước hết là chủ thể thứ ba trong mối quan hệ với giao dịch thứ nhất bị vô hiệu và là chủ thể của giao dịch dân sự thứ hai kế tiếp giao dịch vô hiệu đó. Hay nói cách khác, người thứ ba ngay tình xuất hiện phải gắn với tiền đề là sự tồn tại ít nhất hai giao dịch nối tiếp nhau.

Thứ hai, về tài sản: Tài sản là đối tượng của giao dịch có người thứ ba ngay tình tham gia phải từng là đối tượng của một giao dịch vô hiệu trước đó và không thuộc loại tài sản không được phép giao dịch.

Thứ ba, về tính ngay tình: Người thứ ba ngay tình có căn cứ để tin rằng người tham gia giao dịch với mình là người có quyền với tài sản hoặc tài sản không phải là đối tượng của giao dịch trước đó bị vô hiệu.

Thứ tư, về giao dịch với sự tham gia của người thứ ba ngay tình: Việc chuyển giao tài sản từ một bên chủ thể trong giao dịch vô hiệu với người thứ ba ngay tình phải thông qua một giao dịch dân sự và giao dịch này phải thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

III. Mối quan hệ giữa giao dịch dân sự vô hiệu và giao dịch có người thứ ba tham gia

Quan hệ là một thuật ngữ Hán – Việt, trong đó “quan” là cái gốc để nối liền hai cánh cửa, từ đó “quan” có nghĩa là nối liền, “hệ” là buộc lại, ràng buộc lẫn nhau. Quan hệ gồm cái then nối liền (quan) và việc buộc lại (hệ). Quan hệ chỉ sự gắn bó qua lại giữa hai đối tượng[44]. “Quan hệ” là khái niệm dùng để chỉ “sự gắn liền về mặt nào đó giữa hai hay nhiều sự vật khác nhau, khiến sự vật này có biến đổi, thay đổi thì có thể tác động đến sự vật kia”[45]. Cùng nghĩa với “quan hệ” có từ “liên hệ” - liên là nối liền nhau và “liên hệ” là nối liền ràng buộc nhau[46] và theo từ điển tiếng việt: “Liên hệ là sự vật, sự việc có quan hệ làm cho ít nhiều tác động đến nhau”[47]. Triết học chủ nghĩa Mác Lê nin cũng khẳng định rằng: “Trong thế giới vật chất, các sự vật, hiện tượng không tồn tại biệt lập, mà luôn có những mối liên hệ chằng chịt với nhau. Khái niệm mối liên hệ, quan hệ phản ánh sự phụ thuộc, ràng buộc lẫn nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau và quy định lẫn nhau, tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau[48].

Do đó, có thể hiểu: “Mối quan hệ là sự gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại, ràng buộc, phụ thuộc giữa chúng với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau, khi một yếu tố thay đổi làm cho yếu tố kia cũng thay đổi theo”. Vậy giao dịch dân sự vô hiệu và giao dịch có sự tham gia của người thứ ba ngay tình có mối quan hệ với nhau không? Mối quan hệ đó ra sao?

Trên cơ sở phân tích khái niệm và dấu hiệu nhận diện chủ thể là người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu đã rút ra ở trên, nhận thấy hoàn cảnh xuất hiện của người thứ ba ngay tình, là gắn liền với ít nhất là hai giao dịch: Giao dịch thứ nhất là giao dịch dân sự vô hiệu và giao dịch thứ hai là giao dịch có sự tham gia của người thứ ba ngay tình. Điều đã được các nhà khoa học khác nhận định[49]. Do đó, có thể khẳng định giao dịch dân sự vô hiệu và giao dịch có người thứ ba tham gia có mối quan hệ, liên hệ với nhau. Mối quan hệ đó có tính chất bắc cầu, nối tiếp nhau và tác động qua lại với nhau theo hai hướng là: tạo tiền đề cho nhau và tạo điều kiện, cơ sở xuất hiện quyền năng cho các chủ thể hoặc cũng có thể dẫn đến sự xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ thể với nhau. Cụ thể:

Một là, về tính chất bắc cầu, nối tiếp: Do chủ thể trong hai giao dịch này là người sở hữu ban đầu, người trung gian và người thứ ba. Người thứ ba giao dịch để nhận quyền đối với tài sản với người thứ hai (người trung gian) và quyền chuyển cho người thứ ba là do người thứ hai giao dịch nhận quyền tài sản với người đầu tiên (chủ sở hữu ban đầu) nên giao dịch của người thứ ba là giao dịch kế tiếp với giao dịch của người chuyển quyền họ với người đầu tiên có quyền - giao dịch này bị vô hiệu.

Hai là, có sự tác động qua lại nhau: Giao dịch vô hiệu là tiền đề, cơ sở cho giao dịch có người thứ ba tham gia và làm xuất hiện chủ thể người thứ ba ngay tình. Bởi lẽ, chủ thể chuyển quyền cho người thứ ba xác lập quyền từ việc người này giao dịch với chủ sở hữu đích thực. Hay nói cách khác, giao dịch vô hiệu ban đầu chưa bị tuyên vô hiệu, đã tạo ra quyền năng cho chủ thể giao dịch với người thứ ba đối với tài sản, khi giao dịch này bị xác định vô hiệu thì dẫn đến quyền với tài sản của người này bị huỷ bỏ và từ phạm vi quyền mà họ có được từ giao dịch đầu tiên (bị vô hiệu) họ mới có căn cứ để chuyển quyền với tài sản cho người thứ ba thông qua giao dịch khác.

Ba là, Mối quan hệ giữa giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch có người thứ ba tham gia phản ánh xung đột lợi ích giữa quyền của chủ sở hữu ban đầu và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình, dẫn đến cần phải lựa chọn bảo vệ chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản ban đầu hay người thứ ba ngay tình. Liên quan đến vấn đề này, trong lần góp ý sửa đổi BLDS năm 2005, đã tổng hợp được hai luồng ý kiến trái chiều[50]:

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp giao dịch vô hiệu, thì cần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, là để tạo ra cơ chế pháp lý hài hòa, công bằng hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của cả người thứ ba ngay tình và của cả chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản. Thực hiện cơ chế pháp lý này cũng góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và hiệu quả của công tác đăng ký ở nước ta, nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống đăng ký quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản cũng như đối với các quyết định cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Trong trường hợp giao dịch vô hiệu, thì cần ưu tiên tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản trong giao lưu dân sự; việc bảo vệ người thứ ba ngay tình chưa bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh việc đăng ký bất động sản hiện nay ở nước ta đang có nhiều bất cập, chưa thể khắc phục ngay được. Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 133) đã quy định vấn đề này theo loại ý kiến thứ nhất. Ngoài ra, việc lựa chọn theo giải pháp này cũng còn xuất phát từ nguyên tắc trừu tượng hóa – tách biệt giữa luật hợp đồng và luật tài sản đã được Bộ luật dân sự năm 2015 áp dụng trong quy định về quan hệ về quyền đối với tài sản (Vật quyền) và quan hệ nghĩa vụ (Trái quyền).

Tuy nhiên, việc xem xét mối quan hệ giữa giao dịch vô hiệu với giao dịch có chủ thể người thứ ba tham gia cũng là để cân bằng lợi ích của chủ sở hữu ban đầu với người thứ ba ngay tình. Theo đó, việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu phải nằm trong một giới hạn nhất định để bảo vệ hài hòa lợi ích của các chủ thể có liên quan, hạn chế những giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

Đồng thời, mối quan hệ này làm xuất hiện việc cần phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình vì họ sẽ bị mất quyền với tài sản do giao dịch của họ tham gia có thể bị vô hiệu do theo nguyên tắc: “Không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản vượt quá phạm vi quyền hạn bản thân người đó có[51]. Như vậy, theo nguyên tắc này, nếu không nhận sự đồng ý hay uỷ quyền của chủ sở hữu ban đầu, người nhận về tài sản cho dù ngay tình nhưng vì đã nhận tài sản từ người không có quyền, thì không thể xác lập quyền đối với tài sản đó. Bởi lẽ, một chủ thể không thể nhận chuyển quyền từ một chủ thể mà vượt quá phạm vi quyền chủ thể này có đối với tài sản[52].

IV. Sự ảnh hưởng của giao dịch dân sự vô hiệu đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Trong khoa học pháp lý hiện nay, đang có nhiều quan điểm khác nhau về “sự ảnh hưởng” của giao dịch dân sự vô hiệu đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Có tác giả cho rằng, giao dịch dân sự vô hiệu không ảnh hưởng tới quyền lợi người thứ ba ngay tình, việc pháp luật dân sự chỉ thừa nhận và bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự trước đó vô hiệu, đã vô hình chung làm hạn chế những trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi. Quan điểm này cho rằng: Tư cách pháp lý của người thứ ba ngay tình tồn tại mà không phụ thuộc liệu rằng trước đó có một giao dịch dân sự hay không, mà phụ thuộc vào việc trước đó có tồn tại quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu và người bán và hệ quả pháp lý của mối quan hệ này không xác lập quyền sở hữu tài sản cho người bán. Như vậy, người thứ ba ngay tình được xác định kể cả trong các trường hợp không có giao dịch dân sự nào, mà chỉ cần tồn tại một quan hệ pháp lý (chẳng hạn quan hệ ủy quyền)[53]. Như vậy, tác giả muốn mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Nhưng cùng với việc loại bỏ sự ảnh hưởng của giao dịch vô hiệu thì cần phải bổ sung quy định về các nguyên tắc áp dụng khi giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu ban đầu với người thứ ba ngay tình.

Các tác giả khác lại cho rằng, giao dịch dân sự vô hiệu có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình, bởi: “Nếu thiếu mệnh đề trên thì người thứ hai đương nhiên có quyền định đoạt tài sản và chủ thể được nhắc đến tại Điều 133 BLDS năm 2015 là người tham gia (người thứ ba) với người có quyền định đoạt tài sản (chủ sở hữu tài sản). Giao dịch giữa họ đương nhiên hợp pháp thì không cần phải đặt ra việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba làm gì nữa[54]. Như vậy, theo quan điểm này, thì giao dịch dân sự vô hiệu là tiền đề cho sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình. Do đó, giao dịch dân sự vô hiệu ảnh hưởng mạnh mẽ và là nguồn gốc của việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình.

Hai luồng quan điểm trên, tuy có sự trái chiều nhau, nhưng đều có phần hợp lý. Đó là giao dịch dân sự vô hiệu chỉ là một trong những sự kiện pháp lý của quan hệ pháp luật dân sự và người thứ ba ngay tình là chủ thể thứ ba đối với quan hệ pháp lý đó. Hay nói cách khác, giao dịch vô hiệu chỉ là một trong những sự kiện pháp lý dẫn đến chủ thể chuyển giao tài sản cho người thứ ba không có quyền chuyển giao. Và vì thế nên giao dịch dân sự vô hiệu có sự ảnh hưởng đến quyền lợi người thứ ba ngay tình. Điều này được luật gia Vũ Văn Mẫu ghi nhận trước đây: “Sự phản hồi của sự vô hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các người đệ tam như quyền lợi của người kế quyền đặc định (les ayants-cause à titre particulier). Quyền lợi của những người này là do quyền lợi của các người lập ước mà có. Vì vậy, trên nguyên tắc quyền lợi của những người lập ước bị tiêu huỷ, quyền lợi của những người kế quyền đặc định cũng không còn”[55].

Cho đến nay, pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại quy định giao dịch dân sự vô hiệu có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia giao dịch, bao gồm cả chủ thể người thứ ba ngay tình, đảm bảo tính công bằng khi giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Đồng thời, quy định giao dịch dân sự vô hiệu sẽ tạo cơ sở pháp lý mang tính nền tảng cho các bên có thể tự hoà giải khi xảy ra tranh chấp hoặc sẽ được Toà án áp dụng để giải quyết các tranh chấp của các bên khi các chủ thể khởi kiện tại Toà án.

Giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau và tính chất vô hiệu sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ ba ngay tình cũng khác nhau. Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên, kể từ thời điểm xác lập giao dịch dù giao dịch đó đã được thực hiện hay chưa được thực hiện. Do đó, dựa trên tính chất và trình tự xác lập giao dịch vô hiệu, mà hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu tương đối khác giao dịch vô hiệu tuyệt đối và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối có những đặc điểm đó là: Mặc nhiên bị coi là vô hiệu mà không cần điều kiện nhất định; Thời hạn yêu cầu tuyên bố vô hiệu giao dịch vô hiệu là vô thời hạn, không có hạn chế; Giao dịch dân sự thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối không có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, thậm chí ngay cả trong trường hợp khi các bên đã tiến hành thực hiện các hành vi theo nội dung cam kết; Giao dịch dân sự thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối bị coi là vô hiệu không phụ thuộc vào quyết định của Toà án[56]. Dẫn đến, quyền lợi người thứ ba ngay tình được bảo vệ như sau: Người thứ ba ngay tình sẽ không được bảo vệ một cách tuyệt đối khi không được công nhận là chủ thể có quyền đối với tài sản và phải trả tài sản lại cho chủ thể có quyền ban đầu hoặc phải giao nộp cho Nhà nước. Đối với trường hợp, tài sản đã trả cho chủ thể có quyền ban đầu thì người thứ ba chỉ có thể được bảo vệ quyền lợi ở mức độ tương đối là yêu cầu chủ thể giao dịch với mình và các chủ thể có lỗi khác phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản giao dịch bị tịch thu theo quy định thì người thứ ba ngay tình không được bảo vệ quyền lợi.

Thứ hai, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu tương đối có đặc điểm: Các giao dịch vô hiệu tương đối thì không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi hội tụ đủ những điều kiện nhất định: a) Khi có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan và b) Theo quyết định của Toà án. Giao dịch vô hiệu tương đối có thời hiệu khởi kiện được pháp luật quy định. Các giao dịch vô hiệu tương đối thì được coi là có hiệu lực pháp lý cho đến khi nào bị tuyên bố vô hiệu; Cơ sở duy nhất làm cho giao dịch trở nên vô hiệu là quyết định của Toà án[57]. Đối với trường hợp vô hiệu tương đối, quyền lợi người thứ ba ngay tình có thể được bảo vệ một cách tuyệt đối là họ sẽ được công nhận quyền đối với tài sản trong trường hợp hết thời hiệu khởi của chủ thể có quyền ban đầu và cho đến khi Toà tuyên giao dịch đó bị vô hiệu. Nói cách khác, trong trường hợp này, kể cả giao dịch trước đó có bị vô hiệu nhưng khi hết thời hiệu khởi kiện của chủ thể có quyền thì người thứ ba ngay tình đương nhiên là chủ thể có quyền với tài sản và vấn đề hoàn trả tài sản cho chủ thể có quyền ban đầu không được đặt ra.

Kết luận

Tóm lại, việc đưa ra định nghĩa chính xác về người thứ ba ngay tình và những dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những chủ thể nào trong quan hệ dân sự thuộc chủ thể người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiểu để bảo vệ quyền lợi cho những người này. Và việc xác định các loại giao dịch dân sự vô hiệu trước đó đóng vai trò quan trọng để định lượng mức độ bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình nhằm cân bằng hài hoà lợi ích với các chủ thể khác đặc biệt là chủ sở hữu ban đầu. Do vậy, Bộ luật dân sự hiện hành cần phải bổ sung định nghĩa về người thứ ba ngay tình, các dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu và các nguyên tắc áp dụng trên cơ sở loại giao dịch vô hiệu trước đó để giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu ban đầu với người thứ ba ngay tình nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích của các chủ thể này./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1. Bộ luật dân sự Nam kỳ giản yếu 1883

2. Bộ luật dân sự Bắc kỳ năm 1931

3. Bộ luật dân sự Trung kỳ 1936

4. Bộ luật dân sự 1995

5. Bộ luật dân sự 2005

6. Bộ luật dân sự 2015

Tài liệu tham khảo trong nước

7. Bùi Đăng Hiếu, Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối và giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối, Tạp chí Luật học số 5 (2001)

8. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình triết học Mác Lê nin, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội (2006)

9. Bộ Tư pháp, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nhà xuất bản Công an nhân dân (1999)

10. Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa – Tư pháp Hà Nội (2006)

11. Cao Ngọc Anh Thi, Dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu, Tạp chí Toà án nhân dân số 7 (2022)

12. Đặng Thanh Hoa, Điều kiện bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu do bản án, quyết định bị hủy, sửa, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 13/10/2022

13. Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, nhà xuất bản chính trị quốc gia (2011).

14. Đinh Văn Thanh, Phạm Công Lạc và Đinh Ngọc Hiện, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội (1999).

15. Hoàng phê, Từ điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng (1997).

16. Hoàng Thế Liên, Bình luận Khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, - tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội (2008).

17. Nguyễn Anh Thư, Nguyên tắc thiện chí trong pháp luật hợp đồngViệt Nam với pháp luật một số quốc gia dưới gốc độ so sánh, (Luận án Tiến sỹ luật học), Trường đại học Luật Hà Nội (2020).

18. Ngô Huy Cương, Sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp đến luật tư Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2016)

19. Nguyễn Hồng Hải, Một số vấn đề về hợp đồng vô hiệu trong pháp luật tư hiện hành của Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp khoa, Đại học luật Hà Nội (2018)

20. Nguyễn Minh Tuấn, Bình luận Khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp Hà Nội (2016).

21. Nguyễn Ngọc Điện, Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 14(175), tháng 7/2010

22. Nguyễn Như Ý, Từ điển tiếng việt thông dụng, NXB giáo dục (1998)

23. Nhà pháp luật Việt Pháp, Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp – Việt (2011)

24. Nguyễn Phương Thuý, Giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường đại học Luật Hà Nội (2008)

25. Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu và thực tiễn áp dụng tại Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội (2021)

26. Nguyễn Thị Quỳnh Yến và Ngô Quốc Chiến, Người thứ ba trong Bộ luật dân sự 2015, Tạp chí quản lý và kinh tế đối ngoại số 86 (2017)

27. Nguyễn Văn Cường, Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận án Tiến sỹ luật học), Đại học Luật Hà Nội, (2005)

28. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học BLDS 2015, Nxb. Công an nhân dân Hà Nội (2017).

29. Nguyễn Vũ Hường, Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận văn thạc sỹ luật học), Đại học Luật Hà Nội (2016)

30. Ngô Văn Thâu, Trần Hữu Đắc, Các thuật ngữ cơ bản trong Luật dân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, (1995)

31. Nguyễn Xuân Hiếu, Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội (2019)

32. Phan Ngọc, Mẹo giải nghĩa Hán – Việt và chữa lỗi chính tả, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội (2000)

33. Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học, Nhà xuất bản Công an nhân dân (1999)

34. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, Nhà xuất bản Công an nhân dân (2003)

35. Trần Thị Hồng Nhung, Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật dân sự năm 2015, (Luận văn thạc sỹ luật học), Khoa Luật Đại học quốc gia (2019)

36. Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai trí (1974)

37. Trần Trung Trực, Một số vấn đề về giao dịch dân sự và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận án thạc sỹ luật học), Đại học Luật Hà Nội (1997)

38. Trần Thị Thu Hằng, Pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ quyền lợi của Người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự- những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451) (2022)

39. Thân Văn Tài, Hoàn thiện quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong dự thảo BLDS sửa đổi, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 08 (2015)

40. Viện Nghiên cứu đào tạo, Luật Nhật Bản - tập II, NXB Thanh Niên (1998)

41. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo, quyển II - Nghĩa vụ và khế ước Nhà xuất bản giáo dục (1963).

Tài liệu tham khảo nước ngoài

42. Bénédicte Fauvarque-Cosson and Denis Mazeaud, European Contract Law - Materials for a Common Frame of Reference: Terminology, Guiding Principles, Model Rules, Sellier European law publishers, (2008)

43. F.K. Juenger, “Listening to law professors talk about good faith: Some afterthoughts”, Tulane Law Review, (1995)

44. J. F. O’Connor, Good Faith in International Law, Dartmouth Publishing, (1991)

45. Kunahbhardwaj, No One Can Transfer A Better Title Than What He Himself Possesses: Judicial Interpretation, Legal Service India E-Journal

46. Martin W. Hesselink, The Concept of Good Faith, Toward a European civil code, Kluwer Law International, (2011)

47. Simon Whittaker and Reinhard Zimmermann, Good Faith In European Contract Law: Surveying The Legal Landscape, Good Faith in European Contract Law, Cambridge University Press, (2000)

48. Troy Keily, Good Faith and the Vienna Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG), Vindobona Journal of International Commercial Law and Arbitration, (1999)

Tài liệu tham khảo trang web

49. http://www.henricapitant.org/node/12

50. https://www.uniformlaws.org

51.https://www.researchgate.net/publication/336103457_The_Concept_of_Good_Faith_in_Criminal_Law

* Ths, NCS Đại học Luật Hà Nội, Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội

[1] BỘ TƯ PHÁP, VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ, TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ LUẬT HỌC, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, 50 (1999); ĐINH VĂN THANH, PHẠM CÔNG LẠC, ĐỊNH NGỌC HIỆN, TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ LUẬT HỌC, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, 95 (1999).

[2] HOÀNG THẾ LIÊN, BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005-TẬP I, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 310 (2005).

[3] Trần Trung Trực, Một số vấn đề về giao dịch dân sự và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận án thạc sỹ luật học), Đại học Luật Hà Nội, 91 (1997).

[4] Nguyễn Văn Cường, Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận án tiến sỹ luật học), Đại học Luật Hà Nội, 128 (2005); NGUYỄN VĂN CƯỜNG, GIAO DỊCH VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÔ HIỆU, PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ, NXB THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG, HÀ NỘI, 128 (2011).

[5] Điều 189, Bộ luật dân sự 2005: “Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

[6] Điều 180, Bộ luật dân sự 2015: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

[7] Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Ngô Quốc Chiến, Người thứ ba trong Bộ luật dân sự 2015, Tạp chí Quản lý và kinh tế quốc tế số 86 (23h 02/023/2013), https://tapchi.ftu.edu.vn/ các-số-tạp-chí-ktđn/tạp-chí-ktđn-số-81-90/tạp-chí-ktđn-số-86/1401-người-thứ-ba-trong-bộ-luật-dân-sự-2015.html.html; Trần Thị Hồng Nhung, Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật dân sự năm 2015, (Luận văn thạc sỹ luật học), Khoa Luật Đại học quốc gia, 20 (2019); Nguyễn Xuân Hiếu, Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội, 18 (2019).

[8] Cao Ngọc Anh Thi, Dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu, Tạp chí Toà án nhân dân số 7, 41(2022).

[9] ĐỖ VĂN ĐẠI, LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM - BẢN ÁN VÀ BÌNH LUẬN BẢN ÁN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 77 (2011).

[10] Thân Văn Tài, Hoàn thiện quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong dự thảo BLDS sửa đổi, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 08, 43 (2015).

[11] Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu và thực tiễn áp dụng tại Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội, 17-20 (2021); Cao Ngọc Anh Thi, tlđd, 8, 39 - 40.

[12] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT LA MÃ, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, 63 (2003).

[13] Nguyễn Ngọc Điện, Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 14 (175), 26-31 (7/2010).

[14] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, tlđd, 12, 66

[15] NGÔ VĂN THÂU, TRẦN HỮU ĐẮC, CÁC THUẬT NGỮ CƠ BẢN TRONG LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM, Ngô Văn NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 45 (1995).

[16] VŨ VĂN MẪU, VIỆT NAM DÂN LUẬT LƯỢC KHẢO, QUYỀN II NGHĨA VỤ VÀ KHẾ ƯỚC, NXB GIÁO DỤC, 278 (1963)

[17] NGÔ VĂN THÂU những người khác, tlđd, 15, 45

[18] NGUYỄN MẠNH HÙNG, THUẬT NGỮ PHÁP LÝ, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT, HÀ NỘI, 313 (2011).

[19] Xem: DO Van Dai et NGO Quoc Chien, Tiers et Contrat en droit vietnamien, Hội thảo Les Journées Panaméennes « Les Tiers », Hiệp hội Henri Capitant những người bạn của văn hóa pháp luật Pháp, tháng 5/2015. Rất nhiều nước theo hệ thống pháp luật thành văn cũng có những quy định tương tự, như chẳng hạn Đức, Bỉ, Italy, Pháp, Colombia, Venezuela… Có thể xem các tham luận tại : http://www.henricapitant.org/node/12; như đã trích trong Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Ngô Quốc Chiến, Người thứ ba trong Bộ luật dân sự 2015, Tạp chí Quản lý và kinh tế quốc tế số 86 (23h 02/023/2013), https://tapchi.ftu.edu.vn/ các-số-tạp-chí-ktđn/tạp-chí-ktđn-số-81-90/tạp-chí-ktđn-số-86/1401-người-thứ-ba-trong-bộ-luật-dân-sự-2015.html.html.

[20] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ LUẬT HỌC, 62 (1999).

[21] Trần Trung Trực, tlđd, 3, 91

[22] Nguyễn Văn Cường, tlđd, 4, 24; Nguyễn Phương Thuý, Giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, (Luận văn thạc sỹ luật học), Trường đại học Luật Hà Nội, 18 (2008).

[23] NGUYỄN NHƯ Ý, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT THÔNG DỤNG, NXB GIÁO DỤC, 321 (1998).

[24] Nguyễn Phương Thuý, tlđd, 22, 28

[25] Nguyễn Anh Thư, Nguyên tắc thiện chí trong pháp luật hợp đồngViệt Nam với pháp luật một số quốc gia dưới gốc độ so sánh, (Luận án Tiến sỹ luật học), Trường đại học Luật Hà Nội, 34 (2020)

[26] NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP, TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ PHÁP LUẬT PHÁP – VIỆT, 76 (2011).

[27] VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÀO TẠO, LUẬT NHẬT BẢN – TẬP II, NXB THANH NIÊN, HÀ NỘI, 221 (1998)

[28] The Uniform Law Commission & the American Law Institute (1952), The Uniform Commercial Code of US, xem tại: https://www.uniformlaws.org, truy cập 20/9/2023

[29] Yaşar & Zafer İçer (2019), The Concept of “Good Faith” in Criminal Law, Ceza Hukuku ve Kriminoloji Dergisi-Journal of Penal Law and Criminology 2019, 7(2), p.258, xem tại: https://www.researchgate.net/publication/336103457_The_Concept_of_Good_Faith_in_Criminal_Law, truy cập 20/9/2023

[30] NGÔ HUY CƯƠNG, SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁP LUẬT PHÁP ĐẾN LUẬT TƯ VIỆT NAM, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA, HÀ NỘI, 105 (2016).

[31] Xem thêm Bộ luật dân sự Nam kỳ giản yếu 1883, Điều 1134; Bộ luật dân sự Bắc Kỳ năm 1931, đoạn 3, Điều 673.

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều