Tóm tắt: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được ban hành với nhiều cơ chế pháp lý mới mẻ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương nói riêng thông qua cơ chế pháp lý minh bạch, rõ nét. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả phân tích các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp của đối tượng này. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm thực thi hiệu quả các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trên thực tiễn hướng tới đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nền kinh tế ở nước ta.
Từ khóa: người tiêu dùng; dễ bị tổn thương; cơ chế bảo vệ; giải quyết khiếu nại
Abstract: The Law on Consumer Rights Protection 2023 was promulgated with many new legal mechanisms, which have contributed significantly to protecting consumer rights in general and the rights of vulnerable consumers in particular through a transparent and clear legal mechanism. In this article, the authors analyze the provisions of the law on protecting the rights of vulnerable consumers, along with the responsibilities of business organizations and individuals when dealing with vulnerable consumers, especially the responsibility to apply the mechanism for resolving complaints and disputes of this subject. From there, the authors propose a number of recommendations to effectively implement regulations on protecting the rights of vulnerable consumers in practice, aiming to ensure harmony of interests between businesses and consumers in the country’s economy.
Keywords: consumer; vulnerable; protection mechanism; settle complaints
1. Đặt vấn đề
Tiêu dùng là nhu cầu cần thiết và căn bản của con người. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, hoạt động tiêu dùng ngày càng trở nên phát triển với đa dạng các loại hình, phương thức kinh doanh. Điều này đã đặt ra không ít thách thức trong việc xây dựng hành lang pháp lý an toàn nhằm góp phần bảo đảm quyền lợi của các bên chủ thể, đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng (NTD). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2023 được ban hành đánh dấu bước ngoặt lớn trong vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam, trong đó việc bổ sung các quy định xoay quanh việc bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương là vấn đề rất đáng lưu tâm.
Việc minh định cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. “Nếu như một số vấn đề chung về quyền con người hiện nay vẫn còn đang gây tranh cãi vì ở một số quốc gia bị coi là nhạy cảm, thì trong vấn đề quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, các quốc gia thường có sự đồng thuận và ủng hộ ở mức cao”[1]. Qua đây có thể thấy rằng việc luật hoá vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương thể hiện sự gần gũi, tiệm cận của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia khác trên thế giới.
Là quy định mới được bổ sung, do vậy trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả tập trung chỉ ra những điểm son pháp lý về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương trên ba khía cạnh chính, bao gồm: i) Nhận diện NTD dễ bị tổn thương; ii) Cách thức bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương; iii) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với NTD dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đánh giá tính hợp lý trong các quy phạm và đưa ra các giải pháp pháp lý tương thích nhằm hoàn thiện quy định về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương trong Luật BVQLNTD năm 2023 và các văn bản pháp lý khác có liên quan.
2. Nhận diện người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm NTD lần đầu được quy định ở Pháp lệnh Bảo vệ NTD năm 1999 tại Điều 1. Khái niệm này sau đó tiếp tục được kế thừa tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2010. Theo đó, “NTD là người mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Theo quy định này, NTD được xác định gồm cả cá nhân và tổ chức, có mục đích mua hoặc sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt. Hay nói cách khác, người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sản xuất hoặc bán lại không được coi là NTD. Ví dụ, người mua đường, gạo, bột các loại… về chế biến bánh kẹo hoặc bán lại thì không phải là NTD[2].
Sau nhiều năm thực thi và trước nhu cầu cấp thiết, kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện nay, Luật BVQLNTD năm 2023 được ban hành đã có sự thay đổi đáng kể về khái niệm NTD. Theo khoản 1 Điều 3 Luật này, “NTD là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Nhìn chung, trên tinh thần của Luật BVQLNTD hiện hành, khái niệm NTD vẫn được nhận diện dựa trên 03 yếu tố là tư cách chủ thể, căn cứ phát sinh giao dịch và mục đích của giao dịch. Tuy nhiên, so với định nghĩa tại Pháp lệnh Bảo vệ NTD năm 1999 và Luật BVQLNTD năm 2010, khái niệm NTD trong pháp luật thực định có những điểm tiến bộ và bao quát hơn thông qua việc mở rộng chủ thể được xem là NTD (theo đó ngoài tổ chức, cá nhân tiêu dùng còn bổ sung thêm đối tượng là cơ quan), đồng thời nhấn mạnh mục đích của các giao dịch phải “không vì mục đích thương mại” để loại trừ những giao dịch nhằm kinh doanh kiếm lời hoặc vừa tiêu dùng vừa kinh doanh kiếm lời.
Nếu như khái niệm NTD được ghi nhận trực tiếp trong các văn bản pháp luật về bảo vệ NTD, thì thuật ngữ NTD dễ bị tổn thương là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận trong Luật BVQLNTD năm 2023. Ở góc độ pháp lý, hiện chưa có khái niệm chính thống về người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên qua nghiên cứu thì khái niệm này chỉ “những nhóm, cộng đồng có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, và bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác”[3].
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2023 “NTD dễ bị tổn thương là NTD có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”. Theo đó, có thể thấy về bản chất NTD dễ bị tổn thương cũng là một NTD, tuy nhiên vì các yếu tố “nội sinh” và “ngoại sinh” khiến cho chủ thể này có những đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ dễ bị tổn thương hơn so với NTD thông thường khác. Các yếu tố “nội sinh” có thể kể đến như sự suy yếu về tình trạng thể chất hoặc tinh thần, tình trạng bệnh lý… Những yếu tố này khiến NTD “dễ bị tổn thương” vĩnh viễn, tạm thời hoặc tại một thời điểm nhất định. Bên cạnh các yếu tố “nội sinh” thì yếu tố “ngoại sinh” cũng có thể gây ra tính “dễ bị tổn thương” của NTD khi tham gia vào các giao dịch, ví dụ như thiếu kiến thức về ngôn ngữ, trình độ học vấn, khả năng tiếp cận thông tin… Nhìn chung, để xác định NTD dễ bị tổn thương cần dựa trên 4 tiêu chí (i) về nhận thức, hiểu biết; (ii) về sức khỏe; (iii) về điều kiện kinh tế và (iv) về điều kiện kinh tế - xã hội nơi sinh sống. Việc minh định cơ chế pháp lý về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương là cần thiết, đảm bảo tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước trên thế giới.
Nhìn một cách tổng quan, việc nhận diện NTD dễ bị tổn thương trong pháp luật Việt Nam hiện hành có nhiều điểm tương đồng với pháp luật một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, theo định nghĩa của Cơ quan quản lý tài chính tại Anh “NTD dễ bị tổn thương là người do hoàn cảnh cá nhân khiến họ dễ bị tổn hại, đặc biệt là khi một công ty không hành động với mức độ cẩn trọng phù hợp”[4]. Theo cách định nghĩa này, tính dễ bị tổn thương không chỉ liên quan đến tình hình, hoàn cảnh cá nhân của NTD, mà còn có thể được gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bởi các hành động hoặc quy trình của công ty. Một quốc gia khác cũng trực tiếp ghi nhận cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương là Hàn Quốc. Theo đó, Luật NTD Hàn Quốc quy định: “Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ ưu tiên áp dụng các biện pháp bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người yếu, người khuyết tật và người nhập cư thông qua hôn nhân”[5]. Mặc dù không đưa ra tiêu chí cụ thể nhưng Luật NTD Hàn Quốc đã liệt kê ra những nhóm đối tượng được xem là NTD dễ bị tổn thương. Theo đó, trẻ em, người già, người khuyết tật và người nhập cư thông qua hôn nhân - có nghĩa là bất kỳ người nước ngoài nào cư trú tại Hàn Quốc đã hoặc đang có quan hệ hôn nhân với công dân Hàn Quốc[6] sẽ được áp dụng các quy định liên quan về bảo vệ NTD dễ bị tổn thương.
Bên cạnh các quốc gia nói trên, khoản 3 Điều 5 của Chỉ thị 2005/29/EC về Hành vi thương mại không lành mạnh của Liên minh Châu Âu ghi nhận “...một nhóm NTD có thể nhận dạng rõ ràng là những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi hành vi hoặc sản phẩm cơ bản do sự yếu đuối về tinh thần hoặc thể chất, tuổi tác hoặc sự cả tin của họ mà thương nhân theo một cách hợp lý có thể thấy trước được điều đó”[7]. Tại Mục 34 Phần mở đầu của Chỉ thị 2011/83/EU về Quyền của NTD quy định “...là NTD đặc biệt dễ bị tổn thương do sự yếu kém về tinh thần, thể chất hoặc tâm lý, tuổi tác hoặc sự cả tin của họ mà thương nhân theo một cách hợp lý có thể thấy trước được điều đó”[8]. Có thể thấy, pháp luật Liên minh Châu Âu mặc dù chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể về NTD dễ bị tổn thương, song trong các văn bản pháp lý về bảo vệ quyền lợi NTD đều quy định thống nhất về những đặc điểm nhận diện NTD dễ bị tổn thương trên cơ sở đặc điểm về tinh thần, thể chất hoặc tâm lý của họ.
Phù hợp tinh thần chung của pháp luật các nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam cũng xác định đối tượng NTD dễ bị tổn thương dựa trên những hạn chế cố hữu về độ tuổi, điều kiện về thể chất, tinh thần cũng như hoàn cảnh sống. Theo đó, Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2023 đã liệt kê 07 nhóm đối tượng được xác định là “dễ bị tổn thương”, cụ thể:
Một là, người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Căn cứ Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được xác định là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Mặc dù tiêu chí về độ tuổi của người cao tuổi ở các quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, đặc điểm chung của nhóm chủ thể này là sự suy giảm các chức năng cơ thể, dẫn đến việc kém nhanh nhạy, khả năng thích nghi và tự điều chỉnh cũng giảm dần theo độ tuổi. Chính vì vậy, khi tham gia vào các giao dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng, người cao tuổi thường hay gặp phải những trở ngại và bị xâm phạm quyền lợi do không tiếp cận đủ các thông tin như việc mua hàng hết hạn, mua hàng với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá thực tế hay mua phải hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đơn cử, giữa năm 2022, bằng hình thức tổ chức Chương trình “Khách đến thăm quan được tặng quà”, một hộ kinh doanh ở đường Kẻ Vẽ, Đông Ngọc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội tổ chức giới thiệu và bán nhiều sản phẩm cho người cao tuổi với giá cao: Bộ cao hắc sâm 7 triệu đồng/hộp (06 lọ nhỏ); kem đánh răng Hàn Quốc với giá 200.000/hộp; Nấm Linh chi khoảng gần 2.000.000/1 hộp... Bên cạnh tình trạng mua hàng giá cao tại các hội thảo, người cao tuổi còn dễ bị “mắc bẫy” khi mua hàng trên mạng, nhất là các trang facebook, youtube...[9].
Do đó, việc đưa người cao tuổi vào nhóm NTD dễ bị tổn thương để có cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này là phù hợp và mang tính nhân văn.
Hai là, người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Theo cách phân loại của Luật Người khuyết tật năm 2010, các dạng tật được chia ra thành khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác.
Xuất phát từ đặc điểm khiếm khuyết bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng và định kiến trong xã hội nên người khuyết tật thường bị tổn thương kép, do đó họ thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền cơ bản của mình. Vì vậy, người khuyết tật là nhóm chủ thể luôn nhận được sự quan tâm trong quá trình xây dựng pháp luật sao cho quyền lợi của họ được đảm bảo một cách tối ưu[10].
Các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội[11].
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo[12].
Ba là, trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Dưới góc độ pháp lý, trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi[13]. Về cơ bản, trẻ em là đối tượng còn non nớt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, chưa biết cách chọn lọc thông tin cũng như tự bảo vệ mình, đặc biệt khi quyền lợi của trẻ em bị xâm phạm. Đây là nhóm chủ thể chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và về mặt pháp lý vẫn cần có sự quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định, đặc biệt khi tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch trên thực tế. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc trẻ em tham gia vào các giao dịch ngày càng dễ dàng, song điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là việc thực hiện các giao dịch trên không gian mạng.
Trong đó, có rất nhiều ứng dụng, trang web mà trẻ em sử dụng để giải trí như đọc truyện, xem phim, chơi trò chơi điện tử là những nền tảng có trả phí, khiến trẻ trở thành những NTD trong môi trường thương mại điện tử. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp trẻ em tham gia vào các kênh livestream bán hàng trên mạng xã hội, hay nói cách khác thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán thông qua mạng xã hội[14].
Do đó, việc quy định trẻ em là nhóm đối tượng NTD dễ bị tổn thương là cần thiết.
Bốn là, người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc quy định “dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia[15]. Theo Thông cáo báo chí kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, toàn quốc có 82.085.729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14.123.255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Như vậy, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là 53 dân tộc trong thành phần dân tộc Việt Nam, trừ dân tộc Kinh là dân tộc đa số.
Về nguyên tắc, các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển[16]. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số nước ta phần lớn sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản của xã hội như giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Bên cạnh đó, các điều kiện về bảo đảm lương thực, nhu cầu mặc và chỗ ở an toàn vẫn còn là thách thức đối với một số vùng, nhóm dân cư do sinh sống ở các khu vực có môi trường tự nhiên không thuận lợi. “Các dân tộc có sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội”[17].
Chính vì vậy, người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật cũng được xem là nhóm NTD dễ bị tổn thương theo quy định.
Năm là, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Theo nghiên cứu chung, giới nữ có vị trí quan trọng trên bản đồ tiêu dùng của thế giới, dẫn dắt 70%-80% xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Giới nữ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng đối với phần lớn các hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, chi tiêu nhiều nhất của NTD nữ thường rơi vào các nhóm hàng hóa, dịch vụ như thực phẩm, mỹ phẩm, nhà cửa, xe cộ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, du lịch… Tại Việt Nam, nữ giới chiếm hơn một nửa dân số Việt Nam. Sơ bộ năm 2020, Việt Nam có 48.988.670 nữ giới, chiếm 50,52% dân số cả nước. Trong đó, số nữ giới từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng hơn 47% trong tổng dân số có độ tuổi trên 15. Đây là độ tuổi vàng cho tiêu dùng hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ[18].
Mặc dù là đối tượng mua sắm tiêu dùng phổ biến và chiếm tỉ lệ cao hơn so với nam giới song phụ nữ thường có xu hướng là bên yếu thế trong các giao dịch mua bán, đặc biệt là những đối tượng là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, phụ nữ có xu hướng thay đổi về tâm sinh lý, trở nên nhạy cảm hơn, đồng thời do những hạn chế về khả năng di chuyển, đi lại hoặc thậm chí có những khó khăn về tài chính, thế nên họ không tránh khỏi sự bất lợi hơn trong việc thực hiện quyền của NTD, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ của mẹ mà còn ảnh hưởng thai nhi. Do đó, việc đưa đối tượng là “phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi” vào nhóm NTD dễ bị tổn thương là điều cần thiết.
Sáu là, người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, chưa có văn bản quy định thống nhất thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo. Để xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo thì có thể căn cứ vào các văn bản như (i) Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong Nghị định này mặc dù không định nghĩa thế nào là bệnh hiểm nghèo nhưng đã liệt kê 42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo, ví dụ như bệnh ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, suy thận, mù hai mắt… (ii) Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao. (iii) Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm các bệnh ung thư, các bệnh hệ thần kinh; các bệnh về gan; các bệnh hệ tiết niệu; các bệnh chuyển hóa; các bệnh hệ hô hấp; các bệnh hệ tuần hoàn; các bệnh hệ cơ, xương, khớp; hội chứng suy giảm miễn dịch. Do vậy, để xác định chủ thể nào thuộc đối tượng “người bị bệnh hiểm nghèo” thì tùy từng trường hợp có thể áp dụng các quy định nêu trên.
Việc đưa các chủ thể là “người bị bệnh hiểm nghèo” vào nhóm NTD dễ bị tổn thương là có căn cứ, bởi lẽ đây là đối tượng ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, họ còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, về tinh thần, họ dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do vậy cần phải bảo vệ nhóm đối tượng này.
Bảy là, thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Hộ nghèo là những hộ gia đình có thu nhập dưới mức chuẩn nghèo[19] quốc gia, được xác định theo tiêu chí thu nhập và tiếp cận đa chiều. Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, căn cứ để xác định hộ nghèo là dựa vào tiêu chí thu nhập và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và có sự phân biệt các tiêu chí này giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị[20]. Theo đó, ở khu vực nông thôn, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Ở khu vực thành thị thì hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương là phù hợp, vì người nghèo còn được xem là dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật phát sinh, sức khỏe, thu nhập bị giảm, sự đối xử bất công, hoặc lời nói xem thường của người bán đối với họ khi đi mua hàng hóa, dịch vụ[21].
Tóm lại, tại Việt Nam, nhóm NTD dễ bị tổn thương được nhà làm luật xây dựng theo hướng liệt kê dựa trên các đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Cách thức quy định như hiện nay giúp dễ dàng trong việc xác định đối tượng nào thuộc nhóm NTD dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc liệt kê như trên có thể “bỏ sót” hoặc “không dự liệu một cách đầy đủ” các nhóm đối tượng NTD dễ bị tổn thương trong tương lai. Chính vì vậy, để hoàn thiện quy định về việc nhận diện NTD dễ bị tổn thương trên thực tế, chế định này cần được tiếp cận theo hướng linh hoạt hơn để có thể áp dụng các cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này cho những trường hợp ngoại lệ. Theo đó, nhóm tác giả kiến nghị cần bổ sung thêm quy định mang tính mở, liệt kê thêm đối tượng được xác định là NTD dễ bị tổn thương như “NTD khác có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật khác có liên quan” trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVQLNTD như đã đề xuất nhằm giúp cho quyền của NTD dễ bị tổn thương được đảm bảo linh hoạt và toàn diện bằng pháp luật.
Song song đó, để quyền lợi của NTD dễ bị tổn thương được thực thi trên thực tế thì họ cần có các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình thuộc nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, hiện nay Luật chưa quy định cụ thể các văn bản này bao gồm các loại giấy tờ nào. Để xác định từng đối tượng NTD dễ bị tổn thương trên thực tế cần tham chiếu các quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Người khuyết tật năm 2010… thậm chí có những đối tượng như “người bị bệnh hiểm nghèo” khi xác định cần phải tham chiếu đến nhiều hơn hai văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, tác giả đề xuất trong thời gian tới cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về các giấy tờ, tài liệu chứng minh để quyền lợi của nhóm chủ thể này không bị xâm phạm cũng như có văn bản hướng dẫn về việc lựa chọn văn bản pháp luật tham chiếu phù hợp để đảm bảo sự thống nhất trên thực tiễn và áp dụng đồng đều giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện các giao dịch với NTD dễ bị tổn thương. Cụ thể, tác giả cho rằng Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn Luật BVQLNTD năm 2023 và trong văn bản này minh định cụ thể cách nhận diện đối tượng là NTD dễ bị tổn thương.
3. Cách thức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Luật BVQLNTD năm 2023 quy định cụ thể các quyền của NTD khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ[22] như được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật…
Như đã phân tích, về nguyên tắc, NTD dễ bị tổn thương cũng là NTD, do đó, họ cũng được đảm bảo có các quyền cơ bản của NTD nói chung. Tuy nhiên, do mang trong mình những yếu tố, đặc điểm, hoàn cảnh bất lợi hơn nên so với NTD thông thường, NTD dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ quyền lợi hơn trong một số trường hợp, cụ thể như sau[23]:
Thứ nhất, được bảo đảm các quyền của NTD theo quy định của Luật BVQLNTD và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh các quyền cơ bản được áp dụng cho NTD nói chung, nhóm NTD dễ bị tổn thương còn được đảm bảo các quyền và chính sách ưu tiên theo quy định của pháp luật liên quan như quyền ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật người cao tuổi năm 2009[24] đối với NTD dễ bị tổn thương là người cao tuổi. Theo đó, người cao tuổi được giảm ít nhất mười lăm phần trăm (15%) giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách[25]; hay quyền được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng hoặc được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đối với người khuyết tật[26]…
Thứ hai, được tổ chức, cá nhân kinh doanh ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của NTD cho bên thứ ba giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.
Đối với NTD nói chung, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, NTD có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức xã hội đại diện hợp pháp để yêu cầu bảo vệ quyền lợi và bồi thường thiệt hại thông qua các phương thức như thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc toà án[27]. Quyền này cũng được áp dụng cho cả NTD dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, với tính chất “dễ bị tổn thương” nên so với NTD nói chung, khi nhận được các yêu cầu về giải quyết tranh chấp hay yêu cầu bồi thường của NTD dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của NTD cho bên thứ ba giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định[28].
NTD dễ bị tổn thương được ưu tiên hơn so với NTD nói chung trong việc được tiếp nhận, xử lý các yêu cầu bởi lẽ, bản thân nhóm chủ thể này đã có những bất lợi, thiệt thòi và khả năng tự bảo vệ mình cũng không bằng NTD thông thường. Do đó, quy định này không chỉ phù hợp, mang tính nhân văn mà còn giúp tăng khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm chủ thể đặc biệt này.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hay đưa ra các tiêu chí để xác định như thế nào được xem là “ưu tiên hơn” khi tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của nhóm đối tượng này so với NTD nói chung. Do vậy, sẽ rất khó trong việc xác định liệu tổ chức, cá nhân kinh doanh có tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc ưu tiên tiếp nhận, xử lý các yêu cầu giải quyết, khiếu nại của NTD dễ bị tổn thương trên thực tiễn hay không. Vì vậy, nhóm tác giả kiến nghị, trong tương lai cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định này, như đưa ra các tiêu chí mang tính định lượng về thời gian tiếp nhận, xử lý; cách thức tiếp nhận, phản hồi các yêu cầu này cho NTD dễ bị tổn thương, … để quyền lợi của nhóm đối tượng này được bảo vệ một cách toàn diện hơn.
Thứ ba, được tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của NTD theo quy định.
Như đã phân tích, NTD dễ bị tổn thương được ưu tiên trong việc tiếp nhận, xử lý các yêu cầu khi nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh từ chối giải quyết yêu cầu của nhóm chủ thể này thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chính vì vậy, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh chậm hoặc từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định cho nhóm đối tượng này. Quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cho NTD dễ bị tổn thương, mà còn tăng tính chủ động và trách nhiệm của tổ chức, cá kinh doanh khi thực hiện các giao dịch với các chủ thể đặc biệt này.
Thứ tư, được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu và hướng dẫn cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xử lý, tiếp nhận yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương, Luật BVQLNTD năm 2023 còn quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước nói chung trong việc đảm bảo quyền lợi của nhóm đối tượng này[29]. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phải bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương và hướng dẫn NTD dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền này còn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm quy định phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nghĩa là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền một mặt phải đảm bảo việc ưu tiên tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý yêu cầu của NTD dễ bị tổn thương; mặt khác phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh không tuân thủ quy định khi giải quyết yêu cầu cho NTD dễ bị tổn thương. Bởi lẽ, trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh, NTD nói chung, NTD dễ bị tổn thương nói riêng thường là bên yếu thế và có ít cơ hội để đàm phán, thương lượng. Chính vì vậy, sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này sẽ giúp ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trong một chừng mực nhất định tạo ra thế cân bằng trong giao dịch giữa các bên chủ thể. Xu thế này khá tương đồng với pháp luật các quốc gia trên thế giới, cụ thể:
Khác với luật dân sự chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và nhà nước hầu như không can thiệp vào quá trình thực thi, luật bảo vệ NTD của Pháp và EU ghi nhận sự can thiệp khá mạnh của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền của NTD được tôn trọng trên thực tế[30].
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Các cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo quyền lợi của NTD có thể kể đến như Bộ Công Thương – là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD; Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực được phân công quản lý, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương[31]. Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD còn có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội… Có thể thấy, ngoài việc can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo quyền của NTD còn có việc tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác. Điều này cho thấy sự phù hợp với nguyên tắc bảo vệ NTD là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội[32]. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ dừng lại ở việc minh thị trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NTD nói chung mà chưa quy định một cơ quan chuyên biệt, cụ thể nào để chịu trách nhiệm trong việc giám sát việc thi hành các quy định liên quan đến cơ chế bảo vệ NTD dễ bị tổn thương. Do đó, nhóm tác giả kiến nghị cần quy định một cơ quan, tổ chức chuyên trách để bảo vệ riêng nhóm đối tượng là NTD dễ bị tổn thương để khi phát sinh các vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ có thể tìm đến trực tiếp các cơ quan, tổ chức chuyên trách này.
Cũng cần lưu ý rằng, để có cơ sở nhận diện chính xác NTD dễ bị tổn thương, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng này cũng như đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các quy định trên, Luật cũng quy định khi NTD dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ thì cần kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là NTD dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Tương đồng với cơ chế ưu tiên bảo vệ quyền lợi đối với NTD dễ bị tổn thương trong pháp luật một số quốc gia[33], Luật BVQLNTD năm 2023 minh định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với nhóm đối tượng này. Theo đó, ngoài các trách nhiệm chung đối với NTD thông thường như bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho NTD[34]; bảo vệ thông tin, xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin của NTD[35]; cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho NTD[36]; bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện[37]; bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra[38]… tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tham gia giao dịch với nhóm đối tượng NTD dễ bị tổn thương còn phải có các trách nhiệm như sau:
Một là, bảo đảm việc thực hiện quyền của NTD dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong những trách nhiệm cơ bản của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện các giao dịch mua bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho NTD dễ bị tổn thương. Đảm bảo việc thực hiện quyền của nhóm đối tượng này được hiểu là họ được tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ, được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, được đối xử và tham gia vào các giao dịch một cách bình đẳng, được đảm bảo thực hiện việc khiếu nại hay được bồi thường thiệt hại khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm. Bên cạnh đó, NTD dễ bị tổn thương còn được hưởng các quyền và chính sách ưu tiên theo quy định của pháp luật như được ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu khiếu nại, bồi thường, được áp dụng các chính sách giảm giá tương ứng với từng đối tượng cụ thể… Do đó, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh giao dịch với nhóm đối tượng này còn phải đảm bảo việc thực hiện các quyền và chính sách ưu tiên này của họ.
Việc bảo vệ quyền lợi của NTD nói chung, NTD dễ bị tổn thương nói riêng được quan tâm và chú trọng, điều này được thể hiện qua cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD được dự liệu trong nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đây có thể thấy, đảm bảo việc thực hiện quyền của NTD dễ bị tổn thương không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của xã hội nói chung mà còn là trách nhiệm của chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh – chủ thể trực tiếp thực hiện giao dịch với nhóm đối tượng này.
Hai là, chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của NTD trong quá trình thực hiện giao dịch.
Trong quan hệ giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh, NTD dễ bị tổn thương không chỉ đứng ở thế yếu, chịu nhiều thiệt thòi như không tiếp cận đầy đủ các thông tin về sản phẩm… mà còn thường bị phân biệt đối xử do những đặc điểm, hoàn cảnh đặc biệt mà họ có như khiếm khuyết các bộ phận của cơ thể, về tuổi tác, về hoàn cảnh… Chính vì vậy, quyền lợi của nhóm chủ thể này thường xuyên bị xâm phạm, khiến họ không thực hiện được các quyền cơ bản của mình. Có thể kể đến như câu chuyện của “một người khuyết tật đi xe lăn bị nhân viên từ chối cho lên xe buýt trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) diễn ra thời gian gần đây đã làm dậy sóng mạng xã hội”[39], hay như việc “mời mọc người già đi dự sự kiện, tham gia hội thảo để tặng quà... nhưng thực chất là lừa đảo bán hàng với giá “cắt cổ””[40]. Nguyên nhân của những sự việc trên thường là sợ phiền phức, tốn thời gian, công sức khi giao dịch với những chủ thể đặc biệt này, mặt khác lại vì tâm lý muốn kiếm lợi nhuận, bán được nhiều hàng hoá, sản phẩm, vì vậy mà nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã lợi dụng chính những đặc điểm, yếu tố dễ bị tổn thương của NTD để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, việc Luật BVQLNTD năm 2023 quy định một cách minh thị về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh không được kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của NTD trong quá trình thực hiện giao dịch là hợp lý, mang tính nhân văn, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể đặc biệt này.
Ba là, không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của NTD dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán.
Đây là quy định mới, thể hiện rõ nét sự bình đẳng và tính nhân văn trong quá trình bảo vệ quyền lợi của nhóm chủ thể dễ bị tổn thương này. Như đã đề cập, các đối tượng thuộc nhóm NTD dễ bị tổn thương là những chủ thể có hoàn cảnh, đặc điểm khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Cũng chính những yếu tố trên khiến cho các chủ thể thuộc nhóm đặc biệt này có sự khác biệt nhất định về phong tục, tập quán, về tiếng nói, chữ viết so với người NTD nói chung. Sự khác biệt này gây khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được từ chối giải quyết yêu cầu của họ vì những khác biệt đó. Bởi lẽ, nhóm chủ thể này vốn đã là bên yếu thế trong các giao dịch, lại thêm những yếu tố đặc biệt khiến cho họ bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, quy định này góp phần bảo về quyền lợi chính đáng của NTD dễ bị tổn thương cũng như nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hơn khi họ tham gia mua bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho nhóm chủ thể này.
Bốn là, xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp của nhóm đối tượng này và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó.
Có thể thấy, việc bảo vệ quyền lợi của NTD nói chung, NTD dễ bị tổn thương nói riêng không chỉ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà vai trò của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong công cuộc này giữ một vị trí khá quan trọng. Bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh này là những chủ thể trực tiếp giao dịch cũng như tác động đến quyền lợi của NTD. Do đó, hơn ai hết, các chủ thể kinh doanh này phải là người biết luật, hiểu luật và thực thi đúng các quy định của pháp luật. Muốn làm được điều này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xây dựng các quy trình, trình tự cụ thể, phù hợp với ngành nghề và văn hoá của doanh nghiệp mình, đặc biệt các quy định về giải quyết khiếu nại, tranh chấp với NTD dễ bị tổn thương. Đồng thời, phải phổ biến, tập huấn cũng như đào tạo cho nhân viên, cho người lao động của mình biết những quy định này, từ đó việc thực thi các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của nhóm NTD dễ bị tổn thương mới mang lại hiệu quả.
Một số ví dụ hết sức đơn giản như khiếu nại về bảo hành mà không có giấy bảo hành, thói quen không yêu cầu hoá đơn/biên nhận khi mua bán, sử dụng hàng hoá và dịch vụ… Hơn nữa, “NTD còn có tâm lý e ngại các thủ tục pháp lý và các chi phí khi khởi kiện ra tòa dân sự do thủ tục kiện tụng kéo dài cũng như những chi phí cho việc theo đuổi vụ kiện cũng làm nản lòng người khiếu kiện”[41].
Nhìn chung, quy định của Luật BVQLNTD năm 2023 về phương thức giải quyết tranh chấp có sự kế thừa của văn bản pháp lý trước đây, theo đó gồm có 4 phương thức là thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án. Tuy nhiên, luật hiện hành cũng có những điểm mang tính đột phá, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong việc áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Cụ thể, sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản”[42] thành “thủ tục rút gọn”[43]. Việc sửa đổi này là hoàn toàn phù hợp, thể hiện sự thống nhất giữa Luật BVQLNTD và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Việc quy định thống nhất sẽ tạo căn cứ pháp lý để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa NTD và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi NTD khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí[44]. Đặc biệt, đối với trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được miễn tạm ứng án phí, án phí dân sự[45]. Ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh, ngoài thực hiện theo hình thức trực tiếp, còn có thể thực hiện theo phương thức trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan[46]. Một điểm đáng chú ý khi thực hiện giải quyết các khiếu nại, tranh chấp của NTD dễ bị tổn thương, như đã phân tích, đó là tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và giải quyết các yêu cầu này. Việc bổ sung các quy định trên giúp tăng thêm quyền của các chủ thể liên quan trong việc áp dụng các phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong bối cảnh các chủ thể có sự xa cách về mặt địa lý hoặc vì lý do dịch bệnh, sức khỏe…
Cũng cần lưu ý, đối với quy định về việc xây dựng, cập nhật, công khai cho NTD dễ bị tổn thương các nội dung về việc bảo vệ quyền lợi, các biện pháp, cơ chế, trình tự, thủ tục để đảm bảo quyền của nhóm đối tượng này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung này không áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu như những doanh nghiệp này thực hiện các giao dịch đặc thù như giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp theo quy định tại Chương III của Luật BVQLNTD năm 2023 thì vẫn phải thực hiện các trách nhiệm này.
5. Kết luận
Luật BVQLNTD năm 2023 được ban hành trên cơ sở kế thừa, phát triển và khắc phục những bất cập, hạn chế từ Luật BVQLNTD năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành và điều này đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, quy định về NTD dễ bị tổn thương là một điểm mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời, bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa NTD nói chung, NTD dễ bị tổn thương nói riêng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp không chỉ của NTD mà còn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Do vậy, để Luật BVQLNTD đi vào đời sống, ngoài những kiến nghị đã đề cập, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để bảo đảm mọi chủ thể đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã dự kiến một số hình thức triển khai, trong đó xác định hình thức tập trung chính, xuyên suốt là việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo ra nội dung, cách thức tuyên truyền chất lượng và đáng tin cậy, dễ tiếp cận về Luật BVQLNTD (sửa đổi) nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi NTD nói chung. Thông qua định hướng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tin tưởng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ tiếp tục được phát huy[47].
Có thể thấy, từ khi Luật BVQLNTD năm 2023 được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên. “Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương (kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-BCT ngày 17/10/2023) thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVQLNTD”[48]. Trong năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023” với đối tượng tham gia là cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước.
Thật vậy, muốn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NTD nói chung, NTD dễ bị tổn thương nói riêng thì trước tiên bản thân họ phải nắm luật, phải biết được các quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NTD, của tổ chức, cá nhân kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệu Bảo, Bảo vệ người dùng trẻ em trên nền tảng trả phí, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, (12/03/2023 08:33), https://baophapluat.vn/bao-ve-nguoi-dung-tre-em-tren-nen-tang-tra-phi-post469111.html.
2. Bộ Tài liệu giới thiệu Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ Bộ Công thương Việt Nam phối hợp thực hiện, Quyển 1 – Phạm vi điều chỉnh, đối tượng, giải thích từ ngữ, 4 (2012).
3. BỘ TƯ PHÁP – VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ, XU HƯỚNG MỚI VỀ QUYỀN CON NGƯỜI: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, (2021).
4. M. Neil Browne, Kerin Bischoff Clapp, Nancy K. Kubasek, Lauren Biksacky, Protecting consumers from themselves: Consumer Law and the vulnerable consumer, Drake Law Review Vol.63 (2015).
5. Vân Chi, Triển khai rộng khắp các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tạp chí kinh tế và dự báo, (21:50 | 20/12/2023), https://kinhtevadubao.vn/trien-khai-rong-khap-cac-hoat-dong-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-27862.html
6. Nguyễn Hữu Huyên, Kinh nghiệm pháp luật của Pháp và EU về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp, (06/07/2017), https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1210.
7. KHOA LUẬT – ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI, NXB. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, (2011).
8. Vũ Khuê, Người tiêu dùng nữ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, (08/12/2024), https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-nu-se-duoc-bao-ve-quyen-loi-tot-hon.htm
9. Đinh Thị Mỹ Loan, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, Tạp chí Cộng Sản, (13:47, 12-02-2007), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2801/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung%2C-nhin-tu-goc-do-quan-ly-nha-nuoc.aspx
10.Phạm Thu Ngân, Song Mai, Phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử lý như thế nào?, Báo Thanh niên, (12/04/2021 10:00), https://thanhnien.vn/phan-biet-doi-xu-voi-nguoi-khuyet-tat-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-1851055260.htm.
11.MN, Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của người cao tuổi, Tạp chí Công nghiệp và tiêu dùng, (26-09-2023), https://congnghieptieudung.vn/bao-ve-quyen-loi-tieu-dung-cua-nguoi-cao-tuoi-dt44222.
12.Trương Hồng Quang, Dương Thu Hương, Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí dân chủ và pháp luật, (06/04/2023), https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-tai-viet-nam-hien-nay.
13.Phạm Thanh Sơn, Võ Quang Trung, Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của người khuyết tật, Tạp chí Xây dựng Đảng, (31/5/2023 21:59), https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/hoan-thien-phap-luat-bao-dam-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-19142
14.Nguyễn Lâm Thành, Quản lý phát triển xã hội vùng dân tộc và dân tộc thiểu số ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5 (2018).
15.Anh Thư, Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến, Tạp chí điện tử Quản lý thị trường, (16/02/2024 15:20), https://qltt.vn/nang-cao-hieu-qua-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-cac-giao-dich-truc-tuyen-98064.html
16.Mỹ Trang, Chiêu trò “hội thảo - bán hàng”, “giăng bẫy” người cao tuổi, Báo VOV2, (6:11, 15/04/2022), https://vov2.vov.vn/nguoi-cao-tuoi/chieu-tro-hoi-thao-ban-hang-giang-bay-nguoi-cao-tuoi-33687.vov2.
17.Nguyễn Kiên Bích Tuyền, Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (2022).
18.Hiến pháp 2013.
19.Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12, ngày 23 tháng 11 năm 2009.
20.Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, ngày 17 tháng 6 năm 2010.
21.Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016.
22.Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15, ngày 20 tháng 6 năm 2023.
23.Hàn Quốc, Luật Người tiêu dùng số 20301, ngày 13/2/2024, https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?lang=ENG&hseq=68532.
24.Pháp lệnh Bảo vệ Người tiêu dùng số 13/1999/PL-UBTVQH10, ngày 27 tháng 4 năm 1999.
25.Liên minh Châu Âu, Chỉ thị 2005/29/EC về Hành vi thương mại không lành mạnh, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A32005L0029.
26.Liên minh Châu Âu, Chỉ thị 2011/83/EU về Quyền của người tiêu dùng, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32011L0083&qid=1733433032750.
27.Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 quy định về công tác dân tộc.
28.Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
29.Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về hướng dẫn mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
* ThS Nguyễn Thị Thanh Mai, Giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng. Duyệt đăng 26/1/2025. Email: nguyenthithanhmai@tdtu.edu.vn
** ThS Ngô Thanh Tùng, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, thành phố Hồ Chí Minh. Email: nktung@hcmulaw.edu.vn
[1] BỘ TƯ PHÁP – VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ, XU HƯỚNG MỚI VỀ QUYỀN CON NGƯỜI: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 77 (2021).
[2] Bộ Tài liệu giới thiệu Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ Bộ Công thương Việt Nam phối hợp thực hiện, Quyển 1 – Phạm vi điều chỉnh, đối tượng, giải thích từ ngữ, 4 (2012).
[3] KHOA LUẬT – ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI, NXB. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 229 (2011).
[4] Consumer Vulnerability, Financial Conduct Authority Occasional Paper No.8/2015, tr. 20.
[5] Hàn Quốc, Luật Người tiêu dùng số 20301, ngày 13/2/2024, Điều 45, https://elaw.klri.re.kr/eng_service/ lawView.do?lang=ENG&hseq=68532, truy cập ngày 11/11/2024.
[6] Hàn Quốc, Luật Người tiêu dùng số 20301, ngày 13/2/2024, Khoản 3 Điều 2, https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?lang=ENG&hseq=68532, truy cập ngày 11/11/2024.
[7] Liên minh Châu Âu, Chỉ thị 2005/29/EC về Hành vi thương mại không lành mạnh, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A32005L0029, truy cập ngày 11/11/2024.
[8] Liên minh Châu Âu, Chỉ thị 2011/83/EU về Quyền của người tiêu dùng, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32011L0083&qid=1733433032750, truy cập ngày 11/11/2024.
[9] MN, Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của người cao tuổi, Tạp chí Công nghiệp và tiêu dùng, (26-09-2023), https://congnghieptieudung.vn/bao-ve-quyen-loi-tieu-dung-cua-nguoi-cao-tuoi-dt44222.
[10] Theo đó, việc đảm bảo quyền của người khuyết tật được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia như Tuyên bố về quyền của người khuyết tật năm 1975; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007; Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; …
[11] Trương Hồng Quang, Dương Thu Hương, Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí dân chủ và pháp luật, (06/04/2023), https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-tai-viet-nam-hien-nay.
[12] Phạm Thanh Sơn, Võ Quang Trung, Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của người khuyết tật, Tạp chí Xây dựng Đảng, (31/5/2023 21:59), https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/hoan-thien-phap-luat-bao-dam-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-19142.
[13] Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016, chương 1 Điều 1.
[14] Diệu Bảo, Bảo vệ người dùng trẻ em trên nền tảng trả phí, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, (12/03/2023 08:33), https://baophapluat.vn/bao-ve-nguoi-dung-tre-em-tren-nen-tang-tra-phi-post469111.html.
[15] Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 quy định về công tác dân tộc, chương 1 Điều 4 khoản 3.
[16] Hiến pháp 2013, Điều 5.
[17] Nguyễn Lâm Thành, Quản lý phát triển xã hội vùng dân tộc và dân tộc thiểu số ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5, 33, 35 (2018).
[18] Vũ Khuê, Người tiêu dùng nữ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, (08/12/2024), https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-nu-se-duoc-bao-ve-quyen-loi-tot-hon.htm.
[19] Chuẩn nghèo là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác.
[20] Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Điều 3.
[21] Nguyễn Kiên Bích Tuyền, Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11, 18, 21 (2022).
[22] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15, ngày 20 tháng 6 năm 2023, chương 1 Điều 4.
[23] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 1 Điều 8 khoản 2.
[24] Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12, ngày 23 tháng 11 năm 2009, chương 1 Điều 3.
[25] Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, chương 1 Điều 5 khoản 1.
[26] Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, ngày 17 tháng 6 năm 2010, chương 1 Điều 41 khoản 3, 4.
[27] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 5 Điều 54 khoản 1.
[28] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 1 Điều 8 khoản 2 điểm c.
[29] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 1 Điều 8 khoản 2 điểm đ, e.
[30] Nguyễn Hữu Huyên, Kinh nghiệm pháp luật của Pháp và EU về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp (06/07/2017), https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1210.
[31] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 6 Điều 74.
[32] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 1 Điều 6, khoản 1.
[33] Cơ chế ưu tiên bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương này cũng được đề cập trong Bộ quy tắc đạo đức của Hiệp hội Công tác xã hội Quốc gia Hoa Kỳ, theo đó nhiệm vụ chính của Hiệp hội công tác xã hội là nâng cao phúc lợi của con người và giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người, đặc biệt chú ý đến nhu cầu và quyền lợi cho những người dễ bị tổn thương, bị áp bức và sống trong cảnh nghèo đói (M. Neil Browne, Kerin Bischoff Clapp, Nancy K. Kubasek, Lauren Biksacky, Protecting consumers from themselves: Consumer Law and the vulnerable consumer, Drake Law Review Vol.63, 157, 179 (2015).
[34] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 2 Điều 14.
[35] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 2 Điều 15, Điều 16.
[36] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 2 Điều 21.
[37] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 2 Điều 30.
[38] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 2 Điều 34.
[39] Phạm Thu Ngân, Song Mai, Phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử lý như thế nào?, Báo Thanh niên, (12/04/2021),https://thanhnien.vn/phan-biet-doi-xu-voi-nguoi-khuyet-tat-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-1851055260.htm.
[40] Mỹ Trang, Chiêu trò “hội thảo - bán hàng”, “giăng bẫy” người cao tuổi, Báo VOV2, (6:11, 15/04/2022), https://vov2.vov.vn/nguoi-cao-tuoi/chieu-tro-hoi-thao-ban-hang-giang-bay-nguoi-cao-tuoi-33687.vov2.
[41] Đinh Thị Mỹ Loan, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, Tạp chí Cộng Sản, (13:47, 12-02-2007), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2801/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung%2C-nhin-tu-goc-do-quan-ly-nha-nuoc.aspx.
[42] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, chương 4 Điều 41 khoản 2.
[43] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 5 Điều 70 khoản 2, 3.
[44] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 5 Điều 71.
[45] Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về hướng dẫn mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, Điều 12 khoản 1.
[46] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chương 5 Điều 54 khoản 3.
[47] Anh Thư, Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến, Tạp chí điện tử Quản lý thị trường, (16/02/2024 15:20), https://qltt.vn/nang-cao-hieu-qua-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-cac-giao-dich-truc-tuyen-98064.html.
[48] Vân Chi, Triển khai rộng khắp các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tạp chí kinh tế và dự báo, (21:50 | 20/12/2023), https://kinhtevadubao.vn/trien-khai-rong-khap-cac-hoat-dong-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-27862.html.