Nghiên cứu lý luận

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Đặng Phước Thông, Nguyễn Đăng Long, Phan Đặng Hiếu Thuận Thứ sáu, 01/11/2024 - 12:06
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Trong Bài viết này, nhóm tác giả sẽ nghiên cứu 04 vấn đề gồm: (i) Thành phần thông tin tiền hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị giao kết hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện việc cung cấp cho người tiêu dùng; (ii) Hình thức thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu; (iii) Thời hạn để người tiêu dùng nghiên cứu các thành phần thông tin về hợp đồng theo mẫu do bên đề nghi giao kết cung cấp; (iv) Hệ quả khi bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Đồng thời tác giả cũng tìm hiểu kinh nghiệm quy định của một số nước như: Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Đức, từ đó nhóm tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định của Việt Nam.

Từ khoá: nghĩa vụ cung cấp thông tin, tiền hợp đồng, hợp đồng theo mẫu, người tiêu dùng

Abstract: In this article, the authors will study 4 issues including: (i) Components of pre-contractual information according to the model that the party proposing to enter into a contract is obliged to provide to consumers; (ii) Form of performing the obligation to provide pre-contractual information according to the model; (iii) Time limit for consumers to study the components of information about the model contract provided by the party proposing to enter into a contract; (iv) Consequences when the party proposing to enter into a contract according to the model violates the obligation to provide information. At the same time, the authors also study the regulatory experience of some countries such as: France, the Netherlands, Taiwan, Germany, from which the authors propose to improve the regulations of Vietnam.

Keywords: obligation to provide information, pre-contract, standard contract, consumer

Đặt vấn đề

Tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng theo mẫu (HĐTM) được định nghĩa là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý. Khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Thực tế hiện nay, việc sửa dụng HĐTM trong giao kết trở nên phổ biến và thường xuyên. Nguyên nhân là do mở rộng mạng lưới thương mại điện tử ở Việt Nam trong cả hai lĩnh vực bán lẻ truyền thống và hiện đại, [1] các giao dịch trực tuyến từ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tới liên danh, liên doanh… ngày càng gia tăng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều thách thức mới về quan hệ pháp lý về sử dụng HĐTM vào việc giao kết. Vì vậy, việc nghiên cứu quy định về các nghĩa vụ tiền hợp đồng của bên đưa ra HĐTM để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2010 sửa đổi năm 2018 và gần đây nhất là Luật BVQLNTD năm 2023 được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) và các luật khác có liên quan là cần thiết.

Giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn bắt đầu từ việc một bên thể hiện ý định muốn xác lập một hợp đồng đến khi hợp đồng được giao kết.[2] Theo đó, trước khi hợp đồng được giao kết với người tiêu dùng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải tuân thủ pháp luật về thực hiện một số nghĩa vụ tiền hợp đồng và chịu chế tài khi không thực hiện nghĩa vụ đó. Cụ thể, bên đưa ra hợp đồng theo mẫu (thương nhân) phải làm rõ những nội dung như: (i) Thành phần thông tin tiền hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị giao kết hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện việc cung cấp cho người tiêu dùng; (ii) Hình thức thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu; (iii) Thời hạn để người tiêu dùng nghiên cứu các thành phần thông tin về hợp đồng theo mẫu do bên đề nghi giao kết cung cấp; (iv) Hệ quả khi bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Trong bài nghiên cứu dưới đây, tác giả sẽ làm sáng tỏ vấn đề đã đề cập..

1. Thành phần thông tin tiền hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị giao kết hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện việc cung cấp cho người tiêu dùng

Tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có ghi nhận nguyên tắc là “Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng”, theo quy định này thì “những nội dung của hợp đồng” chính là thành phần thông tin mà bên đưa ra hợp đồng theo mẫu (HĐTM) có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, câu hỏi thứ nhất đặt ra là “những nội dung của hợp đồng” theo mẫu cung cấp cho NTD bao gồm những thông tin gì? Có thể thấy là BLDS năm 2015 không quy định rõ các thành phần thông tin cụ thể nào trong HĐTM thương nhân buộc phải cung cấp cho NTD. Câu hỏi thứ hai là: đối với các thông tin ngoài nội dung HĐTM nhưng có liên quan đến giao dịch với NTD thì có phải cung cấp hay không? Câu trả lời cho vấn đề này hiện cũng không rõ trong BLDS năm 2015. Trong khoa học pháp lý, có quan điểm cho rằng ngoài phạm vi cung cấp nội dung HĐTM cần mở rộng đối tượng của thông tin mà bên đề nghị có nghĩa vụ cung cấp.[3] BLDS năm 2015 cũng sử dụng nhiều cụm từ ngữ diễn đạt yêu cầu về cung cấp thông tin ngoài nội dung HĐTM nhử: (i) thông tin ảnh hưởng đến chấp nhận giao kết (ii) thông tin ảnh hưởng đến đến quyết định giao kết hoặc không giao kết hợp đồng các bên;[4] (iii) thông tin không cung cấp dẫn đến không đạt được mục đích hợp đồng;[5] (iv) thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó (Điều 443 BLDS năm 2015).

Nghiên cứu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2023, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 tới, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho hai câu hỏi nêu trên. Cụ thể, tại Điều 21 Luật BVQLNTD năm 2023 có bước tiến lớn trong việc quy định các thành phần thông tin mà bên đề nghị giao kết hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện việc cung cấp cho NTD nói chung và đối với thông tin tiền HĐTM cần phải cung cấp nói riêng. Tuy nhiên, ngoài Điều 21 thì vẫn còn có các điều khoản khác nằm rải rác trong Luật BVQLNTD năm 2023 điều chỉnh đối với chủ thể không phải là bên kinh doanh (như bên thứ ba, bên trung gian, hay người có ảnh hưởng) cũng có nghĩa vụ cung cấp các thành phần thông tin cụ thể cho NTD.

Theo Luật BVQLNTD năm 2023, tác giả tập hợp các thành phần thông tin mà bên đưa ra đề nghị giao kết HĐTM có nghĩa vụ cung cấp cho NTD theo 04 nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất, thông tin hướng đến gắn liền với quan hệ nhân thân của bên giao dịch với NTD, là thông tin về “tổ chức, cá nhân kinh doanh” (khoản 2 Điều 4; điểm b khoản 1 Điều 21).

Nhóm thứ hai, thông tin hướng đến gắn liền với uy tín của đối tượng giao dịch và bên giao dịch với NTD, gồm: thông tin về “nhận xét, đánh giá của NTD về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh (nếu có)” (điểm c khoản 1 Điều 21); chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có) (điểm a khoản 1 Điều 22 áp dụng cho bên thứ 3).

Nhóm thứ ba, thông tin hướng đến gắn liền với đặc tính của đối tượng giao dịch với NTD, gồm: (i) thông tin về “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,” (khoản 2 Điều 4, điểm c, khoản 1 Điều 9; điểm a khoản 1 Điều 22 áp dụng cho bên thứ 3), mà cụ thể hơn là: thông tin về “nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ” (khoản 2 Điều 4); (ii) thông tin về “thực hiện ghi nhãn hàng hóa bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 21); (iii) thông tin về “khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của sản phẩm, hàng hóa” (khoản 4 Điều 21); (iv) thông tin về “hướng dẫn sử dụng; chính sách bảo hành” (khoản 5 Điều 21); (vi) thông tin về “thành phần, chức năng, lợi ích khác biệt đối với sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, dịch vụ được cung cấp dành riêng cho từng giới tính” (khoản 6 Điều 21); (vii) thông tin về “đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng,…” (điểm a khoản 1 Điều 21).

Nhóm thứ thứ tư, thông tin hướng gắn liền với nội dung và hình thức của giao dịch với NTD, gồm: (i) thông tin về “…, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán” (điểm a khoản 1 Điều 21); (ii) thông tin về “HĐTM, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch” (khoản 7 Điều 21), với các nội dung cơ bản phải có trong HĐTM liệt kê theo khoản 3 Điều 23, phải được cung cấp cho NTD “chính xác, đầy đủ” (khoản 7 Điều 21); (iii) thông tin về “hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch” (khoản 2 Điều 4); (iv) thông tin về “niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá” (khoản 3 Điều 21), và cũng tại điểm c khoản 3, Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định HĐTM phải có nội dung về giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho NTD, là “c) …, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu pháp luật có quy định phải công khai cấu thành giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.”

Hiện nay, Luật BVQLNTD năm 2023 quy định đầy đủ hơn, chi tiết hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng, điều này cho thấy trình độ lập pháp của Việt Nam có nhiều tiến bộ, đồng thời cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của pháp luật đến NTD Việt Nam. Nhưng cũng rất tiếc là Luật BVQLNTD năm 2023 được thiết kế theo hướng liệt kê các thành phần thông tin, mà không theo hướng nhóm các thông tin có tính tương đồng để dễ dàng điều chỉnh. Điều này dẫn đến hệ quả xuất hiện những quy định dài dòng lặp lại. Chẳng hạn như nhiều nội dung tại Điều 21 lặp lại nội dung ở khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023.

Ở góc độ thực tiễn áp dụng quy định pháp luật, tác giả nhận thấy, việc xác định thành phần thông tin tiền HĐTM mà bên đề nghị giao kết hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện cung cấp cho NTD, còn tồn tại một số vấn đề chưa được làm rõ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chưa có quy định giải thích về loại thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia. Tại khoản 1 Điều 387 BLDS năm 2015 có quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng “trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.” Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của NTD được hiểu như thế nào? Vấn đề này hiện chưa được giải thích về mặt văn bản pháp luật.

Trong khoa học pháp lý, có quan điểm cho rằng, từ giai đoạn tiền hợp đồng các bên đã phải biết được thông tin cần thiết về nhau và về đối tượng của hợp đồng. Trong quá trình đàm phán, các bên phải tự tìm kiếm thông tin để bảo vệ lợi ích cho chính bản thân mình và cũng không loại trừ khả năng một bên sẽ phải cung cấp cho bên kia những thông tin cần thiết.[6] Có quan điểm cho rằng, nguyên tắc, trung thực thiện chí mà BLDS năm 2015 quy định được xem là nguyên tắc nền tảng của quan hệ hợp đồng và trên cơ sở của nền tảng này thì các quy định của pháp luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin chính là sự cụ thể hóa của nguyên tắc trung thực và thiện chí.[7] Hay theo một quan điểm khác thì trong kinh doanh, vai trò của thông tin là rất to lớn, việc pháp luật đặt ra nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với các bên là rất cần thiết. Tuy nhiên nghĩa vụ này chỉ nên đặt ra với những thông tin về sản phẩm, đặc biệt là những khiếm khuyết, làm giảm giá trị sử dụng của tài sản mà không nên đặt ra với những thông tin liên quan đến yếu tố thị trường và những thông tin khiến cho tài sản được sử dụng một cách hiệu quả hơn, đồng thời khiến nó được phân bổ đến nơi có giá trị cao hơn.[8]

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài Pháp đã quy định về loại “thông tin có tính quyết định” là thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của NTD, như sau “Thông tin có tính quyết định là thông tin có liên quan trực tiếp và cần thiết đối với nội dung của hợp đồng hoặc tư cách của các bên. Bên nào cho rằng mình phải được biết thông tin thì phải chứng minh bên kia có nghĩa vụ cung cấp thông tin đó cho mình và bên kia có trách nhiệm chứng minh mình đã cung cấp thông tin đó.” (Điều 1112-1 BLDS Pháp).[9] Quy định này xác định tính chất của loại thông tin mà bên có thông tin có nghĩa vụ phải cung cấp là “thông tin có tính quyết định”, đồng thời xác định bên cần được cung cấp có nghĩa vụ phải chứng minh yếu tố quyết định của thông tin giữa mối liên quan và cần thiết về thông tin cần biết với nội dung thông tin được cung cấp. Từ đó làm cơ sở xác định phạm vi thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên có nghĩa vụ. Hay tại Điều 402 Bộ luật Dân sự Đức cũng quy định về “những thông tin cần thiết” mà một bên có nghĩa vụ thông tin; cung cấp tài liệu như sau: “Người có quyền trước đây có nghĩa vụ cung cấp cho người có quyền mới những thông tin cần thiết để yêu cầu các quyền đó và cung cấp cho người có quyền mới những tài liệu họ có để chứng minh các yêu cầu đó.”

Theo quan điểm của nhóm tác giả có thể hiểu đặc tính của loại “loại thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng” của NTD dưới hai khía cạnh: (i) Là các thông tin được pháp luật có quy định buộc phải cung cấp thuộc 04 nhóm thông tin đã phân tích trên; (ii) Là các thông tin mà một bên có thể chứng minh được nội dung thông tin này có tính chất quyết định việc chấp nhận giao kết hợp đồng của mình. Ở ở khía cạnh (ii), đặt ra các yêu cầu về chứng minh loại thông tin nào sẽ là ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng, bên nào sẽ là bên thực hiện việc chứng minh, và nội dung chứng minh là gì? Việc chứng minh chỉ có ý nghĩa khi thực hiện các hoạt động tố tụng cho tranh chấp về hợp đồng phát sinh, nhưng ở giai đoạn tiền hợp đồng lại yêu cầu NTD có nghĩa vụ chứng minh loại thông tin cần được cung cấp thì là “bất cân xứng thông tin”,[10] không mang lại khả năng thực thi cao nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng của bên đưa ra HĐTM trên thực tế.

Thứ hai, chưa có quy định kiểm soát điều khoản của HĐTM làm hạn chế hoặc loại trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết HĐTM. Trong Điều 387 BLDS năm 2015 cũng không có quy định bên đưa ra HĐTM có được soạn thảo các nội dung làm hạn chế hoặc loại trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết HĐTM hay không? Việc không có quy định kiểm soát vấn đề này trong quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ dẫn đến hệ quả bên soạn sẵn mẫu hợp đồng hoàn toàn hợp pháp khi đưa thêm điều khoản có khả năng là hạn chế hoặc loại trừ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng. Đơn cử như trong một vụ việc, Tòa sơ thẩm nhận định: “theo Điều 8 của hợp đồng ghi nhận: “Khách Nghỉ Dưỡng tuyên bố và xác nhận rằng trước khi ký Hợp đồng này với Công ty, Khách Nghỉ Dưỡng đã đọc và hiểu toàn bộ Hợp đồng này và Phụ lục Hợp đồng này, đã xem xét và kiểm tra các cam đoan và cam kết của Công ty. Khách Nghỉ Dưỡng tuyên bố và xác nhận rằng, Hợp đồng này, các cam đoan và cam kết của Công ty là rõ ràng đối với Khách Nghỉ Dưỡng”. Do đó, việc giao kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện nên không có căn cứ nguyên đơn bị ép buộc khi ký hợp đồng”. Đây là điều khoản soạn sẵn ghi nhận rõ việc giải phóng các nghĩa vụ tiền hợp đồng, nên bên đưa ra HĐTM đã hưởng lợi việc Tòa án đã không tuyên vô hiệu.[11]

Theo kinh nghiệm nước ngoài quy định về nghĩa vụ cung cấp “thông tin có tính quyết định” được bảo đảm thực thi nghiêm ngặt bất kể HĐTM có điều khoản loại trừ hay không. Chẳng hạn BLDS Pháp quy định “Các bên không được hạn chế hoặc loại trừ nghĩa vụ này”, trừ trường hợp “việc ước tính giá trị hợp đồng” thì nghĩa vụ cung cấp thông tin này không áp dụng (Điều 1112-1 BLDS Pháp). Cũng theo án lệ đã có từ lâu ở Pháp, được phát triển trong lĩnh vực mua bán tác phẩm nghệ thuật, quy tắc vẫn được giữ nguyên là nếu một bên chấp nhận thông tin về các rủi ro chất lượng của tác phẩm thì điều này sẽ loại trừ sai sót (điều 1112-1, đoạn văn bản 2).[12] Hay nói một cách đảo ngược rằng, nếu một bên nhận thông tin mà chưa chấp nhận thông tin về các rủi ro chất lượng của tác phẩm (thông tin có tính quyết định) trong tình huống chưa được cung cấp hoặc đã được cung cấp nhưng chưa hết thời gian hợp lý để đọc hiểu, nhận biết, thì sai sót về việc cung cấp thông tin của bên cung cấp thông tin chưa được loại trừ và bên cung cấp thông tin cũng không được tự mình loại trừ hoặc hạn chế nghĩa vụ này.

Hay như ở Thụy Sĩ, pháp luật có đưa ra các biện pháp kiểm soát nguy cơ một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng nhằm bảo đảm rằng việc giao kết hợp đồng có hiệu lực cho đôi bên. Cụ thể Điều 23 Bộ luật Nghĩa vụ Thụy sĩ quy định “Hợp đồng không ràng buộc bên nào tại thời điểm giao kết đã mắc phải một lỗi cơ bản”, và tại Điều 24 liệt kê danh sách các tình huống mà sai sót được coi là lỗi cơ bản với 03 tính chất: lỗi đơn giản có thể sửa chữa (khoản 3); lỗi không nghiêm trọng liên quan đến lý do thực hiện hợp đồng (khoản 2); lỗi rất nghiêm trọng gồm có 04 loại là (i) lỗi giao kết trái ý định tuyên bố/ cam kết ban đầu, (ii) lỗi giao kết không đúng đối tượng/ người giao kết hợp đồng mà cam kết ban đầu hướng đến, (iii) nhận ít hơn những hưa hẹn giao kết được nhận từ dịch vụ; (iv) lỗi được cho là cần thiết liên quan đến sự thật trong công bằng trong thương mại.[13] Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015 Việt Nam thì vấn đề lỗi không đặt ra trong chế định bồi thường thiệt hại đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng, thay vào đó là hướng đến xác định hành vi trong mối quan hệ nhân quả với thiệt hại để quy trách nhiệm pháp lý (ở đây là bồi thường thiệt hại).

Có thể thấy, việc thiết lập quy phạm pháp luật về biện pháp kiểm soát nguy cơ một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký kết hợp đồng là rất cần thiết. Đặc biệt là kiểm soát việc bên đưa ra HDDTM có thể lợi dụng lợi thế soạn thảo HĐTM để thiết lập điều khoản điều khoản mẫu trong HĐTM để làm hạn chế hoặc loại trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin theo hướng có lợi cho mình.

Do đó, nhóm tác giả kiến nghị, tại Điều 387 BLDS năm 2015 Việt Nam nên bổ sung thêm nguyên tắc: “Các bên không được hạn chế hoặc loại trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Đồng thời, nếu có điều kiện trong tương lai khi sửa đổi bổ sung Luật BVQLNTD thì Quốc hội nên bổ sung thêm một khoản có nội dung nêu trên vào Điều 25 về “Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với NTD, HĐTM, điều kiện giao dịch chung”. Việc bổ sung này không những có cơ sở bảo vệ quyền lợi cho bên nhận đề nghị giao kết HĐTM nói chung và cho NTD nói riêng, mà còn giảm bớt sự lạm quyền của bên soạn thảo HĐTM liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng.

2. Cách thức thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu

Hiện nay Điều 405 BLDS năm 2015 quy định “HĐTM phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng. Trình tự, thể thức công khai HĐTM thực hiện theo quy định của pháp luật.” Trước đây, Điều 17 Luật BVQLNTD năm 2010 về việc thực hiện HĐTM không quy định hình thức thực hiện nghĩa vụ công khai HĐTM, nhưng nay tại khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung hình thức thực hiện việc nghĩa vụ công khai mẫu hợp đồng của bên đưa ra HĐTM mà Điều 405 BLDS năm 2015 đã ghi nhận là “...công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) ...”.

Xét dưới góc độ chung về công khai HĐTM, với quy định mới nêu trên, theo tác giả phạm vi áp dụng nghĩa vụ này sẽ rộng hơn, không chỉ đối tượng là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thiết yếu mà bao hàm cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có sử dụng HĐTM. Hiệu quả mang lại không những giúp cho NTD có quyền rộng hơn ở đa lĩnh vực, ngành nghề yêu cầu bên đưa ra HĐTM thực hiện nghĩa vụ công bố nội dung HĐTM đúng hình thức niêm yết luật định, mà còn giảm tải áp lực cho cơ quan nhà nước và ngân sách nhà nước. Bởi trong nhiều tình huống cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không thể thực hiện công khai hết tất cả hợp đồng của doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực trên cả nước, do có sự quá tải về khối lượng công việc, tiêu tốn không nhỏ chi phí vận hành, duy trì và cập nhật hệ thống. Tiêu biểu như trường hợp công khai các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, trên website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD chỉ có 10 chủ đầu tư xây dựng đăng ký HĐTM giữa hàng trăm chủ đầu tư xây dựng nhà ở chung cư hiện nay.[14]

Xét dưới góc độ riêng về công khai đối với HĐTM phải đăng ký, về lý thuyết, nghĩa vụ công khai của bên đưa ra HĐTM đã đăng ký lần đầu, hoặc đã đăng ký thay đổi nội dung HĐTM, không chỉ có hàm nghĩa yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin về nội dung HĐTM cho NTD với vai trò là bên thứ ba biết về nội dung của hợp đồng, mà còn bảo đảm điều kiện về thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin về nội dung HĐTM cho bên nhận đề nghị (bên tham gia ký kết hợp đồng). Do đó, đối với các HĐTM mà pháp luật quy định bên đưa ra HĐTM có nghĩa vụ công khai mẫu HĐTM đã đăng ký, không nên áp dụng thêm quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin về nội dung hợp đồng nữa, vì sẽ dẫn đến việc trùng lặp hai nghĩa vụ tiền hợp đồng.[15]

Tuy nhiên, dù ở khía cạnh HĐTM thuộc nhóm phải đăng ký hay không buộc phải đăng ký thì NTD với tư cách là bên nhận đề nghị giao kết hợp đồng vẫn cần nhận được thông báo chỉ rõ hình thức mà bên đưa ra đề nghị đã thực hiện công khai nội dung HĐTM, để có cơ hội tiếp cận, biết và nghiên cứu trước khi chấp nhận giao kết. Vậy một câu hỏi đặt ra là việc công khai HĐTM có cần phải đạt được mục đích cho NTD biết hoặc phải biết về mẫu hợp đồng đó không?.

Có quan điểm cho rằng, bên sử dụng điều khoản mẫu chỉ cần cho biết về sự tồn tại của điều kiện giao dịch chung, và khi đó NTD phải có nghĩa vụ tự mình tìm hiểu về nội dung của điều kiện giao dịch chung đó.[16] Bên soạn thảo hợp đồng chỉ cần chứng minh được họ đã công khai nội dung hợp đồng và điều kiện giao dịch chung theo bất cứ hình thức nào, còn việc bên được đề nghị có cơ hội, điều kiện tiếp cận chúng hay không và tiếp cận như thế nào là thuộc về NTD.[17] Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, việc một bên chỉ dẫn chiếu đến sự tồn tại của điều khoản mẫu không được coi là đủ để biến điều khoản đó trở thành một phần của hợp đồng. Thay vì vậy, để đảm bảo sự công bằng về thủ tục trong giao kết đồng, bên đưa ra điều khoản mẫu đó cần phải đáp ứng nghĩa vụ tích cực thông qua việc trao cho bên đối tác một “cơ hội hợp lý” để hiểu biết và đánh giá về nội dung của điều khoản mẫu đó (ví dụ như theo Điều 2:104(1) Bộ nguyên tắc luật hợp đồng châu Âu). Tại, khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015 quy định “HĐTM phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về nội dung HĐTM” và khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định “công khai ... để NTD biết về nội dung của hợp đồng trước khi NTD giao kết...”, nghĩa là bên đưa ra HĐTM phải cung cấp thông tin về “nội dung HĐTM” cho đến khi NTD “biết hoặc phải biết” về nó. Rõ ràng điều khoản này không chỉ dừng lại ở yêu cầu tuân thủ về hình thức công khai, mà buộc bên đưa ra HĐTM có trách nhiệm chỉ dẫn đến cùng cho NTD nếu như họ không có cơ hội tiếp cận nội dung của HĐTM.[18] Cách quy định này vì thế tương đồng với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội tại Việt Nam, bởi lẽ NTD có thể khó tiếp cận HĐTM theo các hình thức mà khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định. Chẳng hạn, như hình thức website thì có khả năng bị tấn công đẫn đến chặn truy cập, hoặc khi niêm yết tại trụ sở hoặc tại sàn giao dịch của bên đưa ra HĐTM mà NTD cư trú tại các vùng sâu vùng xa thì cũng không thể tiếp cận được, vì thế NTD chỉ có thể tiếp cận bằng cách gặp trực tiếp, hoặc nhận thư điện tử, điện thoại, điện tín hoặc qua đường bưu điện. Hơn thế, trong Luật BVQLNTD năm 2023 cũng ghi nhận 02 hình thức tiếp cận là (i) cung cấp trực tiếp khi NTD có yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp (khoản 1 Điều 29); (ii) cung cấp trực tuyến, khi giao dịch trên không gian mạng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tạo điều kiện cho NTD truy cập, tải, lưu trữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch (khoản 2, Điều 29).

Trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam, tòa án xác định việc bên soạn thảo/bên đưa ra hợp đồng vi phạm “nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng” bao gồm cả công bố hoặc cung cấp cho bên kia các thông tin về điều khoản giao dịch chung và HĐTM để biết, là điều kiện để xác định hiệu lực của HĐTM.[19] Dù vậy, trong một vụ tranh chấp về HĐTM, Tòa Phúc thẩm nhận định: “Hội đồng xét xử nhận thấy Công ty bảo hiểm BD là đơn vị kinh doanh bảo hiểm, là bên soạn hợp đồng/bên đưa ra hợp đồng, nhưng nội dung hợp đồng không ghi đầy đủ, Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất; không cung cấp Quy tắc bảo hiểm dẫn đến người mua bảo hiểm thiếu thông tin nên không hiểu, không biết các rủi ro đặc biệt cần phải mua, đây là lỗi của công ty bảo hiểm BD”. Từ đó, Tòa Phúc thẩm đã buộc Công ty bảo hiểm BD phải thực hiện trách nhiệm thanh toán bảo hiểm cho bên nhận bảo hiểm.[20] Trong bản án này tòa không tuyên về hiệu lực của HĐTM và cũng không tuyên về giá trị pháp lý đối với các nội dung HĐTM khi không công khai đầy đủ, mà tòa xác định các yếu tố lỗi của bên nhận bảo hiểm (trong đó có vi phạm cung cấp thông tin) dẫn đến bên kia không hiểu, không biết các rủi ro đặc biệt cần phải mua. Tòa chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hệ quả trong quan hệ bồi thường, nhằm xác định bên bán bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm cho bên nhận bảo hiểm. Trong tranh chấp này, có thể hiểu khi HĐTM đã ký mà tồn tại các lỗi vi phạm cung cấp thông tin tiền hợp đồng thì tòa theo hướng không dẫn đến vô hiệu hợp đồng, mà trở thành một yếu tố lỗi để bên có nghĩa vụ chịu trách nhiệm khi thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Đây là hướng xét xử tốt để bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo hiểm trong điều kiện luật không quy định chế tài khi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin HĐTM.[21]

Do đó, có thể thấy việc bên đưa ra HĐTM tuân thủ yêu cầu về hình thức công khai nội dung HĐTM cũng như các thành phần gắn liền với HĐTM là rất quan trọng, và phải đạt được mục đích cho NTD biết hoặc phải biết về mẫu hợp đồng đó. Nhưng, có vẻ như khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023 còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của bên có nghĩa vụ chứng minh đã thực hiện việc công bố, và bên còn lại chứng minh mình đã được hoặc chưa được tiếp cận về nội dung HĐTM đã công bố đó. Theo nhóm tác giả kiến nghị, cần bổ sung vào khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định về nghĩa vụ chứng minh của bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng trong việc công khai nội dung HĐTM và điều khoản mẫu là thành phần của HĐTM cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng (là NTD),[22] còn NTD có trách nhiệm chứng minh mình được hoặc không được tiếp cận và có cơ hội hiểu rõ.

3. Thời hạn để người tiêu dùng nghiên cứu các thành phần thông tin về hợp đồng theo mẫu do bên đề nghi giao kết cung cấp

Hiện nay, cả khoản 1 Điều 17 Luật BVQLNTD năm 2010 (nay là khoản 1 Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023) và khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015 đều nhắc đến trách nhiệm của bên đưa ra đề nghị HĐTM là “phải dành thời gian hợp lý” để bên nhận đề nghị nghiên cứu và trả lời đề nghị. Triết lý cơ bản của những quy định này là việc buộc người sử dụng điều khoản mẫu không chỉ tạo ra cho phía đối tác “thời gian hợp lý” để nhận biết sự tồn tại của điều khoản đó mà còn phải có những nghĩa vụ tích cực hơn trong việc xem xét cả hoàn cảnh của bên đối tác, mục đích chính là trao cho họ một “cơ hội hợp lý” để hiểu biết và đánh giá về nội dung của điều khoản đó”.[23] Tuy nhiên, các quy định này lại không quy định cụ thể mức thời gian nào hoặc các tiêu chí nào để xác định là “phải dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng”. Có lẽ, việc ấn định một mốc thời gian chung cho mọi giao dịch là rất khó khăn và bất khả thi. BLDS không thể dự liệu hết tất cả các tình huống xảy ra trên thực tế để đảm bảo mốc thời gian nào đó là hợp lý hay không? Nhưng, nếu không xác định cụ thể mức thời gian nào hoặc các tiêu chí như thế nào là “thời gian hợp lý” sẽ có thể gây ra những vi phạm không đáng có trong quá trình cá nhân, tổ chức giao dịch với NTD.[24] Bởi lẽ, trong nhiều quan hệ pháp lý như dân sự, thương mại, thương mại quốc tế cũng thường sử dụng thời gian hợp lý làm điều kiện để ràng buộc thực hiện nghĩa vụ giữa các chủ thể với nhau. Nhưng, thời gian hợp lý thực hiện nghĩa vụ tiền hợp đồng, sẽ rất khác với thời gian hợp lý ở giai đoạn thực hiện hợp đồng, và cũng rất khác với thời gian hợp lý ở giai đoạn áp dụng các biện pháp khắc phục hệ quả khi vi phạm hợp đồng, hay vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng.[25] Có quan điểm cho rằng “thời gian hợp lý” được pháp luật vận dụng cho nhiều đối tượng, thuộc vào giai đoạn tiền hợp đồng, và nó dài hay ngắn còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, phụ thuộc vào việc các bên có dành nhiều thời gian vào việc thương lượng hay không.[26] Quan điểm khác cho rằng luật cần ấn định khoảng thời gian cụ thể chẳng hạn 07 ngày làm việc,[27] nhưng không chỉ ra cơ sở cho việc ấn định mức thời gian này, trong khi HĐTM được áp dụng cho nhiều lĩnh vực và có thể có mức giá trị khác nhau.

Việc xác định thời gian hợp lý cũng tìm thấy trong các quy định tương tự, chẳng hạn tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, có hướng dẫn về “thời gian hợp lý” để một bên thông báo đòi lại tài sản hoặc thông báo trả nợ cho bên kia được “quy định tại Điều 469 BLDS năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo”. Như vậy, quan điểm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất được mức tối đa về thời gian hợp lý là “03 tháng kể từ ngày thông báo”, nhưng còn mức tối thiểu thì chưa được xác định rõ, mà giao thẩm quyền cho “Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét quyết định”. Tuy nhiên, việc căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định mà không có các nguyên tắc để định hướng cho Tòa án khi xét xử thì sẽ không có “kim chỉ nam” để thẩm phán đánh giá chứng cứ, đánh giá mối quan hệ nhân quả của sự kiện pháp lý để quyết định mức tối thiểu của thời gian hợp lý. Nó có thể dẫn đến sự tùy tiện, sự lạm quyền và dẫn đến bất công, hoặc thiên lệch về quyền lợi.[28]

Ở pháp luật nước ngoài, cũng có nước ấn định thời gian tối đa, “trước khi các doanh nghiệp kinh doanh dự định chuẩn bị một hợp đồng hàng loạt với người tiêu dùng, phải để cho NTD có một thời hạn hợp lý, không dưới 30 ngày để họ xem xét lại nội dung của tất cả các Điều khoản và Điều kiện”.[29]Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp ở nước ngoài, có phán quyết cho rằng khoảng thời gian 2 tuần sau khi hợp đồng bị hủy[30] được xem là hợp lý, nhưng có những phán quyết lại xem xét khoảng thời gian dài hơn vẫn có thể xem là hợp lý tùy từng tình huống.[31] Hay vụ việc ở Pháp, có trường hợp Tòa án dựa trên hoàn cảnh thực tế về “tốc độ nhanh chóng mà các bên trao đổi thông thường là qua thư từ”, và “bên đưa ra đề nghị có mong đợi một phản hồi nhanh chóng”, để xác định thời gian hợp lý tối đa là “cuối năm dương lịch” cho bên đưa ra chấp nhận đề nghị.[32] Trong một vụ việc khác có đề cập cách xác định tính hợp lý của thời hạn như sau “theo án lệ, tính hợp lý của thời hạn cần được đánh giá tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng vụ việc và đặc biệt là lợi ích mà bên có liên quan phải chịu trong tranh chấp, mức độ phức tạp của vụ việc và hành vi của các bên liên quan”.[33]

Ở Việt Nam, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xác định thời gian hợp lý còn có thể dựa vào các yếu tố tác động đến thời lượng đọc và thời lượng hiểu nội dung HĐTM. Cụ thể là tốc độ đọc tiếng Việt trung bình là 300 từ/ phút,[34] tuy nhiên còn có những yếu tố sau đây tác động làm tăng lượng thời gian mà bên được đề nghị đọc hiểu và nắm bắt các nội dung của HĐTM như: (i) số lượng trang; (ii) nếu là hợp đồng điện tử thì dựa theo số lượng chữ; (iii) mức độ khó của các dạng thuật ngữ (như thuật ngữ: chuyên ngành, pháp lý, tối nghĩa, khó hiểu, hiểu đa nghĩa);[35] (iv) nếu giao dịch có giá trị lớn thì các bên còn có sự cẩn trọng và kéo dài thời gian nghiên cứu hợp đồng hơn, vì bên được đề nghị còn phải nắm rõ số lượng lớn các quyền và nghĩa vụ phát sinh trong hợp đồng trước khi chấp nhận giao dịch.

Tóm lại, thời hạn để NTD nghiên cứu các thành phần thông tin về HDTM, phải do bên đưa ra đề nghị ấn định, hoặc nếu không được ấn định thì phải do bên đưa ra đề nghị dành cho bên được đề nghị một khoản “thời gian hợp lý”. Tiêu chí để xác định mức thời gian hợp lý theo 02 phương diện:[36]

(i) Theo định tính, tiêu chí để xác định mức thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng có thể được hiểu là thời gian sớm nhất có thể,[37] nhưng không có nghĩa là bên được đề nghị phải ngay lập tức tiến hành ký kết HĐTM ngay sau khi bên đề nghị HĐTM đưa ra, và thời gian này còn có thể được kéo dài tùy vào hoàn cảnh khách quan tại thời điểm diễn ra sự kiện pháp lý; hoặc có thể theo kinh nghiêm xét xử ở nước ngoài dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa mục đích của hợp đồng mà các bên giao kết với tình hình thực tế của thị trường tại thời điểm thực hiện mục đích đó, để xác định mức độ thời gian hợp lý mà bên có trách nhiệm phải đưa ra hành động.

(ii) Theo định lượng, tác giả kiến nghị, để việc đo lường lượng thời gian hợp lý từ thời điểm phát sinh đề nghị của bên đưa ra HĐTM cho đến khi bên kia hết khoảng thời gian hợp lý để nghiên cứu HĐTM ở giai đoạn tiền hợp đồng thì cần bổ sung vào Luật BVQLNTD năm 2023 quy định ghi nhận 04 yếu tố có tác động trực tiếp đến thời gian để nghiên cứu nội dung và các thành phần thuộc HĐTM, làm cơ sở cho Tòa án viện dẫn xác định mức thời gian hợp lý: (1) thời lượng đọc tính theo số lượng trang, nếu là hợp đồng bằng giấy; (2) thời lượng đọc tính theo số lượng chữ, nếu là hợp đồng điện tử; (3) thời lượng đọc tính theo mức độ khó của các dạng thuật ngữ; (4) tình tiết tăng (kéo dài) thời gian do giao dịch có giá ngạch lớn (có số lượng quyền và nghĩa vụ lớn cần phải được giải thích và hiểu rõ) hoặc do tác động yếu tố khách quan tại thời điểm bên đưa ra đề nghị giao kết HĐTM (như: do cung cầu, mùa vụ, tình trạng sản xuất của doanh nghiệp, dịch bệnh, chiến tranh…).

4. Hệ quả khi bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin

4.1. Biện pháp ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do hành vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu gây ra

Thứ nhất, về biện pháp công nghệ ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra. Luật BVQLNTD năm 2023, hiện có quy định về các biện pháp công nghệ cần được bên thứ ba là chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông làm trung gian cho bên kinh doanh cung cấp thông tin đến NTD áp dụng nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm do việc cung cấp thông tin gây ra, làm ảnh hưởng đến nhận thức, quyết định tham gia giao dịch của NTD. Cụ thể, có 03 biện pháp công nghệ mà chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm thực hiện là: “b) Xây dựng, phát triển, thực hiện giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; c) Từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng; d) Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Và nếu chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông không thực thực hiện các biện pháp công nghệ này thì hệ quả là phải “Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện…” (theo điểm a, khoản 2 Điều 22 dẫn chiếu áp dụng điểm c khoản 1 Điều 22). Tuy nhiên, ở chế tài liên đới được quy định này, thì câu hỏi đặt ra là chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông liên đới chịu chế tài bồi thường khi có thiệt hại xảy ra hay chỉ là liên đới để thực hiện một công việc cung cấp lại thông tin cho chính xác hoặc đầy đủ? Và chịu liên đới với ai thì luật cũng không nêu rõ. Như vậy về mặt văn bản, không có câu trả lời cho vấn đề này.

Thứ hai, về biện pháp khắc phục sau khi hành vi vi phạm đã xảy ra. Trong Luật BVQLNTD năm 2023 hiện điều chỉnh các biện pháp khắc phục chủ yếu ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ, trong đó là hành vi sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết. Theo đó, việc áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục trên cơ sở thỏa thuận với NTD: “a) Cung cấp lại dịch vụ; b) Tiếp tục cung cấp dịch vụ nhưng không thu tiền hoặc giảm giá đối với phần dịch vụ đã cung cấp; c) Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ và hoàn tiền cho NTD; d) Biện pháp khác theo thỏa thuận của các bên” (khoản 1 Điều 36). Nếu khi biện pháp khắc phục được áp dụng mà có phát sinh chi phì thì “2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu các chi phí trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.” (khoản 2 Điều 36).

Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều tình huống, để ngăn cản thiệt hại xảy ra thì NTD thông thường tự mình áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà không dựa trên cơ sở thỏa thuận với tổ chức, cá nhân kinh doanh, bởi vì tính chất khoản cách không gian mạng, khoản cách địa lý xuyên tỉnh, mà NTD không có khả năng tiếp cận với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Vậy trong tình huống này, NTD có được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hoàn trả lại chi phí mà NTD trực tiếp thực hiện các biện pháp khắc phục đối với dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết hay không? Như vậy về mặt văn bản, không có câu trả lời cho vấn đề này.

Do đó, tác giả kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật LBVQLNTD năm 2023, trong đó làm rõ hơn hai vấn đề:

(i) tại điểm a, khoản 2 Điều 22 dẫn chiếu áp dụng điểm c khoản 1 Điều 22, thì nên được Nghị định hướng dẫn Luật LBVQLNTD năm 2023 giải thích rõ nội dung trách nhiệm liên đới chịu chế tài của chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, theo hướng không chỉ ở khía cạnh “liên đới thực hiện một công việc phải làm là cung cấp lại thông tin cho chính xác hoặc không đầy đủ”, mà còn ở khía cạnh nếu có thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin gây ra thì phải chịu liên đới bồi thường. Đồng thời cũng quy định rõ chủ thể là cá nhân, tổ chức kinh doanh cùng chịu trách nhiệm liên đới với chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông. Bởi về nguyên tắc chịu trách nhiệm liên đới phải có từ 02 chủ thể trở lên, nên cần phải minh thị đủ chủ thể chịu liên đới trong cùng một điều luật thì mới có thể viện dẫn áp dụng trên thực tế;

(ii) tại khoản 2 Điều 36, thì cần được Nghị định hướng dẫn Luật LBVQLNTD năm 2023 giải thích quy định này theo hướng có lợi cho NTD. Bởi xét về hoàn cảnh thực tế do tính chất khoảng cách không gian mạng, khoảng cách địa lý xuyên tỉnh, mà NTD không có khả năng tiếp cận với tổ chức, cá nhân kinh doanh là có thật và thường xuyên. Do đó, tác giả đề xuất nên cho phép NTD có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hoàn trả lại chi phí mà NTD trực tiếp thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng chưa có một thỏa thuận trước đó với tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ.

4.2. Chế tài áp dụng khi bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin

Theo học thuyết về lỗi trong việc ký kết hợp đồng - “Culpa in contrahendo”, có luận điểm rằng thiệt hại phải được bồi thường đối với bên có hành vi đáng trách trong quá trình đàm phán hợp đồng khiến hợp đồng đó trở nên vô hiệu hoặc ngăn cản sự hoàn thiện của hợp đồng. Theo đó, các bên ký kết hợp đồng có nghĩa vụ phải giao dịch thiện chí với nhau trong giai đoạn đàm phán, nếu không sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý.[38] Khi vận dụng lý thuyết này để xem xét các quy định Việt Nam, tác giả nhận thấy trong Luật BVQLNTD năm 2023 và BLDS năm 2015 có những quy định về trách nhiệm pháp lý đối với những lỗi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên đưa ra đề nghị giao kết HĐTM ở giai đoạn tiền hợp đồng. Cụ thể như sau:

Về mặt văn bản, tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật BVQLNTD năm 2023 hiện nay có quy định “1.Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:a) Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung ….”; đồng thời điểm b khoản 2 Điều 10 cũng quy định “2. Tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: … b) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho NTD, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp;” Như vậy, tính chất xâm phạm do hành vi cung cấp thông tin gây ra được Luật BVQLNTD năm 2023 ngăn cấm là “lừa dối”, hoặc “gây nhầm lẫn”, nhưng việc chế tài áp dụng nào thì không được Luật BVQLNTD năm 2023 nêu rõ. Trong tình huống này nếu Luật chuyên ngành không quy định thì vận dụng chế tài ở Luật chung, cụ thể là ở BLDS năm 2015 có thể áp dụng chế tài “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn” (Điều 126) và “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép” (Điều 127) để giải quyết.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố “lừa dối” và “gây hiểu lầm” đã được quy định khá rõ về hành vi vi phạm và chế tài áp dụng, thì yếu tố hành vi phạm cung cấp thông tin liên quan đến “thời hạn để NTD nghiên cứu các thành phần thông tin về HDTM” thì chưa được rõ nét. Cụ thể là, có hai trường hợp đặt ra đối với bên đưa ra đề nghị giao kết HĐTM có hành vi: (i) không dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu, hoặc (ii) không cung cấp các thành phần thuộc HĐTM để NTD nghiên cứu trong một thời gian hợp lý, thì các hành vi này có được xem là một hành vi xâm phạm hay không? và nó có là điều kiện về nội dung dẫn đến hệ quả vô hiệu hợp đồng đã ký kết hay không? nếu vi phạm đó gây thiệt hại cho NTD thì bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường không? Khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015 có quy định về vô hiệu hóa điều khoản bất lợi cho người yếu thế trong HĐTM, nhưng không nhắc đến vô hiệu toàn bộ HĐTM hay trách nhiệm bồi thường, nên BLDS không có câu trả lời và cả Luật BVQLNTD năm 2023, Điều 16 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP cũng không có câu trả lời cho các vấn đề này.

Thứ nhất, về chế tài vô hiệu hợp đồng. Khi quy định cụ thể về HĐTM không điều chỉnh vô hiệu toàn bộ HĐTM, thì sẽ áp dụng các nguyên tắc chung của hợp đồng để xác định. Cụ thể là: (i) tại Điều 443 BLDS năm 2015 quy định bên đưa ra đề nghị giao kết HĐTM có vai trò là bên bán nếu không thực hiện “nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó”,“… làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, nhưng chế tài này chỉ có thể áp đụng cho HĐTM về mua bán hàng hóa, còn HĐTM về cung ứng dịch vụ thì chưa rõ việc áp dụng; và (ii) Điều 387 BLDS năm 2015 quy định “1. Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết” và “3. Bên vi phạm … mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.” Có quan điểm cho rằng, khoản 3 Điều 387 BLDS năm 2015 ghi nhận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng gây thiệt hại mà không quy định rõ hợp đồng có vô hiệu hay không? Do đó, cần hiểu quy định này theo hướng hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ dẫn đến hợp đồng vô hiệu hiệu nếu hành vi vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015.[39]Theo quan điểm khác cho rằng do thông tin tiền hợp đồng liên quan đến xác lập hợp đồng nên việc vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng được coi là sai phạm trong giai đoạn giao kết hợp đồng và chế tài áp dụng cho việc vi phạm này là vô hiệu hợp đồng, gồm các hành vi vi phạm là: (i) Hành vi không cung cấp thông tin tiền hợp đồng (im lặng) khi thông tin đó ảnh hưởng đến quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng của các bên;[40] (ii) Hành vi cung cấp thông tin không chính xác; (iii) Hành vi lừa dối mà bên không được cung cấp thông tin đầy đủ có thể yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở quy định Điều 127 BLDS năm 2015,[41] hay vi phạm các nguyên tắc nền tảng mà BLDS năm 2015 quy định (như nguyên tắc thiện chí, trung thực trong quá trình đàm phám, đề nghị giao kết hợp đồng). Bên cạnh đó, còn quan điểm cho rằng pháp luật hiện không quy định người mua được quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, nên cần bổ sung quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với hợp đồng thiếu các thông tin về điều kiện để tiến hành giao dịch.[42]

Thực tiễn xét xử Việt Nam có cách tiếp cận rất khác, cụ thể trong một vụ việc, Tòa án sơ thẩm và Tòa phúc thẩm có đồng quan điểm “việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của nguyên đơn (NTD) nên không là điều kiện làm hợp đồng đã ký không có giá trị pháp lý.[43] Trong vụ việc này, Tòa tiếp cận theo hướng NTD là chủ thể có quyền dành cho bên đưa ra HĐTM một khoảng thời gian hợp lý để mình nghiên cứu nội dung và các thành phần liên quan đến HĐTM.

Cách tiếp cận này có nguyên nhân từ Điều 17 LBVQLNTD năm 2010 (nay là Điều 26 Luật BVQLNTD năm 2023) không quy định rõ bên nào nắm giữ quyền ấn định thời hạn nghiên cứu hợp đồng hoặc quyền dành cho bên kia một thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng nếu không ấn định. Đồng thời, nó cũng chưa đồng nhất với cách tiếp cận theo khoản 1 Điều 394 BLDS năm 2015, xác định rõ bên đưa ra đề nghị là chủ thể ấn định thời hạn hoặc dành cho bên kia một thời hạn hợp lý nếu không nêu rõ thời hạn. Theo kinh nghiệm lập pháp của một số nước cũng ghi nhận bên nắm giữ thông tin liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng là bên nắm giữ quyền chủ động, nên cũng là chủ thể nắm giữ quyền ấn định thời hạn nghiên cứu hợp đồng cho bên kia nhận thức được nội dung của HĐTM, hoặc dành cho bên kia một thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng nếu không ấn định.[44] Vì lẽ đó, tác giả không ủng hộ hướng xét xử nêu trên của Tòa án. Quyền ấn định thời gian hoặc dành thời gian hợp lý nếu không ấn định để bên kia nghiên cứu nội dung và thành phần liên quan đến HĐTM phải là quyền của bên đưa ra HĐTM, và quyền này khác với quyền thuộc về bên nhận đề nghị (NTD) là đọc hay không đọc để biết, nhận thức nội dung HĐTM.

Thứ hai, về chế tài bồi thường thiệt hại, vì hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng có thể là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại (tức là có mối quan hệ nhân quả) do dó trách nhiệm bồi thường cũng được đặt ra. Do việc vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng phát sinh trong giai đoạn đàm phán trước khi hợp đồng được giao kết nên khoa học pháp lý vẫn chưa thống nhất trong việc xác định bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng. Hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng là hành vi vi phạm xảy ra khi hợp đồng chưa hình thành hợp pháp,[45] do đó, ngoài áp dụng chế tài vô hiệu hợp đồng thì BLDS nên quy định nội dung bên vi phạm cung cấp thông tin trong đàm phán hợp đồng mà gây thiệt hại, phải áp dụng nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.[46]

Nghiên cứu Luật BVQLNTD năm 2023, cho thấy chúng ta đã có quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của NTD, tuy nhiên quyền này chỉ thực hiện trong trường hợp cụ thể là “trường hợp dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết gây thiệt hại cho NTD” (khoản 1 Điều 36); Đồng thời quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung” (khoản 2 Điều 36). Các quy định này cho thấy có sự giới hạn về trách nhiệm đối với NTD chỉ ở phạm vi đối tượng là “dịch vụ” và các thành phần thông tin có nghĩa vụ cung cấp cũng được mô tả chỉ trong phạm vi của dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là, đối với các giao dịch là “sản phẩm”, “hàng hóa” và các thành phần thông tin có nghĩa vụ cung cấp nêu ở phần 1 trong phạm vi của “sản phẩm”, “hàng hóa” nếu “cung cấp không đúng” mà dẫn đến thiệt hại cho NTD thì NTD có quyền yêu cầu bồi thường hay không? Theo tác giả, việc Điều 36 chỉ điều chỉnh trách nhiệm bồi thường ở loại hình “cung cấp dịch vụ” là không thỏa đáng, và thiếu sự nhất quán với các thành phần thông tin buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên thứ ba phải cung cấp được nêu ở Điều 4, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023, đồng thời cũng thiếu nhất quán ở khoản 1 Điều 10 Luật BVQLNTD năm 2023 điều chỉnh hành vi nghiêm cấm “cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.

Trên thực tế, xét về các thông tin liên quan đến yếu tố “đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết” thì không chỉ xuất hiện ở loại hình “cung cấp dịch vụ”, mà ở loại hình “cung cấp sản phẩm”, hay “cung cấp hàng hóa” vẫn luôn phát sinh. Do đó tác giả kiến nghị, trong tương lai cần sửa lại Điều 36 Luật BVQLNTD năm 2023 (phần gạch chân) theo hướng quy định về “Trách nhiệm trong việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết”, để mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khắc phục và chịu chi phí khắc phục khi cung cấp thông tin không đúng cho cả 03 dạng “sản phẩm, hàng hóa dịch vụ”. Đồng thời cũng mở rộng phạm vi áp dụng quyền yêu cầu bồi thường của NTD và quyền được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ở cả 03 dạng “sản phẩm, hàng hóa dịch vụ”.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

3. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

4. Bản án số 355/2023/DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND TP. Hồ Chí Minh.

5. Bản án số 05/2023/KDTM-PT ngày 23/3/2023 của TAND tỉnh An Giang.

6. Bản án số 152/2022/DS-ST ngày 27/5/2022 của TAND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

7. Bản án số 1018/2008/KDTM-ST ngày 14/7/2008 của TAND TP. Hồ Chí Minh.

8. CJEU, Judgment of the Civil Service Tribunal, Philippe Bui Van v Commission of the European Communities, 11/09/2008, F-51/07, https://juricaf.org/arret/CJUE-COURDEJUSTICEDELUNIONEUROPEENNE-20080911-F5107, truy cập ngày 24/02/2024.

9. Shoes Case, Düsseldorf Oberlandesgericht [Düsseldorf Appellate Court] 24 April 1997 [6 U 87/96].

10. Iron molybdenum case, 1 U 167/95, Oberlandesgericht Hamburg [Provincial Court of Appeal], 28 February 1997, https://cisg-online.org/files/cases/6235/ translationFile/261_22831831.pdf, truy cập ngày 24/02/2024.

11. Cass. Civ. 3e, 10 mai. 1972, pourvoi n°71-11393, Bull. civ. des arrêts Cour de Cassation Civ. 3e N. 297 P. 214, https://juricaf.org/arret/FRANCE-COURDECASSATION-19720510-7111393, truy cập ngày 24/02/2024.

12. Lê Anh, Cần quy định chặt chẽ HĐTM để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi. aspx?ItemID=69109, truy cập ngày 24/02/2024.

13. NGUYỄN THỊ NGỌC ANH, PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THEO MẪU TRÊN THẾ GIỚI – NHỮNG KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM, LUẬT VĂN THẠC SĨ, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (2011).

14. Phạm Vân Anh, Vũ Văn Tuấn, Dương Đức Đại, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết HĐTM cung ứng dịch vụ ví điện tử trên điện thoại thông minh: Nghiên cứu trường hợp sử dụng ví điện tử Momo, ZaloPay và Moca của sinh viên tại Hà Nội, Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tháng 1 (2022).

15. Lê Thị Bích Chi, Vương Nữ Minh Khuê, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng mua bán condotel tại Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp, số 23(447), tháng 12 (2021).

16. COLLINS, THE LAW OF CONTRACTS, 4th edn, 2003.

17. Nguyễn Thị Dung, Kiểm soát tính công bằng của các điều khoản mẫu, Nhà nước và Pháp luật, số 04 (2020).

18. ĐẠI SỨ QUÁN PHÁP TẠI VIỆT NAM, BẢN DỊCH BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP, PRINTART (2018).

19. Nguyễn Thùy Linh, Doãn Công Khánh, “Phát triển thương mại trong bối cảnh mới - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp”, Tạp chí Cộng sản, (30/7/2022), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825648/phat-trien-thuong-mai-trong-boi-canh-moi---thuc-tien%2C-van-de-va-giai-phap.aspx

20. Trần Thăng Long, Phan Thị Thu, Điều chỉnh điều khoản hợp đồng không công bằng trong HĐTM theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 5(153) (2022).

21. Đỗ Giang Nam, Bình luận về các quy định liên quan đến HĐTM và điều kiện giao dịch chung trong dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi), Nghiên cứu lập pháp, số 05(285), tháng 3 (2015).

22. Đỗ Giang Nam, Từ công bằng thủ tục đến công bằng nội dung: Thành tựu và thách thức của chế định kiểm soát điều khoản mẫu trong pháp luật Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp, số 6(406) (2020).

23. Phan Trung Pháp, Nguyễn Hoàng Thái Hy, Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140), (2021).

24. LÊ TRƯỜNG SƠN, GIAI ĐOẠN TIỀN HỢP ĐỒNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM, LUẬN ÁN TIẾN SĨ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH, 2015.

25. Lê Trường Sơn, Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam, Khoa học pháp lý số 6 (2014).

26. Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng quy định về nghĩa vụ công khai hợp đồng theo mẫu đối với bên đưa ra hợp đồng, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 10 (170) (2023).

27. Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Nghĩa vụ phải dành cho người tiêu dùng thời gian hợp lí để nghiên cứu và quyết định giao kết hợp đồng theo mẫu, Luật học, số 7(290) (2024)

28. Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua quy định về các nghĩa vụ tiền hợp đồng của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, Kỷ yếu Hội thảo những điểm mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, do Khoa Dân sự, Trường ĐH Luật TP, Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/11/2023.

29. Trần Thiên Vũ, Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong bảo hiểm thương mại, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.

30. Hoàng Thị Hải Yến, Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Kiểm sát số 06, tháng 3 (2018).

* ThS Đặng Phước Thông, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 23/10/2024. Email: dpthong@hcmulaw.edu.vn

** ThS Nguyễn Đăng Long, Giảng viên, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh

*** ThS Phan Đặng Hiếu Thuận, Giảng viên Luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh

[1] Nguyễn Thùy Linh, Doãn Công Khánh, Phát triển thương mại trong bối cảnh mới - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp, Tạp chí Cộng sản(30/7/2022) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825648/phat-trien-thuong-mai-trong-boi-canh-moi---thuc-tien%2C-van-de-va-giai-phap.aspx

[2] Xem LÊ TRƯỜNG SƠN, GIAI ĐOẠN TIỀN HỢP ĐỒNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM, LUẬN ÁN TIẾN SĨ, TRƯỜNG ĐH LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH, tr. 50 (2015)

[3] Trong một số trường hợp khi đề nghị gửi tới công chúng như: thông tin trong quảng cáo, catalog, triển lãm của nhà cung cấp chuyên nghiệp hàng hóa dịch vụ. Xem LÊ TRƯỜNG SƠN, tlđd, tr. 131 (2015)

[4] Lê Trường Sơn, Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam, Khoa học pháp lý số 6, tr. 25 (2014)

[5] Theo Luật Hợp đồng gia nhập của Hàn Quốc thì chỉ khi “không thể đạt được mục đích của hợp đồng hoặc hợp đồng gây bất lợi một cách vô lý cho một bên”, thì hợp đồng vô hiệu hoàn toàn. Xem: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH, PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THEO MẪU TRÊN THẾ GIỚI – NHỮNG KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM, LUẬT VĂN THẠC SĨ, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, tr. 54 (2011)

[6] ĐỖ VĂN ĐẠI, LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM. BẢN ÁN VÀ BÌNH LUẬN BẢN ÁN, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI,TẬP 1, TR. 345 (2011)

[7] Nguyễn Bình Minh, Hà Công Anh Bảo, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng – Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 86 (2016)

[8] Giản Thị Lê Na, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 08, 138 (2020)

[9] ĐẠI SỨ QUÁN PHÁP TẠI VIỆT NAM, BẢN DỊCH BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP, PRINTART, tr. 262 (2018)

[10] Giản Thị Lê Na, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 08(138), tr. 77, 78 (2020)

[11] Bản án số 152/2022/DS-ST ngày 27/5/2022 của TAND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, tr. 7.

[12] Pierre Catala, Đề xuất cải cách Luật nghĩa vụ và Luật kê đơn (Proposals for Reform of the Law of Obligations and the Law of Prescription), trong Hệ thống tài liệu Dự thảo cải cách sơ bộ về luật nghĩa vụ và thời hiệu (La document Française, Paris, 2006), Bản dịch tiếng Anh của John Cartwright và Simon Whittaker, Oxford, UK 2007, tr. 30.

[13] Friedrich Kessler, Edith Fine, “Culpa in Contrahendo, Bargaining in Good Faith and Freedom of Contract: A Comparative Study”, Harvard Law Review, Vol. 77, No. 3, 1964, tr. 431, 432.

[14] Nguyễn Thị Dung, Kiểm soát tính công bằng của các điều khoản mẫu, Nhà nước và Pháp luật, số 04, tr. 47 (2020)

[15] Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng quy định về nghĩa vụ công khai hợp đồng theo mẫu đối với bên đưa ra hợp đồng, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 10 (170), tr. 46 (2023)

[16] Đỗ Giang Nam, Từ công bằng thủ tục đến công bằng nội dung: Thành tựu và thách thức của chế định kiểm soát điều khoản mẫu trong pháp luật Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp, số 6(406), tr. 19, 20 (2020)

[17] Trần Thăng Long, Phan Thị Thu, Điều chỉnh điều khoản hợp đồng không công bằng trong HĐTM theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 5(153), tr. 34 (2022)

[18] Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, tlđd, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 10 (170), tr. 47 (2023)

[19] Bản án số 1018/2008/KDTM-ST ngày 14/7/2008 của TAND TP. Hồ Chí Minh.

[20] Bản án số 05/2023/KDTM-PT ngày 23/3/2023 của TAND tỉnh An Giang, tr. 10.

[21] Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, tlđd, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 10 (170), tr. 48 (2023)

[22] Trần Thăng Long, Phan Thị Thu, tlđd, tr. 34.

[23] Đỗ Giang Nam, Bình luận về các quy định liên quan đến HĐTM và điều kiện giao dịch chung trong dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi), Nghiên cứu lập pháp, số 05(285), tháng 3, tr. 35 (2015)

[24] Lê Anh, Cần quy định chặt chẽ HĐTM để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi. aspx?ItemID=69109, truy cập ngày 24/02/2024.

[25] Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua quy định về các nghĩa vụ tiền hợp đồng của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, Kỷ yếu Hội thảo những điểm mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, do Khoa Dân sự, Trường ĐH Luật TP, Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/11/2023, tr. 178.

[26] Lê Trường Sơn, tlđd, Luận án Tiến sĩ, tr. 28 (2015)

[27] Quan điểm này cho rằng, với thời gian này thì người tiêu dùng chỉ cần chỉ ra điều khoản nào đó trong hợp đồng có sự không công bằng thì họ được quyền rút lại ý kiến chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc quyền chấm dứt hợp đồng trong khoảng thời gian hợp lý sau khi ký kết hợp đồng mà không phải bồi thường. Trong thời gian ấn định bên được đề nghị giao kết hợp đồng thay đổi ý kiến, không giao kết hoặc không thực hiện hợp đồng đã giao kết, thì xem như chưa có việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Xem Trần Thăng Long, Phan Thị Thu, tlđd, tr. 35.

[28] Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, tlđd, Trường ĐH Luật TP, Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/11/2023, tr. 178.

[29] Xem khoản 1 Điều 11.1 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan ban hành ngày 11/01/1994, và có hiệu lực kể từ ngày 13/01/1994, bổ sung một số điều năm 2003 và tháng 5/2005, https://vibonline.com.vn/bao_cao/luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung-cua-mot-so-nuoc-tren- the-gioi-3, truy cập ngày 24/02/2024.

[30] Iron molybdenum case, Tòa phúc thẩm Hamburg - Đức ngày 28/2/1997, Tòa án kết luận rằng Điều 75 CISG không bắt buộc bên bị vi phạm tiến hành giao dịch thay thế ngay lập tức, mà trong vụ việc này khoảng thời gian 2 tuần là đủ để bên tiến hành giao dịch thay thế có thể tìm hiểu, xem xét, đưa ra chào hàng và quyết định thực hiện giao dịch. Do đó, khoảng thời gian này được xem là hợp lý. Xem: Iron molybdenum case, 1 U 167/95, Oberlandesgericht Hamburg [Provincial Court of Appeal], 28 February 1997, https://cisg-online.org/files/cases/6235/ translationFile/261_22831831.pdf, truy cập ngày 24/02/2024.

[31] Trong tranh chấp Shoes case, Tòa án cho rằng bên bán bán lại hàng trong vòng 2 tháng kể từ khi hợp đồng bị hủy (ngày 5/8 hợp đồng bị hủy, ngày 6 và ngày 15/10 bên bán lại hàng) được xem là thời gian hợp lý. Bởi lẽ, việc bán lại hàng diễn ra tại thị trường của Ý, khi mà vào tháng 8 hầu hết các nhà bán lẻ đều đã nhập đủ nguồn hàng cung ứng cho mùa đông sắp đến và không có lý do gì để họ mua thêm lượng lớn hàng hóa cho mùa đông. Xem: Shoes Case, Düsseldorf Oberlandesgericht [Düsseldorf Appellate Court] 24 April 1997 [6 U 87/96].

[32] Cụ thể là, Công ty B kháng cáo vì cho rằng lời đề xuất phản đối giá mua căn hộ do ông X đưa ra ngày 17/5/1967, nhưng không kèm theo bất kỳ giới hạn thời gian nào, nên Công ty vẫn có thể đưa ra chấp nhận lời đề nghị của X vào ngày 16/3/1968. Tòa Giám đốc thẩm đã nhận định rằng, tốc độ nhanh chóng mà các bên trao đổi thông thường là qua thư từ, nên không thể xác định việc trả lời chấp nhận mà người quản lý của công ty đưa ra sau khoảng thời gian 10 tháng là vẫn nằm trong thời gian hợp lý, dù anh X đã mong đợi một phản hồi nhanh chóng. Hơn nữa, không có câu trả lời nào của công ty được ra trong thời gian thông thường mà các bên hay trao đổi với nhau. Do đó, thời gian hợp lý đối với đề nghị anh X đưa ra vào ngày 17/5/1967 có hiệu lực hợp pháp đến tháng 12 năm 1967 là trong thời hạn hợp lý để công ty trả lời chấp nhận đề nghị ông X. Do đó, Tòa Giám đốc thẩm đã bác kháng cáo của Công Ty. Xem Cass. Civ. 3e, 10 mai. 1972, pourvoi n°71-11393, Bull. civ. des arrêts Cour de Cassation Civ. 3e N. 297 P. 214, https://juricaf.org/arret/FRANCE-COURDECASSATION-19720510-7111393, truy cập ngày 24/02/2024.

[33] CJEU, Judgment of the Civil Service Tribunal, Philippe Bui Van v Commission of the European Communities, 11/09/2008, F-51/07, https://juricaf.org/arret/CJUE-COURDEJUSTICEDELUNIONEUROPEENNE-20080911-F5107, truy cập ngày 24/02/2024.

[34] Phạm Vân Anh, Vũ Văn Tuấn, Dương Đức Đại, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết HĐTM cung ứng dịch vụ ví điện tử trên điện thoại thông minh: Nghiên cứu trường hợp sử dụng ví điện tử Momo, ZaloPay và Moca của sinh viên tại Hà Nội, Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tháng 1, tr. 102 (2022)

[35] Phạm Vân Anh, Vũ Văn Tuấn, Dương Đức Đại, tlđd, tr. 102.

[36] Cùng nội dung này tham khảo thêm bài viết được tác giả đặt vấn đề trong Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua quy định về các nghĩa vụ tiền hợp đồng của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, Kỷ yếu Hội thảo những điểm mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, do Khoa Dân sự, Trường Đại học Luật TP, Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/11/2023, tr. 180; Đặng Phước Thông, Chu Thị Thơm, Nghĩa vụ phải dành cho người tiêu dùng thời gian hợp lí để nghiên cứu và quyết định giao kết hợp đồng theo mẫu, Luật học, số 7(290), tr. 63-78 (2024)

[37] Phan Trung Pháp, Nguyễn Hoàng Thái Hy, Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế, Khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140), tr. 113 (2021)

[38] Friedrich Kessler, Edith Fine, Culpa in Contrahendo, Bargaining in Good Faith and Freedom of Contract: A Comparative Study, Harvard Law Review, Vol. 77, No. 3, tr. 401-402 (1964)

[39] Hoàng Thị Hải Yến, Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Kiểm sát số 06, tháng 3, tr. 46-47 (2018)

[40] Lê Trường Sơn, tlđd, Khoa học pháp lý, số 6, tr. 25 (2014)

[41] Lê Trường Sơn, tlđd, Khoa học pháp lý, số 6, tr. 18, 19, 23 (2014); Trần Thiên Vũ, Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong bảo hiểm thương mại, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 36-37 (2015)

[42] Lê Thị Bích Chi, Vương Nữ Minh Khuê, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng mua bán condotel tại Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp, số 23(447), tháng 12, tr. 30 (2021)

[43] Tòa sơ thẩm nhân định rằng “Xét, nguyên đơn cho rằng nhân viên của bị đơn không dành cho nguyên đơn có thêm thời gian để đọc, nghiên cứu hợp đồng; cố tình hối thúc tạo tâm lý ép buộc nguyên đơn phải ký ngay hợp đồng là vi phạm pháp luật. Theo Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và theo quy định của Bộ luật Dân sự thì việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của nguyên đơn nên không là điều kiện làm hợp đồng đã ký không có có trị pháp lý”. Do đó, việc giao kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện nên không có căn cứ nguyên đơn bị ép buộc khi ký hợp đồng, xem Bản án số 152/2022/DS-ST ngày 27/5/2022 của TAND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, tr. 7; Tòa án Phúc thẩm cũng nhận định rằng: “Nguyên đơn kháng cáo cho rằng bị đơn đã đưa thông tin lừa dối nguyên đơn tin tưởng ký hợp đồng, không dành thời gian cho nguyên đơn thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng, vi phạm các quy định của Luật BVQLNTD. Xét kháng cáo này của nguyên đơn chưa có căn cứ để chứng minh nên không được chấp nhận”, xem Bản án số 355/2023/DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND TP. Hồ Chí Minh, tr. 6, 7.

[44] Như: Điều 6:233 BLDS Hà Lan quy định rằng, việc áp dụng điều khoản mẫu sẽ bị vô hiệu nếu bên ban hành không trao cho bên còn lại cơ hội hợp lý (a reasonable opportunity) để nhận thức được nội dung của điều khoản mẫu đó. Đỗ Giang Nam, tlđd, 2015, tr. 35; Điều 1112-1 BLDS Pháp cũng quy định rõ về hệ quả “bên có nghĩa vụ thông tin vi phạm nghĩa vụ thông tin có thể dẫn đến hủy bỏ hợp đồng ...”.

[45] Hoàng Thị Hải Yến, tlđd, tr. 46, 47.

[46] Lê Trường Sơn, tlđd, Khoa học pháp lý, số 6, tr. 21, 25 (2014)

Đọc nhiều