Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Thanh Hóa bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng: Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

Phương Thúy Thứ sáu, 20/12/2024 - 16:05
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Thận trọng để không trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Bắt tạm giam 7 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng qua mạng

Nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 19/12, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng để điều tra về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".[1]

Trước đó, qua đơn thư tố giác tội phạm của chị N.T.T ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị một đối tượng lừa đảo số tiền hơn 250 triệu đồng để làm thủ tục xuất khẩu lao động, Công an huyện Như Xuân xác định đây là nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp trên không gian mạng, có thủ đoạn tinh vi, bài bản.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 1 thời gian ngắn, Công an huyện Như Xuân đã điều tra làm rõ và triệt xóa ổ nhóm tội phạm này do các đối tượng ở tỉnh Hải Dương điều hành, gồm: Giang Đình Lộc (sinh năm 1998); Nguyễn Trường Thanh (sinh năm 1989); Phạm Phương Đông (sinh năm 1998) đều ở huyện Thanh Miện và Lê Văn Long (sinh năm 1988) ở huyện Nam Sách.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Từ tháng 5/2024, các đối tượng rủ nhau thuê nhà bên Campuchia để hoạt động lừa đảo. Chúng đã mua các số thuê bao rác, sắm các thiết bị, mua, lập và thuê chạy quảng cáo các trang Facebook có tên “Huỳnh Văn Trung”, Nguyễn Gia Long”, v.v… Đồng thời, móc nối liên kết với các nhóm khác để “rửa tiền”.

Với thủ đoạn mạo danh tài khoản mạng xã hội của những cá nhân tổ chức có uy tín để lừa đảo, khiến cho người dân và các cá nhân bị hại nhầm lẫn nhắn tin, sau đó tin tưởng gửi tiền vào các tài khoản đứng tên công ty mà chúng đưa ra. Chỉ trong thời gian ngắn các đối tượng đã tiếp cận được hàng trăm người trên địa bàn cả nước để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ 03 đối tượng: Hoàng Mạnh Linh (sinh năm 1998 ở Long Biên, Hà Nội); Vũ Thị Như Quỳnh (sinh năm 1991, ở Thanh Miện, Hải Dương); Đoàn Xuân Long (sinh năm 1991, ở Long Biên, Hà Nội). Đây là nhóm đối tượng đã tham gia “rửa tiền” cho rất nhiều nhóm lừa đảo khác nhau, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Với thủ đoạn tránh kiểm soát sinh trắc học, chúng đã lập và mua nhiều “công ty ma” để sử dụng tài khoản công ty, lôi kéo nhiều người hoạt động trên môi trường mạng Telegram, trả lương để giúp chúng rửa tiền, mua bán tiền ảo.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 đối tượng trên, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 6 tỷ đồng

Ngày 17/12, Công an quận Liên Chiểu, (TP.Đà Nẵng) đã bắt giữ đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, từ số tiền gần 40 triệu đồng chiếm đoạt của của bị hại, chỉ trong khoảng 10 ngày (29/9/2024 đến ngày 9/10/2024), số tài khoản ngân hàng do đối tượng đứng tên đã nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng do các nạn nhân chuyển vào.[2]

Đầu tháng 10/2024, Công an quận Liên Chiểu tiếp nhận tin báo của chị Trương Thị N (38 tuổi, quê ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về việc lúc 9 giờ ngày 2/10, chị N nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0836943676 tự xưng là trực ban Công an xã Hiền Ninh.

Người này sau đó thông báo nội dung "2 người cháu của chị N chưa làm căn cước công dân, yêu cầu phải làm gấp" và nói rằng "lát nữa sẽ có anh Nam, công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình liên hệ để hướng dẫn làm".

Đến 13 giờ 40 phút cùng ngày, chị N nhận được cuộc gọi từ số 0967971436, đầu dây bên kia tự xưng là "Nam - Công an huyện Quảng Ninh" yêu cầu chị N bổ sung các thông tin làm căn cước công dân cho 2 cháu. Người này đề nghị chị N vào trang Google, nhập từ khóa "chinhphu.hodancu.com" rồi thực hiện theo hướng dẫn. Chị N sau đó làm theo bằng cách nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và nhận diện khuôn mặt…

Một lúc sau, chị N phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ lần lượt số tiền là 9.999.999 đồng, 9.999.999 đồng và 19.000.000 đồng. Tất cả số tiền trên được chuyển đến số tài khoản 061810876, Ngân hàng VIB, mang tên Nguyễn Tấn Thường (29 tuổi, trú phường An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Đối tượng Nguyễn Tấn Thường tại cơ quan công an.

Sau khi nhận được tin báo và xác minh thông tin chủ tài khoản ngân hàng đã nhận tiền từ chị N, cơ quan công an nắm được nhân thân, lai lịch của Nguyễn Tấn Thường. Đáng chú ý, Thường là đối tượng thường xuyên qua lại Campuchia và nghi vấn tham gia hoạt động đánh bạc tại đây.

Tại Công an quận Liên Chiểu, bước đầu Thường khai nhận, khoảng tháng 4/2024, thông qua một người đàn ông (không rõ lai lịch cụ thể) và được người này rủ sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch để làm việc.

Đến Campuchia, Thường được chủ cơ sở là người nước ngoài giao nhiệm vụ đứng ra đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận nguồn tiền có được từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang các tài khoản ngân hàng khác. Trước khi sang Campuchia, Thường đã mở tổng cộng 20 số tài khoản của các ngân hàng khác nhau và nâng hạn mức của các tài khoản lên tối thiểu 3 tỷ đồng để phục vụ cho việc nhận tiền chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu xác định: Từ ngày 29/9/2024 đến ngày 9/10/2024, Thường đã nhận được số tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng VIB khoảng 6,4 tỷ đồng. Tất cả số tiền trên, Thường đã chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau ngay sau khi nhận tiền. Trong đó, vào ngày 2/10/2024, tài khoản ngân hàng này nhận tổng số tiền là 38.999.998 đồng từ tài khoản Ngân hàng Bắc Á của chị Trương Thị N.

Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy vết dòng tiền đối với các số tài khoản còn lại của Nguyễn Tấn Thường; đồng thời điều tra mở rộng chuyên án.

Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi "kịch bản", thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Vậy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

Thế nào là tội phạm công nghệ cao?

Tội phạm công nghệ cao là tội phạm có hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khác, của xã hội thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị số.

Hành vi phạm tội công nghệ cao được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Các đối tượng phạm tội này thường là những người có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng và các công cụ nhằm phục vụ hành vi phạm tội.

Tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng được xem là tội phạm công nghệ cao.[3]

Lừa đảo qua mạng là gì?

Lừa đảo qua mạng là hành vi sử dụng các công cụ và nền tảng trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thông tin cá nhân của người khác trái pháp luật. Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu cảnh giác, sự tin tưởng hoặc thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, như sau:

- Giả mạo thông tin cá nhân hoặc tổ chức: Gửi email, tin nhắn hoặc lập các trang web giả danh ngân hàng, cơ quan nhà nước, hoặc doanh nghiệp uy tín để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

- Lừa đảo tài chính: Yêu cầu chuyển tiền, đóng phí, hoặc đầu tư vào các dự án không có thật.

- Hack tài khoản: Tấn công tài khoản mạng xã hội hoặc email, sau đó sử dụng để lừa bạn bè hoặc người thân của nạn nhân.

- Bán hàng giả hoặc không giao hàng: Lợi dụng các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để rao bán sản phẩm, nhưng sau khi nhận tiền thì không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Lừa đảo bằng giải thưởng hoặc khuyến mãi: Thông báo trúng thưởng nhưng yêu cầu nạn nhân đóng phí hoặc cung cấp thông tin cá nhân.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Căn cứ theo theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.[4]

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với các hành vi cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.[5]

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cần phải làm gì nếu trở thành nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Người bị lừa đảo có thể tố giác hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Cụ thể, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người bị hại cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Hồ sơ tố giác tội phạm bao gồm:

- Đơn trình báo công an;

- CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng);

- Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng).

- Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,... có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

- Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.[6]

- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an:

- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 - Cục Cảnh sát hình sự;

- Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.

[1] Hà Phương - Nguyễn Lan, Bắt giữ ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an, (ngày 19/12/2024), https://www.bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/bat-giu-o-nhom-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-d22-t42819.html

[2] Doãn Hùng - Hoàng Thanh, Bắt đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau hơn 01 tháng lập án đấu tranh, Bộ Công an, (ngày 19/12/2024), https://www.bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/bat-doi-tuong-gia-danh-cong-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-sau-hon-01-thang-lap-an-dau-tranh-d22-t42801.html

[3] Điều 290 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

[4] Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh; trật tự; an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

[5] Điều 174 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

[6] Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự số: 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 quy định về Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cùng chuyên mục

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Theo quy định, những trường hợp sau đây cần đi đổi đăng ký xe càng sớm càng tốt.

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Thông tin về quỹ tiền thưởng cho cán bộ, công chức được quy định cụ thể tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.

Đọc nhiều