Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Phan Duy Nhật Thứ năm, 12/12/2024 - 14:19
Nghe audio
0:00

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại khi phát sinh một trong ba căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tác giả cho rằng khi áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu cần không phân biệt thời điểm phát sinh: (i) còn hay hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay trong quá trình tố tụng dân sự.

Tóm tắt: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại khi phát sinh một trong ba căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tác giả cho rằng khi áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu cần không phân biệt thời điểm phát sinh: (i) còn hay hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay trong quá trình tố tụng dân sự.

Từ khóa: thời điểm phát sinh, bắt đầu lại, thời hiệu khởi kiện.

Abstract: The limitation period for civil lawsuit is recommence of when one of three grounds under clause 1, Article 157 of Civil Code 2015. However, civil laws do not stipulate the timing of occurrence these grounds. Through analysis of legal regulations and judicial practices, the author believes that the application of the grounds for recommencement of the limitation period needs to be regardless of whether at the time of occurrence, whether (i) the limitation period is still or has expired and (ii) before or during the civil proceedings.

Keywords: time of occurrence, recommencement, limitation period.

Đặt vấn đề

Điều 157 BLDS 2015 chỉ quy định căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này, dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau. Từ thực tiễn xét xử có hai vấn đề pháp lý đặt ra về thời điểm phát sinh các căn cứ này: (i) trước hay cả sau khi hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay cả sau khi bắt đầu quá trình tố tụng. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử về (i) căn cứ bắt đầu lại thời hiệu và (ii) thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu, bài viết sẽ làm rõ hai vấn đề đặt ra nêu trên.

1. Căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Thời hiệu khởi kiện là chế định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền khởi kiện của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Thông thường, khi thời hiệu đã hết thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, khi phát sinh sự kiện “làm mới” quan hệ pháp luật dân sự thì “khoảng thời gian có sự vi phạm nghĩa vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bên có quyền đã được bỏ qua, các bên đã xác lập với nhau một thỏa thuận mới”[1] và thời hiệu khởi kiện sẽ được khởi động lại. Hay nói cách khác, bắt đầu lại thời hiệu “dựa trên ý chí hành động của các bên” khi có sự kiện thể hiện “rằng nghĩa vụ đáng lý ra đã phải được thực hiện, nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ như thỏa thuận ban đầu khi thiết lập giao dịch”[2].

Bắt đầu lại thời hiệu là “sự khôi phục thời hiệu khi có căn cứ ghi nhận trong luật”[3] hay “thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu”[4]. Khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 quy định theo hướng liệt kê ba căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, gồm: (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; và (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau[5]. Quy định về bắt đầu lại thời hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện nhưng cũng đòi hỏi các bên phải có ý thức chứng minh để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1.1. Căn cứ thứ nhất: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện

Nếu người khởi kiện chứng minh được người có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của họ đối với người khởi kiện (một phần hay toàn bộ) thì thời hiệu khởi kiện sẽ khởi động lại. Việc người có nghĩa vụ thừa nhận hay không thừa nhận nghĩa vụ của họ không phản ánh sự tồn tại khách quan nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, nó phản ánh ý chí chủ quan của người có nghĩa vụ, “là sự công nhận trách nhiệm của người có nghĩa vụ với người khởi kiện”[6]. Nếu người có nghĩa vụ đã thừa nhận nghĩa vụ của họ, thì pháp luật trao cho người khởi kiện một “đặc quyền”, đó là khôi phục lại thời hiệu khởi kiện[7].

Thực tiễn xét xử cho thấy, căn cứ này thường xuyên được Tòa án các cấp áp dụng. Vụ việc thứ nhất sau đây là một ví dụ điển hình: “Quá trình tố tụng, tại bản tự khai ngày 02/6/2022, bà Nguyễn Thị Thùy Dung là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Đ (bị đơn) khai nhận có ký hợp đồng, nhận hàng của nguyên đơn và hiện còn nợ số tiền 666.522.140 đồng (trong đó bị đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu đối với 02 hóa đơn với số tiền 552.189.583 đồng). Tại thời điểm này (ngày 02/6/2022) thì thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn đã hết, sự thừa nhận nghĩa vụ của bị đơn là “sự kiện” đúng với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 của Bộ luật dân sự; do đó, thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” với bị đơn được bắt đầu lại từ ngày tiếp theo của ngày xảy ra “sự kiện” là ngày 03/6/2022”[8].

Ngược lại, nếu người có nghĩa vụ không thừa nhận hoặc không đồng ý thực hiện nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Tòa án không có căn cứ để áp dụng quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự[9]. Tuy nhiên, có trường hợp người có nghĩa vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ nhưng Tòa án vẫn xác định là căn cứ để tính lại thời hiệu[10]. Bởi vì “trong nội dung công văn từ chối trên mặc dù nội dung là từ chối nhưng thực chất là cũng thừa nhận nghĩa vụ của mình đối với nguyên đơn”[11]. Như vậy, việc xác định ý chí chủ quan của người có nghĩa vụ (thừa nhận hay không thừa nhận) là vấn đề phức tạp và có ý nghĩa quan trọng khi xác định căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

1.2. Căn cứ thứ hai: Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện

Việc thực hiện xong một phần nghĩa vụ mang dáng dấp của Căn cứ thứ nhất, hàm chứa cả việc thừa nhận nghĩa vụ. Khi chủ thể đã thực hiện một phần nghĩa vụ của mình đã thể hiện ý chí “ngầm” thừa nhận nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ là một phần, vì nếu bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì đã không phát sinh tranh chấp nữa.

Ví dụ trong vụ việc thứ hai sau đây, bị đơn thừa nhận đã thực hiện một phần nghĩa vụ đối với nguyên đơn cũng được Tòa án chấp nhận là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu: “Ngày 12/01/2018, ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông K, bà P phải trả cho ông H 100.000.000đ tiền nợ gốc đã vay vào ngày 28/01/2014, cùng với tiền lãi suất. Thời hạn mà vợ chồng ông K, 4 bà P phải trả cho ông số tiền đã vay cùng với tiền lãi là ngày 04/4/2014, nên thời hiệu ông H khởi kiện được tính từ ngày 05/4/2014. Quá trình tham gia giải quyết vụ án, vợ chồng ông K, bà P thừa nhận ngày 28/01/2014, vợ chồng ông, bà có vay ông H 319.000.000đ nhưng đã trả cho ông H 239.000.000đ, chỉ còn nợ ông H 80.000.000đ. Như vậy, vợ chồng ông K, bà P thừa nhận đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ trả nợ tiền vay cho ông H, được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 157 BLDS năm 2015. Việc ông H khởi kiện vào ngày 12/01/2018, là còn trong thời hiệu khởi kiện 03 năm, tính từ ngày bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện”[12].

1.3. Căn cứ thứ ba: Các bên đã tự hòa giải với nhau

Căn cứ thứ ba không phải là một căn cứ độc lập mà hàm chứa cả căn cứ thứ nhất. Các đương sự cùng thương lượng, thỏa thuận khi phát sinh tranh chấp đã thể hiện ý chí thừa nhận nghĩa vụ để cùng nhau tìm phương án, giải pháp giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) có sự tham gia của bên thứ ba độc lập đóng vai trò là hòa giải viên. Việc BLDS sử dụng cụm từ “tự hòa giải” dường như mâu thuẫn với chính bản chất của hòa giải, bởi vì đã “hòa giải” thì các bên không thể “tự”[13]. Do đó, theo quan điểm của tác giả, Căn cứ thứ ba cần được hiểu theo nghĩa “các bên đã tự thương lượng với nhau” hoặc “các bên đã hòa giải” mới phù hợp.

Từ những phân tích nêu trên, “ý chí của chủ thể (nhất là ý chí của người có nghĩa vụ) đã gián tiếp quyết định việc tính lại thời hiệu khởi kiện”[14]. Cả ba căn cứ tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 tựu trung lại đều có chung một nội dung: Nếu bên có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của họ đối với người khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại (dù với bất kỳ hình thức nào: hòa giải, thương lượng, thực hiện hay thừa nhận nghĩa vụ). Bắt đầu lại thời hiệu phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể mà không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khách quan như khoảng thời gian không tính vào thời hiệu.

2. Thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Điều 157 BLDS 2015 không quy định minh thị thời điểm phát sinh của các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Từ đó, đặt ra hai vấn đề còn bỏ ngỏ là: (i) Về pháp luật nội dung, căn cứ bắt đầu lại thời hiệu chỉ phát sinh sau khi thời hiệu đã hết hay kể cả trước khi thời hiệu vẫn còn; (ii) Về pháp luật tố tụng, căn cứ bắt đầu lại thời hiệu có thể phát sinh trước khi bắt đầu quá trình tố tụng hay kể cả khi quá trình tố tụng đang diễn ra[15]. Thực tiễn xét xử giữa các cấp Tòa án và giữa Tòa án với Viện kiểm sát cho thấy nhiều quan điểm khác nhau về hai vấn đề này.

2.1. Về nội dung: Thời điểm phát sinh khi thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết

Quy định tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 chỉ đề cập “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây” mà không quy định cụ thể thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu: (i) có thể trước hoặc sau khi hết thời hiệu hay (ii) bắt buộc phải phát sinh sau khi thời hiệu đã hết[16]. Có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, căn cứ bắt đầu lại thời hiệu chỉ có thể phát sinh khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Nếu căn cứ bắt đầu lại thời hiệu phát sinh trước khi hết thời hiệu khởi kiện thì không được áp dụng. Quan điểm này thể hiện rõ trong nhận định của Tòa phúc thẩm tại vụ việc thứ nhất: “khi thời hiệu khởi kiện đã hết mà xảy ra “sự kiện” như quy định tại điểm a và b đã viện dẫn ở trên thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ thời điểm xảy ra “sự kiện”. Do đó, Tòa phúc thẩm nhận định việc Tòa sơ thẩm xác định “thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại vào thời điểm bị đơn thanh toán nợ ngày 09/7/2021 là chưa đúng, vì thời điểm ngày 09/7/2021 thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn chưa hết, hai bên chưa có tranh chấp và bị đơn hoàn toàn không ký bất kỳ chứng từ, văn bản nào xác nhận nghĩa vụ đối với số tiền bị đơn chưa thanh toán cho nguyên đơn”[17].

- Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), căn cứ bắt đầu lại thời hiệu phát sinh trước hoặc sau khi hết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì đều có thể áp dụng. Quan điểm này thể hiện trong lập luận của Tòa sơ thẩm trong vụ việc thứ nhất: “Tòa án cấp sơ thẩm trích dẫn Điều 157 của Bộ luật dân sự nhưng cho rằng ngày 09/7/2021 và ngày 13/7/2021 bị đơn thừa nhận tiền nợ và thanh toán 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) cho nguyên đơn nên thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại vào thời điểm bị đơn thanh toán nợ ngày 09/7/2021…”[18].

Tòa phúc thẩm trong trong vụ việc thứ hai cũng theo quan điểm này. Theo đó, Tòa phúc thẩm xác định “thời hiệu ông H khởi kiện được tính từ ngày 05/4/2014”. Do đó, thời hiệu khởi kiện là tính từ ngày 05/4/2014 đến ngày 05/4/2017 (ba năm). Nếu không áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thời hiệu khởi kiện đã hết vào ngày 05/4/2017. Mặc dù thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đã hết (ngày 12/01/2018 ông H mới khởi kiện vợ chồng ông K, bà P), nhưng trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, vợ chồng ông K, bà P đã thừa nhận có vay, đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ và còn nợ ông H số tiền 80.000.000 đồng. Theo đó, Tòa án xác định “vợ chồng ông K, bà P thừa nhận đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ trả nợ tiền vay cho ông H” nên “thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại”.

Theo quan điểm của tác giả, việc áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu không nên giới hạn khi thời hiệu đã hết. Quy định tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 chỉ nêu các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà không quy định thời điểm phát sinh căn cứ này, tức không giới hạn thời gian. Do đó, không có cơ sở pháp lý để khẳng định thời điểm phát sinh bắt buộc là sau khi hết thời hiệu. Như đã phân tích ở mục 1, BLDS 2015 chỉ đề cập đến ý chí của các bên (đặc biệt là bên có nghĩa vụ) để “kích hoạt” căn cứ bắt đầu lại thời hiệu. Nếu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự vẫn còn mà phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu thì hoàn toàn có thể bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện[19]. Việc phân biệt thời điểm phát sinh sẽ không có ý nghĩa về thực tiễn mà thậm chí còn hạn chế quyền của người khởi kiện[20], trong khi mục đích của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện.

Có ý kiến cho rằng, ở vụ việc thứ nhất, Tòa án xác định thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là thời điểm từ khi bị đơn thừa nhận nghĩa vụ trả nợ (bị đơn tự khai tại phiên tòa) “là hoàn toàn hợp tình, hợp lý”, “Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa ra đường lối giải quyết đúng đắn” và “cần thiết phải phát triển thành án lệ”[21]. Theo quan điểm của tác giả, việc Tòa án xác định thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong vụ việc thứ nhất là phù hợp. Tuy nhiên, việc Tòa án xác định thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện với điều kiện là “thời hiệu khởi kiện đã hết” là không thuyết phục và chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Thực tiễn xét xử cần áp dụng theo hướng thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không phân biệt thời hiệu còn hay hết.

2.2. Về tố tụng: Thời điểm phát sinh trước hay trong quá trình tố tụng

Ngoài vấn đề nêu trên, quy định tại Điều 157 BLDS 2015 còn bỏ ngỏ vấn đề thời điểm phát sinh căn cứ: (i) có thể trước hoặc sau khi bắt đầu quá trình tố tụng hay (ii) bắt buộc phải phát sinh trước khi bắt đầu quá trình tố tụng. Thực tiễn xét xử cũng có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

- Quan điểm thứ nhất (cũng là quan điểm của tác giả) căn cứ bắt đầu lại thời hiệu có thể phát sinh sau khi bắt đầu quá trình tố tụng. Quan điểm này thể hiện trong nhận định của Viện kiểm sát trong vụ việc thứ ba sau đây: “Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ ngày 27/6/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Quyết định phúc thẩm số 01/2019/QĐ-PT ngày 25/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi… lại với nhận định:… Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án nhân dân thành phố Q thể hiện tại Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 28/5/2018 đó là phía bị đơn Công ty cổ phần Đ, đại diện theo ủy quyền là ông Đỗ Thạch Trụ đã thừa nhận “... có vi phạm của Công ty Đ trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho ông Nghiêm Ngọc T, ông T làm công việc nặng nhọc độc hại nhưng công ty không xếp lương nặng nhọc độc hại trong khoảng thời gian từ tháng 8/1984 đến tháng 3/1993 (08 năm 8 tháng), dẫn đến vi phạm trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” (BL 61) và Công văn số 253/BHXH-CĐBHXH ngày 12/02/2018 của BHXH tỉnh Quảng Ngãi thể hiện Công ty cổ phần Đ đã thực hiện nghĩa vụ truy đóng BHXH cho người lao động là đã thể hiện việc khắc phục hành vi vi phạm. Căn cứ quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguồn chứng thì Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 28/5/2018 và Công văn số 253/BHXH-CĐBHXH ngày 12/02/2018 của BHXH tỉnh Quảng Ngãi là một nguồn chứng cứ để áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015…”[22]. Quan điểm của Tòa phúc thẩm trong vụ việc thứ nhất và Tòa phúc thẩm trong vụ việc thứ hai cũng khẳng định quan điểm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu hoàn toàn có thể phát sinh sau khi quá trình tố tụng bắt đầu, tức trong quá trình giải quyết vụ án.

- Quan điểm thứ hai là quan điểm của Tòa giám đốc thẩm trong vụ việc thứ ba: “Tuy nhiên, lời khai của đương sự tại Tòa án là chứng cứ mới xuất hiện tại Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 25/8/2018 (sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, ngày 25/9/2017). Tại thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện, chưa có chứng cứ làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu nên không thể áp dụng quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015 như nhận định tại Quyết định kháng nghị”[23]. Tòa giám đốc thẩm cho rằng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu phát sinh sau thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện nên không được xem là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu.

Có ý kiến “đề xuất lựa chọn quyết định giám đốc thẩm nêu trên là nguồn để phát triển án lệ” khi “Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa ra đường lối xử lý theo hướng tại thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện chưa xuất hiện chứng cứ mới làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án nên không thể áp dụng quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự để tính lại thời hiệu khởi kiện vụ án”[24]. Theo quan điểm của tác giả, căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng không nên giới hạn bởi “thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện”. BLDS 2015 không giới hạn thời điểm phát sinh căn cứ trước hay trong giai đoạn tố tụng. Do đó, thời điểm phát sinh căn cứ dù trước hay sau thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện đều có thể được xem là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu nếu đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã không còn quy định trả lại đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Tức sau khi thụ lý vụ án, người khởi kiện vẫn có thời gian để củng cố các chứng cứ chứng minh thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Do đó, thực tiễn xét xử cũng nên có quan điểm “cởi mở” hơn về việc thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Có quan điểm cho rằng: “chỉ cần trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện”[25]. Theo quan điểm của tác giả, căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện có thể phát sinh ở mọi thời điểm sau khi bắt đầu tính thời hiệu, bất kể trước hay trong quá trình tố tụng và không phân biệt Tòa án sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay chưa. Trước hoặc sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ngay cả tại phiên tòa (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu thì đều được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn cũng như vận dụng linh hoạt quy định pháp luật trước vấn đề còn “bỏ ngỏ”.

3. Kết luận

Vụ việc thứ hai là một ví dụ cụ thể đưa ra câu trả lời và giải thích cho cả hai vấn đề đặt ra trong bài viết. Tác giả đồng tình với quan điểm xét xử của Tòa phúc thẩm trong vụ việc thứ hai. Căn cứ bắt đầu lại thời hiệu tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 cần được áp dụng với thời điểm: (i) không phân biệt còn hay hết thời hiệu và (ii) không phân biệt trước hay trong quá trình tố tụng. Trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết, nhưng trong quá trình tố tụng, bên có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của mình với người khởi kiện vẫn đủ điều kiện để thời hiệu được khởi động lại. Có như vậy thì thời hiệu bắt đầu lại thời hiệu mới thực sự là công cụ bảo vệ chứ không phải hạn chế quyền và lợi ích của bên có quyền.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Văn Đại và Ngô Thị Anh Vân, Thỏa thuận về thời hiệu khởi kiện: kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam, Tài liệu hội thảo khoa học: Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam, TP. HCM (2020)

2. Trần Việt Đức, Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành,Luận văn thạc sĩ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (2014).

3. Nguyễn Minh Hằng, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Tạp chí Kiểm sát, số 13(2017)

4. Nguyễn Minh Hằng, Mất quyền khởi kiện về trách nhiệm dân sự khi hết thời hiệu khởi kiện theo pháp luật Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Trách nhiệm dân sự và hợp đồng: Kinh nghiệm của Việt Nam và Liên minh châu Âu, Thừa Thiên – Huế (2019).

5. Cao Đăng Huy, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐH Luật TP. HCM (2016)

6. HOÀNG THẾ LIÊN (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TẬP I (2009)

7. Tưởng Duy Lượng, Quy định của Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hưởng di sản theo thời hiệu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (341) (2017)

8. Phạm Thị Thúy và Nguyễn Trần Bảo Uyên, Tác động của thời gian giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và tại Tòa án đến thời hiệu khởi kiện, Tài liệu hội thảo khoa học: Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam, TP. HCM (2020)

[1] Trần Việt Đức, Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, Luận văn thạc sĩ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.62 (2014)

[2] Cao Đăng Huy, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐH Luật TP. HCM, tr.25-26 (2016)

[3] Nguyễn Minh Hằng, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Tạp chí Kiểm sát, số 13, tr.23 (2017)

[4] Tưởng Duy Lượng, Quy định của Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hưởng di sản theo thời hiệu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (341), tr.44. (2017)

[5] Quy định pháp luật Việt Nam chỉ cho phép bắt đầu lại thời hiệu khi phát sinh căn cứ do luật định, không cho phép các bên thỏa thuận về căn cứ bắt đầu lại thời hiệu. Tuy nhiên, việc cho phép các bên thỏa thuận căn cứ bắt đầu lại thời hiệu đã xuất hiện khá lâu trong pháp luật các nước. Ví dụ Điều 2254 BLDS Pháp quy định: “các các bên cũng có thể thống nhất bổ sung thêm các căn cứ đình chỉ hoặc bắt đầu lại thời hiệu theo quy định của pháp luật”.

[6] Duy Kiên, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (Kỳ 1), Công lý (06/12/2014, 07:05). https://congly.vn/bat-dau-lai-thoi-hieu-khoi-kien-va-thuc-tien-xet-xu-ky-1-142330.html

[7] Quy định này phổ biến trong pháp luật thương mại quốc tế như: Điều 10.4 Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế 2004; Điều 20 Công ước về Thời hiệu trong Mua bán hàng hóa quốc tế năm 1974 và pháp luật các quốc gia trên thế giới như: Điều 2240 BLDS Pháp, Điều 212 BLDS Đức, Điều 2898 BLDS Québec, Điều 203 BLDS Liên Bang Nga, Điều 195 BLDS Trung Quốc, Điều 168 BLDS Hàn Quốc và Điều 193/14 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan.

[8] Bản án số 04/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

[9] Ví dụ: “Bị đơn chị Nguyễn Thị X không thừa nhận khoản vay 310 triệu đồng trong hợp đồng vay tiền anh H cung cấp cho Tòa án, chị không đồng ý trả 310 triệu đồng cho anh H, vậy không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại điều 157 Bộ luật dân sự” (Bản án số 26/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

[10] Cụ thể: “Tại Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện...”. Căn cứ quy định này, thì thời hiệu khởi kiện (3 năm) được bắt đầu lại tính từ ngày 04-7-2018 (sau ngày Ngân hàng V ban hành Công văn số 256/NHPT.QBI-TD từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh) đến ngày 04-7-2021. Do đó, ngày 23-9-2020, Ngân hàng O khởi kiện yêu cầu Ngân hàng V thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là trong thời hiệu khởi kiện.” (Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT ngày 23/9/2023 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng).

[11] Hồng Nguyễn, Về xác định thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự, Toà án https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND319671

[12] Bản án số 10/2019/DS-PT ngày 29/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk.

[13] Phạm Thị Thúy và Nguyễn Trần Bảo Uyên, Tác động của thời gian giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và tại Tòa án đến thời hiệu khởi kiện,Tài liệu hội thảo khoa học: Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam, TP. HCM, tr.23 (2020)

[14] Đỗ Văn Đại và Ngô Thị Anh Vân, Thỏa thuận về thời hiệu khởi kiện: kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam, Tài liệu hội thảo khoa học: Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam, TP. HCM, tr.30 (2020)

[15] Nguyễn Minh Hằng, Mất quyền khởi kiện về trách nhiệm dân sự khi hết thời hiệu khởi kiện theo pháp luật Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Trách nhiệm dân sự và hợp đồng: Kinh nghiệm của Việt Nam và Liên minh châu Âu, Thừa Thiên – Huế, tr.61 (2019)

[16] Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng cần phải đáp ứng hai điều kiện để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là: (i) bên có quyền khởi kiện trong thời hiệu và (ii) có một trong các sự kiện được quy định tại khoản 1 Điều 157 BLDS 2015 (Xem thêm: NGUYỄN MINH TUẤN (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT DÂN SỰ CỦA NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, TR. 215 (2014)

[17] Bản án số 04/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

[18] Bản án số 04/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

[19] Có ý kiến cho rằng: “nếu có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện phát sinh khi thời hiệu khởi kiện vẫn còn mà xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại không phải là một lý giải thuyết phục hoàn toàn về thời hiệu, nhưng có thể xem là một lý giải hợp lý theo khuynh hướng gia tăng tối đa có thể quyền khởi kiện trên phương diện thời hiệu cho đương sự.” (Cao Đăng Huy (2016), Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐH Luật TP. HCM, tr.33).

[20] Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

[21] Gia Bảo, Về áp dụng thời hiệu đối với nghĩa vụ thanh toán trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa,[https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND321575], truy cập ngày 27/6/2024.

[22] Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/LĐ-GĐT ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

[23] Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/LĐ-GĐT ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

[24] Thanh Hà, Vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Toà án, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND285229

[25] Nguyễn Phát Lộc và Mai Văn Việt, Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng dân sự, Toà án (31/07/2022, 08:01) https://tapchitoaan.vn/bat-dau-lai-thoi-hieu-khoi-kien-doi-voi-tranh-chap-hop-dong-dan-su6830.html

Cùng chuyên mục

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 giờ trước

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình số 503 của Chính phủ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng.

Xây dựng chế định luật sư công: Cần thiết để đi “đường dài” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng chế định luật sư công: Cần thiết để đi “đường dài” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này là kịp thời nhưng để đi được đường dài, chúng ta cần tính đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế.

Bé gái bị người tình của mẹ xâm hại: Vì sao người mẹ bị khởi tố tội ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’

Bé gái bị người tình của mẹ xâm hại: Vì sao người mẹ bị khởi tố tội ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam người đàn ông xâm hại tình dục bé gái 12 tuổi ở Bình Dương. Đáng chú ý, người mẹ của cháu bé cũng bị khởi tố về tội danh ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’.

Nhà báo 'dỏm' lừa chạy án rồi chiếm đoạt 550 triệu đồng

Nhà báo 'dỏm' lừa chạy án rồi chiếm đoạt 550 triệu đồng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Đối tượng Trương Quang Hưng tự xưng là nhà báo, có quan hệ rộng, có thể “chạy án”, lừa đảo chiếm đoạt 550 triệu đồng của bị hại.

Lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự: Xử lý như thế nào?

Lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự: Xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Cử tri kiến nghị có biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng thông tin chi tiết về quy định liên quan đến hình xăm.

Triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua Lào để bóc lột tình dục

Triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua Lào để bóc lột tình dục

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Cặp vợ chồng tuyển mộ nhiều thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi, dụ dỗ sang Lào bàn giao cho một người phụ nữ khác để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc. Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?

Xử phạt chủ Facebook đăng tin sai về sáp nhập tỉnh thành để 'câu view'

Xử phạt chủ Facebook đăng tin sai về sáp nhập tỉnh thành để 'câu view'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Đăng tải thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành, 2 người đàn ông ở Nghệ An bị xử phạt 5 triệu đồng/người. Mức xử phạt hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội ra sao?

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thông qua dịch vụ thanh toán quốc tế Paypal

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thông qua dịch vụ thanh toán quốc tế Paypal

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng sử dụng tài khoản PayPal hợp lệ để tạo ra những hóa đơn giả mạo, sau đó gửi cho nhiều người với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Đọc nhiều