Thủ tướng Chính phủ: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Khánh Huyền
Chủ nhật, 03/11/2024 - 07:21
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực; xây dựng cơ chế để đẩy mạnh hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời...
Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban; lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Việc Trung ương, Bộ Chính trị có các nghị quyết, Kết luận về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được giao tại Kết luận 91.
Để triển khai Kết luận 91, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 91.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ đã gửi xin ý kiến góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố.
Đến nay, dự thảo Chương trình hành động về cơ bản đã bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 91, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa phân công đến từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương.
Sau khi các thành viên của Ủy ban và các đại biểu tham dự phiên họp có ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo, luôn đặt giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, Kết luận 91 của Bộ Chính trị nhằm phát triển giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khẳng định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, trong đó có giáo dục, đào tạo, Thủ tướng lưu ý vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt, tự lực, tự cường, tự tin dân tộc.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" để phát huy không gian sáng tạo; nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực; xây dựng cơ chế để đẩy mạnh hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời.
Trên cơ sở đó tiếp tục rà soát các nội dung tại Kết luận 91 để hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động và Chiến lược giáo dục, đào tạo, hoàn thành trong quý I/2025, theo hướng, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm."
Thủ tướng lưu ý một số nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành kinh tế mới nổi; nguồn lực dành cho đầu tư giáo dục; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, mở rộng đào tạo các ngoại ngữ khác theo yêu cầu của công việc.
Nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, Thủ tướng yêu cầu có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực cho giáo dục, đào tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để giảm gánh nặng của Nhà nước, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, đóng vai trò là vốn mồi.
Đối với việc thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng "Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam."
Yêu cầu xây dựng các trường học Việt Nam ở nước ngoài phải đảm bảo vừa dạy và học kiến thức, vừa học truyền thống lịch sử, văn hóa, có môn tiếng Việt, Thủ tướng cũng chỉ rõ các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, mọi người phải bình đẳng tiếp cận vấn đề này; xây dựng phong cách học tập suốt đời.
(PLPT) - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và có phát biểu quan trọng. Tạp Chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư.
(PLPT) - Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”.
(PLPT) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, sau 13 năm áp dụng, các quy định về “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng đã phát huy tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng hay sàng lọc nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.
(PLPT) - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu cho rằng điều kiện kéo dài tuổi phục vụ thêm 5 năm vẫn còn chung chung và chưa rõ ràng.
(PLPT) - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển. Tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
(PLPT) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tuần làm việc thứ 3 (từ ngày 4-9/11) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là công tác lập pháp và giám sát.
Sáng 2/11, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba (Chủ tịch Quốc hội) Esteban Lazo Hernandez dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 2-3/11/2024, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.