Nghiên cứu lý luận

Tính thống nhất giữa Luật đấu thầu 2023 và Luật đất đai 2024: Phân tích phạm vi áp dụng khi lựa chọn nhà đầu tư

GS.TS Lê Hồng Hạnh Chủ nhật, 21/07/2024 - 07:25
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật đấu thầu 2023 với các luật liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai 2024 và Luật Đầu tư 2020 là điều mà nhiều chính khách, chuyên gia đặt ra trong quá trình soạn thảo Luật Đấu thầu 2023. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

1. Dẫn đề

Luật Đấu thầu 2023 được áp dụng đối với nhiều dự án đầu tư được liệt kê tại Điều 2 với sự phân biệt rõ mục đích tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Trong số các dự án thuộc phạm vi áp dụng đấu thầu thì các dự án đầu tư xây dựng có vị trí đặc biệt quan trọng và có độ phức tạp cao. Vị trí đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng gắn với việc xây dựng, vận hành hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước. Những dự án này có giá trị hàng chục, hàng trăm đến hàng nghìn tỷ. Tính phức tạp của những dự án này là hệ quả của tiến độ thực hiện kéo dài, sự tham gia của nhiều chủ thể với các hoạt động khác nhau như thiết kế, mua sắm, thi công, giám sát, vay vốn v.v..

Trong số các dự án đầu tư xây dựng thì phức tạp nhất là các dự án đầu tư có sử dụng đất. Dự án đầu tư xây dựng bao giờ cũng gắn với sử dụng đất. Vì vậy, quyền sử dụng đất vừa là đối tượng của Luật đất đai 2024 và cũng là đối tượng của Luật Đấu thầu 2023 được ban hành trước đó 6 tháng. Bài viết này phân tích tính thống nhất giữa hai luật này khi áp dụng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật đấu thầu 2023 với các luật liên quan đặc biệt là Luật Đất đai 2024 và Luật Đầu tư 2020 là điều mà nhiều chính khách, chuyên gia đặt ra trong quá trình soạn thảo Luật Đấu thầu 2023. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. “Luật Đấu thầu liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật …. nên cần có sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh tại Hội thảo khoa học: “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng”.

2. Nhà đầu tư trong Luật Đấu thầu 2023 và Luật Đất đai 2024

Nhà đầu tư là chủ thể được đề cập trong nhiều quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Luật Đất đai 2024.

Khoản 25 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định “nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà đầu tư có thể là nhà đầu tư độc lập hoặc nhà đầu tư liên danh.” Cũng theo Điều 4, khoản 29, nhà đầu tư nước ngoài được định nghĩa là “là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân có quốc tịch nước ngoài tham dự thầu.” Như vậy, tiêu chí cơ bản, mang tính bản chất để xác định nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu năm 2023 là “tham gia dự thầu”.

Luật đất đai có rất nhiều quy định về nhà đầu tư gắn với các dự án có sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất và đấu thầu quyền dụng đất. Luật Đất đai 2024 không định nghĩa thế nào là nhà đầu tư nên khi áp dụng các quy định về đấu thầu đối với các dự án, bao gồm cả dự án có sử dụng đất sẽ không có sự mâu thuẫn hay xung đột ở khía cạnh nhà đầu tư tham gia hoạt động đấu thầu. Tương tự, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng không định nghĩa nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư được định nghĩa tại khoản 18, Điều 3, Luật Đầu tư 2020 theo đó nhà đầu tư là “tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”

Do pháp luật đấu thầu và pháp luật đầu tư gắn với nhau chặt chẽ do đối tượng điều chỉnh quan trọng nhất là các dự án xây dựng và hai lĩnh vực này gắn với pháp luật đất đai khi áp dụng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Chính vì vậy, việc phân tích tính thống nhất trong khái niệm nhà đầu tư, tìm ra các yếu tố có khả năng chứa rủi ro, xung đột trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có ý quan trọng đối với việc thi hành các quy định của Luật Đấu thầu 2023 hướng tới hiệu lực và hiệu quả.

Phân tích định nghĩa “nhà đầu tư” trong Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, Luật đầu tư 2020 có thể nhận ra một số điểm dễ gây khó khăn cho việc thi hành.

Thứ nhất, có sự khác nhau về tiêu chí xác định nhà đầu tư giữa hai luật. Đối với Luật Đấu thầu, nhà đầu tư là cá nhân đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà đầu tư có thể là nhà đầu tư độc lập hoặc nhà đầu tư liên danh. Theo Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư là “tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.” Trong thực tiễn thi hành pháp luật đấu thầu sẽ phát sinh câu hỏi: “Nếu một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh không tham gia đấu thầu thì có được coi là nhà đầu tư không” theo Luật này hay không. Câu trả lời cho vấn đề này dĩ nhiên liên quan đến tư cách tham gia đấu thầu.

Thứ hai, nhà đầu tư đứng tên dự thầu, trực tiếp ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng khi được trúng thầu thì họ có còn là nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023 nữa không? Tương tự, theo khoản 4 Điều 23 Luật Đất đai thì người sử dụng đất (bao gồm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo hoặc được đề nghị Nhà nước giao đất không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Như vậy, bất cứ người sử dụng đất nào nếu tham gia đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất thì là nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023 không?.

Thứ ba, từ những phân tích phía trên, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là địa vị pháp lý của nhà đầu tư không tham gia đấu thầu và nhà đầu tư tham gia đấu thầu có khác nhau không và nếu có thì khác nhau ở đâu?. Câu trả lời cho vấn đề đặt ra ở đây có ý nghĩa trong việc giải mã điều kiện tham gia đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo Điều 3, khoản 10 Luật Đất đai 2024, chủ đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan đã được lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2024. Rõ ràng, nếu theo Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2024 thì nhà đầu tư được xác định không dựa vào tiêu chí có tham gia đấu thầu hay không. Việc tham gia đứng tên dự thầu, trực tiếp ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng khi được lựa chọn không thay đổi tư cách pháp lý của nhà đầu tư. Không phải nhà đầu tư nào đầu tư phát triển dự án đều tham gia đấu thầu. Vì thế, trong thực tiễn sau này, việc xác định nhà đầu tư sẽ có vướng với đòi hỏi “dự thầu, trực tiếp ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng khi trúng thầu”. Thế nào là nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023 cần được giải thích rõ ràng.

2. Dự án đầu tư có sử dụng đất trong Luật Đấu thầu 2023 và Luật Đất đai 2024

Dự án đầu tư có sử dụng đất được gắn với các hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất v.v được quy định trong Luật Đất đai 2024. Luật này không quy định hoạt động đấu thầu quyền sử dụng đất. Ngược lại, Luật Đấu thầu cũng không quy định việc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là nỗ lực của cơ quan lập pháp trong việc tránh trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật về đấu thầu và các lĩnh vực pháp luật khác. So sánh điều kiện, yêu cầu được áp dụng đối với đấu thầu án có sử dụng đất giữa Luật Đấu thầu 2023 và Luật Đất đai 2024 để xác định những điểm thống nhất và những điểm khác nhau chứa đựng rủi ro trong thi hành là rất cần thiết.

Luật đất đai 2024 không định nghĩa thế nào là dự án đầu tư có sử dụng đất mặc dù khái niệm này được đề cập trong rất nhiều quy định ở các điều khác nhau. Thực tế cho thấy, hầu như dự án nào cũng sử dụng đất dù ở mức độ này hay mức độ khác. Phân biệt thế nào là dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án đầu tư không sử dụng đất là rất khó trong thực tiễn thi hành. Một trong những đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu 2023 là các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai hay các dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Luật Đất đai 2024 quy định các dự án có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu bao gồm: 1. dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; 2. dự án khu dân cư nông thôn.

Điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được quy định như sau:

“a) Thuộc danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.”

Đi sâu vào phân tích các quy định pháp luật đấu thầu và pháp luật đất đai, có thể thấy một số điểm mờ đáng được xử lý trong các văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Thứ nhất, như đã phân tích, Luật đấu thầu 2023 không quy định về đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất mà chỉ quy định chung về các điều kiện đấu thầu các dự án đầu tư kinh doanh (Điều 1) và các dự án đầu tư bao gồm: chương trình, dự án đầu tư xây dựng mới; dự án mua sắm tài sản; dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng; dự án, nhiệm vụ, đề án quy hoạch; hỗ trợ kỹ thuật; các chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật (Điều 4). Sự khác nhau trong định nghĩa dự án đầu tư kinh doanh và dự án đầu tư để áp dụng của Luật Đấu thầu 2023 đặt ra câu hỏi khó trả lời. Đó là dự án đầu tư có sử dụng đất là đối tượng áp dụng Điều 1 hay Điều 4, tức là dự án đầu tư có sử dụng đất nếu không phải là dự án đầu tư kinh doanh thì có áp dụng Luật Đấu thầu 2023 không. Thực tế có những dự án đầu tư không có mục đích kinh doanh dù có sử dụng đất. Đó là các dự án có mục đích xã hội thuần túy, dễ thấy trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Nếu áp dụng khoản 6 Điều 4 Luật Đấu thầu về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu thì các dự án có sử dụng đất song không phải là dự án kinh doanh hoàn toàn thuộc phạm vi áp dụng của Luật đấu thầu 2023. Tuy nhiên nếu áp dụng khoản 1 thì sẽ có vấn đề đặt ra bởi tiêu chí dự án kinh doanh. Cần có giải thích rõ phạm vi áp dụng các dự án đầu từ theo định nghĩa ở Điều 1 và Điều 4 Luật Đấu thầu 2023.

Thứ hai, những quy định của Luật Đất đai 2024 luôn có sự loại trừ và điều kiện. Các loại trừ hay điều kiện này được viện dẫn đến luật chuyên ngành khác. Bên cạnh những giá trị tích cực không thể phủ nhận, việc viện dẫn các điều kiện hay loại trừ quy định trong các luật khác cũng rất dễ làm phát sinh những khó khăn trong thi hành Luật Đấu thầu 2023. Khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2024 xác định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại điểm (a) khoản 1 Điều 126 phải đáp ứng các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Điểm a, khoản 1 Điều 126 quy định các dự án quy định tại khoản 27 Điều 79 của Luật Đất đai 2024 được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu. Các dự án đó bao gồm: đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người, điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô; bến phà, bến xe, trạm dừng nghỉ; các loại hình đường sắt; nhà ga đường sắt; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải; công trình hàng không; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo; cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không; các kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải. Bên cạnh đó, các dự án được liệt kê trong các khoản 2 đến 9 Điều 79 nhưng không thuộc khoản a và thuộc trường hợp thu hồi đất cũng là đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu.

Khoản 5 Điều 126 Luật Đất đai quy định các điều kiện để tổ chức hay cá nhân tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để được lựa chọn nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện:

“a) Thuộc danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.”

Ngoài ra, các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu 2023 nếu được tổ chức đấu thầu thì các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phải đáp ứng điều kiện tham gia đấu thầu được quy định trong Điều 5 Luật Đấu thầu 2023.

Những quy định của Luật Đấu thầu 2023 liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất trong thi hành sẽ gặp phải khó khăn do sự viện dẫn đan chéo nhau giữa Luật Đất đai 2024 và Luật Đấu thầu 2023. Luật Đất đai 2024 khi quy định các dự án có sử dụng đất theo Điều được thực hiện theo Luật Đấu thầu 2023. Trong lúc đo, các tiêu chí xác định dự án đầu tư có sử dụng đất, điều kiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải đáp ứng được quy định của Luật Đất đai 2024. Những nội dung nêu trên lại là phần không thể thiếu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu v.v.

Thứ ba, trong tương lai không xa khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, việc áp dụng Luật Đấu thầu 2023 sẽ đối mặt với những vấn đề nêu trên từ các quy định về đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong trường hợp có xung đột hay mâu thuẫn, Luật Đất đai 2024 sẽ được áp dụng. Vì thế, những quy định của Luật Đấu thầu 2023 về dự án có sử dụng đất sẽ không phát huy được tác dụng. Lo ngại này trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai đã được đặt ra. Dự án đầu tư có sử dụng đất có liên quan chặt chẽ với Luật Đất đai. Trong lúc đó, mấu chốt để đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư là các chi phí nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án phải rõ ràng ngay tại hồ sơ mời thầu, đặc biệt là tiền sử dụng đất, vì đây là khoản chi phí lớn nhất mà nhà đầu tư phải nộp. Vì thế, bất cứ mâu thuẫn, xung đột giữa hai Luật Đấu thầu 2023 và Luật Đất đai 2024 liên quan đến đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất đều cần được khắc phục trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn.

3. Những điểm mới căn bản của Luật Đất đai 2024 và tác động của nó tới Luật đấu thầu 2023 về đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất

Dự án đầu tư có sử dụng đất và việc đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện chúng là nguyên nhân của tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, trong nhiều năm vừa qua. Tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đất đai đẩy nhiều địa phương vào cuối đường hầm, không có cơ hội sự phát triển. Nghị quyết 18 NQ-TW ngày 16/6/2022 đã nhấn mạnh: “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...”. Đây là điểm đặc biệt của Nghị quyết số 18/NQ-TW vì đã chỉ rõ một vấn đề cụ thể của pháp luật đất đai và thực tiễn pháp luật đất đai giai đoạn Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Luật Đất đai năm 2024 có nhiều quy định chi tiết, phù hợp hơn để khắc phục các bất cập cả trong pháp luật thực định lẫn trong thực tiễn thi hành. Việc ban hành Luật Đấu thầu 2023 là nỗ lực rất lớn để thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ-TW. Các điểm mới trong các quy định của Luật Đất đai 2024 điều chỉnh quan hệ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất bao gồm nhưng không phải chỉ gói gọn trong các quy định dưới đây:

Thứ nhất, những điểm mới của Luật đất đai 2024 về đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất tập trung chủ yếu ở Điều 126. Nội dung Điều 126 được các chuyên gia, các nhà lập pháp đặc biệt chú ý trong quá trình soạn thảo. Điều 126 Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ điều kiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điều kiện mà dự án đầu tư có sử dụng đất phải đáp ứng. Các điều kiện này khá chi tiết và bao quát. Các điều kiện được thiết kế với ý tưởng rộng mở cơ hội cho cá nhân, tổ chức trong nước tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; điều kiện để nhà với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, những quy định chi tiết và đầy đủ về nội dung đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trong Luật Đất đai sẽ dễ dàng buộc cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định của Luật Đất đai 2024 chứ không phải Luật Đấu thầu 2023 theo nguyên tắc áp dụng pháp luật giữa văn bản cùng cấp hiệu lực được ban hành trước và sau về cùng một vấn đề, giữa văn bản pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Tóm lại, ở khía cạnh dự án đầu tư có sử dụng đất thì các quy định của Luật Đất đai 2024 dễ thắng thế các quy định của Luật Đấu thầu 2023. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ hiện thực hóa kỳ vọng đối với Luật Đấu thầu 2023.

Thứ hai, bổ sung quyền của của người sử dụng đất quyền tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Ý tưởng lập pháp đằng sau quy định này là mở rộng chủ thể tham gia đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Tuy nhiên, như đã phân tích trên quy định này này dễ dẫn đến khó khăn khi xác định dự án đầu tư kinh doanh. Mục tiêu của đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất là đấu thầu là để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, dự án có chất lượng tốt nhất và có cam kết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cao nhất. Mở rộng chủ thể tham gia có khả năng dẫn tới khó khăn cho hoạt động đấu thầu vì mục đích này do cơ hội tham gia của “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu cũng được mở rộng theo. Các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ cần đặc biệt lưu ý đến rủi ro này.

Thứ ba, khoản 2 Điều 116 Luật Đất đai năm 2024 quy định căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Viện dẫn khoản 27 Điều 79, điểm a Khoản 1 Điều 126 quy định, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, Điều 126 Luật Đất đai 2024 quy định các dự án có sử đất khác được liệt kê trong 9 Điều 79 là đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu 2023 nếu không rơi vào các dự án đầu tư liệt kê ở điểm a, khoản 1 Điều 126 sẽ áp dụng Luật Đấu thầu 2023.

Sự thực là rất khó cho các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư trong việc xác định các dự án đầu tư có sử dụng đất nào sẽ thuộc phạm vi áp dụng luật đấu thầu. Vì vậy, cần xây dựng hệ tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch để xác định dự án đầu tư có sử dụng đất nào thuộc phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu 2023.

4. Kết luận

Nội dung của Luật Đấu thầu 2023 và nội dung của Luật Đất đai 2024 đều được áp dụng đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Phải khẳng định Luật Đất đai 2024 đã mang lại nhiều điểm mới có thể coi là giải pháp cho tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chính phủ đã tiến hành xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu 2023 trong đó có các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Những phân tích về rủi ro có thể gặp phải nêu trên rất cần được lưu ý để có thể ban hành thống các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn các quy định về dự án đầu tư như nhiều chuyên gia nhận định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Đấu thầu, Những giá trị mới của Luật Đấu thầu 2023, https://baodauthau.vn/nhung-gia- tri-moi-cua-luat-dau-thau-2023-post148663.html

2. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề cao trách nhiệm, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, dangcongsan.vn, 20/9/2022, https://dangcongsan.vn/phap-luat/de-cao-trach-nhiem-phong-chong-tieu-cuc-tham-nhung-trong-hoat-dong-dau-thau-620007.html

3. Đàm Thị Mai Oanh, Đổi mới quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024, ismonre.gov.vn 20/3/2024, https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/doi-moi-quy-dinh-ve-dau-thau-du-an-co-su-dung-dat-nham-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-dat-trong-luat-dat-dai-nam-2024-2563.html

4. Vũ Quang, Chỉ nên đấu thầu dự án khi đã có đất sạch, daibieunhandan.vn 08/01/2024, https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chi-nen-dau-thau-du-an-khi-da-co-dat-sach-i356958/;

5. Lê Văn Viên, Những điểm mới và một số kiến nghị, đề xuất nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai năm 2024, isponre.gov.vn 9/4/2024, https://isponre.gov.vn/ vi/news/doi-thoai/nhung-diem-moi-va-mot-so-kien-nghi-de-xuat-nham-thuc-thi-hieu-qua-luat-dat-dai-nam-2024-2582.html

6. Luật Đất Đai 2024

7. Luật Đầu tư 2020

8. Luật Đấu thầu 2023

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều