Triệt phá đường dây ma túy 'Nghiện có tư cách' chuyên giao hàng bằng shipper công nghệ
Yến Nhi
Thứ ba, 11/02/2025 - 16:48
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Nhóm đối tượng lập hội kín "Nghiện có tư cách" để tổ chức sử dụng và mua bán ma túy trái phép tại các căn hộ thuê, giao dịch qua Telegram và vận chuyển bằng xe ôm công nghệ.
Ngày 11/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ án "Mua bán trái phép chất ma túy"; "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy" đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 10 bị can liên quan...[1]
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội xác định các đối tượng cầm đầu là Tạ Thành Đạt (SN 1995), trú tại phường Quang Trung và Nguyễn Văn Thịnh (SN 1990), trú tại phường Thổ Quan - quận Đống Đa. Các đối tượng này đều có nhiều tiền án về ma tuý...
Ngoài ra còn 8 bị can liên quan bị truy tố về các tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý", "Tàng trữ trái phép chất ma túy", "Mua bán trái phép chất ma túy". Trong đó, cơ quan công an xác định Phạm Quốc Việt (SN 1984), trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có vai trò chính trong việc "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý".
Ngày 30/1/2024, tại khu chung cư xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, bắt giữ Đàm Hải Đăng (SN 2000), trú tại quận Hai Bà Trưng khi vừa nhận gói hàng có chứa ma tuý từ một người "xe ôm công nghệ".
Tiến hành khám xét nơi ở của Đăng tại quận Hai Bà Trưng, cơ quan công an phát hiện Trần Mạnh Tuấn (SN 1987), trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và 8 đối tượng khác có biểu hiện tổ chức sử dụng sử dụng trái phép chất ma túy. Qua kiểm tra, cơ quan công an thu giữ ma tuý và một số công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội...
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã lập nhóm chat "Nghiện có tư cách" để tụ tập sử dụng ma tuý trái phép. Tối 29/1/2024, các đối tượng trong nhóm chat "Nghiện có tư cách" rủ nhau sử dụng trái phép chất ma tuý. Duy Anh đã liên hệ đặt thuê căn hộ tại chung cư Eco Dream, với giá 4 triệu đồng/ đêm để cả nhóm "chơi" ma túy.
Cơ quan công an xác định việc sử dụng trái phép ma tuý tại căn hộ thuê, Việt là người khởi xướng, tự mua ma tuý để mọi người sử dụng. Sau khi hết ma túy, các đối tượng tiếp tục mua để mời cả nhóm cùng hút hít.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Đăng và các đối tượng liên quan về hành vi "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Về nhân thân đối tượng Đạt, vào khoảng 21h40 ngày 13/3/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội phối hợp Công an phường Quang Trung, quận Đống Đa bắt giữ Đạt về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".
Đạt khai cất giấu ma túy tại căn phòng ở phường Quang Trung, quận Đống Đa. Đạt biết các đối tượng có nhu cầu mua ma túy về sử dụng nên đã nhập ma túy về bán trên ứng dụng Telegram và vận chuyển bằng chuyển phát hoặc "shipper".
Trong việc mua bán ma túy của Đạt, Thịnh và một số đối tượng liên quan tham gia với vai trò giới thiệu khách mua ma túy cho Đạt để được hưởng công từ 200 đến 300 nghìn đồng/ đơn hàng.
Ngoài việc bị khởi tố trong vụ án này, đối tượng Đạt còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa khởi tố về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy" xảy ra ngày 11/3/2024, tại khu vực ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa.
Ngày 20/9/2024, TAND quận Đống Đa đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Đạt 36 tháng tù giam.
Thế nào là mua bán trái phép chất ma túy?
Hiện nay, không có văn bản nào hướng dẫn định nghĩa thế nào là mua bán trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, có thể tham khảo định nghĩa tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, cụ thể như sau:
- Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
- Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
- Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
- Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);
- Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán, … lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
- Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
- Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.[2]
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy nêu trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy.
Tội mua bán trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào?
Người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) sẽ bị xử lý với từng khung hình phạt như sau:
Khung 1:
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Khung 2:
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
- Qua biên giới;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
- Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
- Lá cây coca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ Điểm h đến Điểm o, Khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu trên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3:
Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
- Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
- Lá cây coca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu trên.
Khung 4:
Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
- Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
- Lá cây coca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu trên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[3]
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt như sau:
Khung 1:
Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
- Đối với người đang cai nghiện;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
- Đối với người dưới 13 tuổi.
Khung 4:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
- Làm chết 02 người trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[4]
Thế nào là tàng trữ trái phép chất ma túy?
Hiện nay, không có văn bản nào hướng dẫn thế nào là tàng trữ trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên có thể tham khảo định nghĩa tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, cụ thể như sau:
Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
Mức hình phạt tội tàng trữ trái phép chất ma túy ra sao?
Mức hình phạt tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:
Khung 1:
Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
Khung 4:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[5]
[1] Xuân Mai, Triệt xóa đường dây ma túy chuyên "giao hàng" bằng Telegram và xe ôm công nghệ, Công an nhân dân, ngày 11/02/2025, https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/triet-xoa-duong-day-ma-tuy-chuyen-giao-hang-bang-telegram-va-xe-om-cong-nghe-i758723/
[2] Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 về Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII "Các tội
phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999
[3] Điều 251 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội mua bán trái phép chất ma túy
[4] Điều 255 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
[5] Điều 249 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
(PLPT)- Lợi dụng danh nghĩa Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế lập chương trình "Hồ sơ vàng" để lừa đảo hơn 2.500 người, chiếm đoạt hơn 7,4 tỷ đồng.
Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
(PLPT) - Khai báo gian dối về giấy phép lái xe có thể khiến người vi phạm giao thông chịu mức phạt nặng hơn; nếu quên, có thể xuất trình qua ứng dụng VNeID.
Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, đảm bảo cho hoạt động điều tra vụ án khách quan, minh bạch.
Năm 2024, với ngành Tư pháp, là năm của những sự kiện đặc biệt, nhiều lĩnh vực công tác để lại những dấu ấn đậm nét. Với kết quả đó, năm 2025 toàn ngành sẽ ưu tiên tập trung lĩnh vực trọng tâm nào, các giải pháp thực hiện trong năm công tác mới ra sao?
Kinh tế chia sẻ (KTCS) là một mô hình kinh tế mới, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trong bối cảnh công nghệ, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, KTCS đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ và vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển bền vững. Trong đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cần được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển KTCS.