Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh mới
Phương Thúy
Thứ sáu, 27/09/2024 - 15:06
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, dân chủ, hiện đại trong thời gian tới.
Sáng 27/9, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 8 nhằm chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Phiên họp có sự tham dự các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tận tâm, tận lực trong việc thực hiện xây dựng pháp luật
Theo Chương trình làm việc, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến 06 nội dung, gồm: Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo; dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban; dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đối với lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả nước đang tăng tốc, bứt phá về đích việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Qua tổng hợp, theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động chung của Quốc hội và hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp tục phát huy thành quả, phát huy truyền thống đoàn kết, tận tâm, tận lực, trách nhiệm,đổi mới, sáng tạo, linh hoạt; có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện xây dựng pháp luật; giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, với cách làm đổi mới, linh hoạt, trách nhiệm, từ sớm, từ xa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đánh dấu một năm tham gia toàn diện các lĩnh vực công tác, hoàn thành có chất lượng khối lượng công việc lớn theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có rất nhiều đổi mới trong cách làm.
“Nhất là với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa rõ, Ủy ban luôn gắn với hoạt động giám sát, tổ chức hội thảo và hoạt động giải trình để có được những căn cứ xác đáng cho việc tham gia xây dựng luật cũng như giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cách làm rất linh hoạt, đổi mới như vậy đã góp phần rất quan trọng cho việc nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Ủy ban”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bắt nhịp về tư duy đổi mới trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo
Về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến trong Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung. Trong đó có, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, đây là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong điều kiện mới. Các dự án luật, nghị quyết có nội dung khó, phức tạp, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong công tác xây dựng các dự án luật, nghị quyết.
Riêng đối với dự án Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, đây là dự án luật mới hoàn toàn cả về nội dung và hình thức, vì vậy cần bắt nhịp được ngay về tư duy đổi mới trong quá trình xây dựng, đồng thời đảm bảo theo đúng định hướng của Bộ Chính trị. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng tư duy mới, những nội dung có thể kế thừa thì viện dẫn, những gì khác biệt, đặc thù thì quy định vào trong dự án Luật.
Về công tác giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động, linh hoạt trong hoạt động giám sát, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm; phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã rất chủ động nắm bắt, nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn để khái quát, hệ thống hóa thành các vấn đề và có những đề xuất, kiến nghị rất đúng, sát với yêu cầu và xu hướng đổi mới hoạt động của Quốc hội, khắc phục được tình trạng “Bắc nước chờ gạo người”, thể hiện rất rõ trong lĩnh vực văn hóa mà Ủy ban phụ trách vừa qua, và sắp tới là lĩnh vực giáo dục.
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Đối với việc tham gia ý kiến đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, tại Phiên họp toàn thể hôm nay, Ủy ban sẽ cho ý kiến về Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để nhìn nhận những kết quả đạt được, những vướng mắc khó khăn trong năm qua để có giải pháp hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đồng thời để có các đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn tới.
Trong năm 2025, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được Quốc hội giao thực hiện chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là nội dung rất quan trọng, vì vậy đề nghị tập thể Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục đổi mới cách làm, cách tư duy trong công tác giám sát, kiến nghị liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Nhấn mạnh lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách có phạm vi hoạt động rộng, nhiều lĩnh vực phức tạp và chuyên sâu, khối lượng công việc lớn với yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tiễn của đất nước; tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên Ủy ban; nghiên cứu lựa chọn nội dung, cách làm phù hợp, để đạt hiệu quả tối đa trong từng công việc. Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, dân chủ, hiện đại trong thời gian tới.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.