Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Xử phạt hơn 250 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tại Quảng Trị

Phương Thúy Thứ ba, 24/12/2024 - 07:44
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị vừa xử phạt hơn 250 triệu đồng đối với một doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng với nhiều sai phạm. Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là gì? Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng ra sao?

Quảng Trị xử phạt 255 triệu đồng đối với doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Thực hiện Quyết định của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, từ ngày 15/11/2024 đến 13/12/2024, Đoàn thanh tra Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã tiến hành thanh tra đối với 01 thương nhân kinh doanh khí trên địa bàn.[1]

Qua công tác thanh tra, Đoàn Thanh tra chuyên ngành đã ghi nhận kết quả việc chấp hành đúng các quy định theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15 /6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí được sửa đổi bổ sung, đồng thời đã chỉ ra các sai phạm, tồn tại trong hoạt động kinh doanh khí (LPG) của đối tượng được thanh tra. Đoàn thanh tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị để xử phạt theo quy định.

Ngày 20/12/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 255 triệu đồng với 04 hành vi: không xây dựng chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định; bán LPG chai cho thương nhân kinh doanh khí không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khí theo quy định; sổ theo dõi LPG chai bán cho khách hàng sử dụng không có đầy đủ các thông tin sau về LPG chai; mua, bán khí khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí đã hết thời hạn hiệu lực.

Xử phạt 460 triệu đối với 5 hành vi vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Đoàn thanh tra của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 01 thương nhân kinh doanh khí có hoạt động sang chiết từ bồn chứa khí qua các LPG chai trên địa bàn thành phố Đông Hà có các hành vi vi phạm.

Trước đó, cũng qua hoạt động thanh tra, vào tháng 10/2024, Đoàn thanh tra của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 01 thương nhân kinh doanh khí có hoạt động sang chiết từ bồn chứa khí qua các LPG chai trên địa bàn thành phố Đông Hà có các hành vi vi phạm. Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền gần 460 triệu đồng.[2]

Quá trình thực hiện công tác thanh tra tại doanh nghiệp, Đoàn thanh tra phát hiện và lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Trị.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 05 hành vi vi phạm: không thông báo bằng văn bản tới các đơn vị trong hệ thống phân phối khi có sự thay đổi về giá bán LPG; bán LPG chai cho thương nhân kinh doanh khí không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khí theo quy định; ký hợp đồng mua bán khí với thương nhân kinh doanh mua bán khí không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khí theo quy định; không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nạp LPG vào chai LPG tại trạm nạp; kinh doanh LPG chai nhưng không lập sổ hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng với tổng số tiền xử phạt là 215.000.000 đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là 245.816.029 đồng.

Kiên Giang xử lý vi phạm đối với 4 cơ sở kinh doanh LPG

Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm trong kinh doanh LPG.

Thực hiện Kế hoạch số 966/KH-QLTTKG ngày 25/10/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong tháng 11/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 04 trường hợp vi phạm trong kinh doanh LPG về các hành vi vi phạm: Mua, bán, lưu trữ chai LPG và LPG chai khi không phải là cơ sở kinh doanh LPG theo quy định; Lưu trữ, thu gom chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký, với tổng số tiền xử phạt và tịch thu hàng hóa gần 70 triệu đồng.[3]

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong lĩnh vực kinh doanh LPG trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh LPG, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; gắn với quyền và nghĩa vụ của thương nhân và ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định an toàn về tồn chứa, xuất nhập, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng LPG.

LPG là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 87/2018/NĐ-CP, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (công thức hóa học C3H8) hoặc butan (công thức hóa học C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khi được nén đến một áp suất hoặc làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng.[4]

Điều kiện kinh doanh khí

Cùng với xăng dầu, khí là một trong những mặt hàng thiết yếu và quan trọng trong đời sống xã hội. Kinh doanh khí là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế, để thực hiện kinh doanh khí, cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện theo quy định pháp luật, một trong số đó là các giấy phép kinh doanh khí.

Cũng như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác, tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh cụ thể của thương nhân mà có các điều kiện khác nhau. Các điều kiện kinh doanh khí được quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí (đã được sửa đổi bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP).[5]

Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai

Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai được quy định tại Điều 10 Nghị định 87/2018/NĐ-CP.[6]

- Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Có hợp đồng tối thiểu 1 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân.

- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều kiện đối với trạm nạp LPG vào chai

Điều kiện đối với trạm nạp LPG vào chai được quy định tại Điều 11 Nghị định 87/2018/NĐ-CP.

- Trạm nạp phải thuộc thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Trạm nạp phải được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng.

- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều kiện chai LPG, LPG chai, LPG chai mini lưu thông trên thị trường

Điều kiện chai LPG, LPG chai, LPG chai mini lưu thông trên thị trường tại Điều 16 Nghị định 87/2018/NĐ-CP.

- Điều kiện đối với chai LPG:

+ Chai LPG trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật;

+ Phải đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định;

+ Có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất theo quy định.

- Điều kiện đối với LPG chai, LPG chai mini:

+ Đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này;

+ Khối lượng, chất lượng LPG trong chai phù hợp với nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng thương nhân đã công bố, được niêm phong đúng quy cách.

Xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG

Tại Chương IV Nghị định 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 11/10/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh khí.[7]

Hành vi vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai

Điều 39 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán lẻ LPG chai nhưng không có hợp đồng bán LPG chai với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán lẻ LPG chai tại cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn để sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Hành vi vi phạm quy định về điều kiện đối với trạm nạp LPG vào chai

Điều 40 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm quy định về điều kiện đối với trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào xe bồn, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí, trạm nén CNG như sau:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào xe bồn, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí, trạm nén CNG chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng;

b) Thương nhân có trạm nạp LPG vào chai không có kho chứa LPG chai đáp ứng quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

b) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn để sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp LPG vào chai mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai theo quy định;

b) Nạp LPG vào chai khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai đã hết hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp khí vào phương tiện vận tải mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào phương tiện vận tải hoặc nạp LPG vào xe bồn mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn theo quy định;

b) Nạp khí vào phương tiện vận tải khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí vào phương tiện vận tải đã hết hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí vào phương tiện vận tải đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi;

c) Nạp LPG vào xe bồn khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn đã hết hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi;

d) Tiếp tục thực hiện hoạt động cấp khí từ bồn chứa cố định hoặc hệ thống giàn chai LPG trực tiếp qua đường ống dẫn đến nơi sử dụng hoặc nén CNG vào các bồn chứa trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động của trạm cấp khí, trạm nén CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Hành vi vi phạm quy định về điều kiện chai LPG lưu thông trên thị trường

Điều 41 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về điều kiện chai LPG, LPG chai, LPG chai mini lưu thông trên thị trường như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh LPG chai không được niêm phong đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về điều kiện chai LPG (bao gồm cả chai LPG mini) lưu thông trên thị trường sau đây:

a) Lưu thông chai LPG trên thị trường không có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất theo quy định;

b) Lưu thông trên thị trường chai LPG không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc chai LPG không được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi LPG chai, LPG chai mini, chai LPG không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Vi phạm về điều kiện sổ theo dõi LPG chai

Tại điểm b khoản 1 Điều 44 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau:

"b) Sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng không có đầy đủ các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận LPG chai."

Tại điểm d khoản 2 Điều 44 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối hành vi vi phạm sau:

"d) Kinh doanh LPG chai nhưng không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng."

[1] Cục QLTT Quảng Trị, Quảng Trị: Xử phạt hơn 250 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 23/12/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/quang-tri-xu-phat-hon-250-trieu-dong-doi-voi-doanh-nghiep-kinh-doanh-khi-dau-mo-hoa-long-1005-4.html

[2] Ngọc Uyên - Phòng NVTH, Cục QLTT Quảng Trị, Xử phạt trên 460 triệu đồng doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 30/10/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/xu-phat-tren-460-trieu-%C4%91ong-doanh-nghiep-vi-pham-trong-linh-vuc-khi-dau-mo-hoa-long-92485-1.html

[3] Hà Quốc Nam - Cục QLTT Kiên Giang, Kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm đối với 04 cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 30/11/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/kiem-tra-dot-xuat-va-xu-ly-vi-pham-doi-voi-04-co-so-kinh-doanh-lpg-tren-dia-ban-tinh-kien-giang-93915-1.html

[4] Điều 3 Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 Giải thích từ ngữ

[5] Nghị định 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

[6] Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 quy định về Kinh doanh khí

[7] Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

Cùng chuyên mục

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.

Công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội, người lao động phải làm thế nào?

Công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội, người lao động phải làm thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội có vi phạm pháp luật không? Công ty giữ sổ bảo hiểm xã hội có bị xử phạt không? Nếu công ty cố tình không trả sổ bảo hiểm xã hội, người lao động nên khiếu nại ở đâu?

Phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo nhập lậu trị giá gần 170 triệu đồng tại Đà Nẵng

Phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo nhập lậu trị giá gần 170 triệu đồng tại Đà Nẵng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn, phát hiện và tạm giữ 2.250 sản phẩm là áo quần nhập lậu, có trị giá gần 170 triệu đồng. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử phạt như thế nào?

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả 'khủng' ở TP.HCM

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả 'khủng' ở TP.HCM

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Mặc dù không có chuyên môn về y dược, hai vợ chồng ở TP.HCM thành lập hai công ty làm bình phong để che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại.

Nghị định 168: Tăng mức phạt lỗi xe không chính chủ, mượn xe người thân có bị phạt?

Nghị định 168: Tăng mức phạt lỗi xe không chính chủ, mượn xe người thân có bị phạt?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Theo Nghị định 168, mức phạt với các xe không chính chủ đã tăng so với trước nên người dân cần biết để tránh mắc phải.

Người đàn ông bị lừa 1,7 tỷ đồng vì mắc bẫy chiêu trò 'việc nhẹ lương cao'

Người đàn ông bị lừa 1,7 tỷ đồng vì mắc bẫy chiêu trò 'việc nhẹ lương cao'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Tin tưởng lời mời chào làm cộng tác viên online tại nhà của các đối tượng, người đàn ông ở Quảng Ninh bị lừa 1,7 tỷ đồng vì mắc bẫy chiêu trò 'việc nhẹ lương cao'.

Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn 1.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng

Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn 1.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Nhóm đối tượng ở Đà Nẵng lập 35 công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép với tổng giá trị hóa đơn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 50 tỷ đồng.

Từ 2025, Công an xã được xử lý vi phạm trên các tuyến đường nào?

Từ 2025, Công an xã được xử lý vi phạm trên các tuyến đường nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Từ 01/01/2025, Công an xã được xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.

Đọc nhiều