Công ty Dầu khí Quảng Ninh bị thu hồi 26,2 tỷ đồng vì mua bán trái phép hóa đơn: Mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý thế nào?
Yến Nhi
Thứ sáu, 08/11/2024 - 11:04
(PLPT) - Một công ty ở Quảng Ninh đã bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng điện tử, áp dụng thủ đoạn "xăng dầu đi một nơi, hóa đơn đi một nẻo". Hiện nay, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Pháp luật hiện hành quy định mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý thế nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh thi hành các lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hoàng Văn Thoan. (Ảnh: Công an Quảng Ninh)
Thu hồi 26,2 tỷ đồng trong vụ Công ty Dầu khí Quảng Ninh mua bán trái phép hóa đơn
Ngày 7/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Cơ quan Cảnh sát điều tra) Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã hoàn tất điều tra giai đoạn 1 trong vụ án "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn" liên quan đến Công ty Dầu khí Quảng Ninh và một số doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 34 bị can.
Công ty Dầu khí Quảng Ninh là một trong những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn tại tỉnh Quảng Ninh, với hệ thống đại lý rộng khắp trên bộ và biển.
Trong quá trình hoạt động, công ty này đã bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) điện tử, áp dụng thủ đoạn "xăng dầu đi một nơi, hóa đơn đi một nẻo".
Đây là vụ việc nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và làm xáo trộn thị trường xăng dầu, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Qua quá trình điều tra từ tháng 4/2023 đến tháng 7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 5 bị can, gồm Bùi Thị Phương (Phó Giám đốc), Đỗ Thị Thọ (Trưởng phòng Kinh doanh), Trương Thị Thúy Hằng (Kế toán trưởng), Nguyễn Bá Vịnh (nguyên nhân viên) và Hà Quốc Khánh (nhân viên Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Cái Lân) về hành vi bán trái phép hóa đơn GTGT điện tử cho nhiều doanh nghiệp, thu lợi bất chính trung bình 8% trên trị giá hóa đơn. Tổng số tiền thu hồi của các đối tượng thu lời bất chính giai đoạn 1 là 26,2 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố 29 bị can khác, gồm 9 người mua trái phép hóa đơn và 20 người trốn thuế. Các đối tượng này là đại lý bán lẻ xăng dầu, các đơn vị kinh doanh xây dựng, vận tải hàng hải, một số doanh nghiệp trong ngành than và xây dựng.
Các đối tượng đã lợi dụng việc các đại lý bán lẻ và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện hợp đồng mua bán với Công ty Dầu khí Quảng Ninh nhưng không lấy hóa đơn, để xuất bán trái phép hóa đơn GTGT điện tử với lượng dầu tương ứng cho các đơn vị khác để hưởng lợi bất chính.
Các đối tượng cũng lợi dụng hợp đồng mua bán xăng dầu với doanh nghiệp ở tỉnh ngoài để gửi xăng dầu tại các kho như ở Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương. Sau đó, bán số xăng dầu này mà không xuất hóa đơn GTGT cho đơn vị mua ngoài tỉnh, trong khi lượng hóa đơn tương ứng lại được bán trái phép cho các đơn vị trong tỉnh.
Trong năm 2020 - 2021, Công ty Dầu khí Quảng Ninh đã ghi hóa đơn bán hàng xuất khống trên 5,5 triệu lít dầu DO 0,05S-II cho khoảng 35 doanh nghiệp, số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn là trên 100 tỷ đồng.
Tiếp tục điều tra giai đoạn 2, ngày 8/10/2024, Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam Hoàng Văn Thoan, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH DK Hoàng Dương, khởi tố Vũ Trường Thương (Trưởng phòng Kinh doanh của công ty này), với tội danh mua bán hóa đơn trái phép, đồng thời thu hồi số tiền hơn 1 tỷ đồng từ lợi nhuận bất chính.
Đối tượng người nước ngoài mua bán trái phép hóa đơn hơn 11 tỷ đồng
Ngày 7/11, Công an tỉnh Hải Dương thông tin về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Zhong DongLiang (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc) về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 203 Bộ luật hình sự.
Các Quyết định trên đã được Viện KSND huyện Cẩm Giàng phê chuẩn theo luật định.
Theo tài liệu điều tra, năm 2020, Zhong DongLiang mở xưởng và thuê người gia công nguyên liệu sản xuất giầy da để xuất bán cho Công ty TNHH Zedong có địa chỉ tại thôn Độc Lập, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam tại địa chỉ thôn Cửa, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Zhong DongLiang chỉ mở xưởng gia công nguyên liệu sản xuất giầy da mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp nên không thể xuất hóa đơn bán hàng hóa theo quy định.
Do đó, để bán được hàng thì Zhong DongLiang đã thỏa thuận với Nguyễn Văn Học (SN 1976, trú tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đang điều hành Công ty TNHH gia công và thương mại Đông Hưng cùng Công ty TNHH cung ứng vật tư ngành giầy da Phúc Tiến để mua hóa đơn không kèm theo hàng hóa dịch vụ của các công ty do Học làm chủ (hóa đơn khống).
Cơ quan điều tra bước đầu làm rõ trong thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 8/2023, Zhong DongLiang đã mua của Nguyễn Văn Học tổng số 40 hoá đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền thanh toán là hơn 11 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan điều tra Công an huyện Cẩm Giàng đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Mua bán hóa đơn trái phép là gì?
Căn cứ theo Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ quy định về việc sử dụng hóa đơn trái phép như sau:
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để cá nhân, tổ chức khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn); Cho hoặc bán hóa đơn đã lập để cá nhân, tổ chức hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; Lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; Dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể hóa đơn được xác định là sử dụng bất hợp pháp, cụ thể:
- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ;
- Sử dụng hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán ra, hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc để gian lận thuế, bán hàng nhưng không kê khai nộp thuế;
- Sử dụng hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không kê khai nộp thuế hoặc gian lận thuế; Để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào nhưng không có chứng từ;
- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác kết luận là trái phép, sử dụng bất hợp pháp.
Hành vi mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý như thế nào?
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Đây là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Chế tài xử phạt hành chính, chế tài hình sự đối với những hành vi này được quy định cụ thể như sau:
Mức xử phạt hành chính hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp
Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với tổ chức có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Như vậy, tổ chức có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng và buộc hủy hóa đơn đã sử dụng. Trừ các trường hợp:
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
- Sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi mua bán trái phép hóa đơn
Căn cứ Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bị thay thế bởi điểm k khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người phạm tội mua bán trái phép hóa đơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các hình phạt sau:
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người có hành vi:
- Mua bán trái phép hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Người phạm tội mua bán trái phép hóa đơn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
- Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng
(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?
(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?
(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.
(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?