Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết có mối liên hệ mật thiết với cái chết của người được bảo hiểm. Sự kiện người được bảo hiểm chết làm phát sinh các vấn đề về thừa kế. Trong thực tế, việc áp dụng các quy định của pháp luật về chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết đối mặt với nhiều bất cập. Trong bài viết, các tác giả tập trung phân tích và làm rõ thực trạng pháp luật liên quan đến việc áp dụng quy định pháp luật về thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết, từ đó chỉ ra bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Thừa kế, Quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết
Abstract: The insurance benefit upon the death of the insured is closely tied to the insured’s death. The death of the insured gives rise to issues of inheritance. In practice, application of legal provisions regulating the payment of life insurance benefits upon the death of the insured has revealed shortcomings. In this article, the authors focus on analyzing and clarifying the current state of the law related to the application of inheritance laws to disburse the insurance benefits upon the death of the insured. Based on this analysis, the authors identify existing shortcomings and propose recommendations for improvement.
Keywords: Inheritance, Insurance benefit payable upon the death of the insured
Một trong những nội dung pháp lý quan trọng và xuyên suốt của quan hệ bảo hiểm chính là nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm (hay còn gọi là nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm[1]) của doanh nghiệp bảo hiểm[2]. Thậm chí, pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định rõ rằng bên mua bảo hiểm có quyền “yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”[3], còn doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”[4] theo thời hạn “đã thỏa thuận trong hợp đồng.”[5] Tuy nhiên, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là nghĩa vụ có điều kiện, tức là chỉ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (trong phạm vi bảo hiểm và không thuộc các trường hợp loại trừ bảo hiểm) thì bên bảo hiểm mới phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm[6]. Nhưng không phải lúc nào sự kiện làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ giống nhau, yếu tố này tùy thuộc vào loại hình và đối tượng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm lựa chọn tham gia. Chẳng hạn, đối với bảo hiểm tài sản thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm nếu có rủi ro trong phạm vi bảo hiểm xảy ra gây thiệt hại cho tài sản bảo hiểm[7], còn đối với bảo hiểm nhân thọ thì doanh nghiệp bảo hiểm lại có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm khi có rủi ro trong phạm vi bảo hiểm xảy ra gây ảnh hưởng đến tuổi thọ hoặc tính mạng của người được bảo hiểm[8]. Điều này đồng nghĩa với việc, tồn tại rất nhiều sự kiện có khả năng làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết, sự kiện làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm lúc này chính là cái chết của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, sự kiện chết này lại làm phát sinh các vấn đề liên quan đến thừa kế[9], từ đó dẫn đến những bất cập về áp dụng quy định pháp luật thừa kế nhằm xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (HĐBHNT). Trả tiền bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết liên quan nhiều đến luật thừa kế mặc dù không phải trong mọi trường hợp đều áp dụng luật thừa kế.[10] Tiền bảo hiểm nhân thọ được chi trả cho những người được xác định trong bảo hiểm nhân thọ và không nhất thiết phải là người thừa kế[11].
Cho đến nay, việc xác định đúng hay sai khi nhận định tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là di sản của người được bảo hiểm và HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng là một dạng của di chúc vẫn chưa thật sự rõ ràng. Điều này dẫn đến thực trạng là cùng một vấn đề nhưng doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và cơ quan giải quyết tranh chấp có những nhận định khác nhau.
Từ các vấn đề nêu trên, có thể thấy rằng nghiên cứu và làm rõ việc áp dụng quy định thừa kế nhằm xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong HĐBHNT và đưa ra kiến nghị hoàn thiện là yêu cầu cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ bảo hiểm nhân thọ. Giải quyết được vấn đề này sẽ tạo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói riêng.
Trước đây, Điều 578 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ; nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm”. Như vậy, lúc này số tiền bảo hiểm sẽ được coi là di sản của người được bảo hiểm sau khi người này chết và nếu không có di chúc thì khoản tiền này sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật[12]. Tuy nhiên, quy định trên không còn được giữ lại trong Bộ luật Dân sự 2015 và pháp luật kinh doanh bảo hiểm cho đến nay vẫn chưa có quy định gì liên quan đến vấn đề này. Điều này dẫn đến hệ quả là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề có hay không áp dụng pháp luật về thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trên thực tế thiếu tính thuyết phục, gây tranh cãi và khó đi đến một quyết định chính thức.
Chẳng hạn, theo Bản án số 828/2006/DS-PT ngày 17/8/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhận định: “Số tiền được hưởng bảo hiểm nhân thọ do ông Lâm đứng tên mua bảo hiểm năm 2001, khi mua ông Lâm có ghi phiếu yêu cầu về người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm là: “Người quản lý kế tiếp của tịnh xá Ngọc Nhân, hưởng 100% số tiền bảo hiểm”. Như vậy, ông Lâm đã xác định tiền này là của tịnh xá cho nên không ai khác là người quản lý kế tiếp của tịnh xá được hưởng là đúng với nhận định trên. Đây cũng là sự tự nguyện của ông Lâm nên yêu cầu chia tiền của các nguyên đơn là không có căn cứ”[13]. Như vậy, quan điểm của Tòa án lúc này là nếu HĐBHNT có nêu rõ tiền sẽ trả cho một người được hưởng thì số tiền đó sẽ giao cho người thụ hưởng[14] và không xem nó là di sản của người được bảo hiểm, điều này cũng đồng nghĩa với việc HĐBHNT có chỉ định nguời thụ hưởng không được xem là một dạng của di chúc[15]. Ngược lại, nếu HĐBHNT không chỉ định rõ người thụ hưởng thì tiền bảo hiểm trở thành di sản và chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế[16]. Khác với quan điểm trên, theo Bản án số 02/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện X, thành phố Y thì Tòa án lại nhận định: “Chị Nguyễn Thị D xác nhận đã nhận khoản tiền 615.000.000 đồng do Bảo hiểm chi trả, do đó chị D là người đã được kế thừa toàn bộ quyền lợi cụ thể là khoản tiền bảo hiểm của anh T để lại thì phải kế thừa cả nghĩa vụ của anh T đối với khoản nợ của bà A […]. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xác định chị Nguyễn Thị D phải có trách nhiệm trả số tiền 340.000.000 đồng cho bà Nguyễn Thị A”[17]. Trên thực tế, khi giao kết HĐBHNT này, anh T có chỉ định con chung của anh T và chị D là người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết nhưng do tại thời điểm anh T chết thì hai con đều chưa thành niên nên chị D với tư cách là người đại diện theo pháp luật đã nhận thay số tiền bảo hiểm này. Tòa án cho rằng tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là di sản thừa kế và người nhận quyền lợi bảo hiểm phải dùng khoản tiền nhận được để thực hiện các nghĩa vụ mà người được bảo hiểm để lại[18]. Tương tự, theo Bản án số 288/2020/DS-PT ngày 21/08/2020 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, Tòa án đưa ra nhận định: “Xét về quan hệ tranh chấp, bà Võ Thị H yêu cầu người duy nhất nhận số tiền bảo hiểm do bà Đ1 chết để lại là ông Nguyễn Tấn Đ trả khoản nợ của bà Đ1 nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là “yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” là đúng theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 […] Ngoài ra sau khi bà Đ1 chết thì ông Đ là người duy nhất nhận toàn bộ tiền bảo hiểm của bà Đ1 với tổng số tiền 1.780.439.700 đồng, vì vậy ông Đ là người phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của bà Đ1 chết để lại nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Đ với tư cách là bị đơn là có căn cứ […] Ông Đ cho rằng số tiền ông Đ hưởng bảo hiểm không đủ thanh toán nợ cho bà Đ1 để lại nên không đồng ý trả tiền theo yêu cầu của bà H là không có cơ sở chấp nhận”. Đối với vụ án này, Tòa án cũng chỉ căn cứ vào việc ông Đ là người duy nhất nhận số tiền này để lại để buộc ông Đ thực hiện nghĩa vụ đối với bà H mà không xác định có phải anh Đ đã nhận số tiền bảo hiểm do bà Đ1 chết để lại vì là người thụ hưởng được chỉ định trong HĐBHNT hay không. Qua đó thể hiện Tòa án cho rằng tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là di sản thừa kế và người nhận quyền lợi bảo hiểm phải dùng khoản tiền nhận được để thực hiện các nghĩa vụ mà người được bảo hiểm để lại.
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ luật học, quan điểm của hầu hết các nhà nghiên cứu theo hướng chỉ khi HĐBHNT không chỉ định người thụ hưởng hoặc có chỉ định người thụ hưởng nhưng người thụ hưởng chết trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác thì tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết mới được xem là di sản của người được bảo hiểm và chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế. Chẳng hạn, theo tác giả Trương Mộc Lâm và tác giả Lưu Nguyên Khánh: “Nếu người tham gia bảo hiểm không chỉ định người hưởng quyền lợi bảo hiểm, hoặc người hưởng quyền lợi đầu tiên và người hưởng quyền lợi tiếp theo đều đã qua đời, khoản tiền bảo hiểm này sẽ là di sản của người tham gia bảo hiểm, theo luật thừa kế thì người thừa kế do luật định sẽ được thừa kế khoản tiền này”[19]. Bên cạnh đó, tác giả Trần Vũ Hải cũng nhận định: “Nếu người mua bảo hiểm không chỉ định người thụ hưởng, thì những người thừa kế của người được bảo hiểm sẽ được nhận tiền bảo hiểm như là một phần của di sản do người được bảo hiểm để lại” [20]. Tương tự, tác giả Đỗ Văn Đại cho rằng: “Nếu người mua bảo hiểm không chỉ định người thụ hưởng, tiền bảo hiểm trở thành một phần di sản và chịu sự chi phối của các quy định về thừa kế”[21].
Quan điểm trên của các nhà nghiên cứu luật học ở nước ta tương đồng với hệ thống pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1991 của Québéc: “Số tiền bảo hiểm trả cho người thụ hưởng không phải là di sản thừa kế của người được bảo hiểm”[22], ngược lại “nếu người mua bảo hiểm không chỉ định người thụ hưởng, số tiền bảo hiểm sẽ thuộc di sản”[23].Tương tự, theo quy định của Bộ luật Bảo hiểm năm 2005 của Pháp, quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết nếu được chi trả cho người thụ hưởng đã được chỉ định rõ thì “không phải là một phần di sản của người được bảo hiểm”[24], nhưng nếu “bảo hiểm tử kỳ được ký kết mà không chỉ định người thụ hưởng, số tiền bảo hiểm hoặc tiền trợ cấp bảo hiểm sẽ trở thành một phần tài sản hoặc di sản của người ký kết.”[25] Hay theo quy định của Luật Bảo hiểm năm 1995 (được sửa đổi năm 2002 vả năm 2009) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong trường hợp không có người thụ hưởng nào được chỉ định hoặc người thụ hưởng chết trước người được bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác thì “quyền lợi bảo hiểm được coi là một phần di sản của người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo quy định của Luật Thừa kế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”[26].
Từ những nội dung được đề cập ở trên, có thể thấy tuy quan điểm của các nhà nghiên cứu luật học về vấn đề áp dụng quy định về thừa kế khi xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết là tương đối thống nhất nhưng thực tiễn xét xử của Tòa án lại còn nhiều điểm khác biệt. Trong khi đó, khả năng xét xử của Tòa án được xem là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc đảm bảo thực hiện pháp luật. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả áp luật cũng như hạn chế những vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề áp dụng quy định thừa kế khi xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết, việc đưa ra hướng dẫn rõ ràng nhằm hướng đến một quan điểm thống nhất đối với vấn đề trên là vô cùng cần thiết.
Liên quan đến những nội dung được đề cập ở trên, nhóm tác giả sẽ trình bày quan điểm đối với hai vấn đề chính: (i) Xác định tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết có phải là di sản của người được bảo hiểm; và (ii) Xác định HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng có phải là di chúc.Qua đó đưa ra câu trả lời cho việc áp dụng quy định thừa kế khi xử lý tiền chi trả trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Đối với vấn đề thứ nhất, quan điểm của nhóm tác giả cho rằng trong trường hợp HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng thì tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết không là di sản của người được bảo hiểm, đồng thời cũng không áp dụng quy định thừa kế khi xử lý khoản tiền trên. Bởi lẽ, quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết chỉ được doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành chi trả sau khi người được bảo hiểm chết và doanh nghiệp bảo hiểm xét thấy có đủ căn cứ để chi trả[27],[28]. Lúc này, chủ thể được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trước hết sẽ là người thụ hưởng được chỉ định trong HĐBHNT[29],[30]. Vì vậy, nhóm tác giả nhận định tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết sẽ được chuyển giao trực tiếp từ doanh nghiệp bảo hiểm cho người thụ hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm (người được bảo hiểm chết) thì tiền bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng được xác định trong HĐBH nên đương nhiên không phải là di sản của người được bảo hiểm. Ngược lại, đối với trường hợp HĐBHNT không chỉ định người thụ hưởng hoặc có chỉ định nhưng người thụ hưởng chết trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác, tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết sẽ được xem là di sản của người được bảo hiểm và chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế. Bởi lẽ, khác với trường hợp HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng, trong trường hợp này doanh nghiệp bảo hiểm không thể xác định được chủ thể có quyền nhận quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết để chuyển giao trực tiếp số tiền bảo hiểm cho họ, do đó buộc lòng phải đặt ra căn cứ làm cơ sở cho việc chi trả.
Giải thích cho căn cứ trên, nhóm tác giả cho rằng có thể xem tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là tài sản phát sinh sau khi người được bảo hiểm chết. Vậy câu hỏi đặt ra là tài sản phát sinh sau khi người được bảo hiểm chết có thuộc di sản thừa kế của họ không? Liên quan đến vấn đề này, quan điểm của nhóm tác giả cho rằng mặc dù có những tài sản hình thành sau khi người được bảo hiểm chết, nhưng nếu tài sản này có được từ quan hệ pháp luật mà khi còn sống họ tham gia với tư cách là chủ thể mang quyền, hoặc những tài sản này gắn liền, phát sinh từ những tài sản của người chết thì vẫn được xác định là di sản của người chết[31]. Tương tự, mặc dù tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là tài sản hình thành sau khi người được bảo hiểm chết, nhưng khoản tiền này có được từ việc họ dùng tính mạng của mình để làm đối tượng bảo hiểm trong HĐBNT[32]. Vì vậy, trong trường hợp HĐBHNT không chỉ định người thụ hưởng hoặc có chỉ định nhưng người thụ hưởng chết trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác thì quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết sẽ trở thành di sản của người được bảo hiểm và chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế.
Tuy nhiên, từ những nội dung vừa được phân tích ở trên, một câu hỏi khác sẽ được đặt ra là trong trường hợp HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng nhưng sau thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (người được bảo hiểm chết) và trước thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm mà người thụ hưởng chết thì số tiền bảo hiểm lúc này sẽ được xác định như thế nào? Số tiền bảo hiểm vẫn sẽ được chi trả cho người thụ hưởng đã được chỉ định hay trở thành di sản của người được bảo hiểm? Theo quan điểm của nhóm tác giả, trong trường hợp này việc xác định sẽ phụ thuộc vào việc tại thời điểm người thụ hưởng chết, doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm hay chưa. Cụ thể, trong trường hợp tại thời điểm người thụ hưởng chết, doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm vẫn sẽ được chi trả cho người thụ hưởng đã được chị định. Còn trong trường hợp tại thời điểm người thụ hưởng chết, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm sẽ trở thành di sản của người được bảo hiểm. Giải thích cho quan điểm trên, nhóm tác giả cho rằng trong trường hợp thứ nhất, thực chất tại thời điểm người thụ hưởng chết thì doanh nghiệp bảo hiểm đã xác định được rằng cần phải chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng được chỉ định trong HĐBHNT[33] và doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đang trong quá trình thực hiện việc chuyển giao số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Do đó, việc người thụ hưởng chết trong thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến quyền nhận quyền lợi bảo hiểm của họ. Ngược lại, đối với trường hợp thứ hai, vì người thụ hưởng chết trước thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm nên điều này đồng nghĩa với việc vào thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm quyết định chi trả quyền lợi bảo hiểm thì người thụ hưởng đã không còn tồn tại. Khi đó, tương tự như đối với trường hợp HĐBHNT không chỉ định người thụ hưởng hoặc có chỉ định nhưng người thụ hưởng chết trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác, doanh nghiệp bảo hiểm không thể xác định được chủ thể có quyền nhận quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết để chuyển giao trực tiếp số tiền bảo hiểm cho họ và buộc lòng phải đặt ra căn cứ làm cơ sở cho việc chi trả. Lúc này, nhóm tác giả xác định quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết sẽ trở thành di sản của người được bảo hiểm và chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế vì cùng những lý do mà nhóm tác giả đã phân tích trước đó[34].
Đối với vấn đề thứ hai, nhóm tác giả nhận định rằng HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng không phải là di chúc. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”[35]. Trên thực tế, chuyển tài sản có thể chỉ là chuyển tài sản theo nghĩa vật lý, nghĩa là chuyển tài sản từ người này sang người khác mà không chuyển quyền sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, chuyển tài sản cũng có thể được hiểu là chuyển quyền sở hữu (ba quyền năng của quyền sở hữu) từ người này sang người khác[36]. Căn cứ theo quy định tại Điều khoản 5, Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015, thuật ngữ “chuyển tài sản” nêu trên thông thường sẽ được hiểu là chuyển quyền sở hữu tài sản[37], quyền hưởng dụng (Điều 258)[38] và quyền bề mặt[39],[40] cho người khác. Nhưng như đã phân tích ở trên thì tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong trường hợp HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng không là tài sản hay di sản của người được bảo hiểm. Nó chính là quyền tài sản hình thành từ hợp đồng và trong HĐBHNT đã chỉ định người được thụ hưởng quyền đó. Bên cạnh đó còn một vài lý do khác khiến nhóm tác giả có quan điểm HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng không phải là di chúc, cụ thể:
Thứ nhất, di chúc là một giao dịch đơn phương, được lập ra từ hành vi pháp lý đơn phương của người để lại di sản. Theo đó, người thừa kế theo di chúc sẽ được hưởng di sản dựa trên ý chí đơn phương của người này. Trong khi đó, HĐBHNT về bản chất lại là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm[41], là giao dịch dân sự được xác lập bởi các bên. Lúc này, người thụ hưởng có quyền nhận quyền lợi bảo hiểm là do họ đã được chỉ định trong nội dung của hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, để một văn bản được coi là di chúc, ít nhất văn bản đó phải thể hiện được ý chí của người chết trong việc chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác. Tuy nhiên, đối với HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng, mặc dù có ý chí của người được bảo hiểm trong việc chỉ định người có quyền thụ hưởng tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm sau khi người được bảo hiểm chết nhưng ý chí này trong nhiều trường hợp chỉ là ý chí “theo sau” ý chí của bên mua bảo hiểm. Ý chí của người được bảo hiểm ở đây chỉ đơn giản là đồng ý hay không đồng ý với sự chỉ định của bên mua bảo hiểm[42].
Thứ ba, người thừa kế theo di chúc được xác định bởi ý chí của người để lại di sản nên có một phạm vi rộng hơn nhiều so với người thừa kế theo pháp luật. Họ có thể là một cá nhân bất kỳ, miễn là đã được xác định trong di chúc mà không cần phải xét đến mối quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống của họ với người để lại di sản[43]. Về lý thuyết, quy định này có vẻ tương tự với quy định về việc chỉ định người thụ hưởng trong HĐBHNT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đặt ra điều kiện về mối quan hệ giữa người thụ hưởng với người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng trong HĐBHNT, thậm chí có doanh nghiệp bảo hiểm quy định nếu người được bảo hiểm là người dưới 18 tuổi thì người thụ hưởng được chỉ định phải là cha, mẹ ruột hoặc người giám hộ hợp pháp của người được bảo hiểm[44]. Do đó, nếu xem HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng là di chúc thì có nghĩa rằng doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay có khả năng giới hạn quyền chỉ định người thừa kế trong di chúc. Đối với nhóm tác giả, điều này là hoàn toàn không thuyết phục.
Thứ tư, HĐBHNT dù có chỉ định người thụ hưởng hay không cũng không thuộc quyền sở hữu của người được bảo hiểm. Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”, trong đó quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản[45]. Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bên mua bảo hiểm có quyền chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc, người được bảo hiểm không phải là chủ sở hữu của HĐBHNT. Vậy liệu có hợp lý nếu xem HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng là di chúc của người được bảo hiểm khi di chúc đó có thể không thuộc sở hữu của chính họ không? Trước đây, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm chỉ đặt ra điều kiện đối với trường hợp chuyển nhượng (bây giờ được gọi là chuyển giao) hợp đồng bảo hiểm như sau: “Việc chuyển nhượng[46] hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp nhận việc chuyển nhượng đó”,[47] ngoài ra không có bất cứ quy định chi tiết hay hướng dẫn thêm nào liên quan đến việc chuyển nhượng HĐBHNT. Theo đó, HĐBHNT thậm chí có thể được chuyển nhượng mà không cần có sự đồng ý của người được bảo hiểm. Hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 tuy đã đặt ra thêm điều kiện “đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển giao phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm”[48], nhưng nhóm tác giả cho rằng sự đồng ý này của người được bảo hiểm cũng không làm thay đổi bản chất về quyền định đoạt của bên mua bảo hiểm.
Thứ năm, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, để một di chúc được coi là hợp pháp thì di chúc đó không được trái với quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, các điều kiện này không đặt ra đối với HĐBHNT. Chẳng hạn, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Nhưng điều kiện này không đặt ra yêu cầu đối với người được bảo hiểm khi giao kết HĐBHNT[49].
Tổng hợp từ những phân tích trên, nhóm tác giả xin đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề áp dụng quy định thừa kế khi xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết như sau:
Thứ nhất, để tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng quy định thừa kế khi xử lý tiền chi trả trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết, nhóm tác giả cho rằng cần đưa ra hướng dẫn giải thích rõ chỉ có thể áp dụng quy định này trong các trường hợp: (i) HĐBHNT không chỉ định người thụ hưởng; (ii) HĐBHNT có chỉ định nhưng người thụ hưởng chết trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không chỉ định người thụ hưởng khác; (iii) HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng nhưng sau thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm và trước thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm thì người thụ hưởng chết. Lý do, như đã phân tích trước đó, trong trường hợp HĐBHNT có chỉ định rõ người thụ hưởng thì tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết không phải là di sản của người được bảo hiểm và quyền nhận tiền bảo hiểm của người thụ hưởng lúc này có từ sự chỉ định của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm. Đây là quyền lợi được hưởng do tham gia bảo hiểm chứ không phải là quyền thừa kế, do đó cũng không áp dụng quy định thừa kế khi xử lý số tiền này. Ngược lại, trong 03 trường hợp vừa được đề cập ở trên, tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết sẽ được xem là di sản và việc xử lý tiền chi trả trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết lúc này cũng sẽ chịu sự chi phối của pháp luật về thừa kế.
Thứ hai, để tránh hậu quả pháp lý khác nhau liên quan đến việc áp dụng quy định thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong HĐBHBH khi người được bảo hiểm chết, ngoài việc xác định tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết có phải là di sản của người được bảo hiểm hay không, nhóm tác giả cho rẳng còn cần đưa ra hướng dẫn giải thích rõ HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng không phải là di chúc nên sẽ không áp dụng các quy định liên quan đến thừa kế trong trường hợp này. Điều đó đồng nghĩa với việc người thụ hưởng khi nhận tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết theo sự chỉ định sẽ không có nghĩa vụ dùng số tiền này để thực hiện các nghĩa vụ do người chết để lại[50], đồng thời cũng không áp dụng quy định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc khi xử lý số tiền trên. Bởi lẽ, quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được áp dụng cho người thừa kế trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó[51]. Nghĩa là, chế định này chỉ được vận dụng khi người có tài sản định đoạt tài sản bằng cách lập di chúc và di chúc phải hợp pháp. Tuy nhiên, như nhóm tác giả đã phân tích, HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng không phải là di chúc nên sẽ không áp dụng quy định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong trường hợp này.
Việc xác định như trên sẽ đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng trong quá trình vận dụng pháp luật liên quan đến vấn đề áp dụng quy định thừa kế khi xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong HĐBHNT khi người được bảo hiểm chết, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như tạo sự ổn định trong hoạt động giải quyết tranh chấp của các cơ quan có thẩm quyền.
Qua những nội dung đã được nhóm tác giả phân tích ở trên, có thể thấy việc xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong HĐBHNT là vấn đề tương đối phức tạp do không chỉ phải tuân theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm mà còn chịu sự chi phối cùa pháp luật về thừa kế. Hiện nay, tuy quan điểm của các nhà nghiên cứu luật học liên quan đến vấn đề áp dụng quy định thừa kế đểxử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong HĐBHNT tương đối thống nhất nhưng thực tiễn xét xử của Tòa án lại còn nhiều điểm khác biệt. Trong khi đó, khả năng xét xử của Tòa án được xem là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc đảm bảo thực hiện pháp luật. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật cũng như hạn chế những vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề này, nhóm tác giả nhận định rằng việc pháp luật đưa ra hướng dẫn rõ ràng nhằm hướng đến một quan điểm thống nhất đối với vấn đề xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong HĐBHNT là vô cùng cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ luật Dân sự năm 2005 (Luật số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005)
[2] Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015
[3] Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Luật số 24/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000)
[4] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010
[5] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019
[6] Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (Luật số 08/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022
[7] Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm
[8] Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm [trans:
[9] Bộ luật Dân sự năm 1991 của Québéc
[10] Luật Bảo hiểm năm 1995 (được sửa đổi năm 2002 vả năm 2009) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
[11] Bộ luật Bảo hiểm năm 2004 của Pháp
[12] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM, NGUYỄN THỊ THỦY VÀ PHAN THỊ THÀNH DƯƠNG (CHỦ BIÊN), NXB. CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI (2024)
[13] Trương Mộc Lâm và Lưu Nguyên Khánh, Một số điều cần biết về pháp lý trong kinh doanh bảo hiểm, Nxb. Thống kê, Hà Nội
[14] NGUYỄN THỊ THỦY, PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM CON NGƯỜI, NXB. HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI (2017) [trans: NGUYEN THI THUY, LAW ON HUMAN INSURANCE CONTRACTS, HONG DUC PUBLISHING HOUSE, HA NOI CITY (2017)]
[15] ĐỖ VĂN ĐẠI, LUẬT THỪA KẾ VIỆT NAM - BẢN ÁN VÀ BÌNH LUẬN BẢN ÁN - TẬP 1 (XUẤT BẢN LẦN THỨ TƯ), NXB. HỒNG ĐỨC - HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM
[16] Nguyễn Thị Hồng Đào, Phân chia di sản theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2017)
[17] Guardien, Life insurance death benefits: What you need to know, https://www.guardianlife.com/life-insurance/death-benefits
[18] Trần Vũ Hải, Một số vấn đề pháp lí về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Tạp chí Luật học, số 07(2006) [trans: Tran Vu Hai, "Some legal issues regarding life insurance contracts", Journal of Legal Studies, No. 07 (2006)]
[19] Liberty Mutual Insurance, What is a death benefit in a life insurance policy?, https://www.libertymutual.com/insurance-resources/life/death-benefit-and-life-insurance
[20] Phùng Trung Tập, “Về quyền hưởng dụng và quyền bề mặt”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15(319) (2016)
[21] Đỗ Văn Đại, “Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hiểm nhân thọ”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 07(119) (2018)
[22] Bản án số 181/2023/DS-ST ngày 29/12/2023 về tranh chấp thừa kế tài sản của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố phố Hà Nội
[23] Bản án số 02/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 về đòi tài sản của Tòa án nhân dân huyện X – thành phố Y
[24] Bản án số 288/2020/DS-PT ngày 21/08/2020 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại của Tòa án nhân dân tỉnh Long An
[25] AIA, Phiếu yêu cầu thay đổi bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, https://www.aia.com.vn/content/dam/vn/vi/form-library/Phieu-yeu-cau-thay-doi-ben-mua-bao-hiem -hoac-nguoi-thu-huong.pdf
* PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, Đại học Luật tp Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 6/1/2025. Email: ntthuy@hcmulaw.edu.vn
** Lê Trúc Đan Thi
[1] NGUYỄN THỊ THỦY, PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM CON NGƯỜI, NXB. HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI, TR. 184 (2017)
[2] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM, NGUYỄN THỊ THỦY VÀ PHAN THỊ THÀNH DƯƠNG (CHỦ BIÊN), NXB. CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, TR. 302 (2024)
[3] Điểm e khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[4] Điểm đ khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[5] Khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[6] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM, NGUYỄN THỊ THỦY VÀ PHAN THỊ THÀNH DƯƠNG (CHỦ BIÊN), NXB. CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, tr. 69 (2024)
[7] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tlđd, 6, tr. 39
[8] Xem thêm: TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tlđd, 6, tr. 374-376.
[9] Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 611 và Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết” và “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Qua đó, có thể thấy rằng sự kiện người được bảo hiểm chết không chỉ là cơ sở để xác định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm mà còn là căn cứ làm phát sinh các vấn đề liên quan đến thừa kế.
[10] Guardien, Life insurance death benefits: What you need to know, https://www.guardianlife.com/life-insurance/death-benefits
[11] Liberty Mutual Insurance, What is a death benefit in a life insurance policy?, https://www.libertymutual.com/ insurance-resources/life/death-benefit-and-life-insurance
[12] ĐỖ VĂN ĐẠI, LUẬT THỪA KẾ VIỆT NAM - BẢN ÁN VÀ BÌNH LUẬN BẢN ÁN - TẬP 1 (XUẤT BẢN LẦN THỨ TƯ), NXB. HỒNG ĐỨC - HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, HÀ NỘI, TR. 82 (2019)
[13] Đỗ Văn Đại, tlđd, 12, 44
[14] ĐỖ VĂN ĐẠI, LUẬT THỪA KẾ VIỆT NAM - BẢN ÁN VÀ BÌNH LUẬN BẢN ÁN - TẬP 1 (XUẤT BẢN LẦN THỨ TƯ), NXB. HỒNG ĐỨC - HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, HÀ NỘI, tr. 83 (2019)
[15] ĐỖ VĂN ĐẠI, tlđd, 12, “Một trong những đặc trưng của di chúc là nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác. Tuy nhiên, lúc này Tòa án đã xác định HĐBHNT có nêu rõ tiền sẽ trả cho một người được hưởng thì số tiền đó sẽ giao cho người thụ hưởng và không xem nó là di sản của người được bảo hiểm”.
[16] Theo Bản án số 181/2023/DS-ST ngày 29/12/2023 về tranh chấp thừa kế tài sản của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố phố Hà Nội, Tòa án nhận định: “Trong hợp đồng bảo hiểm, ông H1 không chỉ định người thụ hưởng số tiền bảo hiểm và cũng không để lại di chúc định đoạt số tiền này […]. Do đó, Tòa án chấp nhận yêu cầu của anh A, chia di sản của ông H1 là số tiền bảo hiểm theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất của ông H1 gồm anh A và bà H”.
[17] Bản án số 02/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 về đòi tài sản của Tòa án nhân dân huyện X – Thành phố Y.
[18] Bản án số 288/2020/DS-PT ngày 21/08/2020 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.
[19] TRƯƠNG MỘC LÂM VÀ LƯU NGUYÊN KHÁNH, MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÁP LÝ TRONG KINH DOANH BẢO HIỂM, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR. 220 (2001)
[20] Trần Vũ Hải, Một số vấn đề pháp lí về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Tạp chí Luật học, số 07, tr. 11 (2006)
[21] Đỗ Văn Đại, Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hiểm nhân thọ, Tạp chí khoa học pháp lý, số 07(119), tr. 61 (2018)
[22] Điều 2455 Bộ luật Dân sự Québec năm 1991.
[23] ĐỖ VĂN ĐẠI, tlđd, 12, 84
[24] Điều L132-12 Bộ luật Bảo hiểm năm 2004 của Pháp.
[25] Điều L132-11 Bộ luật Bảo hiểm năm 2004 của Pháp.
[26] Điều 42 Luật Bảo hiểm năm 1995 (được sửa đổi năm 2002 vả năm 2009) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
[27] Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và khoản 1 Điều 18 Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm
[28] Xem thêm: TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tlđd, 1, 417-421.
[29] Xem thêm: TRƯƠNG MỘC LÂM VÀ LƯU NGUYÊN KHÁNH, tlđd, 17, 220
[30] Xem thêm: Trần Vũ Hải, tlđd, 18, 11.
[31] Nguyễn Thị Hồng Đào, Phân chia di sản theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 11 (2017)
[32] Xem thêm: TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tlđd, 1, 376-378.
[33] Khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định nếu doanh nghiệp bảo hiểm xét thấy có đủ căn cứ để chi trả thì phải thực hiện chi trả trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp này, tại thời điểm người thụ hưởng chết, doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn thành quá trình thẩm định hồ sơ và xét thấy có đủ căn cứ để tiến hành chi trả. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thời hạn là 15 ngày (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) để chuyển giao số tiền bảo hiểm cho chủ thể cho quyền thụ hưởng.
[34] Tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết là tài sản phát sinh sau khi người được bảo hiểm chết
[35] Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[36] Xem thêm: ĐỖ VĂN ĐẠI, tlđd, 12, 308.
[37] Xem thêm: ĐỖ VĂN ĐẠI, 12, 308.
[38] Xem thêm: Phùng Trung Tập, Về quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15(319), tr. 40 (2016)
[39] Điều 268 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[40] Xem thêm: Phùng Trung Tập, tlđd, 35, 44.
[41] Xem thêm: TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tlđd, 1, 279-280.
[42] Theo quy định tại Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định và thay đổi người thụ hưởng, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng thời là người được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm khi chỉ định hay thay đổi người thụ hưởng.
[43] ĐỖ VĂN ĐẠI, tlđd, 12, 129.
[44] AIA, Phiếu yêu cầu thay đổi bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, https://www.aia.com.vn/content /dam/vn/vi/form-library/Phieu-yeu-cau-thay-doi-ben-mua-bao-hiem-hoac-nguoi-thu-huong.pdf
[45] Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[46] Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019) dùng từ “chuyển nhượng” thay vì “chuyển giao” như Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[47] Khoản 2 Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019).
[48] Khoản 1 Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[49] Xem Khoản 2, Điều 39, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Các điều kiện này nhằm mục đích bảo vệ người được bảo hiểm, tránh trục lợi bảo hiểm chứ không phải là điều kiện không đủ khi lập di chúc.
[50] Khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, như nhóm tác giả đã phân tích, trong trường hợp HĐBHNT có chỉ định người thụ hưởng thì tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết không là di sản của người được bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc, người thụ hưởng được chỉ định trong HĐBHNT không nhận tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết với tư cách là người thừa kế của người được bảo hiểm. Do đó, người thụ hưởng lúc này không phải dùng số tiền bảo hiểm đã nhận được để thực hiện các nghĩa vụ do người chết để lại.
[51] Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.