Bộ trưởng Công an: Tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy
Yến Nhi
Thứ năm, 22/08/2024 - 14:26
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy để đánh giá thực trạng, có giải pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội
Tại phiên chất vấn chiều 21/8, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) nêu thực tế còn tồn tại, bất cập về hạ tầng, một số cơ sở còn vi phạm trong chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy; ý thức, trách nhiệm của một số người dân khi còn chủ quan, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Đoàn tỉnh Vĩnh Long) phản ánh một số cơ sở còn vi phạm trong chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy, ý thức, trách nhiệm của một số người dân còn chủ quan. Đại biểu chất vấn, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, do tồn tại của lịch sử, bất cập về cơ sở hạ tầng không theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, không thể khắc phục ngay được mà đòi hỏi có lộ trình trong giải pháp tổng thể về quy hoạch.
"Công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cũng chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng nói.
Trước mắt, Bộ trưởng Lương Tam Quang đưa ra một số giải pháp. Đó là phối hợp với các ngành chức năng tổng rà soát, kiểm tra an toàn, phòng cháy, chữa cháy để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp để hạn chế và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy nổ gây ra.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện nghe nhìn khác dành thời lượng ở khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, khuyến cáo về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy nổ.
Bộ Công an cũng đang xây dựng dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản có liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ và những yêu cầu chung phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của phòng cháy, chữa cháy để xử lý các công trình khi được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Liên quan đến dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày luật có hiệu lực thi hành (Điều 58).
Cụ thể, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy , chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý.
Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình.
Giải pháp xử lý bất cập khi tích hợp giấy phép lái xe
Cũng liên quan đến một vấn đề mà người dân đang quan tâm, Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết cách giải quyết bất cập khi tích hợp giấy phép lái xe, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết thực hiện Luật Căn cước và Luật Giao dịch điện tử, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tạm giữ, tước giấy tờ và đăng ký xe trên ứng dụng định danh Quốc gia VNeID.
Theo ông Quang, từ ngày 1/7/2024, người dân sẽ được xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái và xe cho lực lượng CSGT kiểm tra xử lý thông qua ứng dụng VNeID.
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, trong quá trình xử lý người vi phạm xuất trình được giấy tờ qua VNeID, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử. Trường hợp các giấy tờ liên quan đến người tham gia giao thông đã được tích hợp và cập nhật trên VNeID, các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ cũng được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID và ứng dụng hệ thống thông tin điện tử khác khi có đủ điều kiện, kỹ thuật thực hiện.
"Như vậy, về vấn đề băn khoăn của cử tri, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 để giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng Công an nói.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.